SỰ QUAN TRỌNG CỦA THẤT SƠN

QUAN TRỌNG VỀ MẶT CHIẾN LƯỢC

Nằm trong khu tam giác Tịnh Biên – Nhà Bàng – Tri Tôn, vùng Thất Sơn choán một địa thế bề dài lối 30 km, bề ngang độ 17 km, (khoảng 1/7 diện tích tỉnh Châu Đốc) và trở thành một pháo đài thiên nhiên vô cùng kiên cố vùng biên giới, án ngữ cả vùng bờ biển Hà Tiên, Rạch Giá.

Thật vậy, từ cổ chí kim, từ Âu sang Á, không một chiến lược gia nào có thể phủ nhận cái phần ưu thắng về tính cách địa hiểm của núi non trong việc điều binh khiển tướng.



Vua Lê Thái Tổ, nhà anh hùng áo vải ở núi Lam Sơn, trong mười năm kháng chiến với quân Minh đã phải ba lần rút về núi Chí Linh để cố thủ.

Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, trong hai chục năm chống Pháp đã nổi danh là «Hùm Yên Thế » vì chiếm được núi Yên Thế làm hơi hiểm cứ.

Chúa Nguyễn Hoàng cũng đã hiểu rõ sự quan trọng của núi non về mặt chiến lược nên trước khi mất có dặn người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên rằng: Đất Thuận, Quảng nầy bên Bắc thì có núi Hoàng Sơn, sông Linh Giang, bên Nam thì có núi Hải Vân và núi Bí Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ…»

Vua Đinh Tiên Hoàng (Vạn thắng vương) đã dẹp loạn sứ quân, dựng nên nghiệp cả nhờ giữ được động Hoa Lư, hay Trương Lương đã rực rỡ thành công nhờ biết lui về Ba Thục để lập chiến khu (chiến lược nầy đã làm cho Tưởng Giới Thạch phải thán phục và học đòi bằng cách rút về Trùng Khánh để trường kỳ kháng Nhựt).

QUAN TRỌNG VỀ MẶT KINH TẾ

Đã quan trọng cho việc quốc phòng (về mặt chiến lược như trên đã nói), vùng Thất Sơn lại còn quan trọng cho dân sinh về mặt kinh tế, vì nó bảo trợ và chi phối những vùng đồng ruộng phì nhiêu bao la bát ngát (Đồng Tháp Mười và Đồng Cà Mau) được thấm nhuần bởi con sông Cửu Long và những sông ngòi kinh rạch chi chít khắp nơi, rất tiện cho việc cho việc trồng trọt cấy cày và giao thông vận tải.

Dưới đây xin lược kê vài nguồn lợi phong phú của vùng nầy về nông sản, chăn nuôi, lâm sản, khoáng sản, giang sản và hải sản:



a. Về nông sản, người ta lại còn chia ra nông sản chánh và nông sản phụ.

Nông sản chánh gồm có lúa và dừa.
+ Lúa (món ăn căn bản của người Việt Nam và là sản phẩm quan trọng nhứt) chiếm tám chục phần trăm (80%) các nguồn lợi. Diện tính trồng trọt ở Nam Việt được trên 30 ngàn mẫu tây và số sản xuất hằng nắm trên 4 triệu tấn (số liệu năm 1955). Về phương diện lúa gạo, Việt Nam ta đứng vào hạng nhứt nhì ở Đông Nam Á. Sở dĩ được vậy là nhờ các vùng đồng ruộng mênh mông thuộc châu thổ sông Cửu Long và đồng Cà Mau. Bởi lẽ đó, người ta gọi mấy vùng nầy là vựa lúa của nước Việt Nam.

+ Dừa (một loại cây kỹ nghệ rất hữu ích) cũng được trồng trọt rất nhiều trong các vùng nầy, nhứt là ở Mỹ Thọ và Bến Tre.

Về nông sản phụ thì lại có cây thực phẩm và cây công nghiệp:
+ Cây thực phẩm khác như: bắp, khoai đậu, mè, mì, sắn, tiêu, mía, trái cây (cam, quít, ổi, chuối…)
+ Cây công nghiệp cũng có nhiều để cung cấp nguyên liệu cho các xưởng máy như: bông vải, gai, thuốc lá, đậu phộng.

b. Về sự chăn nuôi tuy còn kém khuyết nhưng gà, vịt, heo, dê, trâu, bò cũng có thể gọi là đủ dùng.

c. Về lâm sản, vùng thất Sơn có rất nhiều gỗ quí như: cà chất, câm xe, cẩm lai, giá tị, trắc, sến, nu, sao… Những rừng rú điệp điệp trùng trùng lại còn cung cấp vô số củ nâu, dây trại, dây mây và vô số dược liệu như: đầu khấu, sa nhơn, chỉ xác, đỗ trọng…

Ở vùng đồng bằng có các nơi ven biển như: Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau lại còn có kho vô tận dừa lá, chun bầu, bần, tràm, đước, vẹt, lác, đưng… dùng vào việc xây dựng nhà cửa cho dân cư hoặc để cắt củi hầm than bán lại cho dân gian và ngoại bang tiêu thụ.

d. Về khoáng sản, ngoài thứ đá làm nhà ở Châu Đốc, Long Xuyên và đá làm vôi ở Hà Tiên, đồi núi Ba Thê ở Long Xuyên (gần Thất Sơn) còn có vàng, huống gì Thất Sơn còn tiềm ẩn nhiều khoáng sản quý chưa dò tìm hết.



e. Về thủy sản thì bất tất phải có nhiều, vì ai mà chẳng biết miền Tây Nam bộ chi chít sông ngòi kinh rạch có vô số cá tôm, nuôi sống gia đình quanh năm sống bằng lọp, câu, chài, lưới và cung phụng cá mòi, cá linh, cá cơm cho ngành chế biến nước mắm.

g. Về hải sản, tưởng không cần phải nói nhiều về sự quan trọng của nghề đánh cá ở vùng duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau và nghề làm muối ở Bặc Liêu.

Một ký giả ngoại quốc nói rằng tỉnh Bặc Liêu có 4 kho vàng vô tận là: vàng vàng (lúa), vàng xanh (cây làm củi), vàng đen (than củi) và vàng xám (muối).

QUAN TRỌNG VỀ MẶT PHONG THỦY

Bàn về địa lý (phong thủy) ta nên đặc biệt quan tâm đến những trọng điểm nầy: Thất Sơn nằm trên địa phận tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang) và sông Cửu Long chảy qua tỉnh nầy.

Mà Thất Sơn tức là Bửu Sơn hay Bảo Sơn, là núi quí báu vô ngần, hiển linh tột bực. Nơi đây đã có nhiều vị tu hành chứng quả Phật, Tiên, Thần, Thánh. Chính phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã phát tích tại vùng nầy.

Còn Cửu Long tức là Bảo Giang. Con sông nầy được coi như là con sông quí báu, vì nó là con sông dài thứ 12 trên hoàn cầu (hơn 4.500 km), phát nguyên từ bên Tây Tạng, dãy núi Hi Mã Lạp Sơn cao nhứt hoàn cầu (8.840 m) và là nơi Đức Phật Thích Ca đã đắc quả chánh đẳng chánh giác. Con sông nầy chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia, qua Việt Nam (nhứt là tỉnh Châu Đốc) rồi tuôn ra biển Đông với chín cửa biển (cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Bà Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Bách Xắc, cửa Tranh Đề), vừa kết tụ nguyên khí, vừa phát triển đủ thứ địa hình.



Nhìn kỹ bản đồ Việt Nam thì ta thấy Cù lao Kết từ Vàm Nao đến Phnom Penh, giống hình một con qui, mỏ quay về Vàm Nao (2). Mà « con quy » ấy đã nằm giữa Tiền Giang và Hậu Giang lại ở vào khoảng giữa (tức Trung Ương) Thất Sơn và Cửu Long. Theo nguyên lý nam thất nữ cửu thì Thất Sơn thuộc Dương, Cửu Long thuộc Âm.

Địa hình có âm dương tương hội thế ấy tất nhiên là địa linh. Mà địa linh tất sanh nhơn kiệt. Sông thế ấy, núi thế kia phải đào tạo được những trang hào kiệt phi thường, (Giang sơn chung tú phi thường).

