Nỗi niềm cổ vật..
09:47' 11/10/2004 (GMT+7)


Đam mê sưu tập


Cụ Vương Hồng Sển và ông Trần Đình Sơ tại Vân Đường năm 1980.

Những nhà sưu tập cổ vật thường gặp gỡ nhau ở sở thích đam mê cổ vật. Họ tâm sự, có lúc đã bỏ cả ăn uống, vui chơi, chỉ miệt mài ngắm nghía, nghiền ngẫm về những “đứa con mấy trăm tuổi”!

Ông Trần Đình Sơn, nhà trên đường Đinh Tiên Hoàng, chủ nhân bộ sưu tập cổ vật triều đình Huế đã nhắc lại “máu mê” đồ cổ của mình khi còn là “cậu ấm tàng tàng” ở Huế. Năm 1972 vào Sài Gòn học Luật, nhờ quen cụ Vương Hồng Sển, Vãn Đường chủ nhân, thỉnh thoảng cậu ấm Sơn được thưởng ngoạn và đàm đạo về những món đồ cổ đặc sắc của cụ Vương. Có bữa cùng đi dạo với cụ Vương ở tiệm Chánh Thành trên đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sơn bắt gặp cái ống tranh tuyệt đẹp hiệu Ất Dậu niên chế, có in bài thơ ngũ ngôn cổ phong vịnh Tuế hàn tam hữu.

Chủ hiệu giới thiệu đó là vật gia bảo từ nhà Tổng đốc Phương ở Chợ Lớn bán lại. Mê mải trước ống tranh, có điều giá món cổ vật lúc ấy khoảng 20 lượng vàng (gấp 15 tháng lương của mình) nên chàng sinh viên chỉ biết ngẩn ngơ tiếc rẻ “người đẹp”.

Sau ngày Sài Gòn giải phóng, tình cờ đi lang thang dạo phố, ông Trần Đình Sơn không ngờ gặp lại “cố nhân” giữa chợ trời Hàm Nghi. Thế là, sau một đêm trăn trở, ông quyết định bán chiếc Honda để mua cho bằng được ống tranh... Gần 30 năm qua, món cổ vật mỹ thuật đời hậu Lê vẫn sống chung cùng nhiều vật gia bảo trong gia đình hậu duệ quan Thượng thư Trần Đình Bá, triều nhà Nguyễn.


Nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm, một khuôn mặt trẻ nhưng cũng khá quen thuộc trong làng sưu tập thành phố. Ông Phẩm đang sống cùng gia đình tại ngôi nhà trong hẻm 220 đường Lê Văn Sĩ, quận 3. Nhắc đến cái “duyên” của mình với các cổ vật, ông cho rằng cũng xuất phát từ thời thơ ấu đã biết nghe và biết chú ý nét đặc sắc có nhiều tháp cổ mang đậm bản sắc văn hóa Chăm và văn hóa thời vàng son vương triều nhà Nguyễn Tây Sơn.

Ông Phẩm đã có ý thức đi tìm, giữ gìn cổ vật người xưa từ những đồ gia dụng bằng đồng như cái thăng, đơn vị đo lường hay những sắc phong, ấn triện bị lưu lạc. Thỉnh thoảng, ông may mắn gặp được đồ gia dụng thời Tây Sơn nằm lăn lóc ở chỗ bán phế liệu, ve chai, đồng nát.

Còn chiếc ấn triện của vua Tây Sơn có trong tay bây giờ cũng là kỷ niệm có ý nghĩa khi ngày xuân ông Phẩm về quê tham dự lễ hội Đống Đa ở Bình Định. Người bạn đồng hương nhượng lại ấn vua từ việc tình cờ bắt gặp nó trong kho phế liệu! Nghiên cứu lai lịch chiếc ấn, ông Phẩm trân trọng đưa chiếc ấn vua Tây Sơn vào bộ sưu tập ấn triện các triều đại Việt Nam.

Phong phú cổ vật



Nhà sưu tập Hoàng Văn Cường, ở đường Đông Du, quận 1 tâm sự về nỗi đam mê đồ cổ gần như mang tính truyền thống gia đình và ăn sâu trong huyết quản mỗi người con tự bao giờ không rõ. Gia đình họ Hoàng của ông gốc ở Huế rất tự hào việc am hiểu cổ vật, sưu tập và bán đồ cổ trước ngày giải phóng. Qua ba đời ông nội, cha, giờ đến ông Hoàng Văn Cường là thế hệ thứ ba, vẫn luôn nắm giữ được nhiều cổ vật quý báu, hiếm người có được.


Nhưng, theo tâm nguyện bây giờ, nhà sưu tập Hoàng Văn Cường quyết tâm giữ lại kho tàng di sản của cha ông với ý định thành lập bảo tàng tư nhân. Ghé thăm ba gian nhà trưng bày của ông trên quốc lộ 1 thuộc quận Thủ Đức, nhiều người đã giật mình trước kho tàng cổ vật đồ sộ vô giá được trưng bày khá công phu.

Phần lớn cổ vật được sắp xếp theo hệ thống: nhóm gốm thời Lý, có cả di tích gạch, gốm đất nung đầu con rồng của Hoàng thành Thăng Long (sưu tập trước khi Hoàng thành Thăng Long được khai quật); nhóm gốm men nâu thời Lý, Trần, Lê; nhóm gốm men lam ngọc thời Lý; bộ bình vôi thời Lý, Trần, Lê; bộ ấm rượu, ấm trà cổ gần 200 chiếc có xuất xứ từ các nền văn hóa thời nhà Thanh (Trung Quốc), văn hóa Đông Sơn, Chăm, Óc Eo, Khmer; tượng Phật và tượng các vị Bồ Tát thời Lê, Nguyễn; nhóm trưng bày sập gụ, tủ chè, bình phong, trường kỷ, giường ngủ của một bà phi triều nhà Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn; nhiều đồ ngự dụng men lam Huế gốm, đèn thủy tinh của Pháp thế kỷ 18; nhóm đồ gốm thời nhà Tống, gốm thời Khang Hy; bàn cờ, tranh gốm thời vua Càn Long v.v…Tất cả có tới hằng ngàn món đồ cổ “họp mặt” thật quy mô.

Trong suốt 38 năm trời đầu tư nhiều tiền của, công sức cho các bộ sưu tập, ông Hoàng Văn Cường chỉ e ngại nhất nếu con cháu không giữ gìn di sản của cha ông, cứ để cổ vật liên tục “đội nón ra đi” là có tội với thế hệ mai sau.

Hiện nay, ngoài những dịp Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hay Bảo tàng thành phố mở các cuộc trưng bày chuyên đề, tập hợp được một số cổ vật của các nhà sưu tập, phần nhiều cổ vật vẫn còn nằm trong kho, trong phòng riêng tại tư gia của các cá nhân. Điều này cho thấy tiềm năng bảo tồn cổ vật trong dân còn rất lớn.

Hiện nay, ngoại trừ Bảo tàng tư nhân Đức Minh của nhà sưu tập Bùi Quốc Chí được thành lập, chuyên trưng bày tranh các danh họa trường Mỹ thuật Đông Dương, cho đến nay, vẫn chưa thấy một bảo tàng tư nhân nào khác ra đời.

Thỉnh thoảng người ta cũng nhắc đến bộ sưu tập gốm thời Lý Trần nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Dòng; bộ sưu tập đèn của linh mục Nguyễn Hữu Triết; bộ sưu tập đồ gia bảo gốm sứ, trang phục triều đình Huế của ông Trần Đình Sơn; bộ sưu tập cổ vật thời Tây Sơn của ông Nguyễn Văn Phẩm; bộ sưu tập gốm miền Nam nổi tiếng của ông Đào Văn Hiến hay một số nhà sưu tập khác như Phạm Hy Tùng, Nam Hương, Nguyễn Trọng Cơ… Nhưng, những phần được trưng bày chỉ là một số cổ vật ít ỏi trong bộ sưu tập của họ.

Các nhà sưu tập tư nhân mong đợi gì?


Xem trưng bày cổ vật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM)

Luật Di sản ra đời giúp các nhà sưu tập cổ vật tương đối yên tâm khi hỗ trợ hiện vật trưng bày theo chuyên đề tại các bảo tàng. Họ cũng tự nguyện tặng cho Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng thành phố hơn 500 cổ vật trong thời gian qua.

Hiện nay, giới sưu tập mong muốn ngồi lại cùng nhau định hướng hoạt động thành lập hội bằng cách gạn lọc, chọn lựa phát triển chặt chẽ các thành viên thực sự có tâm huyết với công việc bảo tồn di sản cha ông. Việc làm này sẽ góp phần bổ sung kinh nghiệm giám định cổ vật một cách khoa học. Uy tín của giới, của ngành được gia tăng và quan trọng là việc ngăn ngừa nạn thất thoát cổ vật ra nước ngoài cũng như ngăn chặn việc mua bán cổ vật giả làm sút giảm giá trị cổ vật và uy tín giới sưu tập cổ vật Việt Nam…

Nhà sưu tập Hoàng Văn Cường cho biết: Trong việc thành lập bảo tàng tư nhân, các nhà sưu tập mong muốn có sự hỗ trợ thật thiết thực của Nhà nước. Ưu thế của bảo tàng tư nhân là có các bộ sưu tập đa dạng phong phú đủ chủng loại cổ vật, di vật, báu vật quốc gia.

Tuy nhiên, nhược điểm của họ là thiếu một mặt bằng rộng, bảo đảm bảo quản an toàn và có một đội ngũ chuyên nghiệp. Công việc bảo tồn di sản ông cha là một vấn đề quan trọng, biểu hiện vốn văn hóa, văn minh của Việt Nam trong xa xưa. Vì vậy các cổ vật sưu tập tư nhân cần được hệ thống một cách khoa học và quảng bá rộng. Khi các bảo tàng tư nhân được thành lập, nơi đó sẽ là điểm thu hút các du khách trong và ngoài nước đến tham quan

Luật Di sản ra đời giúp các nhà sưu tập cổ vật tương đối yên tâm khi hỗ trợ hiện vật trưng bày theo chuyên đề tại các bảo tàng. Họ cũng tự nguyện tặng cho Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng thành phố hơn 500 cổ vật trong thời gian qua.

Hiện nay, giới sưu tập mong muốn ngồi lại cùng nhau định hướng hoạt động thành lập hội bằng cách gạn lọc, chọn lựa phát triển chặt chẽ các thành viên thực sự có tâm huyết với công việc bảo tồn di sản cha ông. Việc làm này sẽ góp phần bổ sung kinh nghiệm giám định cổ vật một cách khoa học. Uy tín của giới, của ngành được gia tăng và quan trọng là việc ngăn ngừa nạn thất thoát cổ vật ra nước ngoài cũng như ngăn chặn việc mua bán cổ vật giả làm sút giảm giá trị cổ vật và uy tín giới sưu tập cổ vật Việt Nam…

Nhà sưu tập Hoàng Văn Cường cho biết: Trong việc thành lập bảo tàng tư nhân, các nhà sưu tập mong muốn có sự hỗ trợ thật thiết thực của Nhà nước. Ưu thế của bảo tàng tư nhân là có các bộ sưu tập đa dạng phong phú đủ chủng loại cổ vật, di vật, báu vật quốc gia.

Tuy nhiên, nhược điểm của họ là thiếu một mặt bằng rộng, bảo đảm bảo quản an toàn và có một đội ngũ chuyên nghiệp. Công việc bảo tồn di sản ông cha là một vấn đề quan trọng, biểu hiện vốn văn hóa, văn minh của Việt Nam trong xa xưa. Vì vậy các cổ vật sưu tập tư nhân cần được hệ thống một cách khoa học và quảng bá rộng. Khi các bảo tàng tư nhân được thành lập, nơi đó sẽ là điểm thu hút các du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Theo SGGP