Độc đáo hội chọi trâu Đồ Sơn

Bán đảo Đồ Sơn ngút ngàn những rừng thông, lồng lộng gió khơi xô sóng tràn vào những bãi cát mịn màng. Nơi hùng vĩ núi non kề liền mênh mông biển cả tạo nên cảnh sắc thiên nhiên kỳ ảo này có nhiều sự tích và những công trình kiến trúc cổ mang dấu ấn lịch sử. Đồ Sơn còn nổi tiếng với hội chọi trâu, một sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo.

Qua các truyền thuyết và thần tích ở Đồ Sơn thì những vị tổ đầu tiên lập nghiệp đã chọn nghề đánh cá. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn thủa sơ khai, con người tự tìm một đấng quyền uy linh thiêng làm chỗ dựa. Giấc mơ gặp tiên ông xem cặp trâu chọi nhau trên bãi biển và vết tích "Điểm tước đại vương" là điềm lành cho các vạn chài ở đây. Họ tôn vinh thần chim biển trừ diệt loại cá kình hung dữ, giúp dân yên ổn làm ăn là thành hoàng. Hội chọi trâu tuyển chọn con vật thắng cuộc dâng hiến thần có từ thời xa xưa, và trở thành nguồn cội trong đời sống tâm linh người Đồ Sơn. Thời điểm chính mở hội là ở bước chuyển từ vụ cá nam sang vụ cá bắc, là lúc ngư nhàn ít mưa bão. Những đặc điểm vừa nêu lý giải sự khác biệt của hội chọi trâu Đồ Sơn với những loại hình lễ hội thường thấy.

Sau một thời kỳ bị gián đoạn, năm 1990, hội chọi trâu được khôi phục. Hàng chục nghìn người sở tại và các vùng lân cận đổ về chứng kiến và cổ vũ. Không tránh khỏi những lúng túng nhưng các nhược điểm đã được khắc phục dần. Phần lễ vẫn giữ những nét cơ bản. Các phường cử người dâng hương ở đền Nghè thuộc phường Vạn Hương, lấy nước giếng về thờ. Rồi rước kiệu bát cống và long đình, bát biểu, cờ, lọng dẫn trâu trình thần, dùng dàn nhạc bát âm đưa đường, và hành lễ tại đình làng. Trâu đoạt giải đem tới đình tạ thần. Những thủ tục rườm rà được tước bỏ. Phần hội có thay đổi cho phù hợp điều kiện và hoàn cảnh mới. Hai vòng đấu loại và đấu chính vào các ngày 8-6 và 9-8 lịch âm, được sắp xếp bài bản hơn. Sới chọi đưa sang khu đất rộng cạnh đường 14. Thời gian hội không kéo dài, chỉ gọn một ngày cho từng vòng đấu. Những người trực tiếp điều khiển và phụ trợ hội dùng trang phục cổ. Điệu múa "khai hội" cũng cải tiến với lối trình diễn biến hóa và đa dạng, giàu hình tượng chứ không đơn giản là những động tác tiến và lùi. Hội được bổ sung các hoạt động đua thuyền, biểu diễn nghệ thuật, chơi cờ tướng, thả đèn trời.

Lệ cũ Đồ Sơn là tính số trâu chọi theo đóng góp suất đinh của các giáp, kèm những kiêng kỵ khe khắt. Không giao trưởng giáp có tang nuôi trâu và không để phụ nữ chăn dắt trâu. Số trâu chọi ở Đồ Sơn thời trước nhiều nhất là 12. Nay, là các đơn vị kinh tế và một hộ hoặc vài hộ gia đình tự nguyện đảm nhiệm, ít vướng mắc trong những quy định gò bó. Chủ các trâu chọi không tính toán đơn thuần về kinh tế. Mục tiêu là hướng vào góp phần gìn giữ di sản của cha ông, tạo không khí hội hè vui vẻ và có trâu thắng là một vinh dự lớn. Tính vô tư, sòng phẳng, công khai và dân dã của hội chọi trâu là đặc điểm nổi bật. Xưa, chỉ có một giải duy nhất là khẩu xăm-phương tiện hành nghề biển, bây giờ thêm giải nhì, giải ba và giải tặng trâu đánh hay, phần thưởng quy thành tiền. Trâu chọi là con vật chủ yếu trong hội, không phải có một dòng riêng, một thứ hàng bán sẵn ở các chợ. Nói chung, trâu Việt Nam là loài thú lớn có nguồn gốc hoang dã, được thuần hóa vào hậu kỳ đá mới, cách ngày nay chừng bốn đến bốn nghìn năm trăm năm. Mua trâu chọi là cuộc săn lùng vất vả, gian truân. Đồ Sơn lưu truyền một bài văn vần mô tả 16 điều tỉ mỉ về đầu, mặt, trán, tai, sừng, hàm, tóc, khoang cổ, ức, các khoáy, khung sườn, mình, chân, đuôi, bụng, bộ phận giao phối và những thói quen bộc lộ khí chất bên trong của trâu, cố nhiên là trâu đực. Kiếm được trâu đủ các tiêu chuẩn đã đúc kết là rất khó. Ông Lê Bá Tuyền là tay sành chọn trâu, chú trọng ba điểm cơ bản. Mắt trâu xếch, nhỏ, đen, lòng trắng có tia đỏ là gan góc. Sừng là bộ đao kiếm cần to, rộng, thành vuông, vênh, đà về phía vai và cao. Và cuối cùng là thể lực trâu khỏe, dẻo dai. Năm 1993 và 1994, ông có trâu số 20 đoạt giải nhất, trâu số 22 được giải nhì. Ông Hoàng Đình Phúc ưa loại trâu vùng đầm lầy ven biển Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và nói rõ là mắt trái có quầng nhiều vòng càng tốt. Nếu có sừng gấu đá là gan lì. Nên chọn trâu trường mình, ức cao, lông dày, da sần sùi, móng tròn và khít, cổ cò, đít nhót, máng nước hẹp, kín hơi, đủ tám răng. Sáu lần tranh giải, năm 1994 và 1998, trâu của ông đều đoạt giải nhất. Ông Phạm Văn Căn cất công lên Hà Giang kén trâu núi và con số 12 trong vòng đấu loại năm 1999 tỏ ra dũng mãnh, đánh bại trâu số 8 của ông Phạm Văn Vị. Trong bốn phường ở Đồ Sơn, thường xuyên có trâu thi chọi, Ngọc Hải đứng đầu với năm giải nhất. Để chiếm được giải cao, bên cạnh ưu thế ngoại hình trâu, phần lớn là công sức nuôi dưỡng và tập luyện. Trâu được chăm sóc chu đáo. Ăn cỏ ngon và cám, cơm, pha chút mỡ trăn cho dễ tiêu hóa và tăng khả năng chịu đựng nóng, rét, uống vitamin B1, khi vào chọi cho uống sâm. Chuồng trâu sạch và thoáng. Tắm kỹ trâu hằng ngày. Luyện trâu khá công phu. Trâu phải tập chạy, lội bùn, leo núi, thích nghi với những biến đổi thời tiết nhằm nâng sức chịu đựng, dẻo dai. Tùy từng trường hợp, có thể vót sừng nhọn hoặc múi khế. Tập cho trâu bạo dạn trước đông người và âm thanh huyên náo, mầu sắc rực rỡ trong hội. Đánh thức khả năng tự vệ và tiến công bằng các động tác "nhử" hoặc "ghé" trâu giữa hai bên cổng sắt. Trong các cuộc chọi, trâu được rút mũi dây ở một khoảng cách nhất định. Chúng lao thẳng vào nhau. Trận đấu dữ dội với nhiều tình huống gay cấn. Có miếng vồ, đánh dập, luồn sừng bẻ, lật ngược đối thủ. Miếng gảy, dùng sừng đánh vào bất kỳ chỗ nào tiếp giáp. Hiểm hóc là miếng quỳ, hai chân trước gập xuống, mài mặt sát đất, day sừng lấy cáng tống hầu và miếng chọc mắt. Những lối đánh này không thể dạy, nó là bản năng và nảy sinh khi trâu "kháp sới". Khá nhiều đôi trâu đánh quyết liệt, có trận kéo liền 40 phút đồng hồ, có con tuột sừng vẫn đánh hăng và chiến thắng. Sự dũng mãnh, ngoan cường của trâu chọi là biểu tượng gửi gắm ý nguyện và khí phách của người Đồ Sơn giàu tinh thần thượng võ.

Nhận thức sâu sắc và trân trọng một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn hai tỷ đồng xây dựng sân vận động đa năng, là địa điểm của hội chọi trâu và đáp ứng các hoạt động thể thao, văn nghệ. Đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào sân tôn cao gần nửa mét chống lụt lội, có hàng rào chắn và ba khán đài bao chung quanh, chứa được hàng chục nghìn người. Vòng đấu loại của hội chọi trâu từ các phường được chuyển về đây cùng với vòng chung kết, và được tổ chức trong mùa du lịch để thu hút khách trong nước và quốc tế đến Đồ Sơn. Cơ chế linh hoạt, tranh thủ các nguồn tài trợ cho hội, trích 40% tiền bán vé hỗ trợ phường và các chủ trâu là biện pháp động viên có hiệu quả. Việc kiện toàn, củng cố ban tổ chức hội giúp công tác chỉ đạo có nền nếp. Hội đã bảo tồn được những giá trị truyền thống quý báu, khơi dậy tiềm năng, sự sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của quần chúng, tạo niềm phấn khởi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Năm nay, vừa chẵn một thập kỷ của Hội chọi trâu Đồ Sơn kể từ khi khôi phục. Vòng đấu ngày 18-9 tới (đúng mồng 9 tháng 8 Kỷ Mão) có 11 trâu sẽ tranh giải vô địch. Giới chuyên môn dự đoán trâu của các ông Nguyễn Văn Căn, Hoàng Gia Thơm, Đoàn Đình Phúc và Hoàng Đình Phúc có nhiều triển vọng cống hiến những miếng đánh hay. Một ngày hội tưng bừng đang mời gọi và công chúng chờ đợi sự phân định ngay trên sới chọi trong tiếng trống âm vang của Hội chọi trâu Đồ Sơn.

(Theo Nghiêm Thanh)

HELLBOY