(tiếp theo)

Người canh giữ tôi nhìn ngạc nhiên. Hắn gọi người chỉ huy của hắn đến để tìm hiểu nguyên nhân vì sao tôi lại có cử chỉ lạ lùng như thế. Hắn bước lại gần tôi, giương to đôi mắt kinh ngạc nhìn tôi từ đầu tới
chân. Hắn dõng dạc hỏi:
- Mày có điên không?

Tôi nín lặng, không đáp lời hắn mà lại kể cho hắn nghe câu chuyện khá lý thú của vị giáo sư đã đoán vận số cho tôi: “Trong bàn tay này đây, tôi nói, đã định rằng tôi phải sống lâu lắm và tôi phải gặp nhiều may mắn trước khi chết”. Rồi tôi lại phá lên cười, cười không phải lúc.

Chợt tôi để ý tới một cử chỉ của tên chỉ huy. Hắn đưa bàn tay của hắn lên nhìn một cách soi mói, một bàn tay sù sì nứt nẻ. Đột nhiên, mà tôi cũng không biết tại sao, tôi lại cầm bàn tay hắn và bắt đầu coi kỹ.

Tôi kể cho con người quần áo tơi tả ấy một câu chuyện vinh quang, giàu sang, quyền quý, vương bá. Tôi nói một cách thao thao bất tuyệt, không phải suy nghĩ gì cả. Sự mệt nhọc, sự đau đớn biến đâu mất. Tôi chỉ biết rằng, tôi cần phải nói, nói mãi, nói không ngừng. Tới khi trời sáng, cả bọn chia sớt miếng an cho tôi và kế đó họ hội lại để quyết định về số phận của tôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi họ trả lại tự do cho tôi và còn cho một nhóm người hộ tống bảo vệ tôi tới thành phố nói trên.

Dĩ nhiên trong cuộc thí nghiệm này có ít yếu tố làm cho tôi tin rằng sự phân tích những chỉ trong bàn tay có một nền tảng khoa học. Tôi nghĩ rằng những người quá thiệt thà, chất phác ấy đã nghiêm chỉnh tin tưởng câu chuyện của một người tìm cách cứu sống mạng mình. Tuy nhiên sự đó chỉ là bâng quơ, nhưng vô tình lại gợi tính tò mò của tôi.
Sau này tôi làm phóng viên báo chí, tôi có nhiều dịp nghiên cứu những bàn tay của những người có danh tiếng trong hầu hết các nước trên thế giới.

Lúc viết quyển sách này tôi đã sưu tầm và nghiên cứu trên một trăm ngàn dấu bàn tay. Tôi càng tin chắc bàn tay thật sự đã cho ta biết một phần tính nết, sức khoẻ, tác phong của con người và cả vận mạng của con người nữa; tuỳ theo con người bị ảnh hưởng của các yếu tố khác. Tôi tiếp tục gom góp thêm các dấu bàn tay, tôi nghĩ rằng tôi càng gom góp bao nhiêu chứng cớ tôi càng có thể có chính xác trong phần kết luận của tôi.

Trong những số thống kê, tôi lấy con số trung bình những sự kiện có thể làm căn bản, tôi có thể phối hợp những chỉ, nét dấu nào trong bàn tay với những đặc tính nào của con người đàn ông và của con người đàn bà. Nếu đem ứng dụng quan điểm này vào việc coi chỉ tay, tất nhiên khoa coi chỉ tay đoán vận số không còn chút gì dị đoan hay huyền bí nữa. Nó sẽ là môt môn có lợi ích lớn lao cho tất cả các môn khoa học nghiên cứu về con người. Coi chỉ tay sẽ là một ngành quan trọng của khoa học mới rất phức tạp: Khoa tâm lý sinh học. Người chữa bệnh (thầy thuốc) đã nhận thấy rằng những bàn tay giúp ích rất nhiều để tìm ra bệnh. Theo tôi, người chữa bệnh nên để tâm vào những điều đã viết về vài bệnh mà chứng bệnh thường phát hiện nơi da bàn tay, móng tay, xương tay, lòng bàn tay.

Khi nhà tâm lý học hiểu biết về chỉ tay, có thể cứu xét một cách tuyệt đối khoa học, những điều hiểu biết ấy. Hơn nữa, theo tôi, bàn tay là một phương tiện để liên lạc, những phương pháp tìm hiểu con người của nhà chữa bệnh, nhà sinh vật học, nhà sinh lý học với phương pháp tìm hiểu của nhà tâm lý học. Các nhà chữa bệnh và các nhà tâm lý đều nhận thấy rằng một người đã quen dùng tay trái mà cứ cố kiếm cách sửa đổi, chỉ làm cho người ấy nói năng khó khăn thêm, thông minh chậm tiến thêm và có thể gây ra những bệnh hoạn khác về tâm lý, nhất là trẻ con. Đối với chúng tôi, nghiên cứu bàn tay, mỗi ngày chúng tôi mỗi kinh nghiệm thêm, chúng tôi càng tin chắc rằng bàn tay có liên hệ mật thiết với những yếu tố khác đã làm thành một con người với một vận mạng riêng biệt mà ta thấy.

Đối với những nhà nhân chủng học, khoa coi tay lại càng có ích lợi đặc biệt. Các giống người trên thế giới không phải chỉ khác nhau ở cái mặt và cái sọ, mà còn khác nhau ở bàn tay. Bàn tay người da đen thì dài và hẹp. Những người da trắng ở phương Bắc thì lớn và rộng. Những người Mông Cổ thưòng có bàn tay nhỏ hay trung bình mà ngón tay dài và gân guốc.

Những quốc tịch ngày nay cũng cho thấy rõ những bàn tay đặc biệt. Một quốc gia phức tạp nhiều quốc tịch như Mỹ Quốc cho thấy một bàn tay với những ngón tay rõ ràng dài hơn những ngón tay của người Âu Châu mới di cư sang Mỹ.

Lưng bàn tay của người Mỹ ta thấy gồ cao lên. Lòng bàn tay và ngón tay có vẻ cứng và khô. Móng tay thô lớn và có hình dáng rõ ràng.

Hơn cả hình dáng, những cử động của bàn tay nói lên nhiều điều bổ ích cho người nhân-chủng-học. Tôi quả quyết rằng những cử chỉ, cử động của một người trong lúc nói có rất nhiều điều bổ ích cho sự hiểu biết của con người. Tại sao người La-tinh lại ưa thổ lộ tâm tình hơn người Nhật nhĩ man? Cái gì đã làm cho những người cùng diễn tả một sự việc lại có những cử động khác nhau? Cái gì đã làm cho bắp thịt của một người hay của toàn thể những người trong một quốc gia khi bị kích thích lại có phản ứng một cách rõ rệt khác hẳn với phản ứng của một người khác hay toàn thể những người trong một quốc gia khác? Đáp được những câu hỏi ấy, chắc chắn sẽ hiểu biết rõ ràng hơn, về nguồn gốc của ta và phận sự của ta.

Tôi nhận thấy những dòng trên đây đã làm cho lời nói đầu rất dài, nhưng nhận xét chung đã có sự sai lầm về việc này nên cần phải có chứng giải. Khoa coi tay đã làm cho các vị trầm tư mặc tưởng sâu xa phải say mê. Những người Chalde’, những người Assyrie và những người Ai Cập đã là môn đệ của nghệ thuật này. Người Trung Quốc với văn minh cổ cũng đã nghĩ rằng coi chỉ tay có thể biết những tư tưởng thầm kín và những dấu hiệu huyền bí của vận số. Những nhà triết học Athène đã để lại cho ta những sách nói về khoa coi tay; Platon và Aristote cũng đã viết về khoa coi tay. Những hoàng đế La Mã cũng biết coi tay và cổ xưa tới ngày nay, những chính khách, những vua chúa, hoàng thân quốc thích, những tay gian hung, trước khi dấn thân vào những cuộc phiêu lưu quan trọng bao giờ cũng cân nhắc may rủi, hên xui bằng cách hỏi ý kiến những nhà coi tay.

Rủi thay, những người coi tay thường bị gán cho là những người có phù phép từ thuở ban sơ, vì vậy mà khoa oci tay không tiến triển thành một khoa học thực tế. Tôi tin quyết rằng khoa coi tay sẽ có thể thành một khoa học cụ thể. Trong cuốn sách này, tôi cố gắng nói về khoa coi tay một cách hoàn toàn thực hành. Tôi muốn rằng khoa coi tay không còn có cái vỏ huyền bí phù phép nữa. Hơn nữa, nó chưa hẳn là khoa học vì nó suy luận nhiều mà có ít bằng chứng thí nghiệm. Tuy nhiên ngược lại là sự thật rõ ràng đối với tất cả những phương pháp đã được áp dụng từ trước để hiểu biết con người chúng ta.

Nếu cuốn sách này có thể đánh tan các mê tín từng che đậy giá trị thật sự của khoa coi tay, tôi cảm thấy rằng nó đã đạt được mục đích của nó. Hay ít ra tôi cũng gây được ít nhiều tò mò cho những vị có khả năng hơn tôi, theo đuổi việc nghiên cứu khoa này với tất cả sự tỉ mỉ của nó.

Tôi tin chắc rằng nếu nghiên cứu một cách khoa học nghiêm chỉnh bàn tay của chúng ta, chúng ta sẽ hiểu biết chúng ta nhiều hơn. Trong khi chờ đợi, một ngày nào đó, sự đáp ứng cho cuốn sách nhỏ này, ngày từ bây giờ tôi tự thấy có hy vọng đã đóng góp phần nào để làm cho cái ngày ấy không còn xa nữa.

Josef Ranald