Chào đạo hữu Cầu Trí Bát Nhã!

Tôi chưa có đủ công phu trì tụng nên chưa đủ khả năng chia sẻ kinh nghiệm bản thân cho câu hỏi của đạo hữu. Tuy nhiên, tôi xin gửi một chia sẻ của một tiền bối về trì tụng mà tôi thấy rằng có thể có sự phù hợp nào đó với đạo hữu dưới đây nhé.

【 HIỂN MẬT VIÊN THÔNG TÂM YẾU MÔN 】
Trong tất cả Kinh điển và Mật Chú của Phật giáo đều chia làm hai phần: Phần hiển (Phần Kinh) và Phần mật (Mật Chú).
* Phần hiển: Là hiển bày ra ý nghĩa và chân lý trong Kinh để hành giả tụng niệm, hoặc nghiên cứu theo đó áp dụng tu tập, thì gọi là: “Tụng Kinh minh Phật chi lý,” để hiểu biết công năng của câu kinh và câu chú gọi là phần hiển. Ví dụ: Kinh Bát Nhã phần hiển từ “Quán tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã cho đến câu…..Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết”: phần mật là phần câu chú: “Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề. Tát bà ha”.
** Phần Mật: Của Chú Đại Bi từ câu: “Tâm đà la ni” cho đến câu 84. “Ta bà ha” là phần ẩn nghĩa, hàng phàm phu không có hiểu được Phần này, chỉ có chư Phật mới hiểu. Như vậy, phần hiển là để chúng ta hiểu nghĩa công dụng lợi ích của Kinh, Chú mà hành trì. Còn phần mật hành trì để tâm chúng ta thanh tịnh và an lạc (vô ngại) niệm Chú Đại Bi là đọc xưng danh hiệu của 84 vị Hộ Pháp Kim Cang Thần hóa thân của ngài Quan Thế Âm Bồ Tát để đối trị tiêu diệt 84 phiền não chướng tư hoặc và lậu hoặc. Tuy thần chú là những lời nói nhiệm mầu, bí mật của chư Phật, chư Bồ Tát ta khó thể lãnh hội được nội dung, ý nghĩa. Nhưng phần hiển là phần giúp hành giả hiểu rõ công năng và lợi ích cho việc hành trì Chú Đại Bi.
*** Hành giả khi trì chú Đại Bi để đạt quả vị Vô thượng Bồ đề đòi hỏi hành giả phải: Tâm đại từ bi, tâm bình đẳng, tâm đạt đến vô niệm, tâm chẳng nhiễm trước, tâm không, tâm phải cung kính, tâm biết khiêm nhường, tâm không tạp loạn, tâm không cố chấp, phát tâm Vô thượng Bồ đề. Niệm Kinh Chú mục đích nhiếp phục (tam nghiệp hằng thanh tịnh) để trừ được ba ác nghiệp; thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp :
- Thân nghiệp gồm ba: “Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm.”
- Khẩu nghiệp có bốn: “Không nói dối, không nói ác khẩu, không nói lưỡi hai chiều, không nói thêu dệt”
- Ý nghiệp có ba: “Không tham, sân, si.”
Như vậy niệm Kinh, niệm Chú, niệm Phật cũng đều mục đích như nhau để tam nghiệp hằng thanh tịnh. Khi tâm mình thanh tịnh tức tâm bình, tâm bình tạo ra thế giới bình “tướng tự tâm sanh,” mây tan thì trăng trí tuệ tự nhiên hiển bày tỏa sáng. Nhờ phương tiện niệm để đạt đến trạng thái tâm vô niệm, là xa lìa tất cả tướng, không trụ vào bất kỳ hình tướng nào để tâm thanh tịnh, thì trí tuệ mới hiển bày.
Niệm vô niệm; mà niệm đồng nghĩa vô niệm tức là niệm, “vô niệm” có hai ý “vô tướng” và “vô trụ” vì thế Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói:
“ Vô tướng là nơi tướng mà lìa tướng,
Vô niệm là ngay nơi niệm mà lìa niệm,
Vô Trụ là bản tánh Chơn tịnh của con người,”
- Hành giả đừng để tâm mình bị ô nhiễm phan duyên theo “trần cảnh” * tức là ngay lúc tâm niệm của mình thường lìa cách cảnh, đừng để tâm mình lay động chạy theo trần cảnh, Niệm là niệm bản thể của tâm “Chân Như” đó là chơn niệm, quán tưởng kỳ danh’ quán tưởng 84 câu chú Đại bi (niệm trong tâm), niệm mãi, niệm hoài đến khi trong trong tâm luôn có niệm, nhưng về cơ thể thì “vô niệm”. Khi tâm thuần rồi thì mỗi cử động của Tâm đều là niệm (niệm nhập tâm) Thế là niệm đến chỗ vô niệm: thì bấy giờ đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn. Đó là chơn niệm vậy.
- Như vậy, niệm Chú Đại Bi là mình luôn luôn nhớ cái tâm đại từ, đại bi của mình là niệm (Phật tánh) trong tứ oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, đều trong Chánh Niệm đều nghĩ đến Phật, chúng ta không tạo nghiệp bất thiện như: Không sát sinh giết người hại vật, Không trộm cướp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống rượu, Không tham, sân, si… ... thì chắc chắn trong cuộc sống của chúng ta luôn luôn được an lạc, không còn chướng ngại và sợ hãi, an nhiên vô ngại tự tại.

(sưu tầm)