"Chưa chín chắn" ở biên thuỳ
12/06/2009 05:27 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Để lấy đất làm sân golf, người ta đã cho di dời cả ngôi miếu thờ thần canh giữ biển Đông ở Trà Cổ. Ngôi miếu với 2 câu đối đầy ý nghĩa mà cha ông để lại, "Vị thần chính trực ở biển đông, phú giữ anh khí của trời/To lớn, trường cửu cùng núi Nam, có uy phong trừ tai dẹp nạn"... đã bị đẩy lùi xa khu vực cũ, mặc dù gần biển hơn.



Về Trà Cổ rừng dương vào những ngày này, khi sân golf quốc tế Móng Cái đã hoạt động được hơn một năm mới thấy, đúng là có rất nhiều điều "chưa chín chắn" ở vùng đất địa đầu.

Dời miếu lấy đất làm sân golf


Cống xả nước thải ra biển của sân golf (Ảnh: Thuỵ Du)


Sân golf quốc tế Móng Cái là một sân golf đẹp, hiện đại. Còn nhớ, ngay sau khi có hợp đồng thuê đất 50 năm và tiến hành xây dựng, sân golf này đã được coi là "niềm tự hào trong lĩnh vực vui chơi giải trí" của Móng Cái. Không tự hào sao được, khi "ông anh cả" Hạ Long có thâm niên về phát triển du lịch, có sức mạnh về tài chính lại... đi sau "ông em" Móng Cái về xây dựng sân golf, thu hút khách du lịch trong (chủ yếu các đại gia) và ngoài nước (chủ yếu khách Trung Quốc) về đánh golf.

Tiếp xúc với chúng tôi, một lãnh đạo của thành phố trẻ Móng Cái cũng "tự hào": "Đây là cơ sở đáp ứng tốt được nhu cầu của khách trong và ngoài nước. Để phát triển thêm và nâng cao hiệu quả phục vụ khách tới khu vực này, các cấp có thẩm quyền đã cho phép Công ty liên doanh Vĩnh Thuận đầu tư xây dựng thêm một số cơ sở hạ tầng như khách sạn 5 sao và tổ chức một số hoạt động như lướt ván trên sóng, xe trượt cát cũng như một số hoạt động ở khu vực ven biển. Gắn kết với hoạt động của sân golf đã có, quy hoạch về phát triển khu du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng dọc bờ biển Trà Cổ sẽ tiếp tục được quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư để xứng tầm với phong cảnh thiên nhiên đã ưu đãi...".

Nhưng sân golf "mang" điều gì đến cho Trà Cổ? Chúng tôi tự hỏi, và thực tế ở Trà Cổ đã trả lời.

Thật ngạc nhiên khi đối diện khu KTX cao tầng dành cho cán bộ quản lý Trung Quốc và người phục vụ trong sân golf lại nhìn thẳng sang... Đồn Biên phòng Trà Cổ. Trước đây, khi Công ty Vĩnh Thuận chưa "nhìn" thấy địa danh đẹp như tranh tại bờ biển Trà Cổ, đồn biên phòng nằm ở sát mép biển, dưới những rặng phi lao rì rào. Khi sân golf được xây dựng, chẳng hiểu sao, đồn biên phòng lại bị... đẩy vào phía trong, bên kia con đường nhựa phẳng lỳ, và đương nhiên là cách xa biển hơn.



Chân dung cụ Doõng (ảnh trên) và hình ảnh
cụ đi thắp hương miếu (Ảnh: Thuỵ Du)


Tuy nhiên, đó chưa phải điều khiến chúng tôi giật mình nhất. Sau khi được nghe cụ Bùi Văn Doõng (70 tuổi) kể lại chuyện ngôi miếu thờ thần canh giữ biển Đông. Trước đây, ngôi miếu nằm trong khu vực sân golf bây giờ. Dự án đến, miếu bị "giải toả" ra phía bên ngoài đất dự án, cách nơi cũ khá xa, mặc dù gần biển hơn.

Cụ Doõng là một lão nông yêu tha thiết mảnh đất Trà Cổ này. Và cụ cũng là một trong những người đấu tranh nhiều nhất khi dự án sân golf xây dựng. Cụ đấu tranh để Công ty Vĩnh Thuận phải mở đường ngay đầu sân golf cho người dân đi ra biển kiếm con tôm con cá vì các con đường cũ ra biển đã bị hàng rào thép gai dài 3 km chặn ngang. Cụ đấu tranh để dự án sân golf không được để cống nước thải ra khu vực nuôi tôm.

Lão nông sống cả cuộc đời ở địa đầu Tổ quốc dẫn chúng tôi đi thăm ngôi miếu mới. Chẳng biết vô tình thế nào cụ mặc trên mình chiếc áo phông có chữ "Trà Cổ - Móng Cái" rồi hăm hở dẫn khách vào thắp hương miếu. Miếu nằm bên cạnh khu nuôi tôm của gia đình, nên cụ Doõng được làng phân công chăm sóc, hương khói.

Ngôi miếu có từ khi lập làng dựng ấp nay được xây mới và gắn phía trước 4 con số báo hiệu "niên đại": 2005. Nhưng cụ khoe, khi xây dựng lại miếu, người dân trong làng vẫn viết 2 câu đối đầy ý nghĩa, mà dịch ra là "Vị thần chính trực ở biển đông, phú giữ anh khí của trời/To lớn, trường cửu cùng núi Nam, có uy phong trừ tai dẹp nạn"...

Tại sao lại là Sa Vĩ?

Cụ Bùi Văn Tiên (73 tuổi, ở khu Tràng Vĩ) đầu tư 3 đầm tôm cạnh sân golf với số vốn 600 triệu đồng. Cụ chỉ ra đầm tôm bảo năm nay mất trắng. Cả 3 đầm bây giờ để không, con cái cụ đã chuyển nghề. Hỏi nguyên nhân, cụ Tiên bảo do sân golf dùng hóa chất giữ ẩm, trừ sâu và trừ nấm nên ảnh hưởng đến nguồn nước hoặc do thuốc từ sân golf theo gió bay ra.


Những đầm tôm trơ đáy của cụ Tiên (Ảnh: Thuỵ Du)


"Nhà nước đã quyết định thì làm thế nào được. Trong tình cảnh này, nửa muốn bỏ, nửa không vì chẳng nhẽ có đầm mà lại bỏ nghề. Không biết phải làm thế nào, không dám canh tác thêm nữa. Năm nay, chúng tôi bỏ không đầm từ đầu năm tới giờ..." - cụ Tiên than.

Mang nỗi khổ này của người nuôi tôm bên cạnh sân golf nói với ông Dương Văn Cơ, Phó Chủ tịch Thường trực TP Móng Cái, chúng tôi được ông Cơ cho biết, Sở KH-CN Quảng Ninh và các cơ quan chức năng đã kiểm tra chất lượng nước thải của sân golf không có vấn đề gì và đã cho phép thải ra biển. Sau khi người dân đấu tranh không cho làm cống xả nước thải ra môi trường, Công ty Liên doanh Vĩnh Thuận đã được phép thải thẳng ra... biển.


Từ đầu năm đến nay, cụ Tiên không dám nuôi tôm nữa (Ảnh: Thuỵ Du)


Từ chuyện cụ Tiên nói và khẳng định của Sở KH-CN Quảng Ninh, chúng tôi nhớ tới thông tin mà Thạc sỹ Đỗ Thanh Bái (Trung tâm Bảo vệ Môi trường và An toàn hoá chất) từng nói trên báo GĐXH: "Các sân golf thường sử dụng 3 loại hoá chất chính bảo vệ thực vật là: Hóa chất trừ cỏ, trừ sâu và trừ nấm. Nhưng điều đáng nói là cường độ sử dụng cho sân golf của các loại hoá chất này cao hơn gấp từ 5,5 - 6,6 lần dùng cho khu vực nông nghiệp cùng diện tích".

Ông Bái cho rằng, hóa chất sử dụng cho sân golf, mặc dù đã được lựa chọn với mục tiêu an toàn cho con người và môi trường. Tuy nhiên, những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm chưa đủ để khẳng định tính “an toàn” đối với sức khỏe và môi trường. Nhưng những người nông dân cả đời chỉ quanh quẩn ở Trà Cổ như cụ Tiên, cụ Doõng làm sao biết "cửa" nào mà kêu?

Trở lại chuyện sân golf án ngữ mũi Sa Vĩ địa đầu Tổ quốc, khi nghe chúng tôi nói, ông Trần Đường, nguyên Bí thư Huyện ủy Móng Cái (khóa 1976-1980) bức xúc: "Đất vẫn là của mình, họ chỉ thuê thôi, hết thời hạn là họ phải về thôi. Nhưng, để dân hiểu nhầm là mình đã coi nhẹ việc này thì chưa phải là suy nghĩ thật là chín chắn...".

Ông Đường lý giải, đất cho sân golf không thiếu gì phía bên trong, tại sao lại chọn ở nơi địa đầu tổ quốc, nơi đẹp nhất của Móng Cái như vậy? Những gì cha ông mình để lại luôn luôn quý, cần được lưu sâu vào ký ức người dân.

"Sa Vĩ là của Trà Cổ. Nói rộng hơn, không phải của ai khác, mà là của người Việt Nam! Chúng tôi đã cùng hàng ngàn người khác tự hào vì mình đã đến đây, đã tham dự và góp phần mình vào việc bảo vệ đất Sa Vĩ và Móng Cái thiêng liêng này, và không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đây". - ông Đường nói.

Thụy Du