Hoà Thượng TUYÊN HOÁ

Hoà thượng Tuyên Hóa (宣化上人), tên tục là Bạch Ngọc Thư, pháp danh An Từ, tự Độ Luân; hạ sinh ngày 16 tháng 04 năm 1918 (ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ), tại tỉnh Kiết Lâm, huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang, vùng Đông Bắc Trung Hoa (tức Mãn Châu). Thân phụ tên Phú Hải, chuyên nghề nông; thân mẫu thuộc dòng dõi họ Hồ, sinh được tám người con, năm trai ba gái, và Ngọc Thư là út.



Thời thơ ấu

Thân mẫu Ngọc Thư là Phật tử, niệm Phật chẳng hề gián đoạn, thọ chay trường. Khi thai nghén bà nằm mộng đức Phật A-di-đà hiện thân, phóng hào quang chiếu sáng, giật mình tỉnh giấc, bà vẫn còn thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, không lâu sau bà hạ sanh Ngọc Thư. Người ta kể rằng Ngọc Thư vừa ra đời khóc liền suốt ba ngày đêm, có lẽ vì biết Đời là Bể Khổ.

Năm Ngọc Thư mười một tuổi, một hôm cùng chúng bạn dạo chơi, chợt trông thấy một em bé nằm trong đám rơm, Ngọc Thư gọi mà đứa bé chẳng đáp, sờ thì chẳng có hơi thở. Ngọc Thư khó hiểu hỏi lũ bạn được biết: "Đứa bé đã chết rồi!". Không hiểu thế nào là chết, về nhà, Ngọc Thư hỏi thân mẫu, bà dạy: "Phàm làm người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giầu sang hay nghèo hèn, ai ai rốt cuộc cũng phải chết cả!". Ngọc Thư lại thưa: "Như vậy, có cách gì thoát sự chết chăng?". Bấy giờ trong nhà có vị khách từng tu Đạo giáo, đáp rằng: "Chỉ có cách tu Đạo, hiểu rõ tâm, thấu suốt tánh, thì mới có thể chấm dứt sanh tử."

Nuôi chí xuất gia

Tuy lúc nhỏ tuổi, lời vị khách làm Ngọc Thư tỉnh ngộ, quyết chí xuất gia tu Đạo. Khi Ngọc Thư mang chuyện xuất gia thưa với thân mẫu, bà dạy: "Xuất gia là điều tốt lắm, song không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện, phát Bồ-đề tâm, thì mới có thể thành tựu. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý! Song, nay ta đã già, mà các anh chị con đều đã tự lập; vậy con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành cũng chưa muộn."

Ngọc Thư vâng lời cha mẹ. Sau đó, hằng ngày thường theo thân mẫu lạy Phật. Lạy Phật xong rồi lạy cha me. Rồi vì nhận thấy thế giới này còn lớn hơn cả cha mẹ, nên Ngọc Thư hướng về trời, đất mà lạy. Ngọc Thư lại nghĩ đến những người tốt trên thế giới mà lạy, thầm tạ ơn họ về các việc thiện họ đã làm. Nhận thấy những người ác thật đáng thương, Ngọc Thư lại vì họ mà lạy, mong sao nghiệp chướng của họ được giảm bớt và sớm biết hối cải.

Ngày lại ngày, Ngọc Thư cung kính phụng dưỡng song thân như đối với đức Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng hiếu thảo đồn xa, mọi người đều gọi Ngọc Thư là "Bạch Hiếu Tử".

Xuất gia

Năm Ngọc Thư mười chín tuổi thì thọ tang thân mẫu. Sau khi chu toàn hậu sự, Ngọc Thư đến chùa Tam Duyên lạy Lão Hòa thượng Thường Trí, và nguyện xuống tóc xuất gia. Sau đó, Ngọc Thư về lại mộ phần thân mẫu thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngọc Thư sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, tụng kinh điển Đại thừa và niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Rất nhiều lần Ngọc Thư ngồi Thiền rồi nhập Định, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.

Có lần Ngọc Thư đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng. Đức Tổ sư dạy Ngọc Thư trong tương lai sẽ sang phương Tây độ sinh, sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên. Mãi đến lúc Đức Tổ sư từ biệt quay đi rồi, Ngọc Thư mới choàng tỉnh, sực nhớ rằng Huệ Năng vốn là người đời nhà Đường, khoảng 1.200 năm về trước.

Gặp Lão Hòa thượng Hư Vân

Năm 1946, nhà sư tìm đến chùa Nam Hoa ở Tào Khê, tỉnh Quảng Đông, đảnh lễ Lão Hòa thượng Hư Vân, và đến núi Phổ Đà để thọ Cụ Túc Giới. Trải hơn 5.000 km, nhà sư được bái kiến Lão Hòa thượng Hư Vân, bậc Thiện Tri Thức mà nhà sư bấy lâu ngưỡng mộ.

Vừa nhìn thấy nhà sư, Lão Hòa thượng, lúc ấy đã 109 tuổi, nhận ra ngay sự chứng ngộ của nhà sư. Lão Hòa thượng nói: "Như thị, như thị!" và Sư cũng đáp lại "Như thị, như thị!". Biết Sư là bậc "pháp khí", Lão Hòa thượng ấn chứng sở đắc của Sư, sau đó, Lão Hòa thượng giao Sư cai quản Viện Giới luật của chùa Nam Hoa.

Sang Hong Kong

Ba năm sau, năm 1949, Sư từ giã chùa Nam Hoa, lên đường sang Hong Kong, tu tại một hang núi biệt lập. Chẳng bao lâu, có nhiều tăng lữ từ Trung Quốc qua Hong Kong nhờ sự giúp đỡ của Sư.

Sư sáng lập Phật Giáo Giảng Đường, chùa Tây Lạc Viên và Từ Hưng Thiền Tự, trợ giúp xây dựng và sửa chữa nhiều đạo tràng khác. Trong suốt mười hai năm ở Hong Kong, Sư đã có ảnh hưởng đến vô số thiện nam tín nữ, hướng chúng sinh phát tâm Bồ-đề, quy y Tam Bảo.

Sang Hoa Kỳ

Hòa Thượng Tuyên Hóa nuôi chí nguyện truyền bá Chánh Pháp ra khắp thế giới, nên năm 1961, Sư sang Úc Châu hoằng Pháp, và một năm sau, năm 1962, Sư đến San Francisco, Hoa Kỳ. Tại phương Tây mới lạ, tại một nhà kho nhỏ, Sư kiên trì tu hành trong tĩnh lặng nhiều năm liền, chờ cơ duyên hoằng dương Đạo Pháp. Lúc ấy, Sư tự gọi mình là "Mộ Trung Tăng" (nhà sư trong phần mộ) và "Hoạt Tử Nhân" (người đã chết nhưng còn sống).

Hoằng Pháp tại Tây phương

Mùa hè năm 1968, cơ duyên đã đến, "Một nụ hoa sẽ nở ra năm cánh”, Sư chủ trì Pháp hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ xin xuất gia với Sư. Từ đó, Sư chủ trì nhiều Pháp hội giảng giải Tâm Kinh, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Đàn, v.v. Năm 1971, Sư giảng bộ kinh tối cao của Đại Thừa, Kinh Hoa Nghiêm.

Thành lập tăng đoàn tại Tây phương


Vì số người phát tâm cầu xin xuất gia làm tăng ni ngày một tăng, năm 1972 Sư chính thức truyền tam đàn đại giới lần đầu tiên ở Mỹ, tại Kim Sơn Thiền Tự. Sư cung thỉnh chư cao tăng đại đức đăng đàn truyền giới. Năm nam và một nữ thọ giới tỳ kheo và tỳ kheo ny. Tiếp đến, tại Vạn Phật Thánh Thành, tổ chức Tam Đàn Đại Giới vào những năm 1976, 1982, 1989, 1991, 1992 và 1995. Hơn hai trăm giới tử với nhiều quốc tịch đã xuất gia, thọ giới dưới sự chỉ dạy của Sư.

Nhiều năm truyền bá Chánh pháp Phật giáo sang Tây phương, Sư khuyến khích các đệ tử tu học Phật pháp theo truyền thống của chư tổ sư, cũng khuyến khích mọi người nên hiểu những lý lẽ chánh đáng trong sự tu hành của người xưa, đồng thời, Sư thường nhắc nhở mọi người nên dẹp bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đang che lấp Phật Pháp chân chính, để tránh cho Phật giáo Tây phương khỏi bị ô nhiễm bởi những lề lối tu hành mang tính hình thức hiện đang lan truyền trong Phật giáo châu Á.

Sư rất nghiêm khắc giữ gìn giới luật do đức Phật đặt ra, nhấn mạnh việc chư tăng ni thọ trai mỗi ngày một lần, không nên ăn sau giờ ngọ. Tự thân Sư thực hành và khuyến khích đệ tử tuân thủ các hạnh này.

Sư lập ra gia phong cho chúng đệ tử:

Lạnh chết, không phan duyên
Đói chết, không hóa duyên
Nghèo chết, không cầu duyên
Tùy duyên không đổi, không đổi tùy duyên
Chúng ta quyết định thực hành ba tông chỉ này
Xả mạng vì Phật sự
Tạo mạng vì tăng sự
Chánh mạng vì bổn sự
Nơi sự hiểu lý, nơi lý hiểu sự
Luôn hành tổ sư nhất mạch tâm truyền.

Sư đã phát tâm, nỗ lực hàn gắn sự phân chia hơn hai ngàn năm của hai truyền thống Phật giáo: Nam tông và Bắc tông. Sư thường cung thỉnh danh tăng Nam tông đến chùa truyền giới, cùng thương thảo và giải quyết những quan điểm dị đồng.

Vạn Phật Thánh Thành



Song song với việc giảng Kinh thuyết Pháp nhiều nơi, năm 1976, Sư thành lập Vạn Phật Thánh Thành, làm nơi hoằng dương Phật Pháp tại Hoa Kỳ. Tại Thánh Thành, Sư xây dựng chế độ tùng lâm, đào tạo tăng ni học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành. Sư chủ trương rằng tất cả Phật tử cần phải đoàn kết lại và nên dung hợp Nam, Bắc tông. Vì thế, nhiều dịp truyền thọ Tam Đàn Đại Giới tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành là do chư cao tăng Đại thừa và Tiểu thừa hợp lực chủ trì.