kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: 1 chút về "NGUYỄN BỈNH KHIÊM "

  1. #1

    Mặc định 1 chút về "NGUYỄN BỈNH KHIÊM "

    guyễn Bỉnh Khiêm (chữ Hán: 阮秉謙; 1491–1585) được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê-Mạc phân tranh cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.
    Ông sinh năm Tân Hợi đời vua Lê Thánh Tông, tức năm Hồng Đức thứ 22 (1491) tại làng Trung Am huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là làng Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định; thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lân, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã tiếp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương.

    Ông khôi ngô, tuấn tú, tư chất khác thường, một tuổi ông đã nói sõi, lên năm tuổi được mẹ dạy cho kinh sách, truyền miệng cho thơ văn chữ Nôm, ông học đâu nhớ đấy, không quên chữ nào.

    Lớn lên ông theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ông sáng dạ, thông minh lại chăm chỉ học hành nên được thầy rất khen ngợi.

    Thời bấy giờ trong nước biến loạn, ông không muốn xuất đầu, lộ diện, đành ở ẩn một nơi. Năm Đại Chính thứ sáu (1535) đời vua Mạc Đăng Doanh lúc 45 tuổi, ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc cất ông lên làm Tả Thị lang Đông các Học sĩ. Vì ông đỗ Trạng nguyên và được phong tước Trình Tuyền hầu nên dân gian gọi ông là Trạng Trình.

    Làm quan được bảy năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan năm 1542.

    Khi về trí sĩ, ông dựng am Bạch Vân và lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học cạnh sông Tuyết, do đó học trò gọi ông là "Tuyết giang Phu tử". Bạn của ông là những tài danh lỗi lạc một thời như Bảng nhãn Bùi Doãn Đốc, Thám hoa Nguyễn Thừa Hưu, Thư Quốc công Thương thư Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Dữ- tác giả Truyền kỳ mạn lục, Thượng thư Bộ Lễ Lương Hữu Khánh,Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Quốc công Nguyễn Quyện, Thượng thư Bộ Hộ Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Trương Thời Cử, Tiến sĩ Đinh Thời Trung, Hàn Giang Phu tử Nguyễn Văn Chính ...

    Ông mất năm Ất Dậu (1586) hưởng thọ 95 tuổi. Lễ tang ông có quan phụ chính triều đình là Ứng vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan đại thần về viếng. Việc vua Mạc cử người được vua coi như cha về dự lễ tang nói lên sự trân trọng rất lớn của nhà Mạc với Trạng Trình. Trong buổi lễ tang ấy, Ứng vương đã thay mặt vua truy phong Nguyễn Bỉnh Khiêm tước Thái phó Trình Quốc công.
    [sửa] Tác phẩm văn chương

    Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như tập thơ Bạch Vân, gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán (còn lưu lại) và hai tập Trình Quốc công Bạch vân thi tập và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi, (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm) hiện còn lưu lại được một quyển của Bạch Vân thi tập gồm 100 bài và 23 bài thơ trong tập Bạch Vân Gia Huấn mang nhiều chất hiện thực và triết lý sâu xa, thể hiện đạo lý đối nhân xử thế lấy đức bao trùm lên tất cả, mục đích để răn dạy đời.
    [sửa] Tiên tri

    Khi theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, ông được truyền cho quyển Thái Ất thần kinh từ đó ông tinh thông về lý học, tướng số... Sau này, dù Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn làm quan nhưng vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) vẫn phong cho ông tước Trình Tuyền hầu vào năm Giáp Thìn (1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn ngành lý học, giống như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa. Sau đó được thăng chức Thượng thư bộ Lại tước hiệu Trình quốc công.

    Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau này. Người Trung Hoa khen Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là "An Nam lý số hữu Trình Tuyền". Ông tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".

    Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (có tài liệu viết là "khả dĩ dung thân") nghĩa là "Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài". Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê - Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: "Lê tồn Trịnh tại".
    [sửa] Nhận xét

    Nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương lọai chí: "Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở".

    La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp khi về thăm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có bài thơ Quá Trình tuyền mục tự (Qua thăm đền cũ Trình tuyền) đã xem Trình tuyền là người có tài "Huyền cơ tham tạo hóa" (nắm được huyền vi xen vào công việc của tạo hóa).

    Tiến sĩ thời nhà Hậu Lê Vũ Khâm Lân đã làm bia ở đền Trạng Trình và nói rằng danh tiếng Trạng

    Như núi Thái sơn, sao Bắc Đẩu
    Nghìn năm sau như vẫn một ngày.

    [sửa] Giai thoại

    Tương truyền thuở nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Văn Đạt. Mẹ ông là Nhữ thị vốn tinh thông tướng số và có ước vọng là lấy chồng làm vua hoặc có con làm vua. Do đó trong quá trình dạy dỗ, bà đã truyền cho ông mơ ước ấy rồi.

    Một hôm khi bà đi vắng, ông Định ở nhà với con và tình cờ hát:

    "Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung".

    Không ngờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh nhảu ứng đối lại ngay:

    "Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung".

    Khi bà về đến nhà, ông rất tâm đắc kể lại chuyện ấy thì bị bà trách nuôi con mong làm vua làm chúa cớ sao lại mong làm bầy tôi (nguyệt chỉ bầy tôi).

    Lại một lần khác bà dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm câu hát

    "Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng".

    Ông Định hoảng sợ vì nếu triều đình hay được sẽ mất đầu về tội khi quân nên sửa lại:

    "Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con vịn ngai vàng".

    Nhiều lần như vậy, bà rất bất bình nên bỏ đi. Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên chỉ được ở cạnh bố.

    Tương truyền sau đó bà lấy một người họ Phùng và sinh ra Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Sau chính Khắc Khoan trở thành học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    Bà Nhữ Thị vẫn không thoả chí vì họ Phùng không có chí làm vua.

    Mãi sau này bà Nhữ tình cờ gặp một trang nam nhi làng chài đang kéo lưới mà bà tiếc nuối vì cho rằng người này có số làm vua, còn tuổi mình đã cao. Người đó chính là Mạc Đăng Dung, vị vua khai triều của nhà Mạc.

  2. #2

    Mặc định

    bên trên có nhắc đến " bạch vân gia huấn " sham sẽ chú giải đôi chút


    Bài mở đầu
    Lượng Đức Thánh rộng như biển cả,
    Truyền dậy cho thiên hạ điều hay.
    Làm điều thiện hưởng phúc dầy,
    Bất nhân thất đức có ngày tiêu vong.
    Mềm dẻo tốt hơn cương cường,
    Lưỡi mềm còn mãi, răng thường gẫy đi.
    Chớ cậy ta dài mà chê người ngắn,
    Đừng dối lòng đừng oán đất trời.
    Lặng im mà ngẫm sự đời,
    Tình người thoang thoảng, vơi vơi thì bền.

    Đừng quên bạn nghèo hèn xưa cũ,
    Vợ cháo rau xin chớ phụ tình.
    Vật ngon, ăn quá bệnh sinh,
    Vui chơi quá mức, ắt thành tai ương.

    Giàu sang lắm nhiều đường bổng lộc,
    Cây tái trồng hẳn gốc bị thương.
    Buổi sáng còn cuốc ruộng nương
    Biết đâu chiều đã công đường có khi.
    Làm tướng đâu phải vì dòng dõi,
    Thân nam nhi trí phải tự cường

    Bài thứ nhất – HIẾU HẠNH

    Đức hiếu hạnh là chương thứ nhất
    Hãy suy xem sự thật ra sao
    Trăm hay lấy hiếu làm đầu,
    Vạn điều ác cũng khơi mào từ dâm(1)
    Dành sách cho con cháu là quý
    Nhưng dễ đâu họ đã đọc cho.
    Dành vàng cho họ đầy kho,
    Chắc đâu họ đã giữ cho lâu bền.
    Chi bằng tích đức liền liền,
    Mới là cái kế lâu bền về sau
    Hoạ hay phúc biết đâu là cửa
    Do con người định cả đấy thôi.
    Ngẫm xem quy luật đất trời,
    Trồng đậu được đậu, dưa thời được dưa
    Lưới trời rộng thưa, mà không lọt,
    Không bao giờ bỏ sót chính tà.
    Biết xấu thời tránh cho xa,
    Biết lỗi sửa lỗi ấy là điều hay.



    Trước khoan nhượng, sau dày quả phúc,
    Trước mở mang, sau được phúc lành
    Chớ chơi với kẻ bất minh
    Của phi nghĩa chớ chiếm thành của ta.
    Lòng chớ nghĩ gian tà, hiểm độc,
    Chân đi không bước bậy, giẫm càn.
    Nghe lời nói thẳng rõ ràng,
    Thấy nơi chình nghĩa đường hoàng thì theo.

    Người siêng năng thêm nhiều tuổi thọ,
    Kẻ chơi bời đa số chết non.
    Sự đời chậm chắc thì hơn,
    Tình người thoang thoảng thì hơn quá nồng.
    Sự sang giầu nếu không đáng hưởng,
    Cố hưởng, rồi cũng chẳng ra sao.
    Chưa già đã hưởng lộc cao,
    Hẳn rằng sau cũng mau mau hết đời.


    Người siêng năng thêm nhiều tuổi thọ,
    Kẻ chơi bời đa số chết non.
    Sự đời chậm chắc thì hơn,
    Tình người thoang thoảng thì hơn quá nồng.
    Sự sang giầu nếu không đáng hưởng,
    Cố hưởng, rồi cũng chẳng ra sao.
    Chưa già đã hưởng lộc cao,
    Hẳn rằng sau cũng mau mau hết đời.



    Kẻ mưu mô hại người người hại
    Nuôi hận thù thì mãi không thôi
    Người quân tử chẳng hoài hơi,
    Chẳng cần lý sự tránh lời hơn thua.
    Có bệnh, biết phòng ngừa bệnh tật,
    Thì con người chắc hẳn sống lâu.
    Có việc, biết bảo ban nhau,
    Cửa nhà yên ấm, bền lâu tình người.

    Lấy vợ đâu kén đẹp người.
    Được người hiền đức thì đời mới vui.
    Mối quan hệ với người thân quyến,
    Dù xa gần năng đến thăm nhau,
    Quan chức chẳng cứ thấp cao,
    Thanh liêm, cần mẫn, dân nào chẳng yêu.



    Tình bạn bè giúp nhau mới đẹp,
    Chớ có vì nhau nhẹt thân chơi.
    Ngọc là vật quý ở đời
    Cháu con hiếu thảo sáng ngời là phong.

    Bài thứ hai - CHỨC PHẬN LÀM CON

    Phận làm con phải thông đạo hiếu,
    Phận làm dân phải hiểu chữ trung.
    Trên ra lệnh, dưới phục tùng,
    Cha làm việc tốt, con cùng làm theo.



    Của cải nhiều dùng lâu cũng hết,
    Chữ hiếu trung hưởng mãi vô cùng.
    Bàn mưu tư lợi thì đừng,
    Bàn điều chân chính, nên cùng tham gia.

    Làm tốt chớ ba hoa kể lể,
    Hoa sớm nở, thì hoa dễ sớm tàn.
    Cẩn thận đáng giá ngàn vàng,
    Phải suy nghĩ kỹ hãy làm mới hay.
    Người tốt hay xắn tay làm phúc,
    Giúp ai không lợi dụng người ta.
    Người biết lỗi, sửa thì tha,
    Trị người có tội, chớ mà quá nghiêm.



    Dạy điều thiện, đừng nên tham quá,
    Để người học có khả năng theo
    Khoan hòa sẽ được tin yêu,
    Siêng năng cần mẫn ắt nhiều thành công.
    Nói thận trọng thì không sợ lỗi,
    Làm thận trọng đỡ hối về sau.
    Thế lực dù mạnh đến đâu,
    Nếu đem dùng hết, ắt sau hại mình.
    Hoặc cậy thế tạo thành phúc lộc,
    Hẳn rằng sau cũng chẳng ra gì.
    Cứ đường chính đạo mà đi,
    Hiếu, Trung, Nhân, Nghĩa nghĩ suy mà làm.

    Bài thứ ba – NÓI VỀ GIÀU SANG

    Bài thứ ba bàn sự giàu sang
    Giàu với sang ai chả ước mong,
    Nhưng giàu sang chẳng chính công,
    Là phi đạo đức, hẳn không lâu bền.
    Ai sống kẻ nghèo hèn cũng chán,
    Nhưng bất lương đuổi hẳn chẳng đi.



    No cơm hẩm thiết gì thịt cá,
    Vui cảnh nghèo, quên cả giàu sang.
    Người quyền quý, lắm bạc vàng,
    Lấy gương xử với họ hàng mà soi.
    Ở phải đạo, nhiều người giúp đỡ,
    Sống bất lương, ít chỗ thân tình.
    Thà nghèo giữ được thơm danh,
    Hơn giàu lắm chuyện phẩm bình, cười chê.
    Bọ ngựa rình con ve định bắt,
    Chim sẻ rình bọ sát phía sau…



    Tiếng tăm lừng lẫy càng nhiều,
    Tránh xa kẻ xấu sinh điều ghét ghen.
    Nhiều tài cũng lắm phen khốn khổ,
    Nhiều công là cái hố suy bì.
    Nhớ rằng đừng cậy, chẳng khoe, (1)
    Phải luôn thận trọng chớ hề phô trương.
    Nói với bạn việc ngay ý thẳng,
    Phải người tham họ chẳng nghe đâu.
    Nói với quan chuyện thanh cao,
    Phải quan tham nhũng hẳn sau nó trù.
    (1): Truyện kiều có câu:
    “Có tài mà cậy chi tài
    Chữ tài liền với chữ tai một vần”

    Bài thứ tư – ĐẠI NGHĨA

    Bài thứ tư nêu câu Đại nghĩa
    Dạy cho người ta biết để khuyên nhau.
    Trung với nước đặt lên hàng đầu,
    Đạo cha con được xếp vào đại luân.
    Trai tài biết thương dân, thủ tiết,
    Gái kiên trinh phải biết giữ mình.
    Người tài nước được thơm danh,
    Vợ giỏi như được ngọc lành trời cho.
    Gái bất chính thì cho chẳng lấy,
    Trai có tài mắc bẫy thì ngu.
    Bất trung dễ mắc mưc thù,
    Minh quân như mù mới lấy làm quan.
    Con dân thường chăm ngoan học giỏi,
    Cũng có ngày tiến tới làm quan,
    Con quan chẳng chịu học hành,
    Suốt đời cũng chỉ làm anh dân thường.
    Làm quan chức, thấm ơn chế độ,
    Có nuôi con, mới nhớ được công cha.
    Muốn lòng ngay thẳng thật thà,
    Rèn luyện ý trí phải là đầu tiên.

    Bài thứ năm –CHÍ THIỆN

    Bài thứ năm : Tâm linh chí thiện
    Mong tốt lành mọi chuyện công tư.
    Rất vui là đọc thi thư,
    Việc đời mệt nhất ấy là dậy con.
    Cha nghiêm phụ răn con hiếu thảo,
    Mẹ nhân từ dạy bảo gái ngoan.
    Nhà lành hương toả chi lan,
    Ở lâu chẳng thấy mùi thơm ngạt ngào.
    Gần kẻ ác như vào chợ cá,
    Buộc người ta quen cả mùi tanh.



    Có nết tốt chẳng kiêu căng,
    Đức dày thêm mãi tạo thành thói quen.
    Giàu chớ kiêu chớ nên ích kỷ,
    Sang cũng đừng xa sỉ, hợm đời.
    Việc làm muốn tốt tuyệt vời,
    Ba lần căn nhắc hẳn hoi mới làm.
    Suy tính kỹ bao hàm hai ý:
    Việc chung riêng thấu lý đạt tình.



    Từ xưa vẫn sợ, vẫn kinh,
    Lòng người nham hiểm nảy sinh khó lường
    Kẻ tiểu nhân mưu đồ xảo quyệt,
    Thích mưu đồ tiêu diệt người ngay.
    Cho dù hiểm độc, quắt quay,
    Không qua lẽ phải, chẳng xoay đạo trời.
    Kẻ bất nhân nhất thời nổi tiếng,
    Không người thì trời diệt chẳng tha
    Tự nhiên được của đầy nhà,
    Một là lộc lớn, hai là họa to
    Có lúc bại, trời cho thắng cuộc,
    Hoặc đang nghèo bỗng được giầu sang.
    Thế gian yêu lắm ghét nhiều,
    Khen nhiều chê lắm, bao điều bất an.
    Mừng nhiều lo lắm chẳng oan,
    Vinh nhiều nhục lắm, thế gian thường tình.



    Đừng cậy thế mà sinh kiêu ngạo,
    Chớ cậy quyền để tạo lợi riêng.
    Làm một điều thiện cũng nên,
    Trừ một việc ác quả nhiên rất cần.


    Sinh sự thì bận tâm mệt sức,
    Nên nhún nhường tạo Đức thì hơn.
    Việc chuẩn bị kỹ hãy làm,
    Việc không chuẩn bị chớ tham làm bừa.

    Bao kinh nghiệm từ xưa đã thấy,
    Sai một ly đi mấy dặm đường.
    Quả quyết được việc lẽ thường,
    Đắn đo hỏng việc, ấy gương ở đời.

    Sắc chẳng mê người, chính người mê sắc,
    Rượu chẳng say người, chỉ tại người say.
    Đừng nên vui quá nói chầy,
    Chớ vì sướng quá vung tay làm liều.
    Quý chim phượng bởi yêu lông cánh,
    Trọng người hiền ở cách nói năng.
    Gặp khi hoạn nạn khó khăn,
    Hành vi tế nhị, nói năng lựa lời.



    Mười mắt rồng và mười tay trỏ
    Thật công minh sáng tỏ sâu xa
    Quả đào người quý tặng ta,
    Ta lấy quả mận đem ra biếu người.
    Cung nỏ lạ chớ cầm mà khốn,
    Ngựa chẳng quen, chớ cưỡi mà ngã.
    Qua ruộng dưa chớ sửa giầy,
    Dưới gốc mận chớ giơ tay sửa đầu.



    Coi chừng chốn cửa cao nhà rộng,
    Đừng cậy rằng tông tộc mình to.
    Họ to lắm chuyện tò mò,
    Cửa cao thường giở những trò kiêu căng.



    Người tốt, chơi nói năng chân thật,
    Kẻ xấu, chơi như mật chết ruồi.
    Người tốt bền chí thức thời,
    Khó khăn thuận lợi vẫn nuôi chí bền.
    Kẻ xấu thường van xin lúc khó,
    Được việc rồi thì nó quên luôn.



    Mới hay muôn sự vui buồn
    Những điều chí thiện phải luôn ghi lòng.

    Bài thứ sáu – THIỆN ÁC

    Bài thứ sáu : Hai dòng Thiện –Ác
    Là hai điều thật khác nhau xa
    Trăm năm trong cõi người ta,
    Dở, hay báo ứng, thật là công minh.
    Báo ứng có khi nhanh, khi chậm,
    Nhà tối, nghèo nào dám coi khinh.
    Việc làm phúc nếu vô tình,
    Như tuồng lánh nạn, đáng khinh khỏi bàn.
    Kẻ bạo ngược mưu toan việc xấu,
    Bịp được người sao giấu được trời
    Vầng dương mọc lặn luân hồi,
    Mặt trăng tròn khuyết, đầy rồi lại cong.
    Tình người cũng tụ, xong lại tán,
    Buồn lại vui, vui chán lại buồn.
    Cỏ hoa sớm nở tối tàn,
    Cây tùng cây bách muôn ngàn sức xuân.



    Mỗi ngày xét bản thân ba lượt
    Đêm nhiều người sẽ biết cho ta.
    Số trời vốn sẵn định ra,
    Giàu sang có mệnh, vinh hoa có ngày.
    Hoa nở muộn do cây cằn cỗi,
    Đời chưa vui, bởi nỗi khổ nghèo.
    Giàu sang, khách đến thăm nhiều,
    Nghèo hèn, thân thích ra chiều cách ly.



    Lúc dư dật, phòng khi túng thiếu,
    Khi sướng vui, phải liệu khi buồn.
    Một nhà nề nếp cương thường,
    Cha từ, con thảo, đẹp gương vợ chồng.
    Tình anh em : thuận lòng nhân ái,
    Nghĩa bạn bè qua lại giúp nhau.
    Người con phòng lúc ốm đau.
    Chứa thóc phòng đói là câu chí tình.
    Giúp người gặp cảnh tình nguy cấp,
    Hoặc cứu người trong lúc gian nguy.
    Có mới đừng nới cũ đi,
    Tiếng nói một nẻo, bụng suy một đằng.
    Chớ có lành bắt vành ra méo,
    Đừng làm cho bé xé ra to.
    Một chút tà tất quanh co,
    Người ta sẽ tỏ các trò quắt quay.
    Lời không cánh mà bay khắp ngả,
    Đạo đức cao thì gốc cả, rễ sâu.
    Ngọc vết mài chẳng khó đâu,
    Nói sai, biết sửa bao lâu mới lành.
    Lời đã nói bay nhanh hơn gió,
    Bốn ngựa phi cũng khó đuổi theo.
    Khinh người là thói tự kiêu,
    Người ta khinh lại, đời nào chịu thua.
    Tự khen mình mà chê người hỏng,
    Thì người ta có trọng gì mình.
    Hãy suy Thiện –Ác, Nhục –Vinh
    Ở sao có nghĩa có tình thì hơn.
    Việc gia thất muốn yên mọi sự
    Mỗi người nên biết xử phận mình
    Đừng mưu lấy của bất minh
    Chớ ghen ghét với người mình còn thua.
    Vợ người ta chớ đùa cợt nhả,
    Đừng gièm pha quấy phá hôn nhân.
    Một năm có một mùa xuân,
    Mỗi ngày chỉ một giờ dần đầu tiên.

    Cháy nhà có nước liền dễ chữa,
    Láng giềng cần giúp đỡ lẫn nhau.
    Tình đời lắm chuyện thương đau,
    Anh em để mẩt lòng nhau thật buồn.
    Người xưa bảo : thói quen thường vẫn vậy,
    Đàn bà thì khó dạy khó chiều.
    Quân tử phép chẳng cần theo,
    Tiểu nhân chẳng chấp những điều lễ nghi.

    Thấy ai có vật gì quý giá,
    Chớ lân la tán gạ, nài xin.
    Công việc nào quá khó khăn,
    Đừng buộc người khác phải lăn vào làm.
    Muốn trách người, phải xem mình trước.
    Nếu tha mình, tha được người ta.
    Đứa bất chính, kẻ gian tà,
    Kết thân với chúng dễ mà tàn thân.
    Không minh bạch miếng ăn lời nói,
    Là nguyên nhân cái tội hại mình.
    Lúc trẻ lao động nhiệt tình,
    Khi già cuộc sống gia đình thảnh thơi.
    Trẻ mà lêu lổng chơi bời,
    Về già chắc hẳn cuộc đời gian truân.



    Của cho con đâu cần vàng ngọc
    Mà cho con được học được hành.
    Cho muôn khoảnh ruộng tốt xanh,
    Chẳng bằng cho chúng nghề lành trong tay.
    Mộng làm giầu thường hay thất đức,
    Làm điều nhân khó được giầu sang.
    Thuốc hay khó chữa bệnh oan,
    Của nhặt được khó mở mang giầu bền.



    Bất nghĩa mà trở nên phú quý,
    Như mây bay bọt khí nổi trôi.
    Phúc do trong sạch lòng người,
    Đức từ kiên nhẫn sống đời yêu thương.
    Tham lam lắm tất vương tai họa,
    Sống bất nhân tội chả thoát đâu.
    Tiểu nhân chẳng giúp ai đâu,
    Bởi trong lòng họ, như đầu mũi kim.
    Chỉ gai góc rắp tìm mưu kế,
    Cốt hại người để mong lợi mình.
    Người quân tử có bất bình,
    Liệu mà xa lánh, kẻo sinh hận thù.
    Tình người khác chi tờ giấy trắng,
    Như cuộc cờ vốn chẳng giống nhau.
    Khéo mà ứng xử với nhau,
    Đừng làm ai đó phải chau đôi mày,
    Chớ mạt sát day tay mắm miệng,
    Để người ta phải nghiến hàm răng.
    Ngựa gầy nên kém chạy hăng,
    Người không hồ hởi phải chăng vì nghèo.



    Sẵn tiền, rượu thì nhiều bạn đấy,
    Lúc lâm nguy nào thấy một ai.
    Luật trời báo ứng chẳng sai,
    Không trước mắt, cung lâu dài chứng minh.

    Bài thứ bẩy –TÍCH THIỆN

    Bài thứ bẩy khuyên luôn tích thiện,
    Chứa điều lành như mặt trời lên.
    Rất vô tư, rất tự nhiên,
    Sáng soi muôn nẻo chẳng phiền đến ai.
    Chứa điều ác là tai họa đấy,
    Lửa trên đầu nào thấy mà lo.
    Chuyện ác dù chẳng nói to,
    Trên trời rung động tự hồ sấm vang.
    Việc mờ ám tưởng không ai biết,
    Nhưng mắt thần như điện sáng soi.
    Giầu sang đúng phận thì thôi,
    Nghèo hèn xử sự đúng môi trường nghèo.
    Suy từ ta ra nhiều người khác,
    Khoe điều lành, điều ác giấu đi.
    Thấy ai làm ác điều gì,
    Khéo can ngăn, hoặc nghoảnh đi chớ nhìn.
    Chuyện người khác không đem đàm tiếu,
    Mặc người ta, mạnh, yếu, giở, hay.
    Nói nhiều nghe cũng chán chầy,
    Khuyên nhiều sinh oán, bấy nay lẽ thường



    Khi yêu cũng nên lường lúc ghét,
    Lúc ghét nên nhớ đến khi yêu.
    Việc làm, lời nói, ít nhiều,
    Phải nên hướng thiện, phải theo phận mình.

    Bài thứ tám –AN PHẬN

    Giữ yên phận là bài thứ tám
    Đừng để người đụng chạm đến ta
    Biết lo tính, biết phòng xa,
    Khoan dung ngay thẳng hẳn là sống lâu.



    Nước chân chính, lòng trời cũng thuận,
    Quan thanh liêm dân hẳn yên lòng
    Vợ hiền là phúc nhà chồng,
    Các con hiếu thảo thì lòng cha yên.



    Dẫu có tài giỏi chớ nên khoe khoác,
    Nhiễu sự sao bằng được an nhàn.
    Bốn mùa ấm lạnh xuềnh xoàng,
    Nói năng thận trọng rõ ràng được yên.
    Của dễ được tất nhiên dễ mất,
    Được vất vả thì mất khó khăn.
    Làm thong thả việc chắc ăn
    Việc đời muôn sự khó khăn ban đầu.
    Người xưa nói những câu triết lý:
    Vào núi bắt hổ dễ như chơi,
    Còn khi mở miệng dạy người,
    Khó khăn nhiều lắm, liệu lời đắn đo.
    Quân tử cần ăn no uống đủ,
    Không cầu kỳ cốt giữ bình yên.
    Trò tìm thầy học dễ tìm,
    Thầy tìm trò tựa mò kim đáy hồ.




    Việc chia chác chẳng lo ít ỏi,
    Chỉ đáng lo cái tội không đều.
    Không lo hoàn cảnh túng nghèo,
    Chỉ lo xã hội nhiều điều bất công.
    Quá nham hiểm bởi lòng tham lắm.
    Quá nhẫn tâm lòng hẳn quá tàn.

    Bài thứ chín – ĐẠI ĐẠO

    Giữ đại đạo là bài thứ chín,
    Lấy chữ “Trung” chữ “Tín” làm đầu.
    Người quân tử đạo đức cao,
    Không kiêu thái, giữ trước sau chan hòa.
    Khi cần giúp người ta việc gấp,
    Chẳng chọn ngày, đừng bấm ngón tay.
    Người được ta cũng mừng thay,
    Người đau, thông cảm đắng cay cho người.
    Nói thao thao ngàn lời tươm tất,
    Cũng không bằng việc thật đã làm.
    Kiếm lời chê trách nhân gian,
    Chính là chuốc lấy mối oan hại mình.
    Ta giúp người chân tình độ lượng,
    Là góp điều làm phước đáng tin.
    Trăm nghe không bằng một nhìn,
    Một việc thực tế hơn nghìn lời suông.



    Việc trời đất cũng thường thay đổi,
    Sáng gió mưa, chiều đã đẹp trời.
    Giống như cuộc sống một con người
    Sáng chiều, may rủi đầy vơi chuyển vần.
    Có việc đối với ta như thế
    Nhưng với người đâu rễ giống ta
    Khi lời nói trái phát ra,
    Tất nhiên cái họa cũng sà vào theo.



    Của phi nghĩa đưa vào cửa trước,
    Nó cũng tìm đường bước lối sau.
    Đừng làm những chuyện không đâu
    Chớ tham của lạ để sau bận lòng
    Việc đừng quá lao tậm cật lực,
    Nên đắn đo vừa sức thì làm,
    Không lười biếng chẳng tham lam
    Học điều Đại đạo –để làm thực tâm.

    Bài thứ mười ĐỘC THƯ

    Bài thứ mười khuyên cần đọc sách,
    Sách là thầy dạy mách cho ta.
    Bao điều đạo lý sâu xa,
    Văn minh khoa học bao la đất trời.
    Ham đọc sách thì trời chẳng phụ.
    Có chí bền ắt sẽ làm nên.



    Mẹ cha vui bởi con hiền,
    Gia đình hòa thuận đẹp yên mọi phần
    Đạo đức cao, quỷ thần nể sợ,
    Được mọi người giúp đỡ tin yêu.
    Thấy việc thiện hãy làm theo,
    Biết lỗi sửa lỗi là điều đáng khen



    Cách đối xử phải nên suy xét,
    Đừng cạn tình trái nết – mất lòng.
    Muốn nhanh vội việc khó xong,
    Ham lợi nhỏ việc lớn không hoàn thành.
    Tre uốn mạnh chẳng vênh cũng gẫy,
    Chó cắn càn bởi thấy cùng đường.
    Đánh chuông chuông tất kêu vang,
    Người quá uất ức sẵn sàng đấu tranh.
    Chớ nên hám lợi hám danh,
    Ít ham muốn mới yên lành bền lâu.

    Bài mười một – DO MỆNH

    Bài mười một dạy câu số mệnh
    Mọi điều đều do tiền định cả rồi.
    Giầu sang cũng bởi tại trời,
    Công danh có mệnh, có thời dở hay.
    Đồ ăn uống xưa nay sản xuất.
    Cũng đều do trời đất khởi sinh.
    Người khôn làm đúng phận mình,
    Tiểu nhân mạo hiểm hiếu danh, khoe tài.



    Nói thẳng thường trái tai chẳng thích,
    Hãy xét suy, có ích hãy làm.
    Ở đời lắm thói đa đoan,
    Thuốc đắng giã tật, thế gian tỏ tường.
    Thấy người tốt chớ nên xem thường,
    Hãy nghiêm suy ngẫm tìm đường mà theo.

    Bài mười hai –THÀNH SỰ

    Bài mười hai lo toan sự nghiệp
    Muốn thành công phải biết lo xa.
    Mưu sự là ở người ta,
    Thành công tốt đẹp suy ra tại trời.
    Có trường hợp ở nơi nguy bại,
    Được trời phù nên lại thắng to.
    Hoặc khi tai nạn gay go,
    Gặp may lại được trời cho an toàn.



    Có đức mà nghèo hèn cơ cực,
    Hẳn là do nghiệp chướng từ lâu.
    Bất lương mà được giầu sang,
    Chắc là kiếp trước bắc cầu thiên duyên.



    Nếu phận nghèo thì nên nghèo trước,
    Chớ dã tâm, bạo ngược khởi đầu.
    Biết mệnh là bởi hiểu sâu,
    Sống yên vô sự khác nào thần tiên.

    Muốn sống lâu phải rèn luyện tốt,
    Từ lao động ăn uống thuốc men…
    Giữ gìn chừng mực cho quen,..
    Một ngày vui khoẻ là tiên một ngày.



    Không thuốc nào chữa bệnh khanh tướng thọ,
    Có tiền đâu mua được con hiền.
    Vợ ngoan chồng chẳng ưu phiền,
    Có con hiểu thảo cha yên cõi lòng.



    Bởi uống say, nói không tử tế,
    Vì tiền tài, huyunh đệ từ nhau.
    Nên xuống ngựa lúc qua cầu,
    Có đường bộ chớ rủ nhau đi thuyền.
    Áo trắng thì bụi đen dễ dính,
    Khó an toàn bởi tính kiêu căng.



    Lòng người hiểm hơn núi rừng,
    Hãy suy luận, để coi chừng đó nghe.

    “Bọ ngựa bắt con ve tưởng bở
    Sẻ lại rình bọ ngựa kề bên;
    Người săn tặng sẻ mũi tên;
    Hổ lang rình sẵn xông lên vồ người.

    Hổ đắc ý lên rồi định biến,
    Ngờ đâu xa xuống giếng mạng toi!
    Mới hay mạnh yếu ở đời,
    Nhãn tiền báo ứng rạch ròi phân minh”

    Bài mười ba –TRÍ GIẢ

    Bài mười ba dạy điều trí giả.
    Bậc trí giả trọng mình hơn hết,
    Bởi học nhiều hiểu biết càng sâu.
    Chẳng cần đấu lý với nhau,
    Chẳng cần đấu lực, đối đầu với ai.
    Giữ danh dự trong ngoài kính nể,
    Bảo vệ cho thân thể an toàn
    Biết tự kiềm chế thì yên.
    Không bị nhục cũng chẳng phiền đến thân.



    Có những chuyện người trần khó biết,
    Mà trời cao nghe thấy mọi điều.
    Bảo rằng lỗi nhỏ chẳng sao,
    Nhiều lỗi góp lại lớn lao khó lường.



    Một mình chớ đi đường nguy hiểm,
    Thuyền chở tham sinh chuyện đắm đò.
    Chuyện người ta chớ tò mò,
    Có trách thì trách lỗi to của người.
    Thù oán cũ thì thôi quên tuột
    Trước khoan hòa sau được điều hay.
    Yêu đừng yêu quá đắm say.
    Ghét đừng ghét đắng ghét cay sinh thù.



    Có người chẳng được như ý muốn,
    Nên bảo ban đại lượng thì hơn.
    Trọng danh tiết như Thái sơn,
    Người không thì chẳng giản đơn việc nào.
    Giàu sang chẳng tự cao cậy thế,
    Nghèo hèn không luồn lụy cúi đầu.
    Kẻ vụng chẳng thấy việc đâu.
    Người khéo thì việc bù đầu, luôn tay.
    Bậc trí giả trước đây đúc kết
    Ta nên tìm học biết mà theo
    Luật ông Tiêu Hà dạy sáu điều
    Lễ, ông Phu Tử cũng nêu ba phần.

    Bài mười bốn - MINH CHÂU

    Ngọc Minh châu là thiên mười bốn
    Ngợi ca đức khiêm tốn sáng trong.
    Ngọc là vật quý vô cùng,
    Minh châu nổi sáng trong vùng tối tăm.
    Ngọc muốn đẹp phải năng mài giũa,
    Cố nâng niu gìn giữ kẻo hoài.
    Trời cho ta tấm hình hài,
    Phải lo tự giác mà bồi bổ thêm.



    Con hay, cha chớ nên khen,
    Cha mắc lỗi, con chớ nên nói nhiều.
    Thành công chẳng được tự kiêu,
    Hưởng phúc, càng phải biết điều đừng tham.

    Bài mười lăm HỌC VẤN

    Bài mười lăm răn đường học hỏi.
    Có tư duy mạnh giỏi hơn người.
    Trước là đẹp đạo đất trời,
    Sau là xây dựng tình người đẹp hơn.



    Hiếu với cha thời con hiếu lại,
    Kính trọng người người lại trọng ta.
    Chớ tin những thuyết tà ma,
    Nó làm chìm đắm xấu xa lòng người.



    Người xưa bảo tiền tài – phấn đất,
    Nghĩa nhân kia mới thật là ngàn vàng.
    Đường dài thử sức gian nan,
    Sống lâu mới biết ruột gan tình người.
    Biết giữ phận thì đời nhàn hạ,
    Không gian tham tai họa khó vào.
    Vận đen vàng hóa ra thau,
    Vận đỏ sắt cũng ra màu vàng tươi.
    Rượu trắng nhuốn đỏ mặt người
    Bạc vàng dễ nhuộm lòng người tối đen.



    Nghèo giữa chợ ai thèm thăm hỏi,
    Giàu trên rừng có khối người thương.
    Vẽ hổ khó vẽ bộ xương,
    Biết người biết mặt khó lường lòng ai.
    Không đáng sợ sức hai con hổ,
    Chỉ sợ người ăn ở hai mang
    Sống đại lượng phúc huy hoàng.
    Mưu sâu tai họa ắt càng thêm sâu.
    Vợ chồng hiệp sức nhau bàn bạc,
    Có tiền mua nhiều lạng vàng dòng.
    Vợ chồng ăn ở khác lòng
    Có tiền đâu dễ sắm cùng cái kim



    Trị nhà như cầm cương ngựa dữ,
    Trị nước như dạo thử cung đàn.
    Cho nên học hiểu và làm,
    Lẽ trời với lẽ dân gian hài hòa,
    Muốn xây phú quý vinh hoa,
    Cái nền học vấn phải là đâu tiên.




    Bài mười sáu TU ĐỨC

    Bài mười sáu thường xuyên tu đức,
    Phải chuyên tâm nỗ lực hàng ngày.
    Học rồi thực tế làm ngay,
    Rút ra kinh nghiệm dở hay sự tình.
    Tu đức tốt tướng sinh ra tướng,
    Con thảo hiền sinh được cháu ngoan.
    Nhà nghèo nhờ vợ đảm đang,
    Nước loạn cầu tướng giỏi giang, trung thành.



    Âm dương hòa không sinh lụt bão,
    Vợ chồng hòa thì đạo nhà nên.
    Tránh điều nghi kỵ hờn ghen,
    Đàn bà tiếp khách phải nên nhớ rằng:
    Cử chỉ đẹp, nói nhẹ nhàng,
    Khi đưa tiễn khách xin đừng quá chân.



    Bốn đức tính Công, Dung, Ngôn, Hạnh,
    Người đàn bà gánh nặng lo toan.
    Đừng kiêu sa, chớ lăng loàn,
    Đừng ghen ghét chớ giận hờn với ai.
    Gái yêu chồng đẹp vui mọi vẻ,
    Giúp chồng nuôi con khỏe con ngoan.
    Dựng xây tôn thống họ hàng,
    Sáng trong như ngọc, nết càng đẹp ra.
    Khi lòng dục dâm tà đã mở,
    Quên yêu thương bỏ cả lễ nghi.
    Nết hư dù chỉ một ly,
    Tiếng tăm đồn đại bay đi khắp vùng.






    Bài mười bẩy –CÁT NHÂN

    Rèn người tốt là chương mười bẩy,
    Sống nhân từ ai nấy mến thương.
    Trời cho Phúc, Lộc, Thọ trường,
    Sống vui thanh thản đời thường gặp may.

    Cha dạy con từ khi còn nhỏ,
    Chồng khuyên vợ từ khi mới về.
    Không quá vui đến đam mê.
    Bài bạc, nghiện hút, rượu chè, gian dâm.

    Tình dục chớ tham lam buông thả,
    Sức suy tàn rệu rã, ai thương.
    Của quý chớ có phô trương,
    Bạc vàng phải khóa trong dương trong hòm.

    Buồng the chớ để ai nhòm
    Của còn nguyên vẹn, tình còn dài lâu.

    Bài mười tám – LƯƠNG TÀI

    Bài mười tám răn chữ lương tài
    Lương là đạo cao đức trọng
    Có lương tài chết sống thơm danh.
    Người tài lành có bạn lành,
    Người ác bạn ác kết thành tai ương.
    Người lương tài nên thường nói thẳng,
    Kẻ xấu xảo nịnh chẳng thương yêu.
    Người lành nói ít làm nhiều,
    Tiểu nhân múa mép, lắm điều ba hoa.



    Người lành không gian tà uẩn khúc,
    Hành động luôn chính trực, phân minh.
    Kiệm cần có lý có tình,
    Để không mang tiếng rằng mình kiêu sa.
    Vụng may áo gấm cũng hỏng,
    Làm bậy thì phá hỏng cơ ngơi.
    Biết ít thì sống thảnh thơi,
    Biết nhiều lắm chốn, lắm điều thị phi.



    Người giúp việc cần chi đẹp xấu,
    Cần chọn người trung hậu, chăm ngoan.
    Lòng người, nọc rắn khó phân,
    Mặt trời ai biết chuyển vần như xe.



    Của xóm Đông lấy về hôm trước,
    Đến hôm sau nó ngược xóm Đoài
    Việc hôm nay, việc ngày mai.
    Hãy đem hai chữ Lương Tài mà xem.

    Bài mười chín LẬP THÂN



    Bài mười chín dạy đạo lập thân.
    Đạo lập thân muốn bền muốn vững,
    Phải khôn ngoan trong cứng ngoài mềm,
    Phúc nhà thuận dưới kính trên,



    Kiệm cần kiên nhẫn là nền trị gia,
    Làm quan phải giỏi và liêm khiết,
    Cẩn trọng luôn và biết thương dân.
    Mới hay bí quyết lập thân,
    Kiên trì: Liêm chính kiệm cần thì nên.

    Bài hai mươi –THỊNH ĐỨC

    Bài hai mươi là thiên thịnh đức
    Một số điều đã được rút ra.
    Người thực tài chẳng ba hoa,
    Thường khi dung mạo cứ là như ngây.

    Có ruộng không cấy cày thì đói,
    Có sách không học hỏi thì ngu.
    Trai không dạy, khác chi lừa,
    Gái ngu thì cũng giống như lợn sề.



    Trai sợ vợ bởi vì nhu nhược,
    Gái kính chồng vì được nết ngoan.
    Phải dè xẻn bởi thiếu ăn,
    Sống xa xỉ bởi nguyên nhân của thừa.



    Vừa lười nhác, lại vừa ngu xuẩn,
    Thì giầu sang đâu đến mà mơ.
    Hay đến thân cũng thành sơ,
    Ngồi dai chủ chẳng bao giờ thích đâu.



    Uống rượu đấu khẩu nhau ít chứ,
    Mới là người quân tử phòng thân.
    Thóc tiền sòng phẳng đồng cân,
    Mới là đức độ, tinh thần trượng phu.



    Con cá bị giật lên bờ
    Có hối cũng chẳng bao giờ được tha.
    Làm việc xấu đã sa pháp luật,
    Hối ba lần cũng thật muộn mằn.
    Nước loạn chớ đến dung thân
    Nơi nguy hiểm chớ bước chân lần vào.



    Phép quyền biến làm sao biết trước,
    Phải đắn đo mong được an toàn,
    Lò lửa ví như phép quan,
    Lòng người như sắt như gang trong lò



    Người yếu phải nương nhờ người mạnh,
    Giúp được người là hạnh phúc thay,
    Không thù dai chẳng hại ai,
    Tuy nhiên vẫn phải nhớ bài phòng thân.



    Trên lượng cả, chẳng cần phạt dưới,
    Kẻ trịch thượng từ chối đừng chơi.
    Nước trong ít cá lội bơi,
    Sống nhiều khe khắt, ít người mến thân.

    Bài hai mươi mốt – HIẾU HOÀN

    Bài hai mươi mốt hai chữ hiếu hoàn.
    Hiếu hoàn luật xoay vần vay trả,
    Báo ứng nhanh gương đã nhiều rồi.
    Nhạt nồng khéo ở lòng người,
    Dở hay đã có đạo trời phân minh.



    Trời mưa gió thình lình bất chắc,
    Người có khi dồn dập tai ương.
    Có đức dễ được thọ trường,
    Tu nhân tích đức, phúc thường dầy thêm.
    Lừa dối người là mầm tai họa,
    Phúc dầy nhờ lượng cả bao dung.
    Cẩn thận chẳng sợ khốn cùng,
    Nhẫn thì chẳng nhục, vạ không đến mình.



    Sống bình tĩnh được yên lành mãi
    Biết kiệm cần đỡ phải reo neo.
    Trên sông tùy khúc bơi chèo,
    Vào nhà tùy lúc liệu chiều tuân theo.



    Dạy con cháu bằng điều từ thiện,
    Lấy khoan dung điều khiển người theo.
    Một năm kế hoạch ăn tiêu,
    Không gì bằng cấy trồng nhiều lúa khoai
    Kế mười năm dài hơn một chút,
    Không gì bằng trồng được nhiều cây.
    Còn như kế hoạch lâu dài,
    Là trồng cây đức dẻo dai liền liền.
    Dù lắm tiền thuốc men tẩm bổ,
    Chẳng bằng đêm nằm ngủ riêng giường.
    Dạy con lần mở văn chương,
    Ở trong vùng bạc kim cương có thừa.



    Một con được ơn vua lộc nước,
    Để cả nhà cũng được thơm lây.
    Siêng năng học tập đêm ngày,
    Để mà chiêm nghiệm lời này khuyên răn.



    Việc đúng cứ tiến hành đừng sợ,
    Trời sẽ cho phúc ở tầm tay
    Lấy điều đạo lý xưa nay,
    Truyền cho con cháu đời này đời sau.

    Bài hai mươi hai NĂNG TĨNH

    Bài hai mươi hai dạy người điều năng tĩnh.
    Biết đắn đo sống hẳn yên lành.
    Biết suy nghĩ việc dễ thành,
    Cầu đâu được đấy vui lành biết bao.




    Khi sống biết lo sau tính trước.
    Lúc lâm chung hẳn được yên lành.
    Tuổi già lắm bệnh phát sinh,
    Đều do lúc trẻ tự mình làm ra.


    Lúc thịnh đạt gian tà trái đạo,
    Khi tuổi già quả báo coi chừng!
    Sợ thay “Đốm lửa thiêu rừng”,
    Nửa câu nói trái, sau đừng khoe khôn.

    Biết điều thiện ôn tồn nhắc bạn,
    Chỉ nơi nguy cho người khách lánh xa.
    Khi lòng hiểm độc gian tà,
    Niệm kinh gõ mõ quả là vô duyên.
    Đem bố thí bằng tiền bất chính,
    Cũng chỉ là vô ích mà thôi.
    Chỉ một hành động xấu chơi,
    Nói khôn nói khéo, ai người còn tin.



    Sống thừa mứa bạc tiền nhung lụa,
    Chắc đâu bằng sống đủ mà vui.
    Gần mực thì ắt phải đen thui
    Gần son thì đỏ sự đời chẳng sai.



    Gần người ngu biến hay thành dốt,
    Gần người hiền càng tốt thêm ra.
    Người quân tử đức nở hoa,
    Tiểu nhân tìm cách xấu xa học đòi.
    Ngẫm xem muôn sự ở đời,
    Ác thì gặp ác, nhân thời gặp nhân.
    Con ngựa cùng, vung chân đập phá,
    Chim cùng đường, liều mổ đòi bay,
    Thú cũng muốn xổng chạy dài,
    Bản năng tự vệ muôn loài bẩm sinh.

    Người giả dối thì đừng bắt chuyện,
    Gái lẳng lơ thì biến cho xa.
    Những người ngay thẳng hiền hoà,
    Kiên tâm gần gũi để mà học theo.




    Kẻ nghiện ngập lêu têu, hợm hĩnh.
    Hãy coi chừng ! Cố tránh đừng chơi.
    Mới hay hậu bạc ở đời
    Trắng, đen cũng bởi lòng người mà ra.



    Bài hai mươi ba - THƯ TẤT

    Bài hai mươi ba là bài thư tất
    Sách Bạch Vân kết luận dạy rằng:
    Muôn việc khởi tự cái Tâm,
    Nếu lòng buông thả, lỗi lầm đến ngay.



    Học điều hay tỏ bài chân lý
    Bảo tồn Chân - Thiện - Mỹ sáng trong
    Thánh nhân trợ giúp bao dung,
    Tiến –lui, còn - mất mới mong tinh tường.



    Không để mất kỷ cương chính đạo,
    Lời thánh hiền dạy bảo thiêng liêng;
    Hiếu-Trung-Cần-Kiệm-Chính-Liêm
    Xa gần kính trọng, dưới trên thuận hòa.
    Sự kính nhường coi là cái gốc,
    Lấy học hành tri thức nâng lên.
    Chân thành học hỏi thường xuyên,
    Muốn tu cái đức phải nghiêm với mình.



    Những điều giáo huấn anh minh,
    Thành tâm bái phục, ân tình chẳng quên.

  3. #3

    Mặc định

    bên trên cũng có nhắc đến "Thái Ất thần kinh" sham chú giải đôi chút



    Thái Ất thần kinh hay Thái Ất là một trong ba môn học xếp vào tam thức (Thái Ất, Độn giáp, Lục nhâm đại độn).

    Thái Ất tức là Thái Nhất, tên gọi khác của Thần Bắc cực.

    Trong tam thức, Thái Ất thiên về Thiên, nó nghiên cứu sự chuyển động của các tinh tú ảnh hưởng đến Trái Đất, đến con người.

    Theo một số sách bói kinh điển, Thái Ất là tôn thần của thiên đế, ở trước sao Bắc thần, chủ sai khiến 16 thần. Sao Thái Ất chủ về dự đoán gió mưa, hạn hán lụt lội, chiến tranh đói rét bệnh tật, xem tình hình trong nước, sao Thái Ất chủ sự hưng vong, lịch số dài ngắn.
    Sách Thái Ất Thần kinh tương truyền là của cụ Lương Đắc Bằng trao lại cho Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).

    Theo Lê Quý Đôn (1726-1784), xem Thái Ất có bốn cách:

    1. Tuế kế (kể năm) để xem sự lành hay dữ của quốc gia. Đó là việc của các vua và hoàng hậu làm, để sáng chính hoá, sửa đức giáo, xét cơ động, tĩnh.
    2. Nguyệt kế (kể tháng), để xem lành hay dữ. Đó là bậc công khanh xem, để xét biện được hay mất, mà điều hoà sự hoà hay trị.
    3. Nhật kế (kể ngày), để đo lường hoạ phúc trong nhân gian, sử dụng cho mọi người để xét lớn hay nhỏ, hưng hay suy.
    4. Thời kế (kể giờ), để vận trù mưu kế sách lược, xác định về chủ, khách, thắng, thua. Phàm thiên văn đổi khác, các nước lân bang động hay tĩnh, thế trận hai bên có tương đương hay không, xã hội bình yên hay có giặc cướp, đều dùng Thời kế mà xem.

    Lê Quý Đôn viết:

    "Thuyết ấy (Thái Ất) phần nhiều nói về binh pháp: địch ta, chủ khách, lợi hại, được mất, cái cơ thịnh suy, trị loạn; cái thế thắng thua, yên hay nguy, không điều gì là không bày rõ. Nếu hiểu lẽ ấy mà biết phòng bị, ứng phó thì có thể tìm điều lành, tránh điều dữ, tiêu hoạ, vời phúc thì, mới là người giỏi dùng sách Thái Ất vậy...Làm tướng mà không biết sách ấy thì sẽ mờ tối ở chỗ đánh hay giữ, tiến hay ngừng; không lấy gì mà quyết đoán các nghi mưu khi ra trận tuyến; làm tể tướng mà không biết sách ấy thì sẽ sai lầm ở sự động hay tĩnh, cất lên hay đặt xuống; không lấy gì để quyết đoán những nghị luận lớn cho triều đình..."

    (Bài tựa cho sách Thái Ất Dị giản lục - bản dịch của Đặng Đức Lương, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, Việt Nam năm 2001).

    Bản dịch của Nguyễn Ngọc Doãn (1912-1989) với bút hiệu là Thái Quang Việt – Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc – 2002) cũng viết:

    "...Thái Ất kể ngày luận về mệnh hạn người đời. Đo biết hoạ phúc, định luận không sai. Suy rõ mấu chốt, nên cẩn thận tinh tường, diệu ở huyền vi tỏ biết.
    ...Phép này mọi người dân gian sử dụng để đo lường hoạ phúc cho mình, vào đời dựng nghiệp lớn hay nhỏ, được hưng hay suy, biết mấu chốt mà định luận không sai về vận hạn sống trong đời sao cho hợp với đạo nhà, đạo nước và đạo học đúng nghĩa quen gọi là Đạo Người."

    và:

    "...Xem Thái Ất kể giờ chú trọng vào con toán nhất, rồi xem xét các chướng ngại (tù, giam, cấp...) được sử dụng cho công việc hàng ngày, nhất là xem cho việc binh bị, chủ khách thắng thua, nước ngoài động tĩnh, vận trù kế sách; đặc biệt xem thiên văn đổi thay, xã hội bị ảnh hưởng vì mưa nắng, bão gió, giặc cướp không."

    [sửa] Cách lập quẻ

    Tính số cục bao gồm niên cục, nguyệt cục, nhật cục và thời cục.
    [sửa] Số niên cục

    Mỗi nguyên tý có 72 năm. Niên cục là số từ 1 đến 72 trong mỗi nguyên tý. Người ta dùng mốc tính tích niên từ Thượng cổ, năm Giáp Tý đời Thiên hoàng, cách năm CN 10.153.917 năm. Để tính số niên cục của một năm, sử dụng công thức:

    1. Tính Tích niên (Tuế tích) = (số của năm xem) + 10.153.917
    2. Tích niên chia 3.600
    3. Phần dư của phép chia trên chia 360
    4. Phần dư của phép thứ 2 chia 72 số dư của phép chia này chính là số niên cục.

    Có một số thuyết tính mốc tích niên từ Trung cổ, năm Giáp Dần đến năm tuổi Việt (tuổi Việt lấy năm dương lịch là năm 2879 TCN cộng với năm xem)

    Từ Thượng cổ, năm Giáp Tý đời Thiên hoàng đến Trung cổ, năm Giáp Dần cách nhau 10.141.310 năm.

    Nếu dùng mốc Trung cổ, năm Giáp Dần, những vì sao xuất phát từ Thượng cổ, năm Giáp Tý thì phải thêm số doanh sai, tính toán phiền phức.

    Ví dụ năm 2006 (Bính Tuất), dương cục là: Tích niên = 2006 + 10.153.917 = 10.155.923, chia tích niên cho 3.600 được số dư 323, phần dư lại chia tiếp 360 dư 323, phần dư này chia tiếp cho 72 được số dư 35. Vậy được số niên cục dương 35.
    [sửa] Số nguyệt cục

    Cục tương ứng với tháng gọi là nguyệt cục. Cách tính là lấy số tích tháng từ Thượng cổ, năm Giáp Tý đến tháng xem, cộng thêm hai tháng Tý, Sửu vì người ta dùng lịch kiến Dần; hai tháng này gọi là Thiên Chính, Địa Chính.

    Công thức tính:

    1. Tính số tích tháng từ định tính so với mốc = (10.153.917 + [năm trước năm có tháng xem])*12 + 2 + [số của tháng xem]
    2. Chia số Tích tháng tính được cho 360
    3. Phần dư của phép chia trên chia tiếp cho 72, số dư là nguyệt cục.

    Ví dụ: Tính nguyệt cục của tháng Mậu Dần năm Canh Thìn (2000)

    Từ Thượng cổ Giáp Tý đến năm trước năm có tháng xem (năm 1999) có: 10.153.917 + 1999 = 10.155.916 năm, 10.155.916 * 12 = 121.870.992 tháng. Số tháng Thiên Chính, Địa Chính và tháng cần xem (1) là 3, nghĩa là phải cộng thêm 3 được tổng số tháng = 121.870.992 + 3 = 121.870.995. Lấy số này : 360 dư 195, 195 : 72 dư 51. Như vậy tháng Mậu Dần năm Canh Thìn (2000) thuộc nguyên Nhâm Tý, có Nguyệt cục dương 51.

    Một số thuyết tính gốc Nguyệt cục là ngày mồng một (Mậu Ngọ) tháng 11 (Bính Tý), năm Giáp Tý, năm đầu niên hiệu Nguyên Gia, vua Tống Văn Đế nhà Tống (420-479) ở Trung Quốc thời kỳ Nam-Bắc triều (Tương ứng với ngày 7 tháng 12 năm 424). Sách Thái Ất dị giản lục có ghi cách tính này.

    Ví dụ: Tính Nguyệt cục của tháng Mậu Dần năm Canh Thìn (2000)

    Từ tháng Bính Tý năm Giáp Tý (năm 424) đến tháng Ất Hợi (tháng trước tháng Bính Tý) năm Kỷ Mão (năm 1999) có: (2000-1) – 423 = 1.576 năm. Lấy số năm (1.576) * 12 được 18.912 tháng (mỗi năm 12 tháng). Từ tháng tháng Bính Tý năm Kỷ Mão (1999) đến tháng Mậu Dần năm Canh Thìn (2000) có 3 tháng. Vậy số Tích tháng = 18.912 + 3 = 18.915. Lấy số này chia cho 360 dư 195. Lấy dư số chia cho 72 dư 51. Như thế tháng Mậu Dần năm Canh Thìn (2000) thuộc nguyên Nhâm Tý, dương có Nguyệt cục dương 51.

    Nguyên tắc: niên cục dương thì nguyệt cục cũng dương; niên cục âm thì nguyệt cục cũng âm.
    [sửa] Số nhật cục

    Phương pháp tính:

    1. Sau tiết Đông chí, tìm ngày Giáp Tý đầu tiên gần nhất sau Đông chí năm trước, lấy đó làm gốc đếm trở đi, tích cho đến ngày xem, được bao nhiêu là số tích ngày.
    2. Chia số tích ngày đó cho 360 phần dư lại tiếp tục chia cho 72, còn dư lại bao nhiêu chính là nhật cục.
    3. Theo sách Thái Ất thần kinh, chỉ có thời kế là có phân biệt âm cục, dương cục.

    Một số thuyết áp dụng cục âm dương trong Thái Ất kể ngày. Cục âm, dương tính như sau: Từ Đông chí đến trước ngày Hạ chí, là dương cục; từ Hạ chí đến trước ngày Đông chí, thuộc âm cục (chú ý tính ngày phải xét đến cả giờ chuyển tiết, khí)

    Thí dụ: Tính nhật cục ngày 14 tháng 12 năm 1992 dương lịch.

    Tính Nhật cục theo Thái Ất thần kinh:

    Ngày Đông chí năm trước: 22 tháng 12 năm 1991

    Ngày Giáp Tí đầu tiên gần nhất sau Đông chí năm trước là ngày 18 tháng 02 năm 1992 (Ngày Giáp Tí (15) tháng Nhâm Dần, năm Nhâm Thân)

    Số ngày tích lại: 14/12/1992 - 18/02/1992 + 1 = 301 đem chia cho 360 được số dư 301. Số dư chia tiếp cho 72 được số dư là 13.

    Vậy ngày 14/12/1992 có Nhật cục 13.

    Có thuyết tính mốc tích ngày là ngày Giáp Tí (01) tháng Giáp Tí (11), năm Quý Hợi thuộc niên hiệu Cảnh Bình đời Tống tương ứng với ngày 19 tháng 12 năm 423 theo dương lịch.

    Trước hết tính số ngày từ gốc là ngày 19 tháng 2 năm 423 tới ngày 18 tháng 2 trước ngày xét và tính được tròn số từ năm 423 tới năm xét.

    Tiếp đó người ta sử dụng công thức tính làm tròn ngày tích 365,2425 ngày/năm với số năm.

    Bước tiếp theo tính số ngày lẻ từ ngày 19 tháng 2 tới ngày xét.

    Lấy tổng số ngày (số tích ngày) chia 360 lấy dư. Lại chia tiếp 72 lấy dư làm số Nhật cục.

    Có thuyết quy định tính Tích Nhật dựa vào Tích Nguyệt. Sách Thái Ất dị giản lục có ghi cách tính này.
    [sửa] Số thời cục

    Cách tính:

    1. Cục âm dương của thời cục cũng tính như Nhật cục
    2. Số giờ từ ngày Giáp Tí hoặc Giáp Ngọ gần nhất sau Đông chí năm trước đến ngày, giờ muốn tính
    3. Chia số giờ đó cho 360, số dư lại chia tiếp 72 số dư chính là Thời cục.

    Ví dụ: Tính thời cục giờ Nhâm Tý, ngày Mậu Tuất (23 tháng 1 năm 1992)

    Ngày Giáp Ngọ gần nhất sau Đông chí là 19 tháng 1 năm 1992. Số ngày tích lại = 23/01/1992 - 19/01/1992 = 4. Số tích giờ 4*12 = 48 giờ. Cộng thêm 1 giờ của ngày Mậu Tuất là 49 giờ. 49 chia 360 dư 49, lại chia 49 cho 72 dư 49. Ngày 23 tháng 1 năm 1992 sau Đông chí thuộc dương cục. Vậy tính được Thời cục 49 Dương.

    Cách tính số Niên cục, Nguyệt cục, Nhật cục, Thời cục gọi là Tứ kế (Tuế kế, Nguyệt kế, Nhật kế, Thời kế)
    [sửa] An các sao chính

    1. Thái Ất
    2. Tiểu Du Thái Ất, Tiểu Du Thiên Mục và Đại Du.
    3. Thái Tuế
    4. Thần Hợp
    5. Kể Định (Kể Mục) và Toán Định
    6. Kể Thần
    7. Thái Âm
    8. Văn Xương
    9. Thủy Kích
    10. Toán Chủ - Toán Khách
    11. Đại Tướng Chủ
    12. Đại Tướng Khách
    13. Tham Tướng (Tiểu Tướng) Chủ và Khách
    14. Ngũ Phúc
    15. Quân Cơ
    16. Thần Cơ
    17. Dân Cơ
    18. Tứ Thần
    19. Thiên Ất
    20. Địa Ất
    21. Trực Phù (Phép Tôn)
    22. Phi Phù
    23. Phi Lộc Phi Mã
    24. Hạn Dương Cửu
    25. Hạn Bách Lục – Vào quẻ

    [sửa] Cách đoán quẻ

    Sau khi an được quẻ Ất, căn cứ vào tính lý các cung, sao, căn cứ thuyết âm dương, ngũ hành sinh khắc, quy luật sinh vượng, chú ý các trạng thái vô thường của Thái Ất, nếu có và tùy theo lập quẻ Ất kể năm, kể tháng, kể ngày hay kể giờ mà tiến hành luận đoán.

    Trong trường hợp lập quẻ Ất kể ngày xem mệnh, còn phải hạn Dương cửu, hạn Bách Lục, căn cứ quẻ, hào Kiếp Sống tìm được, để dự đoán đời sống tiến lui lành dữ; căn cứ quẻ, hào Thái Tuế lưu niên tìm được, để dự đoán các việc và khi nào xảy ra trong năm ấy.
    [sửa] Lưu ý

    Cũng mang tên môn Thái Ất còn có Thái Ất thần quẻ, là phương pháp ứng dụng Dịch lý để lập quẻ dự đoán bằng hình thức lắc hào. Quẻ gồm có năm hào, mỗi lần gieo một đồng tiền để xin Âm Dương cho từng hào, khác với môn Thái Ất này, không trình bày ở đây.
    [sửa] Tham khảo

    * Bằng tiếng Việt: Truyền lại đến ngày nay có hai bộ Thái Ất do hai soạn giả đồng thời vào thế kỷ 18:
    o Một bộ là Huyền Phạm tiết yếu của Phạm Đình Hổ (1768-1840) sửa lại bộ Huyền Phạm của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Cuốn này được Nguyễn Ngọc Doãn (1912-1989) với bút hiệu là Thái Quang Việt dịch sang quốc âm năm 1972; Nhà Xuất bản Văn Hoá Dân tộc phát hành với tên gọi Thái Ất Thần kinh ghi tên tác giả là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 2002, Nhà Xuất bản Văn Hoá Dân tộc cho tái bản sách Thái Ất Thần kinh được sửa chữa, bổ sung thêm những phần thiếu sót.
    o Bộ thứ hai là Thái Ất Dị giản lục của Lê Quý Đôn (1726-1784). Sách này được Đặng Đức Lương dịch, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin in năm 2002.
    + Có người còn có Thái Ất diễn quái bí lục của Nguyễn Xuân Quang, nhưng ít thấy bán trên các hiệu sách tại Việt Nam.
    * Bằng tiếng Trung:
    o Thái Ất kim kính thức kinh
    o Thái Ất thống tông bảo giám
    o Thái Ất thống tông đại toàn
    o Thái Ất Đào Kim Ca

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. bói bài tarot
    By chomchomnhan in forum Chuyện các Thầy, Bà…
    Trả lời: 26
    Bài mới gởi: 04-03-2013, 04:19 PM
  2. Đôi mắt của quỷ (truyện dài)
    By Hư_Không in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 46
    Bài mới gởi: 21-12-2011, 12:23 AM
  3. Trích thư độc giả về vấn đề ông CE Hằng Trường
    By tuyenhoa1985 in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 02-07-2011, 11:48 PM
  4. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 03-05-2011, 10:36 PM
  5. Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 09-04-2011, 06:11 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •