Cái chuyện mơ mộng chỉ là một kế sách của Cả Quận, thực ra ông ta làm theo lời dặn dò của cha trước khi mất, xem ra cả mấy đời dòng họ nhà Cả Quận đã bỏ công sức cho việc này nhưng chưa thành công. Phần vì chiến tranh, phần vì sợ chính quyền dòm ngó, có đào được thì chưa chắc đã có thể giữ được nên công việc không được thực hiện liên tục. Lần này ông Cả Quận sợ mình sắp chết, còn mỗi thằng con trai bị khùng thì coi như di chúc của ông cha không còn ai làm nữa, nên ông ta quyết tâm tìm cho bằng được. Cái lời đồn về “thần giữ của” không biết ở đâu mà có, có khi do Cả Quận tung ra cũng không chừng. Có điều lần đào vừa rồi tay trùm cũng là một Địa sư khá nổi tiếng...Buổi sáng hôm đó thằng Quýnh chạy vào, nó khoe với Cả Quận “Thày ơi, có con chim trên cây Gạo tự nhiên nó sa xuống tay con”, Cả Quận nhìn thấy con chim bất giác giựt mình, con chim đó chính là con chim Lợn, cái mặt nó tròn quay, hai mắt nhắm nghiền, có lẽ trời sáng mắt nó bị chóa nên mới sa vào tay thằng Quýnh. Đúng là điềm trời báo trước. Tối hôm đó ông thầy địa lý nằm ngủ ngay trong nhà Cả Quận đến sáng hôm sau thì đã trở thành một cái xác lạnh ngắt. Vụ việc đâm ra trở nên phiền phức vì chính quyền tới lui để điều tra, rồi bên ngoài tiếng đời đồn thổi “một xé ra mười” nên bẵng đi hàng mấy năm làm Cả Quận điêu đứng và chẳng có nhóm nào dám đến tìm của nữa.
Lần này Tư Hường cho đào thật sâu xuống gốc cây Gạo, xuyên qua lớp cát và lớp than củi thì phát hiện ra cái quan tài chôn theo thế đầu chúc xuống dưới, cái này người ta gọi là “mả dựng”. Thường người thành niên chết bất đắc kỳ tử mà còn là đồng nam (điều này rất hiếm), không cam chịu mà hay về quậy phá thì gia đình phải cải táng chôn đứng cái quan tài, đầu phải chúc xuống. Nhìn kiểu dáng cái quan tài thì chắc nó đã được chôn trên trăm năm rồi, ký ức về nó hầu như không còn ai nhớ nữa. Hồi mới chôn chắc nó không ở vị trí sâu như vậy, nhưng thời gia đã làm nó ngày một lún xuống và nghiêng hẳn một bên, cái này còn gọi là “mả động”, rất nguy hiểm cho những người sống xung quanh. Xem ra những lời đồn về ma ở cây gạo này không phải là ngẫu nhiên mà có.
Gặp phải “mả dựng” thì phải lấp đất lại ngay, sau đó lập đàn cúng tế, nếu không thì phải có pháp sư cao tay làm phép trấn yểm, lại phải xây một cái miếu để thờ hương khói. Đến lúc này thì Cả Quận mới nhớ ra là hồi xa xưa lúc ông còn là một đứa trẻ nơi đây cũng đã từng có một cái miếu, qua năm 45 nạn đói xảy ra, người chết chất đống bên gốc cây gạo, rồi không hiểu sao tới thời cải cách thì cái miếu bị phá mất.
Trước lúc đào ĐHC đã đưa cho cha con ông Cả Quận hai tấm phù nhỏ bằng gỗ đeo trước ngực để “hộ tâm”. Những tấm linh phù này là đồ gia bảo của Tư Hường, chỉ các pháp sư người Hoa mới biết, mới có, mà Tư Hường thì đích thị là người Việt gốc Hoa rồi. Đúng ra y có bố là một ông thầy địa lý người Tiều còn mẹ thì là người Việt, hai ông bà gặp nhau ở tận xứ Cà Mau. Ông Văn Tích Chúc là người của Thiên Địa Hội, chạy loạn qua đây chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng ông biết coi phong thủy, địa lý nên đoán được vùng đất nào có thể đại phát. Chưa đến chục năm ông đã dựng được một cơ ngơi kha khá và lấy được vợ. Tư Hường là người con thứ tám trong gia đình cả thảy 14 anh chị em. Y có cặp mắt hí hí, đôi môi mỏng quẹt, hai mép trễ xuống còn cái trán thì sói sọi, lỗ mũi khoằm khoặm. Nom mặt y nhìn giống như Tăng Quốc Phiên của Thanh triều vậy, đó là một gương mặt nhìn thấu cả tâm can người khác, đố ai có thể qua mặt được. Nhưng Tư Hường từ nhỏ đã thoát ly gia đình, theo Việt Minh nên không học được ở cha bao nhiêu. Trong nhà chỉ có người anh thứ sáu là theo nghề của dòng họ, nhưng về sau ông lại lên núi tu hành, không lấy vợ và cũng không dính gì tới trần thế nữa nên xem như sở học của ông thầy Văn Tích Chúc là thất truyền.