Về mặt địa lý, ông A.T.Y. trong quyển CON ĐƯỜNG NÀO ?, có dựa theo tài liệu quyển HUYỀN DIỆU THIÊN THƠ mà ông đã may mắn được một dị nhơn tặng cho ở vùng Thất Sơn (mong rằng đây là sự thật !) để nói về sự linh thiêng mầu nhiệm của miền Nam nước Việt như vầy:

«Khoa địa lý dạy rằng: hễ một dòng sông bắt nguồn từ nơi đất địa hiển linh, núi cao ngàn năm không người ở, rừng rậm ngàn năm không ai tới lui, phóng lượn sóng nghênh ngang ngàn thu không cạn, thì con sông ấy sẽ kết tụ nơi huyệt Long Đảnh một địa huyệt rất linh hiển, phì nhiêu về vật chất, cao siêu tột bực về tinh thần. Cửu Long giang là một dòng Bảo giang oanh liệt, oai nghiêm, kết liên với núi Thất Sơn, Cửu Long giang xuất hiện ra 12 huyệt huyền diệu, chấm đậm nét hùng vĩ trên bản đồ.

« Bắt đầu khởi kết tụ nguyên khí âm dương xây nên địa huyệt thứ nhứt tại Thất Sơn (Châu Đốc). Chỗ ấy ba huyệt thiên tiên hiệp lại làm Nê hườn cung, xuất hiện đúng ngày linh hiển tam huê tụ đảnh mùi hương lạ kỳ bí mật bay ra từ núi Sam đến núi Tượng. Chỗ ấy là cân não, cốt tủy của Cửu Long: tên nó được hưởng ứng theo luồng điện thiên nhiên, oai nghiêm, từ bi, hùng vĩ đời sau gọi là Kim Thành huyệt. Đó là huyệt Dương đã hiện, Cửu Long kết lần với hai cốt núi âm phong, cô độc, liên hiệp thành cặp mắt Hà Tiên và Phú Quốc là Thủy Trung huyệt. Tây Ninh, núi Điện Bà là Huỳnh Môn huyệt, hai đảnh núi ấy thuộc về Âm kết tụ ngươn khí tại Trung Ương tạo nên Ấn Đường huyệt (Dương) để khai mở luồng điển quang cho các huyệt kia vừa ngưng tại lối miệt Long Xuyên, Bình Mỹ (một dãy cù lao lớn chạy dài từ Bình Mỹ xuống gần đến Cần Thơ).

«Từ Kim Thành huyệt phóng xuống mũi Cà Mau và núi Kỳ Vân, hai huyệt dương nữa, một bên thì thành sống mũi Cửu Long chấm đến Cà Mau (tức là Lâm Huyền huyệt) một bên thì hàm rồng tại Kỳ Vân (tức là huyệt Bích Ngọc). Đồng cân với hai huyệt âm (Thủy Trung huyệt và Huỳnh Môn huyệt) hiện ra một huyệt thứ sáu (Bình Nam huyệt) tại núi Côn Lôn là chót lưỡi của Cửu Long.

« Sáu huyệt âm dương vừa kết tụ ngươn khí thì tại Trung Ương huyệt, yết hầu Cửu Long vừa khai mở gần Cần Thơ bây giờ, gọi là Trung Ương Cửu Long huyệt. Lần lần ba cửa mở ra: cửa Đại, Tiểu, v.v… vừa thành tựu (năm Nhâm Thìn 1892) khiến cho ba nguồn thủy dựng tại Bình Nam châu chuyển động (lưỡi Cửu Long) làm cho các miền ở chánh cửa khẩu phải bị nạn lụt (Vàm Cỏ, Gò Công, Bến Tre và các cù lao nhỏ v.v…) ba ngày ba đêm. Đó là bảy huyệt linh thiêng chánh gốc của xứ Việt Nam mới ngưng kết được lối 100 năm nay. Sự linh thiêng tân tạo là đầu Cửu Long giang, một nguồn Bảo giang thiên cơ đã định phải chói rạng sự huyền diệu. Vì địa linh ấy mới sanh nhơn kiệt, các vị thanh tổ kim thời hễ thuộc âm mạng thì phải xuất hiện (chớ không phải giáng sanh) dạy đời trong ba huyệt Âm (Thủy Trung huyệt, Huỳnh Môn huyệt và Bình Nam huyệt) còn thuộc Dương thì phải xuất hiện ở Thất Sơn, Kỳ Vân và Cà Mau (Kim Thành huyệt, Bích Ngọc huyệt và Lâm Huyền huyệt).

Đọc đến đây, chắc sẽ có người cho rằng khoa địa lý là một môn học gồm toàn những sự mê tín dị đoan, vu vơ huyển hoặc. Đối với những bạn đọc ấy, chúng tôi xin thưa: Nếu quả thật sự xét đoán như thế là đúng thì cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và ông Tả Ao tức Nguyễn Đức Huyện, người làng Tả Ao huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An đã chẳng được nổi tiếng và lưu danh vì giỏi khoa địa lý. Và nếu vậy thì làm gì đời Hán, Trương Tử Phòng phải soạn ra sách Bình xa ngọc xích; đời Tấn Quách Phú phải soạn ra sách Táng kinh; đời Tống. Trương Tử Vi phải soạn ra sách Ngọc túy chơn kinh; Trần Đoàn phải soạn sách Kim tỏa bí quyết; đời Nguyên, Lưu Bỉnh Trung phải soạn sách Kim đầu quyết táng pháp? (3)

QUAN TRỌNG VỀ MẶT TÂM LINH

Có lẽ không ai còn ngờ vực về non có ảnh hưởng to tát đối với tinh thần, chí hướng của con người. Nhìn lại lịch sử nước nhà, ta thấy phần đông những bực anh hùng dân tộc hay những thi sĩ siêu nhân hoặc những đấng siêu phàm đều có chịu ít nhiều ảnh hưởng của núi non… Đó là do khí thiêng hun đúc mà cũng tại vì sự hùng vĩ của núi non rừng rú nó làm cho con người được chí tại cao sơn, tâm ư thượng đỉnh.

Ngoài trường hợp của những vị anh hùng những nhà chí sĩ cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh (hai tỉnh có lắm núi non) chúng tôi xin kể thêm vài trường hợp khác để làm bằng chứng.

1. Vua Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) khởi nghĩa chống quân Minh ròng rã mười năm trường và rốt cuộc đã nên công đại định là một vị anh hùng áo vải ở núi Lam Sơn.

2. Nguyễn Trãi, người đã giúp mưu cơ cho vua Lê Lợi chiến thắng quân Minh và đã viết bài « Bình Ngô đại cáo », một áng văn kiệt tác, vẫn còn mãi lưu truyền trong sử sách – là người khi về già đã lên Côn Sơn di dưỡng tính tình và an nhàn tự toại, ngâm khúc Côn Sơn ca.

3. Cụ Trạng Trình rành khoa địa lý, lại thông biểu bộ Thái Ất Thần Kinh, viết ra nhiều lời truyền sấm mà khi trở về già lại ẩn chốn lâm sơn tác thi dưỡng trí (thơ này góp lại thành quyển « Bạch Vân thi tập »), sống một cuộc đời thanh bần nhàn nhã. Những câu thi dưới đây đủ chứng minh một cách hùng biện trạng thái tâm hồn của cụ lúc đó.
Một bầu một bát vững sơn tăng.
Hay là Khách nhàn sơn dã dưỡng thân nhàn.

4. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, vị anh hùng dân tộc đã lật đổ Nguyễn, diệt tan Trịnh, đánh bại Mãn Thanh, thống nhứt cả Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 18 là người ở trại Tây Sơn gần đèo An Khê, trên đường đi Pleiku Kontum.

5. Nguyễn Quang Thiếp tức La sơn Phu tử, một bực danh nho cao sĩ, chánh kiến quang minh, biết lẽ tiến thoái tồn vong nhờ thuật số học (lý học, phong thủy và sấm kỷ), đã được vua Quang Trung mời nhiều lần để hỏi ý kiến và cầu sự cộng tác – là người gốc ở huyện Nghi Xuân, gần núi Hồng Lĩnh, nơi đã sản sinh không biết bao nhiêu danh nho, danh tướng, sau về ngụ ở huyện La Sơn nên người ta kêu tặng ông là La Sơn Phu tử. Lúc về già, ông lên ẩn náu chốn núi rừng.

Trong « Hạnh Am ký » (bài ký viết trong Am May), La Sơn Phu tử chép như vầy: Bởi vậy, ta bỏ hết học khoa cử, chuyên đọc các sách Tính lý, Tứ thơ, Ngũ kinh đại toàn. Vui cùng rừng hố. Núi sông miền Nam châu, dấu chơn có gần khắp…

6. Cụ Nguyễn Du, tức Tố Như tiên sinh, tác giả quyển Kim Vân Kiều – một áng văn tuyệt tác làm cho các nhà văn trong nước và ngoại quốc nhiệt liệt hoan nghinh – là một thi nhân đã từng lê dấu chơn trên chín mươi chín ngọn núi Hồng Lĩnh.

Trên đây là nói những bực tiền bối phần đông đã thấm nhuần thuyết tu tề trị bình của Nho giáo và đã xa cách ta đến mấy thế kỷ.

Ảnh hưởng của núi non Thất Sơn đối với những vị học Phật tu Nhân gần đây lối 150 năm trở lại, như: Đức Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, Ông Sư Vãi Bán Khoai, ông Cử Đa, chư đại đệ tử của Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Giáo Chủ…

Thật vậy, nếu xưa kia Đức Thích Ca đến Rạch Ni Liên Thuyền trên Linh Khứu Sơn (trong dãy Hi Mã Lạp Sơn) và « thấy cỏ cây cảnh bắt tham thiền » nên « ngồi khổ hạnh sáu năm bên ấy » để được đắc đạo thì ngày nay các vị Giáo chủ hay các vị đại đệ tử trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương cũng phải có một thời gian tu tâm luyện tánh trong các núi non am cốc nơi chốn Thất Sơn, ẩn mình nơi điện Tam Thanh, điện Rau Tần hay điện Quan Âm chẳng hạn. Cái đó có khác nào trong truyện Tây Du nói Tôn Ngộ Không đến Phương Thốn Sơn, học Đạo với Bồ Đề Tổ Sư tại Linh Đài Tà Nguyệt Tam tinh động. Hay trong truyện Phong Thần nói Khương Tử Nha lên Côn Lôn Sơn thọ giáo với Ngươn Thỉ Thiên Tôn tại động Ngọc Hư… (4)

CHÚ THÍCH

1. Cù lao Kết: Người xưa quen gọi phần đất phù sa nằm giữa hai sông Tiền và Hậu, gồm ba huyện An Phú, Tân Châu và Phú Tân tỉnh An Giang ngày nay.

2. Vàm Nao: Xa xưa có tên là Hồi Oa, Thuận Vàm, nhánh sông nối liền Tiền giang và Hậu giang, vàm trên là chỗ ngã ba Đình Hòa-Hảo, vàm dưới là chỗ chợ Mỹ Hội Đông, dài khoảng 6000 thước. Nay vẫn còn gọi là sông Vàm Nao.

3. Cũng nên nói thêm đôi điều về khoa địa lý (hay phong thủy). Khoa nầy thường được áp dụng trong việc lập thành quách, cất đình chùa, hoặc làm nhà cửa, để mồ mả. Đất làm nhà cửa gọi là dương cơ, còn đất để mồ mả thì gọi là âm phần. Về dương cơ, người ta ít khi kén chọn chỗ đất, mà chỉ lấy hướng cho hạp. Còn về âm phần thì người ta thường nhờ thầy địa lý đi tìm một cách cẩn thận.

Theo phép địa lý thì trước hết phải phân biệt hình đất làm năm loại chánh là: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Người ta lại còn tùy theo cuộc đất giống hình vật gì mà phân biệt các kiểu đất quí như: lục long tranh châu, phụng hoàng ẩm thủy, tê ngưu vọng nguyệt, quần tiên hội ẩm, hổ trục quần dương, v.v… Cũng có những kiểu đất hình con rùa, con cá, con voi, con ngựa, cái cờ, cái ấn, ngòi bút, thanh gươm v.v… Khi đi tìm đất thì trước phải tìm tổ sơn, rồi dò long mạch theo thế dất đặng tìm huyệt. Hễ là huyệt trường thì tất phải có tiền ám hậu chẫm, tả long hữu hổ; mặt tiền phải có minh đường thủy tụ hội, mặt hậu phải có long mạch thu thúc, mặt ngoại phải có bàng sa triều củng. Cuộc đất như thế là chỗ tụ khí tàng phong, quả là chơn huyệt.

4. Đến đây, chúng tôi tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc để luận giải ít điều về hai bộ truyện nầy.

Truyện Tây Du và truyện Phong Thần là hai bộ lịch sử tiểu thuyết Tàu vô cùng lý thú. Bộ Tây Du nói về sự tu Phật của Khưu Trường Xuân Chơn nhơn (tu Tiên) viết. Còn bộ Phong Thần nói về sự tu Tiên, lại do Bạch Vân Thiền sư (tu Phật) viết. Hai vị là người đồng thời và đều tỏ ra – bằng cách tưởng tượng và xây dựng chung quanh một sự kiện lịch sử rằng người tu Tiên cũng am hiển việc tu Phật và kẻ tu Phật cũng biết rõ việc tu Tiên.

Vậy chúng ta xem truyện Tây Du nên hiểu rằng Đường Tăng Tam Tạng thâu phục ba người học trò và con ngựa của Ngài cỡi là tượng trưng cho người tu hành (có tâm Phật) chế ngự được tâm phàm. Tôn Ngộ Không (ngụ ý gặp được cái lý chơn không) hay Tôn Hành Giả, (người dấn thân trên bước đường Đạo), một con người cốt khỉ, tượng trưng cái vọng tâm của người sơ tâm, nó lao chao như con vượn chuyền nhánh nầy qua nhánh họ (tâm viên). Con ngựa của Đường Tăng cỡi, tượng trưng cái ý phóng túng, buông lung, bất định của con người mới tu, nó giống như con ngưạ khó kiềm cho đứng yên được (ý mã). Trư Bát Giát (ngụ ý tám điều răn cấm), một người cốt heo, tượng trưng sự mê ăn, mê ngủ thích nhục dục, lại ngu dốt như con heo (mê si). Sa Tăng (ám chỉ người theo hạnh Sa môn trong Tăng già) giết người ăn thịt, lấy sọ người đeo trên cổ, tượng trưng sự hung hăng nóng nảy (sân nộ) v.v… Chớ sự thật không có Tôn Hạnh Giả, Bát Giái hay Sa Tăng, chỉ có thấy Trần Huyền Trang, một tăng sĩ đã phụng mạng vua Đường đi qua ẤN ĐỘ thỉnh kinh do Đức Thích Ca thuyết hồi đời nhà Châu (nghĩa là hơn một ngàn năm trước nhà Đường).

Xem truyện Phong Thần, chúng ta nên suy gẫm về chỗ nầy. Cũng thời tu Tiên mà có người thuộc phe Xiển giáo, có người thuộc phe Triệt giáo. Vì duyên nghiệp, căn cơ khác nhau nên mỗi vị có một định mạng khác nhau: Khương Tử Nha mặc dù ở non tu luyện hơn 40 năm trường nhưng cũng phải xuống thế làm quan; Đổng Toàn mặc dù tài phép tinh thông mà không làm y theo lời Thầy nên phải đứng bảng Phong Thần; Pháp Giái mặc dù bại trận, sắp bị mạng vong nhưng có Phật Chuẩn Đề rước về Tây Phương Cực Lạc vì hạnh đức cao dày; Dương Tiễn, Vi Hộ, Lôi Chấn Tử và bốn cha con Lý Tịnh mặc dù dày công hạn mã và có đủ điều kiện để hưởng lộc Triều đình nhưng vẫn quyết định cáo từ về non tu luyện, sau bảy vị đều được nhục thân thành thánh…

Tích xưa như thế, chuyện nay khác gì !