Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt đại tướng Pháp Raoul Salan

24 Tháng Tư 2019 9:18 CHTS PHAN VĂN HOÀNG






Nói đến cuộc chiến chống Pháp, không thể không nhắc tới Raoul Salan (1899- 1984), vì ông từng làm quyền tổng chỉ huy của Đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (từ tháng 2 đến tháng 4-1948), phó tổng chỉ huy (từ ngày 6-12-1950 đến 5-1-1952) rồi tổng chỉ huy (từ ngày 6-1-1952 đến 8-5- 1953). Trước đó, ông từng công tác ở nhiều nơi tại Đông Dương trong 13 năm (1924-1937).

Salan ở trong quân ngũ 43 năm (1917-1960), được thăng quân hàm đại tướng ở tuổi 57, là quân nhân được thưởng nhiều huân, huy chương nhất nước Pháp. Người ta thường gọi ông là “vị tướng thực dân” (le général colonial), “người bảo vệ Đế quốc” (le défenseur de l’Empire) vì phần lớn thời gian phục vụ của ông là ở các thuộc địa (Đông Dương, Algérie…).

Chỉ hai tháng sau Cách mạng tháng Tám thành công, Salan (lúc đó mang lon thiếu tướng) được cử sang Sài Gòn (23-10-1945) nhằm phục vụ chủ trương “lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương”(1).

Theo Hiệp ước Potsdam, các cường quốc trong phe Đồng minh giao cho quân Anh và quân Trung Hoa Dân quốc việc giải giới và hồi hương quân Nhật ở Đông Dương. Ở phía nam vĩ tuyến 16, từ ngày 23-9-1945, quân Anh tạo điều kiện để Pháp tái chiếm nhiều thành thị và tuyến giao thông. Vì vậy, Salan được cử ra Hà Nội (1- 11-1945) và Trùng Khánh (từ ngày 5-1 đến 2-2- 1946) để thương thuyết với các quan chức Trung Hoa Dân quốc nhằm “lập lại chủ quyền của Pháp ở Hà Nội” (tr.187)*, trước mắt nhằm “chuẩn bị cho quân Pháp trở ra Bắc Bộ” (tr.192).

Trong những ngày ở Hà Nội, Salan tận mắt chứng kiến khí thế bảo vệ độc lập của người dân Việt Nam. “Ở Hà Nội, mọi người đều hô từ ĐỘC LẬP, nắm tay giơ cao… Tôi có thể đọc các khẩu hiệu viết trên tường hay trên biểu ngữ giăng ngang đường phố: ĐỘC LẬP HAY LÀ CHẾT; ĐỘC LẬP, ĐỘC LẬP, ĐỘC LẬP; NƯỚC VIỆT NAM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM; HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM” (tr.240).

Qua trao đổi với một số người, Salan rút ra nhận định: “Việt Minh tiến triển cực kỳ nhanh chóng, đã trở thành một đối thủ mà chúng ta sẽ phải tranh luận với họ một cách gian lao, nhọc nhằn, chặt chẽ và với nhiều khó khăn” (tr.250).

Lấy cớ cảm ơn Bác Hồ đã đến thăm thương bệnh binh Pháp tại bệnh viện Phủ Doãn (Pháp gọi là bệnh viện Lanessan, nay là bệnh viện Quân y 108) chiều mồng một Tết Bính Tuất (2-2-1946), Salan nhờ Louis Caput (đảng viên Đảng Xã hội Pháp, làm việc trong ngành giáo dục ở Hà Nội) giới thiệu để được gặp Bác Hồ. Từ 17g đến 18g30 chiều ngày 8-2 tại Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ tiếp viên tướng Pháp trong một căn phòng nhỏ. Hơn 20 năm sau, Salan vẫn còn nhớ “cuộc tiếp xúc xúc động” với một người có “vầng trán cao, đôi mắt sắc sảo, có vẻ một nhà tu hành khổ hạnh” (tr.288) và chép lại gần như nguyên văn nội dung buổi trao đổi giữa hai người trong hơn 2 trang giấy (tr.288-291).

“Tôi là một người bạn trung thành của nước Pháp”, Bác Hồ tự giới thiệu như vậy. “Đa số nhân dân Đông Dương không chống Pháp, nhưng thật đáng tiếc, những sự kiện ở Nam Bộ và thái độ của các ông đối với chúng tôi ngày càng đào sâu hố ngăn cách giữa các ông và chúng tôi… Pháp là một dân tộc vĩ đại. Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng chúng tôi không muốn sống nô lệ… Người ta nói với chúng tôi về một nước Pháp mới, mong rằng nước Pháp ấy cho chúng tôi thấy sự đổi mới của nó”.

Trả lời câu hỏi của Salan “Thực ra ông muốn những điều gì?”, Bác Hồ thẳng thắn giải thích: “Từ độc lập đối với tôi không quan trọng. Điều quan trọng đối với tôi là cái nội dung chứa đựng bên trong từ ấy. Chúng tôi muốn sống tự do. Quả thật, chúng tôi muốn có thật nhiều trao đổi kinh tế, liên lạc văn hóa rộng hơn [với nước Pháp], muốn [mời] cán bộ, chuyên viên kỹ thuật của Pháp trong mọi lĩnh vực, nhưng chúng tôi muốn làm chủ trên đất nước mình”.

Khi Salan chống chế: “Nhưng bản Tuyên bố ngày 24-3 [năm 1945 của tướng De Gaulle] đã cho các ông tất cả những thứ đó”, Bác Hồ đã bác bỏ ngay: “Không, bản tuyên ngôn ấy đã lạc hậu từ lâu rồi”(2). Cách mạng tháng Tám đã giành lại độc lập và thống nhất cho dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, Salan lật ngửa lá bài tẩy: Pháp đang thương thuyết với Chính phủ Tưởng Giới Thạch để đưa quân Pháp ra chiếm đóng các tỉnh thành ở phía bắc vĩ tuyến 16 thay cho quân Trung Hoa: “Tôi tiếp tục nghĩ rằng nếu ông không chống lại việc chúng tôi trở lại nơi đây thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu nhau. Chúng tôi sắp đổ bộ [lên Hải Phòng], chúng tôi rất mạnh, tại sao không thừa nhận điều đó?”.

Trước tin dữ mà Salan vừa tiết lộ, Bác Hồ bình tĩnh đáp lại: “Nếu các ông đổ bộ, tôi không thể ngăn cản các ông. Nhưng máu sẽ chảy, sẽ đau khổ vì tôi không mong muốn điều đó… Tôi vững tin rằng: cho dù cả thế giới có chống lại chúng tôi, chúng tôi vẫn không chấp nhận làm nô lệ. Nước Pháp là xứ sở của quyền tự do, nước Pháp mới hãy để cho chúng tôi có quyền tự do đó”.

Bác Hồ đẩy tướng Salan vào thế bí: nước Pháp mới phải hành động khác với một đế quốc thực dân.Sau khi Pháp và Trung Hoa Dân quốc ký Hiệp ước 28-2-1946, tướng Leclerc, tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, dẫn một đoàn tàu chiến rời Sài Gòn, dự kiến sẽ vào cảng Hải Phòng ngày 6-3 và quân Pháp sẽ đổ bộ lên thành phố này lúc 17g ngày 7-3 (tr.333). Để thuyết phục Bác Hồ chấp nhận kế hoạch này của Pháp, Salan cùng Jean Sainteny, Léon Pignon và Caput cùng đến Bắc Bộ Phủ chiều ngày 4-3.

Theo Salan, Bác Hồ không chịu nhượng bộ ở hai điểm.Một là Pháp phải công nhận nền thống nhất của Việt Nam: “Nước Việt Nam phải gồm ba miền: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ” (tr.314).Hai là Pháp chỉ được đưa quân ra thay cho quân Trung Hoa trong một thời gian: “Tôi không thể chấp nhận quân của các ông ở đây mãi mãi. Nếu tôi chấp thuận điều đó, tôi sẽ phản bội Tổ quốc tôi. Các ông phải cho tôi biết một thời hạn” (tr.314).Trước thái độ kiên quyết của Bác Hồ, Pháp phải nhân nhượng.

