"Kính bạch sư phụ xin Người hãy khai thị cho con hiểu rõ thêm về Vô Ngã và làm cách nào để thực hành được Vô Ngã".

Này con hãy nghe ta chỉ dạy. Vô Ngã là không có cái tôi của mình. Còn chủ quản là còn chấp ngã, tự coi mình là hay là đúng. Khi mình thấy một đối tượng là Vô Ngã thì cơn giận của mình sẽ tan biến. Chẳng hạn như cái điện thoại để mỗi ngày mình liên lạc, vào một buổi tối hoặc trong lúc mình đang bận rộn với công việc có một tin nhắn rác hoặc một cuộc điện thoại người ngoài gọi tới mình, nhưng mình lại đang rất bận mà họ cứ gọi hoài. Tâm mình lúc này sẽ sân lên hoặc bực mình, ý định là sẽ chửi người đó một trận. Nhưng khi mở điện thoại ra thì nghe một tiếng nói từ tổng đài mà thực ra là không có người nói thật sự bên kia, thì tâm mình không còn bực nữa. Đó chính là Vô Ngã.

Thêm ví dụ nữa mình đang chạy xe ngoài đường thì có một chiếc xe chạy đến đụng vào mình, tâm mình sẽ sân lên định sẽ chửi họ một trận nhưng khi nhìn lên thì không có người lái. Vô Ngã chính là đây. Nhiều khi mình có cảm giác người khác có ý hại mình, ghen ghét mình, chửi bới mình, làm nhục mình thì hãy nhịn họ và coi họ như người máy vô chủ. Họ được điều khiển bởi Tham, Sân, Si, ích kỷ, ghen tỵ, hiểu được như vậy thì cơn giận mình sẽ tan biến.

Một người nào đó có người thì nói người này tốt lắm, rồi cũng là người đó nhưng có người thì nói người này không tốt, xấu lắm. Như vậy người này thật sự tốt hay xấu? Thật sự mà nói người này không tốt cũng không xấu. Người này là không hẳn tốt cũng không hẳn xấu, tùy theo góc độ người nhìn. Vậy tốt xấu nó không tự quyết định bản thân tốt hay xấu. Tất cả đều do mình áp đặt, tất cả đều do tâm ta nghĩ và cho đó là đúng hay sai. Mình mà còn chấp ngã, ngã kiến còn cho lúc nào mình cũng đúng, cũng phải cũng hay. Nếu con hiểu được tánh không thì con biết cái đúng cái hay cái phải của con chỉ là tương đối ở khía cạnh nào đó chứ không phải tuyệt đối trong cuộc sống. Do vậy hãy bớt cố chấp và mở lòng đón nghe cái đúng của người đời.

Gặp Phật diệt Phật, gặp Pháp diệt Pháp, gặp Tăng diệt Tăng

Chúng ta hiểu câu nói đó như thế nào?
Ta là ai? Phật từ đâu ra? Đừng nghĩ Đức Phật là cao siêu, đừng nghĩ Đức Phật là một đấng siêu hình đầy thần thông nào cả. Đức Phật chỉ là một người Bình Thường như bao người. Đức Phật chỉ hơn mọi người là đã Giác Ngộ. Phật là Ta mà Ta là Phật. Chúng ta hãy nhớ lấy câu nói này mà ráng tu tập sửa mình

Hãy lấy giới luật làm đầu, không sống một cuộc sống buông thả, cũng không sống một cách khổ sở. Hãy sống theo lối sống Trung Đạo. Không ai thắng ai, không ai thua ai. Không có tranh chấp đố kỵ, phải trái hơn thua. Khi đã biết Tu Đạo, chúng ta không bao giờ ở thế tranh chấp, không nghiêng bên ta hay nghiêng bên người. Trung Đạo là con đường hóa giải, là con đường dẫn đến an lạc. Sống trên đời nhưng không bị nhiễm đời.

