Lãng quên những báu vật tiền nhân
08:41 | 02 - 07 - 2009



Một trong hơn 9.000 cổ vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
(LĐ) - Đáng tiếc là ở Thừa Thiên Huế, tiền nhân đã để lại báu vật, nhưng con cháu lại đã và đang thờ ơ, lãng phí với những báu vật đó.
Huế một thời là đất của trăm nghề với việc triều Nguyễn thành lập chế độ Tượng cục (công xưởng triều đình), tập hợp và quy tụ tất cả những người thợ thủ công tài hoa và giỏi nhất của cả nước về Huế để phục vụ cho việc xây dựng vương triều. Những sản phẩm tinh tuý nhất của họ hiện vẫn còn lưu giữ ở các cung điện, đền đài, lăng tẩm..., đặc biệt là ở Bảo tàng cổ vật cung đình. Đáng tiếc là tiền nhân đã để lại báu vật, nhưng con cháu lại đã và đang thờ ơ, lãng phí với những báu vật đó.

Mất phương hướng

Hôm rồi dạo một vòng quanh các quầy bán hàng thủ công mỹ nghệ ở thành phố Huế, thấy có nhiều nơi "bỗng dưng" có những mặt hàng bằng gỗ, đồng... rất đẹp và tinh xảo. Hỏi mấy người bán: "Hàng này ai làm mà đẹp thế này?", cô nào cũng nhanh nhẩu: "Huế mình làm chớ ai nữa!".

Hỏi tiếp, Huế mình làm, cụ thể là ai làm, ở đâu thì người đối diện lúng túng ậm ờ. Hỏi mãi một chủ quầy hàng ở trong Đại Nội mới thành thật tâm sự: "Nói thiệt với anh, hàng ở đây và nhiều nơi khác trong thành phố toàn là hàng về từ Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, thậm chí cả Trung Quốc. Khách hỏi thì phải bấm bụng mà nói là Huế làm cho dễ bán, chớ Huế mình tài mô mà làm được hàng đẹp như ri!".

Huế là một trung tâm dịch vụ du lịch hàng đầu của Việt Nam, là nơi trong quá khứ đã từng làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp nhất, tính xảo nhất, trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hàng quốc bảo. Nhưng nghịch lý là suốt mấy chục năm nay, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Huế, đặc biệt là sản phẩm phục vụ du lịch lại phát triển èo ọp, lay lắt vì không tìm được đầu ra.

Không phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm trước, nhiều người có trách nhiệm ở Huế đã lên tiếng rằng việc phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế đã và đang mất phương hướng do các yếu tố: Cung cách làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết. Những người làm nghề luôn có tư tưởng giấu nghề, sợ người khác giỏi hơn mình. Và đặc biệt là mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ giá thành luôn cao, nhưng lại quá xấu so với những mặt hàng tương tự ở các địa phương khác, thậm chí cả Trung Quốc.

Đáng nói là nhiều năm nay, năm nào tỉnh, thành phố cũng có tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng hiệu quả và sự tác động của những cuộc thi này nhìn từ góc độ thị trường là không nhiều.


Một trong hơn 9.000 cổ vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

"Tôi có cảm giác rằng đó là những cuộc thi tài, để xem giữa chúng tôi, ai là người có tay nghề cao hơn, chứ không phải là thi thiết kế mẫu mã, bởi nó thiếu tính ứng dụng, cũng như chưa xác định được đối tượng khách hàng, nhu cầu thị trường..." - một nghệ nhân (xin giấu tên) đã nhiều năm tham gia những cuộc thi thiết kế mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ ở Huế - tâm sự.

Song song với những cuộc thi là hội thảo. Đã có không biết bao nhiêu cuộc hội thảo để bàn cách vực dậy, tìm hướng đi cho các nghề và làng nghề truyền thống trong nhiều năm qua. Thế nhưng, thực tế rất đau lòng là "hết xôi rồi việc", xong hội thảo là xong chuyện, bởi thiếu một sự kết nối đáng ra phải có giữa những nhà khoa học, nghiên cứu và những người làm quản lý.

Một hướng đi đầy hứa hẹn

Tại cuộc Hội thảo "320 năm Phú Xuân - Huế, nghề truyền thống bản sắc và phát triển", tổ chức vào năm 2007, TS Trần Đức Anh Sơn, lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã đưa ra một gợi ý rất hay để góp một giải pháp cho việc phục hồi các nghề thủ công thất truyền của xứ Huế thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn hiện vật mà bảo tàng đang lưu trữ, trưng bày.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn thì hiện tại, Bảo tàng cổ vật cung đình đang lưu trữ gần 9.000 cổ vật với 16 sưu tập hiện vật tiêu biểu đang trưng bày ở nội thất và ngoại thất điện Long An. Trong số đó, có nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ xứng đáng liệt vào hàng quốc bảo của Việt Nam như những món pháp lam Huế; những bộ cành vàng lá ngọc; những đồ gỗ chạm khảm và sơn son thếp vàng: Các cổ vật bằng đồng do Chú tượng ty và do các nghệ nhân ở Phường Đúc xưa thực hiện...

Với nguồn cổ vật hiện có và với những hiểu biết cơ bản về kỹ thuật, mỹ thuật, phong cách, niên đại... các cổ vật này của đội ngũ bảo tàng viên ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng, bảo tàng có thể đóng góp vào chiến lược phục hồi và phát huy các nghề thủ công truyền thống ở Huế, đặc biệt là các nghề đã thất truyền theo các hướng sau: Giới thiệu các mẫu cổ vật là những tuyệt tác thủ công mỹ nghệ ngày trước cho các nghệ nhân tham khảo, lấy mẫu để phục chế.

Cung cấp các kết quả nghiên cứu về các sản phẩm này cho các nghệ nhân để họ có thêm các chứng cứ khoa học, kỹ thuật trong việc phục chế, tân tạo các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ danh tiếng của Huế xưa...


Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ hai đầu đất nước và tận Trung Quốc đang bày bán ở Huế.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn thì: "Trong việc phục hồi và tái tạo nguồn hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch và để duy trì, phát triển bền vững các nghề thủ công ở Huế, cần phải xây dựng một quy trình dài hạn mang tính khoa học, khôn ngoan và cùng hưởng lợi". Cụ thể phải "cần có 4 đối tượng tham gia quy trình này, gồm: Các nhà nghiên cứu; những người sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; các cơ quan hữu quan; các công ty du lịch".

Theo đó, giới nghiên cứu có nhiệm vụ chỉ ra những sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng của từng nghề và làng nghề để tư vấn và cung cấp mẫu mã cho các nghệ nhân những sản phẩm tiềm năng nhất.

Nghệ nhân là những người có tay nghề cao, biết chuyển những thành quả nghiên cứu của các học giả và những kinh nghiệm do tổ tiên trao truyền cho họ để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, liên quan đến truyền thống, lịch sử (chính sử và huyền sử) của địa phương.

Các cơ quan hữu trách phụ trách công tác giám sát chất lượng, giá cả gắn biển chứng nhận uy tín và chất lượng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, phải bảo vệ tác quyền tác giả cho những mẫu mã, những sản phẩm có đăng ký bảo hộ quyền tác giả, tránh tình trạng sao chép, làm hàng nhái, hàng giả.

Các công ty lữ hành, thông qua hệ thống hướng dẫn viên, đưa khách đến những cửa hàng hay làng nghề có hàng hoá tốt, mẫu mã đẹp, chất lượng dịch vụ đảm bảo và được hưởng tiền hoa hồng từ lợi nhuận do du khách mang đến qua việc mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ lưu niệm...

Còn nhớ lúc đó, tham luận của TS Trần Đức Anh Sơn được đồng thuận và đánh giá rất cao, bởi đó là một trong những giải pháp mang tính bản lề đối với việc phục hồi và phát triển ngành thủ công truyền thống Huế.

Tuy nhiên, hai năm trôi qua, khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đi dò hỏi từng "nhà" một xem có "nhà" nào quan tâm đến, dù chỉ một phần nhỏ trong những ý kiến rất hay và tâm huyết của TS Trần Đức Anh Sơn hay không. Nhưng tiếc là đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thậm chí có "nhà" còn ngạc nhiên và không hề nhớ rằng cách đây hai năm đã từng có một cuộc hội thảo như vậy, dù "nhà" nọ đã có người tham gia hội thảo và tất cả các tham luận đã được in thành kỷ yếu (!?).

Trong tờ dụ của Vua Khải Định ban hành ngày 24.8.1923 về việc thành lập Bảo tàng Khải Định - tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế bây giờ, có đoạn viết: "Thiên tài của một dân tộc được biểu hiện qua các tác phẩm mỹ thuật, phản ánh những sinh hoạt xã hội, lễ nghi, chính trị và cuộc sống nội tâm của họ... Nước ta đã tiếp nối được những kiểu thức đẹp đẽ về mỹ thuật của các thế hệ tiền bối từ những thế kỷ trước. Nền mỹ thuật này cần phải được bảo tồn để hình thành và duy trì sở thích và tình cảm của các thế hệ mai sau...

Chúng ta hôm nay thành lập trong kinh thành Huế một bảo tàng khả dĩ thu thập và bảo tồn những kiểu thức đẹp đẽ về nghệ thuật và kỹ thuật An Nam để các nghệ sĩ và nghệ nhân tương lai có thể thấy được những sản phẩm của tiền nhân và phỏng theo đó một cách hữu ích".


Tháng 3.2009, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề TTCN tỉnh TT- Huế đến năm 2015, với tổng kính phí một năm 100 tỉ đồng. Tuy vậy, trong phần giải pháp thực hiện, UBND tỉnh TT-Huế cũng chỉ đề ra các giải pháp về thị trường; khoa học công nghệ, môi trường; phát triển làng nghề gắn với du lịch...và không đề cập gì đến việc yêu cầu hoặc khuyến khích việc khai thác vốn cổ của tiền nhân hiện đang lưu giữ trong Bảo tàng cổ vật cung đình, cũng như gợi ý về sự kết hợp "4 nhà" như đã dẫn.



Hoàng Văn Minh