kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh

  1. #1

    Mặc định Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh



    Bảo Ninh (sinh ngày 18 tháng 10, 1952) là nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết và truyện ngắn.

    Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976-1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986 học khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.

    Năm 1991, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (in lần đầu năm 1987 tên là Thân phận của tình yêu[1], được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt. Đó là câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới". Tuy nhiên, trong hơn 10 năm sau đó tác phẩm đã bị cấm, không được in lại, có lẽ do quá nhạy cảm; mặc dù vậy, với làn sóng đổi mới ở Việt Nam, cuốn sách vẫn rất được ưa thích.

    Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với tựa để "The Sorrow of War", được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không hề lên án phía bên kia.

    Năm 2005, tác phẩm này được tái bản với nhan đề ban đầu là "Thân phận của tình yêu"; năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: "Nỗi buồn chiến tranh"

    nguồn wikipedia

    đọc online tại http://vnthuquan.net/truyen/truyen.a...83a3q3m3237nvn

  2. #2

    Mặc định

    "Người ta khi nói đến chiến tranh thường dùng từ “đau“, hiếm ai dùng từ “buồn“. Từ “buồn” tạo cảm giác mềm mại quá, có gì đó yên ả quá, mà những thứ như vậy dường như không thuộc về địa hạt của một khái niệm dữ dội như “chiến tranh“. Có điều, cảm giác đau đớn rồi sẽ qua đi, thời gian sẽ chữa lành tất cả, chỉ nỗi buồn miên man thì sẽ còn lại mãi, song hành cùng kýức, trở thành chính tâm hồn con người. Và đó chính là điều cốt lõi mà Bảo Ninh mang đến trong tác phẩm nổi tiếng – Nỗi buồn chiến tranh.

    Đó là một quyển sách mỏng. Giấy vàng. Bản in năm 1991. Tôi đọc nó xong trong một ngày, cảm thấy có rất nhiều điều để nói trong quá trình đọc song khi đóng sách lại, trong tôi nổi lên nhất lại là một cảm giác man mác nhẹ nhàng khó dòng diễn tả.

    "Nỗi buồn chiến tranh" mở đầu bằng hình ảnh nhân vật chính – Kiên – ngủ lại trên thùng xe chứa đầy hài cốt tử sĩ sau một ngày anh cùng đội tìm kiếm hài cốt lùng sục khắp nơi xưa kia là chiến trường ác liệt mà chính anh tham gia. Trong đêm ấy, cả khi ngủ cũng như khi thức, những mộng mị từ ký ức vẫn chập chờn, vây quyện lấy anh. Từng bước, ký ức của Kiên dẫn người đọc quay về năm tháng chiến tranh khi anh còn là lính trinh sát, bên cạnh bao đồng đội trẻ trung sôi nổi… Rồi máu, rồi mất mát, những thứ kinh điển của một câu chuyện kể về chiến tranh sẽ len dần vào câu chữ, không chút bất ngờ, không bằng một thủ pháp kể chuyện ấn tượng nào. Tất cả đều chỉ là lời tường thuật bình dị, chân thành và đơn giản…

    Nhưng, nếu chỉ có những hy sinh, những trận đánh thì tác phẩm này cũng như muôn vàn tác phẩm về chiến tranh kém cỏi khác sẽ chìm ngay khi đến tay độc giả. Bảo Ninh đã vượt hơn thế. Bảo Ninh không chỉ viết về chiến tranh để nói đến chiến tranh. Thực tế, Bảo Ninh đào sâu vào góc nhìn cá nhân, tâm tình cá nhân, số phận cá nhân… tất thảy đều rất cá nhân, trái ngược với kiểu viết về chiến tranh mang nặng tinh thần chủ nghĩa tập thể của một số tác phẩm cùng thể loại. Ở đây, chúng ta sẽ không phải thấy những người lính được hình tượng hóa lên thành một thứ gì đó có tinh thần bất diệt và khô khan giáo điều hoặc tình cảm gượng ép giả tạo. Cái tàn bạo của một cuộc chiến hiện ra khi nó tước đi sinh mạng con người, đúng vậy, nhưng kinh khủng hơn là việc nó không ngừng ám ảnh cả những kẻ sống sót, hoặc tưởng mình sống sót. Kiên là một ví dụ như thế. Khi chiến đấu, anh là một lính giỏi, có kỹ năng, có lòng can đảm. Anh chiến đấu với kẻ thù, với cái Chết và trở về. Khi hòa bình, anh nhận ra tâm tưởng mình đã vĩnh viễn nằm lại trong quá khứ đã qua, thứ đang sống chỉ còn là thân xác mà thôi. Hay như một nhân vật khác, Vượng, anh lính lái xe giải ngũ cứ tưởng sẽ tiếp tục hành nghề lái xe để sống đời dân thường chẳng ngờ lại mắc chứng bệnh oái ăm. Vượng chịu được xóc nảy ổ gà, ổ voi khi lái xe trong chiến trường nhưng với những con đường “êm êm, nhũn nhũn” thời bình lại khiến anh nôn ọe, say xe. Khổ thay, anh đã quen với chiến tranh mất rồi.

    Bên cạnh đó, nhà văn cũng kể về những ngày không-chiến-tranh của Kiên, khi còn bé và sau khi giải ngũ. Cũng như chiến tranh, mối tình đầu với cô gái tên Phương cũng đã ám ảnh và góp phần tạo nên những góc cạnh phức tạp trong người cựu binh. Chúng ta sẽ thấy cuốn sách là một cánh cửa mở vào tâm hồn của Kiên, ở đó, ký ức, suy nghĩ, tình cảm, mộng mị thảy đều hòa lẫn, tương tác với nhau không theo một thứ tự cụ thể nào, cơ hồ cứ nghĩ đến chuyện gì là lại đặt bút ghi lại ngay chuyện ấy, không màng đến sự logic trước sau. Song chính từ đây, tác phẩm đã đạt được thứ logic quan trọng nhất trong văn chương, thứ logic tự nhiên của tình cảm, của tâm hồn con người. Giọng văn trôi chảy, đầy cảm xúc, day dứt và vô cùng cảm động ở những tình tiết nổi trội. Bảo Ninh đã không còn nhìn về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ giới hạn trong góc nhìn của một người lính Bắc Việt nói riêng hay một người Việt Nam nói chung mà ông chọn cho mình một góc nhìn cơ bản nhất cũng là cao nhất – góc nhìn của một con người. Chính ông đã viết trong kiệt tác của mình :

    “…Tên tuổi anh ta tôi không biết, chỉ biết anh ta là lính của liên đoàn 6 biệt động quân; Người Nam hay Bắc hay Trung cũng chả biết vì anh ta chỉ rên, rên thì dân xứ nào cũng một giọng như nhau. Và ta hay ngụy thì cũng rên như vậy…”

    Với một kiệt tác đầy tính nhân văn như vầy, tôi thiết nghĩ không chỉ nên xem xét nó trong giới hạn không gian là cuộc chiến tranh cụ thể mà nhân vật đã tham dự mà nên nhìn một cách khái quát hơn. Các cuộc chiến tranh có thể tiến hành bằng các phương thức khác nhau, giữa những phe khác nhau, vì những mục đích khác nhau, … nhưng về bản chất chúng luôn luôn là một. Và một khi vẫn còn chiến tranh, trên thực tế hoặc trong tâm tưởng của con người thì những cuốn sách như Nỗi buồn chiến tranh vẫn không bao giờ là lỗi thời, không bao giờ hết bạn đọc, không bao giờ ngừng khiến người ta xúc động và sẻ chia.

    Tuy nhiên, có lẽ vì viết quá thật, quá chân thành và quá nhiều cảm thông cho mọi mất mát trong chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh sau khi đạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 đã bị cấm xuất bản một cách không chính thức tại Việt Nam trong một thời gian dài. Ngược lại, giá trị mà nó mang đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành một trong số ít ỏi các tiểu thuyết Việt Nam ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc thế giới. Trên một khía cạnh nhất định, Nỗi buồn chiến tranh cũng được xem là tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam thời kì hậu chiến. Còn với cá nhân tôi, giá trị của tác phẩm này không chỉ dừng lại ở mốc thời gian đó mà từ bấy cho đến nay vẫn chưa có tiểu thuyết trong nước nào đạt được tầm vóc ấy. Bảo Ninh đã “viết về chiến tranh như viết về tình yêu” vậy."

    -- Chiemphong--

    http://readingcafe.wordpress.com/201...1%BA%A3o-ninh/

  3. #3

    Mặc định

    không có chiến tranh sẽ không có thay đổi, mà trái đất luôn dịch chuyển....trái đất luôn thay đổi... hỏi bao giờ mới hết chiến tranh !!!! im lặng .... và những nỗi đau sẽ vần còn hoài còn mãi...

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC TRONG LỊCH SỨ DÂN TỘC
    By Bin571 in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 14
    Bài mới gởi: 19-05-2013, 08:11 AM
  2. TRuyện về bùa lỗ ban(sưu tầm)
    By nghichngom85 in forum Thế Giới Bùa Ngải
    Trả lời: 14
    Bài mới gởi: 08-01-2012, 05:49 PM
  3. Quán cà phê kỷ vật chiến tranh
    By Bin571 in forum Cổ Vật
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 20-07-2011, 12:38 AM
  4. Đền Tranh Xã Đồng Tâm-Ninh Giang_Hải Dương!
    By tkntrankhacnguyen91 in forum Văn Hóa - Phong Tục - Lễ Hội
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 06-05-2011, 03:25 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •