Phòng không Việt Nam đối đầu với 'sát thủ radar' Mỹ

Cập nhật lúc 51 AM, 07/12/2012

“Chiến tranh Việt Nam đã cho thấy sức mạnh vô song của ý chí con người đối với máy móc và vũ khí hiện đại ”.

(ĐVO) Trong chiến tranh Việt Nam, không quân Mỹ đã sử dụng tất cả mọi loại vũ khí hiện đại và mới nhất mà họ có trong tay hòng đè bẹp lực lượng phòng không của chúng ta. Nhưng cuối cùng, không một loại vũ khí tối tân nào có thể thắng nổi lòng quả cảm vô song của những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của đất nước…

“Sát thủ” radar

Không phải đến chiến tranh Iraq, Nam Tư hay Lybia, Mỹ mới sử dụng các thủ đoạn chế áp điện tử để đối phó với hệ thống phòng không của đối phương. Ngay từ chiến tranh phá hoại tiến hành ở miền Bắc Việt Nam, Không quân Mỹ đã ồ ạt sử dụng các vũ khí công nghệ cao để tấn công, hòng khuất phục lưới lửa phòng không nhân dân Việt Nam. Trong đó, phải kể đến tên lửa Sơrai (tiếng Anh : Shrike, ký hiệu AGM-45), một trong những vũ khí hiểm độc được sử dụng hòng “chọc mù” hệ thống radar của ta.



Tên lửa Sơrai AGM-45.


Sơrai là loại tên lửa tự dẫn chống radar thế hệ đầu của Mỹ trang bị cho Không quân và Hải quân từ năm 1964. Tên lửa dài 3,5m, trọng lượng 177 kg, đầu nổ kiểu mảnh - phá nặng 66 kg, bán kính sát thương 15m, tốc độ khoảng 500 m/s (gấp 1,5 lần tốc độ âm thanh), tầm phóng 30km, đầu tự dẫn radar thụ động làm việc ở dải tần rộng 2.600-3.500 MHz.

Cần phải nói rõ rằng đây là loại vũ khí rất nguy hiểm đối với các đài radar và tên lửa đang mở máy vì nó sẽ bay theo cánh sóng đến tận nguồn phát xạ với tốc độ rất nhanh (thường gấp 1,5 đến 2 lần tốc độ âm thanh), tín hiệu phản xạ rất nhỏ trên màn hiện sóng gây khó khăn lớn cho việc phát hiện và đối phó với chúng…

Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ chủ yếu sử dụng Sơrai và các biến thể cải tiến, về cuối có sử dụng loại mới hơn là Standard AGM-78 với tính năng trội hơn (tốc độ khoảng 680 m/s và tầm phóng xa hơn).

Các loại tên lửa tự dẫn chống radar ra đời sau này có tốc độ lớn hơn nữa (gấp 4 lần tốc độ âm thanh), tầm phóng xa hơn và có thêm mạch nhớ tọa độ, để tăng cường khả năng tiêu diệt khi mục tiêu ngưng phát xạ. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, hệ thống phòng không Iraq đã bị loại tên lửa tự dẫn chống radar mới sau này (HARM AGM-88) chế áp đến 90% chỉ sau tuần đầu tiên giao chiến…

Tên lửa Sơrai được bắt đầu sử dụng từ 1965 ở Việt Nam và có 12 kiểu cải tiến, trong thời kỳ chiến tranh phá hoại 1965-1973 Mỹ đã sử dụng tới 5.000 quả, ngừng sản xuất từ 1981 để dùng loại mới.



Cuộc đối đầu giữa F-105 mang tên lửa tự dẫn chống radar.

Đối đầu với sát thủ


Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc (1965-1968) xác suất trúng đích của Sơrai không cao, chỉ khoảng 21% do ta đã sớm nghiên cứu và tìm ra cách đối phó.
Các cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam đã nghiên cứu kỹ quả tên lửa Sơrai thu được và theo dõi mọi thủ đoạn phóng tên lửa tự dẫn chống radar của địch trong các trận đánh. Kết quả, chúng ta đã tìm ra nhược điểm của Sơrai và có biện pháp đối phó hiệu quả với loại tên lửa nguy hiểm này.

Máy bay Mỹ thường phóng Sơrai ở cự ly 20-30 km rồi bay ra tránh hỏa lực mặt đất, để tên lửa bám theo cánh sóng radar bay đến trận địa ta. Như vậy tên lửa sẽ dễ bị chệch hướng nếu ta dùng biện pháp phát sóng ngắt quãng…

Năm 1965 Mỹ sử dụng 2 kiểu A, B đến năm 1967 tỷ lệ bắn trúng của Sơrai đã bị giảm hẳn, có đợt đánh vào Hà Nội (tháng 5/1967) địch phóng 70 quả Sơrai khi hàng chục đài radar các loại của ta đang mở máy mà chỉ trúng 1 (1,4%), số còn lại đều nổ vào khoảng giữa 2 đài, không gây được thiệt hại gì cho ta.

Sau đó Mỹ liên tục cải tiến và tới kiểu D sử dụng từ năm 1970 đã gây nhiều khó khăn cho ta. Trong thời kỳ này, địch đánh hỏng 6 radar cảnh giới, 2 đài radar pháo và 10 đài điều khiển tên lửa của ta.

Đối phó lại, ta cũng đã có hàng loạt cải tiến kỹ thuật, thiết bị bổ sung và phương pháp xạ kích thích hợp cùng kinh nghiệm thực tế điêu luyện của các kíp chiến đấu tên lửa và radar đã góp phần đánh bại thủ đoạn dùng tên lửa tự dẫn chống radar của Mỹ, gạt được phần lớn các tên lửa Sơrai ra khỏi trận địa ta và trong 1 số trường hợp đã bắn rơi cả máy bay phóng Sơrai của địch khi chúng chưa kịp bay ra khỏi vùng hỏa lực phòng không.




Chiến thuật sử dụng tên lửa Sơrai chống radar của máy bay Mỹ.


Tiêu biểu, trận chiến đấu của tiểu đoàn tên lửa 81 ngày 6/6/1967, bộ đội ta bắn rơi 2 chiếc F-105. Khi tên lửa ta phóng lên thì cũng là lúc máy bay Mỹ phóng Sơrai về hướng trận địa và các chiến sĩ Việt Nam đã dũng cảm đối đầu, điều khiển chính xác tên lửa ta bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ phóng Sơrai, dù sau đó cũng chịu thiệt hại do Sơrai gây ra.


Còn trong nhiều trường hợp khác, các chiến sĩ tên lửa đã mưu trí và linh hoạt sử dụng các biện pháp đối phó, vô hiệu hóa Sơrai để bảo toàn lực lượng ta rồi tiếp tục đánh trả máy bay địch. Điển hình là trường hợp Tiểu đoàn tên lửa 77, chỉ riêng trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã bị hàng chục máy bay F-4 nhiều lần ném bom, bắn rocket và 6 lần phóng Sơrai vào trận địa nhưng kíp chiến đấu của tiểu đoàn đều xử trí đúng quy tắc, gạt Sơrai nổ ngoài trận địa ta từ 300-3.000m, giữ an toàn cho người và khí tài, đồng thời đánh trả chính xác. Trong chiến dịch này, tiểu đoàn bắn trúng tất cả 8 chiếc B-52, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Như vậy, dù đối phương có nhiều vũ khí tối tân, hiện đại vượt bậc nhưng các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam với trí thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm ngoan cường đã đánh bại mọi loại vũ khí và thủ đoạn nguy hiểm nhất, gây cho Không quân Mỹ những tổn thất nặng nề “không thể tưởng tượng nổi”.

Chính Lầu Năm Góc thừa nhận đã mất 8.728 máy bay các loại (có 5.134 trực thăng) cùng hàng nghìn phi công trong chiến tranh Việt Nam so với 3.314 chiếc ở Triều Tiên và phần lớn đều là các loại máy bay hiện đại hơn, đắt tiền hơn.

Kết quả này là minh chứng rõ ràng nhất cho lời nhận xét của các nhà quân sự thế giới: “Chiến tranh Việt Nam đã cho thấy sức mạnh vô song của ý chí con người đối với máy móc và vũ khí hiện đại ”.