Ấn Quang đại sư nói rất hay: “Thành tựu dữ phủ, tại ư thành kính” (Có thành tựu hay không là do thành kính [hay không]). Chân thành, cung kính, “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Nếu chẳng thành, chẳng kính, chẳng đáng bàn tới nữa! Nói cách khác, chẳng thành tựu gì!

Bởi thế, chúng tôi có thể chịu đựng được đả kích, chịu đựng được thử thách; người khác tranh, chúng tôi nhường, người khác chửi chúng tôi, sỉ nhục chúng tôi, chúng tôi quyết chẳng đáp trả. Người khác đánh chúng tôi, chúng tôi nhất định không đánh trả.

Kinh luận dạy chúng ta: “Chẳng những không có tâm oán hận mà còn phải có tâm cảm ơn”. Cảm cái ơn gì? Ơn tiêu nghiệp chướng. Họ hủy báng tôi, nhục mạ tôi, vì sao họ chẳng hủy báng người khác, chẳng nhục mạ người khác, chỉ tìm tôi? Nếu tôi có thần thông, tôi sẽ biết chuyện trong đời quá khứ, rất có thể trong quá khứ tôi đã đối xử với kẻ ấy như vậy, ngày nay họ đối với tôi như vậy là đền trả. Lần lượt đền trả, người hiểu biết cứ tiếp nhận sẽ hóa giải được. Đời sau, đời kế, gặp nhau nữa bèn thành bạn tốt, báo đền xong rồi!

Chẳng nên tranh, chẳng nên có chút lòng oán hận. Có một chút tâm oán hận, oan kết ấy vĩnh viễn tồn tại, sẽ biến thành gì? Oan oan tương báo chẳng xong, vậy là không được rồi! Đời đời cả hai bên đều đau khổ, đó là sai lầm vô cùng. Người giác ngộ, người hiểu biết chẳng tạo chuyện tồi tệ ấy. Vì vậy, giữ gìn cõi lòng mình thanh tịnh, quyết định chẳng mê, quyết định chẳng loạn, quyết định chẳng điên đảo, vĩnh viễn trong tình trạng trong lặng, tỉnh thức, chúng ta chịu đựng quả báo. Chịu đựng quả báo, nghiệp chướng bèn tiêu! Nghiệp chướng tiêu rồi, phước huệ liền hiện tiền. Pháp thế gian hay xuất thế gian chẳng ra ngoài lệ đó.

Bởi vậy, công phu trì danh sâu hay cạn vẫn cần phải có trí huệ, vẫn cần có thiện tri thức chỉ dạy. Trong đây, để có thể tránh được hết thảy chướng nạn thì điều trọng yếu nhất là phải nhờ vào trí huệ, phải nhờ vào công phu định lực, phải nhờ vào nhẫn nhục. Thực sự học theo người tu đạo thời cổ, làm một người có học vấn, vĩnh viễn tuân giữ “không tranh cùng người, không cầu nơi sự”.

Trích Trung Phong Tam thời hệ niêm phần 4
Lão Pháp Sư TỊNH KHÔNG
A DI ĐÀ PHẬT !