Điều 1 của Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 ghi rõ: “Về việc hợp nhất ba kỳ, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận những quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết” bằng trưng cầu dân ý(3).Theo bản Phụ khoản đính theo Hiệp ước nói trên, Việt Nam tiếp đón “15.000 quân Pháp… thay thế quân đội Trung Hoa… Cứ mỗi năm, một phần năm các đội quân [ấy] sẽ về Pháp để quân đội Việt Nam thay thế. Vậy trong 5 năm, quân đội Việt Nam sẽ thay thế toàn số quân đội Pháp này”(4).Tuy nhiên, khi chữ ký trên Hiệp ước chưa ráo mực, Pháp đã sổ toẹt những điều cam kết. Pháp không chịu tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ vì như William Bazé, một trùm thực dân ở Sài Gòn, thừa nhận: “Nếu hôm nay chúng ta tổ chức trưng cầu dân ý thì sẽ có 90% [cử tri] chống lại chúng ta”(5). Thay vào đó, Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Marius Moutet gợi ý “tổ chức một cuộc tuyên truyền nhằm ngăn cản Nam Bộ tái nhập với Bắc Bộ dưới khẩu hiệu Nam Bộ của người Nam Bộ”(6). Về việc quân Việt Nam thay dần quân Pháp, Ủy ban liên bộ về Đông Dương đề nghị có biện pháp để “quyền lực quân sự [của Pháp] không bị loại bỏ khỏi phía bắc vĩ tuyến 16 sau 5 năm”(7).

Vào chiều ngày 7-4, Bác Hồ mời vợ chồng tướng Salan đến Bắc Bộ Phủ ăn cơm. Cùng dự có các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám. Salan ghi nhận: “Trước mặt tôi là đội ngũ đang đi theo và giúp đỡ ông thầy của họ. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả để làm thành công cuộc cách mạng mà họ đã tư duy trong bưng biền và đã suy nghĩ chín chắn trong nhà tù” (tr.360-361). Bác Hồ chọn một tấm ảnh của Bác rồi viết lời đề tặng Salan.Sau bữa cơm, bà Salan xin rút lui vì có con nhỏ chưa đầy một tháng tuổi. Salan kể: “Lúc đó, họ bắt đầu tấn công điều mà họ gọi là những xuyên tạc [của Pháp] đối với Hiệp ước mồng 6 tháng 3. Ông Hồ lên tiếng trước hết: “[Những người Pháp ở] Sài Gòn không chú ý, không tôn trọng cả lời văn lẫn tinh thần của Hiệp ước. Ở Hà Nội là sự thật, còn ở Sài Gòn là sự tráo trở, hồ đồ, mập mờ. Bây giờ, để tránh mọi hiểu lầm, cần khẩn trương giải quyết hai vấn đề: vấn đề Nam Bộ và việc mở ngay đàm phán ở Paris” (tr.361-362).

Để trì hoãn việc giải quyết các vấn đề bằng con đường ngoại giao, Pháp đề nghị mở hội nghị trù bị ở Đà Lạt, một điều không được dự trù trong Hiệp ước sơ bộ. “Tôi không thấy rõ chúng ta sẽ có thể giải quyết cái gì ở Đà Lạt”, Bác Hồ nhận định. “Đàm phán phải diễn ra ở Paris, vì chỉ có những cuộc đàm phán chính thức ấy tại thủ đô nước Pháp mới chứng tỏ các quan hệ [giữa hai nước] đã bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn mà nước Pháp công nhận một nước Việt Nam tự do, còn nước Việt Nam tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp” (tr.362).

Sau khi cho biết ngày 17-4, “Giáp sẽ đi Đà Lạt để thảo luận với các ông”, Bác Hồ nêu lên thắc mắc: “Tại sao ông đô đốc [d’Argenlieu, Cao ủy Đông Dương] lại tới đó(8), bởi chính ông Max André từ Paris sang sẽ làm trưởng [phái đoàn Pháp]?”. Trước đó một ngày, “Đồng sẽ đi [Pháp], dẫn đầu một phái đoàn hữu nghị của các nghị sĩ Việt Minh mang đến các thành viên Quốc hội lập hiến Pháp lời chào của nhân dân Việt Nam”. Đáp lại thiện chí đó của Việt Nam, Pháp có một hành động khó hiểu: “Chúng tôi hay tin đại tá Nguyễn Văn Xuân(9) và vài nhân sĩ Nam Bộ sẽ đi Paris để trình ra một chính phủ với sự ủng hộ của đô đốc d’Argenlieu và người ta nói tới Chính phủ Nam Kỳ tự trị, điều trái ngược với Hiệp ước sơ bộ” (tr.362).

Trước những vi phạm không thể chối cãi đó, tướng Salan chống chế một cách khó khăn. Mọi chủ trương đường lối của Pháp được quyết định ở Paris hay ở Sài Gòn, tướng Salan chỉ là người đại diện tại Hà Nội, nên Bác Hồ muốn Salan chuyển các phản đối của Việt Nam lên cấp trên của ông ta. “Nhiều lúc cuộc đàm thoại trở nên chua chát và rồi chúng tôi đưa nó trở lại bình tĩnh hơn” (tr.363).

Đúng như dự đoán của Bác Hồ, hội nghị trù bị ở Đà Lạt không những không giải quyết được việc gì mà còn để lộ ý đồ phá hoại Hiệp ước sơ bộ của Pháp. Trong bữa cơm tối 17-5 với tướng Salan, Bác Hồ nói: “Các cuộc đàm phán ở Đà Lạt đã có thể đào một hố sâu mà chúng ta sẽ phải lấp đầy ở Paris. Tại sao lại trì hoãn hội nghị [ở Paris] mà đã được dự trù trong Hiệp ước sơ bộ?” (tr.376).

Cuối cùng thì Hội nghị cũng được tổ chức, nhưng không phải ở Paris mà ở Fontainebleau, cách Paris 57km đường chim bay. Salan được cử làm trưởng ban quân sự của Phái đoàn Pháp tại Hội nghị. Bác Hồ cũng đi Pháp, không phải để dự Hội nghị, mà với tư cách là khách được Chính phủ Paris mời thăm chính thức nước Pháp. Do đó, Salan có dịp cùng đi với Bác Hồ trên cùng một chuyến bay khởi hành ngày 31-5 từ sân bay Gia Lâm. Sau này, Salan viết hồi ký, cho đó là một “chuyến công cán rất thú vị, cho phép tôi thực hiện một chuyến đi đặc biệt bên cạnh một con người đặc sắc” (tr.394).

Salan khâm phục tài thông thạo ngoại ngữ của Bác Hồ. Mặc dù rời nước Anh từ 1917 và nước Pháp từ 1923, Bác Hồ nói tiếng Anh và tiếng Pháp lưu loát.Ngày 1-6-1946, khi máy bay tạm ngừng ở Calcutta (Ấn Độ), viên Tổng lãnh sự Pháp Christian Foucher đến chào Bác Hồ. Theo Salan, Bác Hồ “đã trả lời không chút lúng túng với nhà ngoại giao của chúng tôi khi ông này dùng những câu văn hoa để chào đón và chúc Hội nghị [Fontainebleau] thành công” (tr.383).

Ngày hôm sau, Bác Hồ và Salan đi thăm xã giao viên Thống đốc xứ Bengale, Richard Casey (người Anh). Salan ngạc nhiên khi thấy “hai người trò chuyện bằng tiếng Anh và tôi nhận thấy Chủ tịch sử dụng ngôn ngữ này khá dễ dàng” (tr.384).

Salan đặc biệt nể phục trí tuệ của Bác Hồ.

Có lần Salan muốn biết Bác Hồ có phải là Nguyễn Ái Quốc, một trong những sáng lập viên Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, hay không, nên hỏi: “Ông ký Hồ Chí Minh trên Hiệp ước mồng 6 tháng 3, vậy tên thật của ông chẳng phải là Nguyễn Ái Quốc hay sao?”. Không chút bối rối, Bác Hồ đã trả lời: “Sainteny đã ký hiệp ước ấy với cái tên Sainteny nhưng trong thực tế, tên ông ấy là Jean Roger” (tr.383). Với câu trả lời nhanh nhẹn đó, Bác Hồ không thừa nhận, cũng không phủ nhận mình là Nguyễn Ái Quốc.

Qua tìm hiểu, Salan nhận thấy “phần lớn dân chúng [Việt Nam] theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem ông như người dẫn đường của họ” (tr.288) và “ủng hộ hầu như hoàn toàn chính sách của ông” (tr.291). Ngày 3-6-1946, Bác Hồ và Salan đến Chandernagor. Trong số Việt kiều ra đón, Salan thấy “một bà cụ lao tới, sụp mình xuống đất và hôn chân ông Hồ. Ông vội đỡ bà cụ lên và nói: ‘Chị ơi, chúng ta bắt tay nhau, nhé’. Cảnh này thật cảm động và tôi có thể đo lường được uy tín của Chủ tịch” (tr.385).

Tới Paris, Salan có nhiều cơ hội để gặp Bác Hồ. Chẳng hạn, ông dự cuộc họp báo của Bác Hồ tại khách sạn Royal Monceau chiều ngày 25-6. Trong hồi ký, ông kể lại chuyện Bác Hồ đã tặng cho mỗi nhà báo nữ một đóa hoa hồng và cho đó là một cử chỉ duyên dáng dễ thương.Do Pháp thiếu thiện chí nên Hội nghị Fontainebleau gặp nhiều sóng gió ngay từ trước khi khai mạc.

Khi dừng chân tại Cairo (thủ đô Ai Cập) ngày 8-6, Bác Hồ đọc báo nên biết Pháp vừa thành lập ở Sài Gòn một chính phủ của cái gọi là “Cộng hòa tự trị Nam Kỳ”, đưa chính phủ này ra trình làng trước nhà thờ Đức Bà (1-6-1946). Nói chuyện với Salan, Bác Hồ phê phán “những người [Pháp] ở Sài Gòn là không lương thiện. Tôi vừa quay lưng đi thì người ta đã dựng lên một chính phủ ở Nam Bộ… Tại sao họ không thông báo cho tôi biết trước khi tôi lên đường… Đó là một thủ đoạn bất chính… Đừng biến Nam Bộ thành một Alsace – Lorraine(10) mới, bởi vì [nếu như thế] chúng ta sẽ phải tiến tới một cuộc Chiến tranh Trăm Năm”(11) (tr.389). Sau đó, Bác Hồ nhắc đi nhắc lại với Salan: “Tôi sẽ giữ vững lập trường của tôi: [phải tổ chức] trưng cầu dân ý ở Nam Bộ” (tr.389).

Sau nhiều tháng lẩn tránh, ngày 6-9 Pháp hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý nhưng với điều kiện: Chính phủ Việt Nam “trong thời hạn ngắn nhất phải chấm dứt tình trạng bạo động và gây hấn” (tr.403) tức là phải chấm dứt cuộc kháng chiến ở Nam Bộ! Trong thâm tâm, Pháp không bao giờ chịu trả Nam Bộ lại cho Việt Nam. Trong một dự án do chính Salan soạn thảo, Nam Bộ tuy “nằm trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” nhưng là “vùng lãnh thổ chiến lược của Liên hiệp Pháp… Để đảm bảo an ninh của Liên hiệp Pháp ở Viễn Đông… Nam Bộ đặt dưới nhà cầm quyền quân sự Pháp, tạo thành một nơi triển khai các lực lượng Hải, Lục và Không quân của Pháp” (tr.403-404). Lẽ dĩ nhiên, Việt Nam bác bỏ tham vọng phi lý đó của Pháp.

Vụ “Cộng hòa tự trị Nam Kỳ” chưa kịp lắng xuống thì ngày 1-8 Pháp tổ chức tại Đà Lạt một “Hội nghị Liên bang Đông Dương” do tướng Alessandri chủ tọa, với sự tham gia của các đoàn đại biểu Nam Trung Kỳ và Cao nguyên, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, Hoàng gia Lào, Hoàng gia Campuchia và cộng đồng người Pháp ở Nam Kỳ. Các nhà ngoại giao Việt Nam ở Fontainebleau rất bất bình, nói với Salan rằng “đó là một sự phản bội. Trong lúc họ [người Việt Nam] đến đây với chúng ta [người Pháp] để thi hành Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3 thì chúng ta chà đạp hiệp ước ấy dưới chân” (tr.402). “Tại sao không chờ cho đến khi Hội nghị Fontainebleau kết thúc? Người ta cho rằng tất cả được làm nhằm khiến cho Hội nghị Fontainebleau thất bại” (tr.402). Đúng vậy, kết quả của Hội nghị phụ thuộc phần lớn vào việc giải quyết vấn đề Nam Bộ. Trả lời phóng viên Hãng thông tấn Pháp AFP ngày 2-9, Bác Hồ nói: “Sự cản trở chính trong cuộc đàm phán Việt - Pháp hiện nay là ở vấn đề trưng cầu dân ý ở Nam Bộ”(12).

Sáng ngày 12-9, Bác Hồ mời tướng Salan ăn sáng. Đây là lần gặp nhau cuối cùng giữa hai người. Bác Hồ phân tích những nguyên nhân khiến Hội nghị Fontainebleau thất bại. Bác cũng thông báo Phái đoàn Việt Nam sẽ rời Paris đi Marseille ngày 13 và xuống tàu Pasteur ngày 14 để về nước.Là một người hiểu biết Việt Nam khá sâu sắc, Salan phát biểu: “Tôi không nghi ngờ gì những phẩm chất của nhân dân Việt Nam, tôi biết rõ đội ngũ hành chính và chỉ huy của ông, tôi đánh giá đội ngũ ấy rất đặc sắc, thành thạo và khôn khéo”. Nhưng Salan vẫn là một “viên tướng thực dân, người bảo vệ Đế quốc” nên ông đem chiến tranh ra hù dọa: “Chúng ta sắp đánh nhau và điều đó sẽ rất nặng nề. Sau sáu năm bị chiếm đóng và chiến tranh [1939-1945], Việt Nam đã trở nên nghèo nàn, sẽ phải chịu đựng một cách vất vả một thử thách mới” (tr.404). Trong hồi ký, Salan không cho biết Bác Hồ đã trả lời như thế nào, nhưng mọi người đều có thể lấy lời Bác Hồ nói ba tháng sau đó (19-12-1946) làm câu trả lời: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(13).

Nhớ lại lần gặp nhau đầu tiên (8-2-1946), khi tiễn Salan xuống cầu thang ở Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ nói với Salan: “Chiều nay, chúng ta là những người bạn, nhưng ngày mai có lẽ chúng ta sẽ là đối thủ của nhau. Tôi mong rằng chúng ta mãi mãi là bạn bè với nhau” (tr.291). Câu nói cho thấy Bác Hồ hiểu thấu tâm địa thực dân của những người cầm đầu nước Pháp mới.

Ngày 7-10-1947, với tư cách là chỉ huy trưởng quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương, tướng Salan mở cuộc tấn công với quy mô lớn vào căn cứ địa Việt Bắc, “đánh thẳng vào trái tim Việt Minh”, hòng bắt sống cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Một sự cố buồn cười xảy ra: trong khi 800 quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn, Salan ngồi trên máy bay theo dõi. Vào lúc 11g35, Salan nhận được báo cáo của đại tá Henri Sauvagnac: “Hồ Chí Minh đã bị bắt và đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Salan bay ngay về Hà Nội để báo “tin mừng” cho cấp trên. Từ Sài Gòn, cao ủy Bollaert và quyền tổng chỉ huy Battet vội vàng bay ra Hà Nội. Khi biết đó chỉ là tin vịt, Bollaert và Battet quở trách Salan nặng nề. Không biết lúc đó Salan có nhớ tới câu “Hồ Chí Minh muôn năm!” mà ông đã hô một năm trước đó không?

_____(*) Những câu dẫn có kèm số trang được trích từ tập 1 của bộ Hồi ký Sự kết thúc của một đế quốc (Mémoires - Fin d’un empire) của Raoul Salan, do Presses de la Cité xuất bản, Paris, 1970.(1) Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine 1945-1947, NXB Albin Michel, Paris, 1985, tr.30.(2) Nửa tháng sau cuộc đảo chính của Nhật (9-3- 1945), tướng De Gaulle đưa ra bản Tuyên bố về tương lai của Đông Dương, theo đó Việt Nam vẫn tiếp tục bị chia cắt thành ba “kỳ”, chỉ được tự trị dưới chủ quyền của Pháp.(3) Báo Cứu quốc, Hà Nội, số 180, ngày 8-3- 1946. Bản tiếng Việt dừng lại ở “…nhân dân trực tiếp phán quyết”, nhưng bản tiếng Pháp ghi rõ “par référendum” (bằng trưng cầu dân ý).(4) Báo Cứu quốc, Hà Nội, số 180, ngày 8-3-1946.(5) Philippe Devillers, Histoire du Viet Nam de 1940 à 1952, NXB Seuil, Paris, 1952, tr.324.(6) Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi, les archives de la guerre 1944-1947, NXB Gallimard- Julliard, Paris, 1988, tr.167.(7) Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi…, sđd, tr.167.(8) Đô đốc d’Argenlieu dự định phát biểu tại Hội nghị để tỏ ra Cao ủy Pháp ở Đông Dương có quyền uy cao hơn cả hai trưởng phái đoàn Pháp và Việt Nam.(9) Nguyễn Văn Xuân có quốc tịch Pháp, ở Pháp lâu năm nên không nói tiếng Việt. Sau đó, được Pháp thăng cấp trung tướng, được cử làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời Nam Kỳ, Thủ tướng Chính phủ trung ương lâm thời, rồi Phó thủ tướng quốc gia Việt Nam.(10) Vùng Alsace - Lorraine nằm ở phía đông bắc nước Pháp, tiếp giáp với lãnh thổ Đức, nhiều lần bị hai nước tranh chấp chủ quyền, nước nào thắng thì làm chủ. Từ 1944 đến nay, vùng này thuộc nước Pháp.(11) Chiến tranh Trăm Năm diễn ra giữa Pháp và Anh từ năm 1337 đến 1453. Đây là một cuộc chiến kéo dài, hao người và tốn của.(12) Báo Cứu quốc, Hà Nội, số 336, ngày 5-9- 1946.(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập IV, tr.480.
***
Ngày 30-5-1946, tại Việt Nam học xá (Hà Nội), đồng bào và sinh viên tổ chức lễ tiễn Bác Hồ sang thăm nước Pháp theo lời mời. Bác rủ tướng Salan (ảnh) cùng dự vì ông này sẽ đi chung máy bay với Bác.Sau bài nói chuyện của Bác Hồ, Salan có đôi lời phát biểu: “…Tôi tháp tùng vị chủ tịch đáng kính của các bạn đi Paris… Nhân dân Pháp rất quý chuộng và cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Xúc động trước tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho Bác Hồ, Salan kết thúc bài phát biểu bằng lời hô: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Nhân dân Việt Nam muôn năm!”.Raoul Salan là tướng lĩnh thực dân duy nhất đã hành động như vậy.