kết quả từ 1 tới 20 trên 37

Ðề tài: Thất Sơn Mầu Nhiệm

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #3

    Mặc định

    THẤT SƠN THU VỀ ĐẤT VIỆT CUỐI CÙNG CUỘC NAM TIẾN

    Thất Sơn xưa kia nằm sâu trong nội địa nước Thủy Chân Lạp, và đã từng được thổ dân của nước ấy coi là một lãnh vực quan trọng: người tu hành cho là một chốn danh lam huyền bí, có thể vào đó mà tu luyện dễ thành; nhà chỉ huy quân sự thì coi là một vùng hoa địa, lại có thể cứ hiểm trường kỳ mà kinh bang lập quốc; kẻ côn đồ cướp bóc lại cậy vào đó làm chổ lẩn lút lánh thân, chiêu la đồ đảng. Vì thế, trên bước đường Nam tiến của dân tộc Việt, đất Hà Tiên là một xứ ở biên thùy dị vực (sau lưng dãy Thất Sơn) đã lọt vào nước ta từ năm 1714 mà mãi đến 45 năm sau (1759), mức cuối cùng của cuộc Nam tiến, Thất Sơn mới được thu về đất Việt.

    Năm Đinh Sửu (1757), vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Neac Ang Snguôn) mất, chú họ là Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuận) làm Giám quốc xin dâng đất Trà Vang và Ba Thắc (1) để cầu được chúa Vũ Vương (chúa Nguyễn Phúc Khoát) phong cho làm vua. Song liền sau đó, Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh nổi loạn giết đi mà cướp lấy ngôi vua (1758).

    Bấy giờ con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu với Mạc Thiên Tích (2). Thiên tích dâng sớ tâu bày các việc của nước Châp Lạp vừa xảy ra và đề nghị ủng hộ cho Nặc Tôn được về nước làm vua, kế vị cho cha. Vũ Vương bằng lòng và sai tướng sĩ Ngũ dinh tại Gia Định hợp với Mạc Thiên Tích mà lo việc ấy, Trương Phúc Du vâng lịnh đem binh đánh dẹp. Nặc Hinh thua chạy và sau bị kẻ thuộc hạ giết. Hoàng tử Nặc Non cùng một ít họ hàng nhà vua bôn đào sang xiêm.

    Mạc Thiên Tích đưa Nặc Tôn về nước rồi lập lên làm vua, và được Vũ Vương phong cho chức Phiên Vương.

    Để đền lại cái ơn rất trọng hậu của Vũ Vương Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long (1759), trong ấy có cả vùng Thất Sơn quan trọng mà ngót 100 năm (1658 – 1759), từ khi bắt đầu có cuộc đụng chạm với người Việt, lúc nào người Chân Lạp cũng hoặc dùng làm nơi trú ẩn, hoặc nương vào vị trí hiểm trở mà tiến binh. Ngoài ra Nặc Tôn còn cắt thêm năm phủ: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Sài Mạc (Cheal Meas), Chưng Rừm, Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ Sré – Ambel đến Peam) để riêng tạ ơn Mạc Thiên Tích. Mạc Thiên Tích đều đem dâng về cho Vũ Vương. Vũ Vương cho sáp nhập vào trấn Hà Tiên (3).

    Muốn ngăn ngừa sự khuấy nhiễu của người Xiêm La và Chân Lạp, ta lại đặt ra nhiều đồn lũy cố thủ.

    Về đường bộ, miền đông và miền trung: một đạo binh Côn Man (4) đóng ở Tây Ninh và một đạo đóng ở Hồng Ngự (Châu Đốc), liên lạc nhau do đường tắt biên giới (Đồng Tháp Mười), Soài Riêng. Miền Tây: một đạo đánh ở Tịnh Biên để án ngữ Thất Sơn và liên lạc với hai đồn binh: Giang Thành và An Giang.

    Về đường thủy, lập đồn ở hai bên bờ Cửu Long Giang, gần nẻo biên thùy:

    1. Tân Châu đạo ở Tiền Giang (quân đóng tại Cù Lao Giêng).
    2. Châu Đốc đạo ở Hậu Giang (quân đóng ở bến An Giang, liên lạc với Tịnh Biên để phòng ngự Thất Sơn).
    3. Đông Khẩu đạo ở Sa đéc (làm hậu thuẫn cho hai đạo tiền phong: Tân Châu và Châu Đốc.

    Thế là trọn một thế kỷ kể từ khi Nam tiến, đất Chân Lạp hoàn toàn thuộc về nước Việt Nam ta, và dãy Thất Sơn trùng điệp hiên ngang nằm dọc sau sông Cửu Long kia đến mức sau cùng của cuộc Nam tiến mới chịu nhập vào với lũy tre xanh ngàn đời, để tô đấp thêm cho giang san thanh tú của con Hồng cháu Lạc.

    THẤT SƠN DƯỚI CON MẮT NHÀ ĐỊA LÝ HỌ MẠC

    Theo như những người đã biết, cái ếm ở Bài Bài, thuộc làng Nhơn Trung, huyện Tịnh Biên (Châu Đốc), do ông Phạm Thái Chung, tục gọi là ông đạo Lập – một đệ tử được phép chơn truyền của Đức Phật Thầy Tây An – khám phá ra ở quanh miền rừng núi thiêng liêng nầy từ xưa. Nhưng ít ai để ý xem tại sao mà có, hoặc do ai làm ra với mục đích gì.


    Tượng đài Mạc Cửu, thị xã Hà Tiên

    Căn cứ vào những chữ còn sót lại trên mặt các ếm nầy mà xét (vì tấm đá mòn chữ đi nhiều): Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc dân, thì biết được cái ếm nầy chôn vào mùa thu, tháng 8, năm Càn Long nhà Thanh thứ 57 tức năm 1792 dương lịch. Lúc nầy chính là lúc con cháu Mạc Cửu còn trọng nhậm tại Hà Tiên (Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Thiệm). Trừ bọn họ ra, vùng nầy thuở đó không còn có đám người Minh Hương (Trung Hoa) nào khác nữa. Như thế, ta có thể nói là cái ếm nầy của bọn họ Mạc, với con mắt nhà địa lý, hoặc vì thấy vượng khí của vùng sơn lãnh linh thiêng, hoặc bởi biết có long huyệt, sợ đất Việt sẽ phát sinh thánh chúa sau nầy nên họ đã ếm trấn ngay từ khi cuộc Nam tiến của nước ta được hoàn thành (5).



    Tại sao họ Mạc đã xin làm dân Việt, đã làm quan cho nước ta mà còn sợ vượng khí của non sông anh tú ? Điều đó rất dễ hiểu. Xem hai câu thơ kết thúc trong bài Lư Khê Nhàn Điếu của Mạc Thiên Tích:
    Hải thượng tà đầu thời độc tiếu,
    Di dân thiên ngoại nhất ngư ông.

    Dịch nghĩa:
    Trên biển riêng cười cơn xế bóng,
    Đem dân ngoài cõi một ngư ông.

    Ta cũng đủ biết cái chí khí của họ Mạc bao giờ cũng nuôi mộng bá vương, chờ cơ vùng vẫy. Hơn nữa sách Mạc Thị Sử còn cho ta biết thêm rằng từ khi vua chúa Vũ Vương lên ngôi (1744), thị sự chia dinh định phủ được sắp đặt như thế nầy: từ Phú Xuân đến Bình Thuận: 9 dinh: còn phần đất mới lấy được của Chân Lạp thì từ Trấn Biên đến Long Hồ: 3 dinh. Duy đất Hà Tiên vẫn để y làm trấn, họ Mạc được ba năm một lần triều cống như lệ của nước chư hầu. Như thế, tuy chưa được cái danh nghĩa cô quả, chứ thực đã có cái tư cách bá vương. Lại như nay tại Hà Tiên, trên Bình San còn có nền tế sơn xuyên, nền tế xã tắc, thì đủ biết họ Mạc bị thúc đẩy đến chỗ không muốn cho Việt Nam có Minh quân Thánh chúa ra đời tại vùng Thất Sơn (điều mà ta cho là việc dĩ nhiên, không chi làm lạ).



    Hơn nữa, là sau ngày xuống cái ếm nầy lối 60 năm, vào khoảng 1849 – 1856, Đức Phật Thầy Tây An đã cho Đức Cố Quản Thành trồng bốn cây thẻ quanh vùng Thất Sơn. Ý chừng Ngài đã biết rõ sự trấm ếm của họ Mạc nên cắm thẻ để trấn áp cho ếm mất thiêng đi, hoặc vì sự che chở cho anh linh vượng khí hay long nguyệt nước Việt ta mà Ngài có phận sự phải làm ! Hiện giờ, ếm còn thấy một cây (6) và thẻ chỉ còn một vài di tích (nay được cất dinh thờ ở Láng Linh (Châu Đốc) và người đời gọi là dinh ông Thẻ). Âu cũng là một dấu tích kỳ bí, để cho người đời còn có thể phăn ra nguồn gốc vậy.

    CHÚ THÍCH

    1. Trà Vang và Ba Thắc: Trà Vinh và Sóc Trăng ngày nay

    2. Mạc Thiên Tích (1718–1780): con trai Mạc Cửu, nối nghiệp cha trông coi vùng Hà Tiên.

    Mạc Cửu (1655-1735) vào năm 1680, vì không chịu thuần phục nhà Thanh, ông đem cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan thuộc ảnh hưởng của Chân Lạp, ông xin ở lại lập ấp rải rác từ vũng Thơm, Trùng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau, Hà Tiên, xây dựng nơi đây thành cảng biển buôn bán sầm uất, như một vương quốc. Năm 1714, ông dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, nhận nơi đây là quê hương thứ hai của mình và nguyện hết lòng phục vụ. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong ông làm Tổng binh trấn Hà Tiên.

    3. Năm phủ này đến đời vua Tự Đức, năm 1848, đã giao trả lại cho nước Cao Miên.

    4. Côn Man: người di cư từ Champa, Malaysia. Hiện giờ còn có rất nhiều di tích người Chàm ở Hồng Ngự và Tây Ninh là do cuộc dồn binh nầy hồi xưa mà ta đã dùng người Côn Man đóng ở đó.

    5. Sự trấn ếm và muốn đè nén không cho dân Việt có được Thánh nhân ra đời đối với người Tàu là thường. Xem như ngày xưa, tương truyền có Rồng ở lưu vực Hồng Hà thời Hồng Thủy. Nó theo dõi đường Nam tiến để yểm trợ dân Việt. Thầy địa lý của Tàu là Cao Biền đã theo dấu đến xứ Việt Nam, dinh trấn ếm và giết cho hết, không để cho nó hun đúc tinh thần dân tộc Việt. Nào dè Rồng thiêng đã ẩn mình kịp xuống tại Vịnh Hạ Long.
    Last edited by Love_Tamlinh; 02-03-2011 at 05:10 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Bùa thỉnh Hộ Pháp của Thất Sơn Thần Quyền ???
    By mekongcusi in forum Thế Giới Bùa Ngải
    Trả lời: 120
    Bài mới gởi: 11-03-2013, 05:57 AM
  2. Tìm lớp học Thất Sơn Thần Quyền tại Hà Nội
    By Tiểu Thạch in forum Thần Quyền
    Trả lời: 15
    Bài mới gởi: 06-06-2011, 06:23 PM
  3. Chuyện về Bác Vật Lang thám hiểm hang sâu ở Thất Sơn
    By Nhớ nguồn in forum Sưu Tập Khác...
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 05-11-2010, 05:20 PM
  4. Sự Mầu Nhiệm và Nét Đẹp Của Niệm Phật
    By Nonregister in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 12
    Bài mới gởi: 10-10-2010, 08:47 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •