Xu thế nghiên cứu bát tự hiện nay hiện chia thành 3 hướng chủ yếu:
  • Trường phái Tử Bình truyền thống sử dụng “Vượng Suy Pháp” để xem mệnh.
  • Trường phái Tử Bình cách cục sử dụng “Cách Cục Pháp” để xem mệnh.
  • Trường phái Tử Bình Manh Phái sử dụng “Ý Tứ và Tượng Pháp” để xem mệnh.


Mỗi phái đều có một hệ thống lý luận chặt chẽ riêng và bổ sung ưu khuyết cho nhau. Cuốn sách này viết về phần căn bản của Tử Bình Manh Phái. Yêu cầu người đọc đầu tiên phải học qua Tử Bình truyền thống mới có thể nhanh tiếp thu Manh Phái và điều quan trọng nhất là kết hợp Tử Bình truyền thống và Tử Bình Manh Phái vào xem mệnh.
Nếu người đọc đã đọc qua Tử Bình truyền thống thì khi nhận thấy rằng Manh Phái không sử dụng “Vượng Suy Pháp” thì làm sao có thể đoán mệnh cát hung chuẩn xác được. Nếu còn ngờ vực, hãy xem bài luận chứng minh sau đây.

Càn tạo: Ất Hợi - Kỷ Sửu – ngày Giáp Thìn - Ất Hợi
Đại vận: Mậu Tý/ Đinh Hợi/ Bính Tuất/ Ất Dậu/ Giáp Thân/ Quý Mùi/ Nhâm Ngọ

Dùng Tử Bình truyền thống xác định thì mệnh kể trên là thân vượng. Nguyên do chủ yếu là Thìn Sửu là ẩm ướt thổ không khắc Thủy (nguyên thần của Mộc) mà còn làm nền cho Mộc sinh trưởng. Giáp có hai Ất lộ trợ thân. Địa Chi cũng hai Hợi, trong Hợi có ngậm Giáp tức là đắc căn rồi. Căn lại không bị phá. Thân vượng. Chọn Mậu-Kỷ làm dụng thần. Tức chọn Tài. Hành các vận Mậu Đinh Bính theo lý mà nói tiền tài không thiếu, cuộc sống no đủ.

Dùng Tử Bình Manh Phái xác định thì nhật chủ tọa khố, Thìn là thủy khố và chứa mộc nên có thể nói là căn của Giáp, Hợi lại ngậm Giáp nên nhật chủ là sinh mộc. Giáp Thìn liên căn do đó không nên phạm Thìn khố. Thìn là thủy khố nên Hợi vào Thìn mộ. Thìn cũng là thổ khố nên Sửu vào Thìn mộ. Toàn bộ vào mộ thì khí không lưu thông nên là tử khí là bỏ đi, muốn dùng cần phải xung khố. Nhưng Thìn là liên căn với nhật chủ tức không được phạm. Mệnh này tự mâu thuẩn về điều kiện phát tài. Xung khố tất gặp nạn. Bất xung khố thì tù khí cả đời. Mệnh ăn mày.

Mệnh này là của một người rất nghèo. Do cố gắng mưu sinh nên bị tai nạn lao động. Đương số mất đi đôi tay và trở thành người ăn mày. Phương pháp luận này gọi là “Ý Tứ Pháp”, đây là một phần trong Manh Phái.