Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 23. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông
1. Thanh tra viên chuyên ngành Thông tin và Truyền thông đang thi hành công vụ có thẩm quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a và c khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
đ) Thực hiện các quyền quy định tại điểm 2 khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và khoản 2 Điều 48 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
2. Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
e) Thực hiện các quyền quy định tại điểm 1 khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
3. Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
e) Thực hiện các quyền quy định tại điểm 1 khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 24. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành khác
Trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước được Chính phủ quy định, Thanh tra viên và Chánh Thanh tra các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong việc cung cấp hoặc sử dụng các dịch vụ ứng dụng chuyên ngành trên Internet thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Điều 25. Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các khoản 4, 5 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Điều 30 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi tại Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2007 trong phạm vi địa bàn do mình quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính về Internet được quy định tại Nghị định này.

Điều 26. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường
Cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9, 11 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đối với những hành vi vi phạm hành chính về Internet có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình quản lý được quy định tại Nghị định này.

Điều 27. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
2. Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại các Điều 23, 24, 25 và 26 Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc quy định tại điểm 3 khoản 17 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 28. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt
1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
2. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và khoản 27 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
3. Các vụ việc vi phạm hành chính bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định.

Chương IV
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM


Điều 29. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về Internet hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền. Trong thời gian chờ kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, cá nhân bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt.
2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những vi phạm hành chính về Internet theo các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Internet.
4. Thẩm quyền, thủ tục, trình tự, thời hạn khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 30. Khởi kiện hành chính

Việc khởi kiện ra toà án đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 31. Xử lý vi phạm
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Internet mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người bị xử phạt vi phạm hành chính về Internet nếu có hành vi cản trở, chống đối người đang thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 32. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2009.

Điều 33. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

HẾT