Học Phật thì quý vị phải biết: Phật pháp từ đầu đến cuối lấy trí huệ làm mục tiêu, như câu nói: “Do Giới sanh Định, do Định khai Huệ”.
Trí huệ mở mang sẽ có thể phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui. Do vậy, học Phật phải mở mang trí huệ. Pháp môn Niệm Phật tợ hồ chú trọng cầu nguyện vãng sanh, chẳng chú trọng mở mang trí huệ. Do vậy, nên có nhiều người coi thường pháp môn này, cho rằng Thiền và Giáo cao minh hơn rất nhiều.

Thật ra là hiểu lầm! Trí huệ do đâu mà khai? Từ tâm thanh tịnh mà khai, tâm đã thanh tịnh bèn khởi tác dụng là trí huệ. Những người có học vấn trong thế gian và xuất thế gian thường ví tâm ta như nước, tức tâm như thủy. Khi nước bất động, chẳng có sóng mòi, bình tịnh, nó có tác dụng giống như tấm gương soi rõ ràng cảnh giới bên ngoài, đó gọi là trí huệ.
Tâm thủy trong tâm dấy lên sóng mòi, vẫn có tác dụng, cũng soi được cảnh giới bên ngoài, nhưng soi thành méo mó, vặn vẹo, chẳng hoàn chỉnh. Hiện thời, tâm thủy của chúng ta dấy lên sóng mòi, phiền não nặng là gió to, sóng cả; phiền não nhẹ là gió nhỏ, sóng bé, nói chung là chẳng bình tịnh. Do vậy, đối với hết thảy sự lý thế gian và xuất thế gian, ta cũng biết được phần nào, chẳng hoàn chỉnh. Do biết phiến diện, nên dễ phát sanh hiểu lầm. Chẳng hạn như biết mặt này, chẳng biết mặt kia, chấp trước mặt này, phủ định mặt khác, đó là lầm lỗi. Chẳng thể thấy mọi mặt được, đó chính là vì tâm thủy của chúng ta dấy lên sóng mòi.

Quý vị nên biết pháp môn Niệm Phật chú trọng tu Định, khởi sự từ chỗ này. Nhất tâm bất loạn là Định, nhưng phương pháp này lại hết sức thuận tiện. Thưa quý vị, công phu chân chánh chẳng phải ở nơi công khóa sáng tối. Quý vị ấn định công khóa sáng tối: Buổi sáng niệm một quyển kinh Di Đà, niệm mấy ngàn câu Phật hiệu, điều này cố nhiên rất quan trọng, dưỡng thành thói quen niệm Phật.
Thế nhưng công phu ấy phải được vận dụng trong cuộc sống thường nhật. Nếu quý vị không vận dụng được, sẽ giống như đi học tốt nghiệp xong, ra ngoài đời không sử dụng được, sở học vô dụng! Đấy chẳng phải là uổng công học hành ư? Nếu quý vị vận dụng công khóa sáng tối vào cuộc sống, suốt ngày từ sáng đến tối đãi người, tiếp vật, khởi tâm, động niệm, chớ để công phu ấy gián đoạn, giữ cho một câu Phật hiệu miên mật giống như kinh Lăng Nghiêm dạy: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật). Ức (憶) là gì? Trong tâm có, trong tâm thường nghĩ đến Phật, nơi miệng thường niệm Phật.
Đặc biệt là khi phiền não dấy lên, khi ý niệm vừa dấy lên, chẳng cần biết thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần ý niệm dấy lên, ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật. Đó gọi là công phu. Đấy là quý vị vận dụng công khóa sáng tối vào cuộc sống, công phu đắc lực. Nói cách khác, quý vị chẳng thể có ý niệm nào khác, chỉ có một ý niệm. Hễ nó dấy lên, ý niệm thứ hai bèn là A Di Đà Phật, chẳng để cho vọng niệm tiếp nối. Một thời gian lâu sau, tâm quý vị sẽ dần dần định.

Do vậy, pháp môn này chú trọng tu Định, đặc biệt là trong giai đoạn hiện tại, nói thật ra, đây là công phu ổn thỏa, thích đáng, thực tiễn. Quý vị đừng ham cao chuộng xa, chỉ cầu nội tâm bình lặng. Tâm tĩnh đến cùng cực, trí huệ sẽ mở mang. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Tịnh cực, quang thông đạt” (Tịnh đến cùng cực thì quang minh (trí huệ) sẽ thông đạt). Quang ấy chính là trí huệ, sẽ thông đạt. Do vậy, công phu niệm Phật gồm ba giai đoạn. Tầng thứ nhất là công phu thành phiến, công phu gom thành một khối, ép thành một khối giống như chúng tôi vừa mới nói: Trong tâm quý vị vừa dấy lên một ý niệm, lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật. Đó là sức mạnh của Phật hiệu, chế phục vọng niệm, chẳng cho nó dấy lên, ép thành một khối. Đạt đến cảnh giới ấy sẽ có thể vãng sanh, sẽ có phần trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Pháp Sư Tịnh Không)