kết quả từ 1 tới 19 trên 19

Ðề tài: đối Thoại Với Thiền Sư Lê Mạnh Thát

  1. #1
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định đối Thoại Với Thiền Sư Lê Mạnh Thát

    ĐỐI THOẠI VỚI THIỀN SƯ LÊ MẠNH THÁT
    ( Theo loạt bài Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn độngcủa báo Thanh niên online ) .
    Vừa qua trên báo Thanh niên online , có đăng một loạt bài của tác giả Hoàng Hải Vân nhan đề : " Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động " .
    Nhân có những nghiên cứu cùng TTNC LÝ HỌC CỔ ĐÔNG PHƯƠNG và anh Thiên Sứ ( Tức NGUYỄN VŨ TUẤN ANH ) , được sự trợ giúp của TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN - THƯ VIỆN HÁN NÔM , dienbatn xin cùng đối thoại với những gì bài viết đã nêu . Rất tiếc thời gian hạn hẹp và khoảng Không - Thời gian quá lớn , lại đề cập đến những vấn đề rất sâu , rộng nên xin phép các bạn cho dienbatn viết từ từ từng lúc một . Chỉ là một " Phó thường dân Nam Bộ " , không có nhiều phương tiện trong tay , lại còn phải lo nhiều việc đời thường , dienbatn kính mong THIỀN SƯ LÊ MẠNH THÁT và tác giả Hoàng Hải Vân lượng thứ cho những sai sót nếu có . Xin trân trọng cảm ơn . dienbatn .
    LOẠT BÀI VIẾT ĐĂNG TRÊN Thanh niên online


    Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động



    Thiền sư Lê Mạnh Thát - Ảnh: Ngọc Hải

    Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tư liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước...Là một nhà tu hành xuất gia từ bé, nhưng Thượng tọa Thích Trí Siêu (tức giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát) vẫn để tóc. Thú thật là quá tò mò về chuyện đó, tôi mạnh dạn hỏi ông vì sao như vậy. Ông cười phá lên, chỉ vào bức ảnh Đức Bồ đề Đạt Ma: "Ông ấy có cạo đầu đâu! Tôi còn thua ông ấy một bộ râu". Tôi ngộ ra rất nhiều điều trong tiếng cười của ông.
    Tôi đã gặp ông nhiều lần, trước hết là để viết bài về Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (VESAK) được tổ chức tại Việt Nam sắp tới mà ông là Chủ tịch Ủy ban quốc tế (IOC) đồng thời là Tổng thư ký Ủy ban điều phối quốc gia Đại lễ này. Tôi cũng đã đọc nhiều sách ông viết. Nhưng với trình độ nông cạn của tôi, hiểu về con người cùng sở học mênh mông vi diệu của vị cao tăng này thật không dễ chút nào.

    Ông không chỉ là một thiền sư, là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...), ông còn là một người Việt Nam "nguyên chất" với tất cả lòng tự trọng tự hào về dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công trình khoa học của ông.

    Trước khi nói về VESAK, tôi xin ghi lại một vài điều tâm đắc sau khi đọc, sau khi nghe ông nói và hỏi lại thật rõ những khám phá của ông về cội nguồn dân tộc, về nhiều sự thật của lịch sử nước nhà hàng ngàn năm bị che lấp hoặc bị hiểu sai lệch.

    "Ông Lê Quý Đôn mà cũng lôi thôi quá !"

    Xin chép ở đây hai bài thơ chữ Hán, theo tôi bài nào cũng hay đến "lạnh cả người":

    Nhị bát giai nhân thích tú trì

    Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

    Khả liên vô hạn thương xuân ý

    Tận tại đình châm bất ngữ thì

    (Tạm dịch nghĩa: Người đẹp mười sáu tuổi nhẹ tay thêu trên gấm

    Dưới khóm hoa tử kinh con chim hoàng ly đang chuyền

    Thật đáng thương nỗi lòng vô hạn đối với mùa xuân

    Ngưng đọng nơi mũi kim, lặng lẽ không nói)


    Đó là bài Xuân nhật tức sự, được Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục và ghi là của thiền sư Huyền Quang thời nhà Trần (1254-1334). Từ đó nhiều thế hệ học giả đã dẫn giải, bình luận, coi là một kiệt tác thi ca chữ Hán của Việt Nam. Trên tạp chí Văn học số 1-1984, lần đầu tiên giáo sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra tài liệu chứng minh bài thơ trên không phải của thiền sư Huyền Quang mà của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân (?-1203) thời nhà Tống bên Trung Quốc.

    Một bài khác:

    Nhạn quá trường không

    Ảnh trầm hàn thủy

    Nhạn vô di tích chi ý

    Thủy vô lưu ảnh chi tâm


    (Tạm dịch nghĩa: Chim nhạn bay dài qua không trung

    Ảnh chìm dưới dòng sông lạnh

    Nhạn không có ý để lại dấu tích

    Sông không có lòng lưu lại bóng hình
    )

    Bài thơ này cũng được Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục, ghi là của Hương Hải thiền sư thời nhà Lê. Nhưng trong công trình nghiên cứu rất công phu về thiền sư Hương Hải (Toàn tập Minh Châu Hương Hải), giáo sư Lê Mạnh Thát cũng đã “trả" bài thơ này lại cho tác giả thật của nó là thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài bên Trung Quốc thời Tống. Nhưng không chỉ có vậy. Giáo sư Thát còn liệt kê trong số 59 bài thơ được coi là của thiền sư Hương Hải do học trò của thiền sư chép trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, có đến 47 bài không phải của thiền sư. Từ đó, Lê Quý Đôn đã chép lại 43 bài trong Kiến văn tiểu lục, cả 43 bài đều của các thiền sư Trung Quốc. Ông đã chỉ rõ từng bài, là của ai, ở trong tài liệu nào, tờ số mấy. "Ông Lê Quý Đôn mà cũng lôi thôi quá!", ông cười cười nói với tôi. Là ông nói đùa thôi, chứ ông biết rõ Lê Quý Đôn là người rất cẩn trọng. Ông bảo sở dĩ có sai sót này là do Lê Quý Đôn chắc chắn không biết, tức không có dịp đọc các bộ chính sử thiền tông Trung Quốc. "Hơn nữa, Lê Quý Đôn, với tư cách là một Phật tử, có thể đã quá tin tưởng vào bản in Hương Hải thiền sư ngữ lục, nghĩ rằng các thơ kệ và ngữ lục trong đó là đúng của Minh Châu Hương Hải, vì chúng đã được môn đồ của vị thiền sư này cho khắc in, nên đã không tiến hành kiểm tra, tìm hiểu và so sánh", ông viết.

    Toàn tập Minh Châu Hương Hải là một trong rất nhiều công trình sử học của giáo sư Lê Mạnh Thát. Trong khi sưu tầm, đối chiếu, xác minh và giới thiệu những cống hiến quan trọng về lịch sử tư tưởng, văn học và Phật giáo Việt Nam của vị thiền sư lỗi lạc này, ông đồng thời đã cẩn trọng "trả lại cho người khác" những gì không phải của thiền sư, dù đó là những viên ngọc quý (như bài thơ nói trên). Đối với những nhân vật khác, ông cũng làm tương tự. Ông bảo những nhầm lẫn trong các công trình sử học kiểu đó không những không làm vinh dự thêm cho dân tộc mà còn rất tai hại, nó khiến cho người ta nghi ngờ chính những cống hiến quan trọng của các nhân vật lịch sử nước ta, đặc biệt khi các bậc thức giả nước ngoài tiếp cận những tài liệu này.

    Dẫn ra chi tiết nhỏ trên đây để thấy sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu của giáo sư Lê Mạnh Thát. Nhưng ngoài sự nghiêm cẩn, ông còn có một lợi thế tự nhiên khó có học giả nào có được. Là một thiền sư, ông đã đọc hết những bộ kinh sách đồ sộ như Đại tạng kinh và Tục tạng kinh chữ Hán, ông đọc trước hết là "để thưởng thức". Chính vì vậy mà chẳng hạn như đối với trường hợp hai bài thơ nói trên, ông đã biết đến khi đọc bộ sử thiền tông Trung Quốc (trong Tục tạng kinh), nên khi nghiên cứu về Huyền Quang và Hương Hải ông đã phát hiện ngay sự nhầm lẫn.

    Lịch sử dân tộc bảo tồn trong kinh Phật

    Lục độ tập kinh là một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh của Phật giáo thế giới. Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 2, truyền bản của nó đến ngày nay gồm 8 quyển, 91 truyện, trình bày sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.

    Lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm lưu truyền của Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát có những phát hiện cực kỳ quan trọng từ tập kinh này. Ông khẳng định tập kinh đó là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn; Tăng Khương Hội, người dịch bản kinh đó, người mà sử sách cổ Trung Quốc coi là "bậc thánh hiền", là một người Việt Nam (ít nhất là sinh ra, lớn lên, học hành, theo đạo Phật, hành đạo và trước tác đều tại Việt Nam). Bằng kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, ông đã truy tận gốc tất cả những tài liệu cổ xưa nhất có liên quan, tiến hành khảo sát, đối chiếu, giám định và đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ không thể phản bác. Ông bảo tập kinh đó chứa đựng "một lượng bất bình thường" các tư tưởng, quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam.

    Phát hiện đầu tiên là Lục độ tập kinh chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng. Điều này hết sức có ý nghĩa, là vì truyền thuyết đó được ghi vào sử sách bắt đầu từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên. Truy lùi lại thì thấy chuyện này được chép trong Lĩnh Nam chích quái. Truy nữa thì "bó tay", không biết nó xuất phát từ đâu, chỉ thấy nó liên quan tới truyện Liễu Nghi đời... Đường bên Trung Quốc. Từ trước tới nay mọi bàn cãi đều tập trung vào việc chấp nhận hay không truyền thuyết đó, mà chấp nhận hay phủ nhận nó không phải là vấn đề của lịch sử. Dân tộc nào cũng có truyền thuyết khởi nguyên, mà đã là truyền thuyết thì ít nhiều đều mang yếu tố hoang đường, nhưng đó là hồn thiêng dân tộc. Với Lục độ tập kinh, chúng ta đã truy ra thời điểm khởi nguồn của hồn thiêng dân tộc của mình.

    Trong khi phát hiện truyền thuyết trăm trứng nằm trong Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát còn khám phá một sự thật lịch sử thú vị liên quan đến An Dương Vương và Triệu Đà. Từ truyền thuyết trăm trứng nằm trong truyện 23 của Lục Độ tập kinh, ông đối chiếu với một dị bản bằng tiếng Phạn và lại phát hiện truyền thuyết An Dương Vương giống như câu chuyện về trận đánh quyết định trong anh hùng ca Mahàbhàrata giữa hai anh em Pandu và Duryodhana. Đối chiếu với tất cả những gì được ghi trong Sử Ký của Tư Mã Thiên và các tài liệu cổ sử khác của Trung Quốc, ông khẳng định truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại (dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư) là không có thật, nó chẳng qua chỉ là một phiên bản của câu chuyện Mahàbhàrata từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng Vương mà thôi. Ông cũng tiếp tục đối chiếu sử sách và khẳng định không những không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương (vì làm gì có An Dương Vương mà đánh!) mà nước ta cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm. Nước Nam Việt của Triệu Đà chưa bao giờ bao hàm nước ta trong đó cả. Có nghĩa là, cho đến năm 43 (sau dương lịch), trước khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng thất bại, nước ta vẫn là một nước độc lập. Đó là triều đại Hùng Vương, là nhà nước Hùng Vương. Nhà nước đó đã được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp, có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học... Nhà nước đó, nền văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến "khai hóa" mà có. Nó có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để tiếp thu những gì là tinh hoa và để tự vệ trước âm mưu nô dịch của ngoại bang. Nó có đủ sự nổi trội để đóng góp vào nền văn minh chung của nhân loại mà Lục Độ tập kinh là một trong những dẫn chứng sống động. Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước... (còn tiếp)

    H.H.V

    ( Nguồn http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/.../27/227642.tno ) - dienbatn giới thiệu .
    Last edited by dienbatn; 10-03-2008 at 03:01 PM.
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  2. #2
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động




    Thiền sư Lê Mạnh Thát (ảnh: N.Hải)

    Nếu nói các truyền thuyết An Dương Vương là không có thật thì phải giải đáp như thế nào về Loa thành? Nếu nói nước ta đến năm 43 vẫn là nước độc lập thì các "thái thú" Tích Quang, Nhâm Diên sang "cai trị" ở đâu?
    Tất cả những kết luận của giáo sư Lê Mạnh Thát đều được đưa ra kèm theo sự so sánh đối chiếu hết sức cẩn thận, kèm theo là các tài liệu dẫn chứng cụ thể có thể tra cứu đến tận gốc. Rất tiếc giới hạn của một bài báo không cho phép chúng tôi dẫn ra đây, vì nó quá nhiều. Về vấn đề chúng tôi đang đề cập, có thể xem: Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta - Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006.
    Làm trong sạch những trang sử của tổ tiên bờ cõi

    Như chúng tôi đã đề cập, giáo sư Lê Mạnh Thát đề nghị dứt khoát loại bỏ truyền thuyết An Dương Vương và nước Nam Việt của Triệu Đà ra khỏi lịch sử nước ta. Cần biết, toàn bộ cơ sở để dựng lên thời kỳ An Dương Vương và Triệu Đà trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ Đại Việt sử lược, rồi Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục... cho đến sử sách ngày nay mà chúng ta biết, là lấy từ 4 tài liệu cổ sử Trung Quốc, đó là Giao châu ngoại vức ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí và Nhật Nam truyện. Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, trong 4 tài liệu đó, 3 tài liệu không rõ nguồn gốc và niên đại (chỉ phỏng đoán được đại khái là vào thế kỷ thứ VI, thứ VII), riêng Nam Việt chí thì có nguồn gốc niên đại rõ ràng (thế kỷ thứ V), nhưng tất cả đều mơ hồ, mâu thuẫn và không đáng tin cậy. Trong khi đó, căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thống xưa nhất của Trung Quốc, cụ thể là Sử ký của Tư Mã Thiên và Tiền Hán thơ, chúng ta hoàn toàn không thấy có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương hay tương tự, mà các tài liệu đó còn có những thông báo xác định rõ ràng là cho đến hết thời Triệu Đà cùng cháu chắt ông ta làm vua Nam Việt bên đất Trung Quốc, nước ta vẫn đang có vua và đang là một nước độc lập. Nước ta chưa bao giờ thuộc Nam Việt của Triệu Đà bên Trung Quốc là điều đã rõ. Vấn đề là xác định đất đai Nam Việt của Triệu Đà đến đâu? Kết luận là: Nước Nam Việt không bao giờ lan ra khỏi địa phận tỉnh Quảng Đông, một phần tỉnh Hồ Nam và Quí Châu cũng như Quảng Tây ngày nay. Ông bảo kết luận này cũng không phải mới. "Tư không Trương Hoa đời Tấn viết Bác vật chí 2 tờ 4b11-12 cũng nói: "Nước Nam Việt cùng tiếp với Sở, Ngũ lĩnh về trước đến tới Nam hải, là nước tiếp giáp biển. Đất Giao chỉ gọi là Nam duệ". Viết như thế, Giao chỉ rõ ràng không thuộc đất Nam Việt. Một khi đã kết luận như vậy, Triệu Đà dĩ nhiên không quan hệ gì đến nước ta. Phần gọi là "Triệu kỷ" trong các cuốn sử ta từ Đại Việt sử lược trở đi do thế đáng nên loại bỏ" (sách đã dẫn).

    Việc dùng những tài liệu không đáng tin cậy để ghi vào sử sách nước nhà, rồi cứ đinh ninh như vậy cho đến ngày nay, từ Đại Việt sử lược trở đi, theo giáo sư Lê Mạnh Thát, là do "những người viết sử đã không bao giờ chịu nghiên cứu và cân nhắc một cách kỹ càng những sử liệu mà họ dùng". Ông cho rằng, để viết lịch sử nước ta vào những thế kỷ trước và sau công nguyên, phải dùng "những báo cáo của Sử ký và Tiền Hán thơ như những tài liệu cơ bản cho việc kiểm soát..., dù biết rằng sự kiện của mọi cuốn sử chính thống Trung Quốc từ Sử ký trở đi không nên được chúng ta tin cậy hoàn toàn" (như trường hợp về Nhâm Diên, Tích Quang nói dưới đây và nhiều trường hợp tương tự khác). Tuy nhiên, theo ông, "nó vẫn có giá trị và đáng tin gấp bội lần" so với những thứ như 4 tài liệu đã dẫn, bởi vì ngay cả tài liệu có nguồn gốc rõ ràng như Nam Việt chí, nó cũng xuất hiện sau Sử ký đến những sáu trăm năm (sách đã dẫn).

    Với những sử liệu đã dẫn, vấn đề An Dương Vương đã rõ là một phiên bản Việt Nam trong bản anh hùng ca Mahãbhãrata, thế thì xử lý như thế nào về quan hệ giữa An Dương Vương với thành Cổ loa? Giáo sư Lê Mạnh Thát viết: "Để trả lời câu hỏi đó, trước hết cần có một ý niệm tổng quát về quá trình hình thành quan hệ giữa các kỳ quan tự nhiên hay nhân tạo với các nhân vật kỳ vĩ, cụ thể là chuyện con trâu vàng của Không Lộ với Hồ tây. Không Lộ là vị thiền sư mất năm 1119, thế mà lại có một kết nối việc hình thành Hồ tây trong truyền thuyết dân gian như Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh đã ghi lại. Vậy, việc kết nối An Dương Vương với thành Cổ loa trong truyền thuyết không nhất thiết là một sự thật lịch sử, dù sau Lĩnh Nam chích quái, một kết nối như thế đã được Ngô Sỹ Liên đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư và khoác cho nó một bộ áo lịch sử chính thức". Dĩ nhiên triều đại Hùng Vương của chúng ta không thể nào không có thành quách, nên chắc chắn chúng ta có một cái thành như vậy, nhưng 4 tài liệu đã dẫn nói về An Dương Vương cũng không nói gì về tên thành Cổ loa, do đó Cổ loa chẳng qua là một tên gọi được Ngô Sỹ Liên lấy từ truyền thuyết của Lĩnh Nam chích quái để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư gắn vào An Dương Vương mà thôi.

    Như vậy, các triều đại An Dương Vương và Triệu Đà đã được các sử gia Việt Nam từ Lê Văn Hưu đến Ngô Sỹ Liên dựng lên từ những tài liệu không đáng tin cậy, kiểm chứng tới đâu thấy sai tới đó. Nay với những sử liệu tin cậy có thể kiểm chứng được đến tận gốc mà giáo sư Lê Mạnh Thát đã chỉ ra, chúng ta có đủ cơ sở loại chúng ra khỏi lịch sử, để làm trong sạch tổ tiên bờ cõi chúng ta. Một người thì tiêu diệt vua Hùng (An Dương Vương), một người thì chiếm nước ta (Triệu Đà), khi đã có đủ chứng cứ là không đúng sự thật, thì vinh dự gì mà vẫn để tồn tại trong những trang sử của dân tộc?

    Nhưng khi khẳng định nước ta là nước độc lập cho đến năm Mã Viện đánh bại cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng, thì giải quyết như thế nào đối với các nhân vật như Tích Quang, Nhâm Diên được coi là các "thái thú" Trung Quốc cai trị nước ta trước đó? Hai nhân vật này được sử sách Trung Quốc cho là những người đến "khai hóa" dân tộc ta, bằng những lời lẽ vô cùng xấc xược, coi dân tộc ta là "mọi", là "cầm thú", là "sâu bọ chồn cáo" (lời trong Hậu Hán thơ). Bằng những sử liệu khó chối cãi, giáo sư Lê Mạnh Thát chứng minh Tích Quang, Nhâm Diên chưa bao giờ làm thái thú ở nước ta cả, đó chỉ là sự "hư cấu lố bịch khôi hài". Lấy thí dụ như Nhâm Diên, Hậu Hán thơ viết ông này được cử làm thái thú Cửu Chân (nước ta) vào năm Kiến vũ thứ nhất (năm 25 sau dương lịch), nhưng thời điểm đó cũng theo Hậu Hán thơ, tình hình chính trị Trung Quốc từ sông Dương Tử về phía nam cực kỳ phức tạp, các tướng mỗi nơi chiếm một phương, thiên hạ loạn lạc đến nỗi "vua tự đem quân thân chinh mà còn bị cản đường, xe ngựa không tiến lên được", thì làm sao Nhâm Diên đến được Cửu Chân để làm thái thú ? Vả lại, chứng cứ đanh thép nhất mà sử gia Lê Mạnh Thát tiếp tục dẫn ra là, sau khi Mã Viện "chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, đưa đầu về Lạc Dương", Hậu Hán thơ viết: "Viện (Mã Viện) điều tấu Việt luật cùng Hán luật, sai hơn 10 việc, bèn cùng người Việt nói rõ để ước thúc". Như vậy rõ ràng nước ta đã có luật pháp. Bộ luật đó một chính quyền ngắn ngủi không làm nổi, nó phải là sản phẩm của một nhà nước độc lập tồn tại từ lâu đời. Nếu nói nước ta lúc đó chỉ là quận, huyện của Trung Quốc, do các thái thú của Trung Quốc sang cai trị, thì chỗ đâu để có bộ Việt luật cho Mã Viện điều tấu? Mà nếu có Việt luật, nghĩa là có một nhà nước độc lập, thì Tích Quang, Nhâm Diên "cai trị" ở đâu?

    (còn tiếp)

    Hoàng Hải Vân

    ( Nguồn http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/.../28/227859.tno ) - dienbatn giới thiệu .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  3. #3
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động



    Thiền sư Lê Mạnh Thát - ảnh:Ngọc Hải

    Lê Thánh Tôn nói: Một tấc đất của tổ tiên cũng không để mất! Kèm theo câu nói đó là việc dựng lại Ngọc phả Hùng Vương...

    Tiếp tục hành trình về thời đại Hùng Vương
    Cho đến nay, với nhiều nỗ lực nghiên cứu, các nhà sử học nước ta đã phát hiện rất nhiều tài liệu quan trọng về nền văn minh của nước ta thời đại Hùng Vương, đặc biệt là đã thu thập, giám định, phân tích một khối lượng đồ sộ các di chỉ khảo cổ học từ văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Những nỗ lực đó cho phép phác thảo bước đầu diện mạo của thời đại khởi nguồn của dân tộc, đủ để bác bỏ những mưu đồ phủ nhận hoặc hạ thấp công lao dựng nước của tổ tiên. Ghi nhớ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các vua Hùng có công dựng nước...", Nhà nước ta đã chính thức quyết định lấy ngày Giỗ tổ Hùng Vương làm Quốc Giỗ.

    "Sau ngày độc lập, cụ Hồ Chí Minh rất chính xác khi lấy tên Hùng Vương đặt cho con đường chính giữa thủ đô, ngang qua Hội trường Ba Đình, đó là điều hết sức có ý nghĩa", giáo sư Lê Mạnh Thát nói với chúng tôi. Ông lưu ý rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong khi Ngọc phả nhà Lý mất, Ngọc phả nhà Trần mất, Ngọc phả nhà Lê cũng mất thì Ngọc phả Hùng Vương lại được lưu giữ, hiện còn 3 truyền bản, 2 truyền bản có từ thời Tiền Lê (Lê Đại Hành) và 1 có từ thời Lê Thánh Tôn. "Lê Đại Hành dựng lại Ngọc phả Hùng Vương giữa lúc chuẩn bị đánh Tống. Đánh Tống là cuộc kháng chiến chống một cường quốc chứ không phải chống đội quân lèo tèo như Nam Hán. Lê Thánh Tôn nói: Một tấc đất của tổ tiên cũng không để mất! Kèm theo câu nói đó là việc dựng lại Ngọc phả Hùng Vương". Ông nói tiếp: "Giữa lúc người Mỹ tuyên bố đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá thì Việt Nam lại có một cuộc khảo sát lớn nhất về thời đại Hùng Vương do chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo. Giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã thực hiện 4 tập sách về thời đại Hùng Vương. Đó là một cuộc nghiên cứu nghiêm túc nhất từ trước tới nay. Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương với quy mô lớn, do Nhà nước chủ trương, chứ không phải là nghiên cứu lẻ tẻ. Chúng ta thu được những thành quả quan trọng về khảo cổ học và tập hợp được một số tài liệu chữ Hán giai đoạn đầu. Điều đó rất có ý nghĩa và cần được tiến hành tiếp tục".

    Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề quan trọng về lịch sử của thời đại này vẫn đang bị bỏ ngỏ hoặc bế tắc, trong đó có vấn đề chữ viết, luật pháp cùng những vấn đề căn bản khác của một nhà nước mà chắc chắn là nó phải có trong thời đại Hùng Vương. Bởi vậy, những khám phá của giáo sư Lê Mạnh Thát có ý nghĩa vô cùng.

    Sau khi đưa ra các minh chứng để đề nghị loại bỏ hai triều đại An Dương Vương và Triệu Đà ra khỏi lịch sử và xác định thời đại Hùng Vương tồn tại cho đến năm 43, giáo sư Lê Mạnh Thát tiếp tục phát hiện thêm những tài liệu quan trọng có thể khai thông những bế tắc từ bấy lâu nay.

    Việc tồn tại của Việt luật (mà Mã Viện "điều tấu"), theo giáo sư Lê Mạnh Thát, cho phép chúng ta giả thiết rằng tiếng nước ta vào thời điểm đó (thời Hai Bà Trưng) đã phát triển đến một mức độ chính xác nhất định và có một hệ thống chữ viết đủ rõ ràng để ghi chép các quy định của luật pháp.

    Vấn đề là Việt luật hiện nay không còn, điều đó không có gì là lạ, vì chính Hán luật cũng không còn. Chúng ta cũng chưa tìm được chữ viết trong các di chỉ khảo cổ học. Điều đó cũng không có gì lạ và chưa tìm được không có nghĩa là nó không có, bởi ngay đến chữ viết thời Lý - Trần mà vẫn không tìm được trên các di chỉ khảo cổ học khai quật tại Hà Nội, trừ bia Lý Thường Kiệt và vài tấm bia ít ỏi khác tìm được ở rất xa ngoài Thăng Long. "Lịch sử Lý - Trần rực rỡ như vậy mà không còn một tấm bia nào ở thủ đô hết, chúng (nhà Minh) nhất định không để lại một vết tích nào của lịch sử. Đến nỗi, ông Hoàng Xuân Hãn phải đề nghị một hướng mới là tìm nó dưới nước, tức là khảo sát dưới hồ Tây", thiền sư Lê Mạnh Thát bức xúc. Nói thế để thấy kẻ thù thâm độc như thế nào trong mưu đồ triệt hạ văn hóa của dân tộc ta, triệt hạ tận gốc để dân ta không biết gốc tích của mình.

    Truy lại chữ viết của tổ tiên vì vậy mà trở nên thiên nan vạn nan. Nhưng không phải không có cách. Giáo sư Lê Mạnh Thát nói đầu thế kỷ trước, người Pháp đã khai quật một ngôi mộ cổ ở Bắc Ninh, phát hiện một thứ chữ viết trên gốm, "giống chữ Hán nhưng người Hán không đọc được", nghĩa là một thứ chữ viết theo kiểu Hán nhưng không phải chữ Hán, đó rất có thể là chữ Việt.

    Theo ông, chúng ta hiện có hai nguồn tư liệu cơ bản: Nguồn thứ nhất là Lục độ tập kinh cùng các dịch phẩm khác của Khương Tăng Hội là Cựu tập thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh chú giải và Tạp thí dụ kinh do một tác giả vô danh thực hiện. Ông đã khảo cứu một cách công phu tường tận ngữ âm tiếng Việt còn lưu giữ trong những tập kinh này. Chẳng hạn, để diễn tả ý niệm "trong lòng", Lục độ tập kinh có hai dạng cấu trúc. Dạng thứ nhất tập trung ở quyển 7 có 7 trường hợp dùng "tâm trung" (cấu trúc ngữ âm tiếng Trung Quốc), dạng thứ hai có 8 trường hợp rải đều trên 6 quyển dùng từ "trung tâm" (cấu trúc ngữ âm tiếng Việt). Khảo sát tiếp Kinh Thi do Khổng Tử san định, trong 305 bài thì có 15 bài dùng "trung tâm". Sau Kinh Thi là Lễ ký do ảnh hưởng của Kinh Thi có 4 lần sử dụng "trung tâm". Và trong 300 năm đầu sau dương lịch, dạng "trung tâm" hầu như không được các học giả Trung Quốc dùng tới, nếu có vài trường hợp thì đều là ở dạng trích từ Kinh Thi hoặc nhái theo Kinh Thi mà thôi. Thế mà Lục độ tập kinh, với 91 truyện, có 8 lần sử dụng cấu trúc đó, tỷ lệ gần 1/10, cao hơn nhiều so với Kinh Thi (15/305). Trong 7 lần sử dụng dạng "tâm trung", có khả năng ban đầu cũng dùng dạng "trung tâm", sau bị điều chỉnh lại, là do nó chỉ tập trung trong quyển 7, là quyển chủ yếu trình bày về thiền, chắc chắn do nhu cầu tìm hiểu về thiền nên nó được lưu hành rộng rãi qua nhiều tay người đọc Trung Quốc và quá trình đó đã được nhuận sắc cho đến khi được khắc bản vào năm 927, trong khi cấu trúc dạng "trung tâm" tiếp tục tồn tại trong các quyển kia của Lục độ kinh. Trong Lục độ kinh còn có một số cấu trúc ngữ âm tương tự, ví dụ như cấu trúc "thần thọ" có nghĩa là "thần cây" chứ không phải "cây thần" như tiếng Trung Quốc...

    (còn tiếp)

    Hoàng Hải Vân


    ( Nguồn :http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/.../29/227923.tno ) - dienbatn giới thiệu .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  4. #4
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động



    Giỗ tổ Hùng Vương tại Suối Tiên (TP.HCM) - Ảnh: Khả Hòa

    "Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện trăm trứng còn đó... Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước văn hiến từ Sỹ Vương. Thật khốn nạn hết chỗ nói !" (Thiền sư Lê Mạnh Thát).


    Thiền sư nổi giận


    Ngoài việc phát hiện việc Lục độ tập kinh chữ Hán "không chấp hành" nguyên tắc ngữ âm tiếng Trung Quốc như trường hợp cấu trúc "trung tâm", trong khi dịch tập kinh này ra tiếng Việt hiện nay, giáo sư Lê Mạnh Thát còn phát hiện các trường hợp Khương Tăng Hội dùng "tá âm" hoặc dùng thuần túy tiếng Việt, chỉ phiên âm ra nó lập tức biến thành những câu tiếng Việt dễ hiểu. Ông lưu ý do Khương Tăng Hội "sinh ra, lớn lên và đào tạo thành tài ở nước ta" cho nên khi phiên dịch và trước tác dứt khoát không thể nào không chịu ảnh hưởng của tiếng Việt trên cả ba mặt ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp, song Khương Tăng Hội lại là người sử dụng tiếng Trung Quốc tới mức "nhuần nhuyễn của một diệu thủ" thì lẽ ra những ảnh hưởng đó phải bị hạn chế tối đa, thế thì tại sao Lục độ tập kinh tồn tại nặng nề và sâu đậm đến vậy những "tàn dư" của ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp tiếng Việt ? Chỉ có thể giải thích là tập kinh đó đã được dịch ra chữ Hán bằng một nguyên bản tiếng Việt.

    Tôi hỏi giáo sư Lê Mạnh Thát: "Khi đối chiếu cấu trúc "trung tâm" trong Lục độ tập kinh chữ Hán với ngôn ngữ của Trung Quốc, thầy viết rằng, "kiểm soát toàn bộ văn liệu" tiếng Trung Quốc (do người Trung Quốc viết) từ đầu thế kỷ thứ I sau dương lịch trở về sau cho đến thế kỷ thứ III, trong khoảng thời gian 300 năm, cấu trúc "trung tâm" chỉ được dùng đúng 3 lần, trong khi cấu trúc này được dùng phổ biến trong Lục độ tập kinh. Nói như vậy có nghĩa là để đối chiếu chỉ hai chữ "trung tâm", thầy đã phải đọc hết tất cả của Trung Quốc trong 3 thế kỷ?". Ông bảo: "Đúng vậy. Không đọc hết thì làm sao mà khảo sát, đối chiếu được!". Liên quan đến tiếng Việt trong Lục độ tập kinh, ông còn chỉ ra một nguồn tài liệu quan trọng thứ hai. Đó là sách Thuyết Uyển của Lưu Hướng, tồn tại từ năm 16 trước dương lịch mà "không có nhà nho nào là không biết". Đây là bộ sách duy nhất chép lại nguyên văn một tác phẩm văn học khác với tiếng Trung Quốc, đó là bài Việt ca. Thuyết Uyển không phải là một cuốn sách thường, nó là cuốn sách được viết để "dâng vua", cho nên tài liệu được nó sử dụng phải là những tài liệu được kiểm chứng, trong đó có tài liệu lấy từ "Trung thư", tức là một loại thư viện của hoàng gia. Điểm hết sức thú vị của bài Việt ca chép trong Thuyết Uyển là nó "ghi bằng chữ Hán mà người Hán không đọc được", phải "dịch ra tiếng Sở", tức là kèm theo một bản dịch tiếng Trung Quốc. Dù Lưu Hướng nói rõ đó là bài ca "do người Việt ôm mái chèo mà ca", nhưng hơn hai ngàn năm nay chưa một ai nghiên cứu giải mã bài ca này, ngoài sự cố gắng tìm hiểu của Quách Mạt Nhược (từng là Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc) cho rằng bài ca này là của người Choang vùng Quảng Tây Trung Quốc ngày nay, và một học giả người Nhật cho bài ca đó là của... Chiêm Thành. Giáo sư Lê Mạnh Thát đã dành nhiều thời gian, thông qua nhiều tài liệu để giải mã và bước đầu phục chế diện mạo tiếng Việt của bài Việt ca này (xem Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguồn của dân tộc ta, chương IV, sđd, và Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TP.HCM, trang 41-47).

    Như đã nói, mỗi lần tràn sang là mỗi lần kẻ xâm lược hủy diệt một cách tàn độc tất cả những gì có thể để cho văn hóa được lưu truyền, đặc biệt là việc tận diệt bia đá một cách có hệ thống sau khi "thu gom" hết sách vở, nhưng với những gì còn lưu lại của bốn ngàn năm văn hiến và những nỗ lực mới nhất của những nhà khoa học đầy tâm huyết và trách nhiệm với tổ tiên như Lê Mạnh Thát, chúng ta có cơ sở để khẳng định chắc chắn là chúng ta đã có chữ viết từ thuở các vua Hùng. Kẻ xâm lược quyết không cho người Việt biết đến "mặt chữ" của tổ tiên, nhưng dấu tích nó vẫn còn đó: trong kinh Phật, trong chính sách vở của Trung Quốc và còn lẩn khuất ở đâu đó nữa. Cùng với việc khảo sát trong lòng đất và "dưới nước" như hướng mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề nghị, hướng nghiên cứu của giáo sư Lê Mạnh Thát rất cần được sự đồng hành, phối hợp của nhiều nhà sử học khác.

    Tôi hỏi ông: "Thầy nghĩ gì về ý kiến cho rằng có thể tìm vết tích chữ viết thời Hùng Vương trên mặt trống đồng?". Ông nói: "Có giả thiết như vậy, nhưng khảo sát những hoa văn trên trống đồng chúng ta không thấy chúng có liên quan đến chữ viết, vì chữ viết phải có quy luật về cấu trúc của nó. Suy đoán từ những giả định không có cơ sở sẽ khó có sức thuyết phục". Việc nghiên cứu ngôn ngữ cổ, nhất là ngữ âm cổ rất phức tạp. Chẳng hạn người Trung Quốc cũng như người Việt 2.000 năm trước phát âm như thế nào ngày nay chúng ta không biết được, để nghiên cứu nó giáo sư Lê Mạnh Thát đã phải dùng hệ phát âm tiếng Trung Quốc thời Hán của Karlgren, là công cụ mà các nhà Hán học đều thống nhất, rồi đối chiếu với những tài liệu đánh dấu sự biến đổi ngôn ngữ để truy lùi về thời điểm nghiên cứu, và cũng bằng phương pháp tương tự, ông đối chiếu những mối liên hệ giữa tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và các loại ngôn ngữ khác trong vùng (chữ Phạn, Chăm, Khmer, tiếng nói các dân tộc Trung Quốc giáp giới với Việt Nam...) để phác thảo diện mạo tiếng Việt của bài Việt ca, bác bỏ kết luận sai trái của Quách Mạt Nhược và học giả người Nhật nói trên... (bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn, xin xem các sách đã dẫn).



    Thiền sư Lê Mạnh Thát - Ảnh: Ngọc Hải

    Tiếp theo và cùng với chữ viết là lịch pháp. Lâu nay chưa ai biết dân tộc ta thời đại Hùng Vương sắp xếp ngày tháng như thế nào. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng đoán: "Văn hóa Trống đồng của nước Văn Lang chắc đã dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt 29-30 ngày cũng không hẳn là vô lý" (Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học xã hội, Paris, 1982, trích từ Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, NXB Tổng hợp TP.HCM 2006, trang 71). Nay những phát hiện trong Lục độ tập kinh cho phép khẳng định được lời đoán của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Những câu chuyện ghi trong tập kinh này cho thấy, nước ta thời Hùng Vương đã dùng hệ thống lịch chia năm ra 360 ngày, phân bổ thành 4 mùa, mỗi mùa có 3 tháng và đã dùng đơn vị tuần, mỗi tuần 7 ngày. Đối chiếu với những tài liệu cổ Trung Quốc thì thấy hệ thống lịch nước ta khác với lịch Trung Quốc cùng thời, vì lịch Trung Quốc thời đó mỗi năm 366 ngày và một đơn vị tuần của họ có tới 10 ngày. Nó cũng không giống Ấn Độ, vì tuần của Ấn Độ thời đó có 15 ngày. Phát hiện này cho phép kết luận nước ta thời Hùng Vương đã có lịch pháp riêng của một nhà nước độc lập. Giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng, để bảo lưu được một hệ thống lịch pháp như thế, các câu chuyện trong Lục độ tập kinh chắc chắn phải được lưu truyền "vào thời hệ thống lịch đó còn hiệu lực", tức là từ năm 43 trở về trước, bởi vì sau năm đó nhà Hán đã chiếm nước ta, một sự bảo lưu như thế dứt khoát không thể nào xảy ra dưới bộ máy đàn áp của Mã Viện...

    Những kết luận của giáo sư Lê Mạnh Thát có thể và cần được các nhà sử học tiếp tục bổ sung, nhưng không có gì thái quá khi nói rằng với phát hiện đó trên nền tảng những thành quả quan trọng trong cuộc nghiên cứu lớn về thời Hùng Vương trong thời gian chống Mỹ, chúng ta có thể và phải dựng lại lịch sử thời đại Hùng Vương với những sự thật của nó. Nó một lần nữa chứng minh việc Nhà nước ta lấy ngày giỗ tổ Hùng Vương làm Quốc Giỗ là vô cùng đúng đắn.

    Là nhà tu hành nhưng thiền sư Lê Mạnh Thát đã không kìm nén tức giận khi thấy người ta "thóa mạ làm nhục tổ tiên mình với kiểu ăn nói của Ngô Sỹ Liên: Nước ta hiểu thi, thơ, tập Lễ Nhạc thành ra nước văn hiến, bắt đầu từ Sỹ Vương. Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện trăm trứng còn đó... Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước văn hiến từ Sỹ Vương. Thật khốn nạn hết chỗ nói!". Sự nổi giận của vị thiền sư này rất cần được sự hưởng ứng của tất cả những ai còn coi mình là con cháu Lạc Hồng...

    (còn tiếp)

    Hoàng Hải Vân


    ( Nguồn : http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/3/3/228408.tno ) - dienbatn giới thiệu .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  5. #5
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động



    Thiền sư Lê Mạnh Thát - Ảnh: Ngọc Hải

    Không có cái gọi là thời kỳ "Bắc thuộc lần thứ nhất". Việc lập 9 quận, trong đó có Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam thuộc Hán chỉ là sự "đoạt khống" đất đai nhằm thỏa mãn não trạng và ao ước bành trướng của nhà Hán mà thôi.


    Nhà Hán "đoạt khống" đất đai nước ta


    - Nếu nước ta thời Hùng Vương vẫn là một nước độc lập kéo dài cho đến năm 43, nghĩa là giai đoạn “Bắc thuộc lần thứ nhất” không tồn tại? - Tôi hỏi giáo sư Lê Mạnh Thát.

    - Đúng vậy. Phải loại phần đó ra khỏi lịch sử. Chúng ta có đủ chứng cứ để làm như vậy.

    - Nhưng sử sách vẫn còn ghi: năm 214 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng đem quân đánh lấy đất Bách Việt, sau đó chia làm ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận mà Tượng Quận là nước ta?

    - Nam Hải, Quế Lâm ngày nay nằm trong hai tỉnh Quảng Đông và Quý Châu Trung Quốc thì đã rõ rồi, nhưng Tượng Quận thì không phải. Một số tài liệu Trung Quốc có chép một cách lầm lạc rằng nó là Nhật Nam (nước ta) sau này, nhưng đối chiếu với những tài liệu tin cậy cũng của chính Trung Quốc, từ rất sớm người ta đã biết Tượng Quận nằm giữa hai quận Uất Lâm và Tường Kha của Trung Quốc chứ không phải nước ta.

    - Sử Trung Quốc cũng ghi rõ, năm 111 trước công nguyên, Hán Vũ đế đã chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà và đặt 9 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai và Đàm Nhĩ thuộc Hán. Nếu cho đến năm 43 nước ta vẫn độc lập thì giải thích làm sao việc nước ta gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam nằm trong đất nhà Hán trước đó?

    - Đối chiếu với chính sử Trung Quốc ta đã thấy Triệu Đà chưa bao giờ chiếm Tây Âu lạc cả và Hán Vũ đế cũng chỉ chiếm Nam Việt của Triệu Đà. Rõ ràng là họ đã gom Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam vào đất Hán một cách vô căn cứ. Việc này không có gì lạ, sử Trung Quốc còn chép rằng năm 202 (trước CN) Hán Cao tổ Lưu Bang, ông cố của Hán Vũ đế lấy các đất Tượng Quận, Quế Lâm, Nam Hải của Triệu Đà phong cho Ngô Nhuế, nhưng ba nơi đó là của Triệu Đà. "Đà chưa hàng, xa đoạt khống, lấy phong cho Nhuế vậy". Đất chưa lấy được mà "đoạt khống" làm đất của mình, chuyện đó là bình thường, không chỉ Lưu Bang mà trở thành thói quen cho các triều đại về sau này nữa... Bởi vậy việc "đoạt khống" ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam của ta không có gì lạ. Việc "đoạt khống" này có ba chứng cứ: Thứ nhất, Tiền Hán thơ ghi rõ rằng Thứ sử Giao Chỉ "đóng ở Thương Ngô", nghĩa là quân Hán chưa bao giờ đặt chân tới Giao Chỉ. Thứ hai, sử liệu Trung Quốc cũng cho thấy, việc đưa những người phạm tội đi đày thời đó chỉ đưa tới Hợp Phố chứ không hề thấy đưa đi xa hơn, tuy chưa phải là chứng cứ quyết định, nhưng cũng biểu thị rằng biên cương cực nam của nhà Hán chưa qua khỏi Hợp Phố, là vùng giáp giới với nước ta. Chứng cứ thứ ba là việc sử liệu Trung Quốc ghi "Phiên Ngung là một đô hội", đây là chi tiết khá khác thường, bởi Tiền Hán thơ đưa ra con số thống kê nhân khẩu cho thấy quận Nam Hải có 6 huyện chỉ vỏn vẹn có 94.253 dân, bình quân mỗi huyện, trong đó có Phiên Ngung, có trên dưới 15 ngàn dân, trong khi số dân Giao Chỉ 10 huyện số dân lên tới 764.237 người, bình quân mỗi huyện trên 75 ngàn dân, gần bằng số dân của cả Nam Hải. Đó là chưa kể Cửu Chân và Nhật Nam, dân số cộng lại cũng có trên 200.000 người. Thế mà lại nói "Phiên Ngung là một đô hội". Điều không hợp lý này chỉ có thể được giải thích là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam trong thực tế không thuộc đất Hán. Có thể hỏi tại sao ba quận này không phải của nhà Hán mà nhà Hán lại có số liệu về "hộ khẩu", câu trả lời cũng thật đơn giản: Đọc trong Tiền Hán thơ, ta có thể bắt gặp một loạt tên các quốc gia độc lập ở Trung Á, chưa bao giờ "thuộc Hán", nhưng vẫn có số liệu hộ khẩu như thường. Cho nên, nhà Hán có số liệu về hộ khẩu không nhất thiết nó thuộc nhà Hán.
    Dù là Âu Lạc, Tây Âu, Tây Âu Lạc, Tây Vu, Việt Thường Thị hay Giao Chỉ - Cửu Chân - Nhật Nam, cũng đều là những tên gọi khác nhau của nước ta. Cần biết, các triều đại phong kiến Trung Quốc không bao giờ muốn nước ta độc lập cả, ngay cả khi nước ta có quốc hiệu đàng hoàng như Vạn Xuân (Lý Nam Đế), Đại Cồ Việt (Đinh Tiên Hoàng) hay Đại Việt (Lý-Trần), sử sách Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng những cái tên Giao Chỉ, An Nam để gọi một cách tùy tiện. Việc "đoạt khống" đất đai, theo giáo sư Lê Mạnh Thát, là "nhằm thỏa mãn não trạng và ao ước bành trướng" của họ.

    Trao đổi với chúng tôi, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng chỉ riêng văn minh trống đồng thôi mà chúng ta đã có chứng cứ rành rành. Với một nền khoa học kỹ thuật phát triển rất cao thời đó như vậy, một nền kỹ thuật không ai có thể chối cãi, thì không có lý gì mà chúng ta lại không có một nền văn hóa - giáo dục tương ứng.

    Nền văn hóa đó vẫn được bảo tồn. Trung Quốc có Thi Thơ Lễ Nhạc. "Nếu nói Thi chúng ta có cùng chùm truyện trong Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh và bài Việt ca. Nếu nói Thơ chúng ta có truyền thuyết trăm trứng. Nếu nói Lễ chúng ta có bộ Việt luật. Nếu nói Nhạc ta không chỉ có bài Việt ca mà còn có trống đồng...". Nói thêm về văn học, ông cho rằng "nền văn học thành văn của dân tộc ta không phải bắt đầu từ Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi, hay Khuông Việt và Từ Đạo Hạnh... mà nó đã bắt đầu từ thời Hùng Vương mà bằng chứng còn lại là bài Việt ca, cụm chuyện thần thoại và cổ tích đầu tiên tìm thấy trong Lục độ tập kinh. Phân tích trong Lục độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát chỉ ra 5 truyện trong tập kinh này tương đương với 5 truyện cổ tích do Nguyễn Đổng Chi tập hợp trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, như vậy "chúng ta không còn bàn cãi một cách tùy tiện không có cơ sở về nền văn học "dân gian" chung chung phi thời gian, phi lịch sử".

    Như vậy là từ thời Hùng Vương chúng ta đã có một nền văn hóa riêng, tạo nên bản lĩnh dân tộc. Đó là nền tảng cho những cuộc đấu tranh trường kỳ, khốc liệt bảo vệ đất nước, bảo vệ nòi giống. Dân tộc ta không những không bị đồng hóa, mà nền văn hóa của dân tộc ta còn được du nhập vào văn hóa Trung Quốc mà Lục độ tập kinh - không chỉ là kinh Phật mà còn là tác phẩm của "bậc thánh hiền" như chính người Trung Quốc gọi - là một trong những ví dụ.

    Nhưng không chỉ có vậy. Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, từ sau khi Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng cho đến khi Chu Phù, Sỹ Nhiếp cai trị nước ta, lịch sử cũng có nhiều vấn đề cần đặt lại. Và trong thời gian này xuất hiện một nhân vật lớn là Mâu Tử, một người Việt Nam, với tác phẩm nổi tiếng Lý hoặc Luận được lưu truyền trong nền văn hóa điển chương Trung Quốc, một bằng chứng hùng hồn về sự nổi trội của văn hóa Việt Nam... (còn tiếp)

    H.H.V


    ( Nguồn : http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/3/4/228612.tno ) - dienbatn giới thiệu .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  6. #6
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động



    Thiền sư Lê Mạnh Thát - Ảnh: Ngọc Hải

    "Giả như người nước ta không ghi lại những sự việc của Lê Hoàn (hoàng đế Đại Hành) và chúng ta phải nghiên cứu qua tư liệu của người Trung Quốc, thì một đoán án đương nhiên phải xảy ra, đó là Lê Hoàn không xưng đế xưng vương hay đặt quốc hiệu lập xã tắc gì hết, ngược lại chỉ là một tiết độ sứ, một quan chức của nhà Tống" (thiền sư Lê Mạnh Thát).

    Sỹ Nhiếp là ai?


    Có thể có ai đó trong giới sử học "ý kiến ra ý kiến vào" về những phát hiện của giáo sư Lê Mạnh Thát mà chúng tôi đang giới thiệu một phần hết sức tóm lược. Mong rằng những người quan tâm có thể tìm đọc các công trình của ông để trao đổi học thuật. Chúng tôi xin lưu ý, những gì mà chúng tôi giới thiệu ở đây, giáo sư Lê Mạnh Thát đã công bố từ cách đây trên dưới 40 năm, nay được in lại trong hai bộ Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam (tập 1) và Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập 1), đều do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành năm 2006, ngoài sách Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta mà chúng tôi đã dẫn. Trong những công trình này, mỗi một vấn đề đưa ra ông đều dẫn kèm theo tất cả các tài liệu có liên quan bằng những ngôn ngữ gốc. Những tài liệu đó được ông giới thiệu cụ thể, chỉ rõ số trang, số tờ, nơi ấn hành hoặc lưu trữ, nếu ai nghi ngờ thì có thể tra tận gốc, bằng tiếng Việt, chữ Hán cổ và chữ Trung Quốc hiện nay, cùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, chữ Phạn cổ...

    Ông dẫn việc nhà Tống với Lê Hoàn như trên để nói rằng những sử liệu từ Trung Quốc là "không hoàn toàn đáng tin cậy", ví dụ như chính sử Trung Quốc ghi nhiều thứ sử Giao Châu (nước ta) nhưng thực tế những người đó chỉ được "phong khống" chứ chưa bao giờ bước chân qua nước ta. Việc nghiên cứu lịch sử nước nhà phải sử dụng tất cả những tài liệu của tổ tiên ta để lại, rồi đối chiếu với chính sử Trung Quốc để thẩm định, xác minh tìm ra sự thật. Cho nên, mỗi một cuộc truy tìm, mỗi một phát hiện được tài liệu của tổ tiên đều khiến cho lịch sử nước nhà trở nên sáng rõ.

    Ông bảo nói "một ngàn năm đô hộ giặc Tàu" như lời bài hát của Trịnh Công Sơn là cách nói đau buồn mà không chính xác. Cuộc đấu tranh của dân tộc ta từ sau khi cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng thất bại chưa bao giờ ngưng nghỉ. Bởi chưa đầy 60 năm sau, cuộc khởi nghĩa Tượng Lâm lần thứ nhất đã nổ ra vào năm 100, dẫn tới việc người anh hùng Khu Liên lập khu tự do vào năm 138, làm hậu phương cho các cuộc khởi nghĩa về sau, cho đến thời Chu Phù, Sỹ Nhiếp. Thực chất trong hơn 150 năm bị các thái thú Trung Quốc đến đô hộ, chúng ta "mất nước chứ không mất hạnh", nghĩa là dân tộc vẫn còn, nền văn hóa dân tộc được xây dựng từ thời Hùng Vương vẫn được bảo tồn và phát triển. Sự quật cường của dân tộc chính người Trung Quốc cũng phải thừa nhận: "Trưởng lại đặt ra, tuy có cũng như không".

    Có một nhân vật lạ lùng trong lịch sử nước ta, đó là Sỹ Nhiếp. Cả sử Trung Quốc và sử ta đều nói ông là thái thú Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Tuy là một "thái thú" đến cai trị, nhưng các sử gia Việt Nam đều dành những lời lẽ mến mộ khi nói về Sỹ Nhiếp. Lê Văn Hưu viết: "Sỹ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến thịnh một thời". Ngô Sỹ Liên cũng vậy. Trần Trọng Kim thì viết: "Sỹ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm mộ công đức, mới gọi tên là Sỹ Vương". Khi nhân dân gọi Sỹ Nhiếp là "Sỹ Vương", tức là vua của mình, còn có lý do nào nữa không?

    Phần trước chúng tôi có nêu sự "nổi giận" của giáo sư Lê Mạnh Thát khi trích lời Ngô Sỹ Liên "Nước ta hiểu thi thơ, tập Lễ Nhạc thành ra nước văn hiến, bắt đầu từ Sỹ Vương", cần nói rõ là ông bất bình với việc cho rằng nước ta hiểu thi thơ, tập Lễ Nhạc mới thành ra nước văn hiến, chứ hoàn toàn không xem thường Sỹ Nhiếp. Cũng như Trần Trọng Kim viết: "Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sỹ Nhiếp. Cái ý kiến ấy có lẽ không phải" (Việt Nam sử lược).

    Đưa ra nhiều tài liệu dẫn chứng, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng, trong thực tế chính quyền Sỹ Nhiếp (từ 187), cũng như trước đó là Chu Phù (khoảng 180), là "chính quyền Việt Nam độc lập". Sử Trung Quốc chép rõ Chu Phù "vứt điển huấn tiền thánh, bỏ pháp luật Hán gia". Còn đối với Sỹ Nhiếp, sử Trung Quốc (Ngô chí) viết rằng: "(Sỹ Nhiếp) tổ tiên vốn người Mấn Dương nước Lỗ, đến loạn Vương Mãng tỵ nạn Giao Châu, tới Nhiếp là sáu đời". Ông cho rằng một người có tổ tiên 6 đời ở Việt Nam thì đã "Việt Nam hóa", trở thành người Việt Nam rồi. Cũng theo Ngô chí: "Sỹ phủ quân (Sỹ Nhiếp) của Giao Chỉ học vấn đã ưu bác, lại thành công về chính trị, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận hơn 20 năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, những bọn lệ thuộc đều được nhờ ân"; "Anh em Nhiếp đều là người hùng các quận, làm tướng một châu, riêng ở vạn lý, uy tôn vô thượng. Ra vào đánh chuông khánh, đầy đủ uy nghi, kèn sáo cổ xuy, xe ngựa đầy đường. Người Hồ theo sát đốt hương, thường có mấy mươi. Thê thiếp đi xe màn, tử đệ theo lính kỵ. Đương thời quý trọng, chấn phục trăm mọi. Úy Đà cũng không đủ hơn". Từ tài liệu trên, theo giáo sư Lê Mạnh Thát: "Sỹ Nhiếp dẫu được đào tạo trong khuôn mẫu Trung Quốc, đã có những hành vi xa lạ với phong tục tập quán Trung Quốc. Nói rõ ra, ông đã được Việt hóa. Việc Ngô chí so sánh Sỹ Nhiếp với Triệu Đà cho thấy nền cai trị nước ta thời bấy giờ độc lập tới mức nào. Thực tế có thể nói chính quyền độc lập đầu tiên sau chính quyền Hai Bà Trưng là chính quyền Chu Phù - Sỹ Nhiếp". Theo ông, dưới thời Sỹ Nhiếp, nước ta đã có một nền nông nghiệp rất phát triển. "Lúa Giao Chỉ mùa hè chín, nông dân một năm trồng hai lần" (theo Kinh Dương dĩ nam dị vật chí). "Một năm tám lứa kén tằm đến từ Nhật Nam" (Văn tuyển 5 tờ 9b4). "Nhiếp mỗi khi sai sứ đến Quyền đều dâng tạp hương, vải mỏng thường tới số ngàn. Món quý minh châu, sò lớn, lưu ly, lông thú, đồi mồi, sừng tê, ngà voi, các thứ vật lạ quả kỳ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không đưa đến" (Ngô chí 4 tờ 8b1-3 nói về những cống vật mà Sỹ Nhiếp gửi đến Tôn Quyền).

    Giáo sư Lê Mạnh Thát dẫn giải tiếp: Sau khi Sỹ Nhiếp chết (226), lúc ấy Tôn Quyền đã chiếm cứ phía Nam Trung Quốc để tranh hùng với Tào Tháo và Lưu Bị, nên nhân cái chết của Sỹ Nhiếp tiến hành thôn tính nước ta, lúc đó "là một nước độc lập dựa trên điển huấn và pháp luật của người Việt". Con Sỹ Nhiếp là Sỹ Huy nối nghiệp cha, chống lại Tôn Quyền, tuy nhiên do mất cảnh giác, nên đã thất bại, Sỹ Huy bị bắt và bị giết, Tôn Quyền chiếm nước ta. Nhưng do bị chống đối quyết liệt, nền cai trị của Tôn Quyền không bền vững và không lâu dài, vì chỉ 18 năm sau, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) cùng anh là Triệu Quốc Đạt nổi lên khởi nghĩa giành lại chính quyền.

    Về sự kiện Bà Triệu khởi nghĩa, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng đây là cuộc "khởi nghĩa thành công". Ông viết: "Tôn Quyền sai Lục Dận làm An nam hiệu úy và thương thảo với quân khởi nghĩa bằng ấn tín và tiền của. Đây là lối đánh dẹp khá lạ kỳ, hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc đối với nước ta. Và cuối cùng Lục Dận cũng có thể báo cáo là đã "dẹp yên được giặc Giao Chỉ" và được phong làm thứ sử Giao Châu. Nhưng châu trị của Giao Châu lần này không phải ở nước ta, mà phải ở Quảng Châu, vì nó ngó ra biển (lâm hải), như bài biểu của Hoa Thạch trong Ngô chí tờ 10b3 đã ghi nhận. Nói cách khác, nước ta từ năm 248 tiếp tục là một nước độc lập và Bà Triệu tiếp tục đứng đầu đất nước, cho đến khi Tôn Hựu sai Đặng Tuân (Ngụy chí 4 tờ 27a3 viết là Đặng Cú) đến Giao Chỉ vào năm 257, ra lịnh cho thái thú Giao Chỉ bắt dân đưa lên Kiến Nghiệp làm lính. Và như Thiên Nam ngữ lục đã ghi nhận là Bà Triệu đã bị tử trận trong một cuộc chiến đấu với chính Đặng Tuân sau khi đã tiêu diệt Lục Dận (...). Những mô tả này (trong Thiên Nam ngữ lục) hoàn toàn phù hợp với tư liệu của Ngụy chí 4 tờ 27a2-27b5, đặc biệt là tờ chiếu năm Hàm Hi thứ nhất (264) của Tào Hoán..." (Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, trang 385-386)...

    (còn tiếp)

    Hoàng Hải Vân


    ( Nguồn : http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/3/5/228773.tno ) - dienbatn giới thiệu .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  7. #7
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động



    Giáo sư Lê Mạnh Thát - Ảnh: N.Hải

    Mỗi một di sản của tổ tiên đều phải được truy tìm, cũng như mỗi một tấc đất của tổ tiên đều phải được gìn giữ.

    Một minh chứng văn hóa


    Những phát hiện nói trên của giáo sư Lê Mạnh Thát cho phép dựng lại lịch sử dân tộc trong thời kỳ nước nhà không có sử liệu, sử sách được viết chủ yếu căn cứ theo các tài liệu của Trung Quốc. Việc khẳng định chủ quyền của dân tộc thời trước Hai Bà Trưng, thời Sỹ Nhiếp và sau đó nữa là có cơ sở. Những phát hiện về văn hóa, bắt đầu từ Khương Tăng Hội với Lục độ tập kinh và Mâu Tử với Lý hoặc Luận, đặc biệt là sự kiện 6 lá thư đề cập dưới đây càng minh chứng cho điều đó.

    Lý hoặc Luận của Mâu Tử là một tác phẩm nổi tiếng, được viết vào cuối thế kỷ thứ II (198) và được lưu hành tại Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ thứ V, có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Nó còn là "sách gối đầu giường" của người Phật tử Viễn Đông, cụ thể là Trung Quốc và Nhật Bản. Đến nửa đầu thế kỷ XX, một loạt những nghiên cứu của các học giả Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp được công bố về tác phẩm này, gây nên một cuộc tranh biện sôi nổi và hào hứng, bắt đầu từ công trình của Lương Khải Siêu, tiếp đó là của H.Maspéro, Tokiwa Daijo, P.Pelliot, Chu Thúc Ca, Hồ Thích, Matsumoto Bunzaro, Dư Gia Tích và Fukui Kojun (dẫn theo Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1). Ở Việt Nam, nó cũng được coi là cuốn sách lý luận được quan tâm từ hơn 1.000 năm trước, đặc biệt từ năm 1932 khi Trần Văn Giáp giới thiệu Mâu Tử là "người đầu tiên truyền bá đạo Phật ở Việt Nam", cuốn sách đó được sự quan tâm rộng rãi của giới học giả và nhiều người dân. Trong khi nghiên cứu Lục độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát đã phát hiện những mối liên hệ thú vị và trên cơ sở một cuộc khảo sát hết sức công phu, ông đã tìm ra bằng chứng khẳng định Mâu Tử là người Việt Nam và Lý hoặc Luận chính là tác phẩm của Việt Nam truyền sang Trung Quốc. Công trình nghiên cứu này của ông đã được công bố một phần trước năm 1975 và công bố toàn bộ sau này (xem Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1).

    Theo giáo sư Lê Mạnh Thát: "Trong bối cảnh văn hóa thời Mâu Tử, Lý hoặc Luận không phải viết để xiển dương Phật giáo, mà là một cuộc tổng kết cuộc đấu tranh về văn hóa, giữa văn hóa Việt Nam đối với văn hóa phương Bắc". Phải có một bề dày văn hóa như thế nào mới có thể có được một bản lĩnh văn hóa như vậy. Một bên thì áp đặt Thi Thư như chân lý, Trung Hoa là trung tâm, một bên Mâu Tử đáp trả "Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất", "năm kinh chưa hẳn là lời của thánh hiền". Tiếp cận tác phẩm của Mâu Tử, chúng ta còn thấy dân tộc ta đã bảo tồn văn hóa của mình như thế nào, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo để phát triển nền văn hóa của mình như thế nào và truyền bá văn hóa của mình ra nước ngoài ra sao.

    Sáu lá thư và một vị vua

    Một phát hiện cực kỳ quan trọng khác của giáo sư Lê Mạnh Thát là 6 lá thư nằm trong Đại tạng kinh chữ Hán. Đó là 6 lá thư trao đổi giữa hai pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh với một "sứ quân" của Giao Châu tên là Lý Miễu. Trước khi ông công bố 6 lá thư này, chưa có một tài liệu nào đề cập tới. Từ điểm gây tò mò đầu tiên trong 6 lá thư là địa danh "Giao Châu", ông đã tiến hành một cuộc truy tìm ngoạn mục. Trước hết là tìm nguồn gốc Việt Nam về mặt điển cố lịch sử, tìm nguồn gốc Việt Nam về mặt điển cố thư tịch, kế đó là tìm niên đại và tung tích tác giả 6 bức thư.

    Khó khăn nhất là tìm ra tác giả của chúng. Ông bảo tung tích của những người mang tên Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu ngày nay chúng ta không biết một tí gì hết.

    Ông "kiểm soát toàn bộ" những tư liệu lịch sử Trung Quốc và Phật giáo Trung Quốc, cũng như tư liệu lịch sử Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, cũng không tìm thấy những người có các cái tên ấy. Ông lục tìm trong Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Ngụy thư, Bắc sử, Nam sử và Tư trị thông giám sử cũng như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án và Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng không gặp một "sứ quân" (hoặc chức vụ tương đương) nào với cái tên Lý Miễu; lục tìm trong Cao tăng truyện và Tục cao tăng truyện cũng như Thiền Uyển tập anh, cũng không tìm thấy một pháp sư nào có tên Đạo Cao hay Pháp Minh. Chỉ duy nhất trong Toàn Tấn văn 157 tờ 15a12-2 có liệt ra tên một Thích Đạo Cao, nhưng kiểm tra bản mục lục của văn liệu này cũng như xuất xứ của tên ấy dẫn từ Cao tăng truyện 5 tờ 255b15-17 thì thấy là Thích Đạo Tung chứ không phải Đạo Cao, sự khác nhau đó là do Toàn Tấn văn khắc nhầm.

    Ông mở rộng việc truy tìm sang các tài liệu Nhật Bản và Triều Tiên. Trong khi khảo sát toàn bộ tài liệu liên quan của Nhật, ông đọc kỹ lại Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục (là sách được Vũ Điền thiên hoàng cho viết nhằm ghi lại tất cả những bộ sách Trung Quốc còn sót lại trong Thư viện hoàng gia sau vụ cháy năm 887), tìm thấy một dữ kiện lôi cuốn. Dưới mục thứ mười mang tên Tiểu học gia, liệt ra một bộ sách nhan đề "Tá âm, một quyển, Thích Đạo Cao soạn" và dưới mục Biệt tập lại ghi "Đạo Cao pháp sư tập, một quyển". Vấn đề là Đạo Cao tác giả của hai cuốn sách Tá âm và Đạo Cao pháp sư tập này có phải là Đạo Cao pháp sư trong 6 lá thư hay không? Đối chiếu thì thấy hai tác phẩm này chắc chắn không phải do người Nhật biên soạn mà phải là từ Trung Quốc mang về, vì khảo sát toàn thể tài liệu Phật giáo Nhật Bản ông không thấy tăng sĩ Nhật Bản nào mang tên Đạo Cao cả. Vấn đề là họ mang về Nhật từ lúc nào. Một cuộc kiểm soát tiếp vẫn không cho biết một tí gì cả, chỉ biết chắc chắn là nó phải được mang về trước năm 887 để có thể ghi vào bản thư mục nói trên. Ông cũng kiểm soát những bản thư tịch liệt kê những tư liệu liên quan tàng trữ ở các nước Anh, Pháp, Liên Xô, cũng không tìm thấy gì hết.

    Tuy nhiên, ở đây xuất hiện một vấn đề mới. Trước hết về cuốn Tá âm. Nó được liệt vào loại Tiểu học gia, mà căn cứ vào định nghĩa của Tùy thư kinh tịch chí, nó là loại sách ngôn ngữ. Cần nói thêm, một chú giải trong tài liệu Nhật Bản còn ghi "Kinh tịch chí của Tùy thư có ghi Tá âm tự một quyển, nhưng không ghi họ tên người viết". Ghi chú này đã được xác nhận từ tài liệu Trung Quốc và từ dẫn giải của các tài liệu Trung Quốc cũng như Nhật Bản, có thể coi Tá âm tự là một tác phẩm khác nữa của Thích Đạo Cao. Như vậy là ít nhất Thích Đạo Cao cũng có 3 tác phẩm được nhắc đến. Vấn đề đặt ra là tại sao những tác phẩm đó được Nhật Bản đem về từ Trung Quốc mà Trung Quốc lại không ghi một cách đàng hoàng trong các tài liệu chính thống của mình, mà chỉ ghi một cách sơ sài khuyết danh trong Tùy thư? Tiếp tục nghiên cứu và đối chiếu, ông xác định rằng sở dĩ như vậy là vì những sách đó chắc chắn không phải tiếng Trung Quốc mà là tiếng nước ngoài.

    Những khảo sát như vậy dẫn đến kết luận, Đạo Cao chắc chắn không phải là người Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên, trong khi người mang tên đó là một trong hai tác giả các bức thư trao đổi với Lý Miễu, "sứ quân" Giao Châu. Bởi vậy Đạo Cao chắc chắn là người Việt Nam. Và từ nhân vật này, ông phát hiện một chứng cứ quan trọng khác về một cột mốc phát triển ngôn ngữ dân tộc: Tá âm là một quyển sách ngữ học về quốc âm, còn Tá âm tự là một cuốn tự điển về thứ tiếng quốc âm đó. Rất tiếc là chúng đã thất lạc, nhưng chắc chắn là có những cuốn sách đó. Ông bảo trong sưu tập Stein tàng trữ tại Bảo tàng viện Anh Quốc có một thủ bản mang ký hiệu S.5731, mô tả một tài liệu giống như vậy, nhưng vì ông "chưa có trong tay" thủ bản đó nên chưa thể khẳng định.

    Chúng tôi dẫn chứng dài dòng đoạn trên, tuy rất sơ lược, để bạn đọc phần nào thấy được cách làm việc cẩn trọng của giáo sư Lê Mạnh Thát. Những khảo sát như vậy đã được tiến hành và dễ dàng tìm ra tông tích Việt Nam của người thứ hai là Pháp Minh.

    Đối với nhân vật Lý Miễu, nội dung 6 lá thư cho thấy Lý Miễu được gọi là "sứ quân" và lời lẽ của nhị vị pháp sư trong 6 lá thư coi ông "ở địa vị của một bậc thiên tử". Đối chiếu danh sách những chức danh tương đương với "sứ quân" như "thái thú", "thứ sử" Trung Quốc cử sang thì không thấy tên Lý Miễu. Toàn bộ sử sách Trung Quốc cũng như Việt Nam đều không có tên Lý Miễu. Với một khảo sát văn liệu tương tự cùng những phân tích chính trị, xã hội đến tận ngọn nguồn, ông kết luận Lý Miễu chính là một vị vua của Việt Nam. Một nhân vật xưng vương xưng đế trên một đất nước độc lập mà Trung Quốc không với tới thì sử sách Trung Quốc không chép là không có gì lạ. Còn việc sử ta không chép cũng là đương nhiên, vì không không có sử liệu. Ông ước đoán 6 lá thư đó được viết vào những năm 435-440, nằm trong thời kỳ Nam Bắc triều (420-588) của Trung Quốc. Niên đại của Lý Miễu nằm trong khoảng 390-470, của Đạo Cao khoảng 365-455 và Pháp Minh khoảng 370-460. 6 lá thư chứa đựng những sử liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu nghệ thuật, âm nhạc, văn học, Phật giáo, chính trị và tư tưởng (bạn đọc quan tâm vấn đề này xin đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, trang 427-582).

    Xin tạm dừng loạt bài này ở đây. Thiền sư Lê Mạnh Thát đã thực hiện một loạt các công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo, về văn học, triết học... Riêng các công trình lịch sử văn học của ông được tập hợp thành Tổng tập văn học Phật giáo khoảng 50 tập (đã in 3 tập). Chúng tôi giới thiệu sơ lược một số trong rất nhiều phát hiện lịch sử của thiền sư với mong muốn những người quan tâm đến lịch sử nước nhà biết đến. Đối với các cơ quan quản lý ngành lịch sử và những nhà sử học - những người đang nghiên cứu lịch sử, chúng tôi thiết nghĩ nó có lợi chứ hoàn toàn không gây thiệt hại gì cho việc nghiên cứu, vì nghiên cứu thì cần có những tài liệu mới do chính mình hoặc do người khác phát hiện ra. Các cơ quan nghiên cứu lịch sử hoặc các nhà sử học có thể xem xét, đánh giá, tranh biện, cái gì có tài liệu chứng minh là không đúng thì nói là không đúng, cái gì cần tiếp tục làm rõ thì cùng nhau tìm tòi làm rõ, nhưng cái gì thấy có cơ sở là đúng rồi thì cần thừa nhận để đưa vào dòng chính thống. Tất cả đều nhằm mục đích tìm ra sự thật để tôn vinh dân tộc chúng ta. Mỗi một di sản của tổ tiên đều phải được truy tìm, cũng như mỗi một tấc đất của tổ tiên đều phải được gìn giữ.

    Hoàng Hải Vân


    ( Nguồn : http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/3/6/228910.tno ) - dienbatn giới thiệu .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  8. #8
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    CÁC TÁC PHẨM của THIỀN SƯ Giáo Sư Tiến Sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát



    Lịch sử Phật Giáo Việt Nam

    Toàn Tập Minh Châu Hương Hải
    Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh
    Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh
    Nghiên cứu Trần Nhân Tông
    Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam
    Giới thiệu tống quát các công trình nghiên cứu sử học của Sử gia Lê Mạnh Thát
    Prof. LÊ MẠNH THÁT Ph.D (Wisconsin)
    A BIOGRAPHICAL SKETCH
    Vice President, Vietnam Buddhist University

    750 Nguyễn Kiệm, F.4, Quận Phú Nhuận
    Ho Chi Minh City, Vietnam
    Tel: (84-8) 844 2358 – 750 2186
    Fax: (84-8) 844 3416 – 997 4447
    Email: vncphvn@vinabri.com
    Website: http://www.vinabri.org/
    Education :

    1962–1965 University of Saigon, Saigon, Vietnam (Đại Học Sư Phạm)

    Bachelor of Arts

    Majors include: Philosophy & Pedagogy

    1965–1974 University of Wisconsin, Madison, U.S.A.

    Doctor of Philosophy (Buddhist Studies Program)

    Topic: “The Philosphy of Vasubandhu”

    Teaching & Research Experience:

    1974–1975 Vạn Hạnh University Saigon, Vietnam Lecturer (Humanities)

    Subjects taught include Sanskrit, History of Indian philosophy, History of Vietnamese Buddhism

    1975–1984 Vạn Hạnh Buddhist Research Institude Tp. Hồ Chí Minh, Vietnam
    Research Fellow
    Areas of research include: Indic languages and Philosphy and History of Vietnamese Buddhism
    1998–Current Vietnam Buddhist Research Institute Tp. Hồ Chí Minh, Vietnam
    Vice Rector
    Responsibilities include: Directing research on Vietnamese of Buddhism + Indian Buddhism
    2000–Current Vietnam Buddhist University, Tp. Hồ Chí Minh, Vietnam.
    Professor and Vice President
    Subjects include Sanskrit, History of Vietnamese Buddhism, History of Indian philosophy.

    Publications (book-length):
    - Lục Độ Tập Kinh Và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Tộc Ta (Ṣaṭparamitāsamgrahasūtra and the Historical Origin of the Vietnamese People). Saigon: Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1972, pp. 368
    - Khương Tăng Hội Toàn Tập 1-2(Complete Works of Khuong Tang Hoi, Vols. 1-2 ) (? - 280). Saigon: Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1975, pp.560 & 438.
    - Thiền Uyển Tập Anh (Oustanding Figures of the Zen Garden). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1976, pp. 350.
    - Chân Nguyên Thiền Sư Tuyển Tập (Selected Works of Zen Master Chân Nguyên). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1977, pp. 280.

    - Toàn Nhật Thiền Sư Toàn Tập I-II (Complete Works of Zen Master Toàn Nhật Vol. I-II). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1978, pp. 440 & 550.
    - Sơ Thảo Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Tập 2(A) & (B) (Overview of the History of Vietnamese Buddhism, Vols 2(A) & 2(B) . Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1979, pp.320 & 310.
    - Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập I – II (Complete Works of Zen Master Chân Nguyên Vol. I – II ). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1980, pp. 450 & 646.

    - Từ Điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam Tập I & II (Encyclopaedia of Vietnamese Buddhism, Vol. 1 & 2). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1981-82, pp. 652 & 658.

    - Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập III (Complete Works of Zen Master Chân Nguyên, Vol. III). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1982, pp. 920.
    - Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh (Vietnamese Version of the Sāddharmapundarikā Sūtra). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Phật Học Vạn Hạnh, 1982, pp. 320.

    - Nghiên Cứu Về Mâu Tử (Study On Mau Tu). Tp. Hồ Chí Minh: Tu Thư Vạn Hạnh, 1982, pp. 520.

    - Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Tập I (History of Vietnamese Buddhism, Vol.1). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999, pp. 836.

    - Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh (Study On Oustanding Figures of the Zen Garden). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999, pp. 920.
    - Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (Complete Works of Minh Châu Hương Hải). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000, pp. 652.

    - Toàn Tập Trần Nhân Tông (Complete Works of Trần Nhân Tông). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000, pp. 530.

    - Luận Tập 1(Essay 1). Houston, TX: Tu thư Định Không, 200, pp.298

    - Ngữ Pháp Tiếng Phạn (Sanskrit Grammar). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000, pp. 280.

    - Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Tập II (History of Vietnamese Buddhism, Vol.2). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001, pp. 598.

    - Ngữ Pháp Tiếng Tây Tạng (Tibetan Grammar). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000, pp. 212.

    - Tổng Tập Phật Giáo Việt Nam Tập 1 & 2 (General Collection of Vietnamese Buddhist Literary Works, Vols. 1 & 2). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001, pp. 922 & 848.
    - Lịch Sử Âm Nhạc Việt Nam (History of Vietnamese Music) Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001, pp. 306.
    - Tổng Tập Phật Giáo Việt Nam Tập 3 (General Collection of Vietnamese Buddhist Literary Works, Vol. 3). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002, pp. 912.

    - Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Tập 3 (History of Vietnamese Buddhism, Vol.3). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002, pp. 600.
    - The Philosophy of Vasubandhu. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003. (Reprint of Ph.D Thesis), pp. 436.

    - Toàn Tập Trần Thái Tông (Complete Works of Trần Thái Tông). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004, pp. 646.
    - Toàn Tập Chân Đạo Chánh Thống (Complete Works of Chân Đạo Chánh Thống). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004, pp. 632.

    - Toàn Tập Toàn Nhật Quang Đài Tập 1 & 2 (Complete Works of Toàn Nhật Quang Đài, Vols. 1 & 2). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2005. (Reprint With Update), pp. 444 & 568.
    - Một Số Tư Liệu Mới Về Bồ Tát Quảng Đức (New Materials Relating to Bodhisattva Quảng Đức) Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2005, pp. 352.

    - Editor, Bồ tát Quảng Đức, ngọn lửa và trái tim, (Bodhisattva Quảng Đức, the Fire and the Heart), Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2005, pp.476.

    - Triết học Thế Thân (Vietnamese Version of The Philosophy of Vasubandhu) Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006, pp. 508.

    Publication, (Article) :
    - Thái Độ Nghệ Thuật Phật Giáo (Buddhist Attitude towards Art), Nhận Thức 4 (1964)
    - Đưa Vào Luận Lý Học Trung Quán Của Nāgārjuna (Introduction of the logic of Nagarjuna), Tư Tưởng 1 (1967) 53-83
    - Đưa Vào Việc Khảo Cứu Triết Học Vasubandhu (Introduction to the study of philosophy of Vasubandhu), Tư tưởng 2 (1968) 211-258
    - Thử bàn về một phương pháp phê bình văn học (On a method of literary criticism), Tư tưởng 2 (1971) 101-112,3 (1971) 127-134, 6 (1971), 85-106

    - Để tiến đến việc máy móc hoá công tác dịch thuật (Towards the mecanization of the translating work ), Tư tưởng 7 (1971) 55-74, 9 (1971) 37-55
    - Góp vào việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ năm (Contributing to the historical study of Vietnamese Buddhism in 5th century), Tư tưởng 1(1972) 69-88, 2 (1972) 57-80

    - Ghi chú sơ bộ về tình trạng điển tích Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ mười chín (Notes on the state of Vietnamese Buddhist bibliography in the early 19th century), Tư tưởng 3 (1972) 25-54

    - Dịch lại mấy đoạn văn trong Cương mục về tình trạng Phật gíao thời Hậu Lê (Retranslating some paragraphs in Cuong muc about the state of Buddhism under post-Le dynasty), Tư tưởng 4 (1972) 17-28
    - Phật giáo truyền vào nước ta từ lúc nào? (When did Buddhism introduce into Vietnam?) Tư tưởng 3 (1973) 145-180, 5-6 (1973) 105-126, 7 (1973) 75-92, 8-9 (1973) 171-206
    Về tác giả bài Xuân nhật tức sự (On the authorship of Xuan nhat tuc su), Tạp chí Văn học 1 (1984)

    ( Nguồn : http://www.quangduc.com ) - Thật là một công trình đồ sộ phải không các bạn . dienbatn .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  9. #9
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    PHẦN 2 :
    ĐỐI THOẠI .
    THÔNG BẠCH THAY LỜI DẪN .


    " Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam là sự sống tiếp tục của một nền văn hiến rực rỡ từ trong cổ sử . Đó là nền văn hiến bắt đầu từ gần 5000 năm trước, tính từ triều đại của các vua Hùng.
    Quan điểm này được chứng minh trên cơ sở tiêu chí khoa học là: “Một giả thuyết khoa học chỉ được coi là đúng, nếu nó giải thích
    được hầu hết những vấn đề liên quan đến nó ”. NGUYỄN VŨ TUẤN ANH "

    Thời Hùng Vương đã đi vào huyền sử, còn sót lại chăng chỉ có một số truyền thuyết được ông cha lưu truyền qua bao thăng trầm của lịch sử đến ngày nay. Hầu hết những tư liệu về thời Hùng Vương chỉ được viết lại sau khi người Việt giành được độc lập, kể từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần... tức là hàng ngàn năm sau đó. Nhưng may thay, sự phát triển của khoa học lịch sử những năm gần đây qua những di vật tìm được đã khẳng định: Thời Hùng Vương là một thời đại có thật. Nhưng những vấn đề của thời Hùng Vương vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi về thực trạng xã hội và niên đại của thời kỳ lịch sử này.
    Nhân lễ hội giỗ Tổ năm 98, báo chí vẫn còn nhắc tới hơn 4000 năm
    lịch sử và nền văn hiến của dân tộc Việt tính từ thời Hùng Vương.
    Nhưng trong một số những tác phẩm chuyên ngành thì cho rằng: Thời Hùng Vương chỉ bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ VII tr.CN và kết thúc từ năm 208 tr.CN; do đó nước Việt Nam chỉ có khoảng 2.500 năm lịch sử!

    Trong cuốn Thế thứ các triều đại vua Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Giáo Dục 1997, tr. 15) đã viết: Trái với ghi chép của chính sử cũ và các tài liệu dã sử khác, các nhà nghiên cứu cho rằng: Nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 năm và niên đại tan rã khoảng năm 208 tr.CN. Với 300 năm, con số 18 đời Hùng Vương là con số dễ chấp nhận. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà khẳng định rằng nước Văn Lang thực sự có 18 đời vua Hùng nối tiếp nhau trị vì.
    Tóm lại, nước Văn Lang là một thực thể có thật của lịch sử. Nhưng nước Văn Lang chỉ tồn tại trước sau khoảng 300 năm và con số 18 đời vua Hùng cho đến nay vẫn chỉ là con số của huyền sử.
    Về thực trạng thời Hùng Vương, nhiều người cho rằng đó là một thời kỳ chưa được văn minh lắm.
    Cụ thể hơn trên báo “Pháp luật và xã hội” số ra nhân dịp lễ Tổ Hùng Vương Mậu Dần 1998 - tác giả Anh Phó - với tựa đề “Trang phục tổ tiên ta như thế nào?” đã viết (phần in đậm do người viết thực hiện):
    “... Nói vua Hùng làm vua nước Văn Lang, nhưng kỳ thực vua Hùng không giống như những ông vua quân chủ phong kiến của thế hệ sau; nước Văn Lang cũng chưa đủ yếu tố cấu thành một quốc gia hoàn chỉnh mà lúc ấy nước Văn Lang chỉ mới là một liên minh giữa 15 bộ lạc, người đứng đầu liên minh là tù trưởng đứng đầu bộ lạc Văn Lang - một bộ lạc hùng mạnh nhất trong số 15 bộ lạc. Vị tù trưởng ấy là vua Hùng.Hình thức trang phục thời Hùng Vương ngày nay chúng ta còn có thể hình dung được qua những hình chạm khắc trên trống đồng, khạp đồng, lưỡi rìu đồng... đó là những cổ vật có niên đại từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất tr.CN đến đầu CN, tìm thấy qua các di chỉ khảo cổ ở Bắc bộ ngày nay.
    Nói chung, trang phục tổ tiên ta thời đó là cởi trần, đi đất, đóng khố, mặc váy, vật liệu chủ yếu làm bằng lông cầm thú và lá cây. Thời ấy có lẽ đã có vải nhưng còn thô sơ và chưa nhiều. Khố là một dải vải hẹp, thắt vòng quanh bụng, rổi từ đó thắt vòng xuống háng, đuôi khố phía sau để dài đến chấm mông. Hầu hết nam nữ đều ở trần, không mặc áo, cả nam lẫn nữ. Và thời đó tổ tiên ta không có trang phục ở phần chân, tất cả đều đi chân đất... chiếc mũ đội
    của tổ tiên ta “làm bằng lông vũ có thể lấy từ lông cánh, lông đuôi chim dài, cắm dài và dựng đứng thành vòng tròn theo khuôn đầu. Phía trước điểm chêm, cao vọt lên là những bông lau, có khi cao bằng cả người”.
    Như vậy, thời Hùng Vương chưa phải đã văn minh lắm, song phong tục về ăn mặc đã hình thành và ổn định. Bao nhiêu hình ảnh được chạm khắc trên cổ vật như nói trên ắt là hình ảnh phổ biến.
    Thường là hình ảnh của tầng lớp trên của xã hội lúc bấy giờ. Nó luôn luôn thể hiện tính chất gọn gàng, thích nghi với điều kiện khí hậu và lao động.
    Theo chúng tôi nghĩ, đời nay, khi con cháu tái lập lại hình ảnh tổ tiên, chúng ta cũng cần để ý đến tính khoa học của nó. Không nên để đời sau có thể hiểu lầm rằng tổ tiên người Việt là Trung Quốc, như một số ý kiến đã từng cố sức phủ nhận thời kỳ Hùng Vương, bằng cách chứng minh rằng “Hùng Vương chỉ là tên các vua nước Sở”...
    Quan niệm mới cho rằng thời Hùng Vương tồn tại khoảng 300 năm, không phải chỉ dừng lại ở vài quyển sách, bài báo đặt vấn đề một cách dè dặt mà gần như đã được khẳng định. Qua bài báo đăng trên một tạp chí được phát hành rộng rãi là “Kiến thức ngày nay”, số 256, phát hành ngày 1/9/97 - với tựa đề “Thời điểm lập quốc và quốc hiệu Việt Nam” của tác giả Nguyễn Anh Hùng, đã viết:
    “Các nhà sử học ngày càng thống nhất chung quan điểm khi cho rằng nhà nước đầu tiên trên đất nước ta chỉ có thể xuất hiện vào thời văn hóa Đông Sơn – giai đoạn phát triển đỉnh cao của thời đại đồ đồng và giai đoạn đầu của thời kỳ đồ sắt. Quan niệm này được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận - chẳng hạn trong nhiều
    công trình lịch sử, xã hội học của các tác giả nước ngoài đã dùng từ “văn minh” (civilization) thay vì “văn hóa” (culture) khi bàn về văn hóa Đông Sơn. Do vậy chỉ có thể dùng niên đại văn hóa Đông Sơn làm giới hạn đầu cho thời kỳ lập quốc của dân tộc ta cách đây chừng 25 - 27 thế kỷ. Nó cũng phù hợp với ghi chép của Việt Sử lược - bộ sử khuyết danh nhưng có độ chính xác cao, được biên soạn sớm nhất ở nước ta - theo đó, “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681 tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô tại Phong Châu, phong tục thuần phác, chính sự dùng nối kết nút, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
    (Trích trong THỜI HÙNG VƯƠNG QUA TRUYỀN THUYẾT VÀ HUYỀN THOẠI - NGUYỄN VŨ TUẤN ANH ) .
    Trong bối cảnh các vị thân hào , trí thức cùng đồng loạt nói về thời Hùng Vương chỉ có 300 năm thì bài viết của Thiền sư Lê Mạnh Thát quả là có ý nghĩa to lớn . dienbatn .
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  10. #10
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    1/ VÀO ĐỀ :
    Dân tộc Việt Nam với lòng tự hào về một truyền thống gần 5000 văn hiến. Truyền thống đó được ghi trong chính sử Việt (Tính từ 2879 trước CN, theo chính sử Việt) và trải hàng ngàn năm trong cộng đồng dân tộc cho đến tận gần đây. Có thể khẳng định rằng: Dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại tôn vinh những giá trị văn hoá của mình với danh xưng văn hiến. Chính những tri kiến sâu sắc về một học thuyết vũ trụ quan thống nhất và hoàn chỉnh là thuyết Âm Dương Ngũ hành - đă phổ biến và ứng dụng đến từng chi tiết trong sinh hoạt của ngườI Việt, đă tạo nên một bề dày văn hoá - nền tảng của những giá trị văn hoá siêu việt Đông phương - đủ sức chống lại mọi sự tàn phá của thời gian, cùng những thăng trầm của lịch sử.
    Nhưng cho đến khoảng hơn một thập kỷ gần đây, có rất nhiều nhà khảo cứu cả trong lẫn ngoài nước - Gần như đồng loạt, nhân danh khoa học - đưa ra luận điểm mới về lịch sử văn hoá của dân tộc Việt. Họ cho rằng:
    Cội nguồn của dân tộc Việt Nam - "Thời Hùng Vương chỉ là một nhà nước sơ khai; hình thành vào khoảng thế kỷ thứ VII tr. CN" và"thực chất chỉ là một liên minh gồm 15 bộ lạc" .
    ( Trích : Y PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG - NGUYỄN VŨ TUẤN ANH ) .

    Trong một hoàn cảnh như vậy , những nghiên cứu của Thiền Sư Lê Mạnh Thát càng đáng để chúng ta đáng trân trọng . Từ trước tới nay , dienbatn cũng đã từng đọc khá nhiều sách , nhưng chỉ thấy có các tác phẩm của GS. NGUYỄN VĂN HUYÊN , của NGUYỄN VŨ TUẤN ANH và giờ đây của Thiền Sư Lê Mạnh Thát là có công bảo vệ lập trường : " Nước Việt Nam ta có lịch sử gần 5.000 năm dựng và giữ nước , khởi đầu từ các Thế đại Vương triều Hùng Vương " .
    Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam về một truyền thống Văn hóa kéo dài ngót 5.000 năm , được tính từ thời Hùng Vương , một thời đại mà sự xuất hiện sánh ngang với những Quốc gia cổ nhất của Nhân loại . Những gì còn lại từ thời Hùng Vương hầu như là những con số không . May thay , hàng bao nhiêu đời nay , khi chúng ta còn thơ ấu , ngủ trong nôi đã được những bà mẹ Việt Nam hát ru cho ngủ bằng những câu hát về truyền thống đất nước , lớn lên một chút lại được nghe kể về các truyền thuyết dựng nước của các Vua Hùng . Từ nhỏ , chúng ta đã nghe đến thuộc lòng những truyền thuyết về Bánh chưng , bánh dày của Lang Liêu , về một tình yêu say đắm và trong sáng của Trương chi và Mỵ nương , về câu chuyện khởi nguồn Đạo pháp của Chử Đồng Tử và Tiên Dung , về các truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy tinh ... Chính những dòng sữa mẹ và những lời ru của những bà mẹ Việt Nam đã nuôi dưỡng , gìn giữ một truyền thống Văn hóa Lạc - Việt qua hàng nghìn năm đêm đen Bắc thuộc , khi mà giặc phương Bắc quyết tâm xóa nhòa dân tộc Việt Nam .
    " Trăm năm bia đá thì mòn .
    Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ "

    Bia đá , thậm chí cả một vùng bia đá như trên Bãi đá cổ Sapa cũng phải mòn đi theo thời gian , nhưng những câu hát ru của các bà mẹ Việt Nam vẫn luôn trong tiềm thức của chúng ta , vẫn luôn trong trái tim ta và vẫn luôn nhắc nhở chúng ta về một thời oanh liệt của các Thế Đại Vương triều Hùng Vương .
    Mỗi năm , khi tết đến , chúng ta lại kính cẩn dâng lên bàn thờ cặp bánh chưng - Một Linh vật của Tổ tiên để lại . Hiểu được ý nghĩa của chiếc bánh chưng , chúng ta càng thấy sự thâm thúy , tính minh triết của cha ông chúng ta . Tất cả những sách vở , tài liệu mà cha ông chúng ta có đều bị mất đi sau một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu , nhưng làm sao chúng có thể lấy đi những lời hát ru , những trò chơi trẻ em như Ô ăn quan , Rồng rắn lên mây ...và càng không thể lấy đi và không thể hiểu được sự thâm thúy của truyền thuyết bánh chưng bánh dày , của các câu chuyện Chử Đồng Tử , Sơn Tinh , Thủy tinh , của Trương Chi và Mỵ Nương .

    TÍNH MINH TRIẾT TRONG LINH VẬT VIỆT - BÁNH CHƯNG CỦA LANG LIÊU ( Hình do Thiên Sứ - NGUYỄN VŨ TUẤN ANH thực hiện ) .










    Trong cổ sử của Trung quốc đều còn ghi : Hàng năm , trong các phẩm vật mà người Việt phải mang cống " Thiên Triều " đều phải cống nạp các lương y , Pháp sư , Thợ mộc . Bằng chứng rõ nhất là Nguyễn An (1456), kiến trúc sư tài ba chỉ huy xây dựng cổ thành Bắc Kinh - Một người thợ mộc lành nghề của dân tộc Việt xây dựng .
    Nếu như không có những truyền thuyết để các học giả hàng ngàn sau ghi lại trong những bộ Quốc Sử thì liệu những tư liệu còn lại có thể hướng dẫn chúng ta tìm lại cội nguồn dân tộc và khẳng định sự tồn tại thực tế của nước Văn Lang hay không ?? Điều này đã chứng tỏ rằng : Những truyền thuyết từ thời Hùng Vương , đạ phản ánh thực tế của thời đại này dưới nhiều hình thức chứ không phải chỉ đơn thuần là những câu chuyện cổ tích phản ánh cái nhìn hoang sơ của con người về các hiện tượng tự nhiên và xã hội , như nhận xét về một số huyền thoại cổ tích của nhiều dân tộc khác trên thế giới của các nhà nghiên cứu.
    Tuy nhiên , để có thể tìm về cuội nguồn dân tộc Việt , tìm lại những di sản của ông cha , chúng ta cần và đủ phải có một phương pháp luận về Học thuật cổ Đông phương .

    (Với những tri thức cổ nhân để lại về các phương pháp ứng dụng trong học thuật cổ Đông phương sẽ là những phương tiện rất hữu hiệu, một thứ tri thức có sẵn để chúng ta nhanh chóng mở cánh cửa vào những bí ẩn vũ trụ.(*)
    Nguyễn Vũ Tuấn Anh )
    Last edited by dienbatn; 12-03-2008 at 05:02 AM.
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  11. #11
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    2/ PHẢN BIỆN :
    Tuy rất yêu quý tài năng của Thiền Sư Lê Mạnh Thát , khâm phục trình độ và sức làm việc của ông , nhất là việc muốn khôi phục và tái hiện lịch sử 5.000 dựng và giữ nước từ thời Hùng Vương , nhưng quan điểm của dienbatn không hoàn toàn đồng ý với những kết luận của ông . Phải công nhận là Thiền Sư Lê Mạnh Thát có trong tay rất nhiều tài liệu có giá trị về mặt cổ sử . Có trong tay những tài liệu quý giá như vậy , nếu thêm vào đó một phương pháp luận chính xác , thì những kết quả đưa ra sẽ chính xác và vô cùng giá trị . Hiện nay , trong tay dienbatn cũng có gần như đủ những tài liệu hán văn mà ông dùng trích dẫn . Tuy nhiên , khi đọc những bài viết của ông ( dienbatn nói chính xác là những bài viết do ông viết chứ không phải do tác giả Hoàng Hải Vân là Phó trưởng ban biên tập báo Thanhnienoline đã viết , phòng khi tác giả không hiểu hết ý của ông ) , dienbatn không khỏi tiếc cho một tài năng , một kho tư liệu tốt như vậy , do không có một phương pháp luận chính xác nên đã khởi từ sai lầm này đến những sai lầm khác . Để chứng minh cho luận điểm của mình , dienbatn xin phản bác theo trình tự mà báo Thanhnienoline đã đăng .
    VẤN ĐỀ THỨ NHẤT :Trước hết ta cần phải xem xét lại những kết luận của Thiền sư Lê Mạnh Thát về cuốn sách quan trọng nhất mà ông dựa vào đó làm nên tảng cho khám phá của mình : LỤC ĐỘ TẬP KINH .

    " Lục Độ tập kinh là văn bản đầu tiên và xưa nhất, ngoài bài Việt ca, tập thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước v.v... làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam_1. Lục độ tập kinh được Khương Tăng Hội dịch vào thời Tam Quốc, từ một truyện bản Lục độ tập kinh tiếng Việt, gồm có cả thảy 91 quyển.
    Bản kinh lục xưa nhất hiện còn là Xuất tam tạng ký tập 2. ĐTK 2145 tờ 7a27-b1 ghi về Lục độ tập kinh như sau: "Lục độ tập kinh 9 quyển, hoặc gọi là Lục độ vô cực kinh... Thời Ngụy Minh đế (228-240) Sa-môn Thiên Trúc Khương Tăng Hội dịch ra vào đời Ngô Chúa Tôn Quyền (222-252) và Tôn Lượng (253-258)". Cao Tăng truyện 1, ĐTK 2059 tờ 326a21 ghi thêm là Khương Tăng Hội dịch Lục độ tập ở chùa Kiến sơ. Pháp Kinh viết Chúng kinh mục lục 6, ĐTK 2146 tờ 144a11, năm Khai Hoàng 14 (594) trong mục Tây phương chư thánh hiền sở soạn tập ghi: "Lục độ tập 4 quyển, Khương Tăng Hội đời Ngô dịch". Phí Trường Phòng viết Lịch đại tam bảo ký 5, ĐTK 2034 tờ 36b24, năm Khai Hoàng 17 (597) viết: "Năm Thái Nguyên thứ nhất (251 sdl), ở Dương Đô chùa Kiến Sơ, dịch các kinh Lục độ tập v.v.. 4 bộ 16 quyển" Đạo Tuyên soạn Đại Đường nội điển lục 2 ĐTK 2149 tờ 230a6-c23 ghi: "Lục độ tập kinh 9 quyển, một chỗ gọi Lục Độ vô cực kinh, một gọi Độ vô cực kinh, một gọi Tạp vô cực kinh. Xem Trúc Đạo tổ lục và Tam tạng kỳ... Đời Tề Vương nhà Ngụy trong năm Chính Thủy (241-249) Sa-môn Thiên Trúc Khương Tăng Hội ở chùa Kiến Sơ dịch...". Các nhà viết kinh lục khác, như Minh Thuyên trong Đại Châu sanh định chứng kinh mục lục, Ngạn Tôn trong Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 2147 tờ 161b7 ở mục Hiền thánh tập truyền, Trí Thăng trong Khai nguyên Thích giáo lục 2 ĐTK 2154 tờ 490b4-591b23, Tỉnh Mại trong Cổ Kim dịch Kinh đồ ký 1 ĐTK 2152 tờ 352a26-b22, Tỉnh Thái trong Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 2148 tờ 195a28 v.v... cũng đều có liệt kê Lục Độ tập kinh hoặc 8 hoặc 9 quyển, và đều nhất trí là được Khương Tăng Hội dịch.

    Văn từ và nội dung Lục độ tập kinh chứa đựng một số nét khiến ta nghi ngờ nó không phải là một dịch phẩm từ nguyên bản tiếng Phạn. Chẳng hạn, truyện 49 của Lục độ tập kinh 5, tờ 28a22-24, có câu phát biểu của anh thợ săn nói rằng: "[Tôi] ở đời lâu năm, thấy nho sĩ tích đức làm lành, há có bằng đệ tử Phật quên mình cứu mọi người, ở ẩn mà không dương danh, ư?", thì rõ ràng nếu Lục độ tập kinh do "thánh hiềm soạn ra", thì chắc chắn không phải là "thánh hiền phương Tây" (tức Thiên trúc hay Ấn Độ) vì "phương Tây" thời ấy làm gì có "nho sĩ" của phương Đông? Do vậy, đây phải là một phát biểu của "thánh hiền phương Đông", mà trong trường hợp này, lại là một "thánh hiền" của nước ta, để đến năm 251, Khương Tăng Hội mới dịch nó ra tiếng Trung Quốc. Và cũng chính dựa vào bản Lục Độ tập kinh tiếng Việt này mà bản dịch ra tiếng Trung Quốc của Khương Tăng Hội mới mang tính "văn từ điển nhã" như Thang Dụng Đồng nhận định trong quyển Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc triều Phật giáo sử_1 và dẫn đến việc họ Thang giả thiết là bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc này không phải do Hội dịch, mà có khả năng là do Hội viết ra. Thức tế, là Khương Tăng Hội đã dùng một bản đáy tiếng Việt, chứ không phải tiếng Phạn, để dịch Lục độ tập kinh ra tiếng Trung Quốc. Vì vậy khi đọc lên, ta nghe gần gũi, có cảm tưởng như một bản văn viết chứ không phải là một bản dịch từ nguyên bản chữ Phạn hay một phương ngôn nào đó cuả Ấn Độ. Nếu đọc kỹ hơn, ta phát hiện thêm một sự kiện hết sức lạ lùng, nhưng rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với không những Lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn với Lịch sử văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam nữa.

    " Sự kiện đó là trong một số câu của Lục độ tập kinh, Khương Tăng Hội đã không viết đúng theo ngữ pháp Trung Quốc mà lại theo ngữ pháp Việt Nam, ta có cụ thể các đoạn:"


    ( Các chữ được in đậm là do dienbatn thực hiện - Nguồn LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế
    Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
    Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế thực hiện
    Nhà Xuất Bản Thuận Hóa Huế 1999 ) .
    Như vậy chỉ mới dựa trên cảm tính , Thiền sư Lê mạnh Thát đã quá vội vàng khi kết luận LỤC ĐỘ TẬP KINH là của người Việt . Để có thể kết luận được điều đó , ngoài truy tầm nguồn gốc rõ ràng , vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết được là chữ Việt thời kỳ đó là thứ chữ gì ? Ngay những ký hiệu bí ẩn trên BÃI ĐÁ CỔ SAPA hiện nay còn là một câu hỏi bí ẩn đối với giới nghiên cứu trong và ngoài nước thì chữ Việt như Thiền sư đã kết luận từ thời Hùng Vương là quá vội vã .
    Thiền sư Lê mạnh Thát có thể thông thạo 15 thứ tiếng , nhưng dienbatn tin chắc rằng , ông không thể dịch nổi những ký tự trên bãi đá cổ Sa Pa và thông thạo loại chữ " Đẩu tự " vốn có từ xa xưa . Vấn đề đặt ra ở đây là chữ Việt mà Thiền Sư Lê Mạnh Thát nói ỡ đây là loại chữ gì ? Có khả năng là loại chữ Đẩu tự vốn có từ xa xưa nay đã được nhà giáo Đỗ Văn Xuyền, trong văn chương thì bút danh là Khánh Hoài nhắc đến hay không ?
    Last edited by dienbatn; 12-03-2008 at 07:39 AM.
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  12. #12
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    VẤN ĐỀ THỨ 2 : CÁC TÁC PHẨM " Cựu tạp thí dụ kinh " và " Tạp thí dụ kinh " .
    Đây cũng là những cuốn sách mà dựa vào đó Thiền Sư Lê Mạnh Thát làm nền tảng cho những phát kiến của mình .

    Cựu tạp thí dụ kinh : " Cựu tạp thí dụ kinh hiện nay chia làm hai quyển thượng và hạ. Quyển thượng gồm từ truyện 1 đến 34. Quyển hạ từ 35 đến 61. Nó như vậy có cả thảy 61 truyện theo cách đánh số của bản in Đại Chính ngày nay. "
    " Trong lịch sử văn học dân tộc có một mảng thường được gọi là nền văn học dân gian bao gồm các truyện thần thoại, cổ tích, tục ngữ, ca dao, mà về mặt lịch sử cho tới nay chưa được định vị thời điểm ra đời một cách chính xác. Lý do theo cách nghĩ của một số rất nhiều người nằm ở chỗ đó là nền văn học truyền khẩu do dân gian truyền miệng cho nhau đời này qua đời khác và không biết ai là tác giả. Vấn đề xác định niên đại từng tác phẩm hay tiểu phẩm của nó do thế cực kỳ khó khăn. Cho nên, đến nay vẫn chưa có một kết luận xác định một cách có căn cứ thời điểm ra đời hay lưu hành của một số tác phẩm ấy, đặc biệt những thời điểm xa xưa lên tới một vài nghìn năm, để lam cột mốc cho việc viết lại lịch sử văn học dân tộc. "
    " Thế ai viết chúng? Tất nhiên, Khương Tăng Hội không viết chúng. Ngay cả vị thầy của Hội cũng không tham gia viết ra, dẫu một số lời bình của ông đã được Hội ghi lại. Kể từ ngày Pháp Kinh viết Chúng kinh mục lục 6 ĐTK 2146 tờ 144b13 và xếp Cựu tạp thí dụ kinh vào loại "Tây phương chư thánh hiền sở soạn tập", các nhà kinh lục về sau như Ngạn Tôn trong Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 2147 tờ 161b3-25, Tỉnh Thái trong Chúng kinh mục lục 3 ĐTK 2148 tờ 195c21-196a23, Đạo Tuyên trong Đại dương nội điển lục 9 ĐTK 2149 tờ 312à0-b11, Trí Thăng trong Khai Nguyên thích giáo lục 13 ĐTK 2145 tờ 621c12-623a5 v.v.. cũng nhất thiết xếp nó vaò loại "thánh hiền tập truyền" hay "thánh hiền truyện ký" hay "thánh hiền soạn tập", nhưng không nói đến "phương Tây" nữa.

    Điều này cũng có nghĩa Cựu tạp thí dụ kinh phải do một vị "thánh hiền soạn tập". Và vị "thánh hiền" đây có thể là một tác giả Việt Nam, chứ không ai xa lạ, bởi vì hai lý do sau: Thứ nhất, Cựu tạp thí dụ kinh đã lưu hành bằng tiếng Việt; thứ hai, nó có những truyện như truyện 19 chẳng hạn không đặc biệt mang tính thuyết giảng Phật giáo, mà chỉ có tính ngụ ngôn chung chung. Do vậy, tuy chưa có những bằng chứng rõ rệt đặc trưng Việt Nam như Lục độ tập kinh, chúng ta có thể hình dung quá trình hình thành của Cựu tạp thí dụ kinh tiếng Việt này, trừ bảy truyện cuối cùng của Chiết La-hán thí dụ sao. "

    Tạp thí dụ kinh : " Tên gọi Tạp thí dụ kinh 2 quyển, xuất hiện lần đầu trong Xuất tạm tạng ký tập 4 ĐTK 2145 tờ 22a5 và được xếp vào loại "thất dịch tạp kinh". Chúng kinh mục lục 6 của Pháp Kinh. ĐTK 2146 tờ 144b7 ghi tên "Tạp thí kinh 2 quyển, một tên là Bồ Tát độ nhân kinh". Chúng kinh mục lục 2 cuả Ngạn Tôn, ĐTK 2147 tờ 161b19 cũng ghi thế và xếp vào loại "trùng phiên". Chúng kinh mục lục 2 của Tỉnh Thái, ĐTK 2148 tờ 196a241 tờ 144b7 ghi tên "Tạp thí kinh 2 quyển, một tên là Bồ Tát độ nhân kinh". Chúng kinh mục lục 2 của Ngạn Tôn ĐTK 2147 tờ 161b19 cũng ghi thế và xếp vào loại "trùng phiên". Chúng kinh mục lục 2 của Tỉnh Thái, ĐTK 2148 tờ 196a 241, thay vì tên Tạp thí dụ, lại ghi Tạp thí dụ kinh 2 quyển, một tên Bồ Tát độ nhân kinh, 26 tờ, và cũng xếp vào loại "trùng phiên". Đạo Tuyên viết: "Nội điền lục" 7 ĐTK 2149 tờ 30c23 và 9 tờ 325b21 ghi Tạp thí dụ 2 quyển 26 tờ, một tên Bồ Tát độ nhân kinh và xếp vào loại "Tiểu thừa tạng kinh" và "cử yếu chuyển độc". Tỉnh Mại viết Cổ kim dịch kinh đồ ký 1 ĐTK 2151 tờ 250n27 ghi Tạp thí dụ kinh 2 quyển vào loại "thất dịch nhân danh" của đời Hán. Đây là lần đầu tiên Tạp thí dụ kinh được xếp vào loại "thất dịch đời Hán". Đến Minh Thuyên soạn Đại châu san định chúng kinh mục lục 11 ĐTK 2153 tờ 438b20 và 442a17 cũng xếp nó vào loại "thất dịch" thuộc đời Hán. Tạp thí dụ kinh 1 bộ 2 quyển, một tên là Bồ tát độ nhân kinh 26 tờ. Trí thăng viết Khai nguyên thích giáo lục 13 ĐTK 2154 tờ 623a10 chép: "Tạp thí dụ kinh 2 quyển, một tên Bồ tát độ nhân kinh, thất dịch, tại Hậu Hán lạc..." Trịnh nguyên tân định Thích giáo mục lục 2 ĐTK 2157 tờ 781a6 của Viên Chiếu cũng xếp vào loại "thất dịch" đời Hán. "
    " Vấn đề niên đại của Tạp thí dụ kinh tự thân nó do thế không lôi cuốn chúng ta cho lắm. Điểm lôi cuốn nằm ở chỗ với một niên đại thuộc đời Hán như thế, nó cung cấp cho chúng ta những tín hiệu gì về bản thân nó? Về mặt ngôn ngữ, nó hiện chứa đựng một số cấu trúc ngữ học không được viết theo ngữ pháp Trung Quốc. Trái lại, chúng được viết theo ngữ pháp tiếng Việt. Nổi bật và điển hình nhất là cấu trúc "tượng Phật" cuả truyện 31 trong Tạp tí dụ kinh quyển hạ tờ 510a5. Cấu trúc này, các bản khắc đời Tống (1239), Nguyên (1290) và Minh (1601) có điều chỉnh lại thành "Phật tượng" theo đúng ngữ pháp tiếng Trung Quốc. Nhưng các bản khắc Cao Ly (1151 và sau đó) trước các bản khắc Trung Quốc hiện còn vẫn giữ nguyên cấu trúc cũ.

    Cấu trúc cũ đó phải chăng là do một sự khắc chép sai lầm cần điều chỉnh, như các bản in Tống, Nguyễn Minh đã làm? Bình thường người ta sẽ nghĩ như thế, bởi vì Tạp thí dụ kinh là một bản văn tiếng Trung Quốc. Cho nên, nếu có những cấu trúc viết không đúng theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc chúng phải được xem như những sai lầm lệch lạc cần điều chỉnh lại cho đúng. Tuy nhiên, do hiện tượng Lục độ tập kinh, có quá nhiều cấu trúc viết theo ngữ pháp tiếng Việt, ta không thể đơn giản coi những cấu trúc kiểu "tượng Phật" ở trên, tuy đơn độc, là những khắc chép sai của những người làm công tác khắc chép trong quá trình lưu truyền bản kinh. Ngược lại, phải đánh giá chúng như những chứng tích còn sót lại báo cho chúng ta biết việc từng tồn tại một thời một văn bản viết theo ngữ pháp của những cấu trúc đó.

    Đúng là cấu trúc "tượng Phật" là cấu trúc duy nhất rõ ràng viết theo ngữ pháp tiếng Việt không thể nào chối cãi được, trong toàn bộ bản văn Tạp thí dụ kinh. Nó có vẻ đơn độc và dễ đưa ta đến nhận định nó là một lệch lạc, một khắc chép sai trong quá trình lưu truyền. Thực tế, nếu không có bản khắc Cao Ly, mà chỉ có các bản khắc Tống, Nguyên, Minh, thì ngày nay chắc chắn không thể có cấu trúc "tượng Phật" để ta bàn cãi, chứ khoan nói chi tới chuyện xác định xem Tạp thí dụ kinh xuất phát từ đâu? Tuy vậy, như đã nói, việc tồn tại một loạt các cấu trúc tiếng Việt trong Lục độ tập kinh buộc ta phải xem xét các cấu trúc có vẻ lệch lạc, đơn độc trên với một nhãn quan mới đầy trân trọng, nghiêm túc. Phải thừa nhận sự xuất hiện của chúng là có tính hệ thống và phản ảnh một hiện thực. Thế cấu trúc "tượng Phật", báo cho ta điều gì?

    Thứ nhất, nó là một cấu trúc thuần túy theo ngữ pháp tiếng Việt, phản ảnh một phần nào hiện thực tiếng nói dân tộc ta cách đây trên 1800 năm vào thế kỷ thứ II sdl. Thứ hai, nó giúp ta giả thiết, như trường hợp Lục độ tập kinh, tồn tại một nguyên bản tiếng Việt của Tạp thí dụ kinh làm bản đáy cho việc dịch lại bản Tạp thí dụ kinh tiếng Trung Quốc hiện còn. Thứ ba, người dịch có thể là một dịch giả Việt Nam. Cho nên, ngoài cấu trúc "tượng Phật" đây, ta thấy còn có một số cấu trúc khác mang dáng dấp ngữ pháp tiếng Việt. Cụ thể là câu "hành đạo trì trì" (tờ 508a17 truyện 22) và "sử ngã hậu thế nhiêu tài bảo" (truyện 31 tờ 510a9).

    Rõ ràng câu "hành đạo trì trì" với nghĩa tiếng Việt "đi đường chầm chậm", phản ảnh câú trúc ngữ pháp tiếng Việt nhiều hơn Trung Quốc. Câu sau cũng thế. "Sử ngã hậu thế nhiêu tài bảo" nghĩa là "khiến ta đời sau nhiều của báu". Đặc biệt việc dùng lượng từ "nhiều", mà ngày nay đã trở thành một lượng từ tiêu chuẩn của tiếng Việt hiện đại. Lượng từ này không thấy xuất hiện trong các dịch phẩm của An Tường v.v... nhưng lại có mặt trong các dịch phẩm cuả Chi Khiêm. Cụ thể là Soạn tập bách duyên kinh, và trong Lý hoặc Luận điều 17 (Hoằng Minh tập 1 ĐTK 2102 tờ 4b5) của Mâu Từ. Điều này chứng tỏ khả năng từ "nhiêu" từ nguyên thủy là một lượng từ của tiếng Việt được sử dụng rộng rãi trong các vùng đất tổ tiên của người Việt bao gồm cả miền nam của Trung Quốc từ sông Dương Tử cho đến nước ta. "


    Như vậy dựa vào cảm tính mà Thiền sư Lê mạnh Thát đã quá vội vã khi kết luận rằng các cuốn sách đó viết bằng tiếng Việt . Vấn đề này cần phải có những cuộc nghiên cứu nghiêm túc , giải quyết được vấn đề này , chúng ta mới có thể làm cho lập luận của mình chắc chắc và không phiến diện được .
    Last edited by dienbatn; 12-03-2008 at 07:42 AM.
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  13. #13
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    VẤN ĐỀ THỨ BA : CHUYỆN BÀ ÂU CƠ ĐẺ RA 100 TRỨNG .

    " Phát hiện đầu tiên là Lục độ tập kinh chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng. Điều này hết sức có ý nghĩa, là vì truyền thuyết đó được ghi vào sử sách bắt đầu từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên. Truy lùi lại thì thấy chuyện này được chép trong Lĩnh Nam chích quái. Truy nữa thì "bó tay", không biết nó xuất phát từ đâu, chỉ thấy nó liên quan tới truyện Liễu Nghi đời... Đường bên Trung Quốc. Từ trước tới nay mọi bàn cãi đều tập trung vào việc chấp nhận hay không truyền thuyết đó, mà chấp nhận hay phủ nhận nó không phải là vấn đề của lịch sử. Dân tộc nào cũng có truyền thuyết khởi nguyên, mà đã là truyền thuyết thì ít nhiều đều mang yếu tố hoang đường, nhưng đó là hồn thiêng dân tộc. Với Lục độ tập kinh, chúng ta đã truy ra thời điểm khởi nguồn của hồn thiêng dân tộc của mình. "
    Đó là theo tác giả Hoàng Hải Vân . Còn trong LỤC ĐỘ TẬP KINH của Thiền Sư Lê Mạnh Thát dịch nguyên văn như sau :
    " Lục độ tập kinh còn ghi lại những yếu tố nói đến truyền thống dân tộc, mà điểm thứ nhất là truyện 23 quyển 3. ĐTK 152, tờ 14a26-c18, [b]về truyền thuyết Trăm Trứng. Truyện này ta thấy có văn học Ấn Độ. Truyền thống Ấn Độ thì gọi là một trăm cục thịt (mamsapesi); đến truyện trăm con cuả Avadanajataka thì vẫn giữ nguyên lại một trăm cục thịt này, mà Chi Khiêm dịch thành nhục đoàn trong truyện Bách tử đồng sản duyên của Soạn tập bách duyên kinh 7, ĐTK 200 tờ 237a20-b29, thực hiện khoảng năm 230 sdl. Thế mà truyện 23 này của Lục độ tập kinh thì vẫn giữ nguyên là một trăm trứng (noãn bách mai). Vậy thì truyền thống về bà Âu Cơ sanh Trăm trứng này dứt khoát là phải tồn tại trước thời Hai Bà Trưng khi biến cố năm 43 xảy ra. Đứng trước hiểm họa bị diệt vong và các truyền thống bị mai một nên truyền thống này đã được lồng vào khung cảnh Phật giáo, và các yếu tố bản địa Việt Nam như thế xuất hiện khá nhiều trong các truyện của Lục độ tập kinh hiện còn. Tất cả yếu tố bản địa này phản ảnh phần nào sinh hoạt của người Việt Nam thời Hùng Vương, trước lúc chính quyền ngoại tộc do Mã Viện thực hiện. Yếu tố bản địa cuối cùng là ngôn ngữ của Lục độ tập kinh, nang sắc thái đậm đà, điển nhã, chính điều này cho phép ta nhận rằng Lục độ tập kinh là một trong các bản kinh tiếng Việt hiện còn và được biết đến. "

    Trong Lịch sử Thế giới , không thiều những trường hợp trùng lắp hay là sự lặp lại của Lịch sử về một vấn đề , về cùng một nội dung “.
    Về những dị bản của truyền thuyết “100 trứng nở trăm con” thì có thể nói rằng khá phổ biến trên một số dân tộc ở Đông phương có nền văn hoá lâu đời, trong đó có Việt Nam. Đã có nhiều tư liệu nói về việc này. Bởi vậy, tôi nghĩ ông Lê Mạnh Thát có thể đã đúng và có cơ sở khi cho rằng nội dung phổ biến của truyền thuyết này có từ lâu và trước thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Nhưng vấn đề lại là truyền thuyết này khi lưu truyền trong văn minh Việt thì có nhiều tính tiết khác biệt. Ở đây chúng tôi muốn trình bày rõ hơn về truyền thuyết này vì tính riêng biệt của nó khi lưu truyền trong văn hiến Việt.
    Tính riêng biệt của truyền thuyết Việt Nam này được thể hiện trong những yếu tố sau đây:
    1) Tất cả những người con này đều là con trai và được chia đôi 50/ 50, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên núi.
    2) Nửa theo mẹ chọn 1 người lên làm vua là Hùng Vương thứ nhất và 49 người con còn lại chia nhau đi cai tri khắp nơi trở thành tổ tiên người Việt.
    3) Phần sau của tình tiết này gắn liền với khởi nguyên của lịch sử văn hiến Việt liên quan đến thời Hùng Vương?
    Bởi vậy, vấn đề là tại sao lại có tình tiết này khi lưu truyền trong văn hiến Việt? Phải chăng thiền sư Lê Mạnh Thát đã đúng đoạn đầu khi cho rằng nguồn gốc của truyền thuyết 100 trứng có trước thời Hai Bà Trưng và phổ biến trong nhưng nền văn minh cổ Đông phương. Nhưng không thể vì thế mà bỏ qua nhưng chi tiết riêng của truyền thuyết Việt. Từ đó chúng ta đặt vấn đề: Tại sao dân tộc Việt lại phải lưu truyền lịch sử khởi nguyên của mình qua những chi tiết riêng được lồng trong một truyền thuyết khá phổ biến ở những nền văn minh cổ Đông phương, mà không công khai nói thẳng và chi tiết lịch sử của mình? Nếu thiền sư cho rằng thời Hai Bà Trưng là thời kỳ độc lập của dân tộc Việt thì chúng ta sẽ khó lý giải nguyên nhân ghi rõ trong sử sách là “Hai Bà khởi nghĩa do chính sách hà khắc của Tô Định” và sử sách thành văn của Hán là “Mã Viện đi dẹp loạn”. Những điều này cho thấy rõ nước ta vào thời kỳ này đã bị đô hộ. Đó cũng là lý do mà người Việt không thể công khai truyền bá lịch sử dân tộc mà phải lồng những chi tiết khác biệt trong truyền thuyết để miêu tả thời kỳ lập quốc lưu truyền cho thể hệ sau tìm về cội nguồn.
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  14. #14
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    MỘT Ý KIẾN GỢI MỞ :
    Trước khi phản biện phần 4 , dienbatn xin giới thiệu một bài viết của Thiên Sứ về vấn đề chữ Việt .

    Bất cứ một nền văn minh nào cũng cần có chữ viết để lưu truyền và phát triển cho nền văn minh đó. Đây là điều hiển nhiên. Bởi vậy, một trong những luận cứ đuợc coi là sắc sảo của “hầu hết những nhà khoa học trong nước và cộng đồng khoa học thể giới “ nhằm phủ nhận những giá trị văn hoá sử trải gần 5000 năm của dân tộc Việt chính là “không có bằng chứng, hay dấu tích của chữ Việt cổ”. Lại không thấy! Họ cũng nại lý do “Không tìm thấy những di vật khảo cổ chứng minh nền văn hiến trải gần 5000 năm của người Việt”. Với họ, không tìm thấy thì là không có. Với một tư duy mù loà của đủ mọi trình độ và chức danh, họ đã phủ nhận những giá trị truyền thống lịch sử văn hiến Việt. Bởi vậy, cái quan điểm cho rằng: “Thời Hùng Vương thực chất chỉ là liên minh gồm 15 bộ lạc” với những người “dân ở trần đóng khố”, mặc dù nhân danh khoa học, nhưng cái quan điểm cận thị của nó lại không hề có chất khoa học vì nó không tuân theo bất cứ một tiêu chí khoa học nào. Một số rất ít những nhà khoa học Việt Nam có những cố gắng đi tìm lại cội nguồn dân tộc. Nhưng tiếc thay! Họ chỉ đưa ra được những bằng chứng tuy cũng có lúc khá sắc sảo, nhưng lại rời rạc và không có hệ thống. Bởi vậy những học giả đáng trân trọng ấy chưa thoả mãn được những yêu cầu của sự minh chứng cho cả một nền văn hiến bị vùi lấp theo thời gian trải hàng thiên niên kỷ. Ở đây chưa bàn đến những luận điểm dễ bị phản bác của họ.

    Bởi vậy, để chứng minh cho cả một nền văn hiến cần có một tri thức rất tổng hợp. Việc sử dụng tư liệu, di vật khảo cổ, di sản phi vật thể, các bằng chứng khác như gen di truyền…..thì chúng cũng chỉ là những hiện tượng, cần phải có một sự phân tích hợp lý mối liên hệ của tất cả các hiện tượng liên quan cho mục đích chứng minh. Hay nói một cách khác là ngay từ phương pháp chứng minh phải tuân thủ tiêu chí khoa học. Một lập luận hợp lý sẽ có sức thuyết phục. Nhưng nó sẽ thuyết phục hơn nếu kèm theo nó là những bằng chứng nằm trùng khớp trong một hệ thống hợp lý đó mà người ta không thể phủ nhận.
    Việc tìm ra chữ Việt cổ của ông Đỗ Văn Xuyền sẽ chính là một mắt xích quan trọng có tính thuyết phục nằm trùng khớp trong những luận cứ có hệ thống của quan diểm minh chứng những giá trị văn hoá sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến.
    Trong cuốn sách đầu tay của tôi “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại” in lần đầu vào năm 1998, tôi đã đặt vấn đề về chữ viết của người Việt cổ chính là chữ Khoa Đẩu. Nhưng vào thời kỳ đó tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với những thông tin về loại chữ cổ này. Chỉ sau khi biết đến mạng toàn cầu vào cuối năm 2003 tôi mới có điều kiện biện minh một cách khách quan và chắc chắn luận điểm của mình. Tôi đã có ý định viết lại cuốn “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại”. Nhưng thật tội nghiệp cho hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ, sách bị từ chối phát hành và với những cuốn dễ dãi hơn, cũng không hề được giới thiệu trên bất cứ một phương tiện thông tin nào. Nằm ế cả đống. Tôi tiếp tục in nữa chắc không có chỗ chứa. Thực ra, trước khi tái bản, tôi có một tư liệu lịch sử về việc Bằng Công Nguyễn Hữu Chỉnh trong cuộc họp nội các đã bàn tới việc bỏ chữ Hán, dùng chữ Việt trong các văn bản chính thức của quốc gia. Các quan đại thần lúc đó có người đã đề nghị dùng chữ Khoa Đẩu là chữ Việt cổ làm chữ viết chính thức. Nhưng đề nghị này bị Nguyễn Hữu Chỉnh bác bỏ vì lý do khi viết chữ này thì nét chữ thường cụp xuống. Ông ta cho rằng như vậy thì dân tộc Việt sẽ không khá đuợc. Tài liệu này sẽ cực ký có giá trị với sự phân tích hợp lý trong việc liên hệ với các vấn đề liên quan. Nhưng tiếc thay! Nó lại là những mảnh giấy in roneo của một bà bán xôi khả kính mà tôi đã đề nghị đổi một tập vở học sinh 100 trang của con tôi, để lấy tất cả những miếng giấy gói xôi của bà, sau khi mua một gói xôi và phát hiện những tư liệu lịch sử trong đó. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ tôi không thể sử dụng tư liệu này, cho dù đó là một tư liệu hoàn toàn khách quan.

    Bởi vậy, khi biết tới bài báo viết về ông Đỗ Văn Xuyền và biết địa chỉ của ông, tôi với người anh trưởng đi ngay lên Việt Trì. Chúng tôi đã gặp may, ông Xuyền biết tới mẹ tôi, nên rất quí anh em chúng tôi. Tôi tặng ông ấy bộ sách của tôi.

    Những phát kiến của ông đã cho tôi hy vọng rất nhiều. Tôi mong rằng những tư liệu này sẽ là những bằng chứng chắc chắn trong việc chứng minh lịch sử văn hoá Việt gần 5000 năm văn hiến. Tất nhiên, tôi rất thận trọng trong việc sử dụng tư liệu. Tôi không bao giờ chụp ảnh mộ Lạc Long Quân mà người ta nói là tìm được ở Phú Thọ làm bằng chứng khảo cổ cho một nền văn minh tồn tại ở nam Duơng Tử từ gần 5000 năm trước. Không phải vì cùng một quan điểm về lịch sử Việt mà tất cả các công trình nghiên cứu đều được chấp nhận trong tôi.
    BẢN VIỆT CA
    Đây là tư liệu có nguồn gốc còn lại từ bản văn chữ Hán mà giáo sư Lê Mạnh Thát dùng làm một bằng chứng quan trong việc chứng minh nền văn hiết Việt.
    ÔNG ĐỖ VĂN XUYỀN ĐANG DỊCH BẢN VIỆT CA RA CHỮ ĐẨU TỰ .



    BẢN VIỆT CA ĐÃ DỊCH RA CHỮ ĐẨU TỰ .



    MỘT SỐ BÀI THƠ ĐÃ DỊCH RA CHỮ ĐẨU TỰ .











    Những hình ảnh trên đây, chỉ là một hiện tương tiêu biểu trong nhiều hiện tượng dịch từ chữ quốc ngữ ra chữ Khoa Đẩu, mà do giới hạn của blog tôi không thể trình bày hết. Nhưng tôi hứa với các bạn là tôi sẽ viết một tiểu luận hoàn chỉnh về vấn đề này trên website có uy tín để giới thiệu với các bạn về chữ Việt cổ. Tuy nhiên, chỉ cần dừng ở đây thì chúng ta sẽ suy ngẫm gì về hiện tượng này? Ông Đỗ Văn Xuyền đã tự tạo ra một hệ thống chữ viết mà ông gọi là chữ Việt cổ hay ông đã phục hồi đuợc chữ Việt cổ từ những di sản còn lại mà ông đã cất công sưu tầm? Hệ thống chữ viết này có nhiều tính chất gần giống chữ quốc ngữ của chúng ta hiện nay. Đó là tính ghép vần và có tính quy luật. Nếu phủ nhận hệ thống chữ viết của ông Đỗ Văn Xường không phải là chữ Việt cổ mà cho rằng ông tự nghĩ ra hệ thống này thì trước hết phải công nhận ông là một siêu nhân và không một thiên tài nào trong lịch sử nhân loại có thể tự mình tạo ra một hệ thống chữ viết hoàn hảo như vậy, chỉ trong vòng 6 năm từ 2003; khi ông bắt đầu suy nghiệm và nghiên cứu. Còn nếu chúng ta cho rằng siêu nhân chỉ có trong huyền thoại và trí tưởng tượng thì luận điểm cho rằng ông Xường đã phục hồi lại một hệ thống chữ Viết cổ dã thất truyền và thể hệ tiếp nối cần tiếp thu một cách nghiêm túc để hoàn thiện thì có lẽ gần với tinh thần khoa học hơn.

    Vào những năm 30 của thế kỷ 20, khi vị giáo sĩ cuối cùng của người Ai Cập trông coi Kim Tự Tháp chết đi. Chính người Ai Cập hiện đại đã không thể đọc được những chữ Ai Cập cổ ghi trong Kim Tự Tháp. Một nhà nghiên cứu người Pháp chỉ từ 6 ký tự Ai Cập cổ trên một miếng ván cổ mà có thể phục hồi lại hoàn toàn hệ thống chữ Ai Cập cổ. So với trường hợp của ông Đõ Văn Xuyền phục hồi chữ Việt cổthì công việc của nhà nghiên cứu Pháp khó khăn hơn nhiều so với ông Xuyền.

    Vấn đề này sẽ đuợc minh chứng hoàn hảo trong tiểu luận mà tôi sẽ trình bày với các bạn.


    THIÊN SỨ
    Last edited by dienbatn; 12-03-2008 at 08:17 AM.
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  15. #15
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    VẤN ĐỀ THỨ 4 : NGUYÊN NHÂN KẾT THÚC THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG .

    " Trong khi phát hiện truyền thuyết trăm trứng nằm trong Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát còn khám phá một sự thật lịch sử thú vị liên quan đến An Dương Vương và Triệu Đà. Từ truyền thuyết trăm trứng nằm trong truyện 23 của Lục Độ tập kinh, ông đối chiếu với một dị bản bằng tiếng Phạn và lại phát hiện truyền thuyết An Dương Vương giống như câu chuyện về trận đánh quyết định trong anh hùng ca Mahàbhàrata giữa hai anh em Pandu và Duryodhana. Đối chiếu với tất cả những gì được ghi trong Sử Ký của Tư Mã Thiên và các tài liệu cổ sử khác của Trung Quốc, ông khẳng định truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại (dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư) là không có thật, nó chẳng qua chỉ là một phiên bản của câu chuyện Mahàbhàrata từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng Vương mà thôi. Ông cũng tiếp tục đối chiếu sử sách và khẳng định không những không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương (vì làm gì có An Dương Vương mà đánh!) mà nước ta cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm. Nước Nam Việt của Triệu Đà chưa bao giờ bao hàm nước ta trong đó cả. Có nghĩa là, cho đến năm 43 (sau dương lịch), trước khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng thất bại, nước ta vẫn là một nước độc lập. Đó là triều đại Hùng Vương, là nhà nước Hùng Vương. Nhà nước đó đã được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp, có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học... Nhà nước đó, nền văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến "khai hóa" mà có. Nó có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để tiếp thu những gì là tinh hoa và để tự vệ trước âm mưu nô dịch của ngoại bang. Nó có đủ sự nổi trội để đóng góp vào nền văn minh chung của nhân loại mà Lục Độ tập kinh là một trong những dẫn chứng sống động. Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước. " ( Nguồn : http://www1.thanhnien.com.vn -Hoàng Hải Vân )


    " Về vấn đề thứ nhất, ta biết nền văn hóa Hùng Vương đã đạt được một số thành tựu rực rỡ. Trước tiên, nền văn hóa này đã xây dựng được một bộ máy công quyền dựa trên luật pháp, để bảo vệ biên cương và điều hành đất nước. Dấu vết cụ thể là bộ Việt Luật, mà vào năm 43sdl sau khi đánh bại được đế chế Hai Bà Trưng, Mã Viện đã phải điều tấu: "Hơn mười điều của Việt Luật khác với Hán Luật", như Hậu Hán thư 54 tờ 9a8-10 đã ghi. Sự kiện "điều tấu" này về Việt Luật đối lập với Hán Luật xác định cho ta một số điểm. Thứ nhất, việc Lưu Tú sai Mã Viện dẫn quân đánh Hai Bà Trưng vào năm Kiến Vũ thứ 18 (42 sdl) thực chất không phải là một đàn áp khởi nghĩa đơn thuần, mà là một cuộc xâm lược đối với một đất nước có chủ quyền dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng trên cơ sở luật pháp của bộ Việt Luật. Bộ Việt Luật này ngày nay đã mất, giống như số phận của Hán Luật. Tuy nhiên chỉ một việc đặt Việt Luật ngang với Hán Luật. Tuy nhiên chỉ một việc đặt Việt Luật ngang với Hán Luật cho phép ta giả thiết nó là một bộ luận hoàn chỉnh với các qui định và điều khoản được ghi chép rõ ràng, để cho Mã Viện đem so sánh với Hán Luật và phát hiện có "hơn mưòi việc" sai khác. Với một bộ luật như thế tồn tại, tất nhiên một chính quyền khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không thể có đủ thời gian để thiết lập. Một khi đã vậy, Việt Luật là một điểm chỉ chắc chắn về sự tồn tại của một chính quyền Hùng Vương độc lập năm 110 tdl cho đến 43 sdl. Chỉ một tồn tại liên tục lâu dài cỡ đó mới cho phép ra đời một bộ luật hoàn chỉnh và có tác động rộng rãi trong xã hội. Chính vì tác động rộng rãi này mà Mã Viện bắt buộc phải bắt tay ngay vào việc điều chỉnh các điều khoản của Việt Luật cho phù hợp với Hán Luật, như đã thấy. " ( Nguồn : http://www.quangduc.com/lichsu/03lspgvn1.html - Lê Mạnh Thát )
    Riêng phần này , Nhà nghiên cứu NGUYỄN VŨ TUẤN ANH đã có bài nghiên cứu từ lâu , dienbatn chỉ xin trích lại dùng phản biện .

    " NGUYÊN NHÂN KẾT THÚC THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG

    Kính thưa quí vị quan tâm.
    Truyền thống văn hoá sử của dân tộc Việt luôn nói về một cội nguồn gần 5000 năm văn hiến. Tuy nhiên; hiện có số đông các nhà nghiên cứu lịch sử cả trong nước và quốc tế cho rằng:
    “Quan niệm truyền thống này chưa từng được khoa học chứng minh”.
    Bởi vậy; họ đã đưa ra một quan niệm lịch sử mới là:
    “Thời Hùng Vương chỉ là một liên minh bộ lạc hoặc cùng lắm là một nhà nước sơ khai”.
    Nhưng theo nhận xét của người viết bài này thì tất cả những luận cứ và phương pháp luận của những người có quan điểm lịch sử mới này đều chủ quan và tất nhiên nó không hề có tính khoa học. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến thời đại Hùng Vương, mà một sự kiện quan trọng trong đó chính là nguyên nhân kết thúc thời đại này. Cũng có nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và nghiệp dư có những luận điểm chứng minh cho cội nguồn dân tộc, nhưng những luận cứ lại lặp lại điều mà chính các sử gia theo quan điểm mới đã nói tới. Thí dụ như họ cho rằng: Thục Phán là dòng dõi vua Ba Thục và đã lật đổ Vương triều của các vua Hùng. Bởi vậy; bài viết này nhằm chứng minh cho quan điểm trên là một sai lầm; với mục đích tìm về chân lý và nhân danh khoa học, với một tiêu chi khoa học rõ ràng và công khai là:

    Một giả thuyết khoa học chỉ được coi là đúng; nếu nó giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó một cách hoàn chỉnh, nhất quán, có tính khách quan, tính quy luật và khả năng tiên trị
    Kính thưa quí vị.
    Truyền thuyết của dân tộc Việt nói về một cuộc nhường ngôi vị của vị vua cuối cùng ở thời Hùng Vương thứ 18 cho Thục Phán – An Dương Vương. Nhưng có nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và không chuyên; tỏ ra hoài nghi hiện tượng lịch sử này. Họ đã căn cứ theo một số tư liệu lịch sử không mấy chính xác; thiều tính hợp lý và bằng những suy diễn chủ quan để kết luận một cách vỗi vã rằng:
    An Dương Vương đã tiêu diệt Hùng Vương.
    Trong những học giả hiện đại thì giáo sư Đào Duy Anh – nếu không phải là người đầu tiên – thì cũng đồng quan điểm với lập luận nói trên. Sử gia Đào Duy Anh với những lập luận của ông đã gây một ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau, khi tìm về cội nguồn dân tộc. Bởi vậy; việc chứng minh những sai lầm của ông, sẽ là một phương tiện giúp cho sự định hướng mới khi tìm về cội nguồn dân tộc Việt. Bài viết này được lấy từ cuốn: “Thời Hùng Vương và bí ẩn lục thập hoa giáp”. Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Người viết hiệu chỉnh lại.

    Về nguyên nhân kết thúc thời đại Hùng Vương, giáo sư Đào Duy Anh đã dẫn những tài liệu và lập luận trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời” như sau:

    Sách “Giao Châu ngoại vực ký” dẫn ở ”Thủy kinh chú” có lẽ là sách xưa nhất chép chuyện An Dương Vương là con Thục Vương, làm vua nước Âu Lạc sau khi chiếm nước Văn Lang của Lạc Vương:
    Giao Chỉ có ruộng Lạc, trông nuớc triều lên xuống mà làm. Người ăn ruộng là Lạc Vương và Lạc Hầu. Các huyện gọi là Lạc tướng, có ấn đồng dải xanh, tức là quan lệnh ngày nay. Sau con Thục Vương đem binh đánh Lạc Vương và Lạc hầu, tự xưng là An Dương Vương, đóng trị sở ở Phong Khê. Sau Nam Việt Vương là Úy Đà đánh An Dương Vương, sai hai sứ cai trị hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là nước Âu Lạc.
    Việt sử lược thì chỉ nói rằng:
    Cuối thời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt Thường, xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu.
    Toàn thư thì chép rằng:
    An Dương Vương (húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, sử cũ cho là họ Thục là sai) – Giáp Thìn, năm đầu (năm 58 Chu Văn Vương), vua nổi binh đánh diệt nước Văn Lang. Trước vua đã đánh nhiều lần. Hùng Vương binh cường tướng giỏi, vua nhiều lần bị thua. Hùng Vương nói rằng: Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao? Bèn bỏ không săn sóc vũ bị, ngày ngày chỉ uống rượu ăn tiệc làm vui. Quân Thục bức đến gần, Hùng Vương còn say mềm chưa tỉnh, hộc máu nhảy xuống giếng chết. Binh chúng trở giáo đầu hàng. Thục Vương gồm chiếm lấy nước, đổi tên là nước Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê.”

    Giáo sư Đào Duy Anh cho rằng: Thục Phán là người Ba Thục mà sách Giao Châu ngoại vực ký nói đến:

    Giao Châu ngoại vực ký gọi An Dương Vương là Thục Vương Tử nghĩa là con vua nước Thục.

    Để chứng minh cho quan điểm của mình giáo sư đã dẫn chứng truyền thuyết của đồng bào Tày và lập luận như sau:

    Bọn con cháu nước Thục ấy đã vào nuớc ta do đường nào? Về vấn đề này cũng như về sự thành lập của nước Âu Lạc, có một truyền thuyết của người Tày có thể cho chúng ta ít nhiều ánh sáng. Tại miền Cao Bằng ngày nay, trong đồng bào Tày được lưu hành một truyền thuyết bằng thơ về nguồn gốc của các bộ lạc. Truyền thuyết ấy gồm ba phần:
    1) Phần thứ nhất trình bày tình hình của các bộ lạc Nam Cương,
    2) Phần thứ hai kể chuyện chín chúa tranh nhau ngôi vua,
    3) Phần thứ ba trình bày sự thắng lợi của Thục Phán trong cuộc cạnh tranh ấy.
    Truyền thuyết ấy đại khái nói rằng:

    Từ thuở xưa, khi người ta vừa mới biết ánh sáng, biết ăn chín, biết che thân, biết phát rừng trồng lúa, biết đào mương lấy nước, biết dựng nhà che mưa nắng thì người ta cũng tụ tập thành bản mường, nhưng mỗi mường ở độc lập một phương. Về sau người ta tụ tập đông hơn, nhiều mường họp lại thành bộ, đứng đầu là vua chủ trương mọi việc, đặt chữ cho dân, vỗ về dân chúng khiến họ làm ăn yên ổn. Vua tốt thì dân được nhờ, vua ác thì dân nổi loạn, vua mạnh thì bờ cõi yên lành, vua không được dân phục thì phải nhường ngôi cho người khác. Ở phía Nam Trung Quốc, đầu sông Tả Giang, về gần nước Văn Lang, có bộ Nam Cương hùng cứ một phương. Bộ này do Thục Chế tức An Trị Vương đứng đầu, đóng đô ở Nam Bình, do chín xứ họp thành. Các xứ cứ ba năm triều cống một lần. Chín xứ ấy là: Thạch Lâm, Hà Quảng, Bảo Lạc, Thạch An, Phúc Hòa, Thượng Lang, Quảng Nguyên, Thái Ninh (tức phủ Thái Bình tỉnh Quảng Tây), Quy Sơn. Từ lúc An Trị Vương lên ngôi, nhân dân yên ổn, chín xứ đều thần phục cho nên dần dần trở nên hùng cường. Nước Trung Hoa mấy lần xâm lăng đều bị đánh lui, rồi từ đấy không dám quấy nhiễu nữa, hai bên kết tình giao hảo. Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục Phán mới lên 10 tuổi, cháu họ là Thục Mô tạm lên cầm quyền. Chín chúa nghe tin ấy tưởng rằng Thục Mô cướp ngôi, bèn kéo quân về bao vây kinh đô. Thục Mô sợ, phải giao quyền lại cho Thục Phán, các chúa mới chịu yên. Thục Phán còn nhỏ, sợ bị các chúa lấn át, nói rằng: Nay trong bộ có mười xứ, chín chúa giữ chín xứ, còn lại một xứ cho vua, như vậy thì có đâu phải là vua. Nay hãy thi tài, ai có tài hơn người mà thắng tất cả mọi cuộc thì ta xin nhường ngôi cho cai trị cả bộ. Các chúa nghe theo. Thục Phán bèn tổ chức mười cuộc thi tài:

    1. Đấu võ
    2. Làm nghề tốt việc nhanh
    3. Sang Trung Quốc lấy trống rồng (có lẽ là trống đồng, sách
    in sai chăng – người viết)
    4. Bắn cung trúng lá đa
    5. Làm một nghìn bài thơ
    6. Nhổ mạ Phiêng Pha (gần Tinh Túc) cấy ruộng Tổng Chúp
    (Cao Bằng)
    7. Đóng thuyền rồng
    8. Đẽo đá làm guốc
    9. Nung vôi gạch xây thành
    10. Mài lưỡi cày thành kim.
    Trong các cuộc thi ấy Thục Phán đều dùng kế mỹ nhân để phá, không cho chúa nào thắng được, nên cuối cùng Phán được các chúa tôn làm vua. Thục Phán ra sức củng cố cơ đồ nước Nam Cương, làm cho dân giàu nước mạnh. Nước Văn Lang láng giềng bấy giờ đang suy yếu, nhân dân xiêu tán đói rét, quân lính biếng lười, các tướng chỉ thích rượu thơ. Thục Phán nhớ lại đời Tiên Vương đất nước nhiều lần bị nước Văn Lang uy hiếp, cho rằng nay đã đến lúc phục thù, bèn cất quân sang đánh, Hùng Vương nhu nhược bại vong. Thế là nước Văn Lang bị gồm làm một nước với nước Nam Cương. Thục Phán đặt tên nước mới là Âu Lạc, đóng đô ở Loa Thành. Từ đó bốn phương yên ổn.

    Do truyền thuyết trên ấy, chúng ta có thể nhận thấy rằng bộ Nam Cương do Thục Phán làm vua là tương đương với miền Cao Bằng từ Bảo Lạc lấn sang đến cả một phần phủ Thái Bình tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu thế thì có thể nói rằng con cháu của vua nước Thục mà Thục Phán là đại biểu cuối cùng đã từ miền Tứ Xuyên và Vân Nam vào nước Nam Cương của truyền thuyết theo đường sông Lô, sông Gầm, rồi tràn sang miền thượng lưu sông Cầu và sông Hữu Giang. Người nước Nam Cương là người gì? Chúng ta đã biết rằng người nước Văn Lang là người Lạc Việt, lại cũng biết rằng nhóm Việt tộc sinh tụ ở miền Quảng Tây, tức trong lưu vực sông Tây giang với hai nhánh của nó là Tả giang và Hữu giang, là người Tây Âu, vậy nhân dân nước Nam Cương ở đầu sông Tả giang và lưu vực Hữu giang cũng là thuộc nhóm Tây Âu.

    Trước hết người viết xin được cáo lỗi bạn đọc vì sự trích dẫn quá dài, mong được sự thông cảm của bạn đọc; vì để bảo đảm tính khách quan khi so sánh giữa hai quan niệm khác nhau. Với quan điểm trên của giáo sư Đào Duy Anh, có lẽ đây là nguyên nhân để sau này có khá nhiều học giả đã phát triển quan niệm cho rằng: “ Hùng Vương bị Thục Phán – dòng dõi vua Ba Thục – tiêu diệt”, chứ không phải là một cuộc nhường ngôi. Để chứng minh tính khiên cưỡng và chưa rõ ràng cho kết luận nói trên – trong trường hợp này vì hoàn cảnh thiếu tư liệu – người viết xin phép được minh chứng cho luận điểm của mình; bằng cách sử dụng lại chính những tư liệu của giáo sư đã trích dẫn ở trên và chỉ ra tính mâu thuẫn trong lập luận của chính ông ta.

    Trước hết chúng ta nhận thấy rằng giáo sư Đào Duy Anh đã căn cứ vào một cách gọi An Dương Vương là Thục Vương tử trong sách ”Giao Châu ngoại vực ký’ để suy luận rằng nhân vật Thục Phán là con vua Thục (tức là một nước Tây Bắc sông Dương Tử). Đây là một nước đã bị Tần diệt vào năm thứ 5 Chu Thận Vương tức là khoảng cuối thế kỷ thứ IV tr.CN (năm 316 tr.CN), trước khi Văn Lang mất nước 60 năm (thời điểm sử cũ 258 tr.CN) hoặc khoảng hơn100 năm (thời điểm quan niệm mới 208 tr.CN). Sách Đất nước Việt Nam qua các đời của giáo sư Đào Duy Anh chép:

    Giao Châu ngoại vực ký” gọi An Dương Vương là Thục Vương tử, nghĩa là con cháu vua nước Thục. Chúng ta hãy xét xem An Dương Vương có phải là Thục Vương tử không?”

    Trước hết, chúng ta xem một đoạn tư liệu sau đây trong cuốn sách nói trên của giáo sư Đào Duy Anh.

    “Về nước Thục ở thời Xuân Thu thì sách Hoa Dương Quốc chí đời Tấn là sách đầu tiên chép rõ. Sách ấy chép rằng: “Năm thứ 5 Chu Thận Vương, bọn đại phu Trương Nghi, Tư Mã Thác và đô úy Mặc của nước Tần theo đường Thạch Ngưu đi đánh nước Thục. Vua Thục tự cầm quân cự chiến ở Gia Manh, thua , bỏ chạy đến Vũ Dương thì bị quân Tần giết. Tướng phó cùng với thái tử lui đến Phùng Hương, thái tử chết ở Bạch Lộc Sơn. Thế là họ Khai Minh mất, gồm 12 đời vua nước Thục.”
    Để thống nhất con vua Thục với Thục Phán, giáo sư đã liên hệ với truyền thuyết của dân tộc Tày. Tất nhiên giữa vua Thục Chế tức An Trị Vương với Thục Vương tử (Thục Phán) và dòng dõi vua Ba Thục ở Tây Bắc sông Dương Tử liên hệ với nhau như thế nào là một điều cần lý giải. Giáo sư Đào Duy Anh đã dựa vào một giả thuyết như sau:

    “Trần Tu Hòa, tác giả sách “Việt Nam cổ sử cập kỳ dân tộc văn hóa chí nghiên cứu” (Chú thích của Giáo sư Đào Duy Anh: Sách này xuất bản ở Côn Minh năm 1944) cho rằng An Dương Vương có thể là con út hay là con di phúc của Thục Vương và dựng lên ức thuyết rằng: Vũ Dương nay là đất huyện Bành Sơn tỉnh Tứ Xuyên ở phía nam Thành Đô, miền trung lưu sông Mân Giang. Phùng Hương và Bạch Lộc Sơn không rõ đích xác ở đâu, nhưng theo tình hình chạy tránh quân Tần và điều kiện địa lý thì triều đình và thái tử nước Thục tất phải chạy theo sông Mân Giang về phía Nam và thái tử có lẽ chết ở hạ lưu sông ấy. Nhưng sau khi thái tử chết thì dư chúng của nước Thục trong ấy có con nhỏ hay con di phúc của vua Thục vẫn theo sông Mân Giang mà chạy về nam, đến đất các huyện Nghi Tân, Khánh Phù tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, tức là theo lối Bặc đạo mà về sau Đường Mông đời Hán sẽ mở để xuống miền Nam Trung. Bấy giờ nước Sở đã chiếm cứ đất Kiềm Điền (tức Quý Châu và Vân Nam). (Người viết xin phép ngắt ngang: Đoạn này đã chứng tỏ rằng vào năm 316 tr.CN, vùng Quý Châu và Vân Nam vốn là đất của Văn Lang đã bị mất).Có lẽ con vua Thục và bộ chúng đã trốn tránh trong miền ấy thuộc nước cừu địch của nước Tần để mong chờ cơ hợi khôi phục. Sau đó 36 năm (tức năm 280 tr.CN, người viết), nước Tần lại chiếm đất Kiềm Trung của Sở. Trang Kiểu là tướng Sở bị cách tuyệt với bản quốc bèn chiếm lãnh đất Điền Trì tự xưng là Điền Vương. Nhưng chỗ con vua Thục ẩn thân thuộc miền Tường Kha, là đất nghèo và độc địa, lại ở gần với phạm vi thế lực nước Tần, cho nên con cháu vua Thục có lẽ đã phải hướng về Nam mà phát triển vào miền khí hậu ôn hòa, sản vật giàu thịnh, rồi cuối cùng chiếm được nước Văn Lang.”

    Như vậy quí vị đã thấy được tất cả những dẫn chứng khá đầy đủ những luận cứ của giáo sư Đào Duy Anh. Những luận cứ này có thể tóm lược như sau:
    1) Sách Giao Châu ngoại vực ký gọi An Dương Vương Thục Phán là Thục Vương tử.
    2) Truyền thuyết dân tộc Tày cùng với Toàn Thư Việt Sử lược nói đến Thục Phán tiêu diệt Hùng Vương chiếm Văn Lang.
    3) Liên hệ giữa Thục Phán của dân tộc Tày với Thục Vương tử được coi là con vua Thục qua giả thuyết của Trần Tu Hòa.
    Như vậy nguồn gốc của tất cả mọi vấn đề bắt đầu từ sách Giao châu ngoại vực ký. Sau đó là sự lý giải xuất phát từ một giả thiết nhiều hơn là một luận cứ được chứng minh, trên cơ sở những hiện tượng lịch sử liên quan. Qua phần trên, điều nhận thấy trước hết là: những tư liệu của giáo sư Đào Duy Anh đều có sau Sử ký của Tư Mã Thiên (ngoại trừ truyền thuyết của dân tộc Tày chưa xác định được). Về việc nhà Tần đánh nước Ba Thục, Sử ký – Truyện Trương Nghi, chép rõ như sau:

    “Huệ Vương nói:
    – Phải, quả nhân xin nghe theo nhà ngươi. (nghe theo Tư Mã Thác, bác bỏ lập luận của Trương Nghi – người viết) Rồi đem binh đánh Thục. Đến tháng 10 lấy được Thục. Bèn bình định nước Thục, truất Thục Vương, đổi hiệu làm Hầu, rồi khiến Trần Trang làm Thừa tướng nước Thục.”

    Qua đoạn Sử ký nói trên bạn đọc thấy rằng: không hề có việc Hoàng triều nước Ba Thục bị giết sạch, mà dòng dõi vua Thục vẫn tồn tại. Chi tiết “truất Thục Vương, đổi hiệu làm Hầu.” chứng tỏ điều này. Do đó, không thể có việc con di phúc của vua Thục chạy trốn xuống miền Nam để rồi làm vua Âu Lạc như ông Trần Tu Hòa nói tới. Vì vậy, việc một giả thuyết về cuộc chạy nạn của hậu duệ vua Ba Thục; chỉ là một sự giải thích cho một sai lầm từ ngay cách đặt vấn đề. Về truyền thuyết dân tộc Tày mà giáo sư Đào Duy Anh dẫn chứng cũng rất mâu thuẫn. Trước hết, chúng ta xem lại đoạn sau đây của truyền thuyết dân tộc Tày được trích dẫn ở trên:

    “Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục Phán mới lên 10”.

    Nếu sự liên hệ trên của giáo sư Đào Duy Anh là đúng thì chúng ta sẽ có một sự liên hệ tiếp tục sau đây:

    “Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi”, tức là Thục Chế lên ngôi vua lúc 35 tuổi. Nếu lấy năm 316 tr.CN là năm vua Thục Chế ra đời (Con di phúc; theo cách luận của Giáo sư Đào Duy Anh) thì 35 năm sau ông ta đã làm vua nước Thục, trong khi đó theo giả thuyết của ông Trần Tu Hòa thì 36 năm sau con di phúc của triều đình vua Ba Thục vẫn còn đang chạy loạn. Cho rằng có thể có sai số trong khoảng thời gian 1 năm đó thì cũng không thể lý giải nổi một đám người lưu vong 36 năm; đến một quốc gia đã ổn định mà truyền thuyết Tày nói đến, lại có thể lập tức lên làm vua. Thời điểm vua Thục Chế băng hà tức là vào năm 221 tr.CN (thời điểm Ba Thục mất nước và giả thuyết vua Thục Chế sinh năm 316 tr.CN – 95 năm tuổi thọ của Thục Chế = 221 tr.CN) – Thục Phán mới lên 10 tuổi (Tức là Thục Phán sinh năm 231 tr.CN). Thời điểm nhà Tần thống nhất lục quốc được ghi nhận là năm 221 tr,CN, chấm dứt thời Chiến quốc. Không có cơ sở nào để Thục Phán lên 10 tuổi chống Tần và không thần phục nhà Chu cả. Vì lúc này nhà Chu đã sụp đổ từ lâu. Qua những mâu thuẫn đã nêu ở trên, chứng tỏ tính chưa thuyết phục trong lập luận của giáo sư Đào Duy Anh. Để chứng tỏ điều này, người viết đã lấy thời điểm kết thúc thời Hùng Vương theo quan niệm mới là năm 208 tr.CN. Hay nói một cách khác: Tức là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giả thuyết của giáo sư Đào Duy Anh. Còn nếu theo sử cũ, thời điểm này là 258 tr.CN thì Thục Phán lúc này chưa ra đời. Với lập luận đã mâu thuẫn ngay trong nội tại của lập luận đó thì không thể nói đến khả năng lý giải những hiện tượng lịch sử liên quan. Bởi vậy, Thục Vương tử mà Giao Châu ngoại vực ký nói tới chỉ có thể giải thích một cách hợp lý là: ông vua một nước nhỏ họ Thục hoặc con vua Thục. Hoàn toàn không có một liên hệ gì với dòng dõi vua Thục cách đó gần 100 năm về trước; bị nhà Tần diệt. Về Thục Phán trong truyền thuyết của dân tộc Tày còn một điểm tồn nghi. Như chúng ta đã biết: chiến công lớn nhất tạo điều kiện để ngài Thục Phán nắm vương quyền chính là chiến công chống lại nhà Tần. Điều này trong truyền thuyết của người Tày lại không thấy nói tới. Đây là cơ sở để hoài nghi sự nhầm lẫn giữa An Dương Vương Thục Phán với Thục Phán trong truyền thuyết của dân tộc Tày.
    Điều sai lầm rất khiên cưỡng nữa của cả ông Trần Tu Hoà và Đào Duy Anh là: Tên nước là Thục thì không có nghĩa là tên họ của vua cũng là Thục. Điều này không khác gì nói Tổng Thống Bus là Tổng thống Hoa Kỳ thì họ và tên Ngài Bus sẽ phải là Hoa Kỳ Bus chăng? Thật là một sự liên hệ kỳ quặc.

    Với giả thuyết dựa trên truyền thuyết của người Việt được lưu truyền ở Vĩnh Phú, thì Vua Hùng Vương đã nghe theo lời của ngài Tản Viên Sơn Thánh, nhường ngôi cho Thục Phán.
    Sau đó hậu duệ của ngài đã về miền Tây Bắc Việt Nam và một phần Nam Trung Quốc. Đây chính là vùng của dân tộc Tày Mường, nơi có truyền thuyết mà giáo sư Đào Duy Anh đã dẫn chứng ở trên. Việc hoàng tộc của vua Hùng cùng với những quan chức trung thành với ngài chuyển lên vùng Tây Bắc mà truyền thuyết người Việt nói tới, hoàn toàn phù hợp với một hiện tượng văn hóa đã được các học giả quan tâm nghiên cứu: đó chính là sự liên hệ giữa những di sản văn hóa truyền thống của vùng Tày – Mường với người Việt cổ. Thậm chí có những học giả còn cho rằng văn hóa của người Việt có nguồn gốc từ Tày, Mường. Người viết cho rằng: Đây chính là dấu ấn của văn hóa cổ Văn Lang - cội nguồn của văn hoá Việt – đã để lại ở vùng Tây Bắc Việt Nam khi hoàng triều của vua Hùng đã chuyển đến đây. Hiện tượng này chứng tỏ khả năng thực tế của truyền thuyết của người Việt ở Vĩnh Phú. Tại vùng Tây Bắc Việt Nam (cũng là Tây Bắc Vĩnh Phú) tồn tại 1 di sản văn hóa nổi tiếng thế giới, đó là bãi đá cổ Sa Pa. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là di sản của người Việt cổ. Hiện tượng này minh chứng cho tính thực tế của truyền thuyết người Lạc Việt về Hoàng triều vua Hùng rút lên Tây Bắc. Kết hợp giữa hai truyền thuyết của hai dân tộc, người viết xin được đưa giả thuyết cho rằng:
    1) Cuộc chiến giữa thủ lĩnh họ Thục và Hùng Vương mà truyền thuyết Tày nói tới, có thể chỉ là cuộc chiến giữa các thủ lĩnh địa phương ở vùng Tây Bắc Âu Lạc với hậu duệ của vua Hùng. Bởi vì: Sử Ký đã chép”Miền nam sông Dương tử vốn là nơi giống Bách Việt; ở cùng một chủng tính”. Như vậy sự tồn tại của một “nước Thục” ở Quảng Tây – theo giáo sư Đào Duy Anh; chỉ có thể giải thích đó là những sự kiện vào cuối thời Hùng Vương; Hoặc với hậu duệ của vua Hùng sau khi đã nhường ngôi; chỉ còn cai quản và cư trú tại vùng Tây Bắc Việt Nam.
    2) Về việc vua Thục Phán trong truyền thuyết của dân tộc Tày tấn công tiêu diệt Hoàng tộc của vua Hùng; có khả năng đây là sự ngụy tạo với mục đích nhằm bảo vệ dòng dõi vua Hùng trước sự tìm diệt của các đội quân xâm lược. Về khả năng ngụy tạo – người viết lưu ý bạn đọc những tình tiết của cuộc chiến trong truyền thuyết dân tộc Tày và của Toàn thư. Nếu theo đúng miêu tả của những tư liệu này – thì đây không thể là cuộc chiến giữa hai quốc gia, vì nó quá dễ dàng và đơn giản như diễn biến trên sân khấu. (Vua đang say rượu thì quân vào chiếm thành?). Hơn nữa; cả Việt sử lược lẫn Toàn Thư đều là những cuốn sách viết sau khi Văn Lang sụp đổ đã hàng ngàn năm.
    Quan điểm cho rằng: vua Hùng đã nhường ngôi cho An Dương Vương được chứng tỏ bằng những truyền thuyết, ca dao, tục ngữ lưu truyền trong dân gian để chứng minh cho nền văn hiến 5000 năm của đất nước này, qua việc giải mã những ca dao; truyền thuyết thời Hùng Vương để khám phá sự bí ẩn của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Nếu triều đại Hùng Vương bị kết thúc một cách đột ngột trong chiến tranh thì không thể có sự chuẩn bị như vậy. Như truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh chắc chắn phải ra đời sau khi kết thúc thời đại vua Hùng.
    Trong lịch sử nhân loại hiện đại; chính phủ kháng chiến Pháp cũng rút khỏi thủ đô Paris để tránh một sự tàn phá những di sản văn hoá vốn là niềm tự hào của dân tộc họ; trong cuộc chiến với quân Đức Hitle. Bởi vậy; giả thuyết cho rằng:
    Vua Hùng đã nghe theo lời Đức Tản Viên Sơn Thánh; nhường ngôi cho Thục Phán nhằm bảo vệ những giá trị văn hoá dân tộc là một lập điểm hoàn toàn có cơ sở và hợp lý với những hiện tượng văn hoá lịch sử liên quan. Chính vì có công lao lớn trong việc bảo tồn văn hoá Việt là nguyên nhân – và cũng là sự giải thích:
    Ngài Tản Viên Sơn Thánh được người Việt tôn vinh là một trong Tứ trụ Thiên Vương Hộ Quốc của người Lạc Việt.

    Chân thành cảm ơn sự quan tâm của quí vị. "

    Thiên Sứ
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  16. #16
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của dienbatn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,043

    Mặc định

    dienbatn xin giới thiệu tiếp một bài viết mới của Thiên Sứ về vấn đề phản biện 4 .

    QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO SƯ LÊ MẠNH THÁT VÀ NGUYÊN NHÂN KẾT THÚC THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG.






    Gần đây trên báo Thanh Niên đã đăng một loạt bài của giáo sư Lê Mạnh Thát về nguyên nhân kết thúc thời đại Hùng Vương. Ông cho rằng: Thời Hùng Vương thực tế kéo dài đến thời kỳ Hai Bà Trưng chống Mã Viện. Ông đưa ra một số tư liệu lịch sử gián tiếp và suy luận cho quan điểm trên. Điều này được chấp nhận trong việc nghiên cứu khoa học. Nhưng kết luận của ông chỉ được coi là đúng, nếu nó giải thích được những vấn đề liên quan đến nó một cách hợp lý. Tôi chưa tán thành quan điểm này của giáo sư bởi những việc cần lý giải sau đây:

    @ Nhà Tần sau khi tiêu diệt Ba Thục thì tướng Tần là Đồ Thư đem quân tấn công Bách Việt. Hiện tượng lịch sử này cũng có nhiều tư liệu nói tới. Nhiều sử liệu và truyền thuyết cũng đề cập đến Đồ Thư đã thất bại và ngưới chống lại Đồ Thư chính là Thục Phán.

    @ Việc Thúc Phán là một lực lương chính chống Tần thành công và sau này trở thành một lực lương chống lại vua Hùng là một diễn biến hợp lý.

    @ Các sử liệu chính thức nhưng có niện đại muộn hàng nửa thiên niên kỷ cho rằng Thục Phán tiêu diệt triều đại Văn Lang. Song song với sử liệu này thì truyền thuyết cho rằng vua Hùng đã chấp nhận nhường ngôi cho Thực Phán và triều đại Hùng Vương kết thúc vào năm 258 trước CN.

    @ Khi kết thúc thời Chiến Quốc bên Trung Hoa, chính nhà Tần hùng mạnh đã chiếm vùng đất Văn Lang lập thành quận Nam Hải với quan thái thú là Nhâm Ngao. Khi nhà Tần thất bại thì Triệu Đà nhân cơ hội này tuyên bố lập nhà nước Nam Việt.

    @ Nhà nước Âu Lạc kế thừa Văn Lang tất yếu không thể chấp nhận sự lý khai của một bộ phận vốn đã mất từ trước thuộc nhà Tần. Nên việc chiến tranh giữa Nam Việt và Âu Lạc hoàn toàn là một vấn đề hệ quả hợp lý.

    @ Toàn bộ đất nước Văn Lang vào cuối thời Chiến cquốc là những cuộc chiến tranh liên miên với Sở - Tần và nội chiến. Nhưng tư liệu lịch sử cho thấy tướng Sở là Kiếm Trung đã đánh sâu vào Văn Lang đến tận Quí Châu bây giờ, sau bị Tần diệt. Đất nước tất nhiên suy yếu. Bởi vậy các quốc gia nam Dương Tử nổi lên trong thời gian này ghi dấu ấn là Mân Việt, Điền Việt, Âu Lạc lần lượt bị Triêu Đà thôn tính là một điều hợp lý tiếp theo. Những bản văn lịch sử bang giao giữa Hán Triệu đã ghi nhận điều này. Đây chính là lý do mà tiến nhân của người Việt thừa nhận nhà Triệu như một nhà nước chính thống trong sử Việt. Mặc dù ông ta đã giành quyền thống trị bằng sức mạnh.

    @ Nhà Triệu bị nhà Hán tiêu diệt. Đây chính là Bắc thuộc lần thứ nhất.

    @ Chính sách hà khắc của Tô Định nhân danh sự thống trị của nhà Hán là nguyên nhân để xảy ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một hệ quả hợp lý của những diến biến lịch sử nói trên. Đất nước Văn Lang xưa phục hồi lại lãnh thổ. Đây là nguyên nhân để Mã Viện – Tổng tư lệnh quân đội Hán – phải huy động lực lượng quân chủ lực để chiếm lại.


    Chính bởi hệ thống những tác nhân và hệ quả diễn biến hợp lý với nhiều chứng cứ lịch sử tuy mơ hồ, nhưng có liên hệ hợp lý trong một thời gian lịch sử trải gần ba trăm năm là điều quan điểm của giáo sư Lê Manh Thác cần lý giải một cách hợp lý. Nếu không lý giải được những điều này thì quan điểm của giáo sư Lê Mạnh Thát chỉ là một gỉa thiết dựa trên một vài tư liệu gián tiếp và nó sẽ là suy luận với quan điểm chủ quan.

    Tôi cũng xin bày tỏ sự khâm phục những khám phá những tư liệu rất có giá trị của giáo sư có khả năng chứng minh cho lịch sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ ở Nam Dương Tử với quốc gia Văn Lang, cội nguồn của dân tộc Việt dưới thời các vua Hùng. Nhưng tôi nghĩ cùng một tư liệu lịch sử - giả thiết tư liệu hoàn toàn chính xác - người ta có thể có những luận điểm khác nhau và phương pháp khác nhau cho việc tiếp cận sự thật lịch sử. Bởi vậy cần phải có tiêu chí khoa học để thẩm định cho những giả thiết khoa học.

    Một giả thiết khoa học được coi là đúng nếu nó giải thích hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó một cách nhất quan, hoàn chính, có tính quy luật, tính khách quan và có khả năng tiên tri.

    Tôi cho rằng giáo sư Lê Mạnh Thát đã có mục đích đúng khi chứng minh cho cội nguồn lịch sử văn hiến Việt. Nhưng để đạt được mục đích còn cần có cách phân tích hợp lý và phương pháp đúng.

    Thay cho lời kết luận của bài viết này, tôi xin giới thiệu một tư liệu lịch sử gián tiếp ca ngợi nền văn hiến huyền vĩ Việt ở Nam Dương tử. Đó chính là bài thơ “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” của Thi Tiên Lý Bạch. Ông là một danh sĩ tài hoa nổi tiếng thời Đường, có niên đại sau khi nền văn hiến Việt sụp đổ ở bờ nam Dương Tử ngót 800 năm. Nhưng chỉ với những di sản văn hoá Việt còn lại ở đây đã khiến thi Tiên Lý Bạch phải muốn hoá thân vào những giá trị Việt.


    MỘNG DU THIÊN MỤ NGÂM LƯU BIỆT

    Thơ Lý Bạch
    Hải khách đàm Doanh Châu,
    Yên đào vi mang tín nan cầu
    Việt nhân ngữ Thiên Mụ,
    Vân hà minh diệt hoặc khả đổ.
    Thiên Mụ liên thiên hướng thiên hoành,
    Thế bạt Ngũ Nhạc, yểm Xích Thành.
    Thiên Thai tứ vạn bát thiên trượng,
    Đối thử dục đảo đông nam khuynh.
    Ngã dục nhân chi mộng Ngô Việt,
    Nhất dạ phi đô kính hồ nguyệt.
    Hồ nguyệt chiếu ngã ảnh,
    Tống ngã chí Diễm Khê.
    Tạ công túc xứ kim thượng tại,
    Lục thuỷ đãng dạng thanh viên đề.
    Cước trước Tạ công lý
    Thân đăng thanh vân thê.
    Bán bích kiến hải nhật
    Không trung văn thiên kê
    Thiên nham vạn hác lộ bất định,
    Mê hoa ỷ thạch hốt dĩ mính,
    Hùng bào long ngâm âm nham tuyền.
    Lật thâm lâm hề kinh tằng điên.
    Vân thanh thanh hề dục vũ,
    Thuỷ đạm đạm hề sinh yên.
    Liệt khuyết tích lịch,
    Khâu loan băng tồi.
    Động thiên thạch phi,
    Hoanh nhiên trung khai.
    Thanh minh hạo đãng bất kiến để,
    Nhật nguyệt chiếu diệu kim ngân đài.
    Nghê vi y hề phong vi mã,
    Vân chi quân hề, phân phân nhi lai hạ.
    Hổ cổ sắt hề loan hồi xa,
    Tiên chi nhân hề liệt như ma.
    Hốt hồn quý dĩ phách động,
    Hoảng kinh khởi nhi trường ta.
    Duy giác thì chi chẩm tịch,
    Thất hướng lai chi yên hà.
    Thế gian hành lạc diệc như thử.
    Cổ lai vạn sự đông lưu thuỷ,
    Biệt quân khứ hề hà thì hoàn ?
    Thả phóng bạch lộc thanh nhai gian.
    Tu hành tức kỵ phỏng danh sơn.
    An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quý,
    Sử ngã bất đắc khai tâm nhan!


    Dịch nghĩa
    Mơ đi chơi núi Thiên Mụ, làm thơ để lại lúc từ biệt
    Khách đi biển kháo nhau về Doanh Châu,
    Khói sóng mù mịt, tin rằng khó tìm được.
    Nay người Việt nói về núi Thiên Mụ,
    Mây ráng khi tỏ khi mờ cũng có thể nhìn thấy.
    Thiên Mụ liền trời mà vươn chắn ngang trời,
    Có cái thế vượt Ngũ Nhạc, ép cả Xích Thành.
    Núi Thiên Thai cao bốn vạn tám nghìn trượng,
    Trước nó cũng bị áp đảo mà nghiêng về đông nam.
    Ta muốn nhân đó mơ về Ngô Việt,
    Một đêm bay qua vầng trăng hồ Kính.
    Trăng hồ soi bóng ta,
    Đưa ta đến Diễm Khê.
    Ở đấy nay vẫn còn nhà của Tạ Linh Vận,
    Nước biếc rập rờn, vượn kêu lanh lảnh.
    Chân mang giày Tạ công,
    Mình đi lên thang mây xanh.
    Đến lưng chừng vách núi thấy mặt trời ngoài biển,
    Nghe gà trời gáy vang không trung.
    Nghìn núi muôn khe, khó xác định đường đi,
    Say mê ngắm hoa đứng tựa núi đá, bỗng trời sập tối.
    Gấu thét rồng gào vang dội núi đá, suối khe,
    Rừng sâu chấn động, núi thẳm kinh hoàng.
    Mây xanh xanh chừng sắp mưa,
    Nước mờ mờ như bốc khói.
    Chớp giật sấm vang,
    Núi tan gò lở.
    Động trời cửa đá
    Rầm rầm mở ra ở giữa.
    Xanh mờ thăm thẳm không thấy đáy,
    Mặt trời mặt trăng lấp lánh soi lầu vàng gác bạc.
    Cầu vồng làm áo, gió làm ngựa,
    Thần mây bời bời bay xuống.
    Cọp gảy đàn, loan kéo xe,
    Người tiên đông như cỏ gai.
    Bỗng hồn kinh phách động,
    Tỉnh dậy sợ hãi mà than dài...
    Chỉ thấy chăn gối lúc đó,
    Khói ráng vừa qua biến mất.
    Những cuộc vui trên đời cũng như vậy thôi !
    Mọi việc xưa nay trôi qua như nước chảy về đông.
    Giã từ anh ra đi, biết bao giờ trở lại ?
    Hãy thả con hươu trắng nơi ghềnh núi xanh.
    Hễ cần thì cỡi ngay ngựa, thăm núi nổi tiếng,
    Chứ sao lại cúi mày khom lưng thờ bọn quyền quý,
    Khiến ta không sao mở lòng mở mặt !


    Dịch thơ

    Khương Hữu Dụng


    Khách biển đồn Doanh Châu,
    Khói sóng mịt mù tìm được đâu!
    Người Việt nói Thiên Mụ,
    Mây ráng tỏ mờ nay thấy đó.
    Thiên Mụ liền trời chân trời xanh,
    Thế lay Ngũ Nhạc, đổ Xích Thành.
    Thiên Thai một vạn tám nghìn trượng,
    Đứng trước Thiên Mụ cũng nghiêng mình.
    Ta muốn nhân đây mộng Ngô Việt,
    Một đêm nương trăng Kinh Hồ vượt.
    Trăng hồ rọi bóng ta,
    Đưa ta đến Diễm Khê.
    Tạ công chốn cũ nay còn đó,
    Trong veo tiếng vượn, nước xanh lè.
    Xỏ chân dép họ Tạ,
    Cất mình thay mây đi.
    Vừng đông, nửa vách thấy,
    Gà trời, giữa lừng nghe.
    Núi ngàn ngoắt ngoéo đường lắm hướng,
    Mê hoa tựa đá bỗng tối om.
    Beo gầm rồng kêu núi khe dồn,
    Run rừng sâu hề rợn từng non.
    Mây xanh xanh hề mừa chớm,
    Nước mờ mờ hề khói un.
    Sét đánh chớp lòa,
    Gò nhào cồn tan.
    Động trời cửa đá,
    Ầm ầm mở toang.
    Xanh mờ thăm thẳm chẳng thấy đáy,
    Ánh trời ánh trăng ngấn bạc vàng.
    Mặc áo ráng hề cưỡi ngựa gió,
    Thần trong mây hề bời bời bay xuống đó.
    Hổ đánh đàn hề loan đẩy xe,
    Người tiên đông hề đông gớm ghê.
    Bỗng hồn kinh mà phách động,
    Hoảng vùng dậy mà than dài.
    Tan khói mây lúc nãy,
    Trơ chăn gối mình đây.
    Cuộc vui trên đời nào khác vậy,
    Xưa nay muôn việc xuôi nước chảy!
    Giã người đi hề bao giờ lui?
    Toan thả hươu trắng núi xanh khơi,
    Cần đi hẳn cưỡi dạo non chơi.
    Dễ đâu cúi đầu gãy lưng phụng quyền quý,
    Khiến ta chẳng được mặt mày tươi.
    Bản dịch: Khương Hữu Dụng


    MỘNG DU THIÊN MỤ NGÂM LƯU BIỆT

    Cảm tác thơ Lý Bạch

    Nguyễn Vũ Tuấn Anh



    Khách hải hồ kể mãi xứ Doanh Châu.
    Cõi huyền thoại nơi chân trời giáp biển.
    Chuyện thần tiên văn hiến Việt ngàn xưa.
    Nơi ấy.
    Lồng lộng trên cao
    Thiên Mụ chắn ngang trời.
    Giữa huyền không bời bời.
    Ngũ nhạc còn bé, Xích thành nhỏ nhoi.
    Núi Thiên Thai hùng vĩ xuyên mây.
    Trước Thiên Mụ cũng ngả nghiêng chao đảo.
    Ta ôm mộng sống trong huyền thoại Việt.
    Mơ vượt sóng trào hồ Động Đình đất Kính.
    Xuyên Ngô Việt trong trăng thanh lung linh.
    Về Diễm Khê thanh bình.
    Theo bóng trăng đến lều tranh Tạ Linh Vân.
    Nơi nước biếc soi áng mây thơ thẩn.
    Hạc kêu, vượn hót
    Gió giục mây vần.
    Mượn hài thần Tạ công, ta nhẹ bước thanh vân.
    Lưng chừng núi chợt thấy mặt trời lồng lộng.
    Mão Nhật kê tinh gáy gọi hừng Đông
    Đường đi mênh mông.
    Mây buông ráng hồng.
    Chợt trời sập tối.
    Sầm sập mây trôi.
    Nghe Kỳ lân gào thét.
    Tiếng Rồng gầm vang khe.
    Gió giật chớp loè.
    Núi tan, non lở.
    Chợt vỡ toang cửa trời rộng mở.
    Thăm thẳm huyền vi.
    Chói loà trời trăng soi lầu vàng, gác bạc.
    Thiên thần lừng lững bay.
    Giáp trụ hiên ngang, lấp lánh bẩy sắc cầu vồng.
    Cưỡi thần mã phi nhanh như gió.

    Cõi trời huyền thoại Việt.
    Toàn người đẹp nghiêng thành.
    Ảo huyền như trăng thanh.
    Dáng tiên thanh tú .
    Đông như cỏ manh.
    Nghe hổ chơi đàn.
    Hồn Bá Nha chứa chan.
    Chợt nhìn phượng múa.
    Vũ khúc Nghê Thường mê man…

    Giật mình tỉnh giấc mơ vàng.
    Mang mang như khói hương tàn trôi đi.
    Ngàn thu qua có nhắc gì?
    Mơ xưa xứ Việt ngang mi dâng sầu.
    Đất trời nhắc cuộc bể dâu.
    Nào mơ danh tướng công hầu mà chi.


    Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều di sản lịch sử trực tiếp và gián tiếp khác tồn tại trong văn hoá Việt ghi dấu ấn cho nền văn hiến Việt, tồn tại trong văn hoá Việt, đủ minh chứng hùng hồn cho lịch sử dân tộc Việt trái gần 5000 năm văn hiến một thời huyền vĩ ở Nam sông Dương Tử.

    Nguyễn Vũ Tuấn Anh
    THIÊN SỨ
    Last edited by dienbatn; 15-03-2008 at 07:56 PM.
    LIÊN HOA VIÊN QUANG - GIA ĐÌNH VÔ HÌNH

  17. #17

    Mặc định

    Ngay từ tiểu học cháu đã thuộc lòng bai thơ " Hai Bà Trưng ", bà thơ này dạy trong chương trình trình tiểu học năm 1992-1993 gì đó cháu không nhớ rõ nữa không biết bây giờ có còn dạy nữa không. Bài thơ viết:

    Bà Trưng quê ở châu Phong

    Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

    Chị em nặng một lời nguyền

    Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

    Ngàn Tây nổi áng phong trần

    Ầm ầm binh mã tiến gần Long Biên

    Hồng quần nhẹ bước chinh yên

    Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành

    [COLOR="black"]Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

    Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
    [/COLOR]

    Theo như bài thơ này thì thời ấy nước ta vẫn gồm Lưỡng Quảng( đất Lĩnh Nam) phải không ạ?

  18. #18

    Mặc định traloi

    nhừng vấn đề lê manh that noi là kg co cơ sở và biện chừng và logic khoa học chuyên tram trứng là co thật vả vết tich bây vẩn còn khi đưa phải minh chứng co logic lịch sử khi chưa thấy đươc phật tanh thì lơi noi khg co khoa hoc chứng minh và khi đưa ra đủ sức thuyết phục moi người khg phai cai bằng tiến si là noi gi cung đựợc ?đó là tri kiến của thế gian ?kg co cơ sở khoa hoc

  19. #19

    Mặc định trả lời

    nhừng vấn đề lê manh that noi là kg co cơ sở và biện chừng và logic khoa học chuyên tram trứng là co thật vả vết tich bây vẩn còn khi đưa phải minh chứng co logic lịch sử khi chưa thấy đươc phật tanh thì lơi noi khg co khoa hoc chứng minh và khi đưa ra đủ sức thuyết phục moi người khg phai cai bằng tiến si là noi gi cung đựợc ?đó là tri kiến của thế gian ?kg co cơ sở khoa hoc

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •