Thăm vùng đất nổi tiếng Gò Công, Tiền Giang, không chỉ được mãn nhãn trước vẻ thanh bình, nét yên ả của miệt sông nước với những con kênh nhỏ, bạt ngàn hàng dừa thẳng tắpmà chúng ta còn bị mê hoặc bởi quần thể kiến trúc độc đáo, nét cổ kính của Lăng Hoàng Gia.
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pic...L334202705.jpg
Lăng Hoàng Gia tọa lạc trên gò Sơn Quy (thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công), cạnh QL 50, cách TP. Mỹ Tho khoảng 30km. Đây là nơi sinh sống và yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng – nổi tiếng ở Nam Bộ vào thế kỷ 18, 19. Đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ 20. Trong đó, lăng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại vua Tự Đức và là thân phụ của Từ Dũ Thái hậu - vợ vua Thiệu Trị) được xây dựng từ năm 1825, là một kiến trúc lạ, độc đáo.
Hai hàng cây thông rợp bóng dọc đường vào lăng cùng làn nước mát lành từ hồ thủy tạ phả vào khiến bao mệt mỏi của lữ khách tan biến. Cây cối xanh um bao trọn nhà thờ họ Phạm Đăng như kiểu kiến trúc cổ ở Huế. Nét cổ xưa khu lăng mộ hiện rõ qua những họa tiết kiến trúc cổ của cổng tam quan đầy rêu phong được xây dựng năm 1826. Lăng được xây trên diện tích gần 3.000m2 bởi bàn tay khéo léo của những người thợ địa phương kết hợp với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cung đình từ Huế vào. Vì thế, nhà thờ lăng mang những nét đặc trưng và phong cách của kiến trúc cung đình Huế.
Những đường hoành, rui, mè được thiết kế vô cùng sắc sảo, độc đáo, vững chắc bởi các loại gỗ quý (không mối mọt) được vận chuyển từ cố đô Huế vào. Điểm đặc biệt nhất của lăng có lẽ là việc sử dụng toàn bộ gỗ để xây dựng, các vì kèo nối với nhau bằng mộc, không thể tìm ra được một cây đinh nào trong việc gắn kết các thanh gỗ, kèo, cột ở đây. Các ba-lam gỗ quý trong nhà thờ với các điển tích rút ra từ "tứ linh, tứ quý" trong bát bửu cổ đồ của người Á Đông, cho đến các phù điêu trong và mặt ngoài của lăng đều được chạm khắc sắc sảo, gãy gọn, toát lên vẻ tôn nghiêm rất mực của một khu mộ, nơi yên nghỉ của một trong những văn thần nổi tiếng của triều Nguyễn. Màu sơn gỗ nâu bóng lộn nơi các trụ cột to như cánh tay khổng lồ nâng đỡ mái ngói âm dương càng khiến Hoàng Gia có nét quyến rũ đến lạ kỳ, kiêu sa mà mạnh mẽ, hùng dũng mà dịu dàng.
Bên phải của lăng, trên con đường quanh co, uốn khúc, đi sâu theo hình vòng cung uốn lượn chính là lăng mộ của đức Quốc Công. Mộ dòng họ Phạm và Phạm Đăng Hưng chôn theo một trục dài đối xứng nhau, toàn bộ đều làm bằng hồ ô đước không chạm khắc, được bao bọc xung quanh lớp tường dày 80cm, cao 90cm. Trong khu mộ, mộ Phạm Đăng Hưng đứng đầu, trên một gò cao có dáng mu rùa, xây theo tam cấp, tứ trụ, gồm 2 vòng biểu hiện cho tam tài, diện tích hơn 800m2. Mộ không xây theo kiểu "Ngưu phanh, mã phục" (trâu nằm, ngựa quỳ) như mộ dành cho quan võ.
Mộ có dáng "Đỉnh trụ" (chóp đỉnh) như chiếc nón lá buông lỏng nhờ tám cánh tượng trưng như búp sen. Tương truyền thi thể Phạm Đăng Hưng được chôn ngồi. Kiểu chôn là nội quan ngoại quách bao bọc.
Bài & ảnh: Phạm Du Ký