Đoạn khác : Trong cuốn Minh giáo II, Giustinô trình bày rõ hơn quan niệm về Logos như là nguồn suối duy nhất của tất cả chân, thiện, mỹ trong vũ trụ. Từ viễn quan đức tin, Giustinô đã muốn ôm trọn tất cả lịch sử nhân loại và đặt nó dưới sức tác động của Thần khí: Tất cả những gì thiện hảo đều phát xuất từ Thần khí và như vậy có tương quan với Kitô giáo. “Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ đã thiết lập những nguyên tắc luân lý đúng đắn; các thi sỹ cũng trình bày như vậy, bởi vì mầm bẩm sinh của Logos tiềm ẩn trong nhân loại”[12].

Ngôi Lời được quan niệm là nguồn duy nhất của tất cả mọi tri thức trong vũ trụ. Sự khác biệt giữa những cấp độ nhận thức khác nhau là do mức độ tham dự nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp vào nguồn chân lý chung này. Chính vì vậy, Giustinô đã có một cái nhìn rất lạc quan về lịch sử nhân loại: “Tất cả những gì thiện hảo thuộc về chúng ta, thuộc về các Kitô hữu chúng ta. Bởi vì sau Thiên Chúa, chúng ta tôn thờ và yêu mến Ngôi Lời, sinh bởi Chúa Cha nhưng không phải tạo thành và khôn tả, đã làm người cho chúng ta, ngõ hầu chữa trị sự xấu của chúng ta (…). Các văn sỹ đã có thể nhìn một cách mờ mờ ảo ảo nhờ hạt giống Ngôi Lời gieo nơi họ”[13].

Nói tóm lại, tất cả các văn hóa và các tôn giáo cùng dự phần vào Logos, nhưng theo mức độ rất khác biệt. Trong khi tín đồ các tôn giáo khác chỉ tham dự một phần gia tài cứu độ, các Kitô hữu được hân hạnh đón nhận sự biểu lộ trọn vẹn nhờ biến cố Nhập thể. Đối với Giustinô, biến cố Nhập thể là đỉnh cao của tiến trình cứu độ, chạy dài từ công cuộc sáng tạo cho đến ngày thế mạt, bởi vì Đấng hiện hữu từ muôn thủa đã đi vào thời gian và trở thành hữu hình khi Ngài mang thân phận con người nơi Đức Giêsu-Kitô.

Các Giám mục Á châu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của “hạt giống Ngôi Lời” được Thần khí gieo vào các nền văn hóa và các tôn giáo. “Tài liệu làm việc” của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu ghi nhận như sau: “Nhiều bản trả lời nhấn mạnh rằng tất cả những gì đã đề cập về sự hiện diện cứu độ của Thần khí nơi các dân tộc thì đặc biệt đúng đối với lục địa Á châu, chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới. Xét về mặt thực tiễn, các tôn giáo này đã là con đường dẫn đưa đại đa số dân chúng Á châu đến với Thiên Chúa, cũng như là một cách thế Thiên Chúa sử dụng để tiếp cận họ. Thần khí của Thiên Chúa đã tác động trong tâm trí của các hiền giả Á châu cổ đại. Chính các vị đã để lại cho dân tộc mình chứng từ của những giác ngộ tâm linh trong các kinh điển. Giáo huấn của các ngài vẫn còn hướng dẫn đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội của một số lớn người Á châu”[14].