Cán cân quân sự trong chiến dịch ĐBP trên không kỳ 1)
Cập nhật lúc 25 PM, 22/12/2009

37 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Đất Việt xin điểm lại những khí tài quân sự đã tham gia cuộc đọ sức suốt 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972.



Linebacker II là cuộc tập kích đường không chiến lược của quân đội Mỹ vào miền bắc Việt Nam, với âm mưu “đưa miền bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá”. Đây là bước phiêu lưu quân sự lớn nhất của tập đoàn Nixon. Về mặt khoa học quốc phòng, Linebacker II còn là chiến dịch tập trung những gì tinh hoa nhất của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ giai đoạn bấy giờ.

Trong chiến dịch này, Mỹ đã huy động 193 B-52 (chiếm gần một nửa trong tổng số 400 B-52), 1077 máy bay chiến thuật chiến đấu hiện đại trong tổng số trên 3000 chiếc.

Lực lượng hải quân huy động sáu tàu sân bay (trong tổng số 24 chiếc) cùng với đội tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu cấp cứu của hạm đội Thái Bình Dương. Ngoài ra, còn có một đội bay tiếp dầu trên không, trinh sát chiến thuật, trinh sát chiến lược, gây nhiễu điện tử…hùng hậu.

Có thể nói, Mỹ đã đưa vào chiến dịch này những vũ khí hiện đại nhất thời bấy giờ vào "canh bạc cuối cùng" này. Đó là những chiến đấu cơ mới nhất, hiện đại nhất, những tổ hợp chiến đấu tinh vi, phức tạp nhất.

Sau đây là một số loại máy bay hiện đại quân đội Mĩ sử dụng trong chiến dịch Linebacker II:

Tiêm kích – bom F-4 Phantom II (Con ma)

F-4 “Con ma” là máy bay tiêm kích – bom siêu âm, hai động cơ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. F-4 là một trong những thiết kế thành công nhất của tập đoàn Mcdonell.

Bắt đầu phục vụ Hải quân Mỹ từ năm 1961, nhưng vai trò của F-4 lúc đó lại là tấn công mặt đất hỗ trợ cho các chiến dịch của lính thủy đánh bộ (United states marine corp – USMC).

Máy bay chiến đấu F-4 tham gia hoạt động với nhiều vai trò khác nhau ví dụ như: chiến đấu chiếm ưu thế trên không, đánh chặn trên không, hỗ trợ tấn công tầm cực ngắn, tấn công tầm xa và trinh sát chiến thuật.


Tiêm kích - bom F-4 "con ma" là máy bay chiến đấu có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ.


Cấu trúc thân của F-4 sử dụng nhiều hợp kim Titan, dài tới 19m, tổng trọng lượng cất cánh tối đa 27 tấn. F-4 có một thân hình khá đồ sộ, to lớn khác hẳn với những tiêm kích cùng thời. “Con ma” này đạt được tốc độ Mach 2.23 (2.370km/h) đáng nể , tốc độ lên cao 210m/s, tầm bay 2.600km và trần bay trên 18.000m.

Buồng lái được thiết kế dành cho hai phi công (một phi công điều khiển và một phi công phụ trách vũ khí hoặc theo dõi radar). Các hệ thống điện tử trên máy bay gồm radar điều khiển hỏa lực, thiết bị hỗ trợ ném bom, thiết bị dẫn đường quán tính…

Đối với hệ thống vũ khí của F-4 được mang trên chín giá treo, tùy vào từng nhiệm vụ khác nhau chúng có thể linh động thay đổi phù hợp. Về cơ bản, chúng trang bị các tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow (chim sẻ) và AIM-9 Sidewinder (rắn đuôi chuông), tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick và các loại bom thông thường, bom dẫn đường bằng laze, bom chùm…

Tuy nhiên, có một thiếu hụt mà trở thành điểm yếu lớn của F-4 trong thời gian tham chiến ở Đông Nam Á. Chúng không được lắp đặt pháo dùng cho không chiến tầm gần, mãi đến phiên bản F-4E ra đời điểm yếu này mới được khắc phục khi máy bay có thêm pháo M61 "Thần lửa" (có thể bắn 639 viên đạn).

Đi vào phục vụ không lâu, F-4 bắt đầu tham gia vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chúng hoạt động với nhiệm vụ chủ yếu không chiến chiếm ưu thế trên không, cường kích.


F-4 "con ma" đang ném bom.


Sau này, F-4 còn được đưa vào tham gia chương trình Wild Weasel (chồn hoang). Đây là một dự án đặc biệt của quân đội Mĩ nâng cấp cải tiến máy bay thực hiện nhiệm vụ khống chế hệ thống phòng không đối phương (suppression of enemy of air defenses-SEAD).

Vũ khí trang bị chủ yếu là tên lửa chống radar AGM-88 HARM (tên lửa có thể phát hiện, tấn công và phá hủy trạm radar, ăng ten). Cùng với các thiết bị gây nhiễu điện tử.

Trong chiến dịch Linebacker II (1972), Không quân và Hải quân Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc thuộc ba phiên bản F-4D/E/J tham chiến. Vai trò của F-4 trong chiến dịch là hộ tống “pháo đài bay” B-52, khống chế hệ thống phòng không của ta, đặc biệt là các trận địa tên lửa SAM.

Tiêm kích – bom F-105G Thunderchief (Thần sấm)

F-105 “Thần sấm” là máy bay tiêm kích – bom siêu âm của không quân Mĩ. F-105 cũng là một trong những chiến đấu cơ được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

F-105 được thiết kế với một chỗ ngồi duy nhất, nó có chiều dài 19,6m. Trang bị một động cơ phản lực Pratt & Whitney J75-P-19W cho phép F-105 đạt tốc độ Mach 2.08 (2208km/h), tầm bay tối đa 3.500km, trần bay trên 14.000m.

F-105 được lắp đặt một pháo M-61 “Thần lửa” (1.208 viên đạn) cùng với đó là bom và tên lửa mang trên giá treo bên ngoài. Máy bay có khả năng sử dụng tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder (Rắn đuôi chuông) và AIM-12 Bullput cho các nhiệm vụ không chiến. Tuy nhiên, vai trò chính của “thần sấm” trong cuộc chiến tại Việt Nam lại là ném bom đánh phá. Chúng thường được các đơn vị F-4 hộ tống.


F-105 "thần sấm" mang đầy đủ bom.


Trong chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ đã đưa F-105G tham gia. Đây là phiên bản nâng cấp cải tiến của F-105 sử dụng cho mục đích áp chế hệ thống phòng không đối phương.

F-105G được lắp đặt thiết bị tác chiến điện tử AN/ALQ-105, một số chiếc còn được trang bị tên lửa chống radar AGM-78 (tầm bắn 90km) có khả năng phát hiện, tiêu diệt các trạm radar của hệ thống tên lửa đối không.


F-105 "thần sấm" thực hiện phi vụ áp chế hệ thống phòng không đối phương (trang bị tên lửa chống radar AGM-78 và AGM-45).


Các máy bay làm nhiệm vụ áp chế hệ thống phòng không luôn là những người đến sớm nhất và “ra về” muộn nhất. Đến sớm là để khống chế hệ thống phòng không hỗ trợ các máy bay ném bom vào đánh phá, và rút ra muộn nhất là để hỗ trợ việc rút lui an toàn các đơn vị ném bom. Những chiếc F-105G thường được KC-135 tiếp dầu trên không để có đủ thời gian hoạt động hỗ trợ.


Phi đội "thần sấm" đang được tiếp nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu trên không KC-135.


Máy bay ném bom cánh cụp – cánh xòe F-111 Aardvark (Lợn đất)

F-111 là máy bay ném bom siêu âm của không quân Mĩ. F-111 cũng là loại máy bay mang thiết kế độc đáo cánh cụp cánh xòe đầu tiên trên thế giới.

"Lợn đất” F-111 được thiết kế với hình dạng cánh có thể thay đổi, chính điểm đặc biệt này cho phép phi công có thể bay tầm thấp với vận tốc siêu âm và đạt tốc độ gấp hai lần vận tốc âm thanh ở tầm bay cao.

Khi cánh xòe hết cỡ thì lực nâng của cánh tăng lên cho phép máy bay cất hạ cánh đường băng ngắn.


Máy bay "cánh cụp cánh xòe" F-111.


Hệ thống điện tử của F-111 bao gồm: hệ thống dẫn đường, thông tin liên lạc, hệ thống áp chế hỏa lực phòng không và radar điều khiển ném bom giúp tấn công chính xác mục tiêu trong điều kiện ban đêm hoặc thời tiết xấu.

Một điểm mới của F-111 so với các loại máy bay khác, nó được trang bị radar theo dõi địa hình cho phép máy bay bay trong khu vực thung lung, đồi núi, bất kể ngày hay đêm hay trong điều kiện thời tiết xấu ở tốc độ cao.


F-111 khi cụp cánh hết cỡ.


Vũ khí của F-111 gồm pháo M-61 “Thần lửa” và 14.000 kg bom mang trên bốn giá treo bên ngoài cánh và hai giá treo nằm trong khoang vũ khí máy bay. F-111 mang được các loại bom thông thường và bom hạt nhân.

F-111 trang bị hai động cơ Pratt & Whitney TF30-P-100 cho phép nó đạt tốc độ vượt âm Mach 2.5 (2.665km/h), tầm bay trên 5000km.

Tại Việt Nam, đến tận năm 1972 loại máy bay này mới được đưa vào sử dụng. Lợi dụng ưu thế bay tốc độ cao ở tầm thấp giúp F-111 tránh được sóng radar, không quân Mĩ sử dụng nó với vai trò áp chế hệ thống tên lửa phòng không.

Máy bay cường kích A-4 Skyhawk (Chim ưng nhà trời)

Trong chiến dịch Linebacker II, bên cạnh các chiến đấu cơ của không quân, Hải quân Mỹ cũng được điều động tham chiến với các loại máy bay ném bom hạng nhẹ A-4, A-6 và A-7.

Trong đó, máy bay cường kích A-4 được mệnh danh là “chim ưng nhà trời” tham gia cuộc chiến Việt Nam từ những năm đầu. Chúng được hải quân Mỹ sử dụng rộng rãi trong các phi vụ ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam.


Máy bay cường kích A-4 "chim ó nhà trời".


Ngoài những tính năng kỹ chiến thuật thông thường, A-4 là loại máy bay đầu tiên áp dụng kĩ thuật tự tiếp dầu trên không, nghĩa là các máy bay cùng loại A-4 có thể tiếp dầu cho nhau mà không cần máy bay chuyên dụng.

Để thực hiện kĩ thuật này, một chiếc A-4 cải tiến trang bị hệ thống tiếp dầu gồm thùng nhiên liệu phụ và vòi bơm dầu cất cánh với tải trọng tối đa đổ đầy nhiên liệu và sẽ rời khỏi tàu sân bay trước tiên.

Tiếp đó, các máy bay A-4 làm nhiệm vụ chiến đấu mang tối đa vũ khí và chỉ bơm một lượng nhiên liệu đủ dùng, sau khi cất cánh sẽ được tiếp dầu đầy đủ trên không.


A-4 cải tiến mang thùng nhiên liệu và hệ thống bơm dầu đang thực hiện tiếp liệu cho "con ma" F-4


Tham gia Linebacker II, không quân Mỹ đã đưa phiên bản cải tiến A-4E vào tấn công đánh phá miền Bắc Việt Nam. A-4E được cải tiến nhiều về hệ thống điện tử bao gồm: radar dẫn đường Doppler, hệ thống định vị TACAN (Tactical Air Navigation – dẫn đường chiến thuật trên không), radar độ cao, máy tính điều khiển ném bom, thiết bị dẫn đường ném bom tầm thấp AJB-3A. Ngoài ra, A-4E được lắp động cơ mới Pratt & Whitney J52-P-6A.

Trang bị vũ khí của A-4E cũng tương tự các phiên bản khác, chúng lắp đặt một pháo 20mm. Năm giá treo trên cánh có thể mang được tên lửa không đối không AIM-9 “rắn đuôi chuông”, tên lửa chống radar AGM-45, tên lửa không đối đất AGM-65, AGM-12 và các loại bom thông thường, rocket.

Bên cạnh các loại chiến đấu cơ, không quân Mỹ còn huy động các loại máy bay gây nhiễu điện tử tầm xa (EA-6A, EB-66, EC-121); trinh sát tầm cao SR-71 Blackbird (chim hét) có tầm bay cao lên tới 30000m, tốc độ gấp ba lần vận tốc âm thanh; trinh sát tầm thấp RF-4, RA-5 và kể cả các loại máy bay không người lái (BQM-34A).


(còn tiếp)