Ba thời kỳ hiện thân và phổ độ của Thượng Đế :



Theo giáo lý Cao Đài thì từ thời tạo thiên lập địa tới nay có 3 lần Thượng đế phân thân giáng trần hay giáng linh để lập Đạo:



- Thời kỳ thứ nhứt:



Nhứt kỳ Phổ Độ: Thời kỳ này nhân loại còn thuần phát thiên lương, nhưng nếp sống còn lạc hậu, các Đấng Giáo chủ giáng trần cốt khai hóa dân trí:



* Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ tương ứng thời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu.

* Đức Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo ở Trung Hoa

* Vua Phục Hy khởi đầu Nho giáo ở Trung Hoa.

* Thánh Moise mở Do Thái giáo ở nước Do Thái.



- Thời kỳ thứ hai:



Nhị kỳ Phổ Độ, Thời kỳ nầy nhân loại tuy đã được khai hóa, nhưng vẫn sinh hoạt nội tư phương của mình, nhưng để sinh tồn và tiến hóa nhân loại phải đấu tranh, càng đấu tranh lại càng thù nghịch lẫn nhau, xa rời những lời giáo huấn của các Vì Giáo chủ, nên tôn giáo thất chơn truyền, đạo đức suy đồi. Vì thế nhân loại đã gây ra cảnh mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất... Nên Thượng Đế cho các Vị Giáo chủ giáng trần để chấn hưng Tam giáo cứu độ chúng sanh lần thứ hai, lần nầy có:



* Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ, chấn hưng Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, thời kỳ này đã mở ra Thích giáo với một giáo lý rất phong phú, thiết thực để giải khổ nhân sinh.

* Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng sinh ở Trung Hoa là Lão Tử, mở ra Lão giáo hay Đạo giáo để chấn hưng Tiên giáo.

* Đức Khổng Tử giáng sinh ở Trung Hoa, mở ra Khổng giáo để chấn hưng Nho giáo.

* Đức Chúa Jesus Christ giáng sinh ở nước Do Thái, mở ra Thiên Chúa giáo để chấn hưng Thánh Giáo.

- Thời kỳ thứ ba:



Tam Kỳ Phổ Độ: Thời kỳ này nhân loại đã đạt được sự văn minh tiến bộ về phương diện vật chất, nhưng về tinh thần đạo đức lại suy thoái, lại nữa loài người trên thế giới đã tiếp cận với nhau như trong một làng mạc nhỏ bé... Các nền tôn giáo cũng truyền bá đồng hành khắp mọi nơi, nhưng vì những khác biệt trong giáo lý, giáo luật và nghi lễ, mà nhân loại đã nghịch lẫn nhau, tạo ra những cuộc chiến tranh đẩm máu về tôn giáo. Nên thời kỳ này Đức Chí-Tôn không giao chánh giáo cho tay phàm nữa, mà chính mình Thượng Đế giáng linh lập đạo, bằng huyền cơ diệu bút.



Theo lời giải thích của Đức Hộ Pháp thì ngày nay trong Tam kỳ Phổ độ Đức Chí Tôn còn chọn ba vị Phật Thánh Tiên cầm quyền Tam trấn thay mặt cho Tam Giáo giáng cơ lập đạo đó là:



- Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (thay mặt Thích giáo).

- Đức Lý Thái Bạch (thay mặt Đạo giáo, đồng thời kiêm phẩm Giáo tông vô hình).

- Đức Quan Thánh Đế Quân (thay mặt Nho giáo).



Vì ba vị này lúc sinh tiền có đức hạnh vẹn toàn, đủ tư cách độ đời, đáng làm gương cho hậu thế. Ngày nay ba vị thọ mạng Chí Tôn chấp chưởng cơ quan mầu nhiệm, trấn nhậm Quyền hành, lập Luật pháp, Đạo Nghị định cho hiệp với Thiên thơ tiền định. Vì vậy nên toàn đạo phải để tâm thành kỉnh phụng thờ Tam trấn Oai nghiêm.