Ví dụ, ngày xưa Đức Phật đi bộ thuyết pháp, bây giờ thì chúng ta đi bằng xe hoặc tàu, máy bay. Đó chỉ là phương tiện thích hợp với mỗi hoàn cảnh. Vạn vật đều thay đổi theo thời gian, đó chỉ là phương tiện cho mình. Có sai ở đây là khi chúng ta sử dụng phương tiện quá phung phí nhưng cũng không phải sống quá khổ hạnh. Khổ hạnh mà không làm lợi cho ai, không hoằng dương Phật Pháp thì cũng không được, mà sử dụng quá mức xa hoa thì cũng không được. Nên phải là Trung Đạo. Trung Đạo là từ bỏ lối sống dục vọng và khổ hạnh. Không rơi vào dục lạc và khổ hạnh đó chính là Trung Đạo

Trong đạo Phật không có ai là vua hay là lính cả. Đạo Phật rất bình đẳng, không có giáo chủ hay một bậc siêu nhiên nào. Đó là do người đời phân biệt rồi gán ghép. Ví dụ có người đọc kinh Lăng Nghiêm, người khác đọc kinh Pháp Hoa, khi đọc thấy hay rồi để tâm phân biệt so sánh rồi tự cho và gán ghép cho kinh này là hay nhất là vua trong các kinh. Vậy thì ai cũng cho là hay là nhất là vua vậy ai sẽ là lính đây. Cho nên người đời họ đã đi sai cái giáo lý và tư tưởng của Đức Phật. Tâm mình mà còn phân biệt, so sánh cao thấp, hơn thua thì ta đã chấp vào nó rồi. Thời mạt pháp này chúng sanh có bệnh rất nặng đó là bệnh Chấp.

Ngày xưa cách đây 2556 năm, thời Đức Phật còn tại thế, trong xã hội Ấn Độ rất phân chia giai cấp và trọng nam khinh nữ. Đức Phật đã khai sáng ra Đạo Phật đi ngược lại cái tư tưởng xã hội lúc bấy giờ. Trong Tăng đoàn không có sự phân chia giai cấp, không ai thấp cũng không ai cao. Mọi người đều bình đẳng như nhau đều là những con người có dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn. Đức Phật đã từng độ cho một người thời bấy giờ theo xã hội lúc đó là người thuộc tầng lớp nô lệ và một người nữa là kỹ nữ, cũng thuộc tầng lớp thấp kém. Đức Phật đã độ cho tất cả mọi người không phân biệt ở giai cấp nào và Đức Phật cũng chấp nhận cho các người phụ nữ thời bấy giờ vào tăng đoàn của Ngài. Cho nên Ngài mới nói để cho chúng ta hiểu rằng đạo Phật không có sự phân biệt là như vậy. Ai cũng như ai, ai cũng có thể đến với đạo, cho dù người đó có như thế nào.

Ví dụ một người nào đó trong mắt mọi người thì họ đáng sợ nhưng với Đức Phật thì họ đáng thương tội nghiệp. Cho nên sau này cho dù chúng ta có gặp trên đường đời một người nào đó có hung ác, đánh đập nguyền rủa chúng ta thì chúng ta cũng đừng oán hận hay ghét họ. Mà mình phải dùng Tâm Từ Bi của mình để hóa độ cho họ. Hãy phá chấp hãy bỏ cái tôi của mình, không chấp những gì ta thấy hoặc không thấy. Khi nào Tâm chúng ta là tâm Không là Không Không thì Niết Bàn chính là đây. Giáo lý của Ngài là phương tiện chỉ dạy cho con người đi đến cái Thiện và Giác Ngộ.

Cho nên không có kinh sách nào là vua cả, tất cả kinh sách và các pháp đều như nhau. Chúng ta không được có ý nghĩ phân chia như vậy, không được có tâm phân biệt. Còn phân biệt là còn chấp, tâm mà còn chấp thì sẽ không thể đi đến sự giác ngộ vì bị vô minh che mất Phật Tánh của mình. Chúng ta nên biết:

TÂM BÌNH THƯỜNG LÀ ĐẠO