BÍ ẨN LÀNG MA ÁM - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH HÓA GIẢI .

Bài này dienbatn đang viết dở dang trên diễn đàn Vielyso , nhưng topic bị khóa nên đành dở dang . Nay mang sang đây biên tập lại và viết nốt phần sau để các bạn tham khảo .
dienbatn .


Theo báo an-ninh-thế-giới số ra ngày 27-09-2006 trang 04 như sau :
Suốt 10 năm trời, xóm Đầu (thôn Sơn Quả, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) chết không biết bao nhiêu trâu, bò, lợn, chó. Tất cả số vật nuôi thân thiết với nhà nông này cứ đột nhiên "nổi cơn điên" rồi lăn ra chết. Những câu chuyện kỳ lạ được người dân thêu dệt đầy chất ma quái.
Chuyện về "làng ma ám" đã được người dân trình cả lên Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang với mong muốn các nhà khoa học về làng tìm ra lời giải đáp và có cách giúp dân thoát cảnh... "ma ám". Gần đây, khi Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Giang vào cuộc, xóm Đầu bỗng trở nên nổi tiếng và là sự kiện đáng quan tâm.
Đi dưới những lũy tre xanh mướt, những con đường quanh co, tôi tìm đến xóm Đầu. Xóm Đầu cách thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) chừng 6 km, nằm co cụm quanh những đụn cát, những ngôi nhà nghèo xác nghèo xơ lẫn trong những lũy tre.
Trưởng xóm Lưu Văn Lần vừa nói vừa thở dài thườn thượt: “Xóm có 34 hộ, có 37 con trâu bò thì cả 37 con đều lăn ra chết. Lợn, chó đếm không xuể, nhà có 1 con cũng chết, nhà có 10 con, 15 con, 40 con cũng chết sạch, chết không biết nguyên nhân”.
Từ một gia đình bị "ma ám"
Câu chuyện kỳ lạ này bắt đầu từ năm 1997, trong gia đình nhà anh Bùi Văn Thanh... Ngôi nhà anh Thanh tường đất, lợp rạ núp dưới bụi tre rậm rì. Đứng trước cái chuồng lợn trống hoác, anh kể: Ngày 21/4/1997, vợ chồng vẫn băm bèo, nấu cám cho đôi lợn 80 kg ăn. Hai con lợn đều béo tốt, khỏe mạnh và sắp đến ngày xuất chuồng. Bỗng nửa đêm, nghe thấy tiếng lợn kêu éc éc, rồi nó lao vào thành chuồng rầm rầm. Soi đèn pin thấy hai con lợn hiền lành mọi ngày bỗng đổi tính đổi nết lồng lộn như hoang thú, anh chị sợ dựng tóc gáy. Sau khi hộc lên mấy tiếng, cả hai con lăn ra chết. Từ mép chúng rỉ ra vài giọt máu tươi.
Lần nuôi lợn sau, anh Thanh tẩy chuồng sạch sẽ, đem vôi bột về rắc rồi mới dám thả đàn lợn mới. Đàn lợn 10 con của anh vừa nuôi được đúng một tháng, đang lớn nhanh như thổi bỗng dưng cũng như điên như loạn, rồi lăn ra chết y hệt như hai con lợn thịt trước. Anh gọi bác sĩ thú y đến xem xét, bác sĩ khẳng định không phải chết do bỏ độc, như vậy chỉ có thể do chúng mắc một loại bệnh dịch nào đó.
Lần ba, anh cẩn thận... đốt chuồng, phá tường cũ, xây lại tường mới, quét vôi trắng xóa, phun các loại thuốc phòng dịch khắp chuồng, khắp vườn. Nhưng lợn vẫn lên cơn điên và chết, mà càng ngày chết càng nhanh, có khi mới đưa về chuồng được một giờ đã "nổi đóa" rồi lăn ra chết.
Nghĩ nhà mình bị ma ám, anh Thanh mời thầy cúng về nhà. Sau một buổi khấn vái, thầy khẳng định đã đuổi được tà ma đi rồi và bảo anh Thanh bắt lợn về nuôi. Bắt lợn về, anh làm đúng theo "phép" của thầy, nhưng chưa kịp làm hết "phép", lợn đã lăn ra chết.
Năm 1998, tất cả gia súc trong nhà 5 anh em anh Thanh đều đồng loạt “lên cơn” và lăn ra chết. Tổng cộng số lợn nhà anh Hùng, anh trai anh Thanh, bị chết một cách bí ẩn từ năm 1998 đến năm 2001 lên tới 30 con. Đàn chó 7 con nhà anh Hùng cũng lần lượt nối đuôi đàn lợn về... chầu trời.
Để tìm hiểu xem có phải do trúng độc không, họ đem nửa chậu tiết của con vật xấu số cho đàn lợn trong xóm Đầu và nửa chậu cho đàn lợn xóm bên cạnh ăn. Kết quả: đàn lợn xóm Đầu sau khi ăn liền nổi điên rồi chết hết, còn đàn lợn của xóm bên vẫn sống nhởn nhơ.
Quá hoảng sợ, vợ chồng anh Hùng bàn nhau chuyển sang làng Đông sinh sống. Nhưng sang đến làng mới, đám gia súc cũng chẳng ở với vợ chồng anh lâu hơn, trong khi trâu bò hàng xóm nuôi vẫn khỏe mạnh bình thường.
Đến bi kịch của cả làng
Sau khi tất tật đàn gia súc gồm trâu, bò, lợn, chó của đại gia đình nhà anh Bùi Văn Thanh lần lượt chết sạch trong năm 1997 và 1998 thì năm 1999 đến lượt cả xóm Đầu chịu hậu quả nặng nề. Hộ gia đình ông Khiêm cùng một lúc chết 16 con lợn thịt đang khỏe như vâm. Ông phải lôi xe cải tiến rồi đẩy đi khắp làng để cho. Sau đấy ít bữa, những gia đình trong xóm được “hưởng lộc” từ nhà ông cũng lần lượt “trả lộc”, gia súc nhà họ cũng đồng loạt chết.
Trong số đó, có những kiểu chết kỳ dị đến mức khiến cả làng hoang mang tột độ. Theo chứng thực của ông trưởng xóm Lần và cả làng thì súc vật chết nhiều nhất vào những ngày làng có lễ lạt, hiếu hỉ. Đặc biệt nhất là chó, cứ đúng lúc diễn ra lễ đón dâu hoặc đưa dâu là y rằng chó khắp làng nổi cơn tru tréo kinh hồn, chạy quáng quàng khắp nơi rồi đâm vào tường vỡ đầu chết, hoặc lao xuống ao... tự vẫn. Và điều này cũng rất khác thường, mặc dù đàn chó “nổi điên” nhưng không bao giờ cắn người.
Trong làng, chỉ có gia đình anh Bùi Văn Tâm nuôi được gia súc khỏe mạnh. Trong suốt 10 năm trời, dân làng phải đối mặt với cả ngàn cái chết kỳ lạ của gia súc thì đàn gia súc nhà anh Tâm vẫn bình an vô sự.
Tin rằng gia đình anh Tâm được "thánh thần phù hộ", cho mảnh đất tốt nên cả làng mang gia súc đến vườn nhà anh thả nhờ... lấy may. Quả thực, tất cả số gia súc của dân làng thả vào chuồng trâu, chuồng lợn nhà anh Tâm đều sống rất khỏe mạnh và chưa con nào chết.
Hiện tại, khu vườn nhà anh Tâm mọc kín chuồng bò, chuồng lợn. Anh em, dân làng đem tre, đem rạ đến vườn nhà anh dựng chuồng để nuôi và vợ chồng anh đều sẵn sàng chấp nhận. Anh Tâm vui vẻ biến mảnh vườn nhỏ nhà mình thành cái trại nuôi gia súc của cả làng và chấp nhận mùi hôi thối nồng nặc khủng khiếp là bởi anh muốn “trả nghĩa” cho bà con, vì từ nhiều năm nay, gia đình anh đều được hưởng “lộc” từ những đàn gia súc đột tử của hàng xóm.
Sự hoang mang của dân làng càng lên đến đỉnh điểm khi mới đây, trong xóm nhỏ này có hai cái chết trẻ: một cậu thanh niên chết vì điện giật và một cháu bé con anh Bùi Văn Minh chết không rõ nguyên nhân khi mới hai tuổi rưỡi.
Cái chết của cháu bé con anh Minh tuy không biết có liên quan gì tới những cái chết bí ẩn của đàn gia súc trong làng không, song nó đã gây ra nỗi hoang mang rất lớn. Người dân rất mong các nhà khoa học lý giải hiện tượng này, để người dân yên tâm sống. Các cơ quan chức năng bao giờ mới vào cuộc để giải đáp thắc mắc cho người dân?
Trên báo An Ninh Thế Giới số 592, ra ngày 30/9/2006 có đăng tiếp phần 2 một phóng sự dài kỳ về " Bí ẩn làng Ma ám" ở xóm Đầu, Lương Phong, Hiệp Hoà, Bắc Giang. Sự việc bí ẩn về cái chết hàng loạt không biết nguyên nhân của trâu, bò, lợn chó khiến hàng chục hộ dân với 200 nhân khẩu vốn đã nghèo đói lại trở nên đói nghèo hơn nữa. Dân làng hết sức lo lắng và đã tự đi tìm nhiều biện pháp giải quyết mang tính mê tín dị đoan.
Ban đầu, một số ông thầy cúng bảo làng bị " động long mạch" do tự động thay đổi hướng ngôi miếu thờ Thành Hoàng ở đầu làng. Năm đó, dân tỏng làng mong làm ăn khấm khá nên bàn nhau góp tiền xây ngôi miếu thêm hai gian nữa cho to hơn, đàng hoàng hơn và xoay hướng ngôi miếu ra hướng Đông, nơi có mặt đường cái. Khi khánh thành thì cũng chính là thời điểm diễn ra hiện tượng gia súc, gia cầm chết hàng loạt. Để trấn trạch long mạch, các hộ dân trong xóm lại góp tiền, người bảy chục, người một trăm để mời ông thầy cúng "nổi tiếng" nhất huyện về cúng giải hạn. Đàn tế được lập ngay trước ngôi miếu. Thầy cúng vung con dao phay sắc ngọt chém đứt đầu hai con chó mực, vứt xuống hai cái giếng gần miếu thờ rồi lấp giếng lại để yểm. Yểm xong, thầy cúng tuyên bố "Nếu gia súc, gia cầm trong làng còn chết, thầy thề không thay trời hành đạo, cứu nhân độ thế nữa". Tuy nhiên ông thầy cúng vừa rời khỏi làng hôm trước, hôm sau gia súc lại tiếp tục nổi điên nổi đoá, chết hàng loạt, chết nhiều đến nỗi chuồng trại nhà nào cũng trống hơ trống hoác. Khắp làng chỉ còn thấy giống loài hai chân là gà, vịt, ngan và loài 4 chân là mèo, chuột.
Sau cuộc "trấn long mạch" không thành, người dân xóm Đầu còn 3 lần lập đàn tế mời 3 thầy cúng nổi danh và 3 lần nữa mời sư ông, sư bà về cúng bái, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cực chẳng đã, người dân trong làng thuê người về phá dỡ 2 gian miếu xây mới, trả lại hiện trạng ngôi miếu như cũ với mong ước cuộc sống được trở lại như xưa. Nhưng rồi, đâu vẫn hoàn đấy, vận hạn vẫn đổ lên đầu cái " làng ma ám" này. Theo trưởng xóm Lưu Văn Lần, hiện tại đàn ông trong làng chỉ còn anh và vài ba người nữa, còn lại đã bỏ ra thành phố hoặc đi các vùng khác làm thuê làm mướn kiếm sống cả. Một số túng quẫn thì đi buôn ma tuý. Trong làng giờ chỉ còn người già và trẻ con. Thậm chí đã có 2 hộ chuyển nhà đến làng khác sinh sống, đó là gia đình ông Hoạt, ông Duyên. Tuy nhiên, cũng như gia đình anh Hùng, dù họ sống ở làng khác, gia súc vẫn chết thẳng cẳng như thường. Người dân giờ đây chỉ còn biết trông chờ vào các nhà khoa hoạc mà thôi. Mặc dù ngôi làng nằm co cụm giữa những giồng đất pha cát trên tổng diện tích 10ha, song khắp làng cây cối rậm rì, tuơi tốt, điều đó chứng tỏ đất làng rất tốt, không xuất hiện những tia chất độc hại, có thể tác động lên sự sống trên mặt đất. Ngoài ra, cách xóm Đầu một con đường rộng 1,5m là các xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Đông, thế nhưng, chuyện gia súc ở xóm này đột tử không hề xảy ra, kể cả trong thời gian cả nước xảy ra dịch lở mồm long móng. Qua tìm hiểu thì thấy các xóm bên cạnh cũng có cách chăn thả, chăm sóc và những kinh nghiệm nuôi gia súc tương tự xóm Đầu. Hơn nữa, mọi nguồn nước, ngồn thức ăn, môi trường sống đều chẳng cso gì khác biệt. Việc tìm ra nguyên nhân không phải là chuyện đơn giản.
Cuối năm 2005, khi các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang xuống xã Lương Phong tiếp xúc cử tri, người dân thôn Đầu phản ánh hiện tượng lạ này và đề nghị các ban ngành chức năng của tỉnh giúp đỡ. Lập tức UBND tỉnh triệu tập các ban ngành có liên quan cùng trao đổi, bàn bạc, tìm hiểu về hiện tượng gia súc chết hàng loạt ở thôn Đầu để tìm cách giúp bà con vượt qua khó kăhn. Việc quan trọng nhất là ổn định tâm lý, tránh để lực lượng dị đoan cố ý đưa tin sai lệch, gây bất ổn trong dân chúng. Nhiệm vụ này được giao cho Sở KH-CN tỉnh Bắc Giang cùng với các ban ngành liên quan. Tháng 5/2006, Sở KH-CN Bắc Giang đã giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN triển khai đề tài " Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp khôi phục, phát triển chăn nuôi gia súc tại xóm Đầu, thôn Sơn Qủa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang".
Ngay khi đề tài triển khai, lãnh đạo Sở KH-CN, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN đã cùng một số cán bộ thuộc các cơ quan chuyên môn Trung Ương với thiết bị hiện đại về xóm Đầu tiến hành nghiên cứu.
Mỗi lần thấy những chiếc xe sang trọng đỗ ở đầu xóm, người dân xóm Đầu lại bỏ hết công việc đồng áng tập trung theo dõi, càng làm việc với các nhà khoa học. Đợt dầu là các cán bộ thuộc Trung tâm Môi trường của Bộ Tư Lệnh Hoá Học về lấy mẫu đất ngoài đồng, trong làng, lấy mẫu nước sinh hoạt, nước giếng khơi, nước ao hồ, kênh rạch để phân tích tại chỗ và bảo quản mang đi. Chiếc máy hút bụi từ không khí dặt ở trong các chuồng lợn, chuồng bò nổ phành phạch suốt cả buổi. Theo anh Thân Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN, Sở KH-CN Bắc Giang, cơ quan trên kết luận rằng, cả mẫu nước trong ao tù, kênh rạch, dưới lòng đất, giếng khơi, đất cát trong làng, đến những mẫu bụi hút từ không khí đều không có khác biệt so với những ngôi làng bên cạnh, không nhiễm độc, chưa tìm thấy vi rút lạ và đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Thực tế, Trạm thú y huyện Hiệp Hoà, Chi cục thú y Bắc Giang cũng đã từng vào cuộc từ năm 1999 và đưa ra một kết luận: Do lượng vi khuẩn Ecoli ở khu vực xóm Đầu vượt quá mức quy định. Ngay lập tức diễn ra công cuộc tẩy uế chuồng trại, phun hàng tạ thuốc diệt khuẩn, tiêm thuốc phòng bệnh Ecoli cho động vật....Thế nhưng, tất cả những cố gắng trên đều vô vọng. Về sau, hai cơ quan này phải thừa nhận đã đưa ra kết luận vội vàng, hời hợt, vì rất nhiều nơi tồn tại lượng vi khuẩn Ecoli lớn hơn mức bình thường, nhưng cũng không gây nên hậu quả gì nghiêm trọng. Sau khi cơ quan thú y, bó tay thì Sở NN và PTNT cử cán bộ xuống tận nơi điều tra, múc nước của 13 ao tù trong xóm đi phân tích song cũng không phát hiện ra hiện tượng gì đặc biệt. Thậm chí, các cán bộ còn cùng nhân dân tát cạn cả 13 ao trong làng, rồi rắc Alohit, vôi bột, phun thuốc sát trùng khắp làng, nhưng gia súc chết vẫn hoàn chết.

Như tin đã đưa về làng ma ám tại xóm Đầu ( Lương phong - Hiệp Hoà - Bắc giang ) của báo ANTG số 591, 592 và trong chuyên mục hoạt đông của TTNC LÝ HỌC ĐÔNG PHƯƠNG .
TTNC LÝ HỌC ĐÔNG PHƯƠNG quyết định tổ chức khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân xẩy ra , tìm cách hóa giải vấn đề trên .
Thành phần đi nghiên cứu khảo sát lần này bao gồm những cán bộ dầy dạn kinh nghiệm của trung tâm như Thiên sứ ( NGUYỄN VŨ TUẤN ANH) , dienbatn ( BÙI QUỐC HÙNG ), Nguyên Vũ ( PHẠM HUY KHIÊM ), Nhà Ngoại cảm Tâm linh NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT , NGUYỄN QUANG PHÚ cùng sự trợ giúp từ xa của Nhà Ngoại cảm NGUYỄN THỊ MAI ( Thái bình ), dung qk ( KIỀU QUANG DŨNG ), NGUYỂN HOÀNG LINH - GD JSC ANH ĐỨC . Ngoài ra , đoàn khảo sát còn được sự giúp đỡ về phương tiện đi lại , chi phí dọc đường của một thân chủ của dienbatn ( Xin dấu tên - Người này đã từng đóng góp làm từ thiện cho Trung tâm ) . Ngày mai , 3/10/2006 , đoàn Khảo sát sẽ bắt đầu tiến hành Khảo sát thực địa .
[/b]