Luật nhân quả đang tác động nhanh lên ?
(Gửi vào: 7/18/2007 516 PM)
Nhân quả” hay “nghiệp báo” được các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, coi là một trong số những định luật tâm linh mang đậm nét thống kê mà sự tồn tại của nó không thể tách rời với thuyết “luân hồi”. Nhiều người bác bỏ luật “nhân quả” bằng lý lẽ rất đơn giản: “quả lành” hay “quả dữ” trong cuộc sống thực tế không tương xứng với các hành động “thiện” hoặc “ác” do mỗi cá nhân đã thực hiện.

Những người bảo vệ thuyết “nhân quả” đã phủ nhận điều đó bởi sự giải thích có vẻ khó tin nhưng hợp lôgic: không thể dựa vào sự thống kê “nhân quả” ghi nhận được để xét đoán bởi vì “nhân” và “quả” có thể phát sinh trong những “kiếp” khác nhau và luật “nghiệp báo” không phải là yếu tố duy nhất chi phối số phận mỗi người.

Có lẽ, sự phức tạp của vấn đề chính là ở chỗ đó! Nếu luật “nhân quả” tồn tại thì làm sao có thể biết được các hành động mà một cá nhân gây ra hôm nay sẽ tạo “quả” ở “kiếp” này hay những “kiếp” sau, các “quả” được hưởng hôm nay là do chính cá nhân đó đã tạo ra hay thừa hưởng từ những “kiếp” trước? Mức độ đúng, sai của luật “nhân quả” sẽ được thấy rõ hơn nếu đa số các hiện tượng “nhân quả” xảy ra ở “kiếp” hiện tại. Có người cho là tính chất này đã và đang thể hiện ở thời đại chúng ta.

Vào mấy thập niên gần đây, mỗi người có thể tự quan sát xung quanh mình và nhận thấy ngày càng có nhiều cá nhân gặt hái được quả “lành” hay “dữ” tương xứng với các hành động “thiện” hay “ác” mà họ đã tạo ra. Phải chăng luật “nhân quả” nói riêng và các quy luật tâm linh khác đang có tác động nhanh lên cùng với sự phát triển mau chóng và toàn diện của nền văn minh nhân loại? Vấn đề này phần nào được gợi mở nếu xuất phát từ những giáo lý của Đức Phật Thích Ca.

Phật giáo gọi các hành động hay việc làm có tác ý là “nghiệp”. Tác ý là ý chí hay ý muốn, được hình thành thông qua tư tưởng. Quả là phản ứng của hành động. Nghiệp tạo quả ở kiếp nào là tuỳ thuộc tác ý tương ứng. Các hành động vô ý không có khả năng tạo quả. Để có cách nhìn cụ thể về thời hạn trổ quả, Phật giáo đã đưa ra khái niệm “lộ trình tư tưởng”. Mỗi lộ trình tư tưởng được chia thành 17 chập: 3 chập Bhavanga (yếu tố cơ bản duy trì đời sống hay yếu tố liên tục sinh tồn), 5 chập khác đóng vai trò tiếp nhận đối tượng, 7 chập Javana và 2 chập đăng ký.

Javana là danh từ Phạn ngữ, rất khó dịch ra các ngôn ngữ khác. Nó được một số học giả dịch là “trực cảm” hay “xung lực”. Javana theo đúng văn tự có nghĩa là “chạy” bởi vì trong sự tiến triển của “tâm”, mỗi loại thường phát sinh trong một, hai hay ba chập tư tưởng; chỉ có Javana phát sinh trong bảy chập lúc bình thường và năm chập lúc lâm chung. Javana là một giai đoạn tối quan trọng của lộ trình tư tưởng vì chính ở những thời điểm đó hành động thiện hay ác được quyết định hoàn toàn.

Điều cần lưu ý đặc biệt là các thành phần của Javana có vai trò tạo quả với mức độ mạnh yếu khác nhau. Trong bảy chập của tiến trình Javana, chập đầu có năng lực tạo nghiệp yếu hơn cả nên các hành động được quyết định ở thời điểm đó dẫn đến phát sinh quả ở kiếp hiện tại (hiện nghiệp). Nếu không làm trổ quả trong kiếp hiện tại thì hiện nghiệp sẽ mất tác dụng (nghiệp vô hiệu lực).

Thành phần yếu kế tiếp của Javana là chập thứ bảy. Nghiệp ứng với chập này làm trổ quả ở kiếp sau hiện tại (hậu nghiệp). Nghiệp loại đó cũng trở nên vô hiệu lực nếu chưa tạo được quả trong thời hạn quy định.

Nghiệp ứng với năm chập tư tưởng còn lại của Javana có thể làm trổ quả bất cứ lúc nào trong vòng luân hồi kể từ sau kiếp hiện tại (nghiệp vô hạn định). Nghiệp loại này không thể bị mất hiệu lực vì năng lực tác động đủ mạnh để duy trì được lâu dài.

Dựa vào những điều trình bày ở trên về “lộ trình tư tưởng”, có thể đưa ra sự lý giải nhất định đối với mức độ tác động nhanh hơn của luật nhân quả mà Phật giáo thừa nhận. Thực vậy, sự phát triển mạnh mẽ của xã hội loài người trong những thập niên gần đây có ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi cá nhân. Các hành động thiện hoặc ác của con người ngày càng được quyết định nhanh hơn trong tiến trình tư tưởng. Với nhiều người, hai cực “thiện” và “ác” ngày càng được hình thành rõ rệt nhờ quan niệm mạnh hơn về nhu cầu hưởng thụ vật chất hoặc tâm linh. Trong điều kiện đó mỗi cá nhân dễ dàng đi đến hành động thiện hoặc ác chỉ trong khoảnh khắc, tức là hành động được quyết định ngay tại chập thứ nhất của tiến trình Javana. Nói cách khác, trong xã hội đương đại mức độ “hiện nghiệp” ngày càng tăng lên, kéo theo sự trổ quả đa dạng, tương xứng với những hành động mà mỗi cá nhân đã tạo ra có chủ ý. Thêm vào đó, sự phát triển các yếu tố tích cực và tiêu cực trong đời sống xã hội đóng vai trò đáng kể rút ngắn khoảng cách giữa nhân và quả, làm cho số hiện nghiệp trở nên có hiệu lực nhiều hơn.

Như vậy, con người hiện đại đang có cơ hội để kiểm nghiệm phần nào mức độ phù hợp của luật nhân quả. Niềm tin nhất định vào quy luật tâm linh đó có thể giúp cho mỗi cá nhân tránh được những lỗi lầm chủ tâm và có thêm nhiều hành vi hướng thiện.