kết quả từ 1 tới 13 trên 13

Ðề tài: Tên Tuổi Các Lão Võ Sư Trong Làng Võ Việt Nam

  1. #1

    Mặc định Tên Tuổi Các Lão Võ Sư Trong Làng Võ Việt Nam

    Tên Tuổi Các Lão Võ Sư Trong Làng Võ Việt Nam

    CÁC VỊ VÕ SƯ LÃO THÀNH ĐÁNG KỂ

    Năm 1850 – 1974: Thầy Cử Nhân Võ Triệu Thúc Lang, về sau ở quận Dương Đông, đảo Phú Quốc. (Thầy sống 124 tuổi).

    Năm 1870 – 1958: Thầy Võ Dựt, hiệu là Năm Nghĩa, người ở làng An Dinh, quận Bình Khê.

    Năm 1880 – 19 ??: Thầy Cử nhân Võ Trương Trạch, ở Bình Định.

    Năm 1880 – 196?: Thầy Hai Cụt, ở làng Cẩm Thượng, Bình Định.

    Năm 1880 – 196? : Thầy Ba Cát (Nguyễn Văn Cát) ở Qui Nhơn.

    Năm 1880 – 197? : Võ sư Năm Soai, ở Bạc Liêu, giỏi về quyền cước.

    Năm 1885 – 196? : Các vị võ sư Sáu Khá, Tư Cống, Hai Sình, người ở Bạc Liêu, giỏi về quyền cước

    Năm 1889 – 1928: Thầy Lê Văn Bái, hiệu là Hàn Bái, thân phụ của ông là một võ tướng, chức Lãnh Binh của triều đình Huế. Oâng thất lộc vào mùng 6 tháng 3 âm lịch, năm 1928. Oâng đã đào tạo được một số cao đồ như: Nguyễn Văn Đắc, ông Quỳnh, ông Giãn, Viêu Khang và Vũ Bá Oai. Về sau, chỉ có võ sư Vũ Bá Oai làm rạng rỡ cho môn phái, và đã rèn luyện được một số học trò đáng kể như: Đỗ Dư Ánh, bác sĩ Nguyễn Anh Tài, Trương Minh Lắm ở Bến Tre, và Lê Bất Trị ở Tây Ninh... Năm 1950, võ sư Vũ Bá Oai đã thành lập Hàn Bái Đường tại Sài Gòn.

    Năm 1890 – 197? : Thầy Hồ Nhu, hiệu là Hồ Ngạnh, làng Thượng Truyền, quận Bình Khê, giỏi về côn pháp.

    Các Thầy Đoàn Phong, và thầy Tàu Sáu ở quận Bình Khê, giỏi về quyền cước.

    Võ Sư Quách Văn Kế, giỏi về quyền cước, là sáng tổ của môn phái Lam Sơn Võ Thuật Đạo, sau khi cụ qua đời, con trai là võ sư Quách Văn Phước kế nhiệm chức Chưởng Môn võ phái.

    Thầy Bảy Nếp, người quận Cần Đước, nam Việt Nam, về sau là cư sĩ tại tỉnh Gia Định.

    Võ sư Chính Hóa là sáng tổ của võ phái Tây Sơn Nhạn, về sau, học trò lớn của cụ là võ sư Kim Kê (Đặng Văn Anh) kế nhiệm chức vụ Chưởng môn võ phái, và võ sư Nguyễn Văn Mách là phó chưởng môn.

    Năm 1897 – 197 ? : Thầy Trương Thanh Đăng, hiệu là Sa Long Cương, người ở Phan Thiết. Năm 1925, bắt đầu dạy võ ở Phan Thiết. Năm 1930, dạy võ tại Sài Gòn. Năm 1964, chánh thức thành lập võ đường Sa Long Cương tại Sài Gòn. Lúc 14 tuổi, ông theo học võ với thầy Trương Trạch, một cử nhân võ thời bấy giờ tại Bình Định, sau đó với thầy Hai Cụt, ở làng Cẩm Thượng, Bình Định, và thầy Ba Cát (Nguyễn Văn Cát) tại Qui Nhơn.

    Năm 1896 – 197? : Võ Sư Hồ Văn Hợi, năm 1969, sáng lập Hội Cửu Long Võ Đạo tại Sài Gòn (do nghị định 165/PDUTNTT/TDTT, ngày 16/2/1970) với hội đồng quản trị như: Chủ tịch Trần Văn Thoàn, Chưởng Lý Tối Cao Pháp Viện, các phó Chủ Tịch: Kỹ sư Trần Văn Hà, giáo sư Phạm Thành Mãi, Tổng thư ký: Nghị sĩ Lê Tấn Bửu, thủ quỹ: Nghị sĩ Võ Văn Truyện, các ủy viên: kỹ sư Huỳnh Văn Diệp, thương gia Trần Văn Chiêu và võ sư Phùng Văn Chính.

    Năm 1900 – sống: Võ sư Đoàn Tâm Ảnh, pháp dah Thiện Tâm Thiền Sư, phương danh Nguyễn Văn Sáu (Sáu Nhỏ) hiện nay 2001 ông vẫn còn sống tại Việt Nam. Ông sanh tại Bạc Liêu, nam Việt Nam. Năm 1911, ôn theo thầy Mộc Đức Thiền Sư học đạo Thiền Tông và võ lâm cổ truyền, tại chùa Phi Lai Tự (miền Bắc Trung Hoa). Năm 1930, trở về Việt Nam, ông sáng lập môn phái võ lâm Việt Nam Chính Tông. Lần lượt, mở các võ đường tại các tỉnh miền Nam Việt Nam như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ, Bến Tre, Long Xuyên, Vĩnh Long, Rạch Giá... Rồi, bí mật thành lập đảng Sao Trắng, kết nạp các nghĩa sĩ để chống Pháp, và đã một thời oanh liệt, đảng Sao Trắng của ông đã làm điên đảo, bối rối cho các tay cường hào ác bá cùng chính quyền Pháp ở miền lục tỉnh (Hậu Giang, miền Nam). Về sau ông lên Sài Gòn mở các lớp dạy võ lâm. Trong suốt cuộc đời truyền dạy võ lâm, ông đã đào tạo rất đông đảo huấn luyện viên và võ sư rải rác từ Sài Gòn đến các tình miền nam, Việt Nam. Trong số các cao đồ đắc ý nhất của ông, và đã làm rạng rỡ cho môn phái võ lâm đáng kể đến như: Giáo sư Hàng Thanh (Phan Chấn Thanh), giáo sư Vũ Đức (Âu Vĩnh Hiền), giáo sư Hùng Phong (Huỳnh Ninh Sơn), giáo sư Nam Phong (Nguyễn Thiên Tài), giáo sư Lạc Hà (Nguyễn Văn Bé), giáo sư Từ Võ Hạnh, giáo sư Lư Công Khanh, võ sư Long và võ sư Châu (ở Cần Thơ) ...

    Đến năm 1970, ông chánh thức chấm định giáo sư Vũ Đức (Âu Vĩnh Hiền) là người được ủy nhiệm thừa kế chức vụ Chưởng Môn võ phái, để thay thế ông trong việc phát triển môn phái Võ Lâm Việt Nam Chính Tông. Sau đó, để tìm nguồn an lạc tại chốn thiền môn, ông đã trụ trì tại chùa Pháp Hoa (Sài Gòn).

    Từ năm 1970 đến 4/1975, giáo sư Vũ Đức (Âu Vĩnh Hiền) đã thành lập Trung Tâm Huấn Luyện Võ Lâm Việt Nam Chính Tông tại địa điểm: Chi Thanh Niên Quận Sáu, Chợ Lớn (140 Lê Quang Hiền, Chợ Lớn). Trong thời gian tại Việt Nam, giáo sư Vũ Đức đã đào tạo được một số đông đảo võ sinh. Những Đai Đen Huấn Luyện Viên đáng kể như: Hồng Long, Châu Việt Hùng, Trần Văn Quang, Lê Văn Phước, Lê Kiến Sanh, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Văn Bình, Trương Sắc Hào...

    Sau 4/1975, môn phái Võ Lâm Việt Nam Chính Tông đã được chánh thức sửa tên gọi là Võ Lâm Đạo Việt Nam, với sự chuẩn nhận của sáng tổ Thiện Tâm Đoàn Tâm Ảnh và Chưởng Môn giáo sư Vũ Đức (Âu Vĩnh Hiền).

    Để thống nhất đường lối hoạt động của các võ đường chi nhánh Võ Lân Đạo ở trong nước Việt Nam và hải ngoại, võ phái còn được sự chỉ đạo trung ương của Tổng Hội Thế giới Võ Lâm Đạo Việt Nam (VoLamDao Vietnam Kungfu World Federation), chủ tịch hội đồng do Chưởng Môn Giáo Sư Vũ Đức phụ trách, trụ sở đặt tại miền nam California, Hoa Kỳ (hộp thư liên lạc: PO Box 6204, Rosemead, CALIF. 91770 – 1634, USA).

    Tổng Hội Thế Giới Võ Lâm Đạo Việt Nam đã được giáo sư Vũ Đức chánh thức thành lập, với giấy phép của chính quyền tiểu bang California, USA, cấp ngày 07/07/1982.

    Năm 1910 – 198?: Võ sư Huỳnh Kim Hên, hiện là Mã Thanh Long, sanh tại tỉnh Bạc Liêu. Thuở nhỏ, từ 9 đến 19 tuổi, đã theo học võ với người bác ruột hiệu là Mã Thanh Khôn, thuộc võ phái Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền. Năm 1936, ông bắt đầu dạy võ cho quân đội Hoàng Gia Cao Miên, tại Nam Vang. Đến năm 1957, ông chánh thức thành lập võ đường Mã Thanh Long, tại Hòa Hưng, Sài Gòn. Trong cuộc đời dạy võ, ôn đã đào tạo rất nhiều huấn luyện viên, và võ sĩ danh tiếng chiến thắng trên võ đài.

    Năm 1917 – 198?: Võ Sư Lê Văn Kiển, hiệu là Tám Kiển, người ở Sóc Trăng, tỉnh Ba Xuyên, man Việt Nam. Lúc 12 tuổi, học võ với thân phụ, được chú ý về môn bắn cung. Về sau ông được học võ với nhiều vị lão sư có trình độ võ học cao về lý thuyết lẫn thực hành. Ông đã thành lập võ phái Nam Tông. Năm 1950, ông có lớp dạy võ tại sân vận động Phan Đình Phùng (Sài Gòn). Năm 1961, ông dạy võ tại Trung tâm Sinh Hoạt Thanh Niên /Chợ Lớn (Khu Đại Thế Giới cũ) và tại sân vận động Cộng Hòa, đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn. Năm 1969, ông được đắc cử Chủ Tịch, tổng hội Võ Học Việt Nam. Nam 1970, ông đã xuất bản sách võ "Thập Bát Liên Châu".

    Năm 1920 – sống: Võ sư Lê Sáng, sanh tại Hà Nội (gốc ở Thanh Hóa), theo học võ từ năm 1939 đến 4/1960 với võ sư Nguyễn Lộc, sáng tổ của môn phái VoViNam (gọi tắt của Võ Việt Nam). Trước khi qua đời (vào ngày 4/4/1960), võ sư Nguyễn Lộc đã ủy nhiệm lại cho võ sư Lê Sáng chức vụ Chưởng môn lãnh đạo võ phái VOVINAM . Về sau, võ sư Lê Sáng đã phát triển một hệ thống võ đường trên toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng Cục Huấn Luyện trung ương tại đường Sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn. Trải qua nhiều thăng trầm với thời cuộc, môn phái VoViNam đã thật sự bành trướng mạnh mẽ, sâu rộng trong quảng đại quần chúng Việt Nam.

    Năm 1917 – 199?: Võ sư Mai Văn Phát, pháp danh Thích Thiện Tánh, sinh tại xã Thuận Hưng, Thốt Nốt, Long Xuyên. Năm 1929, lên Thất Sơn thụ giáo với ông Huỳnh Trí Đức về võ thuật và thiền tông. Năm 1936, tại Cần Thơ, được gặp võ sư Hai Thêm, đưa về Trung Hoa để truyền dạy võ thuật Thiếu Lâm. Năm 1942, hồi hương Việt Nam. Năm 1943, dạy võ tại Châu Đốc. Năm 1956, lên Sài Gòn trụ trì tại chùa Long Hoa. Năm 1964, chánh thức thành lập võ đường Trung Sơn, tại số 53/22 Trần Khánh Dư, Tân Định (ngang hồ tắm Cộng Hòa cũ). Năm 1971, võ sư đắc cử Chủ Tịch, Tổng Hội Võ Học Việt Nam.

    Năm 1908 – 198?: Võ Sư Trần Phú Đáng, sinh tại quận Diên Bàng, tỉnh Quảng Nam. Ông bắt đầu học võ vào lúc 20 tuổi (1928). Sau 5 năm luyện võ, lần đầu tiên, ông đã chiến thắng trận đấu võ đài được tổ chức tại hội chợ tỉnh Hội An vào năm 1933. Sau đó mỗi 2 năm, các trận đấu võ đài tại hội chợ của các tỉnh (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), ông đều có tham dự đấu, có trận thắng hoặc hòa, chưa có bị thất bại. Năm 1954, ông mở ph*ng tập dạy võ tại Đà Nẵng, về sau, chánh thức thành lập võ đường Trần Hưng Đạo (tại số 50 đường Hàm Nghi, Đà Nẵng). Ông đã đào tạo rất nhiều võ sinh, huấn luyện viên, đáng kể là hai cao đồ Đặng Ngọc Sách và Nguyễn Văn Vĩnh đã mở hai võ đường riêng, có đông đảo võ sinh trong thành phố Đà Nẵng, vào năm 1970 – 71.

    Năm 1910 – 198?: Võ sư Bảy Hý (tên thật Lê Công Trứ), sinh tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Lúc 14 tuổi, theo học võ với vị thầy võ tại Duy Xuyên. Về sau, được thụ giáo với võ sư Hiệp Vân, một hiệp sĩ nổi danh vào năm 1930. Ông đã chiến thắng oanh liệt các trận đấu võ đài tại các tỉnh Hội An, Thu Bồn, Đà Nẵng, vào lúc tuổi thanh niên. Trước 1970, ông thành lập võ đường Lê Huấn, tại Đà Nẵng.

    Tại Đà Nẵng, đồng thời với võ sư Bảy Hý, còn có các võ sư lão thành như:

    -Võ sư Hồ Phước là chú của Hồ Cưu (nhà vô địch tại điạ phương 1940)

    Võ sư Phan Vũ Túc với võ đường Hòa Quang Phái (kiêm Đông y sĩ, Vạn Hưng Đường) tại số 34 đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng. Oâng rất kỹ lưỡng trong việc thu nhận học trò.

    Võ sư Trương Khả có tính tình rất vui vẻ, rất tận tâm, sốt sắng trong việc dạy dỗ học trò. Vào thời Pháp, ông đã tham gia vào quân đội lính Lê Dương của Pháp và được xuất ngoại rất nhiều nơi như: Pháp, Ý. Trước năm 1970, ông mở võ đường tại xã Thanh Khê 3, ngoại ô Đà Nẵng.

    Võ sư Đặng Văn Vàng với Võ Đường Việt Nam, tại số 132/902 đường Trần Cao Vân, An Cư 3, Đà Nẵng.

    Võ sư Năm Sẻ (tên là Trần Tử Hiếu) với võ đường Nguyễn Trung Trực, tại khóm Hòa Bình, Liên Gia 75, xã Hòa Phát, tỉnh Quảng Nam.

    Võ sư Lưu Thanh Bình với võ đường Lê Trung Hậu, tại xã Hòa Khánh, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

    Võ sư Nguyễn Lự với võ đường Cao Thắng, tại Liên Gia 34, thôn An Hòa, Xã Hòa Phát, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

    Võ sư Tấn Hoành với võ đường thành lập trước 1970, tại ấp Từ Quang, Từ Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

    Võ sư Lâm Võ, tên thật là Lâm Hiến Giới, sinh năm 1910, tại Tây Hồ, Phúc Kiến, tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa). Thân phụ của ông tên là Lâm Hùng Sơn thuộc môn phái Thiếu Lâm Tự. Năm 1945, ông sang sinh sống ở Việt Nam. Về sau, ông dừng chân tại đất Quảng Ngãi, vui sống tuổi về già. Trước năm 1970, ông đã mở võ đường tại ấp Phú Hòa, Tàu Tương (gần cầu sông Trà Khúc), tỉnh Quảng Ngãi. Oâng đã đào tạo được rất nhiều môn đồ võ công xuất sắc.

    Võ sư Thanh Long kiêm Đông y sĩ, với võ đường thành lập trước 1970 tại số 96/10 đường Hoàng Diệu, tỉnh Pleiku.

    Võ sư Lãng (đã qua đời trong biến cố tết Mậu Thân, 1968) thuộc Nga Mi phái, ông đã có lớp dạy võ tại sân vận động Tự Do, Huế.

    Võ sư Nhuận với võ đường ở Bãi Dâu (chợ Dinh) Huế.

    Võ sư Minh với võ đường ở đường Lê Lợi, Huế.

    Võ sư Lê Văn Tường*, dạy võ Thiếu Lâm và Bình Định, trước năm 1970 với võ đường Đại Hải, nằm bên quốc lộ 1, Nha Trang.

    Võ sư Võ Châu Long, thuộc phái Bình Định và Thiếu Lâm Nam phái, đã từng là nhà vô địch tại Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị. Oâng nổi tiếng gan lì trong nhiều trận đấu võ đài từ Trung vào Nam. Trước năm 1970, ông mở võ đường tại đường Nguyễn Thái Học (gần lò heo) Nha Trang.

    Võ sư Kim Sang dạy võ quyền Tự Do vào năm 1970 với võ đường Kim Sang tại số 30 đường Đồng Nai, sau về số 3, Lê Lai, Nha Trang.
    --
    Trích từ http://www.binhdinhffc.com

  2. #2

  3. #3

    Mặc định

    hay qúa cám ơn huynh .
    GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

    THẾ GIỚI HUYỀN BIẾN "NGUYỄN THANH BÌNH"

    * -*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*
    Đêm đông , ôi ta nhớ nhung ,đường về xa xa
    Đêm đông ,ta mơ giấc mơ ,gia đình yêu đương
    Đêm đông ,ta lê bước chân phong trần tha phương
    Có ai ,thấu tình cô lử ,đêm đông không nhà.

    * -*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*

  4. #4

    Mặc định

    xin được hỏi anh Lê ngọc Chi hi65n đang ở tỉnh nào vậy.bài viết của anh rộng nên em nghĩ anh là người rất am tường về võ học.cám ơn anh nhé.thân

  5. #5

    Mặc định

    Cám ơn các huynh đệ đã độgn viên.Các bài trên do đệ sưu tầm chứ không phải do đệ viết đâu(đệ có trích dẫn đầy đủ).
    Đệ hiện cư ngụ tại 69/30 khu phố 8, Phường Tân Phong,Tp Biên Hoà-Đồng Nai
    LNC

  6. #6

  7. #7

    Mặc định Túy Quyền

    Túy quyền và những truyền nhân tại Việt NamLão võ sư Trần Hưng QuangGiadinh.net - Trận ác đấu diễn ra vô cùng gay cấn. Chàng trai đại diện cho chính nghĩa bị đối phương tấn công bằng những chiêu thức công phu hủy diệt, sinh mạng như đèn dầu leo lét. Thế nhưng, trong cơn nguy khốn ấy, đại hiệp may mắn được viện trợ khẩn cấp bằng một..."món quà" đặc biệt, ấy là rượu. Nốc ừng ực cả vò rượu lớn, chàng trai rơi vào trạng thái say mèm, chân lảo đảo, mắt lờ đờ. Đối thủ thấy vậy bèn nhào tới tung đòn quyết định.
    Thế nhưng, lạ thay, quyền cước của hắn chỉ tung vào không khí. Tránh né tài tình, đại hiệp vừa kịp tung ra những chiêu thức hạ gục đối thủ... Đòn thế mà đại hiệp kia sử dụng là gì mà quỷ khốc thần sầu, chuyển nguy thành an như vậy?
    Đi tìm "cha đẻ" võ say
    Đó là Tuý quyền, cũng là bài võ thường thấy trên phim ảnh của Trung Quốc (khán giả Việt Nam từng biết đến bài quyền này qua bộ phim Hoàng Phi Hồng do diễn viên Lý Liên Kiệt thủ vai). Và, cũng chính bởi sự hấp dẫn bài võ này... trên phim mà bấy lâu Túy quyền đã trở thành "đặc sản" của võ học Đại lục, với các lời đồn đoán nửa hư, nửa thực.
    Trong quá trình đi tìm chân tuớng bài quyền trứ danh này, điều vô cùng kinh ngạc là ngay tại Việt Nam cũng có Tuý quyền, hiện nó nằm trong tay một vài cao thủ của làng võ Việt Nam.
    Tìm hiểu về bài võ độc đáo này, người đầu tiên tôi nghĩ đến là võ sư Vũ Quang Tín, Trưởng tràng môn phái Hoa quyền, bởi có lần tôi thấy ông biểu diễn quyền thuật rất dẻo, có những nét giống những chiêu thức trác tuyệt của Tuý quyền. Thế nhưng, cao thủ Hoa quyền này bảo, môn phái của ông tuy nổi danh với rất nhiều những bài võ có chọn lọc, chỉnh biên từ võ Tàu, nhưng túy quyền thì không.
    Rất may là võ sư Tín cũng khẳng định, ở Việt Nam có Túy quyền, nhưng rất ít môn phái sở hữu nó, những cao thủ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Võ sư giới thiệu cho tôi hai môn phái mà bấy lâu, Túy quyền của họ đã được làng võ Việt Nam thừa nhận.
    Theo sự giới thiệu ấy, tôi tìm đến võ sư Băng Sơn, hiệu là Bắc Phong chân nhân, Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia. Như nhiều người đã biết, võ sư Băng Sơn ngay từ nhỏ đã theo sư phụ Lý Chấn Hòa, người Trung Quốc, sống tại Việt Nam, Chưởng môn đời thứ 44 của môn phái Thiếu lâm Phật gia luyện võ.
    Sau khi Lý sư phụ về nước, ông lại vào Nam bái Thiện Tâm thiền sư Đoàn Tâm Ảnh, môn phái Côn Luân làm thầy. Kế đến, ra Bắc, ông tiếp tục tôi rèn võ công cùng lão võ sư Trần Công, hiệu là Huyền Công Đạo, môn phái Không Động.
    Mấy chục năm lăn lộn trên giang hồ, được tiếp cận với nhiều bí kíp, tinh hoa võ học nhưng võ sư Băng Sơn bảo, thứ mà ông thích thú nhất, đó là được học Túy quyền với Lý sư phụ từ khi còn nhỏ. Sau này, cùng với sự tìm tòi nghiên cứu, võ sư Băng Sơn đã nâng tầm Túy quyền của mình lên một cảnh giới cao hơn.

    Thế "Bá vương kính tửu"
    Thế "Bạch hạc phi thân"


    Thế "Thái Bạch túy tửu"
    Thế "Ngưỡng thân ẩm tửu"
    Võ sư Băng Sơn thi triển Túy quyền

    Võ sư Băng Sơn cho biết, hiện tại ngay cả Trung Quốc vẫn chưa biết ai là người sáng tạo ra Túy quyền. Theo truyền thuyết thì bài võ này bắt nguồn từ trận hỗn chiến của 8 vị tiên trong thần thoại Trung Hoa, bởi thế nó còn có tên là Túy Bát tiên.
    Tương truyền, sau khi tu luyện đạt đến trình độ thượng thừa, bát tiên (gồm Chung Ly Quyền, Lam Thái Hòa, Tào Quốc Cữu, Lữ Động Tân, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô, Trương Quả Lão, Lý Thiết Quải) được Ngọc Hoàng Thượng đế giao cho nhiệm vụ diệt quái trừ yêu, bảo vệ lương dân. Một lần, vượt biển trừ yêu, bởi sóng to nên thuyền của bát tiên bị đánh đắm khiến cả tám vị chìm nghỉm ở giữa biển khơi.
    Kính trọng bát tiên, long cung mở tiệc ăn mừng nhân chuyến hội ngộ kỳ duyên đó. Rượu say bí tỉ, với bản tính thích giỡn đùa, quậy phá, bát tiên đã đánh lộn với binh tôm tướng cá, gây náo loạn long cung. Kịch chiến trong lúc say, nhưng với võ công siêu đẳng, bát tiên vẫn thi triển những chiêu thực võ thuật vô cùng đẹp mắt. Sau cùng không muốn màn "siêu quậy" của bát tiên thêm nữa, Long Vương đành phải để bát tiên đi.
    Thế nhưng, bởi đó là trận chiến long trời nở đất, nên hình ảnh tám vị tiên say đánh lộn đã in bóng lên trời. Thấy hình ảnh 8 vị tiên đi quyền đẹp mắt, người hạ giới cứ ngó mà học theo. Túy quyền xuất hiện từ dạo đó.
    Theo võ sư Băng Sơn, đến bây giờ, tranh, tượng mô phỏng hình ảnh "Bát tiên quá hải" vẫn còn được treo, thờ trong nhiều gia đình Trung Quốc. Trong những bức tranh hay tượng ấy, mỗi vị tiên thể hiện một thế đứng đặc biệt của mình, tượng trưng cho một thế võ của Túy quyền.
    Ngoài Bát tiên, trong đời sống văn học, nghệ thuật của Trung Hoa cũng xuất hiên nhiều nhân vật mà cuộc đời đã thành một biểu tượng cho tinh thần trượng nghĩa, lấy chính trực, quân tử để chiến thắng bạo tàn, dối trá. Theo võ sư chưởng môn Võ lâm Phật gia thì họ đều có bí kíp... võ say và cách thức thi triển công phu độc đáo của họ đã thành tên của một số bài Tuý quyền sau này.
    Người đam mê văn học, võ thuật không thể không biết tới những trận say nghiêng ngả của hành giả Võ Tòng, một nhân vật giàu cá tính trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am. Những trận say quên trời đất của vị hành giả ấy đã là nguồn cảm hứng để võ lâm sáng tạo một loạt những chiêu thức tuý quyền có tên là Võ Tòng tuý tửu. Trong số ấy tiêu biểu có trận đả hổ tại đồi Cảnh Dương, say đả Tưởng Môn Thần, đại náo Phi Vân phố...
    Cũng trong tiểu thuyết lừng danh ấy, một "ông tổ" của tuý quyền đã được Thi Nại Am, sau này là phim ảnh Trung Quốc mô tả vô cùng rõ nét, đó là nhà sư tính tính lỗ mãng nhưng rất đáng yêu Lỗ Trí Thâm. Thật hiếm khi thấy nhân vật này xuất hiện mà không có nậm rượu bên mình. Bởi luôn sống trong tình trạng... say xỉn nên hoà thượng này đã để lại nhiều trận đánh kinh hồn bạt vía. Trong số những trận đánh bởi ma men điều khiển ấy hẳn nhiều người không thể nào quên trận "tuý đả sơn môn", say giao đấu với cả trăm vị hoà thượng tại chùa trên Ngũ Đài Sơn.
    Khi nhắc đến môn võ độc đáo này, theo võ sư Băng Sơn thì không thể không nhắc tới một "ông tổ" nữa đó là... Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Với trận say nghiêng ngả này, lão Tôn đã một mình đại náo thiên đình bằng những động tác võ thuật vô cùng uy lực. Bởi trận chiến làm thiên binh thiên tướng thất điên bát đảo này, chúa tể của Hoa Quả sơn đã là nguồn cảm hứng để làng võ sáng tác ra những chiêu thức ảo diệu trong Tuý hầu quyền.
    Tuyệt kỹ của đệ tử... Lưu Linh?
    Trên phim ảnh, thường thì những người thi triển tuý quyền đều ở trạng thái say bí tỉ, không phân biệt thế nào là thật giả, đúng sai. Mắt thì lờ đờ, điệu bộ thì liêu xiêu, ngật ngưỡng. Rượu càng nhiều thì võ càng thăng hoa, uy lực.
    Phải chăng, muốn sử dụng được Tuý quyền thì người luyện võ phải luyện thêm cho mình khả năng... uống rượu?
    Trao đổi điều này với võ sư Băng Sơn, ông khẳng định: Không có chuyện rượu vào... võ ra như trên phim. Cốt lõi của tuý quyền là hình say chứ ý không say, bước say chứ tâm hoàn toàn tỉnh táo. Cụ thể hơn, Tuý quyền là bài võ có quyền pháp bắt chước hình ảnh của người say chứ không phải thực say. Hình ảnh người say trên phim ảnh đó chỉ có tính chất nghệ thuật, hư cấu, những nhà làm phim muốn khắc họa một cách ẩn ý triết lý cốt lõi của bài võ độc đáo này.
    Triết lý đó là dù thân thể có say đến mấy thì tâm người luyện võ vẫn phải tỉnh táo. Còn thực tế, rượu đã say mèm, đứng còn không vững thì đừng nói chuyện... đánh đấm.
    Tuý quyền tiềm ẩn sức mạnh trong các thế đứng và vồ. Khi chiến đấu, người võ sĩ phải vận dụng, phối hợp nhuần nhuyễn nhãn pháp (mắt), thủ pháp (đòn tay), cước pháp (đòn chân) và thân pháp (di chuyển, thân người võ sĩ luôn ở trạng thái khật khưỡng, hoặc uốn từ đông sang tây, vươn ngẩng về phía trước, hay ngửa gập ra phía sau).
    Túy quyền kết hợp nhiều động tác tay nhưng ấn tượng và đặc trưng nhất vẫn là động tác nâng chén rượu mời. Còn thân pháp thì chú trọng đến thế ngã, lăn lộn, tung người. Trong tất các các thế này đều chứa đựng cả thế công và thủ. Cước pháp thì đặc trưng là những "cú đá người què" như đá móc, nằm đá...
    Tuý quyền "madein Việt Nam"
    Cũng nhờ sự giới thiệu của võ sư Vũ Quang Tín, Trưởng tràng Hoa quyền mà tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng nét hoa mĩ, hài hước ở những chiêu thức Túy quyền do chính tác giả của bài võ ấy, lão võ sư Trần Hưng Quang, Chưởng môn phái Bình Định Gia, biểu diễn.
    Lão võ sư Trần Hưng Quang (từng đóng vai Ốc trong vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) tuổi đã ngoại bát tuần nhưng còn minh mẫn lắm. Quê gốc ở đất võ Bình Định, sớm được các danh sư nổi tiếng truyền thụ võ công nên khi ra Hà Nội, ông đã làm rạng danh võ phái Bình Định Gia của mình.
    Hoà cùng các bài võ đã đi vào truyền thống của Bình Định, mới đây, lão võ sư còn "trình làng" những chiêu thức võ công mới, do ông tự sáng tác có tên chung là Tuý quyền, được làng võ vô cùng hâm mộ.
    Lão võ sư cho biết, các chiêu thức trong Tuý quyền của môn phái ông không phỏng theo bất cứ môn phái nào, đó là kết quả của cả đời lăn lộn, nghiên cứu, nghiền ngẫm, đúc kết của riêng cá nhân ông. Bởi tuổi đã cao, chân tay đã yếu nên các động tác quăng quật, tung người, lăn lộn của lão võ sư không còn lanh lẹ nữa, nhưng khuôn mặt, điệu bộ say thì lão võ sư "diễn" đạt vô cùng.
    Lão võ sư cho biết, tập Tuý quyền đã vô cùng khó, đạt tới đỉnh giới cao nhất của Tuý quyền lại càng khó hơn. Dù Tuý quyền đã chính thức là "tài sản" của môn phái nhưng cho đến giờ chỉ có 2 môn đồ của võ sư có thể biểu diễn được ở trình độ cao.
    Trong hai môn đệ ấy, người từng biểu diễn Tuý quyền và dành huy chương vàng ở Hội diễn võ thuật cổ truyền Hà Nội, do sức khoẻ yếu đã từ giã con đường võ thuật. Thế nên, theo lão võ sư, Tuý quyền của Bình Định Gia vẫn chưa tìm thấy một truyền nhân thực thụ.
    Tuý quyền của Bình Định Gia có 50 thế đánh, nhưng để bắt đầu luyện tập thì người luyện võ phải có cơ bản là 3 năm tôi rèn võ thuật trước đó. Bài đầu tiên của Tuý quyền là tập mắt, bởi ánh mắt là "mồi nhử", khiến đối phương tưởng địch thủ của mình... say thật. Cứ đứng trước gương mà luyện, luyện đến khi nào ánh mắt lờ đờ, nhìn như không nhìn, liếc như không liếc, xéo như không xéo mới đạt.
    Tiếp đến là tập nét mặt. Sắc mặt người say có nhiều điểm khác so với người tỉnh táo. Lão võ sư bảo, chỉ nhìn sắc mặt là có thể đoán ngay kẻ đối diện mình say hay tỉnh, quắc cần câu hay chỉ mới lây phây. Kế đến là... âm thanh. (Chi tiết này có lẽ chỉ có Tuý quyền của Bình Định Gia mới có). Đó là những tiếng ợ, nấc, thậm chí cả tiếng... "cho chó ăn chè".
    Bởi là bài võ dựa vào địa hình, địa vật để chiến đấu nên sau những bài tập về thần thái là những bài tập nhào lộn, quăng quật. Để thuần thục bài tập này, người luyện võ phải chấp nhận những vết bầm dập bởi những cú va chạm do... ngã. Bài tập này chỉ hoàn thành khi người luyện ngã chơi mà như ngã thật, nhào lộn, bật, bốc thân nhẹ nhàng tựa lá vàng bay.
    Sau những bài tập nền tảng trên thì chiêu thức Tuý quyền mới được lão võ sư truyền dạy. Lão võ sư bảo, nếu có cơ bản võ thuật, học Tuý quyền thì chỉ mất vài tháng, thế nhưng, để thành cao thủ có lẽ phải là người có cơ duyên. Bằng chứng là nhiều môn đệ của lão võ sư dù hấp thụ rất nhanh những bài võ khác nhưng Tuý quyền tập mãi và vẫn chẳng thành.
    Phái Võ lâm Phật gia của võ sư Băng Sơn cũng chung "cảnh ngộ" như võ phái của lão võ sư Trần Hưng Quang. Dù võ say (Tuý quyền vân du) đã là bảo vật của môn phái, đã được nhiều người luyện võ ngưỡng mộ, nhưng đến giờ, những người học được tuý quyền vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
    Tuý quyền lợi hại như... phim?
    Theo võ sư Băng Sơn, làng võ Việt Nam, ngoài môn phái của ông và Bình Định Gia thì võ say còn xuất hiện ở các môn phái như Thiếu lâm Châu gia ở TP.HCM với những bài như Tuý hầu quyền, Tuý hầu côn. Võ phái Hồng Gia quyền ở Đà Nẵng với bài Bát tiên tuý tửu và dòng Phan gia võ học ở Quảng Nam với bài Tuý quyền, Tuý nhân kiếm...
    Tuy thế, theo võ sư Băng Sơn, từ khi xuất hiện, võ say chưa thực sự được "thử lửa" bởi làng võ chưa từng chứng kiến cuộc thư hùng nào của những cao thủ. Sở dĩ như vậy là bởi võ say chỉ được sử dụng khi những cao thủ uyên thông bài võ này gặp những đối thủ dưới tầm, vừa đánh vừa... trêu. Còn khi đối đầu với những đối phương ngang tầm chẳng ai sử dụng võ say cả, bởi có nhiều lối đánh khác giải quyết trận chiến nhanh hơn, hiệu quả hơn.
    Và, theo võ sư Băng Sơn, nếu có phải vận dụng đến bài võ ảo diệu này thì người ta cũng chỉ vận dụng chiêu thức, đòn thế để tấn công đối thủ trong chớp nhoáng. Các động tác dật dờ, liêu xiêu, bước thấp bước cao của người say cũng sẽ bị lược bỏ cho... đỡ mất thời giờ.
    Tuy thế, đã vài lần thử dùng võ say trong các cuộc đánh giao lưu với đồng đạo võ lâm, võ sư Băng Sơn thấy uy lực của võ say là vô cùng lợi hại, rất phù hợp cho những trận đánh ở tư thế gần.
    Vui xuân, nhiều người quá chén. Thế nhưng, khi ấy đừng ai có dại mà biểu diễn "võ say" bởi "võ" ấy chỉ nhận cho mình phần họa mà thôi !
    Đào Thanh Tuy
    __________________

  8. #8
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của atoanmt
    Gia nhập
    Mar 2008
    Bài gởi
    506

    Wink Võ Sư Đoàn Tâm Ảnh

    Cám ơn Bạn Lê Ngọc Chi đã sưu tầm và chuyển bài viết về các Võ Sư VN.
    Bài rất chính xác và rất CÓ GIÁ TRỊ LỊCH SỮ về Võ Học của VN.
    Nhân tiện, tôi xin kể cho các Bạn nghe 1 chuyện về Võ Sư Đoàn Tâm Ảnh. Một trong những Su-Phụ của tôi.:
    Tôi có khiếu về Vẽ, nên khi Sư-Phụ định xuất bản cuốn sách Võ Thiếu-Lâm đầu tiên, Thầy đã nói tôi vẽ các Thế Võ, cũng như các thế Tấn. Thấy tôi vẽ nhanh, một hôm các Sư Huynh nói tôi:
    -"Chú mày, chừng nào Ổng (Sư-Phụ) đứng tấn "Kim-Kê Độc-Lập" (Tấn này chỉ đứng 1 chân, chân còn lại co lên) thì chú mày vẽ thiệt chậm, coi Ổng đứng được bao lâu nghen."
    Tôi lúc đó còn nhỏ tuổi, tánh lại Tếu và hơi...lý-lắc, nên vui vẻ nghe theo lời các Sư-Huynh. Vì thế, hôm vẽ Tấn đó, tôi đã vẽ rất chậm, Sư-Phụ thì không để ý, cứ đứng cho tôi vẽ, nhưng đứng 1 hồi chắc mỏi chân, Thầy nới nói:
    -"Rồi chưa? Sao bữa nay mày làm cái gì mà vẽ lâu quá dzậy?"
    Lúc đó tụi tôi thường gọi Thầy là Bác Sáu, nên tôi đáp:
    -"Dạ, Bác Sáu, còn chút nữa mới xong đó Bác"
    Thầy cằn nhằn:
    -"Cái thằng thiệt!, mấy Tấn kia thì vẽ lẹ, nhè Tấn này mà mày lại vẽ lâu quá!"
    Tôi chống chế:
    -"Tại Bác Sáu đứng kiểu này khiến con hơi khó vẽ mà"
    Nhưng chỉ một lát sau, có lẽ Thầy đã đoán biết là tụi học-trò phá, nên Thầy thản nhiên như không, cứ đứng 1 chân mà không nói gì cả. Đến lượt tôi thấy ân-hận, và tự thấy khó chịu trong lòng, tôi...chịu thua và nói:
    -"Con vẽ xong rồi nè Bác Sáu, mà Bác Sáu đừng la con nghen, tại mấy ảnh nói con vẽ chậm coi Bác Sáu đứng được bao lâu đó."
    -"Tao biết mà, đồ quỷ sứ,chắc thằng Thành, thằng Sơn phải không? Tao thấy bóng 2 thằng mới đẩy xe đạp ngang cửa sổ hông nhà ra ngoài rồi, tụi nó khôn hồn dông sớm, chớ ở lại là tao cho mỗi đứa 1 đá liền...à..ha...ha...ha, mày thấy Tao đứng nãy giờ có sao đâu...?"
    Tôi nhớ mãi tiếng cười của Thầy hôm đó, Thầy nói vậy nhưng tôi nghe trong thanh âm của Thầy không có 1 chút giận nào.
    Lúc đó tôi cũng cười, bằng tiếng cười ăn-năn và trong lòng thì đầy kính mến, đầy thương quý Sư-Phụ dạy Võ của mình...

    Atoanmt
    Last edited by atoanmt; 03-04-2008 at 12:11 PM.

  9. #9

    Mặc định

    huynh Lê Ngọc Chi có danh sách những võ sư nằm trong Tổng Hội Quyền Thuật Việt Nam trước năm 1975 không huynh?

  10. #10
    Nhất Đẳng Avatar của MrLove
    Gia nhập
    Oct 2007
    Nơi cư ngụ
    www.tudienkybi.com
    Bài gởi
    1,871

    Mặc định

    Võ sư Võ Thiện Đường
    với Lò võ Bạch Hổ vang bóng một thời


    Võ sư Võ Thiện Đường
    (ảnh chụp lại).


    Những năm 1935-1965, Thốt Nốt được coi là trung tâm võ đài của miền Tây Nam bộ. Trong dân gian lưu truyền mấy câu thơ miêu tả vị thế của võ đài Thốt Nốt:
    Chợ Thốt Nốt có lập đài khán võ
    Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông
    Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng
    Để anh đi đánh võ kiếm tiền đồng nuôi em

    Sau này, võ thuật ở Thốt Nốt không còn cao trào nên người đời mới sửa lại câu mới: “Để anh làm mướn kiếm tiền đồng...”.

    Người Thốt Nốt vốn dĩ rất hiền hòa, yêu thích văn thơ, đam mê đàn ca tài tử nhưng vẫn mang trong người cái tính cách từ thời ông cha “mang gươm đi mở cõi”, đương đầu với thú dữ, với ngoại xâm (Xiêm, Pháp) thì tư tưởng “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên” là động lực cho nhiều người đi vào nghiệp võ.

    Vùng đất nho nhỏ bên bờ sông Hậu lúc đó có ba lò luyện võ: Lò võ của võ sư Đỗ Văn Hoằng (Ba Hoằng) ở cù lao Tân Lộc; Lò võ của võ sư Sáu Kiết ở Trung An (Trà Ếch); Lò Bạch Hổ của võ sư Võ Thiện Đường ở Trung Nhứt (Trà Bay).

    * * *

    Võ Thiện Đường hay còn gọi là Năm Đường, sinh năm 1912 tại Tân Lộc Tây, Thốt Nốt. Sau này lập gia đình với bà Trương Thị Út, ông sống luôn bên vợ ở Trà Bay xã Trung Nhứt, Thốt Nốt, nay là phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

    Từ năm 1930-1937 ông lần lượt thọ giáo với các võ sư: Mã Thành Lèo, Đỗ Thiện Tích, Tô Hùng Bính, Hai Đen, Tư Tống,... là những cao thủ đại diện cho các trường phái võ thuật: Thiếu Lâm Tự, Taekwondo, quyền anh và võ cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu sâu võ Thái Lan để chuẩn bị cho những ngày “xuống núi” đấu đài trên đất Campuchia.

    Trải qua 8 năm luyện võ với năm võ sư danh tiếng, ông vẫn chưa an tâm với tay nghề của mình. Ông dành thêm thời gian tập luyện các thế đánh dưới nước mà các vị sư tiền bối chưa từng dạy. Ông nhận biết dưới nước bị lực cản rất lớn, nếu thích nghi các thế đánh dưới nước thì hiệu quả sẽ tăng cao khi giao đấu ở trên bờ... Thậm chí ông còn nghiên cứu cả thế đá của gà chọi... để áp dụng vào thế miếng.

    Năm 1938, võ sư Năm Đường bước vào tuổi 27. Ông lại qua tỉnh Xiêm Riệp và thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) Campuchia dấn thân vào con đường nghiệp võ. Ông phải nằm chờ ba tháng để quan sát các trận đánh quốc tế của các võ sĩ Thái, Lào, Campuchia, Miến Điện, Marốc do Pháp tổ chức.

    Hồi đó, việc cáp độ giữa các cặp đấu võ đài chỉ chú trọng vào chiều cao, trọng lượng, không phân biệt loại hình võ thuật nào. Nếu hai bên đồng ý là cho thượng đài, thi đấu tự do, không mang găng tay, không đội mũ bảo hiểm, không hạn chế đòn bén... Võ sĩ thua trận có thể chết ngay trên võ đài. Trước khi giao đấu hai bên phải ký vào tờ giao kèo có mất mạng thì thôi... Đối thủ đầu tiên mà ông Võ Thiện Đường bắt thách là một võ sĩ người Thái Lan có thân hình vạm vỡ, rắn chắc, da đen bóng, trước lúc thượng đài miệng niệm thần chú và nhai ngấu nghiến trong miệng thứ bùa ngải gì đó nghe xàm xạp. Võ Thiện Đường cũng có thân hình chắc nịch, làn da màu bánh mật trông có vẻ nhu mì hơn. Ưu thế là ông có chiều cao nhích hơn võ sĩ người Thái, chân tay cũng có phần dài hơn. Võ sĩ Thái chủ quan vì trước nay võ sĩ người Việt chưa có tiếng tăm trong làng võ. Trong khi võ sĩ này đã trải qua mấy trận thắng nốc ao nên rất tự tin. Vào đấu không lâu, võ sĩ người Thái bị Năm Đường đánh gục chỉ bằng một cú đá song phi trúng vào cạnh hàm trước sự ngơ ngác của hàng ngàn khán giả. Trận đầu ra quân rất thuận lợi. Tuy nhiên, Năm Đường vẫn cảm thấy chưa ngon vì đối thủ có phần “nhỏ con” hơn mình.

    Một tháng sau, ông thượng đài với võ sĩ người Thái khác. Võ sĩ này cao thủ hơn, kinh nghiệm trận mạc nhiều hơn. Lúc bấy giờ người Việt làm ăn sinh sống ở Nam Vang cũng khá nhiều, biết được thông tin trận quyết đấu giữa võ sĩ Việt Nam với võ sĩ Thái nên kéo lên Xiêm Riệp rất đông để xem và cổ vũ. Còn về phía người Thái thì coi đây là trận phục thù. Hai bên gặp nhau trong khí thế hừng hực... Lúc bấy giờ các thầy dạy võ cho Năm Đường cũng có mặt đầy đủ. Một người bác họ của tôi hồi đó đi theo ông Năm Đường có kể lại mấy ông thầy rất lo ngại vì học trò mình còn non nớt trận mạc nên có ý định hồi trận đấu... Nhưng ông Năm Đường kiên quyết vì “màu cờ sắc áo”. Ngày thi đấu, trước khi leo lên võ đài ông còn nói dặn lại “thầy coi con giải quyết trong vòng 5 phút”. Cả đoàn người đi theo - cả thảy 31 người - gần như nín thở hồi hộp...

    Võ sĩ Thái thân hình vạm vỡ cao to. Về hình thể, võ sĩ này rất cân xứng với ông Năm Đường. Đúng là “kỳ phùng địch thủ”.

    Sau khi kẻng khai đấu nổi lên, võ sĩ Thái nhún chân bay tấp vào người Năm Đường. Ông cũng rất nhanh nhẹn lách người qua một bên, đối thủ lỡ đà tấp vô dây rào đài rồi lộn ngược một vòng trở ra. Sau lần ra đòn hụt, đối phương càng hung hãn hơn, tiếp tục tấn công. Ông Năm Đường cũng đã bị hai lần trúng đòn nhưng chưa ảnh hưởng đến thể lực. Thoắt một cái, hai võ sĩ tiếp cận sát vào nhau và người ta cũng chỉ nghe tiếng “hự hự”, võ sĩ người Thái nằm sóng sượt trên sàn đài, máu miệng trào ra... Bác tôi kể rằng, người võ sĩ Thái sau đó tỉnh lại mà không chết. Sau trận đấu đó, thầy trò Võ Thiện Đường ở Nam Vang tiếp tục đánh võ đài. Tên tuổi võ sĩ Võ Thiện Đường ngày một vang lừng khắp Đông Dương. Ở Nam Vang, Năm Đường cũng nhận dạy võ cho nhiều võ sinh người Việt, người Khmer, Lào... hơn 5 năm.

    Năm 1943, ông Năm Đường về nước vì áp lực của gia đình sợ ông phải “sinh nghề tử nghiệp” nơi đất khách, buộc ông phải cưới vợ, làm ăn. Nhưng trong lòng ông vẫn luôn nặng nợ với nghiệp tổ. Rồi ông lại tiếp tục chu du thư hùng khắp các võ đài Trung, Nam bộ như: Qui Nhơn, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn, Gia Định, vòng về các tỉnh thành Tây Nam bộ và chạm trán với những võ sĩ được mệnh danh là “tướng núi”, “thầy gồng” vùng Thất Sơn Châu Đốc... tiếng tăm ông càng vang lừng...

    Người đời tặng cho ông cái biệt danh là Bạch Hổ, tức là con cọp trắng: tướng tinh - biểu tượng sức mạnh của Tiết Nhơn Quý trong truyện Tàu.

    Võ sư Võ Thiện Đường bắt đầu dạy võ từ những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, đã đào tạo ra nhiều võ sĩ rạng danh. Nhưng mãi đến năm 1959 ông mới thật sự “đăng đàn thượng bảng” và cũng xuất phát từ danh tặng “Bạch Hổ” của người đời dành cho ông, lò võ của ông lấy tên võ đường Bạch Hổ. Tương truyền, bạch hổ còn là truyền thuyết dân gian nói về sự xuất hiện con cọp trắng ở vùng Thốt Nốt vào những năm 1780-1800. Những tháng mùa khô, bạch hổ lưu trú quanh quẩn khu vực từ vàm rạch Thốt Nốt vô Trà Bay, Trà Cui, Bắc Đuông, có lúc vòng lên Bà Chiêu. Đến mùa nước nổi (tháng 8, tháng 9) cọp bạch lội ngang sông lớn qua cù lao Tân Lộc, trú ẩn từ rạch Ông Chủ đến rạch Gừa, rạch Bông Bụp, vì mùa này đất cồn có nhiều gò cao ráo, cũng là chỗ nương thân của nhiều thú hoang làm thức ăn cho cọp... Người cù lao có lập miếu thờ Bạch Hổ gần chùa ông Đạo Xuân, thuộc khu vực Lân Thạnh. Hàng năm đều có tổ chức cúng heo sống, dâng tờ cử (sớ) xin bạch hổ bảo hộ dân làng... Lệ này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay...

    Trong những năm 1958-1960, ở Thốt Nốt nổi lên mấy tên cướp rất hung hãn. Ban đêm chúng đến nhà dân để thơ trên bàn thông thiên tống tiền. Bọn chúng cũng đã từng giết những người không đáp ứng đòi hỏi của chúng làm cho dân tình hoảng loạn... Người giàu có trong vùng yêu cầu ông Năm Đường mở trường dạy võ cho gia nhân, con em họ để tự vệ. Võ đường Bạch Hổ được bà con trong vùng gởi con em mình theo học. Nội qui, điều luật của võ đường rất nghiêm ngặt: học võ để cứu người, làm chuyện nghĩa hiệp, giữ gìn luân thường đạo lý, cấm kỵ tà dâm, trộm cướp... Võ sinh vào học phải thắp nhang thề độc giữ môn quy.

    Những năm sau, đời sống bà con được yên bình, phong trào võ thuật từ đó cũng chìm lắng. Hình ảnh võ sư Võ Thiện Đường với lò Bạch Hổ vẫn được ca ngợi lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay:

    “Thiện Đường danh trấn trong thiên hạ
    Bạch Hổ vang lừng khắp bốn phương”

    Năm 1985, võ sư Võ Thiện Đường lâm trọng bệnh, vì tuổi già sức yếu, gia đình lại túng hụt, nghèo khó, không tiền chạy chữa thuốc thang, ông qua đời, hưởng thọ 73 tuổi.

    Bài, ảnh: ĐOÀN NÔ (báo Cần Thơ)
    Từ Điển Kỳ Bí - Bí mật của Shiva

  11. #11

    Mặc định

    Có ai biết về Võ Sư Lâm Thành Khanh không? Thầy cũng là 1 đệ nhất cao thủ mà sao ko nghe ai nhắc đến nhỉ, hic

  12. #12
    Nhất Đẳng Avatar của MrLove
    Gia nhập
    Oct 2007
    Nơi cư ngụ
    www.tudienkybi.com
    Bài gởi
    1,871

    Mặc định

    Mình post nhầm. Thành thật xin lỗi :D
    Last edited by MrLove; 08-01-2011 at 12:37 AM.
    Từ Điển Kỳ Bí - Bí mật của Shiva

  13. #13

    Mặc định

    Cảm ơn bạn MrLove đã đăng bài. Trong Tổng Hội Quyền Thuật trước năm 75 có vị lập Võ đường nhưng có vị lại không lập Võ đường.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •