III- NỘI TÂM TÒA THÁNH


Xuống lầu, qua khỏi “Tịnh Tâm Điện” du khách thấy liền 3 cái “Ngai” xây trên bậc. Mỗi bậc dày độ 3 tấc làm bằng đá mài, đánh bóng sáng loang loáng...



3 chiếc Ngai và rắn 7 đầu
gọi “Thất đầu Xà”

Ba cái Ngai nầy như ba chiếc cẩm đôn nhỏ, đúc bằng xi măng sơn màu trắng chấm phá màu xanh và màu hồng như hình thức một bông sen vậy.

Ba cái Ngai nầy được siết liền nhau bởi hình một con rắn khổng lồ, uốn mình quấn lại.

Con rắn nầy có bảy cái đầu, gọi là “Thất đầu Xà”. Nhưng, chỉ có ba đầu đưa lên phía sau dài giữa của Hộ Pháp ngự mà thôi.

TẠI SAO BA ĐẦU ẤY ĐƯA LÊN?


Đó là tượng trưng: Hỉ, Ái, Lạc, tức là ba tình trong thất tình. Bởi, theo Thánh giáo thì người tu phải tự chế ngự để thắng thất tình, chớ không diệt được thì phải nuôi dưỡng Hỉ, Ái, Lạc.

TẠI SAO CÒN BỐN ĐẦU KIA HẠ XUỐNG
HAI BÊN TẢ VÀ HỮU CỦA ĐÀI HỘ PHÁP NGỰ?


- Đó là tượng trưng: Nộ, Ố, Ái, Dục, tức bốn tình trong thất tình. Cũng theo Thánh giáo, người tu phải chế ngự được bốn tình nầy mới có thể thắng khổ được.

Phía sau ngai Hộ Pháp, có khắc Hán tự, là một chữ “KHÍ” thật to để thờ, tượng trưng bảo tồn sự sống miên trường của vạn loại, bởi ý nghĩa “Khí sanh Quang” châu lưu khắp Càn Khôn Vũ Trụ.

- Thuở sanh tiền, Đức Hộ Pháp mặc đại phục: bộ giáp, đầu đội kim khôi toàn màu vàng. Trên kim khôi có thể tam sơn (giống như chỉa ba ngạnh) tượng trưng Chưởng quản Tam thiên cõi Tây Phương Cực Lạc. Chơn đia hia trên chót mũi có chữ “PHÁP”. Ngoài giáp thì choàng mão bào. Tay hữu bên Đạo (bên Thượng Phẩm) cầm giáng ma xử (thể hiện sự lấy Đời chế Đạo), nên tả cầm xâu chuổi Bồ Đề (lấy Đạo chế Đời). Ngang lưng cột sợi dây lịnh sắc ngay giữa bụng (thể hiện qui nhứt Bí pháp và Thể pháp).

Bộ đồ nầy chỉ mặc khi cúng Đại Lễ.

Còn Tiểu Lễ thì mặc bộ tiểu phục toàn màu vàng (màu Đạo Phật) đầu đội Hỗn Ngươn Mao màu vàng, bề cao một tấc: ngay trước trán có thêu ba Cổ Pháp Tam Giáo (Cuốn Xuân Thu, Cây Phất Chủ và Bình Bát Du), ngay trên ba Cổ Pháp ấy có chữ ‘PHÁP”. Chơn đi giày vô ưu màu trắng, nơi chót mũi có chữ “PHÁP”. Lưng nịt dây lịnh sắc y như Đại Phục.

Hiện nay chiếc Ngai giữa để trống.

Chiếc Ngai bên tả của Hộ Pháp, hiện nay mỗi khi chầu lễ Chí Tôn, thì Đức Thượng Sanh ngự.

Thượng Sanh mặc Đạo Phục toàn máu trắng, ngoài mặc áo lá màu xanh có viền chỉ tuyến bạc, đầu bịt “Thanh Cân” (nghĩa là một bao đảnh xanh), lưng mang dây Thần Thông (nghĩa là một đường lụa đỏ) và nịt dây lịnh sắc y như của Hộ Pháp, song mối dây thả ngay bên tả.

Nơi lưng giắt Thư Hùng Kiếm, bí pháp tạo thế và chuyển thế; tay hữu cầm Phất Chủ; tay tả nắm xâu chuổi từ bi, bí pháp đem Nhơn Sanh vào cửa Đạo. Chơn đi giày vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ “THẾ” (Hán tự). Hoặc mặc bộ tiểu phục bằng hàng trắng, lưng cốt dây lịnh và thả mối y như Đại Phục; đầu đội mão chính giữa có thêu “Thư Hùng Kiếm” và “Phất Chủ”, trên có đề chữ “THẾ”.

Chiếc Ngai bên hữu hiện nay có đúc pho tượng hình Đức THƯỢNG PHẨM, mặc đại phục toàn màu trắng, ngoài mặc áo lá màu xanh, có viền chỉ kim tuyến bạc, đầu để trần; chơn đi giày vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ “ĐẠO”, lưng cũng buộc dây lịnh (y như của HỘ PHÁP) song mối thả bên hữu. Tay cầm cây Long Tu Phiến. Trên đầu Long Tu Phiến, ngay giữa có Cây Phất Chủ, bí pháp đưa các chơn hồn đầy đủ công tu vào Tam thập lục Thiên; tay tả nắm xâu chuổi Từ bi, bí pháp lấy Đạo độ rỗi Nhơn Sanh.

Dưới chiếc ngai này là năm cấp bậc, dùng để 12 vị THỜI QUÂN (Chức sắc HIỆP THIÊN ĐÀI) đứng chầu lễ CHÍ TÔN.

Xem xong sự tôn nghiêm và tìm hiểu vài chi tiết huyền bí của các Ngai kia, rồi du khách sẽ hoa mắt lên, khi nhìn trước mặt thấy những cột đúc hình Rồng, sơn đủ sắc màu chói chang rực rỡ. Hai bên vách Tòa Thánh đúc hình Hoa Sen, Gương Sen và Ngó Sen trong những khuôn hình tam giác, giữa có Thiên Nhãn phản chiếu các tia rẽ quạt một cách linh động.