kết quả từ 1 tới 11 trên 11

Ðề tài: Ly kỳ chuyện 3 "ông cá thần" nghìn năm tuổi ở Bắc Ninh

  1. #1

    Mặc định Ly kỳ chuyện 3 "ông cá thần" nghìn năm tuổi ở Bắc Ninh

    Ly kỳ chuyện 3 "ông cá thần" nghìn năm tuổi ở Bắc Ninh
    Thứ Năm, 18/03/2010 --- cập nhật 08:01 GMT+7


    Gần đây, dư luận cả nước xôn xao về chuyện xuất hiện 3 “ông cá", được coi là cá thần, đã sống trong giếng Ngọc (làng Diềm, xã Hòa Phong, TP. Bắc Ninh), gần ngàn năm nay. Mỗi ngày, có đến cả trăm, thậm chí, trong những ngày cuối tuần, có cả ngàn người kéo về chiêm ngưỡng dung nhan các “ông cá”. Sự thực về 3 chú cá, mà người dân làng Diềm tôn kính gọi bằng ông này ra sao?


    Hai nàng công chúa con vua Lý Thánh Tông đã hóa thành... cá!



    Đã hết “tháng ăn chơi”, song xe cộ vẫn nườm nượp đổ về làng Diềm. Tôi táp xe vào một quán nước ven đê sông Đuống, chưa kịp hỏi đường, bà chị xứ quan họ đã thánh thót: “Chú đi xem cá thần nghìn tuổi hả? Cứ đi thẳng đoạn nữa, rẽ phải là đến!”. Tôi chắc mẩm có nhiều người đi xem cá thần lắm, nên chị bán hàng nước mới hiểu ý nhanh người hỏi đường đến thế.

    Con đường dẫn vào thôn Diềm đổ bêtông sáng lóa, xe đậu hàng dài, người ra người vào tấp nập. Cụm di tích gồm đền Cùng, đền Vua Bà, đình Diềm, giếng Ngọc, thuộc quần thể di tích làng Diềm, nằm dưới tán những cây muỗm, đa, gạo khổng lồ, rợp bóng mát.




    Du khách về làng Diềm xem cá thần dưới giếng Ngọc.



    Ngay giữa khoảng sân rộng, mặt tiền các di tích, là giếng Ngọc cổ kính rêu phong. Dưới làn nước trong xanh leo lẻo, 3 “ông cá” bơi lội tung tăng, lúc lặn mất tăm, lúc nổi lều phều lên mặt nước hít thở. Nhiều người đứng quây quần bên giếng, chiêm ngưỡng dung nhan các “ông cá” với thái độ thành kính.

    Ông Nguyễn Ngọc Bích, thủ nhang của cụm di tích là người nắm rất rõ truyền thuyết về đền Cùng, đền Vua Bà và giếng Ngọc. Giữa khói hương nghi ngút trước đền Cùng, ông kể sự tích xuất hiện 3 “ông cá”. Chuyện bắt đầu từ cái giếng lạ, không rõ đã có từ khi nào.




    Ông Bích là người nắm rõ truyền thuyết về cá thần.



    Theo truyền thuyết mà nhà nghiên cứu dân gian hàng đầu Bắc Ninh, ông Lê Danh Khiêm (Trưởng ban Nghiên cứu Sưu tầm Quan họ - Trung tâm Văn hóa thể thao Bắc Ninh), đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, thì xưa kia, công chúa, con gái của Vua Hùng thứ 6, đi kinh lý qua vùng Diềm, thấy trong vùng có giếng nước, gọi là giếng Ngọc, có nước trong xanh, ngọt lịm, liền dừng lại định cư. Điều đó có nghĩa, theo truyền thuyết, giếng Ngọc đã có rất lâu rồi, từ thời Hùng Vương.




    Đền thờ hai nàng công chúa biến thành cá.



    Người dân làng Diềm không rõ bà tên gì, mà chỉ kính trọng gọi là Vua Bà. Vua Bà hướng dẫn nhân dân khai khẩn rừng hoang, bờ bãi, biến thành bờ xôi ruộng mật, nuôi tằm, dệt tơ.

    Sống cùng người dân nơi đây, Vua Bà phát hiện ra giọng nói ngọt ngào của nhân dân, bà liền truyền dạy làn điệu quan họ. Chính vì thế, người Bắc Ninh coi Vua Bà là Thủy Tổ của quan họ. Làng Diềm nổi tiếng là nơi xuất phát của quan họ và cũng là vùng hát quan họ hay nhất Kinh Bắc, không những vì là nơi được Thủy Tổ truyền dạy, mà còn vì có giếng nước ngọt mát. Các cụ kể rằng, muốn có giọng hát quan họ hay, phải uống nước giếng Ngọc từ khi còn tấm bé.

    Ngay cạnh giếng Ngọc là đền Cùng, nơi thờ hai nàng công chúa của vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, gần 1.000 năm trước, khu vực làng Diềm còn là rừng rậm um tùm, với những cây gỗ lim khổng lồ, gốc to vài người ôm. Trên núi Kim Sơn và Kim Lĩnh cạnh đó có nhiều thú dữ. Hổ báo thường xuyên về làng ăn thịt người, bắt trộm gia cầm, gia súc.

    Nghe nói, vùng làng Diềm có giếng nước ngọt, người làng Diềm có giọng hát quan họ rất hay, hai nàng công chúa con vua Lý Thánh Tông là Ngọc Dung và Thủy Tiên rất tò mò, đã tìm đến thưởng ngoạn.

    Thấy mạng sống dân chúng nơi đây bị thú dữ đe dọa, hai nàng công chúa đã xin vua cha cho quân lính về tiễu trừ. Thú dữ bị tiêu diệt, cuộc sống người dân trở lại cảnh thanh bình, ấm no.



    Liệu đây có phải hai nàng công chúa và người hầu?



    Mê đắm giọng hát quan họ làng Diềm, rồi như say nước giếng Ngọc, hai nàng công chúa đã xin vua cha xây dựng “Thủ khố ngân sơn”, tức là kho dự trữ tiền của, lương thực dưới chân núi. Hai nàng công chúa của vua Lý Thánh Tông đã trực tiếp cai quản kho ngân quỹ này. Ngoài việc dùng kho ngân quỹ phục vụ quân đội trong lúc chiến tranh, còn để cứu đói dân nghèo.

    Vào ngày 3-3 âm lịch, cách đây gần 1.000 năm, đúng tiết trời Thanh Minh thanh tịnh, hai bà hướng về phía triều đình, vái lạy vua cha 3 lần, xin vua cha cho ở lại nơi đây vĩnh viễn.

    Vái lạy xong, hai bà cùng với người hầu hóa, rồi biến thành 3 con cá lạ tuyệt đẹp, bơi lội tung tăng trong giếng Ngọc cho đến tận ngày hôm nay.

    Dân làng thương nhớ, kính trọng, liền lập đền thờ hai bà ngay cạnh giếng Ngọc, rồi hàng năm, nhằm ngày hai bà hóa, lại tổ chức lễ hội, thau rửa, vệ sinh giếng, giúp 3 “ông cá” có nơi ở sạch sẽ, an toàn.

    Còn tiếp…

    Theo VTC.vn
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Kỳ lạ giếng nước "chung thủy" nuôi "cá thần ngàn tuổi"
    Thứ Bảy, 20/03/2010 --- cập nhật 10:00 GMT+7


    Năm ngoái, trong lễ mừng thượng thọ 103 tuổi, nhiều người trong làng hỏi về 3 “ông cá”, cụ Thị khẳng định như đinh đóng cột rằng, 3 “ông cá” đã bơi lội tung tăng trong giếng Ngọc từ ngày ông mới chập chững biết đi.



    Cha của cụ Thị, rồi ông bà của cụ Thị, cũng kể với cụ rằng, từ ngày bé xíu đã thấy 3 “ông cá” trong giếng.



    Giếng Ngọc (làng Diềm, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) chỉ rộng chừng 20m2, hình bán nguyệt, gồm 11 bậc xây bằng gạch, 4 bậc đá và bậc cuối cùng bằng gỗ. Hai bên cửa xuống giếng dựng hai hòn đá, đẽo gọt hình “sinh thực khí”.

    Xưa kia, lan can giếng Ngọc được làm bằng gốm sứ, song mấy trận lụt làm vỡ, nên được xây lại bằng gạch cho chắc chắn. Các bậc gạch cũng mới được xây dựng hơn trăm năm nay, còn bậc đá, và đặc biệt là bậc gỗ, bậc cuối cùng, thì không biết có từ khi nào. Trải qua cả trăm năm, thậm chí có thể là ngàn năm, dù lúc nào cũng chìm trong nước, song khúc gỗ vẫn nguyên vẹn, không hề mục nát.

    Từ bậc gỗ trở xuống là lòng giếng. Toàn bộ lòng giếng là đá ong tự nhiên. Đáy giếng gồ lên ở giữa, lõm xung quanh, giống vết chân trâu dẫm.


    Dù mùa mưa hay mùa khô, mực nước trong giếng Ngọc cũng không thay đổi.


    Có người còn ví von đây là giếng "chung thủy" vì một điều khá đặc biệt là quanh năm suốt tháng, dù mùa mưa hay mùa khô, mực nước trong giếng cũng không thay đổi, luôn giữ độ sâu 6m. Dù mưa to đến mấy cũng không tràn, dù khô hạn cả năm giếng vẫn ăm ắp nước.

    Gần đáy giếng Ngọc có một cái hang nhỏ, hướng về phía đền Cùng, thờ hai nàng công chúa, người chui vừa, song độ sâu chỉ chừng 2m. Từ cái hang này, mạch nước nhỏ chảy ra đều đặn.

    Theo các cụ già làng Diềm, nước trong giếng bắt nguồn từ hai ngọn núi Kim Sơn và Kim Lĩnh, thấm qua lớp đá ong nguyên thủy dưới lòng đất, nên trong vắt, rất ngọt. Từ xưa đến nay, người dân làng Diềm vẫn giữ thói quen dùng nước giếng Ngọc.

    Mặc dù đã có nước máy về từng gia đình, song người dân chỉ dùng nước máy tắm giặt, còn ăn thì bằng nước giếng Ngọc.


    Phần lan can được xây lại bằng gạch sau khi trận lũ phá hủy lan can bằng gốm.


    Các bô lão trong làng dùng nước giếng Ngọc để pha trà, còn đàn bà phụ nữ thì gánh về gội đầu. Chị em phụ nữ kể rằng, gội đầu bằng nước giếng Ngọc, không cần dầu gội, dầu xả, tóc cũng mềm mượt, lại chẳng có gầu.

    Theo lời bác Nguyễn Ngọc Bích, thủ nhang của cụm di tích, dù tìm khắp nước Việt, cũng không tìm ra nguồn nước nào pha trà ngon như nước giếng Ngọc. Nước giếng Ngọc dùng pha trà không những rất ngọt mà còn giữ được màu chè nguyên bản.


    Đàn ông lấy nước pha trà, đàn bà lấy nước gội đầu.


    Để thuyết phục tôi, bác Nguyễn Ngọc Bích đã nấu nước giếng Ngọc pha trà. Quả thực, tôi cảm nhận rõ vị ngọt thanh của chén trà, dù loại trà pha chế không phải hảo hạng.

    Riêng du khách và người dân làng Diềm thì không cần nấu chín nước, cứ cầm cốc xuống giếng múc uống luôn. Đến giờ giải lao, tan học, học sinh trong trường cấp 1 và 2, cách giếng Ngọc không xa, lại kéo nhau ra giếng Ngọc múc nước uống. Mặc dù trường học đã phục vụ đầy đủ nước sạch, song các em học sinh lại chỉ thích uống nước giếng. Ban quản lý cụm di tích đã phải trang bị cả chục chiếc cốc nhựa để đáp ứng nhu cầu những người mê nước giếng Ngọc.


    Vô tư thưởng thức nước giếng Ngọc.


    Tôi cũng múc một cốc nước giếng Ngọc, nơi 3 “ông cá” đang tung tăng bơi lội nếm thử. Phải công nhận nước giếng Ngọc có vị ngọt, uống xong mát lịm cuống họng và đầu lưỡi, ngon hơn các loại nước khoáng, nước tinh khiết khác rất nhiều.

    Du khách đến đây đều tin rằng, những “ông cá” sống dưới giếng Ngọc là cá thần, do đó, giếng cũng là giếng thần và tin luôn nước dưới giếng cũng là nước thần, nên không những múc uống no nê, mà còn mang can đến múc đem về. Để phục vụ chu đáo du khách, mỗi ngày, ban quản lý cụm di tích làng Diềm phải mua hàng trăm chiếc can nhựa, chất đầy trong phòng, bán lại cho du khách với giá hợp lý, để du khách múc nước mang về lấy lộc. Một số hộ gia đình ở làng Diềm cũng chất đống can nhựa trong nhà, nhằm bán cho du khách kiếm lời.


    Ban quản lý di tích phải mua can để phục vụ du khách.


    Bác Bích kể rằng, có người ở Hà Nội, tuần nào cũng đánh xe lên tận làng Diềm, chở lô lốc những can, rồi múc nước giếng Ngọc chở đi. Ông ta bảo rằng, dùng nước giếng Ngọc pha trà uống, nên bị nghiện, không có nước giếng Ngọc, không uống nổi trà nữa.

    Lại có bà, cũng ở Hà Nội, vài hôm lại tìm đến làng Diềm, cúng vái giếng Ngọc, rồi múc nước mang về để… cúng tổ tiên. Theo bà ta, cúng bằng nước “giếng thần” thì mới… linh nghiệm.

    Lại nói về chuyện 3 “ông cá thần” ở giếng Ngọc. Dù truyền thuyết kể rằng, do hai nàng công chúa và một nàng hầu biến thành, song dân làng vẫn kính trọng gọi bằng “ông”, chứ không phải bằng “bà”, vì trong ý nghĩ của dân làng, khi đã quy y cửa Phật, thì dù nam hay nữ, cũng đều gọi bằng “thầy”. Do vậy, dù theo truyền thuyết cá là hóa thân của công chúa, dù thực tế là giống đực hay cái, cũng đều trân trọng gọi bằng “ông cá”.


    Nước giếng Ngọc trong vắt như gương.


    Tôi hỏi bác Bích rằng: “Liệu có chứng cứ gì khẳng định 3 “ông cá” này là cá thần và đã có tuổi gần ngàn năm?”. Ông Bích lắc đầu: “Chúng tôi cũng chịu thôi, chỉ biết dựa vào truyền thuyết từ đời trước mà kể lại cho đời sau”. Tuy nhiên, ông Bích lấy danh dự của một người già, đã ngoài 70 tuổi, khẳng định với tôi rằng, từ ngày còn bé xíu, ông đã thấy có 3 “ông cá” này trong giếng. Ngày đó, 3 “ông cá” đã lớn như bây giờ và hình thù cũng không có gì thay đổi.

    Cụ Nguyễn Văn Thị, người sống thọ nhất làng Diềm, tới 103 tuổi, là người nắm rõ nhất về 3 “ông cá thần”. Năm ngoái, trong lễ mừng thượng thọ, nhiều người trong làng hỏi về 3 “ông cá”, cụ Thị cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng, 3 “ông cá” đã bơi lội tung tăng trong giếng Ngọc từ ngày ông mới chập chững biết đi. Cha của cụ Thị, rồi ông bà của cụ Thị, cũng kể với cụ rằng, từ ngày bé xíu đã thấy 3 “ông cá” trong giếng. Cụ Nguyễn Văn Thị đã mất hồi cuối năm ngoái.


    Rất nhiều du khách bỏ tiền vào hòm công đức đặt trên thành giếng Ngọc.


    Như vậy, nếu dựa vào truyền thuyết để khẳng định tuổi đời gần ngàn năm của 3 “ông cá” thì thiếu căn cứ, song dựa vào lời kể của các cụ già trong làng Diềm, rằng tuổi cá lên đến cả trăm năm, thì thật đáng suy ngẫm.

    Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Long, trong cuộc trao đổi với tôi, cũng không dám khẳng định các “cụ cá” đã được ngàn năm tuổi hay chưa, vì chẳng có chứng cứ khoa học gì cả. Tuy nhiên, ông Hoan cũng khẳng định chắc chắn rằng, từ ngày còn bé, ông đã thấy sự hiện diện của 3 “ông cá” trong giếng Ngọc. Các cụ già trong làng cũng hay kể chuyện với thế hệ sau về sự tồn tại của 3 “ông cá” đặc biệt này.

    Theo VTC.vn
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    truyện thật là ly kỳ

  4. #4

    Mặc định

    Đôi khi truyền thuyết là ... truyền thuyết, khoa học không giải thích được, mà có giải thích được thì người ta vẫn thích ... truyền thuyết hơn. Tôi vẫn thích các truyền thuyết hơn vì giới khoa học thường giải thích theo kiểu huề vốn hoặc giải thích theo kiểu ... khoa học nên ít người hiểu. Nếu là truyền thuyết đẹp không hại gì người dân thì cũng không cần giới khoa học nhúng tay vô nghiên cứu làm gì, ngoài trừ ... họ muốn.

  5. #5

    Mặc định

    Sự thật "ba ông cá thần" ở Bắc Ninh: Chỉ là cá chép thường
    Chủ Nhật, 04/04/2010 --- cập nhật 11:02 GMT+7


    Không chỉ lạ kỳ về nguồn nước ngọt trong lành như "bầu sữa mẹ", giếng Ngọc đền Cùng còn nổi tiếng về ba "ông" cá thần sống trong lòng giếng.


    Sự sống lâu năm cộng với hình hài khác lạ của ba "ông" cá đã khiến không ít người tin rằng ba ông chính là hiện thân của hai vị "nhị nhân thần nữ" Tiên Dong và Thủy Tiên. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của khoa học ba ông cá sẽ được gỡ dần những lớp vỏ hoang đường.
    Sự tích về ba "ông" cá thần

    Nhiều cụ cao niên của làng Diềm cho hay, không biết ba "ông" cá có tự bao giờ nhưng từ khi còn nhỏ đã thấy các cụ tung tăng trong lòng giếng. Ngay cả cụ bà Lê Thị (103 tuổi) trước khi mất cũng khẳng định rằng từ hồi lên 5, lên 6 tuổi, mỗi lần được mẹ bế ra đền chơi cứ hay đòi mẹ bế lại gần giếng để được xem ba "ông" cá thần xinh đẹp. Một số người còn cho rằng ba "ông" cá này tồn tại trong lòng giếng đã hơn nghìn năm tuổi và chúng chính là hiện thân của hai vị "nhị nhân thần nữ" được thờ trong đền Cùng. Chính vì thế, người làng Diềm bao lớp thế hệ vẫn tôn kính gọi ba chú cá này là "ông".

    Lý giải vì sao quan niệm cá là hiện thân của hai bà công chúa mà lại gọi bằng "ông", ông Nguyễn Ngọc Bích - trưởng ban quản lý khu di tích giếng Ngọc đền Cùng cho biết: Hai bà công chúa vốn là con gái nhưng lập nên nhiều công trạng hiển hách không thua kém gì các đức ông nên được dân làng Diềm tôn là thành hoàng. Quan niệm cá là hiện thân của vị thành hoàng nên mọi người tôn xưng là "ông". Còn chuyện chỉ hai bà mà có tới ba ông cá là người ta thả thêm một ông để đi hầu hạ các bà.


    Bao năm qua người ta vẫn tin rằng ba ông cá thần có tuổi thọ 1.000 năm.


    Hàng năm, vào đúng tiết Thanh Minh (3/3 âm lịch) làng bắt đầu làm lễ tát giếng nhằm làm sạch giếng Ngọc, thay nguồn nước mới. Ba "ông" cá được dân làng "rước" lên "ngự" ở một cối đá đại bằng đá ong nguyên khối nằm dưới gốc cây đa già, chờ nước mới lên đầy giếng sẽ "rước" các ông về nhà lại. Từng có một lần, nhân dịp thay nước mới các cụ bô lão trong làng đã thử mang các "ông" ra sông thả bên sông Cầu để thay đổi môi trường sống nhưng khi thả xuống sông các ông vẫn chỉ vẫy vùng ở ngay chỗ thả chứ không bơi đi xa. Ngay cả trong những trận lụt khủng khiếp nhất, nước tràn bờ giếng, bao nhiêu nhà cửa làng mạc bị cuốn trôi riêng ba ông cá thì vẫn "thủy chung" trong lòng giếng. Càng lạ kỳ hơn khi hàng năm, vào ngày hội đền nhiều người đến lễ đã mang theo một số loại cá, rùa... phóng sinh.

    Tuy nhiên, sau khi những loài ấy được thả xuống giếng vài ngày, cá thì nổi lều phều trên mặt nước còn rùa thì bò lên mặt đất rồi cứ thế chạy thẳng ra đồng. Nếu vớt những chú cá mới yếu ớt đó phóng sinh ra sông Cầu thì chúng lại bơi lội, tung tăng ngay. Từ đó không ai dám thả bất kỳ loại cá mới nào vào lòng giếng nữa vì sợ các "Ngài" quở trách.

    Cụ Nguyễn Văn Lợi cho hay, cụ từng nghe một người thân trong gia đình kể lại rằng ba “ông” cá này chính là cá phóng sinh. Lúc đầu khi mới thả, vảy từ phần gáy đến cuối lưng của chúng có màu hồng chứ không phải màu đen như bây giờ. Bản thân chúng là loài cá nước ngọt sống bằng các loại thủy sinh chứ không ăn thức ăn nhân tạo do đó không cần chăm sóc nhiều.


    Thường chúng hay nổi trên mặt nước để ăn kiếm chứ rất ít khi lặn xuống sâu.


    Tuy nhiên, không biết có phải ba “ông” cá này là giống đực hay không nhưng nhiều năm qua không hề có hoạt động sinh sản. Trong những sử liệu xa xưa của làng, chỉ có tài liệu nói đến giếng Ngọc chứ không có tài liệu nào nói đến ba “ông” cá này. Bởi vậy, bản thân cụ Lợi không tin đây là cá thần có nghìn năm tuổi. "Tôi thì tôi không tin là cá có thể sống được tới 1.000 năm tuổi. Càng không tin trên đầu cá có chữ Nho, chữ Hán như nhiều lời đồn đại. Tôi chỉ tin rằng, sở dĩ cá ở đây có thể sống lâu hơn ở những chỗ khác là vì môi trường trong lành, dễ sống" - cụ Lợi cho hay.

    Ba "ông" cá thần là cá chép

    Theo quan sát của phóng viên, ba chú cá hiện nay mỗi chú nặng khoảng trên 2kg. Hai bên thân mỗi chú đều mang một màu sắc riêng, chú màu đen, chú lốm đốm hồng còn chú thì mang màu nâu đặc trưng của rong rêu. Trước miệng mỗi chú đều có những cọng râu trắng, dài khoảng 4 - 5cm, dọc sống lưng có một vi chạy dài đến gần đuôi. Riêng phần lưng cá, cả ba chú đều mang một màu đen tuyền. Thường chúng hay nổi trên mặt nước và bơi lội xung quanh bờ giếng để ăn chứ rất ít khi lặn xuống sâu. Hình hài bên ngoài của ba chú cá khá giống nhau và rất giống với một loại cá chép.

    Chính vì từ trước đến nay chưa có bất kỳ nhà khoa học nào thử bắt những chú cá này lên để nghiên cứu xem đây là giống cá gì và chúng có thực sự có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi hay không nên những câu chuyện có phần hoang đường, huyễn hoặc cứ thế lan truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người hiếu kỳ, tò mò cũng vì thế mà đổ xô đến đây lễ bái và chiêm ngưỡng cá ngày càng đông hơn.


    Cận cảnh một ông cá


    Tuy nhiên, theo những thông tin mô tả và những hình ảnh minh họa rõ ràng qua một số bài báo, GS. TSKH Mai Đình Hiên - nhà phân loại học hàng đầu Việt Nam hiện nay cho rằng, không bao giờ có chuyện ba ông cá kia có tuổi đời 1.000 năm. "Từ trước đến nay, đối với tất cả các loài cá trên thế giới, chỉ duy nhất có một con cá quân, đánh bắt được từ bờ biển của Mỹ là có tuổi thọ từ 90 tới 115 năm tuổi mà thôi. Còn thông thường cá chỉ sống được 30 năm, cùng lắm là 40 năm chứ không có hơn" - GS Hiên cho biết.


    GS.TSKH Mai Đình Hiên đang trò chuyện với phóng viên.

    Về giống cá của ba chú cá trong lòng giếng Ngọc, theo GS Hiên đó là loại cá chép sống khá phổ biến ở Việt Nam. Ba yếu tố để có thể khẳng định chúng thuộc họ cá chép là vì chúng có vẩy, không có vây mỡ ở lưng mà chỉ có một vây kéo dài từ gáy đến cuối lưng, có râu và thậm chí là có hai đôi râu ở hai hàm trên dưới phía miệng. Loại cá chép này ban đầu có thể được nuôi trong ao vì thế chúng sống rất tốt trong môi trường nước tĩnh như giếng, bồn, chum, vại... Đặc điểm của chúng rất sợ nước chảy như khe suối, sông... cho nên khi mang ba ông cá này ra bờ sông thả mà chúng vẫn chỉ quanh quẩn bên bờ không chịu bơi đi là vì thế.

    Việc thả những chú cá mới hoặc rùa vào lòng giếng mà những loài mới này bị yếu dần là vì những loài cá này không quen với môi trường nước ở đây. Có thể chúng quen sống với môi trường nước chảy ở sông nên khi bị thả vào đây chúng bị thiếu ôxy nên yếu dần. Còn rùa bò ra ngoài được là vì mép nước của giếng lấp xấp với bậc thang lên xuống nên rùa có thể bò lên mặt đất chứ không hẳn bị mấy ông cá "uy hiếp" đến nỗi phải bỏ đi. Sự biến đổi màu sắc của cá cũng dễ lý giải bởi cá thường biến đổi màu sắc theo môi trường sống. Lúc đầu chúng có màu hồng nhưng sau khi sống ở giếng một thời gian chúng có thể chuyển sang màu xám hoặc màu đen theo đáy giếng.

    Riêng nhiều cụ ông, cụ bà khẳng định rằng lúc còn nhỏ đã thấy cá trong giếng thì có thể có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, họ sống ở làng nhiều năm nhưng không phải ngày nào cũng ở bên giếng để chứng kiến sự thay đổi của cá nên không biết rằng có thể đã có một ai đó đã thay cá cũ bằng những con cá mới này khi chúng chết. Thứ hai, cũng có thể giếng trong lành là môi trường sống tốt nên cá sống ở đây được lâu hơn nhưng nếu như thế thì cá phải phát triển nhiều hơn nữa chứ không chỉ có trọng lượng 2kg và dài có hơn 50cm như bây giờ.

    Theo Giadinh.net.vn
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  6. #6

    Mặc định

    Truyền thuyết đang đẹp vậy , tự nhiên đem khoa học vào làm mất chất lãng mạn !

  7. #7
    Lục Đẳng Avatar của splen
    Gia nhập
    Nov 2009
    Nơi cư ngụ
    Trung Sơn
    Bài gởi
    8,027

    Mặc định

    Đúng là . . . mê . . . tín !
    Cuộc Đời Cứ Thế Xoay Tròn – Người Người Vẫn Thế Mê Muội.

  8. #8

    Mặc định

    muốn biết các cụ cá này bao nhiêu tuổi thì vớt lên đưa đi giám định ^^
    Thương người quân tử... Hận kẻ bạc tình

  9. #9

    Mặc định

    Em thì quan tâm tới nước giếng hơn, chắc là nước giếng có thể sử dụng vào định nhan thuật.

  10. #10

    Mặc định

    nghe thì cũng rất ly kỳ nhưng thực tế khi khoa học vào cuộc thì chất văn hóa sẽ phai mờ, chúng ta nên tôn trọng bản sắc của nơi đó, biết thì cũng chỉ biết vậy thôi, văn hóa vẫn là văn hóa mà

  11. #11

    Mặc định

    bắt ba con cá này , thêm lít rượu nhắm nữa là no say , cá nay nhin tươi quá sá luôn , khà khà , một nổi lẩu cá chua hết sẩy , nồi nước ở nhà không lo sôi , để nhúng cá mà lại tới thăm cá , thiệt là ngu si , tri thức những người này thấp quá học quá ngu

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. "sự cố" trong lễ hội "linh tinh tình phộc" năm canh dần
    By Bin571 in forum Các bài NC của XUANDIEN70
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 26-07-2011, 08:52 PM
  2. chuyện "phật sồng"ở Bắc Ninh
    By Duc_Phuc119 in forum Chuyện các Thầy, Bà…
    Trả lời: 10
    Bài mới gởi: 20-08-2010, 11:20 PM
  3. Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 08-07-2010, 06:59 PM
  4. Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 03-05-2010, 12:29 PM
  5. Mỹ "tái sinh" bé gái qua đời cách đây 7 năm.
    By Bin571 in forum Sưu Tập Khác...
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 24-04-2009, 02:47 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •