kết quả từ 1 tới 11 trên 11

Ðề tài: Sắc lệnh qui nguyên (st)

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Sắc lệnh qui nguyên (st)

    NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ÐẾ

    3-8-1977

    Thi rằng:
    NGỌC bút tiêu diêu cảnh giáng trần,
    HOÀNG cầu ân đức hóa vạn bang,
    THƯỢNG-Phụ thông truyền con gắng bước,
    ÐẾ hội hoàn nguyên chí thuận cần.
    Thi:
    Thuận cần chiếu sắc cảnh gìn an,
    Chủ định Cao-Ðài Việt-Nam bang,
    Mười hai chi phái Thầy khai mở,
    Nay lập huờn nguyên hiệp một thoàn
    .
    Thi:
    Một thoàn vững mạnh lái lèo ngoan,
    Tu kỹ thì mau gặp Thiên-Ðàng,
    Ương ngạnh giáo truyền không thuận lý,
    Ðừng trách than cho cảnh bẽ bàng.
    Thi:
    Bẽ bàng kề cận đến rồi đây,
    Nguơn-Hạ tiêu vong quá cận ngày,
    Ðời Ðạo y tùy cơ nhứt thống,
    Chung vai gồng gánh sẽ có Thầy.
    Thi:
    Có Thầy dẫn dắt mới tròn xong,
    Hiệp tác qui nguyên mới đại đồng,
    Ðừng vì riêng rẽ Thiên nghịch lý,
    Riêng rẽ thì không đến đại đồng.
    Thi:
    Ðại đồng thế mạnh cõi Trời Ðông,
    Yên ổn năm châu thế giới đồng,
    Một màu đạo đức mùi thơm ngát,
    Bốn biển chung nhà mới rõ thông.
    Thi:
    Rõ thông thì kịp bước theo Thầy,
    Lạc bước bơ vơ phải lạc bầy,
    Chích bóng khổ sầu tư một góc,
    Ðổ lụy âm thầm hỡi ai hay!
    Thi:
    Ai hay thế cuộc bởi cơ Trời!
    Vâng lịnh qui đồng được thảnh thơi,
    Nếu còn rẽ bước Thiên nghịch lý,
    Ðạo phải suy vong rõ thế thời.
    Thi:
    Thế thời khổ lắm hỡi ai ơi!
    Thông hiểu thì tua thuận lý Trời,
    Sao cho thế cuộc thành đạo đức,
    Vũ trụ sinh tồn rạng khắp nơi.
    Thi:
    Khắp nơi đồng chịu ảnh hưởng đời,
    Thầy quyết đưa tay giúp độ người,
    Dân đồng tu sửa nên Ðức Thánh,
    Vũ trụ thanh bình mới thảnh thơi.
    Thi bài:
    Thầy sắc lịnh qui đồng chi phái,
    Phải y truyền đừng sái lịnh Thầy,
    Cao-Ðài liên hiệp mười hai,
    Khuyên chung chư phái thuộc ngoài Phật gia.
    Hòa với Hiệp chung nhà thân mến,
    Ðể lánh đường lưới nhện bủa giăng,
    Tình thân nối bước chung đàng,
    Gội nhuần hơi ấm Trời ban độ cùng.
    Thầy tá thế buổi cùng cứu vớt,
    Chiếc linh thoàn thì bước yên thân,
    Thoàn linh vớt khách đắm trần,
    Khách mau nối bước Thiên-ân đặng nhờ.
    Nương bóng dù mưa Thu tầm tả,
    Ẩn bóng dù thân đã ấm êm,
    Ðừng toan rẽ bước tỵ hiềm,
    Ðể cho nhân chủng lụy thêm khốn nàn.
    Ðạo không vì danh quyền vì lợi,
    Ðạo là vì nhân ngỡi cứu nguy,
    Cũng vì thế cuộc lâm nguy,
    Ðạo vì nhân chủng đang đi sái đường.
    Vì cuộc đời tang thương sắp diễn,
    Vì biển dâu chuyển biến nay mai,
    Thầy vì nhân loại thương thay,
    Nên Thầy tá bút kịp ngày độ yên.
    Thầy nương cơ máy huyền phép nhiệm,
    Lộ phơi bày nhứt điểm Thiên-Cơ,
    Người mau tu sửa kịp giờ,
    Nối dây liên kết may nhờ Thiên-ân.
    Ðạo có Thầy như cây có gốc,
    Ðạo xa Thầy gió lốc mưa chan,
    Ðạo mau hồi bổn chung thoàn,
    Cùng nhau dẫn dắt một đàn em anh.
    Phải đâu lưng xây thành vững chắc,
    Ðừng để cho quỉ dắt ma dìu,
    Thiên-Ðàng nhã nhạc tiêu thiều,
    Âm thành nước quỉ đìu hiu lạnh lùng.
    Biết Ðạo thì cùng chung bước Ðạo,
    Mới gặp ngày huờn đáo cảnh xưa,
    Tu cho kịp bước Ðại-Thừa,
    Tu tròn nhân đạo nắng mưa quản gì!
    Mỗi phải cần sớm thì tự giác,
    Mỗi phải là cải ác tùng lương,
    Phải gìn nhẫn nhục làm gương,
    Phải tròn bác ái trọn thương giống nòi.
    Phải hiểu thông những lời ÐẠI-GIÁC,
    Quyển THÁNH-KINH hoạt bát đủ đầy,
    Cho người đọc rõ người suy,
    Những điều bí khuyết thiếu chi cơ Trời.
    Thầy truyền lịnh mười hai thống nhứt,
    Nhớ ngày nầy bất khuất đại đồng,
    Lịnh truyền vẹn đủ phái tông,
    Giã con hiếu nữ chơn đồng Thầy thăng.
    Thăng.
    VÔ VI LÀ HỌC NƠI TẤT CẢ VÀ HÒA NƠI TẤT CẢ

  2. #2

    Mặc định

    Chiếu Ngọc-lịnh Ðạo Trời qui nhứt,
    Ngũ thập niên nhị thật lẽ rồi,
    Ðúng kỳ định luật Ðạo qui,
    Là kỳ tôn phái gặp ngày huờn nguyên.
    Nền ÐẠI-ÐẠO mối giềng một hội,
    Kịp Phong Vân đại hội đến ngày,
    Long-Hoa khai mạc trường thi,
    Mười hai thọ lịnh kịp thì huờn nguyên.
    Qui nhứt bổn chơn truyền khá rõ,
    Nghi thức đồng biểu lộ giống nhau,
    Thiên-Bàn sắp đặt một màu,
    Lễ hành thống nhứt phái nào cũng y.
    Song danh từ thì y theo cũ,
    Cũng mười hai trọn đủ của Thầy,
    Mỗi mỗi chi phái y nguy,
    Chỉ là liên hiệp nối dây dĩ hòa.
    Mối ÐẠI-ÐẠO chung tòa làm gốc,
    Chữ đại đồng xử dụng mới thành,
    Ðại đồng mới đặng an bình,
    Mới là Ðại-Giáo lập nền Thuấn Nghiêu.
    Các con tua thuận chiều hiệp ý,
    Luận cơ mầu huyền bí rõ thông,
    Từ xưa hai chữ đại đồng,
    Ngày nay rõ biết chung cùng một dây.
    Lẽ Thiên-Cơ nay Thầy chỉ rõ,
    Một cội xanh phải có nhiều chi,
    Nhưng mà gốc chỉ một cây,
    Châu lưu huyết quản nuôi rày lá xanh.
    Các con rõ lá cành một gốc,
    Cành lìa cây gió lốc lá rơi,
    Gốc xanh vốn một Cha-Trời,
    Thì con phải hiểu Ðạo thời chung dây.
    Nay là ngày Thiên-Khai mở cổng,
    Hội Phong-Vân diên hống lo tầm,
    Tu thì mới rõ đục trong,
    Ðạo là một cuộc thi công thi tài.
    Lập chí Thánh độ đời mới đáng,
    Nhờ chữ Tu diên hống kết thành,
    Giúp cho thế cuộc đặng bình,
    Giúp đời lương thiện lập nền cổ lưu.
    Con phải tường chữ TU là gốc,
    Ðời không tu giây phút đổ nghiêng,
    Trị an nhờ có mối giềng,
    Ðời không đạo đức như thuyền bỏ trôi.
    Ðời xa Ðạo sóng dồi gió dập,
    Ðời ngửa nghiêng sớm khóc chiều than,
    Hạ-nguơn lắm cuộc tai nàn,
    Phật Trời thương xót thế gian rõ nào?
    Lời Thầy phán qui vào một tổ,
    Sẽ có Thầy dìu độ thoát qua,
    Nhiều năm lập Ðạo trôi qua,
    Nhiều lời khuyên nhủ chưa đà trọn tu.
    Kỳ cuối cuộc mây mù vẹt ngút,
    Thầy phân qua gạn đục tìm trong,
    Các con ghi tạc vào lòng,
    Bền tâm cho vẹn thì công mới thành.
    Giờ nương bút điển lành đã mãn,
    Chúc con hiền hiểu cạn đường chơn,
    Thầy hồi Bạch-Ngọc vàng son,
    Giã con hiền nữ chớ mòn lơi tâm.
    VÔ VI LÀ HỌC NƠI TẤT CẢ VÀ HÒA NƠI TẤT CẢ

  3. #3

    Mặc định

    Đối với các Chi Phái do Đại Đạo lập thành mà phản loạn Chơn Truyền, ngày nay đã lỗi thệ cùng Thầy, thì xin Hội Thánh thể lòng đại từ đại bi của Đức Chí Tôn, mở kỳ ân xá cho họ đặng nhập môn tái thệ y theo Châu Tri số 31 đề ngày 18 tháng 9 năm Bính Tý, duy trong Châu Thành Tòa Thánh, những kẻ phản Đạo không đặng nhập môn trở lại mà thôi. (Đạo Luật Mậu Dần 1938)
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

  4. #4

    Mặc định Đắc nhất

    NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ Kim Viết CAO-ĐÀI Giáo Đạo Nam Phương, Thầy các con, Thầy mừng các con nam nữ.

    Thi:
    Con ôi! Thầy đến lúc đầu canh,
    Thông thấu thần quang cõi trọn lành,
    Gió núi sóng cồn chưa ổn định,
    Sương mai nắng hạ vẫn xoay quanh.
    Càn Khôn trẻ muốn chung cư thất,
    Thiên Địa con toan động tác thành,
    Ngưỡng cửa viên dung là chữ NHỨT,
    Không tìm sao thấy ở hình danh.
    Giờ nầy hôm nay Thầy giáng trần nơi đây để ban ơn chung cho các con phận sự.

    Nầy các con! Trong thế tam tài, Trời mà được Một thì đàng Đạo yên ổn trong lành, soi sáng nuôi dưỡng muôn loài vạn vật không giây phút ngừng nghỉ, từ thỉ tới chung. Đất khi được Một thì vạn vật mới sinh tồn nhờ bởi sự ổn định luôn luôn, nếu không ổn định bình yên thì con người, thì vạn loại bị sự tiêu diệt bởi sụp đổ nghiêng chinh.

    Còn nhơn tức con người được Một thì con người trở nên thông suốt sáng láng, hiểu được mọi sự mọi vật, từ gần tới xa, từ đã qua tới việc sẽ đến. Đối với người thì gây được tình thương, tạo được thế giới quân bình thạnh trị. Đại để là như vậy.

    Các con ơi! Sự Đắc Nhứt đối với người tu theo ĐẠI-ĐẠO của Thầy là một then chốt quan trọng ở mục tiêu, vì mục tiêu là điểm rốt ráo. Nếu các con không nhìn nhận và nắm được lẽ Một ấy, cứ quanh quẩn bên ngoài, thì không bao giờ đến chỗ. Nếu không được Một, chẳng những các con cứ quanh quẩn bên ngoài vòng Đạo lý, mà phải chịu trong sự vô minh nê chấp riêng rẽ ở quan niệm cá nhân hay đoàn thể tông phái của mình.

    Con hãy nhìn ra trường đời thì thấy thiên hạ ai ai cũng đề cao, cũng vụ ở cái mộng Đắc Nhứt. Nhờ sự Đắc Nhứt mà con người đã đạt tới một trình độ tiến bộ về khoa học, về đời sống vật chất khá cao, tức là đúng với người xưa nói: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh” là vậy.

    Đó là về phần hữu hình vật chất. Còn Thầy khai Đạo, muốn cho con Đắc Nhứt, chẳng những về phương diện hữu thể mà thôi, cả về phương diện siêu thể tinh thần là phần chính yếu vậy.

    Các con! Trước khi các con gọi rằng được Một, thì các con đã được nhiều lắm rồi. Được nhiều đến nổi các con không làm sao chứa đựng hết, khiến cho lòng con luôn luôn bận rộn, khiến cho trí não các con luôn luôn căng đầy, khiến cho thân thể các con triền miên gian khổ. Rồi từ cái được nhiều như vậy, các con nếu biết phương pháp để đạt tới sự Đắc Nhứt là chìa khóa mở cửa Đạo, hiệp với Đạo, tức hiệp với Thầy vậy. Nhưng các con nên cẩn thận khi dùng chữ Đắc Nhứt, vì không có tiếng nào để chỉ cho một nguyên lý tuyệt đối tối thượng ấy mới tạm gọi như vậy. Tiếng tạm gọi nầy là tiếng mượn ở tương đối. Hễ tương đối thì các con dễ ngộ nhận nếu không cẩn mật khi học Đạo tu hành.

    Đắc Nhứt không có nghĩa là con chỉ tôn thờ một Tôn Giáo, một lý tưởng cao đẹp nào đó. Đắc Nhứt không có nghĩa là các con chỉ dự một nhiệm vụ làm cho tới ngày cổi bỏ xác phàm. Đắc Nhứt cũng không phải các con chỉ có một lòng một dạ yêu Thầy mến Đạo, tỏ ra rất thuần thành. Nếu các con xét thấy mình chỉ được ngần ấy thì chưa đủ được Đạo hay Đắc Nhứt đó con. Vì nếu con cứ một lòng bảo vệ tôn chỉ, lý tưởng của mình cho tới cùng, không một trở lực nào ngăn cản, nếu bị kẻ khác xâm phạm danh dự hay quyền lợi thì tỏ thái độ đối kháng, ấy là chưa được Đắc Nhứt quá lắm vậy!

    Thế thì các con cũng cứ lập trường một tôn chỉ, một con đường đã chọn đi. Các con cứ nhứt tâm vì Thầy vì Đạo đi, các con cứ một việc làm mà hằng tiến đi, và trên những con đường, những phương hướng ấy mà các con làm vì Đạo không vụ ở lợi cho mình. Hễ đi tới là quay về trước mặt, không ngó lại mà tiếc rẻ những vật chung quanh, tức là các con mạnh dạn cởi bỏ những phàm tánh vọng ý còn đeo đẳng lòng con, mặc dù phàm tánh vọng ý ấy chỉ được dùng cho sự luyện Đạo thành Tiên tác Phật. Vì những thứ ấy là những lượn ba đào trên mặt trùng dương biển cả. Nếu biển cả cứ nổi dậy những sóng to dồn dập thì nó sẽ ở vào trạng thái đa diện, không còn nhứt diện phẳng lì nữa.

    Khi lòng con như lượn sóng luôn luôn khơi dậy, thì khi ấy chưa được sự Đắc Nhứt.

    Các con rường cột cũng nên thể hiện rốt ráo điều đó để làm tấm gương chung. Khi mà các con xứng đáng một trong thế Tam Tài, thì các con với sự Đắc Nhứt, sẽ dùng quyền lực tạo được bởi tinh thần để phổ độ, để phụng sự nhân sinh, cũng như Trời Đất đang hành vận trong lẽ thuần nhứt đó vậy.

