A- Chi phái

Chi phái là những chi nhánh nhỏ do những Chức sắc gốc của Ðạo Cao Ðài Tòa Thánh Tây Ninh tách riêng tự lập ra, không còn chịu hệ thống của Hội Thánh Tòa Thánh Tây-Ninh nữa. Đó mới gọi: Chi phái Cao-Đài.

Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn Thượng Ðế lập nên, được chánh thức làm Lễ Khai Ðạo vào ngày 15-10 Bính Dần (Dl 19-11-1926).

Nhớ lại trước đây còn là những ngày đi khai đàn thượng Tượng cho nhơn sanh thì tình anh em của các bậc tiền bối hết sức là khăn khít nhau trong nền Đại-Đạo. Nhưng kể từ khi Pháp Luật Đạo ra đời, nghĩa là sau khi Đức Chí Tôn ban cho Pháp Chánh Truyền và dạy lập Tân Luật để phân định quyền-hành cho các Chức-sắc để dễ bề làm việc, thì có sự rạn nứt dần. Tất nhiên khi chưa có phẩm cấp cao hạ thì tình huynh đệ có phần thân thiết nhau, nhưng khi đã có phẩm tước rồi thì vì quyền hành, lợi lộc, lớn nhỏ nên có chỗ bất đồng ý-kiến, dù là phẩm tước này do Đức Chí-Tôn ban tặng tuỳ theo quả vị Thiêng Liêng, nhưng vì tình ý riêng tư ấy mà bớt sự trọng nễ nhau rồi tự ý tách rời nhau, mỗi người lập riêng phe phái và tự ban cho phẩm tước cao tột theo như ước vọng của mình. Từ đó mới có Chia phe phân phái, rạn nứt tình cảm để sau cùng thì CHI PHÁI xuất hiện.

Sau đó, một số Chức sắc cao cấp của Ðạo Cao Ðài không tùng phục Hội-Thánh Tòa-Thánh Tây-Ninh, nên tách riêng ra, lập Cơ bút riêng, phong thưởng Chức sắc riêng, tạo thành những Chi phái của Ðạo Cao Ðài. Xem như mỗi mỗi có một ông Trời riêng để làm Chủ.

Từ năm 1928 đến năm 1934, có 5 Chi phái được lập ra có hoạt động đáng kể, nhưng vì muốn được con số 12 Chi phái, nên người ta kể thêm những nhóm nhỏ lẻ tẻ mà đúng ra không thể gọi là Chi phái (vì không có Hội Thánh)


Năm Chi phái có hoạt động đáng kể lúc đầu là :

- Chiếu Minh (1927)

- Cầu Kho (1930)

- Minh Chơn Lý (1931)

- Tiên Thiên (1932)

- Ban Chỉnh Ðạo Bến Tre (1934).

Rồi từ 5 Chi phái nầy lại nảy sanh nhiều Chi phái khác nữa, như: từ Minh Chơn Lý nảy ra Minh Chơn Ðạo, từ Chi phái Chiếu Minh vô-vi nảy ra Chiếu Minh Ðàn, Chiếu Minh Long Châu. Lần lượt chúng ta sẽ khảo sát kỹ về hình thức và sinh hoạt của các Chi phái Cao Đài này cùng tiểu sử của các vị cầm đầu các chi phái ấy.


1- Lý do nào có Chi phái?

Thật ra từ trước tới nay, người tín hữu Cao Ðài muốn biết chính xác vì sao Đức Chí-Tôn đến lập nên mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mục đích là Qui nguyên Tam giáo phục nhứt Ngũ chi rồi, tức nhiên Qui hiệp cả ba Tôn giáo lớn là Phật, Tiên, Thánh và thống hiệp các chi nhánh nhỏ lại, để tất cả nhìn về một Đấng Chúa tể càn khôn thế giới rồi. Trong khi đó thì chính những người gốc Cao-Đài, đồng là huynh đệ tương thân tương ái, cùng hầu chung một đàn Cơ, nghe lời Chí-Tôn giáo hoá, bây giờ khi tạm đủ lông đủ cánh lại chủ trương lập Chi phái, rồi cứ đứng núp sau lưng các Ðàn cơ riêng và biện minh trách móc; người không chủ trương thì hoang mang hoặc không dám bàn, sợ phạm thượng mang tội. Trước đây tôi cũng rất sợ tội khi nói ra. Nhưng khi thấy Hiền Tài Hồng và nhiều vị cũng bộc lộ ra rồi, vậy thì tôi xin bổ khuyết để cống hiến chư độc giả quí mến gần xa những sự thật từ lâu dấu kín.

Người tín đồ thì chẳng hiểu bề trong, nên chỉ biết đi theo Chức sắc lãnh đạo ở địa phương mình. Hầu hết là họ có ý-nghĩ đơn giản: gần Thánh Thất nơi nào tu theo nơi ấy, đâu cũng vậy! Thành phần tín đồ trí thức hiểu biết thì khó chịu, tủi thẹn, rồi xa Ðạo, hoặc rút về tu tại gia, không muốn tham gia vào việc Ðạo hoặc đi qua Phật, Chúa…

Hội Thánh thì không muốn phơi bày việc không tốt của Hội-Thánh cho tín đồ biết vì sợ người ngoài biết được mà khinh rẻ cười chê và làm suy giảm tín ngưỡng, nên mong mỏi những Chức sắc lập Chi phái sớm hồi tâm: thương Thầy mến Ðạo mà trở về cùng Hội Thánh, hoặc cầu nguyện có được sự hộ trì của các Ðấng thiêng liêng để vấn đề được dàn xếp ổn thỏa êm đẹp trong tình huynh đệ..

Sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ của Ðạo Cao Ðài sau ngày Khai Ðạo dẫn đến sự phân chia Ðạo Cao Ðài thành nhiều Chi phái, đã làm cho biết bao thế hệ Tín đồ Cao Ðài có nhiệt tâm thương Thầy mến Ðạo phải ngậm ngùi đau khổ, hổ thẹn; nhưng chúng ta không nên vì đó mà ém nhẹm đi, cần phải phơi bày ra để phân tích tìm hiểu, rút kinh nghiệm, để từ đây đến mãi về sau, không còn đi vào vết xe đã đổ trước nữa.

Phải hiểu rõ rằng: “Đạo Thầy chỉ có MỘT!”

Thật ra sau khi Đức Chí-Tôn lập ra Pháp Chánh Truyền và hoàn thành Tân Luât, chính là lúc xảy ra những việc tranh tụng, tất thảy đều do từ gốc danh, lợi, quyền sinh ra mà thôi, nhỏ từ một nhà, rộng ra một nước, một thế giới tranh chấp nhau như thế, đến hậu quả là chia phe phân phái. Một bằng chứng là trận Thế chiến thứ nhất 1914-1918 nguyên nhân cũng không ngoài sự tranh chấp nhau về: Danh, lợi, quyền mà ra!


2- Tiên tri sự phân chia Chi phái

Lúc chưa chánh thức Khai Ðạo, Ðức Chí Tôn đã có cho bài thi tiên tri,có tính cách cảnh tỉnh, nhưng không ai để ý: TNHT: Ngày 20-2-1926.

“Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,

“Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
“Chung hiệp ráng vun nền đạo đức,

“Bền lòng son sắt đến cùng Ta”.

Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.”


Lại nữa:

…“Nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Ðạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau; nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt. Lại nữa, trước Thầy lại giao Chánh Giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh Giáo mà làm ra Phàm Giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ.

Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh Thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo.

Vì vậy Thầy mới lập ra có một phẩm Giáo-Tông, nghĩa là anh cả, ba phẩm Ðầu Sư, nghĩa là Giáo Hữu. Chẳng một ai dưới thế nầy còn đặng phép nói rằng thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn loại. Ai có đức hạnh lớn thì mới ngồi đặng địa vị của Thầy ban thưởng. Còn cả môn đệ, ai cũng như ai, không đặng gây phe, lập đảng; nhược kẻ nào phạm tội, thì Thầy trục xuất ra ngoài, cho khỏi điều rối loạn.”

Có người cho rằng sự phân phe chia phái là tiền định, nhưng chúng ta phải thấy rằng Thầy đã thấy trước tất cả muôn việc trong đời này: Có Dương tất có Âm, có Chánh tất có Tà, để nhân sanh phải sáng suốt mà nhận định hai lẽ luôn mâu thuẫn nhau, đừng có lầm lạc mà phải chịu ngàn muôn năm chịu sa đoạ. Vì rằng:

Sự phân chia Chi phái cũng do nhơn dục nên mới đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại cho nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn như ngày nay cứ từng bước diễn biến. Tuy nhiên khi viết về Chi phái, Soạn giả chỉ với một mục đích là nói lên những diễn tiến đã xảy ra như một màn kịch trên sân khấu hí trường, chứ chúng tôi không hề dám trách những bậc tiền bối, mà chỉ dám nói lên những tâm tình thỏ thẻ với những bạn đồng hành trên bước đường học Đạo hẳn còn nhiều lối quanh co khúc khuỷu mà thôi.


3- Thầy đau lòng mà nhìn sự rạn nứt ra Chi phái:

Ðức Chí Tôn rất đau đớn khi phải giáng cơ nói trong Thánh Ngôn ngày 23-3-Canh Ngọ (dl 21- 4-1930)


“Thầy phải sửa cải Thiên thơ để cho mỗi đứa được có ngày giờ và thế lực mà dìu dắt nhau cho tròn phận sự, nhưng rốt lại, Tà quyền cũng lấn lướt chất Thánh, bước tục dẫn chơn phàm. Thầy rất đau lòng mà dòm thấy con cái líu xíu bị lầm vào đường Tà quái.

Ðứa thì mê tài, đứa thì ham cận sắc, đứa bị biếm vào lối lợi quyền, đứa bị xô vào nơi thất đức. Mỗi đứa mỗi nẻo, đều quăng sạch chất thiêng liêng, lầm lũi đưa tay theo mấy mươi động.

Hại nữa, các con bị nó tàng ẩn xô cho dang nhau, bứt nghiến tình đoàn thể, chặt lìa dây liên lạc, giành xé cắn rứt nhau như kẻ khác nhà, gà riêng ổ, cho đừng có thế lực chi mà kình chống với chúng nó, rồi rốt cuộc lại thì các con phải lần lần bị manh mún phân chia, sa vào hang sâu vực thẵm.

Thầy tưởng để cho các con lo liệu giành giựt đương cự với chúng nó, nhưng dòm Thiên thơ thì tám phần mười đã sa ngay vào chơn của Quỉ vương vày đạp, mà lại phần đông các con là bậc phẩm cao, chức trách trọng hậu.


Tà đã thắng Chánh thì con (Thượng Trung Nhựt) làm thế nào đương cự cho kham. Con là đứa Thầy tin cậy hồi ban sơ, tuy bước đường cũng lắm lúc sai lầm nhưng nhờ các Ðấng thiêng liêng thương mà chỉ dẫn, nên bước vừa trờ tới kịp lúc trở ra.

Thương hại thay cho nhiều đứa khác, quyền chưa từng nắm, của chưa từng cầm, sắc chưa từng gần, lợi chưa từng thấy, bị lũ quái tùy Thiên thơ, đem treo trước mắt mà phải lầm lũi bước đường, chơn linh quí hóa kia mắc lẫn với xác phàm mà phải chịu muôn đời chìm đắm.

Ðạo tuy cao, song nên biết sức Quỉ cũng chẳng hèn. Nếu không ngăn ngừa dằn lửa nóng trong tâm thì lửa Tam Muội của Quỉ vương đốt cháy”.


13 Mars 1926

“Thầy cho các con biết trước, đặng sau đừng trách rằng quyền hành Thầy không đủ mà kềm thúc trọn cả môn đệ...Các con đủ hiểu rằng: Phàm muôn việc chi cũng có thiệt và cũng có dối; nếu không có thiệt thì làm sao biết đặng dối; còn không có dối, làm sao phân biệt cho có thiệt... Cười...

Thầy nói cho các con hiểu rằng: Muốn xứng đáng làm Môn đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm Môn đệ Thầy thì là Bạch Ngọc Kinh mới chịu rước; còn ngã thì cửa Ðịa Ngục lại mời. Thương thương, ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!

Bởi vậy cho nên Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ dành. Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình, chung quanh các con, dầu xa, dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp; chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con.

Ấy vậy rán gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy”.

(Thánh Ngôn Sưu Tập: 14-7-1932 (âl 11-6-Nhâm Thân)


Hôm nay:

“Thầy đến cùng các con chỉ trông cậy có một điều là làm phương nào cho các con đặng thiệt lòng thương yêu hòa thuận cùng nhau. Thầy đã hết lời khuyên dạy buổi đầu, lại để lời tiên tri dặn bảo, mà các con chẳng biết vâng lời, cứ gây đoan những điều hờn giận, dối trá, gạt nhau, đòi phen lại dám mượn danh Thầy mà làm lợi khí.”

Điều quan trọng là Thầy đến lập Đạo nơi nước Việt Nam

Thầy dạy nơi Minh Lý Ðàn tháng 6-Ðinh Mão (Tháng 7 năm 1927)

“Cười... Ta mừng cho con đó, Trung.

Thầy có hội chư Tiên, Phật lại mà thương nghị về sự lập Ðạo tại Ðại Nam Việt quốc.

Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau, phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn hưng đạo đức. Tuy bây giờ phân chia nhiều nhánh, nhiều chi, chớ ngày sau cũng có một mà thôi.

Các con, dầu bên nào cũng thương nhau như con một nhà, chớ khá ganh gổ chê bai nhau.

Thầy xin lập Tiểu đàn nầy là Thầy biết con đến đó,

Trung. Con khá nhớ những lời Thầy đã dạy: Con phải nên trợ giúp Minh Lý cho nên việc, nghe há!

Có nhiều Đạo, cũng như cái nhà, phải có nhờ nào là cột cái, nào là cột con, đòn tay, kèo, rui. Rui là nhỏ, mỏng mảnh hơn hết, mà cũng phải nhờ nó. Tuy kể cho nhiều tên, chớ cất rồi thì có một chủ mà thôi.

Con Trung, nên về rán tập các đạo hữu của con cho có lễ phép. Ðạo thành là nhờ Lễ.

Bên Minh Lý đây là Séminaire, là chỗ các thầy tu, ngày sau độ về phần linh hồn đó con.

Thôi Thầy về, chút nữa có Thái Ất giáng”. Thăng.


Chú Thích:

Trung: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt .
Thương nghị: Cùng nhau bàn bạc để sắp đặt công việc.

Ðại Nam: Tên cũ của nước Việt Nam.

Nhiều nhánh nhiều chi: Nhiều nhánh là chỉ Tam giáo: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo. Nhiều chi là chỉ Ngũ chi Minh đạo hay Ngũ chi Ðại Ðạo. Ngũ chi Minh đạo gồm: Minh Sư, Minh Ðường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân. Ngũ chi Ðại Ðạo: Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhơn đạo.

Tuy bây giờ phân chia nhiều nhánh nhiều chi, chớ ngày sau cũng có một mà thôi: Ðây là tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn lập ra là: Tam giáo qui nguyên Ngũ chi phục nhứt. Bây giờ thì các Đạo còn phân chia khác nhau, nhưng qua Hội Long Hoa rồi, các đạo đều gom về một mối là Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ.

Séminaire: Tu viện đào tạo các tu sĩ.

Minh Lý: Một chi trong Ngũ Chi Minh đạo, trụ sở chánh hiện nay đặt tại Tam Tông Miếu ở đường Cao Thắng, Sàigòn. Thuở mới khai đạo, Ðức Chí Tôn dạy Hội Thánh đến Tam Tông Miếu thỉnh các bài kinh: Niệm Hương, Khai Kinh, Kinh Sám Hối, Kinh Cầu Siêu, Kinh Tán Tụng Công Ðức Thần, Thánh, Tiên, Phật về làm kinh tụng đọc trong Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ. Mười năm sau các Đấng mới giáng cho Kinh Tận độ, Chi phái tách ra sớm nên họ không có Kinh Tận độ..Thái Ất: Trong Kinh Cầu Siêu có câu: “Cứu khổ nàn Thái Ất Thiên Tôn”. Thái Ất là vị Ðại Tiên, học trò của Ðức Ngươn Thỉ .

Ngày 7-8-Ðinh Mão (dl 12-9-1927)

LÝ BẠCH

Thượng Trung Nhựt, hiền hữu có mang trách nhiệm lớn lao của Ðại Từ Bi đặng phổ thông điều đình mối Ðạo, hiệp với Hội Thánh mà trù nghĩ suy tính cách thức hành động về bước đường của chư Thiên phong và Đạo hữu trong buổi nầy.

Phải lấy nét thẳng đường ngay do nơi tâm thành mà hành sự tạc thù, sợ chinh lòng mà để nét bất bình cho cả chư Đạo hữu. Mỗi việc hành động đều do nơi Ðức Từ Bi sắp đặt sẵn rồi, duy có để cho chư Hiền hữu bước lần mà đi tới.

Những Đạo hữu nào không vì hạnh đức mà chung hiệp nhau lo hành Chánh giáo thì đã có Thần, Thánh lãnh lịnh biên ghi vào Sổ Công Quả, đợi ngày chung qui đặng đem vào cân Thiên điều mà phán đoán.

Hiền hữu cũng nên giữ lời Thánh giáo của Ðức Từ Bi, hễ ai biết phục theo luật định của Hội Thánh Công Ðồng thì đặng phép dâng sớ cho Lão định đoạt. Nhiều kẻ lại tư lịnh, muốn mở riêng đường khác, đặng dìu nhơn sanh vào lối quanh co.


Hại thay! mà cũng tiếc thay! Căn xưa quả trước chẳng chịu lo đền bồi, lại tự dẫn mình vào nơi hang thẵm, sau kết cuộc ra thế nào sẽ thấy.

Hiền hữu tua lo về phần Thuyết đạo cho chóng.

Bàn Trị Sự đã có sắp đặt đủ tư cách và mỗi đạo hữu đều có tư cách riêng, mỗi tháng nhóm một lần, là đêm rằm mà bàn tính việc đạo, xem xét coi sự nào trong đạo nên hủy vì sái nhơn tâm, sự nào nên thi hành thì hiệp lòng sanh chúng, gắng lo chung nhau mà làm cho Ðạo đặng có phẩm giá tối cao tối trọng, thì thế nào chư hiền hữu chẳng vui lòng bước tới.

Mỗi lần nhóm Bàn Trị Sự, ba vị Ðầu Sư phải có mặt, ba vị Chức sắc Hiệp Thiên Ðài chứng sự, mỗi việc nghị định đều biên chép để lại đành rành, sau khỏi điều dị nghị.

Trong cả chư đạo hữu, Lão cho hiền hữu biết rằng Nữ phái phần nhiều chưa thông hiểu về Ðạo cho lắm.

Hiền hữu, mỗi đàn lệ, cần phải buộc Nữ phái tới mà nghe thuyết đạo chung với Nam phái. Sau nầy, chừng Lão liệu có đạo muội nào đáng công tìm học đạo lý, thì sẽ cho thuyết đạo riêng về Nữ phái.

Tr... bạch: Xin nhóm đàn tại Chợ Lớn mỗi tháng.

Hiền hữu đặng tự liệu.

Từ đây để H... vào Hiệp Thiên Ðài nghe.

Lão để lời khuyên chung và gắng vì Ðạo mà tỏ nét kính thành Ðấng Chi Tôn. Thăng”.


Chú thích:

Trong đàn hôm nay có Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt viết tắt là Tr..và Bác sĩ Lê văn Hoạch viết tắt là H. sau đắc phong Bảo Sanh Quân trong Thập nhị Bảo Quân.

Phổ thông điều đình mối Ðạo: Phổ thông là truyền bá giáo lý của Ðạo ra khắp nơi. Ðiều đình là dàn xếp cho đạt được sự hòa hợp mà làm việc cho kết quả.

Sổ Công Quả: Sổ ghi chép công quả của mỗi người, để Ngọc Hư Cung định vị cho người ấy sau khi qui liễu.

Luật định của Hội Thánh Công Ðồng: Các luật lệ lập ra bởi toàn cả Hội Thánh cùng chung quyết định.

Nhiều kẻ lại tư lịnh muốn mở riêng đường khác: Ý nói nhiều vị Chức sắc có ý riêng, muốn tách ra, dẫn tín đồ đặng lập Chi Phái, không tùng phục Hội Thánh Toà Thánh Tây ninh.

Lối quanh co: Ý nói con đường tà vạy, Tà đạo mà chính những người này bày vẽ ra làm cho mất dấu chơn truyền.

Căn xưa quả trước: Nguồn gốc của mỗi người và kết quả những việc làm thiện ác trong kiếp trước đã gây ra, may duyên buổi này gặp Đạo Trời khai mở là phương thoát tục không lo sám hối lại còn gây lắm điều phiền toái, hại Đạo.

Bàn Trị Sự: Cơ quan tạm thời do Hội Thánh bầu cử lập ra để điều hành việc phổ thông nền Ðạo đến khắp mọi nơi. Ðây không phải là Bàn Trị Sự nơi Hương đạo như hiện nay.

Chứng sự: Nhìn nhận sự việc diễn tiến một cách hợp pháp theo Luật Ðạo.

Nghị định: Hội lại với nhau bàn bạc mà đồng ý qui định một việc gì.

Ðàn lệ: Ðàn cúng thường lệ, tức là Ðàn cúng vào ngày mùng 1 và ngày 15 hằng tháng.


Đức Hộ-Pháp cho biết nỗi khó trong buổi đầu:

“Thánh-thể của Đức Chí-Tôn hồi buổi đó không có giá trị, không trật tự, họ CHIA PHE PHÂN PHÁI, họ còn phe đảng dữ lắm! Mạnh đặng yếu thua, khôn còn dại mất, thế lực dữ lắm, không có cái gì thiếu! Làm cho Thánh-Thể Đức Chí-Tôn buổi đó dơ bẩn làm sao đâu không thể tưởng tượng được.

Đức Lý Giáo-Tông hội chư Thánh, nhưng đương đầu với Đức Chí-Tôn họ chẳng dám. Vì lẽ đó họ CHIA PHE PHÂN PHÁI, lập đảng. Ngài thấy tình thế như vậy, Ngài mới biểu Bần-Đạo xuống tại Thủ-Đức trong bảy tháng. Bần-Đạo chung sống cùng Ngài, đặng Ngài truyền Thể pháp. Giờ phút này Bần Đạo đứng tại tòa giảng đây tưởng tượng nhớ đến tâm tình ấy thấm thiết biết bao nhiêu! Nồng-nàn mà nói không có một điều gì sơ-sót, chỉ đủ mọi hành tàng, rành-rẽ chi tiết hết. Bần Đạo vừa biết rồi Đức Lý liền từ chức không làm Giáo-Tông của Đạo trọn ba năm vậy!

Khi Bần Đạo ở Thủ Đức về:

- Đức Lý một đàng Ngài biểu theo Ngài chỉnh đốn Hội-Thánh lại.

- Một đàng Đức Chí-Tôn nói: Đừng nghe Lý Thái Bạch đa nghe Phạm-Công-Tắc!

Một đàng kéo, một đàng trì làm cho Bần Đạo

không biết đường đi chút nào! Thất thơ, thất thưởng mất linh hồn, muốn nửa tỉnh nửa say. Ngài đến 11 giờ, Ngài viết đến bốn giờ sáng, chỉ rành-rẽ thế nào, nhất là Ngài biểu Bần-Đạo hiệp cùng Ngài cho có quyền Chí-Tôn hữu hình tại thế này. Hiền Hữu muốn cho Đạo Cao-Đài còn tồn tại hay nghe lời Đức Chí-Tôn để cho nền Đạo phải mất?

Bần Đạo cứ nghĩ-nghị, đó rồi Đức Chí-Tôn đến, thật sự Ông Già hơi buồn thật! Ngài nói:

“Tắc! Con sửa-soạn đặng làm lễ Đăng Điện cho Đức Lý Giáo-Tông nghe!”

Rồi đó Ổng ở, Ổng nghe Đức Lý Giáo-Tông cầm quyền.

Đức Lý, Ngài biểu Thiên-phong Chức-sắc cả Cửu Trùng-Đài, Hiệp-Thiên-Đài lập Cửu Trùng Thiên để Ngài đăng Điện, khi Ngài đăng Điện rồi. Ngài cầm cây viết, Ngài viết bài Diễn văn đăng Điện cho tới tận thế sẽ không có vị Giáo-Tông nào làm một bài Diễn-văn hay như vậy”


(Đức Hộ-Pháp thuyết 17-8 Nhâm-Thìn)

Như thế:

Các nguyên nhân gây chia rẽ để lập thành các Chi phái, có những nguyên nhân do bên trong và cũng có nguyên nhân do từ bên ngoài tác động vào..

Tựu trung có 4 nguyên nhân chánh sau đây:

1- Anh hùng tánh cá nhân, muốn làm một ông vua xứ nhỏ hơn là làm đại thần của một nước lớn.

2- Sự bất đồng ý kiến, sự mâu thuẫn trong nội bộ khiến không thể cộng tác với nhau được.

3- Mỗi người hay mỗi nhóm có lập Cơ bút riêng và chính Cơ bút nầy phong cho họ những chức tước cao cấp theo lòng mong muốn của họ và xúi giục họ lập Chi phái không tùng mạng lịnh Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh.

4- Bên ngoài thì nhà cầm quyền Pháp xúi giục phân chia làm cho nền Ðạo rã tan thành manh mún, không còn đủ sức để đe dọa nền thống trị của nước Pháp.

Người Pháp lúc đó rất sợ Ðức Quyền Giáo-Tông Lê Văn Trung, vì trước khi theo Ðạo Cao Ðài, Ngài là Thượng Nghị viên của Thượng Nghị Viện Nam Kỳ, đứng đối lập với chánh quyền để tranh đấu cho quyền lợi của dân chúng Việt-Nam, như vụ chống tăng thuế điền làm Pháp phải nhượng bộ.

Trong văn thư số 23 của Ðức Phạm Hộ-Pháp gởi cho Bắc Tông Ðạo (Hà Nội), lúc Ngài ở Kiêm-Biên (Nam Vang) đề ngày 12-3-Mậu Tuất (dl 29-4-1958).

Đức Hộ-Pháp, Ngài có viết:

“Khi mới mở Ðạo thì mấy Anh lớn đều do nơi trường quan lại của Pháp, trong hàng Phủ và Ðốc phủ mà họ đương cầm quyền Chủ Quận hay Phó Chủ Tỉnh. Vì cớ mà Pháp đã ra lịnh cho mấy Anh ấy phải từ khước, không đặng hiệp tác cùng Anh Lê Văn Trung, là tay nghịch hẳn cùng Pháp đã rõ ràng bằng cớ. Pháp lại hứa cùng mấy Anh lớn ấy rằng: Họ muốn tu theo Ðạo Cao Ðài thì họ tự lập Chi phái, rồi họ sẽ được sự bảo vệ đặc biệt của Pháp, còn theo Anh Lê Văn Trung thì họ sẽ bị khủng bố, không cho làm quan lại của Pháp nữa.

Ðiều ấy mấy Anh lớn cũng không đủ sợ, vì công danh quyền lợi mình mà nhảy ra thành lập Chi phái, nhưng tới khi Pháp hăm rằng: sẽ khủng bố đến con cái của họ đương du học tại Pháp, tiền cấp học bổng bị thâu lại và không cho cha mẹ có phương thế gởi tiền sang cho nữa đặng tiếp tục việc học hành. Ðiều nầy làm cho họ kinh khủng hơn hết. Thật ra thì cả con cái mấy Anh đương du học tại Pháp và tương lai của chúng rất nên sáng lạng, sẽ bị bỏ dở vì cuộc trả thù của Pháp.

Bởi cớ cho nên họ lén trở về hội đàm cùng Anh Quyền Giáo-Tông liệu phương gỡ rối. Buổi ấy có mặt Qua và chính mình Qua khuyên họ nên nghe lời Pháp, lập Chi phái dưới quyền bảo hộ của họ, miễn là Ðạo đặng truyền bá là đủ.

Nguyên do lập Chi phái của Ðạo là như thế.”

4- Một số các Chi phái hồi đó dùng cường quyền mà đoạt-vị

Nếu Chi phái ra đời trong cái lẽ “Tương kế tựu kế” như trên, nghĩa là uyển chuyển chiều theo thời thế thì đó chính là một điều quá khôn ngoan nằm trong đầu óc của người Việt-Nam vốn sẵn có. Nhưng tiếc thay! Cái duyên cớ “Gà cùng một mẹ cứ hoài đá nhau” mà rốt lại bị mắc bẫy của người không tránh khỏi vì thiếu sư Thương yêu.

Đức Hộ-Pháp nói:

“Nó nên hình bởi sự Thương-yêu, trưởng thành trong sự Thương-yêu, bởi hình chất của Thương-yêu. Hễ càng ngày càng lớn lên, càng tráng kiện, nó sẽ làm Chúa cả thù hận và quyền năng thù hận không hề xâm lấn nó được.

Nói quả quyết Bần-Ðạo đã đánh tan thù hận ra, khi các phe đảng dùng quyền lực chiếm ngôi vị của Chí-Tôn để tại mặt thế nầy, Bần-Ðạo đã can đảm dùng quyền của Bần-Ðạo đánh ngã ra hết, đặng bảo trọng hình tướng thiêng liêng của Ðạo. Bần-Ðạo lỗ vốn cũng nhiều. Bần Ðạo gánh lấy cả thù hận ấy đặng bảo tồn hình thể của Chí-Tôn cho trọn Thương-yêu. Bần-Ðạo dùng can đảm gánh lấy cả thù hận của thiên hạ mà bảo tồn khối Thương yêu của Chí-Tôn vô đối, không cho hoen ố, nhơ bợn.

Tại sao mà Bần-Ðạo dám thí mình gánh vác thù hận đặng bảo trọng nó?

Bởi biết nó là Chúa cả hình ảnh của quyền trị thế tương lai, nó là Thầy thiên hạ đặng trị thế, nếu không trọn vẹn, nó lưu lại kiểu vở thô bĩ nhơ nhớp, thì không thế gì làm Thầy thiên hạ đặng.

Các Chi phái buổi nọ dùng cường quyền mà đoạt vị, không lẽ Bần-Ðạo là Hộ-Pháp nắm giữ chơn truyền trong tay đây, mà để cho nó đoạt ngôi soán vị như các đời vua chúa từ trước, để lưu lại cho nền Chơn-giáo của Chí Tôn sao? May thay, quyền ấy chưa xung đột được Chánh giáo của Chí-Tôn. Nó đã bại trận, bởi Thánh-Thể của Ngài có người cầm luật pháp oai nghiêm, tức là cầm cây HUỆ-KIẾM trong tay đặng gìn giữ nền Tôn-giáo nên hình được, nó nên được tức tạo cho thiên hạ được, nó đã tạo oai quyền của nó thành tướng đặng, thì tạo quyền cho nhơn sanh nơi mặt địa cầu nầy về tương lai đặng.

(Tại Ðền Thánh, thời Tý đêm rằm tháng chạp năm Mậu Tý (1949)

Kết luận:

Theo tinh thần lời khuyên của Đức Hộ-Pháp và hiện trạng của sự việc xảy ra, cho ra ba kết luận, bởi vì sợ:

- Thứ nhứt là sợ mất quyền lợi của mỗi cá nhân.

- Thứ hai là sợ mất cái lợi thế là con cái của các Ngài không hưởng được.

- Thứ ba là cương vị của Đức Hộ-Pháp bấy giờ chỉ còn phải nói câu này thôi, tức nhiên nói rằng: “chính mình Qua khuyên họ nên nghe lời Pháp” nhưng mỗi người phải tự ý thức hai lẽ trọng khinh giữa việc công và việc tư, giữa Đạo và Đời chứ! Vậy ba vị: Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm và Đức Quyền Giáo-Tông là ai mà cũng dám bỏ cả danh, lợi, quyền mà nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, hết mình lo cho Đạo nghiệp. Nếu các Ngài cũng sợ và sợ thì nền Đại Đạo này sẽ đi về đâu?

Tóm tắt lại phần nầy, xin lấy bài Thánh giáo sau đây của Ðức Phạm Hộ-Pháp giáng cơ ngày 1-4-Kỷ Dậu (dl 16-5-1969) in trong Thánh Giáo Sưu Tập của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Ðài Giáo Việt-Nam trang 161:

“Công quả khai Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ có thể nói là Bần đạo đã đóng góp được hai phần ba công quả ấy, nhưng buồn vì nước nhà chủ quyền không được bảo đảm kể từ thuở khai Đạo, các đàn Anh cũng vì lẽ ấy bị chi phối rất nhiều.

Từ chỗ vị kỷ, vị danh, vị lợi, cũng như tự ái, tự đại, tự tôn, nên đã gây ra cảnh chia ly phân tán, đã để lại một gánh nặng cho đoàn hướng đạo ở hậu sanh. Ðó là điều đáng buồn và cũng là kinh nghiệm quí giá cho đàn em trong mai hậu.

Nếu mình mỗi người biết đặt đạo lý Chí Tôn, quyền pháp và nhân sinh lên trên hết và tự trọng tự ái vì danh dự của quốc gia dân tộc và đạo pháp thì không có kẻ hở nào để bạo quyền chuyên chế, ngoại nhập khuynh đảo để rẽ chia.

Vết xe trước đã sụp đổ, đoàn xe sau nên tránh. Kể ra đàn Anh chịu phần trách nhiệm rất lớn trong sứ mạng.

Chính vì thế mà trong hàng tiền bối, người nào không làm đúng Thiên ý thì sẽ bị triệu hồi để đảm nhận phần vụ khác. Tuy về non Tiên, Phật cảnh, nhưng chưa được hưởng ngôi vị của mình, phải còn có nhiệm vụ đến khi nào mục đích của Chí Tôn khai Đạo được hoàn thành, các hàng tiền bối ấy sẽ tùy công đức mà định vị”.

5- Hậu quả việc phân chia Chi phái

a/. Những hậu quả tai hại

- Sự chia rẽ trầm trọng về tâm lý trong giới tín đồ:

Nguyên tắc giáo lý của Đại-Ðạo là Thương yêu và Công chánh hay là Bác ái và Công bình, đã bị thương tổn dữ dội, khiến người tín đồ nhiệt tâm với Ðạo rất đau lòng, không thể nào biện bạch được trước dư luận quần chúng. Người ngoại đạo nhìn vào Ðạo Cao Ðài với cặp mắt khinh thường, “gà cùng một mẹ cứ hoài đá nhau”. Tại sao đây là Tôn giáo mà đá nhau dữ dội vậy? Ai đá ai?.

- Sự phân chia Chi phái làm ly tán nhơn lực và tài lực của Ðạo Cao Ðài vốn đã ít ỏi lúc ban sơ, làm nền Ðạo rã tan manh mún, trở nên yếu ớt về công việc hoằng hoá nền chơn Ðạo, việc phổ độ chúng sanh bị ngưng trệ một thời gian dài, khiến một số người đã nhập môn vào Đạo nản lòng lui chơn thối bước.

- Buồn nhất là những bậc đàn Anh còn nhiều hám vọng đã để lại một vết thương lòng đau đớn trong tâm trí của người hậu bối một nỗi bàng hoàng khó tả.

- Đau đớn nhứt là làm Đạo chỉ biết có cái bã lợi quyền, một chút danh vị hảo làm choán mất lương tri lương năng của con người, dùng hết móng vuốt của đời đá lại bậc đàn Anh trong cửa Đạo, muôn cay ngàn đắng rốt lại ngồi ngậm thảm dưới Phong đô! Nơi Lạc hồn Trì!

b/. Trong cái dở cũng có ẩn tàng cái hay gượng ép

- Bên cạnh những hậu quả tai hại như đã kể trên, sự phân chia Chi phái của Ðạo Cao Ðài cũng có một vài điều để đánh lừa với nhà cầm quyền Pháp cho nhẹ lo đôi chút.

- Nhà cầm quyền Pháp cho Ðạo Cao Ðài là một nhóm hỗn tạp, luôn luôn tranh quyền đoạt vị với nhau, không thể tạo thành một lực lượng đoàn kết đủ mạnh làm ảnh hưởng đến nền cai trị của Pháp, nhờ vậy mà họ bớt quan tâm và không cần thiết phải đàn áp Ðạo Cao Ðài.

- Sự phân chia Chi phái giúp bảo tồn nền Ðạo trước ý đồ của Pháp là muốn tiêu diệt Ðạo Cao Ðài. Nếu diệt được Chi phái nầy thì cũng còn Chi phái khác hoạt động. Họ không thể tiêu diệt hết được. Thế nên Pháp họ lờ đi.

6- Đạo Trời tồn tại đến thất ức niên

Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn Thượng Ðế lập ra tại nước Việt-Nam do Thiên thơ tiền định thì nhứt định không có một thế lực nào có thể tiêu diệt đặng. Tuy nhiên, Ðạo khai thì Tà khởi. Ðức Chí Tôn đã ban cho Quỉ Vương cái quyền thử thách người tu, làm giám khảo tuyển lựa người xứng đáng.

Kỳ Ba nầy, Ðức Chí Tôn đến cùng nhơn loại với Ðệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước mà nội dung là bốn chữ: Bác-Ái Công-Bình. Ai đủ Bác-Ái Công-Bình và thực thi Nhơn-Nghĩa thì Ðức Chí-Tôn rước về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, nên Quỉ Vương lấy đề tài nầy mà thử thách và tuyển lựa, để lọc phàm phân Thánh:

“Bác ái là đề thi tiến hoá,
“Nghĩa nhân ấy định phép duy tân.”

Tuy nhiên, sự thử thách nầy xảy ra quá khắc nghiệt, khiến cho nhiều thí sinh bị đánh rớt một cách thê thảm, làm tổn hại danh thể của Ðạo. Ðức Chí-Tôn có báo trước là rớt 80 %, chỉ đậu có 20 % thôi.

Nhiều vị chưa bị thử thách thì chê bai kẻ đi trước, nhưng khi chính mình vào cuộc thì cũng bị lục dục thất tình xui khiến đi vào vết chân của người trước mà sa vào nơi Nghiệt cảnh.

Tuy nhiên ta hãy đặt trọn đức tin nơi Hộ-Pháp rằng:

“Từ Tín Đồ đến Hội Thánh chẳng hề khi nào tiêu diệt nó được, kẻ nào muốn tiêu diệt Đạo Cao Đài tốt hơn đừng sanh ra bởi chẳng hề khi nào muốn tiêu diệt Đạo đặng, khuôn luật vẫn vậy.

Hôm nay Qua giảng một điều thiết yếu cho mấy Em nghe quyền siêu thoát. Mấy em xét coi nơi mình mấy Em từ chân, tay trong xác thân cho tới cả tinh thần đầu óc mấy Em nó đều có linh cảm cả.

Khốn nạn thay! Con người không biết thương nhau mà lại ghét lẫn nhau, mà hễ ghét lẫn nhau tức nhiên ghét Thánh-Thể Đức Chí-Tôn, nếu ghét Thánh Thể Đức Chí Tôn rồi, thì ngày Qua về cảnh Thiêng Liêng đứng trước Cực Lạc Thế Giới, mấy em chẳng hề khi nào chối tội đặng. Nếu mấy em thương nhau không được thì không được phép ghét nhau.”

(Đền Thánh, đêm 29 tháng 10 năm Quí Tỵ)

B . Các Chi phái đầu tiên của Ðạo Cao Ðài

Nguyên trong buổi sơ khai của nền Đại-Ðạo, vào giữa năm Ất Sửu (1925), Ðức Chí Tôn thâu phục được hai nhóm riêng nhau: Nhóm của Ngài Ngô Văn Chiêu và nhóm của các Ngài Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc.

Ngày 10-12-Ất Sửu (dl 26-1-1926), Ðức Chí Tôn giáng cơ bảo hai nhóm phải hiệp lại nhau đặng lo mở Ðạo. Các vị trong hai nhóm đều vâng lời hiệp lại, lúc đó được 12 người, là 12 Môn-đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn mà Ðức Ngài có cho bài thi đủ tên 12 vị ấy để làm kỹ niệm trong ngày vía Đức Chí-Tôn mùng 9 tháng Giêng năm Bính Dần (1926).

Ngày 6-3-Bính Dần (Dl 17-4-1926) Ðức Chí Tôn định phong Ngài Ngô-Văn-Chiêu vào chức Giáo-Tông nên bảo bà Nguyễn Thị Hiếu (hiền nội của Ngài Cao Quỳnh Cư) may một bộ Ðạo phục Giáo-Tông cho Ngài Chiêu, nhưng 5 ngày sau, đến ngày 22-4-1926 thì Ðức Chí Tôn cho biết là Ngài Chiêu bị truất.

Ðến ngày 14-3-Bính Dần (dl 24-4-1926) Ngài Ngô Văn Chiêu và nhóm của Ngài lại tách ra không hợp tác với nhóm Ngài Lê Văn Trung nữa, Ngài trở về lo tu đơn như trước. Như thế cuộc hợp tác của hai nhóm chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, vỏn vẹn chừng 3 tháng.

Ðầu năm Ðinh Mão (1927), Ngài Ngô Văn Chiêu lập cơ tuyển độ Chiếu Minh Tam Thanh vô-vi và đây chính là một Chi phái đầu tiên của Ðạo Cao-Ðài do Ngài Ngô Văn Chiêu thành lập.

Sau đó, có một vài vị Chức sắc khác tự lập đàn cơ riêng, bị Cơ bút dẫn dắt lần lần, để sau cùng tách ra khỏi Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh, lập Chi phái như:

- Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh (Vương Quan Kỳ) lập phái Cầu Kho tại Thánh Thất Cầu Kho Sài Gòn vào năm 1930 (Nay là Nam Thành Thánh Thất, đường Nguyễn Cư Trinh. Sài-gòn)

- Phối Sư Thái Ca Thanh (Nguyễn Văn Ca) lập Chi phái Minh Chơn Lý năm 1931 ở Mỹ Tho.

- Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh (Nguyễn Văn Chính) lập phái Tiên Thiên vào năm 1932 tại Cai Lậy.

- Sau cùng là hai vị Quyền Ðầu-Sư Thượng Tương Thanh (Ðốc phủ Nguyễn Ngọc Tương) và Ngọc Trang Thanh (Ðốc phủ Lê Bá Trang) tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh lập Ban Chỉnh Ðạo ở Bến Tre vào đầu năm 1934.

Ðến giữa năm 1934, ngày 15-7-Giáp Tuất (dl 24-8-1934), Ðức Lý Giáo-Tông hiệp cùng Ðức Phạm Hộ-Pháp lập Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 để ngăn chận các Chức sắc Tòa Thánh Tây Ninh tách ra lập Chi phái, thì kể từ đó về sau, không có Chức sắc nào của Toà Thánh Tây ninh dám tách ra lập Chi phái nữa. Tuy nhiên, số Chi phái sau nầy nảy sanh càng lúc càng nhiều là do trong mỗi Chi phái có sự bất đồng nên lại tách riêng lập Chi phái mới, đó là Chi phái sanh ra Chi phái và số lượng nầy thì rất nhiều.

Trên đây là những nét đại cương về sự thành lập các Chi phái của Ðạo Cao Ðài ngay từ buổi đầu.

Nhưng về sau nầy, nhiều nhà viết lịch sử của Ðạo Cao Ðài khi nghiên cứu về các Chi phái, đều không thống nhứt nhau về số lượng Chi phái và các sanh hoạt của họ, nên kể những Chi phái không giống nhau.

■ Ðầu tiên, Ngài Gabriel Gobron người Pháp, đắc phong Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn Hiệp-Thiên-Đài viết quyển Histoire et Philosophie du Caodaïsme xuất bản năm 1949, đã kể ra 11 Chi phái.

■ Trong Nguyệt san Ðại Ðạo của Toà Thánh Tây ninh, năm Ất Tỵ (1965), trong 3 số báo liên tiếp 7, 8, 9, Ông Huệ Lương Trần Văn Quế viết bài: “Ðể tìm hiểu các Chi phái trong Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ” Ông Huệ Lương đã kể ra: Năm 1940 có 12 Chi phái chánh với 3 nhóm không được kể là Chi phái; năm 1963 thì có 15 Chi phái với 2 nhóm không kể là Chi phái.

■ Năm 1966, Ông Hoài Nhân trong: “40 năm lịch sử Ðạo Cao Ðài 1926-1966” trang 109, ông kể ra được 35 Chi phái.

Sau đây chúng ta sẽ nêu ra các chi tiết về 12 Chi phái của hai soạn giả: Gabriel Gobron và Trần Văn Quế.

I- Histoire et Philosophie du Caodaïsme của Gabriel Gobron

Ngài Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn Gabriel Gobron kể ra 11 Chi phái vào năm 1948 sau đây: (trang 174)

1- Minh Chơn Lý, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Ca (Phối Sư Thái Ca Thanh) ở Mỹ Tho.

2- Ban Chỉnh Ðạo, đứng đầu là Ông Nguyễn Ngọc Tương (Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh, đắc phong Quyền Thượng Ðầu Sư) lập Chi phái Bến Tre.

3- Tiên Thiên, đứng đầu là Ông Lê Kim Tỵ ở Phú Nhuận (Gia định), Ông Lê Kim Tỵ tự phong cho mình là Hội Trưởng Cao Ðài Hiệp Nhứt, ông mất tại Hải Phòng năm 1948.

4-Thông Thiên Ðài, đứng đầu là hai Ông Quách Văn Nghĩa và Lê Quang Hộ, ở Gò Công và Sài Gòn.

5- Liên Hòa Tông Phái, đứng đầu là hai Ông Nguyễn Phan Long và Trần Văn Quế, ở Thánh Thất Cầu Kho Sài Gòn.

6- Minh Chơn Ðạo hay Công Ðồng Hội Giáo, đứng đầu là Ông Cao Triều Phát ở Bạc Liêu.

7- Trung Hòa Học Phái, đứng đầu là Bác sĩ Trương Kế An, ở Thủ Dầu Một. Ông có mở phòng mạch tại Thủ Dầu Một.

8- Tây Tông Vô Cực Cung, đứng đầu là Ông Nguyễn Bửu Tài, ở Bến Tre. Ông Tài hiệp nhứt với Tòa Thánh Tây Ninh năm 1948, nhưng sau rồi cũng tách riêng.

9- Tuyệt Cốc, đứng đầu là hai Ông Nhuận và Ruộng, ở Tây Ninh, họ sống ẩn dật, rất ít người biết họ.

10 - Chiếu Minh Ðàn, đứng đầu là Ông Tư Huỳnh, ở Cái Khế Cần Thơ, sáng lập là Cố Ðốc phủ Ngô Văn Chiêu.

11- Nữ Trung Hòa Phái, đứng đầu là Bà Ngọc Nhiên Hương và Lê Ngọc Trinh, ở tại Sài Gòn.

Theo tài liệu nầy thì Ngài Gabriel Gobron không cho Tòa Thánh Tây Ninh là một Chi phái, vì đây là cái gốc của Ðạo, cái gốc thì sanh ra các nhánh, sanh Chi phái.

2- Các Chi phái trong Ðại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ theo tài liệu ông Huệ Lương

Ông Huệ Lương Trần Văn Quế viết, kể ra như sau:

1- Tòa Thánh Tây Ninh, với chư quí Ngài: Trung, Tắc.

2- Chiếu Minh, với chư quí Ngài: Thiên, Quí.

3- Cầu Kho, với chư quí Ngài: Bản, Tường.

4- Tiên Thiên, với chư quí Ngài: Tòng, Tỵ.

5- Minh Chơn Lý, với chư quí Ngài: Ca, Phùng.

6- Bến Tre (Ban Chỉnh Ðạo), quí Ngài: Tương, Trang.

7- Minh Chơn Ðạo, với chư quí Ngài: Quang, Thiệu.

8- Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản, quí Ngài: Kiên, Phân.

9- Bạch Y Liên Ðoàn Chơn Lý, quí Ngài: Tồng, Tải.

10- Tây Tông Vô Cực Cung, quí Ngài: Ðãi, Tài.

11- Cơ quan Truyền Giáo TrungViệt, quí Ngài Hiển, Châu.

12- Liên Hòa Tổng Hội, với chư quí Ngài: Long, Quế.

Ðiều nên chú ý:

- Trong số 12 Chi phái của Ðạo Trời, chúng tôi không kể phái Tịch Cốc do 2 ông Nhuận, Ruộng (Nguyễn Ngọc Ðiền) là vì phái nầy thực ra chỉ là một nhóm Ðạo hữu độ 10 vị làm công quả tại Tòa Thánh Tây Ninh, vì bất mãn điều chi đó, rồi xuống tóc, mặc áo dà, tịch cốc,...

- Chúng tôi cũng không kể Trung Hòa Học Phái, mà các vị hướng đạo là chư quí Ngài Cao Triều Phát, Phan Trường Mạnh và Huỳnh Văn Thảo, vì tổ chức nầy có tính cách một tổ chức thanh niên, chuyên sự học tập và hành đạo hơn là một phái của Ðạo Trời có nhiệm vụ hành chánh và phổ độ. Trung Hoà Học phái đặt trụ sở tại Thánh Thất Minh Ðức tỉnh Rạch Giá do Bà Nữ Ðầu Sư Ngọc Nhiên Hương chưởng quản.

- Trong số 12 Chi phái của Ðạo Trời, chúng tôi cũng không kể Thông Thiên Ðài, trụ sở đặt tại Thánh Thất Ðồng Sơn (tổng Hòa Ðồng Thượng tỉnh Gò Công). Thực ra phái nầy với Tòa Thánh Tây Ninh là một, vì phái nầy được lập lên để thay thế Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài Tây Ninh. Nhưng sau rồi công việc bất thành và sự hoạt động dần dần thu hẹp vào phạm vi một Thánh Thất thường thôi.

12 Chi phái kể trên của Ðạo Trời, từ năm 1940 đến 1963, trải qua hơn 20 năm đã bị thử thách dữ dội. Nhiều Chi phái vẫn tồn tại và bành trướng thêm lên hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động. Trái lại cũng có Chi phái đã cùng với thời gian mà mai một.

3- Các Chi phái còn lại là:

1. Tòa Thánh Tây Ninh làm gốc đạo

2. Chiếu Minh: Hiện giờ, ngoài phái Chiếu Minh vô vi lại còn có các phần khác nữa là: Chiếu Minh Long Châu và Cao Ðài Thượng Ðế Hội Giáo hay là Chiếu Minh Ðàn.

3. Phái Cầu Kho hiện giờ được thay thế bằng Nam Thành Thánh Thất và phạm vi hoạt động đã thu hẹp lại nhiều với tính cách một Thánh Thất thường.

4. Minh Chơn Lý Mỹ Tho ngày nay đã thu hẹp nhiều và gồm hai phân chi: Chi Chân lý Cầu Vỹ (Minh Chơn Lý cũ) và Tòa Thánh Cao Ðài Việt Nam tại Bến Tranh.

5. Tiên Thiên, trụ sở đặt tại Tòa Thánh Châu Minh, Bến Tre, hiện đang áp dụng Tân Luật và Pháp Chánh Truyền trong sự tổ chức Hội Thánh. Phái nầy cố gắng lấy lại sự quan trọng ngày xưa nhứt là đối với Thất thập nhị Tịnh.

6. Cơ quan Qui Thống, trụ sở đặt tại Thánh Thất Thiên Thai, làng Mỹ Phước quận Cai Lậy, Mỹ Tho.

7. Bạch Y Liên Ðoàn Chơn Lý hoạt động với tầm quan trọng như hồi xưa.

8. Cao Thượng Bửu Tòa được xây dựng tại Bạc Liêu và được coi là Toà Thánh Hậu Giang.

9. Minh Chơn Ðạo hiện nay cũng hoạt động như trước và hình như đang trù tính xây Tòa Thánh ở Tắc Vân.

10. Phái Bến Tre vẫn hoạt động như xưa và cố gắng củng cố nội bộ.

11. Hội Thánh Tam Quan, được thành lập mấy năm gần đây và cố gắng củng cố nội bộ.

12. Hội Thánh Truyền Giáo được thành lập trước năm 1956 và được ra mắt với các Chi phái ngày Lễ Khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa năm 1956.

13. Tòa Thánh Nhị Giang, trụ sở đặt tại Châu Ðốc, hành đạo theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền, có Hội Thánh lưỡng đài cũng như các Hội Thánh khác.

14. Tòa Thánh Tiền Giang, cũng có lưỡng đài, được đặt tại Thánh Tịnh Minh Kiến Ðài, làng Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.

15. Thiên Khai Huỳnh Ðạo đặt tại số 78 đường Phan Thanh Giản, Gò Vấp, Gia Ðịnh, phái nầy mới ra đời gần đây.

Ðiều cần đặc biệt để ý những điểm sau đây về hai tổ chức:

■ Ban Liên Giao Chi Phái giữa 23 Thánh Thất và Tịnh Thất ngoại ô Ðô Thành Sài-Gòn và các tỉnh lân cận. Trụ sở của tổ chức nầy đặt tại Thánh Thất Bình Hòa, Gia Ðịnh. Tổ chức nầy có mục đích siết chặt dây liên ái giữa các Thánh Thất, Tịnh Thất nói trên về phương diện hữu hình về: Hôn, Tang, Tế, sự.

■ Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý, trụ sở tạm thời đặt tại Tam Giáo Ðiện (Chùa Minh Tân) với mục đích siết chặt dây liên ái về phương diện tinh thần giữa các Hội Thánh, Chi phái và giữa các Thánh Thất biệt lập thuộc phạm vi Ðạo Thầy."

Trong phần trình bày về 12 Chi phái của Ông Huệ Lương Trần Văn Quế, Ông cho rằng Tòa Thánh Tây Ninh là một Chi phái. Ðiều nầy hoàn toàn không đúng, bởi vì Tòa Thánh Tây Ninh là gốc của Ðạo. Các Chức sắc thuở ban đầu tách ra lập Chi phái đều là Chức sắc của Tòa Thánh Tây Ninh mà ra.

Gốc (Tòa Thánh Tây Ninh) không thể là nhánh (Chi phái) được, mà là phần quan trọng để nảy sanh các nhánh.

Tổng kết số lượng Chi phái:

Như đã trình bày ở trên, các nhà viết sử không thống nhứt nhau về tên các Chi phái trong số 12 Chi phái. Quí vị ấy dường như bị ám ảnh bởi con số 12, nên họ cố gắng kể ra cho đủ 12 Chi phái, dầu có sự gượng ép hay không đúng thực tế.

Thí dụ như: Hai nhóm Tịch Cốc và Thông Thiên Ðài, không thể kể là hai Chi phái được vì thực lực mỗi nhóm chỉ có chừng hơn 10 người, không phát triển thêm được, không ai theo, những người trong nhóm già cả chết dần, rồi mất hẳn.

Hai nhóm: Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản và Bạch Y Liên Ðoàn Chơn Lý cũng không đáng kể là Chi phái vì thực lực không có mấy người, hoạt động không được gì và khi người đứng đầu chết thì nhóm tan rã luôn.

Nhóm Tây Tông Vô Cực Cung chỉ là một nhóm tu đơn, không liên quan đến Ðạo Cao Ðài, nên không phải là một Chi phái, có điều người đứng đầu nhóm nầy là ông Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài sau nầy nhập qua phái Tiên Thiên, rồi qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh, sau lại trở về phái Tiên Thiên.

Ðể cho dễ dàng trong công việc khảo sát các Chi phái của Ðạo Cao Ðài, chúng ta phân ra các mục sau đây:

- Những Chi phái buổi đầu.

- Những Chi phái lúc sau.

- Các nhóm nhỏ không đáng kể là Chi phái.

- Nhóm đặc biệt: Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý CĐ.

C. Sáu Chi phái sau này

1. Cơ Quan Truyền Giáo Trung Việt

Sự truyền bá Ðạo Cao Ðài tại Trung Việt đầu tiên do phái Tiên Thiên, theo lịnh dạy của Cơ bút Chi phái, đã tổ chức bí mật sự truyền đạo ra Quảng Nam và Ðà Nẵng từ năm 1936 với các ông ở tại đó là: Lê Trí Hiển, Nguyễn Quang Châu, Trần Công Bang, Huỳnh Ngọc Trác và 4 đồng tử: Long, Lân, Qui, Phụng.

Sự kiện nổi bật nhất là công cuộc cổ động và vận động xây cất Thánh Thất Trung Thành tại TP Ðà Nẵng, chỉ trong thời hạn 22 ngày là xong, để làm Ðại lễ Khánh Thành ngày 8-4 Mậu Dần (dl 7-5-1938). Những vị đóng vai tích cực trợ giúp quan trọng đi đến thành công là ông : Trần Ðạo Quang, Cao Triều Phát, Nguyễn Bửu Tài và nhứt là ông Lê Kim Tỵ của phái Tiên Thiên.

Cơ quan nầy hoạt động mạnh ở các tỉnh miền Trung, nhưng sau đó bị Việt Minh khủng bố, hàng lãnh đạo tan rã.

Sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, tín hữu các nơi qui tụ trở lại, quyết định đưa Cơ Quan Truyền Giáo Trung Việt lên thành Chi phái (Hội Thánh), nên mua thêm một khu đất rộng tại đường Nguyễn Hoàng, Ðà Nẵng, để xây dựng Trung Hưng Bửu Tòa, một kiến trúc lớn và đẹp, làm Ðại lễ Khánh Thành vào ngày 1-6-Bính Thân (dl 8-7-1956), ra mắt Chi phái Truyền Giáo Trung Việt.

Năm 1973, Chi phái Truyền giáo Trung Việt có hai ông đứng đầu là: Chánh Phối Sư Ngọc Quế Thanh (Trần Văn Quế) Chủ trưởng Hội Thánh và Thanh Long Lương Vĩnh Thuật, Thanh tra quyền pháp, đại diện Hiệp Thiên Đài.

2. Chi phái Tam Quan

(Phái Chơn lý Cầu Kho)

Gọi đầy đủ là Hội Thánh Trung Ương Trung Việt, trụ sở đặt tại Tam Quan, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.

Nguyên đầu năm 1927, hai ông Nguyễn Hữu Phương và Nguyễn Hữu Hào, ở Bình Định, vào Sài Gòn nhập môn theo Ðạo Cao Ðài tại Thánh Thất Cầu Kho, rồi trở về Bình Ðịnh âm thầm truyền bá Ðạo Cao Ðài tại đây. Số người theo Ðạo càng lúc càng đông nhưng bị nhà nước khủng bố vì vua Bảo Ðại cấm Ðạo Cao Ðài.

Trải qua nhiều cuộc khủng bố, hết lớp nầy tới lớp khác, Ðạo Cao Ðài nơi đây cũng phát triển, đến năm 1956 mua được một mẫu đất tại Tam Quan, khởi xây dựng Thánh Thất, giấy phép ký ngày 21-9-1956 và làm lễ Khánh thành gọi là Ðại Hội An Thiên, Khánh Thành Hội Thánh ngày 15-3 Canh Tý (1960). Chi phái Tam Quan tổ chức y theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền, có hai Ðài: Hiệp Thiên và Cửu Trùng.

3. Thiên Khai Huỳnh Ðạo

Phái nầy thành lập từ năm Nhâm Dần (1962), Tòa Thánh đặt tại đường Phan Thanh Giản, quận Gòvấp Saigon.

4. Cao Thượng Bửu Tòa

Cao Thượng Bửu Tòa được xây dựng tại Thị xã Bạc Liêu, còn gọi là Tòa Thánh Hậu Giang, do Ông Trần Văn Tìa, đạo hiệu Chơn Sắc, chủ trương xây dựng.

5. Nữ Chung Hòa

Nhóm nầy được thành lập do lịnh Cơ bút của Chi Minh Tân ở Bến Vân Ðồn, Sài Gòn, mục đích để tập hợp Nữ phái mà dạy dỗ về đường đạo đức và lập công quả dưới sự dìu dẫn vô hình của Ðấng Lê Sơn Thánh Mẫu, trụ sở đặt tại Chùa Minh Tân ở Bến Vân Ðồn.

Hai Bà Ngọc Nhiên Hương và Lê Thị Trinh điều khiển nhóm nầy. Nữ Chung Hòa trước đây hợp tác với Bà Diệu Minh ở Vạn Quốc Tự đường Phan Thanh Giản cũ Sài Gòn (ngang Bệnh Viện Bình Dân), khi Bà Diệu Minh qui liễu, nhóm Nữ Chung Hoà hợp tác với Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Ðài Giáo Việt Nam có trụ sở ở đường Cống Quỳnh (ngang Chợ Thái Bình) và nhóm Nữ Chung Hòa dời trụ sở về Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.

Nhóm Nữ Chung Hoà không được nhiều người gia nhập, nên hoạt động rất yếu ớt, chỉ còn làm một vài công tác từ thiện mà thôi. Do đó, chỉ nên xem Nữ Chung Hòa là một nhóm học tu Nữ phái, làm việc từ thiện.

6. Trung Hòa Học Phái

Sau khi ông Cao Triều Phát tách ra khỏi phái Minh Chơn Ðạo thì ông hợp tác với ông Phan Trường Mạnh, Phan Lương Hiền, Huỳnh Văn Thảo lập thành Trung Hòa Học Phái, có mục đích qui tụ các thanh niên trong các phái Ðạo Cao Ðài để dìu dắt chúng trên đường đạo đức, thực hành thuyết Trung Thứ của Nho giáo, vừa lo học tập vừa lo hành đạo. Ðể thực hành mục đích đó, Cao Triều Phát lập nên một tổ chức thanh niên gọi là “Thanh Niên Ðạo Ðức Ðoàn” đặt trụ sở tại Thánh Tịnh Minh Ðức của Bà Ngọc Nhiên Hương ở Rạch Giá, sau nầy Thanh niên Ðạo đức Ðoàn mở rộng hoạt động lên Sài Gòn, trụ sở đặt tại Tam Giáo Ðiện, chùa Minh Tân ở Bến Vân Ðồn Sài Gòn. Sau Hiệp Ðịnh Genève năm 1954, Cao Triều Phát tập kết ra Bắc, nên nhóm Thanh Niên Ðạo Ðức Ðoàn phải ngưng hoạt động vì không người hướng dẫn.

Trung Hoà Học Phái đã nổi tiếng một thời ở Hậu Giang.

D. Các nhóm nhỏ không đáng kể là Chi phái

1. Tịch Cốc (hay Tuyệt Cốc)

Gọi là Tịch Cốc hay Tuyệt Cốc là vì nhóm nầy chủ trương không ăn cơm, chỉ ăn trái cây, tu theo lối ép xác đặng luyện pháp thuật.

Vào năm 1934, có một nhóm chừng 10 người đang làm công quả trong Tòa Thánh Tây Ninh, vì bất mãn Hội Thánh không cho họ luyện pháp thuật, nên họ rủ nhau đi vào núi để khổ tu luyện đạo cho mau kết quả. Trong nhóm nầy có hai ông: Ngô Ðức Nhuận và Nguyễn Ngọc Ðiền tức Ruộng, tự xưng là Nguyên soái cầm đầu.

Hồi Tòa Thánh còn làm bằng cây ván, nhóm nầy lén vô Bửu Ðiện Tòa Thánh, leo lên ngồi trên 7 cái ngai mà Bảo Thể không hay biết, đến chừng Bảo Thể phát hiện thì bắt từ ông lôi xuống và trục xuất họ ra khỏi Nội Ô.

1/. Nhóm Tịch Cốc tập bay:

Nhóm này đứng đầu là các ông Ngộ-Đức Nhuận và Nguyễn Ngọc Điền tổ chức cầu Cơ, các vong linh giáng Cơ xưng là Tiên, Thánh dạy số người trong nhóm này luyện Đạo, luyện phép trường sanh “Không ăn ngũ cốc” chỉ ăn hoa quả mà thôi, cho nên phái này được gọi là Phái Tuyệt cốc, thường ở trong hang động của Núi Bà Đen (Tây ninh). Họ luyện phép có thể bay từ gộp đá này qua gộp đá khác, từ nhánh cây này qua nhánh cây khác. Họ truyền rằng dùng xâu chuỗi Bồ đề niệm chú có thể đánh ngã cây cổ thụ hoặc bể cả tảng đá, hoặc cỡi hòn đá niệm chú đá có thể bay. Những đêm trăng rằm dân chúng thường lên núi Bà xem nhóm người này biểu diễn pháp thuật vì đây là sở trường của nhóm Tuyệt cốc.

2/. Nhóm Tuyệt cốc về chiếm Toà Thánh:

Một chuyện kể là nhóm Tuyệt cốc này đột nhập vào Toà-Thánh đêm rằm tháng 7 năm Bính Tý (Thứ Hai: 31-8-1936) Phái Tuyệt cốc bất thần kéo về Toà-Thánh Tây ninh định chiếm các ngai vàng, họ không đi bằng các cửa Nội Ô Thánh địa mà bay qua hàng rào tre gai vào bên trong Toà Thánh một cách dễ dàng. Mỗi người chiếm một chiếc ngai. Bảo-Thể và Thánh vệ lôi họ xuống và trục ra khỏi Đền thánh. Có số người leo lên ngựa Kiền Trắc của Phật Tổ cỡi và dùng chuỗi bồ đề đánh vào mông ngựa, vẫn trơ trơ vì đánh mạnh quá nên chuỗi đứt và văng tung toé trên đất. Sau này không còn thấy bóng dáng của họ nữa.

Trong quyển Tây Ninh xưa và nay của Huỳnh Minh, soạn giả có thuật lại việc Nhóm Tuyệt Cốc lén lên ngồi 7 cái ngai trong Tòa Thánh, rồi sau đó lại tập bay theo lời kể của ông Huỳnh Hữu Lộc, cựu Tổng Thơ Ký Hội Ðồng tỉnh Tây Ninh:

Năm 1936, lúc bấy giờ, tôi (Huỳnh Hữu Lộc) còn trong hạng tuổi thiếu thời. Tôi về Toà-Thánh Tây-ninh làm công quả, nơi đó tôi được biết câu chuyện chiếm 7 ngai xảy ra như sau:

Một buổi trưa sau giờ cúng Ngọ tại Bửu điện Tòa Thánh, các Chức sắc, Chức việc và đồng nhi đã về phòng nghỉ. Lúc bấy giờ chỉ có một vị Tuần quân ở lại canh gác Bửu điện mà thôi. Vị Tuần quân đó là anh Nghiêm. Thình lình anh Nghiêm nghe tiếng động rất to trong Bửu điện, anh Nghiêm chạy vào coi thì thấy một số người, lối 7 người mặc áo màu dà, đầu trọc, tay cầm chuỗi bồ đề, đang xô các cốt Phật, Tiên, Thánh, Thần ngã rớt rầm rầm xuống đất. Lúc đó, anh Nghiêm hoảng hốt tri hô lên, bổn đạo quanh đó chạy đến, thấy 7 cái ngai đều bị các vị Tả đạo ấy chiếm ngồi hết cả. Nên biết, Ðền thờ Ðức Chí Tôn có 7 cái ngai dành riêng cho 7 vị: 1 cho Ðức Giáo-Tông, 3 cho 3 vị Chưởng Pháp, 3 cho 3 vị Ðầu Sư, nhưng đó chỉ là tượng trưng thôi chớ chưa có ai dám lên đó ngồi. Các tu sĩ Tả đạo ấy lẻn vào Bửu điện làm việc đại náo. Ngoài số 7 vị chiếm 7 cái ngai trong Bửu điện, còn một vị khác ra trước Tòa Thánh chiếm con ngựa của Ðức Phật Tổ đang cỡi, vị nầy lên lưng ngựa và ra roi thúc ngựa.

Nên nói thêm, ngôi Bửu điện lúc đó bằng cây lợp ngói, các cửa đơn sơ không được chắc chắn như hiện nay, do đó các vị Tả đạo mới lẻn vào được dễ dàng.Các đạo sĩ ấy không có ăn cơm, chỉ ăn trái cây, rau hoặc bánh mà thôi, nên có người gọi là đạo Tuyệt Cốc.

Thật ra thì các vị ở non động cả, có nhiều vị chơn tu cũng tuyệt cốc. Vậy chúng tôi đề nghị gọi nhóm người nầy là gian đạo sĩ hoặc là nhóm Tả đạo. Các vị nầy có nhiều lần cho biết xâu chuỗi bồ đề của họ đã luyện thành bảo vật, đánh người và cả cây hay đá cũng đều tan ra tro bụi, còn nếu chỉ vào ngựa ván (ngày xưa gọi divan là bộ ngựa) thì ngựa ván bay lên cao.

Vì lẽ bổn đạo kiêng sợ bảo vật chuỗi bồ đề nên chưa ai dám xông vào kéo các vị Tả đạo xuống khỏi ghế.

Sau đó có một vị bổn đạo thử xông vào kéo vị chiếm ngai Giáo-Tông xuống và cuộc níu kéo ẩu đả bắt đầu, các xâu chuỗi được tung ra. Nhiều bổn đạo đứng bên ngoài thấy chuỗi phép không làm tan đối thủ ra tro bụi thì vững lòng nhào vô trợ chiến, xua đuổi nhóm người Tả đạo ra khỏi Chánh điện.

Cũng trong thời gian nầy, một vị Ðạo hữu hương khói tại Quan-Âm-Các (Quan Âm Các lúc bấy giờ ở tại chợ Ngã Năm gần nhà Ngài Chưởng Ấn Hợi bây giờ), chạy vô báo cho Hội-Thánh hay có hai Nữ gian đạo sĩ lên lầu, nơi thờ Phật Bà Quan Âm, xô cốt Bà xuống và leo lên bàn thờ ngồi tự xưng mình là Phật Quan Âm giáng thế.

Bổn đạo nghe vậy chạy ra leo lên lầu xua đuổi hai Nữ Tả đạo. Lại một phen chuỗi phép được tung ra, chuỗi chẳng hại được ai cả, chỉ trì kéo làm đứt dây, hột chuỗi rơi đổ tứ tung. Bị xô té xuống đất, hai Nữ Tả đạo cứ nằm vạ tại đó rất lâu, bổn đạo thấy vậy ra về, nhưng vẫn để ý xem động tịnh ra sao. Một lúc lâu thấy vắng người, hai Nữ Tả đạo đứng dậy theo đường Phước Ðức Cù về xóm Sân Cu.

Thu dọn chiến trường: Bổn đạo dựng các cốt Phật dậy và quét dọn, lượm được một số lớn chuỗi hạt bồ đề của các nam nữ gian đạo sĩ bỏ rớt lại.

Vào năm Mậu-Dần (1938), nhóm gian đạo sĩ Tả đạo Bàng môn hành động ngông cuồng phá rối nhiều nơi. Lúc đó nhóm Tả đạo ở vùng Sân Cu (xã Long Thành) và vùng Sơn Ðình (chơn núi Bà Ðen) là đông hơn hết.

Nếu không lầm thì vào lúc 15 giờ ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Dần (1938), có một gian đạo sĩ đầu trọc, trang phục áo màu dà, tay cầm tấm bảng có viết chữ sẵn, đem cắm tại Cửa số 1 Tòa Thánh. Lúc bấy giờ Cửa nầy tuy làm bằng gạch thô sơ, không phải kiến trúc như ngày nay, trên bảng có 4 câu kệ, đại ý nói 24 giờ khuya đêm 14 rạng rằm tháng Giêng sẽ có Ðế vương xuất thế.

Ông đạo đọc bài kệ 3 lần, đánh 3 hồi cồng, rồi đi về hướng sân bay, nơi nầy hiện là đồng ruộng lúa sau Tòa Thánh. Sân bay nầy của người Pháp lập ra, nhưng rất ít khi máy bay đáp xuống, vì vậy cỏ mọc rất nhiều, nhứt là loại cỏ cần câu.

Ngày 14 tháng Giêng nói trên, tại sân bay qui tụ hằng trăm vị nam nữ Tả đạo để làm lễ mừng Ðế vương xuất thế. Tại đây, họ cất một lễ đài 9 từng cao độ 40 thước. Ðài cất bằng cây, hai bên đài là hai dãy nhà lá, mỗi dãy độ 5 hay 6 căn, phân ra Nam tả Nữ hữu, dưới chơn đài, họ cho đổ hằng trăm xe rơm để họ tập bay. Mỗi người sắm một cặp cánh bằng cây và giấy bạch, cánh giống như cánh chim, to cỡ bằng cái sàng gạo. Khi muốn bay, họ đút hai cán cánh vào hai ống tre cột sẵn hai bên hông người và từ trên đài cao, họ phóng mình ra, hai tay nắm hai cánh mà quạt nhanh.

Về sau, ông Ðiền mặc toàn đồ trắng, xuống Sài Gòn đến Dinh Thống Soái Nam Kỳ treo cờ và đòi hỏi người Pháp trả nước Việt Nam, bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam vào nhà thương điên. Nhóm Tịch Cốc tan rã và mất hẳn.

Kết quả 1: Họ không bay được đến đâu cả. Bay làm sao được khi khối thịt nặng 50, 60 ký mà hai cánh thì mỏng manh và dầu cho có quạt nhanh đến đâu cũng không đủ tốc độ để cất mình lên nỗi. Rốt cuộc họ bị rơi xuống đống rơm dưới chơn đài, nhờ có rơm xốp nên không bị hại chi về nhơn mạng.

Kết quả 2: Ðế vương xuất hiện đâu chẳng thấy, chỉ thấy lúc 22 giờ, có 3 xe cam nhông lính mã tà (cảnh sát) chỉ huy bởi một viên đội Pháp đến bao vây sân bay, bắt hết tất cả nam nữ đạo sĩ Tả đạo Bàng môn.

Kết quả 3: Nhà binh Pháp phóng hỏa đốt cả hai dãy nhà, đài bay, luôn 100 xe rơm, ánh lửa sáng rực một góc Trời. Không biết, chánh quyền Pháp đối xử với nhóm Tả đạo ấy ra sao, mà từ đó ở Tây Ninh không còn thấy họ xuất hiện nữa.

Lời bàn: Đáng thương thay! Đạo Trời khai dạy rõ phương tu tắt như vậy mà vẫn chê, tìm cách tu bướng, thật là bức tranh “Thả mồi bắt bóng” mà thôi.

2. Ông Cao Triều Phát, phái Minh Chơn Ðạo

Ông Cao Triều Phát, tự là Thuận Ðạt, sanh ngày 18-3-Kỷ Sửu (dl 17-4-1889) tại Vĩnh Hinh, làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Thân phụ là Cao Minh Thạnh và Thân mẫu là Tào Thị Xúc. Gia đình có 8 anh em: 6 trai và 2 gái, ông Phát thứ 5 và thứ út là Cô Cao Thị Khiết, Cửu Nương Diêu-Trì-Cung..

1910, ông Cao Triều Phát tốt nghiệp Trung học.

1912, học xong hai lớp luật do Tòa Án Sàigòn tổ chức, làm thơ ký phiên dịch tại Tòa Án Bạc Liêu.

1914, đi Pháp làm thông ngôn cho toán lính thợ Việt-Nam.

1922, trở về Việt-Nam, hoạt động chánh trị, viết cho tờ báo La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ).

12-11-1926, ông Phát được bầu làm Ðảng trưởng đảng Ðông Dương Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng là Nhựt Tân báo.

1930, đắc cử Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ.

1932 ông Cao Triều Phát nhập phái Minh Chơn Lý.

1939, thành lập Ðoàn Thanh niên Ðạo đức.

15-5-Ất Dậu (dl 24-6-1945) đại hội tại Tam Giáo điện của chi Minh Tân (221 Bến Vân Ðồn Sàigòn) thành lập Cao Ðài Hiệp Nhứt 11 Phái (không có Toà-Thánh Tây ninh), ông Phát được bầu làm Chủ tịch.

1941, Tỉnh Ủy Viên Bạc Liêu là Tào Văn Tỵ vận động ông Cao Triều Phát nhập Mặt Trận Việt Minh, làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Giải phóng dân tộc tỉnh Bạc Liêu.

1945, Chủ tịch Ủy Ban giải phóng dân tộc Bạc Liêu.

23-9-1945, quân viễn chinh Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn. Ðầu năm 1946, quân Pháp chiếm Bạc Liêu, ông Cao Triều Phát rút về Giồng Bướm huyện Giá Rai, lập chiến khu kháng chiến cứu quốc. Tại đây có Tòa Thánh Ngọc Minh của Minh Chơn Ðạo được dùng làm trụ sở Trung ương của Kháng chiến.

15-4-1946, Pháp đem đại quân cùng phi cơ ném bom đánh Giồng Bướm, Tòa Thánh Ngọc Minh bị trúng bom sụp đổ, Cao Triều Phát rút binh về Cái Nước. Khu Bộ trưởng Chiến khu 9 là Vũ Ðức (tức Hoàng Ðình Giong) mời ông Phát về Bộ Chỉ Huy Chiến khu 9.

1948, Hồ Chủ tịch ở Bắc gởi thư khen ngợi ông Cao Triều Phát, đồng thời tặng ảnh và áo để kỹ niệm.

Tháng 12-1946, thành lập Kỳ Bộ Việt Minh Nam Bộ tại chiến khu Ðồng Tháp Mười, do Hà Huy Giáp làm Chủ nhiệm, Cao Triều Phát được bầu làm Chủ nhiệm danh dự Kỳ Bộ.

15-2-1948, tại căn cứ Việt Bắc, Hồ Chủ tịch ký Sắc lịnh số 132/SL cử ông Cao Triều Phát và Nguyễn Bá Sang làm Cố Vấn Ủy Ban Kháng chiến Hành Chánh Nam Bộ.

14-10-1947, ông Cao Triều Phát trên cương vị Chủ tịch Cao Ðài 11 Phái Hiệp Nhứt triệu tập hội nghị đại biểu các Chi phái tại Ðồng Tháp Mười để thành lập Hội Cao Ðài Cứu Quốc 12 phái Hợp Nhứt, với Ban Chấp hành gồm:

Chủ tịch: Cao Triều Phát (phái Minh Chơn Ðạo).

Hai Phó Chủ tịch:

- Nguyễn Ngọc Nhựt (Ban Chỉnh đạo)

- Nguyễn Văn Khảm (phái Tiên Thiên).

Tổng Thơ Ký: Phạm Thị Tư (Vạn Quốc Tự)

Ủy Viên Tài Chánh kiêm Thủ Quĩ: Trần Ðại Khái (phái Tây Ninh trung thành).

Ủy Viên Truyền Tin và Giao Thông: Hoàng Minh Viễn (phái Tây Ninh trung thành).

Chủ nhiệm Kỳ Bộ Việt Minh Nam Bộ Hà Huy Giáp tuyên bố thừa nhận Hội Cao Ðài Cứu Quốc là một tổ chức của Kỳ Bộ.

Hội Cao Ðài Cứu Quốc 12 phái Hợp Nhứt thành lập Hội-Thánh Duy Nhứt, gồm Hiệp-Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Cửu Viện.

Hiệp-Thiên Đài gồm 3 vị do quyền Thượng-Phẩm Cao Huệ Chương (phái Tây Ninh trung thành) làm chưởng quản.

Cửu Trùng Đài gồm 3 vị do Phối Sư Nguyễn Văn Năm (Minh Chơn Lý) làm chưởng quản.

Cửu Viện gồm 9 vị, mỗi vị coi một viện.

Hội Cao Ðài Cứu Quốc thành lập thêm 2 đoàn thể:

- Thanh niên Cao Ðài Cứu quốc,

- Phụ nữ Cao Ðài Cứu quốc.

19-10-1948, Ðại Hội Nhơn Sanh Chi phái Hội Thánh Duy Nhứt bầu hai vị chưởng quản hai Ðài:

Thái Chưởng Pháp Cao Triều Phát (Chi phái Minh Chơn Ðạo) làm quyền Chưởng quản Cửu Trùng Ðài.

Tiếp Ðạo Phạm Hồng Tiên (Chi phái Ban Chỉnh Ðạo) làm quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Ðài.

Hiệp định Genève ký kết ngày 21-7-1954, Việt Nam tạm phân hai miền Nam Bắc, Cà Mau là một trong những khu vực tập trung cán bộ và bộ đội trong 200 ngày trước khi xuống tàu tập kết ra Bắc.

Ông Cao Triều Phát triệu tập Chi phái Hội Thánh Duy nhứt và Chi phái Hội Cao Ðài Cứu Quốc tại Cà Mau để sắp đặt lại tổ chức:

- Giải thể Chi phái Hội Thánh Duy Nhứt để các Chi phái tái lập Hội Thánh riêng của phái mình.

- Một số Chức sắc sẽ tập kết ra Bắc, gồm:

. Chưởng quản Cao Triều Phát.

. Ðầu Sư Nguyễn Hiền Ngô.

. Phối Sư Nguyễn Văn Khoan

. Giáo Sư Nguyễn Văn Khảm.

. Ông Hoàng Minh Viễn, v.v...

Tết Ất Mùi (dl 24-1-1955), tại Thánh Thất Hà Nội (48 phố Hòa Mã, khu phố Hai Bà Trưng) làm lễ ra mắt Chi phái Hội Thánh Cao Ðài Duy Nhứt tại Hà Nội mà đứng đầu là Giáo-Tông Cao Triều Phát, có đại diện chánh quyền CS và Việt Minh đến dự.

8-9-1956, ông Cao Triều Phát mất tại Bệnh Viện B303 Hà-Nội lúc 2 giờ chiều. Chánh phủ tổ chức lễ tang rất long trọng, thi hài được an táng tại nghĩa trang Nam Kỳ (số 32 đường Nguyễn Công Trứ, Hà Nội).

1983, gia đình bốc mộ, hỏa táng, đem tro hài cốt về Sài Gòn, thờ tại tư gia số 4 đường Ðặng Tất, phường Tân định, Quận 1.

21-5-2000, tiểu sành đựng hài cốt của ông Cao Triều Phát được đưa lên đặt tại Phòng số 2 của Nhà Lưu hài cốt tại nghĩa trang Thành phố. (Viết theo quyển: Cao Triều Phát, Nghĩa khí Nam bộ, của Phan Văn Hoàng, nhà xuất bản Trẻ)

3. Ông Huệ Lương Trần Văn Quế

Ông Trần Văn Quế, đạo hiệu Huệ Lương, sanh ngày 7-4-Nhâm Dần (dl 1-11-1902) tại làng Phước long, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa, Thân phụ là Trần Văn Ðược và thân mẫu là Nguyễn Thị Là. Thuở nhỏ, học chữ Hán với đông y sĩ Trương Văn Thuần. Khi ông Thuần mất thì chuyển qua học quốc ngữ và tiếng Pháp tại trường Tổng Phước long.

1919, đậu bằng Tiểu học Pháp-Việt, rồi thi đậu vào trường Sư Phạm Sài Gòn.

1923, tốt nghiệp trường Sư Phạm, đậu luôn bằng Thành Chung và bằng Trung học Pháp quốc.

1925, đậu bằng Tú Tài bổn quốc, trúng tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm Ðông dương tại Hà Nội ban Toán Lý Hóa.

1928, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, được bổ về trường Pétrus Ký và dạy học tại đây trong 16 năm liền.

15-7-Kỷ Tỵ (dl 19-8-1929), nhập môn vào Ðạo Cao Ðài tại Thánh Thất Phú Hội ở quê nhà, thường đến sanh hoạt đạo sự ở Thánh Thất Cầu Kho Sài Gòn.

1930, lên hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh, được Ơn Trên phong phẩm Giáo Hữu, được cử vào Hội đồng Nghị sự do Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh chủ tọa.

1933, hợp với ông Nguyễn Văn Kiên lập Chi phái Cao Ðài Ðại Ðạo Liên Ðoàn tại Thánh Thất Cầu Kho, ông Kiên làm chủ tịch, ông Quế làm Tổng Thơ Ký. Sau 1 năm làm việc không đem lại kết quả.

1934, tại Trước Lý Minh Ðài thành lập Liên Hòa Tổng Hội với nhiệm vụ tổ chức 12 kỳ Long Vân Hội để vận động thống nhứt các chi phái, ông Nguyễn Phan Long làm Hội trưởng, ông Quế làm Tổng Thơ Ký.

1943, tham gia Liên Ðoàn Ái Quốc hội tranh thủ độc lập cho Việt-Nam, bị Pháp bắt, kết án 20 năm lưu đày nơi Côn đảo.

1945, Chánh phủ Trần Trọng Kim ân xá, ông Quế trở về Sài Gòn, sau đó hoạt động trở lại, làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành Chánh tỉnh Biên Hòa, chủ tịch là ông Hoàng Minh Châu.

1949, ông Quế lên Tòa Thánh Tây Ninh, chiêu dụ đạo tâm tại Chiêu Hiền Viện, được Ðức Phạm Hộ-Pháp phong chức Khâm Sai Bắc Tông Ðạo, đại diện Tòa Thánh Tây Ninh đi mở đạo tại Bắc Hà.

1952, trở về Sài Gòn, hợp tác với quí ông Phan Khắc Sửu và Nguyễn Bửu Tài, lập cơ quan Cao Ðài Qui Nhứt tại Tam Giáo điện Minh Tân, nối tiếp công cuộc vận động liên hòa Chi phái.

1953, ông Quế được mời giữ chức: Hội Trưởng Cơ quan Truyền giáo Cao Ðài.

1955, tháng 8, ông Quế hướng dẫn Phái đoàn Cơ quan Truyền giáo Cao Ðài đi dự Hội nghị Quốc tế Tôn giáo tại Kyoto Nhựt bổn.

1-6-Bính Thân (1956), Chi phái Trung Việt khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa tại Ðà Nẳng, nâng Cơ quan Truyền giáo lên thành Chi phái Hội Thánh Truyền giáo Trung Việt, ông Quế được ban phẩm Ngọc Phối Sư, làm Chủ trưởng Hội Thánh.

1962, tại Minh Tân, ông Quế và ông Chơn Tâm được chỉ định làm Ðệ nhứt và Ðệ nhị Phó ban Phổ Thông Giáo Lý liên quan hành đạo.

1965, Chi phái giao cho ông Quế lèo lái Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Ðài giáo Việt-Nam trong nhiệm vụ: Tổng Lý Minh Ðạo.

1973, tại Chi phái Hội Thánh Truyền giáo Trung Việt, Phối Sư Ngọc Quế Thanh được thăng Chánh Phối Sư.

14-10-Canh Thân (dl 21-11-1980), ông Huệ Lương Trần Văn Quế qui vị, được an táng tại nghĩa trang của Thánh Thất Trung Minh thuộc Chi phái Truyền giáo Trung Việt.

4. Thông Thiên Ðài

Nhóm Thông Thiên Ðài được lập nên bởi quí ông: Bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, Ðốc phủ Lê Quang Hộ, đại điền chủ Quách Văn Nghĩa, Ðốc học Chiếu, Nguyễn Trung Thăng, Lê Quang Nghi, Lê Quang Tỉnh... và đồng tử phò loan là hai người con của Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu: Ðức (Nguơn Ngọc) và Thân (Huệ Chương).

Ðấng bề trên của nhóm nầy là Liễu Nhứt Chơn Nhơn Tôn Tẫn trong truyện Phong Kiếm Xuân Thu. Các Ðấng bề trên cho biết, nhóm nầy về sau sẽ thay thế Hiệp Thiên Đài của Tòa Thánh Tây Ninh, nhưng thực tế thì không có việc nầy.

Trụ sở của nhóm Thông Thiên Ðài đặt tại Thánh Thất Ðồng Sơn ở Gò Công. Nhóm nầy không thâu tín đồ, các người sáng lập già cả rồi chết, nhóm nầy tan rã và mất luôn. Thánh Thất Ðồng Sơn trở nên vắng vẻ, chỉ còn ông từ lo cúng kiếng mà thôi.

5. Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản

Nguyên trước đây ông Thái Phối Sư Nguyễn Văn Ca thành lập phái Minh Chơn Lý ở Mỹ Tho, được nhiều người ủng hộ, nhưng từ khi Thiên Sư Nguyễn Văn Phùng nắm Cơ bút của Minh Chơn Lý, ông cầu cơ sửa đổi hết các cách thờ phượng, làm cho nhiều người bất mãn nên bỏ đi, kể ra:

Quí Ngài Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang, Nguyễn Quang Thiệu, Cao Triều Phát về Bạc Liêu lập Minh Chơn Ðạo.

Quí Ngài Vương Quan Kỳ và Ðoàn Văn Bản trở về Thánh Thất Cầu Kho.

Ngài Trần Văn Quế bỏ đi, nhập phái Tiên Thiên. Quí Ngài Nguyễn Văn Kiên và Nguyễn Văn Phấn lập “Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản” trụ sở đặt tại Long An, mục đích là phục hồi nguyên bản Ðạo Cao Ðài như buổi đầu Ðức Chí Tôn lập ra, nhưng không được nhiều người hưởng ứng.

Khi ông Nguyễn Văn Kiên được bầu làm Hội Trưởng Cao Ðài Ðại Ðạo Liên Ðoàn thì phái nầy bắt đầu suy tàn và khi ông Kiên qui liễu thì phái nầy tan rã.

6. Tây Tông Vô Cực Cung

Ðây chỉ là một nhóm tu đơn, do ông Nguyễn Bửu Tài, pháp danh Thiện Pháp, lập ra tại quê nhà của ông là làng Phú Hưng, tục gọi làng Chẹt Sậy, quận Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Phái nầy cho rằng phái tu đơn của Ngài Ngô Văn Chiêu từ Phú quốc chuyển về Sài Gòn là phái Ðông Tông, còn ông Nguyễn Bửu Tài ở Bến Tre là Tây Tông, nên Ngài gọi Thánh Tịnh của Ngài lập ra ở Chẹt Sậy là Tây Tông Vô Cực Cung.

Như vậy, Tây Tông Vô Cực Cung không phải là một Chi phái của Ðạo Cao Ðài và cũng không dính dáng gì đến Ðạo Cao Ðài, chỉ có điều là sau đó ông Nguyễn Bửu Tài gia nhập phái Tiên Thiên, trở thành Chức sắc cao cấp (Thượng Ðầu Sư) của Tiên Thiên, rồi lãnh đạo phái Tiên Thiên qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh.

Sau khi ông Nguyễn Ngọc Tương Giáo-Tông phái Bến Tre qui liễu, ông Nguyễn Bửu Tài rút lui khỏi Toà Thánh Tây Ninh, trở về tái lập phái Tiên Thiên, sau đó Cơ bút ma của ông phong ông chức Giáo-Tông của phái Tiên Thiên.

7. Tòa Thánh Nhị Giang

Phái nầy lập trụ sở tại Châu Ðốc, gọi là Tòa Thánh Nhị Giang, chỉ hoạt động trong vùng Châu Ðốc, có tổ chức lưỡng đài Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài như các Chi phái khác, hành đạo theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền, nhưng không được nhiều người ủng hộ, hình như họ chán nản trước các sự kiện lập Chi phái.

8. Tòa Thánh Tiền Giang

Phái nầy lập trụ sở tại Thánh Tịnh Minh Kiến Ðài ở làng Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, Gia Ðịnh.

Về sau phái nầy lập lên Tòa Thánh gọi là Tòa Thánh Tiền Giang, để đối lại Tòa Thánh Hậu Giang. Tuy đã nâng cấp lên Tòa Thánh nhưng không có hoạt động gì đáng kể.

E. Nhóm đặc biệt: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Ðài Giáo Việt Nam

Cơ Quan nầy do lịnh do lịnh của Đảng Cộng Sản Việt Nam lập ra với mục đích để siết chặt các Chi phái và các Thánh Thất, Thánh Tịnh biệt lập. Lúc ban sơ, trụ sở đặt tại Tam Giáo Ðiện chùa Minh Tân, 221 Bến Vân Ðồn, Vĩnh Hội, Sài Gòn và lấy danh xưng là “Cơ Quan Liên Giao Hành Ðạo”.

Cho đến năm 1965, Cơ Quan nầy chưa tổ chức được nên chưa có hoạt động chi thật sự. Năm nầy theo lịnh Đảng Cộng Sản Việt Nam dời trụ sở về 165E đường Cống Quỳnh Sài Gòn, gần Chợ Thái Bình, lấy danh xưng là “Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Ðài Giáo Việt Nam” ngày 1-Giêng-Ất Tỵ (dl 1-2-1965). Mục đích được đề ra cơ quan là của toàn đạo do Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ định lập ra để tổ chức các phương cách phương pháp và phương châm với mục đích phổ thông và phổ biến trong nhơn sanh một giáo lý Cao Đài đã được sửa chửa làm sai lệch và lũng đoạn ....

Một Ban Thường Vụ gồm có:

- 1 Tổng Lý Minh Ðạo.

- 1 Tham Lý Minh Ðạo.

- 1 Tổng Thơ Ký được lập ra để điều hành, điều khiển Cơ Quan. Dưới đó có một số Văn Phòng Vụ Trưởng, các Ban Giáo Sĩ, Tu Sĩ...

Tổng Lý Minh Ðạo, Hiệp Lý Minh Ðạo, Tham Lý Minh Ðạo và Tổng Thơ Ký là tứ trụ của Cơ Quan, mà 3 vị đứng đầu là những vị làm chánh sách và vạch đường lối, còn Tổng Thơ Ký là chấp hành.

( Trần Văn Quế đạo hiệu Huệ Lương là Tổng Lý Minh Ðạo, Ðỗ Vạn Lý đạo hiệu Minh Lý là Tham Lý Minh Ðạo, kiêm nhiệm Quyền Tổng Thơ Ký. Ðỗ Vạn Lý soạn Bản Qui Ðiều Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý và được phê chuẩn gọi là Thánh Dụ Qui Ðiều.)

F. Vấn đề qui hiệp các Chi phái Cao Ðài:

I. Các phong trào thống nhứt Chi phái:

Kể từ năm 1936 đến trước ngày giải phóng 30-4-1975, nhiều tín đồ Cao Ðài có nhiệt tâm lo âu sự phân chia Chi phái của nền Ðại Ðạo nên đã đứng ra lập nhiều cơ quan vận động qui hiệp các Chi phái, mặc dầu không thành công nhưng cũng gây được tiếng vang tốt trong dư luận, xin lần lượt kể ra:

■ Năm 1936, một đàn cơ mà Liên Hoa làm đồng tử, dạy lập một tổ chức gọi là Cao Ðài Ðại Ðạo Liên Ðoàn đặt trụ sở tại Thánh Thất Cầu Kho. Một số vị được bầu vào Ban Chưởng quản: Ðốc phủ Nguyễn Văn Kiên làm Hội Trưởng, ông Cao Triều Phát làm Phó Hội Trưởng... nhưng tổ chức nầy không làm được việc gì vì nội bộ bất đồng ý kiến.

■ Cũng năm 1936, lại dạy quí vị: Nguyễn Phan Long, Ðoàn Văn Bản, Trần Quang Nghiêm, Trần Văn Quế, hợp nhau lập ra Liên Hòa Tổng Hội để tổ chức các cuộc Hội Long Vân vận động hòa hiệp các Chi phái. Liên Hòa Tổng Hội tổ chức được 12 Hội Long Vân, nhưng các Chi phái rất thờ-ơ trong việc hòa hiệp. Ơn Trên dạy Liên Hoà Tổng Hội phải giải nhiệm sau kỳ Hội Long Vân 12, vì Ơn Trên tiên tri rằng:

Liên Hòa vị hiệp đạo lương vong,
Lãnh tụ khâm sai họ nạn hồng.

Hội Long Vân 12 tại Thánh Tịnh Minh Kiến Ðài ở Hạnh Thông Tây Gò Vấp, ngày 15-12-Canh Thìn (1940) thì đệ nhị thế chiến sắp bùng nổ, ở Việt Nam quân đội Pháp bắt các lãnh đạo tôn giáo cầm tù và lưu đày.

■ Năm 1945, ông Cao Triều Phát lập Cơ Quan Cao Ðài Hiệp Nhứt, sau có ông Lê Kim Tỵ và Bùi Văn Nhàn tiếp nối, nhưng công việc không được nhiều người hưởng ứng.

■ Năm 1952, ông Nguyễn Bửu Tài cùng với quí ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Quế lập ra Cơ Quan Cao Ðài Qui Nhứt, nhưng cũng không qui tụ được bao nhiêu người.

■ Năm 1964, ông Trần Văn Quế lập ra Phái Ðoàn Thiện Tâm hướng về Tòa Thánh Tây Ninh, tiếp xúc với Hội Thánh Toà Thánh Tây Ninh thảo luận việc thống nhứt các Chi phái, được Toà Thánh Tây Ninh ủng hộ. Công việc thấy có kết quả bước đầu, nhưng sau đó không tiến thêm được.

■ Năm 1969, ông Phan Khắc Sửu (đạo hiệu Huỳnh Ðức) lại cầm đầu một Phái đoàn đông đảo gồm 72 đại diện một số Chi phái lên Tòa Thánh Tây Ninh họp để thảo luận vấn đề thống nhứt Chi phái. Ông Phan Khắc Sửu dùng uy tín bên Ðời và bên Ðạo của ông gây được một phong trào lớn, có tánh cách qui mô. Tòa Thánh Tây Ninh hợp tác thảo luận, đạt được một số nguyên tắc chung.

■ Năm 1972, Toà Thánh Tây Ninh cử Ngài Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa làm đại diện mời lãnh đạo các Chi phái họp tại Toà Thánh Tây ninh để tiếp tục bàn về sự qui hiệp các Chi phái. Ðược biết, trong Toà Thánh Tây Ninh, Ngài Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa có đại nguyện thống nhứt các Chi phái, nên Hội Thánh cử Ngài lo công việc thống nhứt nầy thì rất hợp với ý nguyện của Ngài.

Các Chi phái hưởng ứng lời mời nên lên họp tại Tòa Thánh Tây Ninh rất đông. Hội nghị bước đầu đạt thỏa thuận gồm 5 điểm:

Làm sáng tỏ danh Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn trong và ngoài nước, y theo Chơn truyền Luật pháp của Ðạo (Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).

- Tương thân tương trợ, tương ái tương liên trong phạm vi đạo đức.

- Không làm Chánh trị, không lập Quân đội.

- Bành trướng sâu rộng cơ phổ độ trong và ngoài nước, hiệp sức mở mang công việc văn hóa và từ thiện phục vụ nhơn sanh.

- Tạm thời tôn trọng hệ thống tổ chức nội bộ của mỗi Chi phái cho tới ngày Ðức Chí Tôn phán đoán.

Hội Nghị thành lập được một Hội Ðồng Vận Ðộng Thống Nhứt Ðại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Ngài Hồ Tấn Khoa được bầu làm Trưởng Ban Thường Vụ Lâm thời.

Hội Ðồng tổ chức được vài cuộc viếng thăm thân hữu trụ sở của vài Chi phái, rồi đến ngày giải phóng, Hội Thánh và các Cơ quan của Ðạo Cao Ðài ở khắp nơi đều bị giải thể.

Qua các điểm vừa trình bày trên, chúng ta nhận thấy việc qui hiệp các Chi phái của Ðạo Cao Ðài, tuy có nhiều cố gắng của Tòa Thánh Tây Ninh và của một vài Chi phái, nhưng cuối không đạt được tiến bộ quan trọng nào.

II. Mục Sư Olliver đạo Tin Lành, người Mỹ, khi nghiên cứu về Ðạo Cao Ðài có bày tỏ ý kiến sau đây:

(dịch ra Việt văn)

“Tôi rất buồn mà thấy rằng các Chi phái trong Ðạo Cao Ðài chỉ nói tốt cho mình mà hạ phẩm giá người khác. Ðiều đáng buồn hơn hết là mỗi Chi phái đều quá ư tự túc tự mãn và không hề nói đến sự thống nhứt, dù rằng đó là sự thống nhứt tinh thần.

Một vài Chi phái khi nghe nói đến việc thống nhứt thì nghiễm nhiên tuyên bố: Ðấng Chí Tôn sẽ làm cho chúng tôi.

Các Chi phái trong Ðạo Cao Ðài mà hiệp nhau lại được thì trước nhứt sẽ có lợi trong các Chi phái ấy và sau đó là lợi cho quốc gia Việt Nam của họ.

Trước khi chờ Ðấng Chí Tôn làm giùm cho chư vị, thì chính chư vị phải cố gắng đứng lên làm một việc gì trước đã.”

Lời phê bình và nhận xét của Mục Sư Olliver khá xác đáng để cho mỗi tín đồ Cao Ðài chúng ta quan tâm và suy nghĩ nhiều hơn. Họ là người ngoại quốc, nên cái nhìn rất khách quan, không thiên vị một bên nào. Nhưng thực sự ta nghe lòng xao xuyến và ái ngại vô cùng.!

G. Tại sao các Chi phái không thống nhứt được?

Ðây là một câu hỏi làm hoang mang rất nhiều người. Những người hành đạo đi sau có cảm tưởng dường như càng vận động thống nhứt, càng có sự dạy dỗ khuyên lơn, khuyến cáo của chư Thiêng liêng chừng nào thì chia rẽ lại càng trầm trọng chừng nấy.

Có lẽ những người hành đạo đi sau bực tức hơn là hoang mang, bực tức cho sự việc, vì sự việc đã biến thành những chướng ngại vật cho sự tiến triển của cơ Ðạo mà mình muốn để vào một tay xây dựng....

Ðức Chí Tôn chỉ trông cậy có một điều là thiệt lòng, là chơn thành mà thôi. Với Thầy, Thầy muốn ở các con cái của Ngài một tấm lòng hoà thuận, thương yêu, hiệp đồng cùng nhau trong một chủ nghĩa Đại-Đồng. Dù cả một cố gắng là Qui Tam giáo hiệp ngũ chi, tuy vậy mà còn dễ hơn là “Thống nhứt các Chi phái”.

Hình như có một mặc cảm như thế nào ấy. Mong sao mỗi người tự ý thức mà dẹp lần những cái riêng tư, những nỗi xót xa nếu có, để cùng nhìn vào một chơn lý cao đẹp của Đạo Trời. Thầy đã ân cần nhắc nhở:

“Chư sơn nghe dạy:

Vốn từ Lục Tổ thì Phật Giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh Pháp bị nơi Thần Tú làm cho ra mất Chánh Giáo, lập riêng pháp luật buộc mối Ðạo Thiền.

Ta vì luật lịnh Thiên mạng đã ra cho nên cam để vậy, làm cho Phật Tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Vì Tam Kỳ Phổ Ðộ, Thiên Ðịa hoằng khai, nơi "Tây Phương Cực Lạc" và "Ngọc Hư Cung" mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi; tại tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu.

Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo... Ôi! Thương thay! Công có công, mà thưởng chưa hề có thưởng; vì vậy mà Ta rất đau lòng.

Ta đến chẳng phải cứu một mình chư tăng mà thôi; vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng trần, Ta đương lo cứu vớt.

Chư tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ Ðộ nầy là lần chót; phải rán sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật. Chư sơn đắc đạo cùng chăng là do nơi mình hành đạo. Phép hành đạo Phật Giáo dường như ra sái hết, tương tợ như gần biến "Tả Ðạo Bàng Môn". Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào; cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây Phương mà cửa Tây Phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành chánh quả do nơi nào mà biết chắc vậy. Ta đã đến với huyền diệu nầy, thì từ đây Ta cũng cho chư tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền. Chư tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa.”