'Chúng tôi từng chiến đấu ở Việt Nam'
Cập nhật lúc 31 AM, 15/12/2011

Gần 40 năm trôi qua, ký ức về 12 ngày đêm khói lửa đó vẫn vẹn nguyên trong mỗi người…

(Đất Việt) Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không không chỉ xuất phát từ ý chí kiên cường và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam, mà còn là hiện thân cho tinh thần tương trợ của bè bạn quốc tế. Hồi ký "Chúng tôi đã chiến đấu ở Việt Nam" của các chuyên gia quân sự nước bạn sẽ giúp chúng ta sống lại với những thời khắc đáng trân trọng của lịch sử.

Dưới đây là các trích đoạn trong tác phẩm này:

Kỳ 1: Ấn tượng Việt Nam

Sáng sớm 3/12/1971, chuyến bay đưa nhóm chuyên gia Liên Xô, trong đó có tôi (Sozranov A.Kh.) hạ cánh xuống sân bay ở Hà Nội. Từ đó, 300 ngày kề vai sát cánh cùng quân và dân Việt Nam vào những thời khắc ác liệt nhất là quãng thời gian thật hào hùng và không phai mờ trong tôi.

Khi còn ở Liên Xô, tôi được đọc nhiều bài viết về nhân dân Việt Nam anh hùng đã gần 30 năm chiến đấu vì độc lập, tự do. Tôi rất khâm phục và luôn đứng về phía họ. Bây giờ, tôi và đồng đội đang sát cánh cùng nhân dân Việt Nam, tận mắt chứng kiến tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa anh hùng và niềm tin chiến thắng đó.

Mảnh khảnh nhưng phi thường


Đại tá Sozranov A.Kh. nhập ngũ năm 1957 và tốt nghiệp Học viện Kỹ sư Vô tuyến điện năm 1968. Từ tháng 12.1971-9.1972, ông tham gia Đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam với cương vị kỹ sư trưởng ngành tên lửa. Ông được tặng thưởng 10 huân, huy chương các loại, trong đó có huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Trên các nẻo đường Việt Nam, chúng tôi thường gặp rất đông trẻ em, khiến tôi nhớ tới 3 đứa con nhỏ của mình ở quê hương. Mỗi khi có dịp dừng lại, tôi đều chia kẹo và vui sướng ngắm nhìn bọn trẻ hồn nhiên. Tôi cũng đã thấy hàng trăm người dân, thậm chí cả trẻ em cũng tham gia sửa đường, xây dựng trận địa tên lửa, đào hầm, bẻ lá ngụy trang... Thật đáng cảm phục! Yêu mến Việt Nam, tôi càng căm thù cuộc chiến tranh mà kẻ khác đã mang đến reo rắc cho mảnh đất này.

Tôi đã ở Việt Nam 300 ngày với các đồng đội là chuyên gia tên lửa. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân, làm việc chủ yếu vào ban đêm, di chuyển vào sáng sớm hoặc chiều tà, nghỉ ngơi vào ban ngày.

Các bạn Việt Nam và chúng tôi tin tưởng lẫn nhau trong công việc. Các sĩ quan và chiến sĩ tên lửa Việt Nam làm việc rất nghiêm túc, thông thạo chuyên môn và trưởng thành qua thực tế chiến đấu.

Khi gặp những hỏng hóc phức tạp, tuy lúc đầu có lúng túng, nhưng chỉ cần một lần chỉ dẫn là họ đã ghi nhớ và rút kinh nghiệm được ngay. Đây là phẩm chất mà ngay cả các trắc thủ tên lửa của Liên Xô không phải lúc nào cũng có được.

Về mặt chiến thuật, các đồng chí Việt Nam hành động rất khôn khéo. Họ tổ chức phục kích, bố trí trận địa tên lửa trong rừng hướng về phía máy bay Mỹ thường xuất hiện. Chúng tôi cùng chuẩn bị kỹ khí tài, rồi sau đó mới phóng tên lửa vào máy bay địch. Và chúng khó mà thoát được.

Sau trận đánh, tiểu đoàn tên lửa phải nhanh chóng di chuyển. Các bạn Việt Nam làm việc này rất tuyệt vời, vì ai đã từng làm việc với loại tên lửa S-75 đều biết nó rất cồng kềnh, nặng nề. Việc triển khai và thu hồi càng phức tạp hơn vào mùa mưa, hay trong rừng rậm.

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các chàng trai Việt Nam mảnh khảnh lại có sức mạnh phi thường như vậy. Họ thao tác thuần thục, giữ an toàn cho cả khí tài và con người. Chính chúng tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu ở Việt Nam khi sử dụng khí tài tên lửa trong chiến tranh hiện đại chống lại đối phương mạnh như Không quân Mỹ.

Ân tình trong khói lửa

Chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt. Đêm 25/12/1971, nhóm chuyên gia chúng tôi đã chuẩn bị xong khí tài cho tiểu đoàn 52, E267 đang bố trí ở phía Nam TP.Vinh.

Sáng 26/12, khi phát hiện mục tiêu bay vào, tiểu đoàn 52 phóng lên 2 quả tên lửa. Một chiếc bốc cháy, nhưng trận địa đã bị lộ. Khi các đồng chí Việt Nam đưa chúng tôi nhanh chóng rời ca-bin, thì bất ngờ vang lên tiếng nổ dữ dội, khiến chúng tôi ngã xuống đất, khói trắng bốc mù mịt.

Một quả tên lửa Shrike đã bắn trúng kho chứa phân bón hóa học nằm gần đài điều khiển, làm cho mọi vật bị phủ một lớp bụi trắng xoá. Các bạn Việt Nam vừa chạy đến, vừa kêu: “đồng chí Viktor”. Tôi nhìn sang thấy Thiếu tá Viktor Makarokhin nằm ngay gần tôi, máu đang chảy ra từ lưng và ngực trái.


Các chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam.

Chúng tôi băng bó và chuyển Viktor đến ngay bệnh xá trong làng. Biết tin một chiến sĩ Liên Xô bị thương nặng, ngay sau đó, nhiều người đến tận nơi động viên, thăm hỏi Viktor, trong đó có bà mẹ tuổi cao, từng là du kích chống Pháp đầu tiên ở đây. Tôi nhớ mãi thái độ quan tâm đặc biệt của người dân địa phương.

Sau đó, Vicktor được Thiếu tá - Bác sĩ Trần Quang Vy và Trung úy - Bác sĩ Đào Thị Oanh của Quân y viện Quân khu 4 cùng với kíp mổ từ Hà Nội (trong đó có Đại tá - Bác sĩ phẫu thuật Romanov N.G) vào tiến hành mổ. Tuy nhiên, vì không có máy chụp X-quang, nên đã không lấy hết được mảnh đạn trong người. Viktor ra viện và tiếp tục đi công tác với chúng tôi nửa năm nữa.


Chủ tịch Hội hữu nghị Xô-Việt, phi công vũ trụ Titov G.S thăm các chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam năm 1973.


Nhưng rồi cơn đau lại tăng lên do các mảnh đạn vẫn còn trong người gây ra. Anh được đưa về Liên Xô và phải mổ thêm 2 lần nữa, nhưng cũng không thể lấy hết được các mảnh đạn nằm ở gần tim và thận. Với thành tích trong chiến đấu, anh được tặng thưởng huân chương Sao đỏ và chuyển ngành với quân hàm Trung tá.

Ngày 8/9/1972, khi máy bay Mỹ đánh vào trận địa tên lửa ở phía Bắc Hà Nội, Thượng úy Mikhail Bindikov bị thương nặng. Chiếc F4 còn vòng lại, thả thêm một quả bom mẹ chứa 400 bom con (mỗi bom con chứa 400 viên bi) xuống chỗ đó, làm anh bị thêm hàng chục mảnh đạn nữa. Tất cả các chuyên gia Liên Xô và bạn Việt Nam đều tình nguyện hiến máu cứu anh. Nhưng vì vết thương quá nặng, ngày 10/9, Bindikov đã hy sinh.

Càng đi vào các tỉnh phía Nam, tôi càng thấy Không quân Mỹ đánh phá dữ dội, hố bom chi chít dọc Đường 1. Ba lần qua ngã ba Đồng Lộc, tôi nhớ mãi hình ảnh các cô gái dũng cảm đứng trên đỉnh đồi quan sát bom địch thả xuống để kịp thời phát hiện và đánh dấu bom nổ chậm...


Quật đổ siêu pháo đài bay
Cập nhật lúc 52 AM, 16/12/2011

Trong Chiến tranh lạnh, tên lửa S-75 (SAM-2) được chế tạo để chống lại B52, bảo vệ bầu trời Liên Xô và các nước Đông Âu.

Thế nhưng, sau nhiều lần được cải tiến, hai “kỳ phùng địch thủ” này lại đối đầu với nhau ở chiến trường Việt Nam, mà đỉnh điểm là 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng tháng 12/1972.



Kỳ 2: Quật đổ siêu pháo đài bay

(Đất Việt) Trên bầu trời Hà Nội tháng Chạp năm 1972, các chiến sĩ tên lửa Việt Nam “chỉ với những bệ phóng SAM-2 là loại tên lửa thế hệ 1 chưa có gì ghê gớm” đã quật đổ pháo đài bay B52 - con át chủ bài vũ khí chiến lược của Lầu Năm Góc.

Vũ khí chiến lược làm nhiệm vụ chiến thuật

Máy bay chiến lược B52 được Mỹ sản xuất với mục đích làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh tổng lực với phe XHCN trên chiến trường chính là châu Âu. Vì bị sa lầy ở Việt Nam, nhằm cứu vãn tình thế, Lầu Năm Góc đành phải sử dụng B52 mang bom thường làm nhiệm vụ yểm trợ chiến thuật. Trong hơn 8 năm tham chiến ở Việt Nam, B52 đã thực hiện 124.532 phi vụ, thả 2.674.745 tấn bom, lớn hơn cả số bom mà không quân Mỹ đã sử dụng trong Thế chiến thứ 2 (2.057.000 tấn).

Cường độ hoạt động cũng tăng dần. Năm 1965, B52 xuất kích 300 phi vụ/tháng thì đến năm 1968 ở Khe Sanh là 1.800 phi vụ/tháng. Năm 1972, Mỹ sử dụng tới 200 chiếc B52 (tức là 48% toàn bộ lực lượng không quân chiến lược Mỹ) và đạt mức hoạt động tối đa vào tháng 5/1972 với 3.150 phi vụ. Tuy vậy, hiệu quả của B52 trong nhiệm vụ chiến thuật thì chính Lầu Năm Góc cũng phải hoài nghi, vì “càng nhiều bom ném xuống rừng rậm, thì những con đường của đối phương càng như dài ra, xuất hiện ở nhiều nơi”.


“Rồng lửa” Thăng Long trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.


Trong chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... cuối năm 1972 mà giới quân sự Mỹ gọi là “Chiến dịch ném bom 11 ngày” (trừ 1 ngày nghỉ Noel), theo số liệu của Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ (SAC), toàn bộ số B52 trên chiến trường (gần 200 chiếc) cùng với hơn 1.000 máy bay chiến thuật các loại trên 6 tàu sân bay và 7 căn cứ không quân ở Thái Lan, trong 11 ngày đêm đã thực hiện 4.583 phi vụ, trong đó có 740 phi vụ B52.

Mục đích của Mỹ là “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, từ đó phải giảm cường độ tấn công trên chiến trường và chấp nhận thỏa hiệp trên bàn đàm phán. Vì thế Mỹ đã không tiếc bom đạn ném xuống miền Bắc. Đây là là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971.

Nhưng mục đích ấy không đạt được mà cái giá phải trả của siêu pháo đài bay đã làm Lầu Năm Góc phải nản lòng. Theo chính số liệu thống kê của SAC đã có 31 chiếc B52 bị rơi ở Việt Nam do hỏa lực phòng không đối phương và do “trục trặc kỹ thuật”, hàng chục chiếc khác bị thương, trong đó có 9 chiếc trúng đạn hỏng nặng không thể bay được nữa. Còn theo số liệu của Việt Nam là 68 chiếc B52 bị bắn rơi, cùng với hàng trăm phi công B52 bị chết và bị bắt.

Càng cải tiến, càng rụng

Mỹ liên tục cải tiến cho B52 và đã có tới 8 kiểu nối tiếp nhau ra đời từ B52A đến B52H. Lúc đầu B52D chỉ mang được 52 quả bom (12.247 kg), sau cải tiến lên tới 108 quả (27.216 kg). Khi mới tham chiến mỗi B52 chỉ được trang bị 8 máy gây nhiễu, tới năm 1972 đã có 15 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực, thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, tên lửa mồi bẫy Quail.


Xác máy bay Mỹ rơi trong chiến dịch tập kích tháng 12/1972.


Đi kèm mỗi B52 trung bình có 7 máy bay các loại để trinh sát, gây nhiễu, chế áp phòng không, chi huy và cảnh giới, hộ tống chặn MIG, tiếp dầu, cứu hộ… Để an toàn hơn cho B52, Mỹ đã gây nhiễu công suất lớn trên các dải tần số làm việc của hệ thống rada cảnh giới và điều khiển hoả lực của ta cũng như của hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy chiến đấu.

Cùng với việc cải tiến B52, Không quân Mỹ suốt ngày đêm đánh phá dữ dội vào lực lượng PK-KQ của ta. Nhằm gây khó khăn rất lớn cho hệ thống phòng không Việt Nam, không quân Mỹ đã bắn tên lửa và ném bom ồ ạt nhiều lần vào 19 trận địa tên lửa, có nơi bị đánh 6 lần, 14 trận địa pháo cao xạ và 8 sân bay. Thế nhưng B52 vẫn rơi.

Sau khi chiến dịch kết thúc, Mỹ ra sức nghiên cứu, tìm hiểu lý do thiệt hại nặng nề của B52 trước đối thủ SAM-2 mà theo họ tính toán thì đã bị vô hiệu hoá, các pháo đài bay chỉ việc “nối đuôi nhau bay đi rồi bay về như đi dạo”. Lý do không thể phủ nhận được chính là sức mạnh của hệ thống phòng không Việt Nam mà Lầu Năm Góc đã tính nhầm. Tuy bị nhiều thiệt hại nhưng lực lượng PK-KQ của ta đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, kịp thời rút kinh nghiệm và chiến đấu ngày càng hiệu quả hơn.


Tên lửa SAM-2 kiêu hãnh bảo vệ miền Bắc Việt Nam.


Chính Maicon Macsan, phi công có 26 năm phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ, từng lái F4 thực hiện hơn 300 phi vụ chiến đấu ở Việt Nam, sau này tham chiến ở vùng Vịnh, đã thừa nhận: “Tôi trải qua nhiều chiến trường, nhưng phải công nhận hệ thống phòng không và tên lửa SAM-2 của miền Bắc Việt Nam là mạnh nhất, chưa từng có trên thế giới”. Phía Mỹ đã đưa ra con số rất lớn về số lượng tên lửa SAM-2 được phóng lên (hơn 1.200 quả) để biện minh cho sự thiệt hại nặng nề của B52.

Nhưng thực tế, chúng ta không có nhiều SAM-2 đến thế và cũng không bao giờ phung phí một số lượng tên lửa lớn như vậy trong khi cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn ác liệt. Với lực lượng 13 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội ở giai đoạn 2, ngày cao điểm nhất chúng ta cũng chỉ phóng lên 74 quả tên lửa trên tổng số 334 quả trong toàn chiến dịch và trong 3 ngày 23, 24 và 25/12, khi B52 dãn xa ngoài vùng hoả lực tên lửa thì các tiểu đoàn tên lửa của ta đã không phóng một quả đạn nào.