Thấy gia chủ đặt bình hoa và mớ vàng mã trước hiên nhà, biết chắc một mâm cúng sẽ được bày ra, nhóm trẻ liền xuất hiện. Khi con gà luộc vừa được chủ nhà bê ra chưa kịp đặt trên mâm, cả bọn lập tức xông vào giật rồi bỏ chạy

Trước cú ra tay quá nhanh, chị Hà nhà ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình, TP HCM, chỉ còn biết đứng nhìn và tự an ủi rằng: "Cúng cô hồn mà có cô hồn đến ăn đến giật là điềm tốt".


Dù cố hết sức can ngăn, mâm cúng cô hồn vẫn tan hoang. Ảnh: Thiên Chương.


Rồi chị soạn tiếp mấy trái cóc cùng mớ bánh quy đặt lên mâm lễ. "Biết chắc sẽ bị giật nhưng không ngờ bọn nhỏ lại nhanh tay đến thế", chị Hà nói.

Cùng cảnh ngộ với chị Hà, trưa ngày 15/7 âm lịch, anh Hiếu, giám đốc một trung tâm tin học trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, cũng mất con gà cúng ngay khi chưa mang ra tới mâm. Anh kể: "Tôi đang bê con gà từ nhà bước ra đến cửa thì một thanh niên xông thẳng đến giật luôn gà còn nóng hổi. Anh này chạy rất nhanh ra đường nơi có một thanh niên khác đang ngồi trên xe máy chờ sẵn".

Chị Tuyết nhà ở đường Trần Hưng Đạo, năm nay lần đầu tiên "chơi sang", quay một chú lợn sữa cúng. Cứ nghĩ con lợn to "cô hồn sống" không giật được, cúng xong cả nhà sẽ cùng xơi, thế nhưng vừa bước vào nhà lấy cái quẹt (bật lửa) thắp hương, quay trở ra, chủ nhà đã không còn thấy "ủn ỉn" đâu cả.

Tại Sài Gòn, hàng năm cứ đến tháng 7 âm lịch, khi những gia đình người Hoa tại khu Chợ Lớn và người theo đạo Phật bắt đầu phong tục cúng cô hồn (mang ý nghĩa cứu giúp những linh hồn khốn khổ để được họ phù hộ), nạn cướp mâm cúng, gọi tắt là "giật cô hồn", lại xảy ra.

Theo những người Hoa tại khu Chợ Lớn, mâm cúng cô hồn thường phải có những món cơ bản như: hương, hoa, đèn, gạo, muối, vàng mã. Nhiều gia đình khá giả thường thịt gà, hoặc lợn để cúng. Đôi khi có nhà còn cúng cả tiền lẻ, tiền xu. Mâm cúng cô hồn được đặt trước hiên nhà để mời những vong linh cơ nhỡ đến ăn uống. Cúng xong, số đồ cúng ít có giá trị thường được để luôn ngoài hiên cho trẻ đến nhặt. Tuy nhiên, mâm cúng cô hồn thường không mấy khi còn được nguyên vẹn đến lúc hương tàn, vì bị bọn trẻ con hay thậm chí nhiều người lớn, lấy đi.

Bà Nại, một thương gia có tuổi ở quận 5 cho hay, những năm trước đây, người đi giật thường là trẻ nhỏ, mấy năm nay nhiều người lớn cũng tham gia và cách giật tỏ ra táo tợn hơn, chuyên nghiệp hơn.

"Đồ cúng có giá trị thường bị họ giật ngay trên tay chủ nhà, thậm chí chạy luôn vào nhà "cướp" rồi lên xe bỏ chạy. Chẳng ai đuổi theo làm gì vì nghĩ dù sao đó cũng là vật cúng, tuy nhiên "người khuất mặt" chưa được hưởng mà "cô hồn sống" đã tranh lấy thì thật là phí. Việc cúng cũng mất đi ý nghĩa", bà Nại nói.




Con gà luộc của một gia đình ở đường Sư Vạn Hạnh biến mất trước khi chủ nhà thắp hương, còn trơ lại ít hạt đậu phộng (lạc). Ảnh: Thiên Chương


Theo ghi nhận của VnExpress.net, để giật mâm cúng cô hồn "thành công" các nhóm chuyên đi giật tại khu vực Chợ Lớn, quận 5, có hẳn "kế hoạch tác chiến".

Công việc bắt đầu từ sáng sớm. Một số thành viên lân la ra chợ, chờ xem bà nội trợ nào có mua đồ cúng thì đi theo đến tận nhà. Một nhóm khác nấp sẵn gần hiên nhà, hễ thấy bên trong bê đồ cúng ra là lập tức hành động.

Hưng - "thành viên" nhóm giật cô hồn tại quận 10, cho biết, thực ra ăn uống không đáng là bao, chủ yếu đi giật cho vui. Tuy nhiên với Khải "Lùn", vốn là trẻ cơ nhỡ sống tại phường 15, quận 8, tháng 7 âm lịch là thời gian mà Khải và đám bạn bán vé số, nhặt ve chai sống sung sướng nhất bởi luôn có thức ăn ngon từ các mâm cúng. "Dễ gì được ăn gà, nhiều khi ăn ngán, tụi tôi giật gà luộc rồi mang bán lại cho xe hủ tiếu. Ngày nào vô mánh cũng được trăm nghìn. Tha hồ mua rượu nhậu", Khải nói.

Để đối phó với nạn giật đồ cúng như cướp, trong mùa lễ Vu lan năm nay, người có kinh nghiệm thường chỉ đặt những loại đồ cúng không đắt tiền ngoài hiên. Gà hoặc lợn nếu có mang ra cúng thì cũng chỉ dám cho xuất hiện lúc khấn vái rồi mang vào ngay. Tuy nhiên trước khi mang ra, cả gia đình phải đứng che chắn lấy vật cúng nhằm ngăn "cô hồn sống" xông vào hành động.


Thiên Chương