Chương 5

Đâu là con đường đích thực đưa đến Thượng đế? Có phải là ngang qua khổ chế, như một số nhà yoga tin không? Thế còn cái điều gọi là đau khổ là gì vậy? Có phải là đau khổ và phụng sự là con đường đưa đến Thượng đế, như nhiều nhà khổ hạnh nói không? Có phải là chúng tôi tìm được đường lên trời bằng việc “sống tốt”, như rất nhiều Tôn giáo dạy không?. Hay chúng tôi được tự do hành động như mình muốn, có thể vi phạm hay bỏ qua bất cứ lề luật nào, bỏ qua mọi giáo huấn của truyền thống, buông the tác tráng và nhờ vậy tìm thấy Niết bàn, như nhiều người theo hướng Thời Đại Mới nói? Đường nào là đúng đây? Các tiêu chuẩn luân lý nghiêm khắc, hay muốn gì làm nấy, chọn cái nào bây giờ? Các giá trị truyền thống, hay làm- đến -đâu –tô- màu -đến- đấy, cái nào đúng? Mười giới răn, hay Bảy Bước Đến Giác Ngộ?
Ngươi rất cần đến nó. Hoặc cái này, hoặc cái kia, đúng không? Biết đâu lại chẳng phải là cái nào trong đó thì sao?
Tôi không biết nữa, tôi đang hỏi Ngài đấy.
Vậy thì Ta trả lời ngươi để ngươi có thể hiểu rõ ràng nhất – mặc dù Ta bảo ngươi biết ngay bây giờ là câu trả lời của ngươi nằm ở bên trong chính ngươi. Ta nói điều này với hết mọi người nghe những lời của ta và tìm kiếm sự thật ở ta.
Mọi con tim nào khao khát được biết đâu là con đường đưa đến Thượng đế đều được tỏ cho biết. Mỗi người được ban cho một Sự thật thành tâm. Hãy đến với ta theo con đường của trái tim ngươi, chứ đừng đi theo hành vi của trí óc. Ngươi sẽ chẳng bao giờ tìm thấy ta trong trí óc của ngươi.
Để thực sự biết Thượng đế, ngươi phải đi ra khỏi trí óc của mình.
Nhưng câu hỏi của ngươi cần đến một câu trả lời, và ta sẽ không tránh né động lực tìm tòi của ngươi.
Ta bắt đầu bằng một tuyên bố sẽ làm ngươi chưng hửng – và có lẽ sẽ xúc phạm đến sự nhạy cảm của nhiều người. Không hề có những cái gọi là Mười Lệnh Truyền gì cả.
Lạy chúa tôi, không có sao?
Không, không có, Ta ra lệnh cho ai chứ? Cho chính ta sao? Và tại sao các mệnh lệnh ấy lại là bắt buộc? Bất cứ điều gì ta muốn đều có rồi, phải không nào? Thế thì cần gì phải ra lệnh cho ai nữa?
Và nếu như ta ban hành những lệnh truyền ấy, thì chúng sẽ không lập tức được tuân theo sao? Làm sao ta có thể ước muốn rất rất nhiều để có một điều gì, đến độ ta phải ra lệnh về nó – và rồi ngồi xuống một bên và quan sát nó, thật chẳng ra sao cả. Ai đời có kiểu Vua nào như thế nhỉ? Ai đời có kiểu Thủ lĩnh nào như thế?
Nhưng ta bảo ngươi điều này: Ta chẳng phải Vua, cũng chẳng phải Thủ lĩnh. Ta chỉ đơn giản là Người sáng tạo, một người sáng tạo đáng sợ. Nhưng Người sáng tạo thì không cai trị, chỉ sáng tạo – và tiếp tục sáng tạo.
Ta đã tạo ra ngươi – đã chúc phúc cho ngươi – theo hình ảnh của ta. Và ta hứa hẹn và cam kết một số điều với ngươi. Ta nói với ngươi, băng ngôn ngữ rất rõ ràng, mọi thứ sẽ như thế nào với ngươi khi ngươi hòa nhập làm một với ta.
Giống như Mô-Sê, ngươi là người tìm kiếm sốt sắng nhất. Cũng như ngươi bây giờ, Mô-Sê đã đứng trước mặt ta, nài nỉ cho được câu trả lời, ông kêu lên: “Ôi lạy Thượng đế của Cha ông chúng tôi, Thượng đế của Thượng đế tôi, xin đoái thương hiển lộ cho tôi. Hãy cho tôi một dấu chỉ, để tôi có thể nói cho dân của tôi. Làm sao chúng tôi có thể biết chúng tôi là dân được chọn?”
Và ta đã đến với Mô-Sê, cung như ta đến với ngươi lúc này, với một giao ước linh thiêng – một lời hứa vĩnh cửu – một cam kết chắc chắn. “Làm sao tôi có thể chắc chắn được”? Mô-Sê than vãn. “Vì ta đã bảo với ngươi như thế”, Ta nói. “Ngươi có lời Thượng đế”.
Và lời Thượng đế không phải là một mệnh lệnh, nhưng là một giao ước. Đó là.
Mười lời cam kết
Ngươi đã biết rằng ngươi đã chọn con đường của Thượng đế, và ngươi đã biết rằng ngươi đã tìm thấy Thượng đế, vì sẽ có những dấu chỉ sau đây, những thay đổi này trong ngươi:
1. Ngươi sẽ yêu mến Thượng đế hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn ngươi. Và sẽ không còn Thượng đế nào khác đặt ở trước mặt Ta. Ngươi cũng sẽ không còn thờ phụng tình yêu phàm tục, hay thành công, tiền bạc, hay quyền lực hay một biểu tượng nào như thế. Ngươi sẽ dẹp qua một bên những điều ấy, như một đứa trẻ vứt đồ chơi qua một bên. Không phải vì chúng không xứng đáng, nhưng vì ngươi đã bỏ qua được chúng rồi.
Và, ngươi sẽ biết rằng ngươi đã chọn con đường của Thượng đế vì:

2. Ngươi sẽ không dùng danh Thượng đế vô cớ. Ngươi sẽ không gọi đến ta chuyện nhỏ nhặt. Ngươi sẽ hiểu được quyền năng của lời nói, của ý nghĩ, và ngươi sẽ không nghĩ đến việc sử dụng danh của Thượng đế một cách thiếu cung kính. Ngươi sẽ không dùng danh của Ta vô cớ, vì ngươi không thể, vì danh Ta –“ Ta Là” vĩ đại – không bao giờ được sử dụng một cách vô ích (tức là, không đem lại kết quả), và cũng không bao giờ vô ích. Và khi ngươi đã tìm thấy Thượng đế, ngươi sẽ biết điều này.
Và ta sẽ cho ngươi những dấu chỉ khác nữa:

3. Ngươi sẽ nhớ giữ riêng một ngày cho Ta và ngươi sẽ gọi đó là ngàyThánh. Để ngươi không dừng lại lâu trong ảo tưởng của mình thì việc này là để giúp ngươi nhớ được ngươi Là Ai và là Gì. Và rồi chẳng mấy chốc ngươi sẽ gọi mọi ngày là ngày Sabbath, và mọi giây phút là thánh.

4. Ngươi sẽ tôn kính cha, mẹ ngươi – và ngươi sẽ biết ngươi là con Thượng đế Cha Mẹ ngươi trong những gì ngươi nói, làm hoặc nghĩ. Và ngay khi ngươi tôn kính Thượng đế là Cha Mẹ ngươi như thế, và tôn kính cha, mẹ trên trần gian của ngươi (vì họ đã cho ngươi sự sống), ngươi cũng tôn kính mọi người khác.

5. Ngươi biết rằng ngươi đã tìm thấy Thượng đế, khi ngươi thấy ngươi không sát nhân (tức là giết người một cách có chủ ý, không có nguyên do). Vì khi ngươi hiểu ngươi không thể chấm dứt mạng sống của người khác trong bất cứ tình huống nào (mọi sự sống đều vĩnh cửu), ngươi sẽ không chọn kết thúc bất cứ một cuộc nhập thể riêng biệt nào, cũng không thay đổi bất kỳ năng lượng sống nào từ dạng này qua dạng khác, mà không có một sự biện minh linh thiêng nhất. Thái độ tôn kính mới mẻ của ngươi với sự sống sẽ làm ngươi tôn kính mọi hình thức sự sống – kể cả thảo mộc, cây cối và muông thú – và chỉ tác động đến chúng khi nhằm đến sự thiện cao nhất.
Và các dấu chỉ này Ta cũng gửi đến với ngươi, để ngươi có thể biết ngươi đang đi đúng đường.

6. Ngươi sẽ không làm nhơ bẩn sự thanh khiết của tình yêu bằng sự gian dối hoặc lừa đảo, vì đây là sự ngoại tình. Ta hứa với ngươi kho ngươi tìm thấy Thượng đế, ngươi sẽ không phạm vào việc ngoại tình này.

7. Ngươi sẽ không lấy một vật không thuộc sở hữu của ngươi, cũng không lừa gạt, đồng lõa, không làm hại người khác để có được một điều gì, vì hành động này là ăn cắp. Ta hứa với ngươi khi ngươi đã tìm thấy Thiên Chúa, ngươi sẽ không trộm cắp.
Ngươi cũng sẽ không…

8. Nói một điều không thật, và như thế là làm chứng gian, ngươi cũng không…

9. Thèm thuồng vợ người hàng xóm của ngươi, vì tại sao ngươi lại ước ao vợ người hàng xóm, khi ngươi biết mọi người khác đều là bạn đời của ngươi?

11. Thèm thuồng của cải của người hàng xóm ngươi, vì tại sao ngươi lại thèm muốn của cải của hàng xóm, trong khi ngươi biết mọi của cải có thể là của ngươi và của cải của ngươi đều thuộc về thế giới?

Ngươi sẽ biết ngươi đã tìm thấy con đường của Thượng đế khi ngươi nhìn thấy những đấu chỉ này. Vì ta hứa rằng không một ai thực sự tìm kiếm Thượng đế mà lại còn làm chuyện này, họ không thể nào còn tiếp tục những hành vi ấy nữa.
Đó là tự do của ngươi, chứ không phải hạn chế. Đó là những cam kết của Ta, chứ không phải những mệnh lệnh. Vì Thượng đế không ra lệnh về những gì Người đã tạo ra – Thượng đế chỉ nói với con cái của mình. Đây là cách để ngươi biết rằng ngươi đang về đến nhà.
Mô-Sê đã van nài: “làm thế nào tôi biết được? Hãy cho tôi một dấu chỉ”. Mô-Sê cũng hỏi cùng một câu mà ngươi hỏi lúc này. Cũng một câu hỏi ấy, mọi người ở mọi nơi đều đã hỏi câu hỏi ấy. Câu trả lời của Ta vĩnh viễn không có gì khác. Nhưng nó chưa bao giờ và không bao giờ là một mệnh lệnh. Vì ta sẽ ra lệnh cho ai? Và ta sẽ phạt ai nếu mệnh lệnh của ta không được tuân giữ?
Chỉ có mình ta thôi.
Vậy là tôi không cần phải giữ Mười lệnh truyền để được lên Thiên đàng.
Không hề có chuyện “lên Thiên đàng” đâu. Chỉ có một cái biết rằng ngươi đã ở đó rồi. Có một sự chấp nhận, một sự hiểu biết chứ không phải là nỗ lực hay làm việc để đạt được.
Ngươi không thể đi đến nơi ngươi đã ở đó. Để làm điều đó ngươi phải rờ khỏi nơi ngươi đang ở, và điều đó làm hỏng toàn bộ mục đích cuộc hành trình. Điều mỉa mai là là hầu hết mọi người đều nghĩ họ phải rời bỏ nơi họ đang ở để đi đến nơi họ muốn đến. Và thế là họ rời bỏ thiên đàng để đi đến thiên đàng – và đi qua hỏa ngục.
Sự giác ngộ là việc hiểu ra rằng chẳng có nơi nào để đi đến, không có việc gì phải làm, và ngươi không phải trở thành ai khác ngoại trừ người mà ngươi đang là ngay lúc này.
Ngươi đang ở trên một hành trình không đi đến chỗ nào đâu.
Thiên đàng – như ngươi đang gọi đó – không ở nơi nào cả. Nếu ngươi sửa lại chữ cuối cùng thì ngươi sẽ thấy thiên đàng là ở chỗ này.. đây.
Ai cũng nói vậy; Ai cũng nói vậy cả; Nó làm tôi phát điên lên đây; Nếu “Thiên đàng là ở chỗ này đây” thì tại sao tôi không thấy nó? Tại sao tôi không cảm nhận được nó? Và tại sao thế giới lại rối tung lên như vậy?
Ta hiểu được nỗi thất vọng của ngươi. Quả là hầu như tuyệt vọng nếu muốn hiểu tất cả những chuyện này, cung như muốn giúp ai đó hiểu được nó.
Ái chà; Chờ tôi một phút nào; Ngài nói Thượng đế cũng bị thất vọng à?
Thế ngươi cho rằng ai sáng chế ra sự thất vọng? Ngươi cho rằng ngươi có thể cảm nghiệm được điều gì đó mà Thượng đế không làm được sao?
Ta bảo ngươi này: Mọi cảm nghiệm mà ngươi có được thì ta cũng có. Ngươi không thấy rằng ta đang trải nghiệm bản thân ta thông qua ngươi sao? Ngươi cho rằng tất cả những chuyện này là vì mục đích gì khác nào?
Ta không thể biết được chính mình nếu như điều ấy không phải vì ngươi. Ta đã tạo ra ngươi để ta có thể biết được Ta Là Ai.
Giờ ta không làm cho các ảo tưởng của ngươi về Ta phải tan tành chỉ trong một chương sách – vì thế ta sẽ không bảo với ngươi rằng trong hình thức cao siêu nhất của ta, mà ngươi đã gọi là Thượng đế, Ta không cảm nghiệm được sự thất vọng.
Ồ, Thế thì tốt hơn rồi. Ngài làm tôi hoảng lên mất một lúc.
Nhưng điều ấy không phải vì ta không thể cảm nghiệm. Chỉ đơn giản vì ta chọn như thế. Tương tự, ngươi cũng có thể chọn như ta thôi.
Tuyệt vọng hay không thì tôi vẫn thắc mắc làm thế nào mà thiên đàng lại ở ngay đây, còn tôi không cảm nghiệm được nó.
Ngươi không cảm nghiệm được điều ngươi không biết. Và ngươi không biết ngươi đang ở trong “thiên đàng” ngay lúc này, vì ngươi đã không trải nghiệm nó. Ngươi thấy không, đối với ngươi, nó là một vòng luẩn quẩn. Ngươi không thể và không tìm ra con đường để cảm nghiệm điều ngươi không biết, và ngươi không biết điều ngươi chưa từng cảm nghiệm.
Điều mà giác ngộ yêu cầu ngươi làm, là biết một điều ngươi chưa cảm
nghiệm, và nhờ đó cảm nghiệm được nó. Sự biết mở ra cánh cửa đến với kinh nghiệm, và ngươi hình dung nó là một con đường vòng khác.
Thực ra, ngươi biết nhiều hơn những gì ngươi trải nghiệm. Chỉ là ngươi không biết rằng ngươi biết mà thôi.
Chẳng hạn, ngươi biết có một Thượng đế. Nhưng có lẽ ngươi không biết rằng ngươi biết điều đó. Vì thế ngươi tiếp tục chờ đợi để gặp được cảm nghiệm, và trong khi đó thì ngươi tiếp tục có nó. Nhưng ngươi có nó mà không biết – điều ấy cũng giống như việc không có gì hết.
Chà, chúng ta đang đi vòng vòng chỗ này.
Đúng vậy. Và thay vì đi vòng vòng, có lẽ chúng ta nên là chính cái vòng tròn ấy. Đây không nhất thiết phải là một cái vòng luẩn quẩn. Nó có thể là một vòng tròn cao siêu.
Vậy việc từ bỏ có phải là một phần của đời sống thiêng liêng đích thực không?
Đúng, vì cuối cùng thì tất cả Tinh Thần từ bỏ những gì không có thật, và không gì trên đời này là thật, ngoại trừ quan hệ giữa ngươi và ta. Nhưng từ bỏ theo nghĩa cổ điển là khước từ bản thân, và điều này không bắt buộc.
Một vị Tôn sư đích thực thì không “từ bỏ” cái gì. Một vị Tôn sư đích thực chỉ đặt nó qua một bên, giống như sẽ làm với bất kỳ điều gì, vì đối với ông ta, nó không còn tác dụng gì nữa.
Có những người nói rằng ngươi phải chiến thắng những ham muốn của ngươi. Ta bảo ngươi chỉ cần thay đổi chúng. Lần đầu tập làm điều ấy sẽ cảm thấy giống như một kỷ luật gắt gao, nhưng lần thứ hai, đó là một bài thể dục đầy vui vẻ.
Có những người bảo rằng để biết Thượng đế, ngươi phải vượt qua mọi đam mê trần thế. Nhưng chỉ cần hiểu và chấp nhận chúng là đủ rồi. Điều gì ngươi chống cự sẽ còn mãi. Điều gì ngươi chỉ nhìn vào sẽ biến mất. Những người nào quá sốt sắng tìm cách vượt qua đam mê trần thế thường phải làm điều đó rất chăm chỉ, đến độ có thể nói rằng việc này trở thành niềm đam mê của họ. Họ có một “niềm đam mê với Thượng đế”, một ham muốn được biết người. Nhưng đam mê là đam mê, và đánh đổi cái này lấy một cái khác thì không dập tắt nó đi được.
Vì thế, Đừng xét đoán về điều mà ngươi cảm thấy đam mê. Chỉ cần ghi nhận nó, rồi xem nó có phục vụ gì cho ngươi không, xét theo con người và cái mà ngươi muốn là.
Nhớ là ngươi luôn đang trong hoạt động sáng tạo ra chính mình. Trong từng giây, phút ngươi quyết định Ngươi Là Ai và là cái gì. Ngươi quyết định điều này phần lớn thông qua những chọn lựa của ngươi về ai và về điều gì mà ngươi cảm thấy say mê.
Thông thường, một người đang ở trên cái mà ngươi gọi là con đường thiêng liêng sẽ trông có vẻ như khước từ mọi đam mê trần thế, mọi ước muốn của con người. Điều người ấy làm là tìm hiểu nó, nhìn thấy ảo tượng và bước né sang một bên mọi đam mê không giúp gì cho mình – trong khi vẫn yêu mến cái ảo tượng kia vì cái mà nó đem lại cho mình: là cơ hội để hoàn toàn tự do.
Đam mê là cơ hội để đưa hiện hữu vào hành động. Nó cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy sáng tạo. Nó biến đổi khái niệm thành kinh nghiệm.
Đam mê là ngọn lửa thôi thúc chúng ta diễn tả chúng ta thực sự là ai. Đừng bao giờ từ chối đam mê, vì như thế là phủ nhận Người Mà Ngươi là, và Người Mà Ngươi Thực Sự Muốn Là.
Việc hãm mình không bao giờ khước từ đam mê – hãm mình chỉ là khước từ việc bám víu vào kết quả. Đam mê là một tình yêu đang hành động, hành động là hiện diện, được trải nghiệm. Nhưng điều gì thường được tạo ra như một phần của hành động? Sự kỳ vọng.
Sống đời sống của mình mà không kỳ vọng – không có nhu cầu về một kết quả nhất định – đó là tự do. Đó là sự giống Thượng đế. Đó là cách ta sống.
Ngài không bám vào các kết quả sao?
Tuyệt đối không. Niềm vui của ta là sáng tạo, chứ không phải kết quả. Sự từ bỏ không phải là một quyết định nhằm phủ nhận hành động. Đó là quyết định khước từ một nhu cầu về một kết quả cụ thể. Khác nhau nhiều lắm đấy.
Ngài có thể giải thích điều Ngài muốn nói qua câu: “Đam mê là tình yêu đưa hiện hữu vào hành động” không?
Sự hiện diện là trạng thái cao nhất của hiện sinh. Nó là yếu tính tinh truyền nhất. Nó là khía cạnh “hiện tại phi hiện tại” “tất cả phi tất cả” ‘’luôn luôn- không bao giờ” của Thượng đế.
Hiện diện thuần túy là Thượng đế thuần túy. Nhưng với chúng ta, sự hiện hữu đơn thuần thôi không đủ. Chúng ta luôn khát khao trải nghiệm điều chúng ta là – và điều ấy đòi hỏi cả một phương diện khác của thần tinh, gọi là hành động.
Giả sử ở tại trung tâm Bản Ngã huyền diệu của ngươi, ngươi là cái phương diện của thần linh được gọi là tình yêu (đây cũng là sự thật của ngươi).
Bây giờ tình yêu là một chuyện – và làm điều gì đó một cách yêu thương là chuyện hoàn toàn khác. Linh hồn mong muốn làm điều gì đó về cái nó là, để nó có thể biết được chính mình trong kinh nghiệm của chính nó. Thế nên nó sẽ tìm cách hiện thực hóa ý niệm cao nhất của nó qua hành động.
Nỗi thôi thúc làm điều này gọi là đam mê. Giết chết đam mê là giết chết Thượng đế. Đam mê là Thượng đế đang muốn nói “xin chào”.
Nhưng ngươi thấy đấy, một khi Thượng đế (hoặc Thiên-Chúa-ở-trong-Ngươi) làm được việc yêu thương ấy, Thượng đế đã hiện thực hóa chính nó, và không cần gì thêm nữa.
Con người, mặt khác, lại thường cảm thấy mình cần một thu hoạch trên số vốn đầu tư. Nếu chúng ta muốn yêu thương ai, tốt – nhưng tốt hơn là chúng ta có được một ít tình yêu đáp lại. Cùng một loại.
Đây không phải là sự đam mê, đây là sự kỳ vọng.
Đây là nguồn mạch lớn nhất đem lại bất hạnh cho con người. Nó là cái tách lìa con người với Thượng đế.
Sự từ bỏ tìm cách chấm dứt sự chia lìa này qua cái kinh nghiệm mà một số nhà thần bí phương đông đã có gọi là Samadhi. Đó là sự hợp thành và hoa nhập với Thượng đế, là sự tan chảy và hòa lẫn vào trong thần tính.
Vì thế, việc từ bỏ từ bỏ các kết quả - nhưng không bao giờ, không bao giờ từ bỏ niềm đam mê. Thật ra bậc Tôn sư biết bằng trực giác rằng đam mê chính là con đường. Nó là đường đưa đến hiện thực hóa Bản Ngã.
Thậm chí, trong những chuyện thuộc về đời sống, Ta cũng có thể nói rằng nếu ngươi không đam mê một thứ gì, ngươi chẳng hề có sự sống.
Ngài nói rằng “Ngươi chống cự cái gì, nó còn mãi, và cái ngươi chỉ nhìn vào, sẽ biến mất”. Xin Ngài giải thích thêm chỗ này?
Ngươi không thể chống lại một điều mà ngươi không ban cho nó thực tại. Hành vi chống lại điều gì đó là hành vi ban cho nó sự sống. Khi ngươi chống lại một năng lượng, ngươi đặt nó ở đó. Càng chống lại, ngươi càng làm nó hiện thực hơn – bất kể ngươi đang chống lại cái gì.
Điều mà ngươi mở mắt ra nhìn, sẽ biến mất. Tức là nó thôi không còn giữ được hình thức ảo ảnh của nó nữa.
Nếu ngươi nhìn vào điều gì – thực sự nhìn vào nó – ngươi sẽ nhìn thấy xuyên qua nó, và xuyên qua bất cứ ảo tượng nào nó đang giữ đối với ngươi. Chỉ để lại thực tại tối hậu trong tầm nhìn của ngươi. Đối diện với thực tại tối hậu, ảo tưởng của ngươi không còn sức mạnh gì. Nó không thể nào giữ ngươi trong gọng kìm yếu ớt của nó nữa. Ngươi nhìn thấy sự thật của nó và sự thật sẽ giải phóng ngươi.
Nhưng Nếu Ngài không muốn điều Ngài đang nhìn vào biến mất thì sao?
Ngươi sẽ luôn luôn muốn điều đó? Chẳng có gì trong thực tại của ngươi để theo đuổi đâu. Nhưng nếu ngươi muốn chọn cái ảo tượng trong đời ngươi thay vì thực tại tối thượng, ngươi chỉ tái tạo lại nó thôi – cũng như ngươi đã tạo ra nó để khởi đầu từ nó. Theo hướng này có lẽ ngươi có thể có trong cuộc đời mình điều ngươi chọn có và xóa khỏi đời ngươi điều ngươi không còn muốn cảm nghiệm nữa.
Nhưng đừng bao giờ chống lại bất cứ điều gì. Nếu ngươi nghĩ rằng bằng việc chống lại, ngươi sẽ loại trừ được nó thì hãy nghĩ lại đi. Ngươi chỉ trồng cho nó vững chắc vào chỗ ấy thôi. Ta đã không bảo ngươi rằng mọi ý nghĩ đều có sức sáng tạo sao?
Ngay cả một ý nghĩ rằng tôi không muốn điều đó?
Nếu ngươi không muốn nó, tại sao còn nghĩ về nó làm gì? Đừng thêm nghĩ về nó lần thứ hai. Nhưng nếu ngươi phải nghĩ về nó – tức là, nếu ngươi không thể thôi nghĩ về nó – thì đừng chống lại. Thay vì như vậy, ngươi hãy nhìn vào mọi thứ một cách trực tiếp – hãy chấp nhận thực tại như là sáng tạo của ngươi – rồi mới chọn có giữ nó hay không, tùy ý ngươi.
Điều gì sẽ chỉ đạo chọn lựa ấy?
Người và cái mà Ngươi nghĩ Ngươi Là. Và Người và cái mà Ngươi
Chọn Là.
Điều này chỉ đạo mọi chọn lựa – mọi chọn lựa trong đời ngươi.
Và như vậy, sống từ bỏ có phải là một con đường sai lầm không?
Đó không phải là một chân lý. Cụm từ “từ bỏ” mang nhiều ý nghĩa sai lầm. Thật vậy, ngươi không thể từ bỏ một cài gì cả - vì điều ngươi chống lại sẽ tồn tại. Từ bỏ đích thực thì không từ bỏ, nhưng chỉ là chọn khác đi. Đây là hành vi di chuyển đến điều gì đó, chứ không phải đi xa một điều.
Ngươi không thể rời xa một điều gì, vì nó sẽ chạy theo ngươi khắpmọi nơi. Vì thế đừng chống lại cám dỗ - mà chỉ cần quay đi khỏi nó. Hãy quay về phía ta và quay lưng với những gì không giống ta.
Nhưng hãy nhớ điều này: Không hề có một cái gì là con đường không đúng – vì trên hành trình này ngươi không thể “không đi đến nơi ngươi sẽ đi.
Vấn đề chỉ là tốc độ thôi – chỉ là vấn đề khi nào ngươi sẽ đến đó –thậm chí ngay cả điều này cũng là một ảo tượng vì không hề có “khi nào”, cung không có “trước” hoặc “sau”. Chỉ có hiện tại, một giây phút vĩnh cửu liên tục, trong đó ngươi đang cảm nghiệm về chính mình.
Thế thì mục đích là ở chỗ nào? Nếu không có con đường nào là không “dẫn tới dó”, Vậy thì mục đích cuộc sống là gì? Tại sao tôi lại cần phải lo lắng về tất cả mọi thứ tôi làm?
Ồ, dĩ nhiên ngươi không cần. Nhưng ngươi nên hành động cho tốt trong cương vị người quan sát. Chỉ cần ghi nhận ngươi đang là ai và là cái gì, ngươi đang làm gì, có gì và xem xem nó có phục vụ ngươi không.
Mục đích của cuộc đời không phải là đi đến nơi nào – mà là ghi nhận rằng ngươi đang và đã ở đó rồi. Ngươi đang ở, mãi mãi và mãi mãi, ở trong giây phút của sáng tạo thuần túy. Vì thế mấu chốt của cuộc sống chính là sáng tạo ra Người và cái Ngươi là và rồi cảm nghiệm điều đó.