Nạn sát hại người bạch tạng ở châu Phi
Người Tanzania mua các bộ phận cơ thể người bạch tạng để phục vụ mục đích ma thuật. Dù chính phủ nước này đã dùng nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn hành vi giết người man rợ, nhưng trong vòng 1 năm qua vẫn có ít nhất 50 người bạch tạng bị sát hại.

Ở châu Phi, người ta tin rằng các bộ phận cơ thể người bạch tạng mang lại may mắn và giàu có. (Ảnh: Nước Nga ngày nay)

Thị trường mua bán nội tạng người ở châu Phi mang đậm tính hung ác và đẫm máu. Nguồn cung cấp là từ những người bạch tạng, vốn bị xem là mang lại xui xẻo và bị nguyền rủa khi còn sống. Theo trang web Nước Nga ngày nay, việc hạ sát những người bạch tạng vì những mục đích ma thuật không phải là một hiện tượng mới. Nhưng, số kẻ giết người tăng lên đã khiến cả thế giới quan tâm đến vấn đề này.

Nỗi sợ của người sống

Tanzania là một điển hình nổi bật. Zihada Msembo, Tổng Thư ký Hội Bạch tạng Tanzania, nhấn mạnh: “Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi là nỗi sợ của người sống”. Một cô gái tên Mariam, sau khi chứng kiến cảnh em gái 5 tuổi của mình bị giết, đã cung cấp những chi tiết kinh khủng củng cố lời khẳng định trên. Tuy nhiên, em gái của Mariam chỉ là một trong số ít nhất 50 người bạch tạng bị giết hại dã man ở Tanzania trong vòng một năm.

Năm 2008, Tổng thống Tanzania Mrisho Kikwete đã chỉ định Al-Shaymaa Kwegyir, người bạch tạng, là thành viên nghị viện nước này, như một phần của nỗ lực ngăn chặn việc giết hại người bạch tạng. Và thế là Kwegyir đã bắt đầu đi đến các vùng nông thôn nhằm giúp mọi người thay đổi suy nghĩ và đối xử với người bạch tạng như những người bình thường. Tất nhiên, bà được bảo vệ cẩn mật.

Ở nông thôn, vấn đề này càng trầm trọng hơn. Nhất là khi một số phù thủy và thầy thuốc chữa bệnh theo phương pháp truyền thống đòi phải có những bộ phận cơ thể người bạch tạng để được may mắn. Họ được cho là những người khuyến khích các vụ giết người bạch tạng.

Khó đóng cửa thị trường đỏ

Đầu năm 2009, Tanzania hủy bỏ giấy phép hành nghề của những thầy thuốc chữa bệnh theo phương pháp truyền thống nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của họ. Chính phủ nước này cũng phân phát những phiếu bí mật với mục đích khích lệ người dân báo tin về những kẻ tình nghi phạm tội đối với người bạch tạng.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn không thể đóng cửa thị trường đỏ. Hơn nữa, nhu cầu ở Tanzania còn có thể phải chịu trách nhiệm về việc khuyến khích thực trạng này ở nước láng giềng Burundi. Trong vòng chưa đầy một tháng đầu năm nay, ít nhất đã có bốn người bạch tạng bị sát hại ở Burundi. Sau đó, vào tháng 3 năm nay, một cuộc điều tra được tiến hành dẫn đến việc phá vỡ một đường dây giết người.

Công tố viên Nicodeme Gahimbare, người chỉ huy cuộc săn lùng bọn người phạm tội nói trên, kể: “Bọn chúng cất giữ xương của người bạch tạng. Một số còn tươi nguyên”. Chính quyền cho rằng loại hàng hóa này được đưa qua biên giới.

Tuy nhiên, vẫn theo trang web Nước Nga ngày nay, dù cho có vẻ như Tanzania đã có những nỗ lực nhằm đảo ngược xu hướng của bọn giết người bạch tạng với khoảng 200 người đã bị bắt nhưng chẳng một ai bị kết tội giết người. Trong khi đó, Burundi đã có thể nêu gương cho lục địa này. Cuối tháng 5 vừa qua, nước này đã bắt đầu phiên tòa chưa từng có. 11 người phải đối mặt với những cáo buộc tội giết hoặc âm mưu giết hại người bạch tạng. Nếu bị kết án, họ có thể lãnh án chung thân.

Mê tín
Nữ nghị sĩ Kwegyir cho biết: “Đôi chân của người bạch tạng đáng giá nhất bởi người ta tin rằng chúng đem lại nhiều tiền của hơn cho người thợ mỏ”. Do vậy, xương chân người bạch tạng được nhiều người lùng kiếm. Tán nhuyễn xương ra, các thợ mỏ đeo thứ bột này quanh cổ như bùa hộ mạng. Một số khác chôn xương xuống nơi họ đào bới với mục đích đạt được sự giàu có. Ngoài ra, tóc người bạch tạng được gắn vào lưới đánh cá với mục đích có được một mẻ lưới to.

Theo Người Lao Động