Đến nơi đẻ ngoài rừng, uống nước rụng răng
14:00 | 26 - 07 - 2009


TP - Tôi vẫn quẩn quanh khó hiểu về những hủ tục ở cái làng này, vì nó có xa trung tâm huyện là bao? Hình như bất chấp chuyện khoảng cách không gian và thời gian, những hủ tục lạ kỳ này tồn tại dai dẳng, truyền đời, cuốn xoáy.




Một gia đình người Mơ Nông ở làng Ông Ka


Đời sống đi lên, hủ tục vẫn còn

Trên đường đi Nam Trà My, ló đầu ra khỏi đất Trà Đốc của Bắc Trà My một đoạn, bên trái có chiếc cầu treo dằng dặc, bắc qua xã Trà Bui.

Tôi nhớ đâu cũng gần 10 năm rồi, có lần tôi hỏi ông Đinh Mươk, Chủ tịch huyện Trà My, rằng làm cách răng mà huyện miền núi nghèo nhất nhì nước như ở đây mà có lắm cầu treo dây văng tiền tỉ thế, ông cười xòa, tự mình đi xin thôi, tiền nhà nước, tiền phi chính phủ, làm cầu cho dân đi, đâu vào đấy cả, cốt là đổi đời cho đồng bào thiểu số vốn quá nhiều cơ cực.

Câu cầu ấy bây giờ đã xỉn màu, hẳn đồng nghĩa với chừng ấy năm, đồng bào bên Trà Bui có con đường dễ dàng qua lại, bắt nối với thị trấn dưới kia đâu non một giờ đồng hồ xe máy. Suy luận ấy có lẽ cũng dễ dàng có minh cứ xác thực, ít ra là chễm chệ góc nhà của gần 100 hộ dân Mơ Nông làng Ông Ka thôn 5 rất nhiều xe máy được dựng, trên vách gỗ ken dày hình diễn viên Hàn Quốc rồi Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, họa với máy hát ti vi điện đóm xập xình.

Nhưng có những chuyện ở đời thường tỉ lệ nghịch một cách đáng sợ, đối trọng ghê gớm trong hành xử suy tư, mà câu luận giải nó tít tắp mù khơi. Điều đó ám tôi mãi trong mấy giờ quanh quẩn trong làng, rồi ra về, đành chịu không có cách trả lời, khi vùng này được xem là nơi có hủ tục nặng nề nhất các huyện cánh nam của Quảng Nam.

Cách đây 2 năm, tại làng này, ngay cạnh con suối lớn nằm đầu làng, khuấy lên một thông tin làm sôi các báo: Đẻ ngoài rừng. Rồi cách đây mấy tháng truyền hình trung ương nhắc lại. "Nó bậy bạ, phải ra rừng đẻ thôi" - Già làng Hồ Văn Lé đón điếu thuốc, thản nhiên buộc tội. Hồ Thị Diêu quê Trà Leng - Nam Trà My, trong một lần xuống đây buôn bán, bị tiếng sét ái tình với trai làng Hồ Văn Cấy. Kết quả cuối cùng là "quả bom nổ chậm" xuất hiện.

Làng họp lại, truy Diêu ai là tác giả của cái bầu, Diêu khai là Cấy. Cấy lắc đầu, mặt lạnh như đít bom. Diêu bị phạt con heo to 10 gang (10 gang tay nối vòng- người viết). Không có tiền mua heo, thế là một cái chòi rách được dựng lên nhờ một người làng tốt bụng giúp, Diêu phải ra rừng đẻ. Không gạo muối thuốc men. Tốn khá nhiều hơi, lắm lý đủ tình, cán bộ có trách nhiệm từ huyện mới thuyết phục được già làng cho mẹ con Diêu vào làng. Ông này gật đầu nhưng lắc liền sau đó, rằng mới 27 ngày chưa đủ tháng, vào bây giờ là con ma nó theo!

Ma đâu không thấy nhưng "con ma nhiễm trùng hậu sản" đã theo con của Diêu, để rồi sau đó đứa bé lìa đời. Diêu phải quay về làng cũ bởi không chịu nổi sự kỳ thị của dân làng. Tôi gạn mãi chuyện Diêu với ông Lé, rằng như thế là ác, là hủ tục lạc hậu, ông vừa trợn mắt vừa cười: "Sợ ma không ? Có từ thời ông bà rồi. Đẻ là phải ra rừng thôi". Mà cái sự không ngờ ấy, khi nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 rồi, đâu chỉ dừng lại ở đó, mà nó chồng lên, lắm việc, nối dài, người làng nói về nó lại như một niềm tự hào, tự nhiên, như cây rừng, như chim chóc.

Không dùng nước ma rừng?

Trước nhà ông Nguyễn Thanh Đoàn, có một ống nước nhỏ xíu nối từ cái máng dẫn trên suối về. Nước dùng chung cho cả làng. Cách đây 3 năm, một dự án nước sạch đã được thực hiện, kéo từ đỉnh núi sau làng xuống. Nước chảy tưng bừng nhưng người làng thì đứng ngó rồi bỏ đi, hè nhau kiếm nguồn nước khác. "Không dùng ? Sao à, nước rừng ma đấy, uống vào cho rụng răng à ?!".

Đồng bào miền núi xem nguồn nước như vật thiêng. Chính quan niệm này vừa có giá trị, cứ tạm gọi là giữ gìn môi trường, nhưng nghiệt thay, nó đi kèm những ràng buộc, mà người đầu tiên phải chịu là phụ nữ. Đi ngược dốc với tôi khi vào làng là một phụ nữ dáng mệt mỏi, khệ nệ, như gập người trên bóng mình với một can nước. Chị vừa sinh con. Thằng bé chắc sau này lì lợm lắm, đã hơn 20 ngày mà không chịu rụng rốn.

Nhưng, khi nào con chưa rụng rốn, chưa được đặt tên, thì lúc đó mẹ không được dùng nước chung với làng, bởi con ma còn lẩn quẩn trong mẹ và bé, nên chị phải vượt núi sang suối bên kia, mang nước về. "Làng bắt vậy, mình không biết đâu". Chị nói tự nhiên như mồ hôi túa ra trên má. Ông Đoàn nói: "Không kiêng cữ đâu". "Sao có chuyện như vậy?". "Có từ thời ông bà rồi. Ưng kiêng thì kiêng thôi. Con gái đến kỳ, đến tháng không được bước lên nhà trên, sang nhà người khác, mang theo đau ốm, bệnh tật đấy".

Ông lại cười xòa, ừ kiêng. Vùng này nằm trong diện di dân thủy điện sông Tranh 2. Đầu năm này, 10 hộ xung phong đi trước vào khu tái định cư mới. Không đất sản xuất, họ quay về làng cũ. Lệnh từ già làng ban ra: “Không cho về. Về, phải có quyết định của nhà nước" - ông Lé sít hàm răng lại. "Nhưng họ lấy gì mà ăn". "Không, phải có quyết định nhà nước". "Có phải làng sợ họ đem ốm đau , bệnh tật về không?".

Chậm một nhịp, ông nhìn tôi gật "ừ, cữ đấy". Tôi phát hiện ra, lớp trẻ hơn, nói chuyện này họ mạnh dạn, kể tuốt, thẳng băng, chứ mấy ông già thì ấp úng. Một cán bộ địa phương giải thích: Mấy ổng sợ người ngoài cho mình là bảo thủ, lạc hậu, nên giấu! Như ông già Lé, tự kể rằng mình từng lớp tập huấn này nọ về phát triển sản xuất, thông tỏ đường lối chủ trương nên trên mới cho làm tổ trưởng sản xuất! Nghịch lý thay.

Nhưng mấy "ông trẻ" cũng không thoát khỏi vòng kim cô, luật tục nó cứng và chặt hơn nhiều so với ba cái phong quang, thông thoáng bên kia cầu dội về, nên khi tôi hỏi thằng con ông Đoàn, đâu chừng 20 tuổi "bỏ được không?". "em không biết". Một đứa khác thì bảo : "Biết, nhưng không dám, sợ làng lắm". Tức là đã có sự đứt gãy trong quan niệm, có đồng sàng dị mộng rồi, nhưng đến bao giờ vết nứt kia phải đổ cái ào để thiết lập một hệ qui chiếu khác mới mẻ hơn?

Nguyễn Thành Hưng, phó chủ tịch xã bảo : "Nặng nhất xã em đấy". "Không giúp gì được à ?". "Ối trời, nói đứt cả hơi, câu lạc bộ pháp lý trên huyện về đấy 3 lần rồi, ăn thua gì, họ làm theo ý họ. Có ông là đảng viên, lão thành cách mạng, nói với lãnh đạo tỉnh, là bên này suối là đất người Mơ Nông, bên kia là của người Ca Dong, ngày xưa ông bà cắt máu ăn thề chia đất, không lấn của nhau, giờ cũng vậy, không ai được lung tung qua lại. Mùa này là mùa tỉa bắp, sẽ là tai họa giáng xuống nếu nhà ai có người chết, vì nếu nó xảy ra, sẽ không ai đến nhà anh khiêng giúp đi táng, không đi làm rẫy giúp anh, bởi họ sợ con ma nó nhập vào, làm mất mùa. Đưa ma thì phải làm một cửa sau, không đưa ra cửa trước, cõng trên lưng mà đi. Khổ lắm, nhưng đành chịu".

Bó tay. Những câu chuyện dài về hành xử nhuốm màu huyền tích, ma thuật, những hoang mang lo sợ nặng màu bái vật giáo lúc ẩn lúc hiện, vẫn còn đó ở những bản làng lênh đênh dưới chân Trường Sơn, nhưng nó chỉ ở những nơi tuyệt cốc, hun hút xa, còn không đã phai nhạt theo năm tháng, nhất là nạn trả đầu man rợ.

Tôi xin phép nói lại những điều này, bởi tôi vẫn quẩn quanh khó hiểu về những hủ tục ở cái làng này, vì nó có xa trung tâm huyện là bao. Hình như bất chấp chuyện khoảng cách không gian và thời gian, nó tồn tại dai dẳng, truyền đời, cuốn xoáy, từ ông già sắp vĩnh biệt cõi trần đến đứa bé mới chào đã phải "thụ phép", hít thở những rỉ tai, những cái nhìn như đóng đinh từ những bếp lửa nhà. Làm thế nào? Phải làm gì đây, để xóa bỏ những điều này?...

Trung Việt