    Và còn một điểm để phụ vào cái Đắc Nhứt của con người rằng cổ nhân của các con có câu: “Thần đắc nhứt dĩ linh”. Thường thường các con hiểu Thần là một vị cai quản một địa phận ở cõi vô hình nào đó, chẳng hạn Thần núi, Thần sông, Thần làng. Nhưng nếu hiểu như vậy cũng không có chi đáng nói.

    Thầy muốn cho các con hiểu Thần đây là Chơn-Thần, là Nguơn-Thần trường cửu hằng tại tự bản tự căn ở mỗi các con. Khi con chi phối tinh thần trăm mưu ngàn kế ở đầu óc các con, hay con nghĩ vẩn vơ những nhơn tình thế sự, thì cái Thần, cái Chơn Thần của các con không còn linh diệu nữa, tất nó phải bị ly tan tản mác, hay hơn nữa, nó bị chìm sâu dưới bức màn vô minh dày cợm!

    Như vậy, khi các con đề cập đến sự đạt Đạo, thành Đạo, thì các con nên nhớ mà gìn giữ Nguơn-Thần cho linh diệu, cho tinh anh, để được minh mẫn mà trở về Đạo gốc.

    Thi:
    Một là tất cả đó con ôi!
    Tất cả biết gom một lẽ Trời,
    Mới ứng dụng vào trong thế sự,
    Không là những chuyện nói đùa chơi.
    Thôi! Thầy chỉ mong các con lớn nhỏ nghe lời Thầy, chỉ ngần ấy để Thầy vui mừng mà đến với các con luôn luôn trong tâm Đạo, trong lẽ Thiên nhơn tương hiệp...
    VÔ VI LÀ HỌC NƠI TẤT CẢ VÀ HÒA NƠI TẤT CẢ

  5. #5

    Mặc định

    MƯỜI HAI PHÁI ĐẠO CAO-ĐÀI

    ( Ngày 10-1 năm Đại-Đạo thứ 32, Đinh Dậu 1957)

    Bài:
    Niên Đinh Dậu, ĐẠO ba hai lẻ,
    THẦY thấy con còn rẽ chia nhau,
    Như vầy THẦY rất lòng đau,
    Bởi nên THẦY mới chuyển mau hội nầy.
    Hội BÌNH-LINH Thầy xây vận chuyển,
    Cho các con hội diện sum vầy,
    Để Thầy cạn lẽ phân bày,
    Cho con lớn nhỏ đồng hay máy Trời.
    Thầy nhắc lại thời kỳ khai Đạo,
    Buổi đầu tiên Thầy tạo Chiếu-Minh,
    Rồi lần sang đến Tây-Ninh,
    Mở Minh-Chơn-Đạo công trình biết bao!
    Lập Tiên-Thiên Thầy trao gánh nặng,
    Ban Chỉnh Đạo cũng đặng vẹn toàn,
    Tây-Tông Vô-Cực tịnh an,
    Bạch-Y Thầy mở liên đoàn Hậu-Giang.
    Trung-Hòa Phái khó toan tiến bộ,
    Tịch-Cốc thi hành lố Thiên-Cơ,
    Mở Minh-Chơn-Lý kịp giờ,
    Liên-Hoa Tổng-Hội thời cơ anh tài.
    Rồi lần đến Cao-Đài Hội Giáo,
    Mười hai chi Thầy tạo đủ rồi,
    Cao-Đài Thống Nhứt ra đời,
    Thầy giao con hiệp coi thời ra sao?
    Trải bao năm phong trào sôi nổi,
    Để tự con trao đổi ý nhau,
    Thời gian im bặt qua mau,
    Nay Thầy xem lại vẫn màu rẽ chia!
    Sự rẽ chia tại lìa căn bản,
    Thầy phân qua, chẳng hãn tường tri,
    Thầy dạy con hiệp, con qui,
    Hiệp là không nghịch, qui y chơn truyền.
    Bề hình thức tư riêng mỗi phái,
    Là ý Thầy muốn dạy các con,
    Giao tay lãnh đạo hành tròn,
    Dìu đường sanh chúng, phận con làm đầu
    .
    Mười hai phái do đâu mà có?
    Gốc Cao-Đài tách ngõ phân ra,
    Cũng như Thầy tạo cái nhà,
    Có mười hai cửa vào ra tự lòng.
    Nhưng làm Chủ-Nhơn-Ông có một,

    Lại tỉ như giống tốt Thầy gieo,
    Mười hai thứ giống tùy theo,
    Con nào muốn cấy giống nào cũng xong.
    Vỏ tuy khác mà trong vẫn gạo,
    Nấu chín rồi vẫn bảo là cơm,
    Dầu phân gạo nhỏ, gạo thơm,
    Gạo nào thì cũng nuôi con no lòng.
    ĐẠO cũng thế, Thầy mong con trẻ,
    Dầu phái nào, chớ tẻ tách nhau,
    Dầu cho khác sắc, khác màu,
    Chơn-truyền có một, không cao thấp gì.
    Đâu cũng gọi TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ,
    Đâu cũng THẦY, danh ngã CAO-ĐÀI,
    Dầu cho đấy dở, đó hay,
    Đỡ nưng mới phải, đừng bài bác nhau.

    Last edited by tinhkhithan; 20-12-2011 at 02:05 PM.
    VÔ VI LÀ HỌC NƠI TẤT CẢ VÀ HÒA NƠI TẤT CẢ

  6. #6

    Mặc định

    Lúc chưa chánh thức Khai Ðạo, Ðức Chí Tôn đã có cho bài thi tiên tri,có tính cách cảnh tỉnh, nhưng không ai để ý: TNHT: Ngày 20-2-1926.

    “Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
    “Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
    “Chung hiệp ráng vun nền đạo đức,
    “Bền lòng son sắt đến cùng Ta”.

    Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.”

    Lại nữa:

    …“Nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Ðạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau; nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt. Lại nữa, trước Thầy lại giao Chánh Giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh Giáo mà làm ra Phàm Giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ.

    Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh Thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo.

    Vì vậy Thầy mới lập ra có một phẩm Giáo-Tông, nghĩa là anh cả, ba phẩm Ðầu Sư, nghĩa là Giáo Hữu. Chẳng một ai dưới thế nầy còn đặng phép nói rằng thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn loại. Ai có đức hạnh lớn thì mới ngồi đặng địa vị của Thầy ban thưởng. Còn cả môn đệ, ai cũng như ai, không đặng gây phe, lập đảng; nhược kẻ nào phạm tội, thì Thầy trục xuất ra ngoài, cho khỏi điều rối loạn.”
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

  7. #7

    Mặc định

    “Nếu Thầy biết các con nhẹ tính thì thế nào cũng chẳng chịu, lại để lời tiên-tri mà dặn trước, nào dè Thánh ngôn các con không đọc, lời Thầy nói cũng như không mới ra tội-lỗi, các con phạm thượng thế ấy.

    Vậy từ đây quyền thưởng phạt đã giao vào tay Lý Thái-Bạch các con chịu lấy… Cả Môn-đệ Thầy duy có biết một chớ không biết hai, kẻ nào cưu tâm CHIA PHE PHÂN PHÁI là đứa thù nghịch của Thầy. Con hiểu à?

    Con biết rằng: Thầy hằng dặn cả Môn-đệ, nhứt nhứt sự chi cũng phải đợi lịnh Thầy” (TNHT QI Tr.57)
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

  8. #8

    Mặc định

    Cao-Ðài Thượng-ÐẾ
    chánh lễ cỦa 12 phái Cao-Ðài hiệp tác
    27-9-1977
    (15-8 Ðinh Tỵ)
    Thi:
    CAO thượng từ-bi ngự chứng đàn,
    ÐÀI ngọc phê truyền cõi Nam-Bang,
    THƯỢNG tri giáo pháp qui nhứt bổn,
    ÐẾ khuyết phụng thừa khải lý trang.
    Thi bài:
    Ngày Chánh-Lễ Ðạo Trời qui nhứt,
    Ðịnh khải hoàn bất khuất từ nay,
    Cao-Ðài tác hiệp mười hai,
    Lo bề chỉnh giáo lập ngày Thuấn Nghiêu.
    Ðạo qui nguyên một chiều hưởng ứng,
    Mối đại-đồng gây dựng móng nền,
    Lập thành Ðại-Ðạo bình nguyên,
    Ðể cho thế giới mối giềng dựng y.
    Ðạo Cao-Ðài từ khi khai mở,
    Bút Tiên còn rỡ rỡ mực nghiên,
    Những lằn mực đẫm vẫn nguyên,
    Những lời Thầy phán mối giềng nào sai.
    Ðến kỳ nay cận ngày mạt thế,
    Thầy qui cơ kẻo trễ ngày giờ,
    Con hiền xin chớ lẵng lơ,
    Dễ dui một lúc thời cơ muộn màng.
    Thầy chẳng nhọc lời vàng khuyên nhủ,
    Các con hiền kỳ thủ khắc tâm,
    Mấy lời diệu lý cơ thâm,
    Ðừng chi lẻ bước ngấm ngầm riêng tư!
    Xưa Ðạo mở thuyền từ thập nhị,
    Chèo khắp nơi biên bỉ giáo dân,
    Ngày nay mạt thế hầu gần,
    Ðạo toan phối hợp đâu lưng chống chèo.
    Vâng lịnh Thầy qui theo sắc chỉ,
    Thầy mới âu chung thỉ cứu đời,
    Ngày tàn khổ lụy con ơi!
    Con tua vững chí thế thời giải nguy.
    Các con tu thì Thầy cứu độ,
    Con đắm trần thì khổ chớ than,
    Cõi đời lắm cuộc bi quan,
    Con ơi chớ để lụy thoàn biển mê.
    Lo tu luyện tầm về Tiên cảnh,
    Con cãi Thầy ấm lạnh thân con,
    Sớm lo tác hiệp cho tròn,
    Hiệp lời Thiên định sắt son một màu.
    Cho bốn biển nương cầu thoát khổ,
    Cho hoàn cầu hiệp tổ ấm chung,
    Ðể cho thế giới đại đồng,
    Chung câu hòa hiệp Ðạo đồng chỉnh tu.
    Từ Giáp-Tý nhịp cầu khai mở,
    Niên Bính-Dần kể trở về nay,
    Ðạo truyền Phổ-Ðộ hoằng khai,
    Phật, Tiên khan giọng, ít ai tu hành!
    Ngũ Thập Nhứt niên thành Ðạo mở,
    Thầy nhọc nhằn dạy dỗ con tu,
    Muôn người chưa có kẻ tu,
    Ðời càng trụy lạc ngục tù càng thêm!
    Nay đến kỳ qui nguyên các phái,
    Xin các con đường phải thuận cùng,
    Hiệp hòa Ðạo một Thầy chung,
    Cho đời hưởng cuộc thung dung thái bình.
    Bạch-Diệu-Hoa đinh ninh lời dạy,
    Công con hiền gắng chí nguyện cầu,
    Cứu đời thoát cảnh vực sâu,
    Ðộ người thoát khỏi họa âu khổ hình.
    Công trì tụng tâm thành thiện khẩn,
    Thấu Cửu-Cung chư Phật giáng trần,
    Thiên-Tào nhuận bố hồng ân,
    Hằng hà Thánh, Phật xuống ân độ đời.
    Ngày chứng quả cơ Trời chỉ rõ,
    Công đắc thành sáng tỏ hiện kim,
    Ngàn muôn có lẽ dân hiền,
    Gặp kỳ đại-xá trọn nguyền thỉ chung.
    Kỳ xá tội văn đồng mở ngỏ,
    Toại tấm nguyền đây đó tròn xong,
    Chứng công hà hải trọn lòng,
    Ðộ đời, giải thoát tròn công cao dày.
    Công vô biên, đức dày vô lượng,
    Vững tâm lành ân thưởng vô biên,
    Thầy ghi bảng ngọc con hiền,
    Muôn năm Kinh sử vạn truyền cõi dương.
    Ban ân huệ chung đường tổ phụ,
    Song thân con tự nhủ cõi âm,
    Ngày nay ngôi báu hưởng phần,
    Sum vầy cảnh lạc nhàn thân đời đời.
    Lễ: Thân-Phụ rạng ngời ngôi báu,
    Con hãy tường chỉ đạo Thánh-danh,
    HUỆ-THANH KIM-TIÊN đức lành,
    Còn phần Từ-Mẫu nhàn thanh ngôi vàng.
    Giỏi, Kiểu-Năng: phàm danh, Phật phái,
    Nay Tiên ngôi con hãy niệm danh,
    BẠCH-DIỆU-NĂNG TIÊN-NỮ lành,
    Thảnh thơi nhàn hạ Tiên thành phong ngôi.
    Cùng Thất-Tổ nhiều đời âm cảnh,
    Cũng vượt lên cửa Thánh chung đồng,
    Nhờ nơi con thảo dày công,
    Nhứt nhơn hành Ðạo chung đồng siêu thăng.
    Cùng thắng cảnh sen vàng đỡ gót,
    Ngàn muôn Thu tự toại nhàn quê,
    Ngày nay sắc lịnh vẹn bề,
    Tý thời tái lập chủ đề giáo dân.
    Các Ðấng còn đang phần truyền giáo,
    Các phái chi thông thạo máy Trời,
    Lo bề thành lập các nơi,
    Cho đời thuận lý cơ Trời độ dân.
    Phần đàn sau là phần Thân-Phụ,
    Cùng Mẫu-Thân sẵn đủ đợi chờ,
    Ðiển huyền chấp chỉ nương cơ,
    Cho tình Phụ Mẫu đôi giờ viếng thăm.
    Ngâm:
    Thầy vui cho trẻ được tròn,
    Ðời tu khổ nhọc danh còn vạn niên.
    Vui thay công đắc phỉ nguyền,
    Thầy hồi Bạch-Ngọc ân Thiên ban lành.

    VÔ VI LÀ HỌC NƠI TẤT CẢ VÀ HÒA NƠI TẤT CẢ

  9. #9

    Mặc định

    Câu thi:

    “Rốt cuộc cành khô cùng lá héo,
    Còn gì tươi tốt để con coi.


    Theo bài thi trên nầy, lúc đầu có một vài Chi phái bông trái sum suê, còn một vài Chi phái thì còi cọc, nhưng rốt cuộc rồi thì dầu sum suê hay còi cọc đều bị tàn tạ dần, rồi sẽ mất hẳn. Ðức Chí Tôn như ngầm nói rằng vấn đề qui hiệp là sống còn, còn không chịu qui hiệp thì dần dần suy tàn rồi mất hẳn.
    Người tín đồ Cao Ðài hôm nay phải tự nhận thức rằng, chỉ có con đường duy nhứt để tự cứu lấy mình, cứu lấy linh hồn mình là tự giác trở về với nguồn cội Đạo để lập công quả, hoặc là bên Cửu Trùng Đài, hoặc là bên Hiệp-Thiên-Đài. Ðức Chí Tôn chưa cho phép mở Tịnh Thất và chưa ban cho pháp môn luyện đạo, bởi vì kỳ thi chung kết sắp mở trong Ðại ân xá của Chí Tôn là môn thi CÔNG QUẢ và chỉ thi môn nầy mà thôi.

    Ðức Chí Tôn có lời dạy:

    “Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Thầy nói cho các con nghe, nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ”.

    Cho nên nếu cứ lo luyện đạo mà không lo công quả thì tới kỳ thi chung kết nầy, e phải đứng ngoài trường thi, chịu thiệt thòi thì mất cơ hội tiến hoá.
    Trong kỳ Ðại Hội Nhơn Sanh năm Giáp Dần (1974) tại Tòa Thánh Tây Ninh, vị Chức sắc đại diện Lại Viện Cửu Trùng Đài báo cáo trước các Nghị viên và Phái viên nhơn sanh, số Chi phái Cao Ðài bằng lòng qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh như sau:

    "Tổng số 36 Chi phái Cao Ðài, đã có 10 Chi phái chịu qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh như:

    1- Hội Thánh Truyền giáo Trung Việt.

    2- Phái đoàn Cao Ðài Chiếu Minh.

    3- Hội Thánh Trung Ương Trung Việt (Tam Quan).

    4- Hội Thánh Cao Ðài Thượng Ðế (Chiếu Minh Ðàn).

    5- Phái đoàn Hội Thánh Tiền Giang.

    6- Phái đoàn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý

    7- Hội Thánh Hậu giang Minh Chơn Lý.

    8- Cao Ðài Cứu Thế Thiện Huyệt Lâm Huyền Châu.

    9- Giáo Hội Cao Ðài Thống nhứt."


    Các Tôn-giáo từ xưa đến giờ, hầu như cái cảnh phân chia không tránh khỏi, phân chia rồi kích bác nhau, hậu quả là đám Môn-đệ cũng noi gương ấy mà có một sự cách biệt nhau, hiềm nhau gây nên một sự rạn nứt không nhỏ. Đau lòng trước nhứt là Đức Thượng-Đế.

    Những bậc ưu thời mẫn thế để tâm nghiên-cứu nguyên-thủy sự bất hòa do đâu mà sản xuất?

    - Thì đặng thấy hiển nhiên rằng tại lòng người còn thiếu phần đạo-đức.

    - Những Tôn-giáo đương thời hoặc bị Luật buộc ràng vào Tôn-chỉ hẹp-hòi hay là bị triết-lý oai-nghiêm mà làm cho phân chia tâm lý nên không thể dung hòa đặng mà làm môi giới Đại-Đồng Thiên hạ. Tình cảnh Tôn-giáo là vấn đề trọng yếu của nhà hiền triết Á Âu buổi nay.

    - Ôi! Những hạng trí thức này xem đặng con đường nguy-hiểm của Văn-minh duy vật dong ruổi thẳng tới chừng nào thì lại còn âu lo khủng khiếp cho tương lai nhân loại buổi sau kia.

    Đời chẳng khác nào như chiếc thuyền tình chịu sóng gió ba đào, linh đinh khổ hải, những khách giang hồ của Tạo công đi lại sao chẳng phập-phồng rơi châu đổ ngọc trong cơn khổ não tâm hồn.
    (16-10-Quí-Dậu 1933)

    Trước tình cảnh của nhơn sanh như thế, người có trách nhiệm cũng lo ngại cho tương lai của nền Đại-Đạo.

    Đức Hộ-Pháp nói:

    “Có lần Bần-Đạo nghe lời Đức Lý thì Đại-Từ-Phụ thất vọng, thấy tội nghiệp Đại-Từ-Phụ quá đỗi. Đức Đại Từ-Phụ tính không thể gì bảo trọng mấy đứa kia được, biết Đức LÝ nhứt định đuổi những kẻ tà tâm ra khỏi nền Tôn giáo. Đại-Từ-Phụ biết không thể gì không biến sanh Chi phái, nếu nảy sanh Chi phái rồi thì không phương cứu vãng và trị loạn được, thì nền Chánh-giáo của Đức Chí Tôn không có giá trị gi hết”

    Ai đã gây ra Phe phái hãy nghe Thầy để lời than:

    [/I]“Nếu Thầy biết các con nhẹ tính thì thế nào cũng chẳng chịu, lại để lời tiên-tri mà dặn trước, nào dè Thánh ngôn các con không đọc, lời Thầy nói cũng như không mới ra tội-lỗi, các con phạm thượng thế ấy. Vậy từ đây quyền thưởng phạt đã giao vào tay Lý Thái-Bạch các con chịu lấy… Cả Môn-đệ Thầy duy có biết một chớ không biết hai, kẻ nào cưu tâm CHIA PHE PHÂN PHÁI là đứa thù nghịch của Thầy. Con hiểu à?

    Con biết rằng: Thầy hằng dặn cả Môn-đệ, nhứt nhứt sự chi cũng phải đợi lịnh Thầy”[/I] (TNI/57)

    Đức Hộ-Pháp cũng đã dạy phân rằng:

    “Thể Đạo của Chí-Tôn cũng phải nương chữ Hòa mới toan thành lập, Chí-Tôn định thành Hội-Thánh đặng thay thế hình ảnh của Người, thì cũng tùng theo phép Tạo hóa cá nhân mà gầy nên ảnh tượng:

    - Cửu-Trùng-Đài là thi hài ấy là TINH.

    - Hiệp-Thiên-Đài là Chơn-thần ấy là KHÍ.

    - Bát-quái-Đài là Linh-hồn ấy là THẦN.

    Nếu cả ba mà không tương hiệp, thì khó mong thành Đạo cho đặng.

    Nếu có một quyền-hành nào tại thế này mà làm cho thân thể Chí-Tôn phải chia phui manh-mún ra đặng, thì là Đạo Ta là giả Đạo, tất nó phải tiêu diệt trong một phút ngắn-ngủi chi đây.

    Còn như quả là Chí-Tôn vì Thương yêu con cái của Người, chính mình đến lập Đạo đặng giải thoát cho chúng sanh thì những mưu chước của Tà quyền ngăn cản bước Đạo của Thầy khó mong nghịch mạng với Chí-Tôn, ắt là không mong bền vững.

    Hại thay, cho những kẻ vô phần toan PHÂN PHÁI CHIA PHE làm cho xác Chí-Tôn phải tan tành rời-rã!

    Khổ thay cho những kẻ không duyên CHỐI THÁNH-GIÁO, nghịch chơn truyền làm cho Chơn thần của Chí-Tôn phải ô-uế đê hèn muốn toan bỏ xác!
    Đau-đớn thay cho những kẻ ấy!

    Thê-thảm thay cho những kẻ ấy! Dám để tay vào mà tàn hại Chí-Tôn, cái tội-tình ấy lớn lao bao nã?! Coi lại gương Juda bán Đức Chúa Jésus-Christ còn nhẹ. Vì Juda ham ba chục ngươn bạc đặng nuôi Môn-đệ của Người mà bán Ngài, còn những kẻ này đây duy háo danh mà phản Đạo!

    Chí-Tôn đã đến thế hạ mình đặng làm Thầy dạy-dỗ chúng ta, hằng trông mong giờ nào chúng ta biết hoà hiệp nơi lòng bác-ái, từ tâm của Người, là hiệp Một cùng Người, mới có đủ quyền-hành độ tận chúng sanh qui hồi cựu vị, mà đã sáu năm chầy rồi, thân thể hỡi còn rời-rã, ngất-ngơ, Chơn-thần hỡi còn dật-dờ mê-muội, thì thế nào các Đấng Thiêng-liêng hiệp một cùng Đời cho đặng, hầu mong sửa cải Thiên-thơ, tụ hội các nguyên-nhân đem về trong cửa Đạo?

    Vì năm Đạo phân chia cho nên nhơn tâm bất nhất, Chí-Tôn đến đặng hiệp lại một nhà, ước cho con cái của Người biết Thương-yêu hòa thuận”
    (Pháp-Chánh-Truyền)
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

  10. #10

    Mặc định

    Cùng nhau theo được ý trời
    Cùng nhau hòa hảo nơi nơi an lành
    Vì sao chưa hiệp được nhanh
    Phàm tâm vọng ý chưa thanh được lòng
    Bao giờ mới được hiệp xong
    Phải từ tâm trí đục trong mỗi người
    Sửa mình tâm tính tốt tươi
    Bắt đầu ta hiệp ở nơi thân mình
    Hiệp rồi mới thấy vô minh
    Xưa kia sao lại từ mình sân si
    Tranh khôn bảo thủ cấp kỳ
    Chẳng hòa ,chẳng thuận sao tri lời thầy
    Đao to búa lớn ta đây
    Khư khư vị kỷ sao thầy chấm công
    Có chăng thầy chấm tấm lòng
    Vị tha thì mới học xong công bình
    Công phu công quả công trình
    Xây lòng bác ái xây tình từ tâm
    Một lòng cầu nguyện huyền thâm
    Nhà to nhiều cửa ta tầm nguyên căn
    Nhìn nhau nết ở nếp ăn
    Cùng nhau ta lại lời văn hòa đồng
    Đạo thầy vốn dĩ linh thông
    Thưa mà chẳng lọt mảy lông bao giờ
    Niềm tin đã đủ chẳng ngờ
    Công bình chánh trực đang chờ chúng ta
    Hiệp hòa có ở đâu xa
    Trong tâm ta đó đâu xa mà tìm
    Thương người bằng cả con tim
    ra công mài sắt cái kim còn thành
    Cùng nhau đạo đức thực hành
    Hòa vào tất cả trời xanh chứng lòng
    VÔ VI LÀ HỌC NƠI TẤT CẢ VÀ HÒA NƠI TẤT CẢ

  11. #11

    Mặc định

    Toà Thánh Tây Ninh lúc nào cũng sẵn sàng đón rước các chi phái Đạo trở về hợp tác. Thánh huấn số 380 ngày 22-3-Kỷ Sửu (19-4-1949) ghi : "Bần Đạo đã ân xá cho toàn cả chi phái, bất cứ là ai, nếu nhập môn lại và vâng y luật pháp Toà Thánh sẽ là tín đồ chánh thức của Đạo Cao Đài".
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Ngũ Lôi Sắc Lệnh
    By phatphapvoluongton in forum Thế Giới Bùa Ngải
    Trả lời: 47
    Bài mới gởi: 09-09-2012, 07:39 AM
  2. Nói về tam nguyên đan pháp
    By tuong_vi in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 8
    Bài mới gởi: 05-11-2011, 02:48 PM
  3. đẩu mẫu nguyên tôn đại đạo cửu hoàng chân kinh
    By The_Sun in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 02-09-2011, 05:39 PM
  4. Nguyên Thủy Thiên Tôn Thuyết Thăng Thiên Đắc Đạo Chân Kinh--元始天尊說升天得道真經
    By The_Sun in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 02-09-2011, 05:31 PM
  5. Danh Sách Trạng Nguyên Việt Nam
    By tieuthu_soma in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 25-05-2011, 09:28 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •