Năm chữ vàng trong Kinh tạng Pali
Như Quang
Với sự thực tập theo đúng giáo pháp, con xin hết lòng tôn kính Phật.
Với sự thực tập theo đúng giáo pháp, con xin hết lòng tôn kính Pháp
Với sự thực tập theo đúng giáo pháp, con xin hết lòng tôn kính Tăng.
*
Đôi lời thưa trước
Các bài biên khảo này chỉ là sự ghi lại niềm phỉ lạc phát sinh khi đọc những trang kinh Phật. Với sự hiểu biết của một người mới chập chững trên bước đường học Phật, người viết chắc chắn còn rất nhiều sơ sót. Kính xin quý vị cao tăng và các bạn đạo hoan hỷ chỉ giáo thêm.
Như Quang
- 01 -
CHỮ MÙ TRONG KINH TẠNG PALI
Trên chuyến buýt đến sở làm sáng nay tôi vừa đọc xong một quyển sách nhỏ có tựa đề là "Tôi mù?" Đây là tự truyện của một cô gái mù do bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh. Cô đã cố gắng luyện tập để nhìn người, vật, bằng một thứ khả năng đặc biệt thay cho đôi mắt hư đã bị hoại bỏ của cô. Trong cuộc hành trình đi tìm ánh sáng đầy gian nan, cô đã dũng mãnh, kiên trì, cố đạt cho được cái mục đích là được thấy, được tìm lại ánh sáng của cuộc đời.
Chính tựa đề quyển sách, không phải cái thông điệp cô gửi đến đọc giả, đã khiến tôi nhìn lại mình. Một cô gái biết mình không có nhãn quan, nhãn căn mà vẫn hoài nghi, tự vấn có phải thực sự mình mù bằng cái dấu chấm hỏi đi sau hai chữ “Tôi mù?" Còn tôi, một người được thấy cảnh, thấy sắc, sao chưa từng tự hỏi mình có phải mình là người sáng? Với nỗi thắc mắc này, vừa vào đến sở làm, tôi nhìn ngay vào mảnh gương nhỏ treo trên vách trong văn phòng. Trong gương hiện ra đôi mắt có đầy đủ tròng trắng, tròng đen, với cặp kính cận thị lực vẫn đạt gần 100%. Đôi mắt này đã và đang nhìn rõ người thương, người ghét, vật gần, vật xa, cảnh tịnh, cảnh bất tịnh. Nhưng khi quán sát thật kỷ những điều mình thấy, tôi bàng hoàng nhận ra tôi thực sự mù! Lâu nay tôi chỉ thấy những điều tôi muốn thấy, thấy với tâm phân biệt, thấy với hỉ, nộ, ái, ố, đan quyện vào trong nhãn quan của mình. Tôi chưa áp dụng được câu Phật ngôn: “Thấy chỉ là thấy." Tôi quyết định dấn thân vào cuộc hành trình đi tìm ánh sáng cho mình. Do cơ duyên đưa đẩy, tay tôi mở đúng trang kinh Tăng Chi, Phẩm mù lòa. Tôi bị cuốn hút ngay vào những lời dạy vàng của Đức Thế Tôn.
Người như thế nào mới gọi là mù? Theo nghĩa thông thường, mù có nghĩa là không có mắt hoặc có mắt nhưng không nhìn thấy. Nhưng theo định nghĩa của Đức Phật, người mù là người không có mắt để “có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù." Đây là hạng người mù thứ nhất. Hạng người mù thứ hai là hạng người chỉ có một mắt. "…người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; nhưng không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người một mắt." Một hạng người khác nữa có mặt ở đời là hạng người có hai mắt bao gồm cả trần nhãn lẫn huệ nhãn; là hạng người "có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng `tài sản đã được thâu hoạch; và có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt."
Và Ngài dạy thêm:
Vậy hãy tránh thật xa
Người mù, người một mắt
Thân cận bậc hai mắt
Bậc tối thắng trượng phu!
-- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Mù Lòa)
Ngoài ba loại người kể trên ra, Bậc Đạo Sư còn phân ra ba loại mắt:
- Này các Tỷ-kheo, có ba con mắt này. Thế nào là ba? Mắt thịt, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo có ba loại mắt này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Có ba loại mắt ấy,
Ðược bậc Vô thượng nhân,
Ðã tuyên bố trình bày,
Sanh khởi của mắt thịt,
Con đường mắt chư Thiên,
Từ đấy, trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng,
Ai chứng được mắt ấy,
Giải thoát mọi đau khổ.
-- (Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Chương Ba Pháp)
Trong Kinh Pháp Cú có tích truyện một sa di bảy tuổi chứng đắc A La Hán cùng các thần thông khác ngay khi lưỡi dao cạo tóc vừa chạm vào đầu chú. Vị sa di theo hầu trưởng lão thầy của mình vô cùng tôn kính. Hàng đêm chú ngồi kiết già ngay dưới chân giường của thầy và một sáng thầy chú ném chiếc quạt vào chú để đánh thức chú dậy. Không may, chiếc quạt trúng vào mắt chú làm cho chú bị mù. Tuy vậy chú vẫn một tay ôm mắt, một tay dâng khăn, nước hầu hạ thầy. Khi bị thầy quở tội bất kính chỉ dùng một tay dâng đồ vật đến thầy chú mới trình bày những gì đã xảy ra. Với tuệ nhãn chú đã nhìn thấy được sự việc xảy ra là do lỗi của luân hồi, không do nơi chú hay người thầy của chú và chú không hề để tâm oán trách thầy mà còn xin thầy không phải ăn năn.
Qua tích truyện Pháp Cú kể trên và theo định nghĩa về ba loại mắt của Đức Thế Tôn, tuệ nhãn là tối thượng. Người mù là người thiếu trí tuệ hay không có tuệ nhãn. Đem áp dụng lời dạy này vào đời sống hàng ngày ta thấy vô cùng chính xác. Mỗi chúng ta nhìn sự việc một cách khác nhau và cho rằng nhận định của chúng ta là đúng, nhận định của kẻ khác là sai. Điều quan trọng là hình như chúng ta đã mù từ lúc mới sinh ra khỏi lòng mẹ nhưng không nhận biết! Bậc Đạo sư đã chứng minh sự mù của chúng sanh bằng câu chuyện những người mù xem voi ở thành Savatthi.
Vị vua ở thành Savathi bảo một vị quan hãy tập họp tất cả những người mù trong thành lại. Ông ta đưa ra một con voi cho những người mù và bảo: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! " Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? " - "Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi". - Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? " Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. " Những ai... được thấy cái vòi..."... như cái cày". Những ai... được thấy cái thân..."... như cái kho chứa. " Những ai... được thấy cái chân..."... như cái cột. " Những ai... được thấy cái lưng..."... như cái cối. " Những ai... được thấy cái đuôi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày". Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi " - "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi". Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.
-- (Kinh Phật Tự Thuyết, Phẩm Mới Sanh Ra Đã Mù)
Vì sự tăm tối của chúng sanh như thế, một vị giác ngộ đã ra đời. Vị giác ngộ này ra đời với một mắt nhưng lại là một mắt lớn, một đại nhãn, đại quang. Đó là Đức Như Lai vi diệu.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang... là sự chứng ngộ quả A-la-hán. -- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Một Người)
Như vậy, chữ mù trong kinh tạng Pali chính là mù chân lý, mù sự thật, mù tuệ tri. Kẻ không mù là kẻ nhìn được với tuệ giác. Tuệ giác này chúng ta có thể có được nhờ tu tập. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta phương thức tu tập để tìm ra ánh sáng cho chính mình. Bước đầu tiên để thoát ra khỏi cảnh mù lòa là phải biết quy ngưỡng Tam Bảo, có lòng tịnh tín với Tam Bảo và nhất là phải "thấy" được bốn sự thật:
Ai quy y đức Phật,
Chánh Pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến
Thấy được Bốn sự thật,
Thấy Khổ và Khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành
Ðưa đến khổ não tận.
Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy
Mới thoát mọi khổ đau.
-- (Kinh Tiểu Bộ)
Bước thứ hai sau Tam Quy là chúng ta phải biết tu tập để trở thành người trí vì người có trí sẽ tránh được những hiểm nguy rình rập, có khả năng tránh được các tai họa, nguy khốn nhờ sống đúng pháp và an trú trong chánh pháp:
"Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí.”
Nhưng làm thế nào để trở thành người hiền trí? Cách giản dị nhất là "suy nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện.” Nhưng suy nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện không vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải gần gũi, giao du với hạng người đồng đẳng với mình, nghĩa là đồng đẳng về giới, định, tuệ và sự giao du như thế sẽ đem lại lợi lạc cho cả đôi bên.
"Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đồng đẳng với mình về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: "(Cả hai) thiện xảo về giới, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai chúng ta, và sẽ làm cho hai chúng ta được an lạc. (Cả hai) là thiện xảo về định ...... (Cả hai) là thiện xảo về tuệ, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về tuệ, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai, và chúng sẽ làm cho hai chúng ta an lạc". -- (Kinh Tăng Chi)
Vì sự quan trọng của trí tuệ như thế, Đức Phật đã nhấn mạnh rằng: Cái khốn cùng giữa các mất mát là mất mát trí tuệ. Cái tối thượng nhất của các sự tăng trưởng là sự tăng trưởng trí tuệ. Do đó, chúng ta cần phải làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ, để trí tuệ chói sáng trong nếp sống của mình như lời Phật dạy:
"Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập." -- (Kinh Tăng Chi)
Trong quá trình học tập này nếu chúng ta có cơ duyên gặp bậc hiền trí chỉ dạy cho những điều sơ sót của chúng ta thì đó chính là ta đã đào được một kho vàng chôn dấu vậy.
"Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu."
-- (Kinh Pháp Cú số 76, Phẩm Hiền Trí)
Với tinh thần học tập này, một số Bà la môn ở tại làng Bà-la-môn tên Ekanàlà đã tán thán Đức Phật đã "đem đèn sáng vào trong bóng tối, cho người có mắt có thể thấy sắc" khi ngài chỉ rõ cho họ những sai lầm của họ khi trách Đức Thế Tôn không cày ruộng mà lại xin thực phẩm của những người cày bừa cực khổ:
"Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối cho người có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng! "
Những người Bà la môn ngoại đạo này đã học được chánh kiến nơi Đức Phật và họ đã biết được giá trị kho vàng mà họ vừa tìm thấy nên xin trọn đời quy ngưỡng. Nếu Đức Phật đã đem được ánh sáng đến cho những người ngoại đạo thì tại sao chúng ta là những người con Phật lại không biết thọ lảnh ánh sáng từ Đức Thế Tôn để triển khai tuệ nhãn của mình?
Với nguyện ước giúp chúng sanh sớm thoát khỏi cảnh mù lòa giáo pháp, mỗi khi giúp ánh sáng cho ai Đức Thế Tôn thường chú nguyện cho người nhận có được năm nhãn quan là mắt thịt, mắt trí tuệ, thiên nhãn, mắt của một vị Phật, và tri kiến thông suốt chân lý vạn pháp.
Nguyện cho tất cả chúng sanh đều có được năm nhãn quan này.
NHƯ QUANG
Tài liệu tham khảo:
Đức Phật và Phật Pháp
Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ
Kinh Trung Bộ
Kinh Trường Bộ
Truy cập từ trang web: www.budsas.org
- 02 -
CHỮ GIÀ TRONG KINH TẠNG PALI
"Hãy xem bong bóng đẹp,
Chỗ chất chứa vết thương,
Bệnh hoạn nhiều suy tư,
Thật không gì trường cửu"
-- (Kinh Pháp Cú 147)
Đó là một trong những câu kệ trong Kinh Pháp Cú, mở đầu cho Phẩm Già. Trong một chuỗi kệ ngôn về tuổi già, Đức Phật so sánh tuổi già với nhiều thứ: như chiếc bong bóng đẹp chứa đầy vật bất tịnh, như trái bầu khô héo mùa Thu, hay như chiếc long xa xinh đẹp rồi cũng bị già, bị hư hoại. Để chúng sanh có một khái niệm cụ thể về tuổi già, Đức Phật định nghĩa chữ già như sau:
"Chư Hiền, thế nào là già chết, thế nào là tập khởi của già chết, thế nào là đoạn diệt của già chết, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của già chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự già cả, suy lão, rụng răng, tóc bạc da nhăn, tuổi thọ ngày một hao mòn, bại hoại các căn; chư Hiền, như vậy gọi là già." -- (Kinh Trung Bộ, Phẩm Chánh Tri Kiến)
Trong kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Tương Ưng Căn, tiểu phẩm Về Già, Đức Phật đã dạy ngài Ananda như sau:
-- Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.
Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
-- Bất hạnh thay tuổi già! Ðáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng trước khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót ai, tất cả bị phá sập. -- (Kinh Tương Ưng)
Nói về chữ già, có lẻ phụ nữ là người sợ hơn hết. Do đó khoa học ngày càng nổ lực tìm mọi cách để giúp phụ nữ chống lại tuổi già. Ngay cả nam giới cũng nhờ đến bàn tay khoa học để làm tăng vẻ hấp dẫn ngoại hình của mình. Khoa học phát minh các phương pháp căng da mặt, bơm hóa chất để loại bỏ những vết nhăn, những khiếm khuyết trên cơ thể người phụ nữ. Trong khi phụ nữ đua nhau nhờ khoa thẩm mỹ trau dồi nhan sắc của mình họ không biết đó chỉ là vung tiền qua cửa sổ trong khi phương pháp sửa sắc đẹp hiệu quả nhất mà lại không tốn kém chi là phương pháp diệt tâm sân. Người không tâm sân hận sẽ trẻ mãi không già. Kinh Pháp Cú có kể chuyện nàng Rohini vì sân hận mà dung nhan bị tàn phá, các mụn đỏ nổi trên mặt, trên người cô mà không thuốc nào chửa khỏi. Đó là do trong tiền kiếp cô là một hoàng hậu, vì ganh tỵ với một vũ nữ của hoàng gia nên nghiền các mày ghẻ khô thành bột rồi rắc lên giường chiếu, lên cả người cô gái khiến cô bị lở loét rất ghê tởm. Do ác nghiệp đó mà kiếp tái sinh thành Rohini cô bị ghẻ lở như thế. Kinh tạng Pali cũng có nhắc nhiều đến sự sợ già, chối bỏ cái già của những người con gái đẹp, phổ biến nhất là chuyện nàng Abhirùpa Nandà, hay nàng Khemà.
Trong thời đức Phật hiện tại, Khemà được sanh nước Magadha (Ma-kiệt-đà) ở Sàgala, thuộc gia đình hoàng tộc, tên là Khemà. Nhan sắc đẹp đẽ, với da như vàng, nàng trở thành hoàng hậu Vua Bimbisàra. Khi Thế Tôn ở tại Veluvana (Trúc Lâm), nàng không đi đến yết kiến đức Phật vì sợ Thế Tôn chỉ trích lỗi của mình. Vua muốn nàng đi thăm Trúc Lâm, nên nhờ người tán thán ngôi vườn này, và cuối cùng nàng bằng lòng cùng vua đi đến tinh xá, không thấy Thế Tôn, nhưng muốn nàng thấy cho được Thế Tôn, dầu phải bắt nàng ở lại. Khi nàng sắp sửa từ giã tinh xá nhưng không gặp được Thế Tôn, các người hầu cận giữ nàng ở lại và đưa nàng đến gặp đức Thế Tôn một cách miễn cưỡng. Ðức Thế Tôn dùng thần lực hóa hiện một tiên nữ rất đẹp đang đứng quạt cho Ngài, sắc đẹp thắng xa sắc đẹp của nàng rất nhiều. Rồi trước mắt nàng, nữ nhân được hóa hiện ấy lớn lên trở thành già yếu răng rụng, tóc bạc, da nhăn và ngồi ngã xuống đất với chiếc quạt. Khemà thấy vậy, tự hỏi không biết thân mình có chịu hoàn cảnh tương tự hay không. Thế Tôn biết được tâm trạng của nàng bèn nói lên bài kệ:
Người đắm say các dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi kệ không màng.
-- (Pháp cú, 347)
Người nữ chẳng những sợ già cho chính mình mà còn sợ già cho cả con mình như Bậc Đạo Sư đã dạy:
Này các Tỷ-kheo, mẹ không muốn con mình bị già: "Ta nay bị già, mong rằng con Ta không bị già!". Hay người con không muốn mẹ mình bị già: "Ta nay bị già, mong rằng mẹ Ta không bị già!"
Thật là vô minh khi chúng sanh biết mình già lại mong người mẹ của mình không già! Để khuyến cáo chúng sanh chưa có ý thức về khổ già, Đức Thế Tôn luôn đưa ra những thí dụ về cách hành xử khôn ngoan của bậc hữu trí đối với tuổi già như thí dụ về tiền thân của ngài khi còn là một vị chuyển luân thánh vương cai trị nước Vidaha.
Thuở ấy, tại nước Vidaha, có vị vua tên là Makha-deva ở Mithilà, hành trì đúng pháp của một vị Pháp Vương. Trải qua tám mươi bốn ngàn năm, ngài đã vui chơi trong địa vị Ðại Vương. Sau một thời gian dài, vua sống như vậy. Một hôm, ngài gọi người cắt tóc và nói:
- Này khanh, khi nào khanh thấy tóc bạc trên đầu ta, hãy báo cho ta biết.
Người cắt tóc, sau một thời gian dài, thấy giữa đám tóc đen nhánh của vua, có một sợi tóc bạc, liền báo cho vua biết. Vua bảo:
- Hãy nhổ sợi tóc bạc ấy và đặt nó trên tay ta.
Nghe nói vậy, người cắt tóc lấy cái nhíp bằng vàng nhổ sợi tóc bạc và đặt lên bàn tay vua. Lúc ấy, nhà vua đang có tám mươi bốn ngàn năm còn lại để sống. Tuy vậy, thấy sợi tóc bạc, ngài cảm thấy xúc động mạnh, như thần chết đã đến đứng gần đó, như bị nhốt vào trong ngôi nhà lá đang bốc cháy. Nhà vua suy nghĩ: "Này Makhàdeva ngu si ơi, tóc bạc đã mọc lên, nhưng ngươi chưa có thể loại trừ những phiền não này".
Và khi nghĩ đến xuất hiện của sợi tóc bạc, nhà vua cảm thấy bị nung đốt nội tâm, từ thân mồ hôi toát ra, áo quần như đè nén nhà vua và trở thành không thể chịu nổi. Nhà vua nghĩ: "Hôm nay, ta phải ra đi xuất gia".
Sau khi cho người cắt tóc hưởng lợi tức một làng trị giá một trăm ngàn đồng, vua cho gọi người con đầu và nói:
-Này con thân, trên đầu ta, tóc bạc đã hiện ra. Ta nay đã già rồi. Các dục vọng liên hệ đến con người, ta đã hưởng thụ đầy đủ. Nay ta muốn tìm cầu các dục lạc ở thiên giới. Nay là thời ta phải ra đi. Con hãy trị vì vương quốc này. Sau khi xuất gia, ta sẽ ở trong Rừng xoài của Makhàdeva và sống theo pháp Sa-môn.
Các đại thần nghe tin vua muốn xuất gia, liền đến hỏi vua vì sao lại muốn xuất gia, vua cầm sợi tóc bạc trong tay và nói bài kệ với các đại thần:
Những tóc bạc đầu ta,
Xuất hiện, cướp tuổi xanh,
Các Thiên sứ đã đến,
Là thời ta xuất gia.
-- (Chuyện Tiền Thân Đức Phật số 9)
Chỉ có bậc hiền trí như vua Makhadeva mới nhận ra sự có mặt của năm vị thiên sứ và biết rõ mình phải làm gì khi các vị thiên sứ này hiện diện. Năm vị thiên sứ theo lời dạy của Đức Phật là:
1. Thiên sứ thứ nhất là sự sanh, sự chào đời của đứa bé.
2. Thiên sứ thứ hai là sự già, tức người già (sống trên đời hay có mặt trên cõi người).
3. Thiên sứ thứ ba là bệnh tật, tức là người bệnh có hiện hữu trên cõi nhân loại.
4. Thiên sứ thứ tư là sự chết, tức là người chết. Sự hiện hữu hiện tượng chết trên cõi nhân loại.
5. Thiên sứ thứ năm là người bị hành tội, tức sự hành hình của pháp luật ở trong nước chẳng hạn như: trộm cắp, cướp bóc, giết người... -- (Người và Cõi, Phần Năm Vị Thiên Sứ)
Sự có mặt của năm vị thiên sứ này là để nhắc nhở chúng sanh chớ nên dễ duôi. Vị thiên sứ thứ hai nhắc chúng ta về sự già tất đến để chúng ta tìm cách dọn đường đi cho mình.
Tương tự như tiền thân Makhadeva, trong một kiếp khác, là một hoàng tử, Bồ Tát cũng có trí tuệ, có chánh kiến, tự mình tri kiến được cái khổ của sự già.
Hoàng tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: "Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh." Hoàng tử Vipassì trên đường đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, khổ não, không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy hoàng tử hỏi người đánh xe:
- Này khanh, người đó là ai vậy? Sao thân người đó không giống các người khác?
- Tâu Hoàng tử, người đó là một người được gọi là già vậy.
- Này khanh, sao người ấy được gọi là một người già?
- Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là già vì nay người ấy sống không bao lâu nữa
- Này khanh, vậy rồi ta có bị già không, một người chưa qua tuổi già?
- Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già!
- Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.
Hoàng tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ. "Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh. Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy!" Rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: "Cái gì có mặt, già chết mới có mặt? Do duyên gì, già chết sanh?" Sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, hoàng tử phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh có mặt, nên già, chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh".
Ngoài duyên sinh sanh ra, già còn đến từ những nguyên nhân khác như do ăn nhiều, giống truyện vua Pasenadi ở nước Kosala.
Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn bữa ăn thịnh soạn. Một hôm vua Pasenadi nước Kosala sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:
Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.
-- (Kinh Tương Ưng, Phẩm Kosala, Tiểu Phẩm Đại Thực)
Nhờ nghe những lời giáo huấn này mà Đức vua biết thu thúc, trở nên mạnh khoẻ và minh mẫn hơn.
Vua Makhàdeva hoặc Hoàng tử Vipassì hiểu đau khổ của sự già ngay khi còn trẻ. Có những người phải đợi đến hơn trăm tuổi rồi mới tìm đến Đức Thế Tôn để xin học cách sống hạnh phúc và có sự an lạc, lâu dài.
Có hai vị Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Những Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng chúng tôi không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Tôn giả Gotama hãy răn dạy chúng tôi, Tôn giả Gotama hãy giảng dạy chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Thật vậy, các ông là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng các Ông không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Thật vậy, này các Bà-la-môn, thế giới này đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn. Thế giới đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn như vậy, này các Bà-la-môn, thời chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý trong đời này, đối với kẻ đã đi đến cõi chết, phải là chỗ nương tựa, là hang trú ẩn, là hòn cù lao (hay ngọn đèn), là chỗ quy y và là đích xứ nó đến.
Ðời sống bị dắt dẫn
Mạng sống chẳng là bao
Bị già kéo dẫn đi
Không có nơi nương tựa
Hãy luôn luôn quán tưởng
Sợ hãi tử vong này
Hãy làm các công đức
Ðưa đến chơn an lạc.
Ở đây chế ngự thân,
Chế ngự lời và ý,
Kẻ ấy dầu có chết,
Cũng được hưởng an lạc,
Vì khi còn đang sống
Ðã làm các công đức.
-- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Các Bà La Môn, tiểu Phẩm Hai Người)
Việc tu tập cho ngày già giống như việc chôn của để dành. Khi còn khoẻ mạnh, nếu không biết tích lủy của cải cho ngày sau cũng giống như con cò không biết cất giữ cho những ngày mưa lạnh thì về già sẽ không tránh khỏi cảnh "Như cò già bên ao. Ủ rủ không tôm, cá."
"Lúc trẻ, không phạm hạnh,
Không tìm kiếm bạc tiền.
Như cò già bên ao,
Ủ rũ, không tôm cá."
-- (Pháp Cú 155)
Hoặc cảnh một lữ hành cô độc lầm lủi trên đường trường không một chỗ nghĩ chân, không một chút tư lương:
"Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Ðường trường thiếu tư lương."
-- (Pháp Cú 235)
"Ðời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Ðường trường thiếu tư lương."
-- (Pháp Cú 237)
Một trong những cách giáo hóa chúng sanh của Đức Phật là thân giáo. Để giúp cho chúng sanh thấu đáo sự già, ngài đem chính mình ra làm thí dụ:
"Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.”
Và ngài còn nhấn mạnh thêm:
Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn
-- (Năm Điều Quán Tưởng)
Với sự đau khổ của già như thế, Đức Thiện Thệ dạy cho chúng sanh cách tránh khỏi tuổi già:
"Xe vua đẹp cũng già.
Thân này rồi sẽ già,
Pháp bậc thiện, không già.
Như vậy bậc chí thiện
Nói lên cho bậc thiện."
-- (Pháp Cú 151)
Và ngài đã chỉ cho chúng sanh một con đường tránh thoát khổ già bằng cách hành trì giới luật cho được trong sạch vì mọi thứ đều già, trừ giới và tín:
Giới là tốt không già,
Tín là tốt trường cữu
Tuệ, vật báu loài người
Công đức, cướp không đoạt.
-- (Kinh Tương Ưng, Phẩm Già)
Mong cho tất cả chúng sanh đều thoát khỏi cảnh già.
NHƯ QUANG
Tài liệu tham khảo:
Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ
Kinh Trung Bộ
Kinh Trường Bộ
Truy cập từ trang web: www.budsas.org
- 03 -
CHỮ CHẾT TRONG KINH TẠNG PALI
Làm người ai cũng phải đối diện với cái chết vì từ ngàn xưa đến giờ ai cũng chết. Giàu cũng chết mà nghèo cũng chết. Làm vua cũng chết mà làm dân hèn cũng chết. Công nương Diana giàu sang danh vọng, nhan sắc khuynh thành là vậy cũng vẫn chết. Như vậy, cái chết là chắc chắn như lời Phật dạy về pháp hữu vi:
"Aniccà Vata Sankhàrà
Uppàdavayadhammino
Uppajjitvà Nirujjhanti
Tesam Vùpasamo Sukho"
Nhưng chết là gì? Theo định nghĩa trong tự điển thì chết là khi các chức năng sinh lý ngừng hẳn, cơ thể không còn hoạt động nữa. Trong y khoa, một người được xem là chết khi không có dấu hiệu tuần hoàn của máu và các hoạt động của não bộ cũng ngừng trệ dù người chết vẫn còn đó. Cái chết này gọi là chết lâm sàng.
Đức Phật định nghĩa về cái chết một cách rõ ràng hơn:
"Chư Hiền thế nào là chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mệnh một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài; chư Hiền, như vậy gọi là chết." -- (Kinh Trung Bộ, Phẩm Chánh Tri Kiến)
Ngài cũng đưa ra định nghĩa về chết lâm sàng, đó là cái chết của một người còn sống mà như đã chết như cái chết của ngài Sànu.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, ngài Sànu sanh ở thành Sàvatthi trong gia đình một cư sĩ. Khi ngài lên bảy tuổi, mẹ ngài đưa ngài đến ở với các tỳ kheo, hy vọng con mình sẽ được sống hạnh phúc. Rồi Sànu trở thành một vị học hành giỏi, một vị pháp sư, thiền sư với lòng từ bi, được chư Thiên và loài Người ái kính. Sau một thời gian, ngài mất sự sáng suốt, sống sầu khổ và muốn đi lang thang đây đó. Bà mẹ trong tiền kiếp của ngài là một nữ dạ xoa, biết được như vậy nên báo cho người mẹ hiện kiếp của ngài biết. Người mẹ hiện tại, nghe vậy rất lấy làm sầu khổ. Rồi Sa-di Sànu cầm y và bát đến thăm bà mẹ rất sớm. Thấy mẹ sầu muộn, ngài hỏi và được bà mẹ lời lý do, ngài nói bài kệ:
Thưa mẹ, người ta khóc,
Khóc vì người đã chết,
Hay có khóc người sống,
Khi sống, không được thấy,
Thưa mẹ, con đang sống,
Và mẹ đang thấy con,
Vậy vì sao, thưa mẹ,
Mẹ lại khóc cho con?
Bà mẹ trả lời, bằng những lời trong kinh:
"Ðây là sự chết, này các Tỷ-kheo trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục.", và nói bài kệ như sau:
Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết,
Này con, được kéo ra,
Khỏi than hầm lửa rực,
Con còn muốn rơi vào,
Ðống than hồng ấy chăng?
Khi nghe vậy, Sa-di Sànu lấy làm xấu hổ, sầu muộn, và tinh tấn phát triển thiền quán. Không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ rằng ngài chiến thắng là nhờ những bài kệ này, nên lấy những bài kệ ấy thành những bài kệ của ngài. -- (Kinh Tiểu Bộ, Trưởng lão Tăng kệ - Phẩm năm)
Ngài Sànu được xem như “chết lâm sàng" bởi sự dễ duôi của ngài đã tạo ra sự hủy hoại những thiện pháp mà ngài đã tạo được khiến cho lòng ái kính của chư thiên và loài người giành cho ngài cũng bị hoại diệt. Như vậy ngài đã chết theo đúng định nghĩa mà Đức Phật đã đề ra là còn sống mà như đã chết.
Đứng trước cái chết, mỗi người có một thái độ khác nhau. Người trí mượn cái chết làm tấm gương soi cho mình như trường hợp của hoàng tử Vipassì.
Khi hoàng tử Vipassì đi đến vườn ngự uyển và thấy thấy một số đông người, mặc sắc phục khác nhau, và đang dựng một dàn hỏa táng. Thấy vậy, hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, vì sao đám đông người ấy mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?" - "Tâu Hoàng tử, vì có một người vừa mới mệnh chung" - "Này khanh, vậy ngươi hãy đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung!" - "Thưa vâng, tâu Hoàng tử." người đánh xe vâng theo lời hoàng tử, cho đánh xe đến người vừa mới mệnh chung. Này các Tỷ-kheo, khi thấy thây người chết, hoàng tử Vipassì hỏi: "Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?" - "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người đã chết vì nay bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa; và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác!" - "Này khanh, vậy Ta chưa chết, rồi có bị chết không? Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng, và Ta sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những bà con ruột thịt chăng?" - "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi sẽ cũng bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng Tử, và Hoàng tử sẽ không thấy Phụ vương. Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác". - "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung". - "Thưa vâng, Hoàng tử". Người đánh xe vâng lời hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Khi về đến hoàng cung, hoàng tử Vipassì đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: "Sỉ nhục thay cái gọi là sanh! Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!"
Rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: "Cái gì có mặt, già chết mới có mặt? Do duyên gì, già chết sanh?" Sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ ngài phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh có mặt, nên già, chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh". -- (Kinh Trường Bộ - Kinh Đại Bổn, Tụng Phẩm II)
Trong một trường hợp khác, cái chết của người thân chính là bài học thực tiễn cho người còn sống và để học bài học này người học đã trả một giá rất đắc vì bị quyến thuộc xóm giềng kết án là kẻ vô tình, bình thản trước cái chết của thân nhân và có tâm xan tham muốn đoạt của cải của người đã chết. Trong khi đó, đối với bản thân người học đạo, bình thản, không có nghĩa là vô tình, không giao động trước cái chết của người thân mà bình thản có nghĩa là người này đã thấu hiểu lẻ vô thường, đã đứng bên ngoài tác động của tám ngọn gió đời, biết đón nhận cái chết như một sự tất đến và cái chết của chính mình mới đáng khóc than. Đó là trường hợp của Matarodana, tiền thân của Đức Phật khi ngài tái sinh trong một gia đình phú thương, có gia tài đến tám trăm chục triệu.
Khi ngài Matarodana trưởng thành thì cha mẹ ngài chết. Người anh của Bồ-tát thay thế cha mẹ của ngài, quản lý tài sản của gia đình và ngài sống phụ thuộc vào ông ta. Chẳng bao lâu người anh cũng chết do một cơn bạo bệnh. Bà con, bè bạn gần xa đã đến than khóc thảm thiết, chẳng ai kiềm chế nỗi xúc động của mình nhưng Bồ-tát lại chẳng sầu chẳng khóc gì cả. Mọi người đều bảo:
- Coi kìa, anh nó chết mà nó vẫn thản nhiên như không, thực là một kẻ tâm hồn quá sắt đá. Chắc là nó muốn anh nó chết để mong được hưởng gấp đôi phần gia tài đấy.
Một người thân thích cũng trách cứ ngài:
- Này, anh của anh chết mà anh cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào cả ư?
Nghe thế ngài bảo:
- Do ngu dại mù quáng, chẳng biết gì đến Tám pháp ở thế giới (được - mất, khen - chê, vui - buồn, vinh - nhục) các người khóc than: Ôi anh ta đã chết! nhưng tôi và cả các người đều cũng sẽ chết hết. Tại sao các người lại không khóc khi nghĩ đến cái chết của chính mình? Mọi sự hiện hữu đều giả tạm, do đó không một vật kết hợp nào có thể giữ nguyên điều kiện bản chất của nó được. Dù các ngươi, những kẻ ngu dại mù quáng, do vô minh không biết đến Tám pháp ở thế giới" mà cứ khóc than sầu khổ, còn tại sao tôi đây phải khóc chứ?
Nói xong, ngài đọc các bài kệ dạy rằng "Khóc người sống hơn khóc kẻ chết." Bồ-tát thuyết giảng Chân lý cho những người kia như thế và giải trừ mọi phiền não cho họ. -- (Chuyện Tiền thân Đức Phật số 317)
Khi người chết là con của mình, bậc làm cha mẹ càng đau khổ hơn nữa. Trong thời đức Phật còn tại thế, chúng sanh trong những gia đình khá giả, tại nhiều chỗ khác nhau, lấy chồng, có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình. Họ đều chịu sự đau khổ khi con của họ bị chết. Rồi họ đi tìm đến Patàcàrà, đảnh lễ nàng, ngồi xuống một bên nàng và nói cho nàng biết nỗi đau khổ của họ. Patàcàrà, làm cho họ vơi bớt sự đau khổ, nói lên những bài kệ như sau:
Ông không biết con đường
Nó đến hay nó đi,
Từ đâu con trai đến,
Ông lại khóc: 'Con tôi'.
Ông đâu biết con đường,
Nó đến hay nó đi,
Ông khóc nó làm gì?
Pháp hữu tình là vậy.
Không có ai yêu cầu,
Từ chỗ kia, nó đến,
Không có ai cho phép,
Từ chỗ này, nó đi,
Từ đâu, nó đến đây!
Ðược sống bấy nhiêu ngày.
Từ chỗ này nó đến,
Từ chỗ kia, nó đi,
Nó đến một con đường!
Nó đi một con đường,
Mệnh chung, hình sắc người,
Luân hồi, nó sẽ đi!
Ðến vậy, đi như kia,
Ở đây, khóc than gì?
Sau khi nghe nàng giảng, họ đều cảm thấy dao động và xin xuất gia, dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà. Sau khi tinh cần triển khai thiền quán, họ chứng đạt được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. -- (Trưởng Lão Ni Kệ, Phẩm 6)
Nỗi đau khổ mất con càng to tát hơn đối với các bà mẹ như nàng Kisà Gotamì lúc bị mất con. Chẳng những nàng đau khổ vì mất con nàng còn lo sợ sẽ mất sự kính trọng nơi gia đình chồng vì sự kính trọng mọi người giành cho nàng là do con trai nàng đem lại. Do vậy, nàng đã vô vọng tìm mọi cách cứu sống con mình.
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khổ, tên là Gotamì, vì nàng yếu đuối nên được gọi là Kisà Gotamì (Gotamì ốm yếu). Khi lập gia đình, nàng bị khinh thường và được gọi là con gái một người không có gì. Nhưng khi nàng có con, nàng được kính trọng. Khi người con lớn lên và có thể chạy được, nó chết, và nàng cảm thấy đau khổ, và nhớ đến sự đối xử với mình được thay đổi khi đẻ đứa con, nàng nghĩ: 'Chúng sẽ giữ lấy con ta và đem bỏ vào nghĩa địa'. Nàng ôm đứa con chết vào lòng và đi vào từng nhà xin: 'Hãy cho con tôi thuốc'. Và được trả lời: 'Nay thuốc còn gì dùng nữa'. Nhưng nàng không hiểu. Có người thương xót khuyên nàng đến đức Phật để xin thuốc, Nàng đi đến tinh xá và xin đức Phật: 'Hãy cho con tôi thuốc'. Bậc Ðạo Sư thấy được hy vọng tu chứng nơi nàng bèn nói: 'Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải!' Nàng vâng lời, đi vào nhà đầu tiên và yêu cầu như vậy, nhưng bị từ chối, vì trong nhà có người chết. Nàng đi vào nhiều nhà khác, được trả lời như vậy và nàng nghĩ: 'Ðây có thể là bậc Ðạo Sư dạy khéo cho ta', nên nàng đem dặt con nàng ở nghĩa địa và nói:
Pháp này không riêng làng,
Không riêng thành, gia tộc,
Không riêng cho một ai,
Cho đến toàn thế giới,
Kể cả các chư Thiên,
Ở tại mọi từng trời,
Pháp nhĩ là như vậy.
Tất cả là vô thường.
Rồi nàng đi đến bậc Ðạo Sư, và khi ngài hỏi có tìm được hột cải không, nàng trả lời: 'Việc làm đã làm xong về hột cải. Hãy xác nhận cho con'.
Thế Tôn nói:
Tâm còn bị đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ
-- (Pháp cú, 287)
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được Sơ quả (quả Dự lưu) và xin được xuất gia. Ðức Phật chấp nhận và nàng được các Tỷ-kheo-ni cho thọ giới. Sau đó, không bao lâu nàng nghiên cứu về nguyên nhân của sự vật và khiến thiền quán tăng trưởng. Rồi bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ:
Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
-- (Pháp Cú 113)
Tương tự như trường hợp của nàng Gotami, cư sĩ Anàthaphindika cũng mất con và đến tìm sự an ủi nơi đức Thế Tôn.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthaphindika. Lúc bấy giờ, con trai độc nhất của một nam cư sĩ, khả ái, đáng yêu bị mệnh chung. Rồi nhiều nam cư sĩ, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các cư sĩ ấy đang ngồi một bên.
- Này các Cư sĩ, sao các Ông, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, lại đến đây, trong lúc quá sớm như vậy?
Khi được nói vậy, người cư sĩ ấy thưa với Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người con trai độc nhất của con khả ái, khả ý đã mệnh chung. Do vậy chúng con với áo ướt đẫm, với tóc ướt đẫm đã đến đây trong lúc quá sớm!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
Bị khả ái, dễ thương
Trói buộc và chi phối,
Rất nhiều chư Thiên chúng,
Và nhiều hạng con người
Ðau khổ và héo mòn,
Bị thần chết nhiếp phục.
Ngày đêm không phóng dật,
Từ bỏ dung sắc đẹp,
Vị ấy đào gốc khổ,
Mồi nhử của ác ma,
Thật khó vượt qua được.
Dù sự thực là mọi người đều phải chết nhưng vẫn có một số người thiểu trí hy vọng mình không phải chết, không đi qua con đường các vị tiền bối của mình đã đi qua. Biết được tâm chúng sanh như thế, trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Hai Pháp, Phẩm Các Hy Vọng, Đức Phật dạy:
"Có hai hy vọng này, này các Tỷ-kheo, khó được từ bỏ. Thế nào là hai? Hy vọng được lợi dưỡng và hy vọng được sống. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai hy vọng khó được từ bỏ.”
Và ngài dạy thêm rằng:
"Này các Tỷ kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài người. Người ở đời này rồi phải ra đi trong tương lai. Hãy làm điều lành. Hãy sống phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.” -- (Kinh Tương Ưng Ác Ma, Phẩm I)
Cái chết cũng là nỗi sợ hãi cho cả loài vật bốn chân. Trong truyện tiền thân số 105, Bồ Tát kể lại chuyện một con voi sợ chết như sau:
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở thành Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm thần cây ở Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại đem con voi báu của mình giao cho các người nài voi để huấn luyện nó đừng dao động. Họ cột chặt con voi bất động và bắt đầu huấn luyện voi tập tánh bất động. Khi con voi, bị bắt tập như vậy, không thể chịu nổi đau khổ, liền bẻ gãy cây cột, đuổi các người tập và đi vào Tuyết Sơn. Người ta không thể bắt nó được, bèn đi trở về. Tại đấy, con voi bắt đầu sợ chết, nghe tiếng gió động, nó hoảng hốt sợ chết, đập vòi qua lại và chạy thật nhanh, như khi nó bị cột vào cây cột tập đừng dao động. Không hưởng được thân thoải mái hay tâm thoải mái, nó đi lang thang trong nỗi dao động. Thần cây thấy nó, đứng trên chỗ nhánh chĩa hai của thân cây, nói lên bài kệ này:
Rừng này có nhiều cành,
Gió bẻ gãy cành mục,
Này voi, nếu ngươi sợ,
Ngươi sẽ ốm yếu thôi.
Như vậy, thần cây khuyên dạy con voi ấy. Từ đó trở đi, con voi không sợ hãi nữa. -- (Kinh Tiểu Bộ, Chuyện Con Voi Sợ Chết)
Tuy vậy cũng có những con vật khôn ngoan biết coi thường mạng sống của mình để làm lợi chủ và để bảo vệ những công trình mình đã tạo dựng được. Đó là câu chuyện tiền thân của Bồ Tát lúc ngài làm con ngựa quý Sindh.
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở thành Bà-la-nại, Bồ-tát được sanh làm con ngựa Sindh nòi giống tốt, con ngựa báu của vua, được trang sức lộng lẫy. Nó ăn cơm nấu với gạo cũ ba năm, đầy đủ hương vị đặc biệt, đựng trong một cái dĩa bằng vàng, trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Chuồng ngựa được dựng trên đất ướp thơm với bốn loại hương. Xung quanh chuồng có treo những màn đỏ, trên trần treo cái tán bằng vải, được trang hoàng với các vì sao bằng vàng. Trên tường thả xuống những chuỗi hoa thơm, vòng hoa và một ngọn đèn dầu thơm luôn luôn cháy đỏ. Không có vị vua nào không thèm muốn vương quốc Ba-la-nại. Rồi vua cho mời vị ấy đến và hỏi:
- Khanh có thể giao chiến với bảy vị vua không?
- Thưa Thiên tử, nếu thần được con ngựa Sindh nòi giống tốt, kể gì bảy vị vua, thần có thể giao chiến với các vua ở toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ).
- Này khanh, con ngựa Sindh giống tốt, hay con nào khác, tùy ý khanh muốn, hãy lấy con ngựa ấy và đi giao chiến.
- Lành thay, thưa Thiên tử!
Vị ấy đảnh lễ vua, từ trên lầu bước xuống, cho đem lại con ngựa Sindh tốt giống, khéo mặc áo giáp cho nó, tự mình vũ trang toàn diện, đeo gươm, rồi leo lên lưng ngựa Sindh, đi ra khỏi thành và nhanh như chớp, đánh tan đội quân thứ nhất, bắt sống một vua, cho dẫn vua ấy về giam ở đội quân trong thành. Rồi vị ấy đi nữa, đánh tan đội quân thứ hai, cũng vậy, đội quân thứ ba, thứ tư, thứ năm và bắt sống được năm ông vua.
Nhưng khi vị ấy đánh tan đội quân thứ sáu, và bắt vua thứ sáu, thì con ngựa Sindh giống tốt bị thương, chảy máu và cảm thấy đau đớn rất nhiều. Biết con ngựa đã bị thương, người kỵ mã cho nó nằm xuống trước cửa cung vua, cởi áo giáp cho nó, và sai lính nai nịt một con ngựa khác.
Bồ-tát nằm một bên hông rất thoải mái, mở mắt thấy người kỵ mã, tự nghĩ: "Người kỵ mã đang nai nịt một con ngựa khác, sẽ không thể nào đánh tan đội quân thứ bảy, không thể nào bắt được ông vua thứ bảy. Như vậy nó làm tiêu tan công lao ta đã làm, còn người kỵ mã không ai sánh kịp này sẽ bị giết, và nhà vua sẽ rơi vào tay quân thù! Ngoài ta ra, không một con ngựa nào khác đánh tan được đội quân thứ bảy, và có thể bắt được vị vua thứ bảy!"
Ðang nằm như vậy, Bồ-tát gọi người kỵ mã và nói:
- Này bạn, ngoài tôi ra, không có con ngựa nào khác có thể đánh tan đội quân thứ bảy, bắt được ông vua thứ bảy. Tôi sẽ không để ai hủy hoại thành quả tôi đã làm. Hãy đỡ tôi dậy và nai nịt cho tôi!
Sau khi nói vậy, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nay tuy nằm một bên,
Bị bắn bởi mũi tên,
Con ngựa nòi giống tốt,
Thắng hơn con ngựa khác
Hỡi này người kỵ mã
Hãy nai nịt cho tôi
Người kỵ mã đỡ con ngựa dậy, băng bó vết thương, khéo nai nịt áo giáp cho nó, rồi nhảy lên lưng ngựa ra trận đánh tan đội quân thứ bảy, bắt sống ông vua thứ bảy và dẫn vị ấy về đội quân của vua mình. Người kỵ mã dắt Bồ-tát đến cửa thành và vua đi ra để xem Bồ-tát. Bậc Ðại Sĩ nói với vua:
- Tâu Ðại Vương, chớ giết bảy ông vua ấy. Hãy bắt họ thề sẽ trung thành với ngài rồi thả họ ra. Hãy cho người kỵ mã thọ hưởng danh vọng xứng đáng với công lao. Thật không phải đạo nếu để một chiến sĩ đã bắt được bảy vị phải chịu thiệt thòi! Ðại vương hãy bố thí, hãy giữ giới, hãy trị vì quốc độ với Chánh pháp công bằng.
Khi Bồ-tát khuyến giáo vua như vậy xong, người ta cởi áo giáp cho Bồ-tát. Nhưng khi được cởi tung mảnh giáp, Bồ-tát mệnh chung. Vua lo việc hoả táng con ngựa rất trọng thể, cho người kỵ mã hưởng danh vọng lớn, và đòi bảy ông vua kia phải tự mình thề không còn phản bội gây chiến nữa, rồi đưa họ về nhà của họ. Vua trị vì quốc độ với chánh pháp và công lý, sau khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình. -- (Kinh Tiểu Bộ, chuyện Tiền Thân số 23)
Nói chung, không chỉ loài người mà cả loài vật cũng sợ chết và loài người còn có tham vọng được trường sinh, bất tử. Biết chúng sanh khó từ bỏ hy vọng bất tử, Đức Phật dạy cho người hữu trí cách tránh lưỡi hái của thần chết:
"Hãy nhìn như bọt nước,
Hãy nhìn như cảnh huyễn!
Quán nhìn đời như vậy,
Thần Chết không bắt gặp
-- (Pháp Cú 170)
Để nhắc nhở chúng sanh không nên chạy trốn cái chết mà nên can đảm đối đầu với nó, Đức Thế Tôn luôn răn dạy chúng sanh: "Nội tâm khéo an trú trong tưởng về cái chết." bằng cách lấy cái chết, lấy tử thi làm đề mục hành thiền. Trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Thế Tôn cũng dạy các Tỳ Kheo phải niệm chết vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, do bất cứ nhân duyên nào:
"Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: con rắn có thể cắn ta; con bò cạp có thể cắn ta; hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, hay đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Người hay phi nhân có thể công kích ta. Và như vậy ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta." -- (Kinh Tăng Chi, Chương Tám Pháp)
Do những nguyên do kể trên, vô thường có thể đến bất cứ lúc nào nên Bậc Đạo Sư dạy chúng ta phải luôn niệm về cái chết:
"Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết."
Ngài cũng không quên dạy chúng sanh những câu kinh gối đầu:
Ta đây sự chết sẵn dành
Thế nào tránh thoát tử sanh đến kỳ
Ta đây phải chịu sanh ly
Nhân vật quý mến ta đi biệt mà…
-- (Năm Điều Quán Tưởng)
NHƯ QUANG
Tài liệu tham khảo:
Đức Phật và Phật Pháp
Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ
Kinh Trung Bộ
Kinh Trường Bộ
Truy cập từ trang web: www.budsas.org
-ooOoo-
- 04 -
CHỮ TIỀN TRONG KINH TẠNG PALI
Trong khi đọc những trang kinh Phật, tôi nhận thấy Đức Phật thường đề cập đến tiền với đơn vị là "đồng tiền vàng." Điều này khiến tôi suy nghĩ tại sao Đức Phật từ bỏ của cải, đi tìm chân lý và Ngài thường khuyên chúng sanh không nên dính mắc với tài sản, nhất là Ngài đặt ra giới luật Jàtarù parajatapatiggahanà veramanì sikkhapadam sayà diyàmi, Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự thọ lãnh, cất giữ, hoặc bảo kẻ khác thọ lãnh, cất giữ vàng bạc châu báu, hoặc cảm xúc đến các vật ấy, mà Ngài lại nhắc đến chữ tiền trong các bài pháp, đặc biệt là trong các câu chuyện tiền thân của Ngài. Khi Ngài đưa ra các con số tám trăm triệu đồng tiền vàng, một ngàn đồng tiền vàng, năm trăm đồng tiền vàng v.v.. có phải vô tình Ngài đã tạo lòng tham cho chúng sanh hay không? Chắc chắn đây không phải là mục đích thực sự của Đức Thế Tôn. Theo suy nghĩ của tôi thì khi đề cập đến chữ tiền Đức Thế Tôn nhắm vào các mục đích: dạy cho chúng sanh tài sản vật chất là phước tạo từ kiếp trước, tài sản vật chất là vô thường, và giáo hóa chúng sanh cách sử dụng tài sản sao cho được lợi lạc. Tài sản ở đây, dĩ nhiên phải là tài sản kiếm được bằng chánh nghiệp, không phải tài sản kiếm được bằng các phương tiện mưu sinh bất chánh.
CỦA CẢI LÀ PHƯỚC TÍCH LỦY TỪ KIẾP TRƯỚC
Mỗi khi thọ trì Tam Quy và ngũ giới chúng ta thường được quý chư Tăng nhắc nhỡ: Sīlena bhogasampadā . Các chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới" như vậy rõ ràng là giữ giới sẽ đem lại sự giàu sang, sung túc cho chúng ta. Nhưng sao lại có mối liên hệ giữa sự giữ giới và phát sinh của cải như thế? Trong ngũ giới, điều học thứ hai sau điều học cố ý tránh xa sự sát sanh là Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp. Chính sự không trộm cắp, xan tham này là nhân của sự phát sanh tài sản trong ngày vị lai. Ông Cấp Cô Độc khi bị khánh tận, oai lực của sự giữ giới đã khiến chư thiên, dạ xoa kiếm tìm những món tài sản khổng lồ cho vay mượn đã bị thất thoát hoặc bị chìm dưới biển sâu, đem đổ vào kho bạc trống của ông.
Trong nhiều trường hợp, sự giữ giới nuôi mạng chân chánh cộng thêm sự kiên nhẫn, khéo tính toán cũng đem lại của cải, vật chất như trường hợp của một thiện nam tử chỉ nhờ xác một con chuột chết mà làm nên cơ nghiệp trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng lại có được một người vợ xinh đẹp, con gái một triệu phú như trong tích truyện Tiểu triệu phú Cullakasetthì.
TÀI SẢN VẬT CHẤT LÀ VÔ THƯỜNG
Giống như tất cả pháp hữu vi, tài sản cũng bị hoại diệt, nhất là khi tài sản đó có được do những sở hành bất chánh. Một thí dụ về tính vô thường của tài sản vật chất là chuyện người Bà-la-môn tên Vedabbha.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, trong một ngôi làng nhỏ, có một Ba-la-môn biết được bùa chú tên là Vedabbha. Bấy giờ người ta nói, bùa chú ấy có giá trị rất lớn. Khi có sự giao hội các hành tinh, nếu ai đọc chú ấy và nhìn lên trời, thì từ trời mưa xuống bảy vật báu (vàng, bạc, san hô, hổ phách, ngọc đỏ và kim cương).
Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi học nghề với Bà-la-môn ấy. Một hôm, vì một vài công việc đi ra khỏi làng của mình để đến nước Ceti, vị Bà-la-môn đem Bồ-tát đi theo. Giữa đường, tại một khu rừng, có năm trăm kẻ cướp, được gọi là kẻ cướp Sứ giả, chúng làm cho con đường không thể đi được, chúng bắt Bồ-tát và Bà-la-môn Vedabbha để đòi tiền chuộc. Trong thời gian Bồ Tát đi lấy tiền chuộc cho thầy, bọn cướp giết Vedabbha và chém giết, thanh toán lẫn nhau. Khi Bồ Tát trở lại chỉ còn thấy những đống tài sản được gói thành từng bọc và xác các tên cướp nằm rải rác đó đây. Bồ-tát suy nghĩ: Ai dùng phương tiện không chánh đáng, vì lý do sai lạc, đem lại sự giàu sang cho chính mình rồi cũng bị diệt vong như thầy chúng ta vậy".
Một khía cạnh khác của đặc tính vô thường nằm trong của cải là không phải ai cũng có thể hưởng của cải không do nghiệp thiện của mình đem lại như trường hợp của người nông dân Punna. Hai vợ chồng anh cúng dường Đại Đức Xá Lợi Phất bửa cơm trưa của mình mà chỉ sau một giấc nghỉ trưa các nương ruộng đã biến thành vàng ròng. Vị vua cai trị quốc độ đó đem xe đến chở vàng của anh đi thì khi về đến kho, vàng biến trở lại thành đất.
Vật chất, của cải vô thường, biến đổi là vậy nên Bậc Đạo Sư dạy chúng ta không nên bám víu vào tài sản thế gian mà phải cố gắng phát huy loại tài sản chúng ta có thể đem theo khi lìa bỏ cõi đời và loại tài sản này sẽ không bao giờ bị thối thất. Đó là bảy tài sản: Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài như lời dạy của Đức Thế Tôn trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Bảy Pháp:
Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ là tài thứ bảy;
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Ðược gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.
CÁCH SỬ DỤNG TÀI SẢN
Khi có được của cải, chúng ta thường sử dụng một cách bừa bãi. Có những người vung tiền qua cửa sổ, xài không cần đếm. Có những người ngược lại không dám tiêu xài, chỉ biết đem tiền đi chôn, hoặc đếm tiền làm vui. Đó là cách sử dụng tài sản của người thiểu trí. Đức Phật dạy người trí năm cách sử dụng của cải cho được lợi lạc, không những cho trong hiện kiếp mà cho cả kiếp vị lai. Năm cách đó là: trả nợ cũ, cho vay nợ mới, đổ hố sâu, trải trên đất, và chôn để dành.
Trả nợ cũ:
Đây là món nợ của con cái đối với cha mẹ và món nợ này tuy cũ nhưng rất lớn cần phải trả, phải báo ơn sanh thành, dưỡng dục. Một phần năm số tiền kiếm được phải lo trả nợ cũ, tức là lo thuốc men, chỗ ở, áo quần cho cha mẹ. Trong ba mươi tám điều hạnh phúc, Đức Phật dạy nết hạnh phụng sự mẹ, nết hạnh phụng sự cha là hai điều hạnh phúc quan trọng. Trong các câu chuyện tiền thân có nhiều chuyện báo hiếu cha mẹ rất cảm động như chuyện voi phụng dưỡng mẹ. Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Ðại tượng vương ở vùng Tuyết Sơn. Toàn thân Voi màu trắng rất hùng vĩ, là chúa đàn gồm tám mươi ngàn con voi vây quanh ngài, song mẹ ngài bị mù. Ngài thường đưa cho bầy voi những quả rừng thật ngon để đem về dâng mẹ, tuy thế, chúng chẳng đem gì về dâng voi mẹ, mà chúng ăn hết. Khi ngài hỏi thăm và biết được việc ấy, ngài quyết định rời đàn để nuôi dưỡng mẹ. Thế là một đêm thuận lợi, bầy voi không hay biết ngài đưa mẹ đi đến đỉnh núi Candorana (Chiên-đồ-gia), tại đó ngài để mẹ ở trong một hang dưới đồi, gần một hồ nước và nuôi nấng mẹ rất chu đáo. Trong tích truyện Pháp cú có chuyện một tỳ khưu đi khất thực về nuôi cha mẹ già. Đại Đức Mục Kiền Liên có cách báo ân mẹ cao quý nhất, đó là an trú mẹ mình vào trong chánh pháp để làm giảm nghiệp đã tạo từ trước.
Cho vay nợ mới:
Con nợ cha mẹ, cha mẹ nợ con, đó là món nợ xoay vần không bao giờ dứt. Nếu báo hiếu cha mẹ là trả nợ cũ thì nuôi dưỡng con cái là cho vay nợ mới. Khi làm cha mẹ rồi chúng ta mới biết thương cha mẹ chúng ta như câu nói "dưỡng tử phương tri phụ mẩu ân." Nếu chúng ta nuôi dưỡng con cái chu đáo thì con cái sẽ biết tìm cách trả nợ cũ của chúng, nghĩa là biết phụng dưỡng chúng ta, lo lắng cho chúng ta trong lúc tuổi già. Món nợ mới đã cho vay ắt sẽ được trả lại dù là bậc làm cha mẹ không mong mỏi con cái mình sẽ báo ân.
Ông Cấp Cô Độc có cách cho vay nợ mới rất thù thắng. Ông dùng sức mạnh của những đồng tiền vàng an trú con vào trong chánh pháp. Ông đã thuyết phục cậu con trai không tin Phật pháp của mình đi chùa, dự lễ sám hối và sẽ được thưởng 100 đồng tiền vàng. Rồi ông lại bảo nếu cậu chịu ở lại thọ giới bát quan trai sẽ được 200 đồng tiền vàng, nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp và học thuộc được một câu pháp sẽ được thưởng 500 đồng tiền vàng. Cậu đã thực hành theo để nhận tiền thưởng nhưng đến khi đã thông hiểu giáo Pháp Phật, cậu không nhận tiền của cha mà nhận một thánh sản quý báu gấp trăm, ngàn lần số tiền đó: cậu đã nhập lưu sau khi chú tâm nghe pháp của Như Lai.
Đổ hố sâu:
Người cư sĩ còn gánh vác việc xã hội, được quyền giành một phần năm số tiền kiếm được để sắm ăn, sắm mặc, chi phí thuốc men, nhà thương khi đau ốm, thậm chí giải trí, đi chơi xa lúc cần phải giải trí. Số tiền này một khi tiêu dùng là mất đi nên đức Phật gọi là đổ hố sâu. Nếu chúng ta quá chắt mót, bủn xỉn không dám tiêu xài, đem tiền đi đổ hố sâu thì sẽ bị quả báo là có của cải nhưng không được hưởng giống như những ông bá hộ vào thời Đức Phật có của cải mà chỉ ăn cơm hẩm, mặc vải gai thô, di chuyển bằng xe cộ củ kỷ kéo bởi những con ngựa gầy còm. Hoặc có người bủn xỉn, tạo ra tiền của mà không dám bố thí lại nuôi mạng bằng sự sát sanh nên khi chết bị đọa vào địa ngục A Tỳ như chuyện ông đồ tể ở tại thành Xá Vệ đã sống bằng nghề mổ bò trong suốt năm mươi lăm năm. Trong giới tỳ kheo cũng có vị vì tiếc bộ y mới không dám đắp mà khi thân hoại mạng chung biến thành con rệp. Nói chung những người bủn xỉn, keo kiệt khi thân hoại mạng chung thường bị sanh vào cõi xấu hoặc tục sanh vào cõi bàng sanh để giữ gìn những của cải mà họ luyến tiếc.
Trải trên mặt đất:
Người cư sĩ cần phải trích ra một phần năm số tiền để đóng thuế cho chính phủ để chính phủ có thể thực hiện những chương trình công ích như sửa chửa cầu đường, xây trường học, bệnh xá, hoặc cứu trợ những nạn nhân thiên tai như hỏa hoạn, bảo lụt, v.v…Đem của cải dùng vào những chương trình công ích này tức là đem trải trên mặt đất vậy. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì vào thời Đức Phật còn tại thế có Ông Cấp Cô Độc đã trải vàng trên đất để trả cho phần đất ông mua của thái tử Kỳ Đà dùng vào việc xây dựng tịnh xá Kỳ Viên.
Chôn của để dành:
Chôn của ở đây có hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng. Thuở xưa các bá hộ thường chôn của dưới đất như hai ông bá hộ sống cạnh bờ sông Hằng. Một ông có tài sản lên đến bốn trăm triệu, được ông chôn dưới mé sông. Ông kia có tài sản ba trăm triệu, cũng đem chôn dưới mé sông. Khi chết đi vì luyến ái của cải, một ông bị tái sanh làm Rắn, còn một ông làm Chuột quanh quẩn bên bờ sông để giữ vàng. Một hôm lũ lụt, ông đạo sĩ sống cạnh bờ sông Hằng nghe tiếng kêu cứu thì thấy có một con rắn và một con chuột bám trên một khúc cây. Rắn và chuột bị đói và lạnh sắp chết. Ông đem hai con vật về nhà, tận tình chăm sóc. Sau đó hai con vật mời ông về nhà và mỗi con thú đền ơn ông một hủ vàng. Hai ông bá hộ chôn của để dành theo nghĩa đen còn nhà đạo sĩ làm phước cứu sống Rắn và Chuột là chôn của để dành theo nghĩa bóng. Nhờ biết chôn của mà ông được các con vật đền ơn cứu tử. -- (Chuyện Tiền Thân số 73, Tiền thân Saccankira)
Sở dĩ Đức Thế Tôn dạy hàng cư sĩ năm pháp sử dụng tiền như trên là vì trong tiền kiếp ngài đã thực chứng được sự lợi ích của việc sử dụng tài sản đúng pháp và không sợ tội lỗi. Đó là kiếp ngài làm một người cày ruộng tại một ngôi làng trong vương quốc Ba-la-nại do Đức vua Brahmadatta trị vì. Ngày kia, Bồ-tát đang cày trên một thửa ruộng, trước đây là một ngôi làng bị bỏ hoang. Trong làng có một vị triệu phú đã chết và chôn tại đó một đống vàng, lớn bằng bắp vế người và cao đến bốn khuỷu tay. Khi lưỡi cày của Bồ-tát mắc phải đống vàng ấy thì đứng khựng lại. Nghĩ rằng đó là rễ tỏa rộng của cây, Bồ-tát đào đất lên, nhưng lại thấy được khối vàng. Bồ-tát chùi đất thật sạch và cày tiếp cho xong ngày ấy. Khi mặt trời lặn, để ách và cày một bên, Bồ-tát nghĩ đến phương cách đem khối vàng đi. Nhưng Bồ-tát không nhấc nó lên được. Bồ-tát ngồi và nghĩ: "Ðể phần như vậy, ta sẽ nuôi sống bản thân của ta. Để phần như vậy, ta sẽ chôn giấu. Ðể phần như vậy, ta sẽ làm các công việc. Ðể phần như vậy, ta sẽ làm các công đức như bố thí..." Rồi Bồ-tát chia thành bốn phần. Khi được Bồ-tát chia như vậy, khối vàng ấy trở thành nhẹ. Bồ-tát nhấc vàng lên được, đem về nhà, chia thành bốn phần. Bồ-tát trọn đời làm các công đức như bố thí cùng nhiều thiện sự khác và đi theo nghiệp của mình. -- (Tiền thân Kancanakkhandha)
Như vậy chữ Tiền được đề cập trong kinh điển Pali là một bài học vô cùng thực tế cho tứ chúng. Nếu chúng ta thông hiểu và hành theo chánh pháp thì của cải chúng ta tạo được trong đời này sẽ là món tiền tệ quốc tế có thể xài được ở bất cứ cảnh giới nào, bất cứ trú xứ nào, và trong bất cứ kiếp tái sanh nào của chúng ta.
NHƯ QUANG
(Xuân Chí Đinh Hợi, 2007)
Tài liệu tham khảo:
Đức Phật và Phật Pháp
Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ
Truy cập từ trang web: www.budsas.org
-ooOoo-
- 05 -
CHỮ TÌNH TRONG KINH TẠNG PALI
Lần đầu tiên khi nghe Thượng Tọa Minh Giác thuyết bài pháp Đế Thích Vấn Đạo, tâm hồn tôi xao xuyến như vừa đọc một bài thơ tình diễm tuyệt. Tôi không thể nào tin bài thơ tình này lại nằm ngay giữa những trang kinh Phật. Cái lôi cuốn của bài thơ là nó vừa mang tính cách lãng mạn rất thế tục lại vừa mang tính giải thoát của một cõi trời phạm thiên nào đó. Nguyên văn của bài thơ ấy như sau:
Ôi Suriya Vaccasa!
Ta đảnh lễ Timbaru,
Bậc phụ thân của nàng,
Ðã sanh nàng thiện nữ,
Nguồn hạnh phúc của ta,
Như gió cho kẻ mệt.
Như nước cho kẻ khát,
Nàng là tình của ta.
Như pháp với Ứng Cúng,
Như thuốc cho kẻ bệnh,
Như đồ ăn kẻ đói,
Thiên nữ với nước mắt.
Hãy dập tắt lửa tình!
Như voi bị nắng thiêu,
Tẩm mình hồ nước mát,
Có cánh sen, nhụy sen.
Cũng vậy, ta muốn chìm,
Chìm sâu vào ngực nàng.
Như voi bị xiềng xích,
Hất móc câu, gậy nhọn,
Ta điên vì ngực nàng,
Hành động ta rối loạn.
Tâm ta bị nàng trói,
Di chuyển thật vô phương,
Rút lui cũng bất lực,
Như cá đã mắc câu.
Hiền nữ hãy ôm ta,
Trong cánh tay của nàng!
Hãy ôm ta, nhìn ta,
Trong ánh mắt dịu hiền.
Hãy ghì chặt lấy ta,
Thiện nữ! Ta van nàng!
Ôi Hiền nữ suối tóc,
Ái dục ta có bao!
Nhưng nay đã tăng bội,
Như đồ chúng La Hán!
Mọi công đức ta làm,
Dâng lên bậc La Hán,
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả cho ta.
Công đức khác của ta,
Ðã làm trên đời này!
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả của ta!
Vị Thích tử thiền tu,
Nhứt tâm và giác tỉnh,
Tìm cầu đạo Bất tử,
Cũng vậy ta cầu nàng!
Như người tu sung sướng,
Chứng Bồ Ðề tối thượng.
Kiều nữ, ta sung sướng,
Ðược nhập một với nàng,
Nếu Thiên chủ Sakka,
Cho ta một ước nguyện,
Ta ước nguyện được nàng,
Vì ta quá yêu nàng!
Như ta-la sanh quả,
Tuệ Nữ, phụ thân nàng!
Ta sẽ đảnh lễ ngài,
Vì sanh nàng vẹn toàn!
Tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần bài thơ của Pancasikha và càng đọc càng thấy cái tuyệt vời của lối so sánh giữa người mộng với kẻ đang yêu. Khi ta là kẻ mệt, nàng là ngọn gió mát. Khi ta khát, nàng là giọt nước cam lồ. Khi ta đói, nàng là thực phẩm vừa lòng. Khi ta bệnh, nàng là món linh dược quý cao. Tuyệt hơn hết là lối so sánh giữa đạo và tình. Kẻ đang tìm yêu cầu được có người yêu cũng như người tu cầu được quả Bồ Đề và sự sung sướng khi có được người tình ngang bằng niềm sự sung sướng của kẻ chân tu được đắc quả Bồ Đề. Với sự hỷ lạc tôi đọc hết chương kinh Đế Thích Vấn Đạo để tìm hiểu nguyên nhân phát sanh bài thơ trác tuyệt này.
Một thời, Thế Tôn trú tại Magadha (Ma-kiệt-đà) phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà La Môn tên Ambasanda, (Am-bà-la) trên ngọn núi Vediya (Tỳ-đà Sơn) phía Bắc ngôi làng, trong hang Indasàla (Nhơn-đà-sa-la). Lúc bấy giờ, Thiên chủ Sakka (Ðế-thích) náo nức muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn.
Rồi Thiên chủ Sakka, với chư Thiên ở Tam thập tam thiên tháp tùng xung quanh, với Pancasikha,
Đi đến Magadha viếng Đức Thế Tôn. Vì không muốn làm dao động Như Lai trong lúc nhập thiền, Thiên chủ Sakka nói với Pancasikha, con của Càn Thát Bà:
- Này Khanh Pancasikha, chư Như Lai thật khó lại gần đối với người như ta. Các Ngài nhập Thiền, hoan hỷ trong Thiền, và với mục đích ấy, an lặng tịnh cư. Vậy Khanh Pancasikha trước tiên làm cho Thế Tôn hoan hỷ, sau sự hoan hỷ do Khanh tác động, chúng ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Xin vâng, mong an lành đến với Ngài.
Pancasikha, con của Càn Thát Bà vâng lời Thiên chủ Sakka, cầm cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và đến tại hang núi Indasala. Khi đến xong, Pancasikha đứng lại một bên và suy nghĩ: "Ta đứng đây, không quá xa Thế Tôn, cũng không quá gần. Và tiếng sẽ được Ngài nghe."
Ðứng một bên, Pancasikha, con của Càn Thát Bà, gảy cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục như trên.
Quả thật, bài thơ đã gây sự chú ý cho Đức Thế Tôn. Sau khi ngài khen ngợi giọng ca khéo hòa điệu cùng huyền âm của Pancasikha và hỏi Ngươi học tại chỗ nào những bài kệ liên hệ đến Phật, Pháp, đến A La Hán, đến ái dục như thế thì Pancasikha bạch với Ngài:
Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn an trú ở Uruvelà, bên bờ sông Neranjara (Ni-liên-thiền), dưới gốc cây Ajapàla-Nigrodha, khi mới thành Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, con yêu con gái của Timbaru, vua Càn Thát Bà, tên là Bhaddà với biệt hiệu Suriya Vaccasà. Nhưng bạch Thế Tôn, thiếu nữ lại yêu một người khác, tên là Sikhaddhi, con của Màtali người đánh xe. Bạch Thế Tôn, con không có phương tiện nào khác để chiếm được thiếu nữ. Con cầm đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva, đến tại trú xá của Timbaru, vua Càn Thát Bà. Khi đến xong, con gảy đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ này, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục.
Đó là nỗi lòng của Pancasikha. Vì thất tình mà Pancasikha trở thành người nhạc sĩ tài hoa. Nhờ tiếng đàn, giọng hát mà người nhạc sĩ tài hoa đó gợi được sự chú ý của Đức Thế Tôn, tạo cơ duyên cho Đức trời Đế Thích có cơ hội vấn đạo Đức Thiện Thệ đưa đến kết quả là những câu trả lời của Bậc Đạo Sư khiến mọi nghi ngờ của thiên chủ Sakka đã được diệt tận, mọi do dự được tiêu tan. Và đây chính là công đức của Pancasikha. Quá hoan hỷ, ngài hứa khả với Pancasikha sẽ thưởng cho chàng người trong mộng:
"Này Khanh Pancasikha, Ngươi đã giúp ta nhiều việc. Trước nhờ Ngươi làm Thế Tôn bằng lòng, sau khi Ngươi làm cho bằng lòng, ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Ta sẽ đóng vai trò thân phụ cho Ngươi, Ngươi sẽ là Vua loài Càn thát bà. Ta sẽ cho Ngươi Bhaddà Suriya Vaccasà, người mà ngươi ao ước."
Tại sao kẻ lụy tình Pancasikha lại đi lạc vào trong kinh? Đây cũng là hệ quả của một chuỗi duyên sinh. Nhờ có Suriya Vaccasà gieo nỗi thất tình vào tâm hồn chàng lãng tử Pancasikha nên mới có khúc ca ái dục tuyệt vời. Nhờ khúc tình ca của Pancasikha mà Thiên chủ Sakka mới có cơ hội bày tỏ những thắc mắc của mình. Mượn cơ hội giải đáp thắc mắc cho Thiên chủ Sakka, Đức Thiện Thệ dạy cho đồ chúng cái hiểm nguy của tham ái qua lời trình bày của thiên chủ Sakka: "tham ái là bệnh tật, tham ái là mụn nhọt, tham ái là mũi tên, tham ái dắt dẫn con người tái sanh đời này, đời khác."
Nói về tham ái, Đức Thế Tôn luôn cảnh tỉnh chúng sanh về khía cạnh nguy hiểm nhất của tham ái là nữ sắc:
- Này các Tỷ-kheo!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
- Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
- Ta không thấy một hương... một vị... một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương... vị... xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
- Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.
- Ta không thấy một tiếng... một hương... một vị... một xúc nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng... hương... vị... xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà. -- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Sắc)
Do sự hiểm nguy của sắc, của ái như thế, Đức Thế Tôn đưa ra vô số bài học, những bài học vàng mà ngài lấy từ nguồn kinh nghiệm đau thương của chính Ngài chẳng hạn như bài học từ tiền kiếp khi ngài là hiền sĩ Chà Là đã bị nữ nhân làm mất đi đời sống phạm hạnh của Ngài:
Một thuở nọ vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát đã chọn đời ẩn sĩ, xây dựng cho mình một am thất bên bờ sông Hằng, tại đó ngài đã đạt các Thắng trí cùng các Thiền chứng, và an trú trong Thiền lạc. Thời ấy, vị quan giữ công khố ở thành Ba-la-nại có một cô con gái rất hung dữ, độc ác được mệnh danh là Ác Tiểu thư, thường hay mắng chửi đánh đập gia nhân, nô tỳ của mình nên nhân dịp vui chơi giải trí trên sông Hằng, một cơn bão lớn bỗng nổi lên và bọn nữ tỳ đã thừa dịp bỏ cô xuống nước để cô bị bão nhận chìm. Khi nghe tiếng cô kêu cứu, Bồ Tát vớt nàng lên, sưởi ấm nàng và nhường am thất của mình cho nàng. Một thời gian sau Bồ Tát bị nàng quyến rũ và làm cho mất hết trí tuệ. Họ chung sống với nhau và chìu theo sự đòi hỏi của nàng, Ngài phải đưa nàng về một vùng gần biên địa sinh sống bằng nghề bán chà là. Một hôm bọn cướp đến và bắt nàng đi. Rất thích thú với đời sống mới, nàng lo sợ sẽ bị Bồ Tát đến bắt về nên nàng bày mưu cho tên cướp giết Bồ Tát. Khi bị đánh đập tàn nhẫn, Bồ Tát chỉ kêu mãi một câu:
- Ôi phường vong ân bội nghĩa, thật là gian ác. Bọn lừa đảo điêu ngoa xảo trá thế là cùng.
Nghe vậy, tên cướp hỏi nguyên do và được Bồ Tát kể lại chuyện ngài đã cưu mang người đàn bà mưu mô thâm độc đó và bị hại.
Tên tướng cướp nghe câu chuyện thì an ủi Bồ-tát rồi đánh thức cô ả dậy, vừa cầm kiếm trong tay, hắn vừa bảo rằng hắn sắp giết Bồ-tát. Rồi bảo ả giữ chặt Hiền sĩ Chà Là, hắn tuốt kiếm ra, làm vẻ sắp giết ngài, nhưng lại chặt làm đôi cô ả. Xong xuôi hắn tắm gội cho Bồ-tát sạch sẽ từ đầu đến chân và tiếp đãi ngài đủ món cao lương mỹ vị suốt mấy ngày liền cho thỏa thích.
Rồi cả hai đều trở thành ẩn sĩ sống tại am thất trong rừng, cùng đắc các Thắng trí và các Thiền chứng, cho đến khi mạng chung thì thọ sanh lên Phạm thiên giới.
Cũng trong Phẩm Nữ Nhân, Đức Thế Tôn nhắc lại tiền kiếp của ngài khi còn là một ẩn sĩ đã đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, và sống an vui trong Thiền lạc vi diệu trong một thời gian dài cho đến khi ngài mất chánh niệm vì vẻ đẹp của một nữ nhân. May sao nữ nhân này lại là người có trí đã khôn khéo đưa ngài ra khỏi cõi vô minh. Ngài đã bắt đầu bài giảng bằng nhận định “Dục tham Triền cái được gọi là Ác dục vì chúng phát khởi từ Vô minh, này các Tỷ-kheo, những gì phát khởi từ Vô minh đều tạo nên khối Si ám dày đặc.”
Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có tại quốc độ Kàsi. Khi Ngài trưởng thành và việc học vấn đã hoàn mãn, Ngài từ bỏ dục tham, xuất gia sống đời ẩn sĩ, đi vào chốn độc cư ở núi Tuyết Sơn, đạt được các Thắng trí và Thiền chứng. Một hôm vì thiếu muối và dấm, Ngài vào kinh thành khất thực. Vẻ oai nghi của Ngài khiến nhà vua thán phục nên thỉnh ngài về ngự ở hoa viên. Trong suốt mười sáu năm trời ngài ngự ở đây và thuyết pháp cho cả hoàng gia. Một hôm vì phải ra biên địa dẹp loạn, nhà vua giao cho hoàng hậu Từ Tâm việc cúng dường đến Bồ Tát. Hoàng hậu chuẩn bị một bửa cơm dâng cúng đến Bồ Tát. Hoàng hậu tắm nước hoa xong, vận xiêm y hết sức lộng lẫy, và nằm xuống đợi ngài đến trên một bảo tọa nhỏ trong một khách sảnh rộng lớn. Khi vừa xuất khỏi Thiền định, thấy đã trễ giờ, Bồ-tát liền phi hành qua không gian để đến cung điện. Chợt nghe tiếng sột soạt của chiếc y bằng vỏ cây, hoàng hậu vội vã đứng dậy để đón tiếp ngài. Trong lúc vội vàng, chiếc y của hoàng hậu tuột xuống, để lộ mọi vẻ kiều diễm của bà trước mặt vị ẩn sĩ khi Ngài vừa đến cửa. Thấy vậy, Ngài bỗng ham thích chiêm ngưỡng sắc đẹp nữ nhân kỳ diệu kia nên đã phạm Giới đức: Lửa dục nhen nhúm trong tâm Ngài, khiến Ngài giống như thân cây to bị chiếc rìu đốn ngã.
Lập tức Ngài đánh mất Thiền lực, Ngài chẳng khác gì con quạ bị cắt cụt đôi cánh. Ngài vẫn đứng yên tay nắm chặt thức ăn, nhưng Ngài không ăn được mà bước ra đi. Toàn thân rung động vì dục vọng, Ngài trở về am thất trong vườn hoa, nằm xuống trên sàng tọa bằng gỗ, và suốt bảy ngày liền chịu đói khát, toàn thân bị siết chặt trong vòng vây của sắc đẹp yêu kiều kia, nội tâm Ngài như bị lửa dục thiêu đốt bừng bừng.
Vào ngày thứ bảy, nhà vua trở về sau khi đã bình định biên thùy. Vừa ngự vương xa giữa đám rước linh đình quanh hoàng thành xong, vua đi vào cung. Rồi vua muốn thăm vị ẩn sĩ kia ngay, bèn đi đến hoa viên. Tại am thất, vua thấy Bồ-tát đang nằm trên sàng tọa. Tưởng vị ẩn sĩ bị bệnh, vua ra lệnh quét dọn sạch sẽ am thất và vừa vỗ vào chân ẩn sĩ ấy vừa hỏi Ngài bị bệnh gì.
- Tâu Ðại vương, tâm ta đang bị dục tham trói buộc: đó là căn bệnh duy nhất của ta.
- Ngài có tham dục đối với ai?
- Tâu Ðại vương, với hàng hậu Từ Tâm đấy.
- Vậy thì từ nay Hoàng hậu thuộc về Ngài, trẫm ban nàng cho Ngài đấy. Nhà vua bảo. Sau đó, nhà vua cùng vị ẩn sĩ đến cung điện ra lệnh cho hoàng hậu phục sức cực kỳ lộng lẫy rồi trao bà cho Bồ-tát. Nhưng trong lúc ban tặng hoàng hậu, nhà vua bí mật ủy thác bà phải đem hết sức mình cứu nạn cho vị ẩn sĩ thanh tịnh ấy. Hoàng hậu bảo:
- Xin Thánh thượng đừng lo ngại, thần thiếp sẽ đi cứu Ngài.
Thế là cùng với hoàng hậu, vị tu khổ hạnh ra khỏi cung điện. Hai người phải ở trong một túp lều đổ nát mà khách qua đường dùng làm nhà tắm. Hoàng hậu bắt ngài phải dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, phải xách nước, trét phân bò lên vách, đóng giường, ghế v.v…. và thêm cả ngàn việc khác nữa. Khi xong hết việc, vừa khi ngài ngồi trên giường cùng bà, bà liền nắm râu ngài kéo ngài xuống đối mặt mình và bảo:
- Thế ngài đã quên rằng ngài là một Bà-la-môn thanh thịnh rồi sao?
Nghe thế, Ngài liền tỉnh ngộ sau một thời gian cuồng tâm loạn trí. Thế là sau khi hồi tỉnh, Ngài suy nghĩ thấy rõ bằng cách nào, khát ái này trở nên mãnh liệt dần dần sẽ đưa Ngài đến bốn đọa xứ. Ngài kêu lên:
-Nội ngày hôm nay ta quyết đưa nữ nhân này trả lại cho nhà vua và bay thẳng lên núi! -- (Tiền Thân Đức Phật số 66)
Kiếp người đã bị lôi cuốn bởi tham dục như thế, khi mang kiếp cầm thú Ngài cũng mê đắm nữ sắc. Đó là kiếp Ngài làm con khổng tước lông vàng, bỏ đàn sống một mình trong vùng núi Tuyết Sơn. Hàng ngày công tự vệ bằng cách đảnh lể mặt trời mọc và mặt trời lặn. Không may vẻ đẹp của công đã lọt vào mắt một thợ săn. Khi sắp chết lão dặn lại với con phải tìm cho được con công này. Một ngày kia chánh hậu vua Ba-la-nại nằm mơ thấy công ao ước được làm chủ công chúa. Con trai người thợ săn nhờ được cha dặn dò nên nhận lời đi tìm. Cho đến khi gả chết đi và hoàng hậu cũng từ trần vẫn chưa ai tìm được công chúa. Câu chuyện này được nhà vua truyền phải ghi lại trên phiến đá bằng vàng cho những vì vua kế vị tiếp tục săn tìm. Sáu vị vua kế tiếp qua đời và sáu người thiện xạ chết đi mà không được kết quả gì ở khu vực Tuyết Sơn cả. Song người thợ săn thứ bảy, được nhà vua thứ bảy phái đi, không thể nào bắt được chim suốt bảy năm liền nên bắt đầu suy nghĩ rằng chính uy lực sống đời thanh tịnh đã giúp đôi chân chim không bị sa bẫy. Gã tìm một con chim mái luyện cho nó hót và xoè cánh múa mỗi khi gả búng tay. Gả đem con chim mồi đặt trước bẩy rồi búng tay cho chim hót, múa khi Bồ Tát đảnh lể mặt trời. Công trống nghe tiếng gáy ấy lập tức ác dục đã ngủ yên suốt bảy ngàn năm, bỗng vùng dậy như con rắn hổ mang giương mào lên khi bị đánh. Bị ác dục làm cho mê muội, chim Công không thể nào đọc thần chú hộ mệnh nữa, mà vội vàng bay về phía chim mái, từ trên không chim hạ cánh xuống đất đặt đôi chân ngay vào bẫy: chiếc bẫy kia suốt bảy ngàn năm chẳng đủ uy lực bắt chim, nay đã kẹp chặt lấy chân chim thần.
Ghê gớm thay sức mạnh của ái tình! Tàn phá thay sức mạnh của ái dục! Ái dục là một giòng sông không bao giờ yên ngũ:
Sông ái dục vẫn muôn đời cuộn sóng
Như thuở xưa con khổng tước lông vàng
Bảy ngàn năm
Không hề sa bẩy trần gian
Bởi ái dục ngũ yên
Bằng những lời kinh cầu mỗi sáng
Vậy mà chỉ một lần nghe
Tiếng kêu ngọt đường mù quáng
Của con chim mái cò mồi
Khổng tước phải oán than
Trong tay người đánh bẩy.
Tuy Đức Bổn Sư khích lệ chúng sanh cắt ái đừng để lửa tình thiêu đốt nhưng một khi luyến ái đã khởi sanh đưa đến cuộc sống vợ chồng thì Đức Phật lại dạy cho vợ chồng phải sống với nhau cho đúng pháp như các lời dạy trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt:
"Có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc."
Ngoài những điều răn dạy cơ bản như trên, ngài luôn bảo vệ, bênh vực người vợ, giành lại chỗ đứng tôn kính cho người đàn bà. Trong nhiều kiếp ngài đã đứng lên biện hộ cho người vợ, khuyến cáo người chồng chớ nên bạc đãi vợ mà phải tôn trọng người vợ đã hết lòng chung thủy với mình như trong câu chuyện hoàng hậu Sambulà.
Bậc Đạo Sư kể câu chuyện này trong lúc ngài ngự tại Kỳ Viên, nói về hoàng hậu Malikà lúc bấy giờ.
Khi được tấn phong địa vị chánh hậu, bà có đầy đủ năm vẻ nữ sắc yêu kiều, tài trí tột bực, lại là đệ tử của đức Phật, và bà tỏ ra là một người vợ hiền tận tụy. Lòng nhiệt tình chói sáng của bà tỏa khắp kinh thành khiến các tỷ kheo bắt đầu bàn luận. Nhân đó Bậc Đạo Sư mới kể câu chuyện tiền thân của bà.
Một thuở nọ, Brahmadatta có một hoàng nam mệnh danh là Sotthisena, và lúc đến tuổi trưởng thành, chàng được phong làm phó vương. Chánh phi của chàng là Sambulà cực kỳ diễm lệ, dung sắc rực rỡ chói lọi như thể ánh đèn chiếu sáng trong chốn tối tăm.
Song dần dần chứng bệnh phong cùi xuất hiện trên mình phó vương Sotthisena và mọi lương y đành bó tay không thể chữa trị. Khi các vết lở loét chảy mủ ra, thật hôi tanh khủng khiếp đến độ phó vương tuyệt vọng bỏ vào rừng sâu để chết một mình. Khi đã cho trình vua cha, chàng rời hậu cung ra đi. Vương phi Sambulà kiên quyết theo chăm sóc chồng trong rừng thẳm. Hàng ngày nàng quét dọn lều cỏ, dâng nước cho chồng súc miệng, nghiền các loại cỏ thuốc thoa vào vết lở loét của chồng rồi vào rừng tìm trái cây ngon ngọt dâng cho chồng ăn. Một ngày kia trên đường đem trái cây về nhà thì nàng dừng lại bên một con suối để tắm rửa. Cả khu rừng bổng rực sáng lên vì dung sắc rực rỡ tỏa ra từ thân thể của nàng. Một ác dạ xoa thấy nàng liền mê mẩn và dọa sẽ ăn thịt nàng nếu nàng không chịu làm vợ nó. Nàng kêu than làm rung động đến Đức trời Đế Thích nên ngài buộc dạ xoa phải thả nàng ra và giam giữ dạ xoa để nó không thể trở lại làm hại nàng. Sau khi nương theo ánh trăng trở về ngôi lều cỏ của mình, nàng bị chồng có ý nghi ngờ lòng dạ của nàng nên nàng bảo:
- Tâu chúa công, dù chàng không tin thiếp, thiếp vẫn nói nhân danh chân lý và thiếp sẽ chữa bệnh cho chàng.
Thế là nàng rót đầy một bình nước để thực hiện một lời Ước Nguyện Chân Lý. Nàng đổ nước từ trên đầu chàng và ngâm bài kệ:
Ước mong chân lý, chốn nương thân
Thiếp chẳng yêu ai khác chúa công
Thiếp nguyện cầu xin nhờ nói thật
Bệnh chàng nay được chữa lành chăng?
Khi nàng thực hiện lời nguyện cầu chân lý vừa xong thì bệnh hủi của Sotthisena biến mất. Hai ngày sau họ rời khu rừng trở về hoàng cung. Nghe tin hai con đã trở về, phụ vương làm lễ sắc phong truyền ngôi lại cho con và xuất gia tu hành làm ẩn sĩ. Vua Sotthisena phong Sambulà làm chánh hậu nhưng không ban phát ân huệ gì cho nàng cả, ngay cả đời sống của nàng ông cũng không quan tâm mà chỉ hưởng dục lạc bên những mỹ nhân khác. Sambulà vô cùng đau khổ, trở nên hao mòn, bạc nhược. Phụ vương Sotthisena thấy vậy hỏi thăm thì nàng trình bày hết mọi chuyện. Ngài triệu vua tới và dạy:
Khó tìm được vợ chung tình,
Nam nhi tốt với vợ mình, khó sao,
Vương nhi đức hạnh dường nào,
Với chồng, nàng lại dạt dào tình thương.
Vậy giờ đây, hỡi quân vương,
Với Sambu, phải trọn đường thủy chung.
Vua biết lỗi của mình nên tạ lỗi cùng Sambulà và giao hết quyền hành cho nàng.
Vị vua cha ẩn sĩ chính là tiền thân của Đức Phật. -- (Tiền Thân Đức Phật, 519)
Ngoài việc tán thán chuyện vợ chồng chung thủy với nhau, đối đãi với nhau cho đúng pháp, Đức Thế Tôn còn giúp cuộc sống vợ chồng thêm an lạc bằng cách khuyến khích chúng sanh nên cố gắng duy trì điều học tránh xa sự tà dâm với các chi phần tỉ mĩ như không lang chạ với vợ, chồng người, cố gắng ngăn chận từng bước dẫn mình đến ác pháp qua bốn chi:
1- Người nữ không nên tà dâm, nghĩa là gái có người gìn giữ (Agamanīyaṭṭhānaṃ).
2- Tính tà dâm với gái đó (Tasmiṃ sevanācittaṃ).
3- Ráng sức tà dâm (Upakkamo).
4 - Đã tà dâm (Maggena maggappaṭipādanaṃ)
Như vậy chữ tình trong kinh tạng Pali là một chữ tình thật đẹp, có thủy, có chung, có cả đức hạnh và sự kham nhẫn cùng sự buộc ràng của giới đức. Vợ chồng nào hành trì đúng đắn giới đức này chắc chắn gia đình sẽ luôn an lạc, hạnh phúc, và những người chung quanh cũng sẽ được an vui theo. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là cốt tủy của chữ tình. Cái mục đích sau cùng của tình yêu mà Bậc Thiện Thệ muốn gởi gắm đến chúng ta là một cuộc sống đạo hạnh để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Muốn được như thế chúng ta phải luôn nhớ và hành theo lời Phật dạy:
Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen
-- (Kinh Pháp Cú câu 336)
Nguyện cho tất cả chúng sanh sẽ là những chiếc lá sen giải thoát giũ được những giọt nước sầu não.
NHƯ QUANG
Tài liệu tham khảo:
Đức Phật và Phật Pháp
Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ
Truy cập từ trang web: www.budsas.org
-ooOoo-