Vài nét về sự phát triển của Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam
Tỳ kheo Thiện Minh

I. TỪ LÚC THÀNH LẬP CHO ĐẾN NĂM 1975
Trong khoảng thời gian này, Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thiết lập một nền tảng sinh hoạt có phong cách đặc thù so với truyền thống đạo Phật Việt Nam đương thời. Vì mới thiết lập nên các vị Tăng trong phái đoàn hoằng pháp của Hòa thượng Hộ Tông bận rộn đối phó nhiều vấn đề liên quan đến sự giao tiếp với các tôn giáo và các hệ phái Phật giáo cũng như quần chúng Phật tử.
Qua cả một quá trình phấn đấu liên tục, các vị Hòa thượng mới tổ chức được các buổi thuyết giảng Phật pháp đều đặn, trước tác và dịch thuật kinh điển để phổ biến trong quần chúng Phật tử về những điểm đặc thù của Phật giáo Nguyên thủy. Bên cạnh đó, các vị cũng tập hợp truyền giảng cho kiều bào ở Campuchia và có những liên hệ ngoại giao gặp gỡ các giới lãnh đạo Phật giáo Nguyên thủy trên thế giới để được hỗ trợ trong công cuộc hoằng pháp tại Việt Nam.
Khi tình hình tạm ổn thì Pháp nạn xảy ra, chế độ Nhu Diệm đàn áp Phật giáo trong đó có Phật giáo Nguyên thủy nói riêng. Mặc dù Phật giáo Nguyên thủy trong giai đoạn đầu gặp vô vàn trở ngại nhưng nói chung, phát triển rất sôi nổi. Trong thời gian này, cả Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam lẫn Tổng hội Cư sĩ hoạt động rất có hiệu quả. Sau đây chúng tôi xin điểm qua một số hoạt động nổi bật của Phật giáo Nam tông Việt Nam trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam.
a. Về vấn đề xuất bản kinh sách
Xuất bản kinh sách là một công tác rất quan trọng trong việc hoằng pháp, để truyền bá tư tưởng Phật giáo, giúp quần chúng thông hiểu giáo pháp. Thấy được tầm quan trọng đó, phái đoàn hoằng pháp của Hòa thượng Hộ Tông đã thành lập Ban Phiên dịch kinh điển và cho ra mắt tạp chí ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP, xuất bản số đầu tiên tại Tổ đình Sùng Phước ở Phnom Penh. Khi Phật giáo Nguyên thủy được vững mạnh ở Việt Nam, các vị vẫn liên tục trước tác, dịch thuật nhiều kinh điển từ nguồn Pàli và các sách từ các nguồn ở nước ngoài sang Việt ngữ.
Chính nhờ tạp chí Ánh sáng Phật pháp và các kinh điển dịch thuật, các sách trước tác trên đã gây ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức, sinh viên và Phật tử. Nhờ vậy, người Việt Nam dần dần quen với sinh hoạt và giáo lý Phật giáo Nguyên thủy. Từ đó, có nhiều vị cư sĩ nhờ đọc kinh điển và qua tạp chí, quyết định xuất gia tu học để truyền bá chánh pháp. Điểm hạn chế trong giai đoạn này là các vị tiền bối chưa khai thác đúng mức phần dịch thuật Tam tạng lẫn chú giải kinh điển hệ Pàli, có lẽ vì không đủ thời gian, và các vị chỉ muốn chọn những kinh điển cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu Phật tử trong giai đoạn đầu.
Trong giai đoạn này, có hơn 120 tác phẩm dịch thuật lẫn trước tác với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng thường xoay quanh vào ba thể loại chính: kinh tụng niệm, giáo lý căn bản và từ điển Pàli. Các tác giả, dịch giả tiêu biểu là chư vị Hòa thượng Hộ Tông, Bửu Chơn, Giới Nghiêm, Tịnh Sự, Hộ Giác, và các cư sĩ Huỳnh Văn Niệm, Trùng Quang, Hồ Đắc Thăng, Phạm Kim Khánh, v.v...
b. Gửi Tăng Ni đi du học
Từ khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được chính thức công nhận, vào năm 1957, các vị Hòa thượng có thêm điều kiện dễ dàng để hoạt động Phật sự trong nước và ngoài nước. Trong nước, Giáo hội tổ chức giới đàn Tỳ kheo, Sa di và Tu nữ để đào tạo Tăng tài cho thế hệ sau. Ngoài nước, Giáo hội liên hệ với các tổ chức Phật giáo Nam tông trên thế giới để xin học bổng, gửi chư Tăng Việt Nam đi du học. Sau đây là các vị được Giáo hội gửi đi du học: - Các Đại đức Kim Triệu, Dũng Chí, Pháp Nhẫn, Tâm Lực, Nguyệt Quang du học Ấn Độ; - Các Đại đức Kim Quang, Giác Minh, Tịnh Giác, Hộ Pháp, Tịnh Đức, Chơn Trí, Thiện Dũng, Trí Minh du học Thái Lan; - Các Đại đức Hộ Nhẫn, Sư cô Diệu Đáng du học Myanmar; - Các Đại đức Đức Minh, Giác Tuệ du học Pháp.
Như vậy có hơn 15 vị Đại đức được gửi du học ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Pháp và Sri Lanka. Những vị này có trình độ Phật học tương đối cao ở Việt Nam nên tiếp thu dễ dàng các kiến thức mới khi sang du học ở nước ngoài. Tất cả đều thành công và hoàn thành học vị theo nguyện vọng của Giáo hội. Điều đáng tiếc do hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời đó nên có vị học xong không muốn về nước, trái lại tiếp tục đi tu học tại những nước khác. Mặc dù vậy, các vị đó rất thành danh trong việc hoằng pháp ở xứ lạ như ở Pháp, Mỹ, Thái Lan. Còn những vị trở về nước thì kết hợp với các vị Hòa thượng tiền bối để hoằng pháp, giáo dục đào tạo thế hệ Tăng trẻ Việt Nam. Tuy nhiên các Phật sự này chỉ thành công tuyệt đối ở giai đoạn đầu, còn giai đoạn giữa và cuối thì thưa và mất dần. Lý do là vì chiến tranh liên tục diễn ra, một số các vị tu sĩ hoàn tục và thêm vào đó, những vị Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Nam tông đột ngột viên tịch quá sớm.
c. Mở Phật học viện
Do nhu cầu Tăng chúng mỗi ngày một đông, và với nhiều vị đã tốt nghiệp tiến sĩ từ Ấn Độ về nước, Giáo hội nhận thấy đã đến lúc cần phải mở những Phật học viện để đào tạo thế hệ Tăng tài để kế thừa. Cho nên các Phật học viện Pháp Quang, Phật Bảo, Nam Tông và Nguyên Thủy được thành lập. Giám đốc những Phật học viện trên đa phần là những vị đã tốt nghiệp tiến sĩ như các Đại đức Dũng Chí, Thiện Giới.
Về mặt tổ chức và chương trình giảng dạy trong các Phật học viện rất quy mô, theo hệ thống giáo dục các tổ chức Phật giáo Nam tông trên thế giới. Giáo sư giảng dạy là những vị tốt nghiệp tiến sĩ, tốt nghiệp ở Việt Nam và thỉnh thoảng thỉnh những vị giáo sư nước ngoài như ở Sri Lanka, Myanmar v.v... Nói chung, các Phật học viện hoạt động khả quan, đào tạo nhiều vị Tăng tài cho Giáo hội. Mặc dù chỉ tốt nghiệp trung đẳng Phật học, nhưng trên nền tảng đó, Giáo hội gửi sang Đại học Vạn Hạnh và du học nước ngoài để các vị tiếp tục con đường tu học.
d. Xây dựng chùa tháp
Trong việc truyền bá Phật pháp, xây dựng cơ sở hạ tầng chùa tháp là điều quan trọng, vì đó là cơ sở hoằng pháp và là điểm trú xứ của chư Tăng. Tuy nhiên trong thời gian đó, không có nhiều chùa tháp được xây dựng như ngày nay. Lý do là các vị Hòa thượng bận nhiều Phật sự của Giáo hội.
Trong số các chùa tháp được xây dựng, mặc dù lối kiến trúc chưa đạt đến trình độ như những nước xem Phật giáo Nam tông là quốc giáo, nhưng qua các chùa như Kỳ Viên, Pháp Quang, Tam Bảo, Thiền Lâm và Thích Ca Phật đài, chúng ta thấy được sự nỗ lực đáng trân trọng trong việc phát huy xây dựng chùa tháp ở Việt Nam của phái đoàn Hòa thượng Hộ Tông.
Công trình kiến tạo chùa tháp vĩ đại có tầm cỡ quốc gia là Thích Ca Phật đài. Người ta sẽ cảm nhận từ tháp, chùa, Phật cảnh và cổng tam quan có một lối kiến trúc rất độc đáo của Phật giáo Nguyên thủy nhưng tinh thần dân tộc tính không bị lãng quên. Hoàn thành năm 1963, có tiếng vang rất lớn trong các tôn giáo bạn. Từ cơ sở trên, ít nhiều cũng khẳng định được vị trí lớn mạnh của Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam.
e. Hoạt động trong Phật giáo quốc tế
Tuy Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam mới thành lập nhưng đã có một vị trí quan trọng trong Hội Phật giáo Thế giới. Hòa thượng Bửu Chơn đã từng là Cố vấn Hội Phật giáo Thế giới. Ngài và các vị cao tăng thỉnh thoảng được mời tham dự hội nghị Phật giáo thế giới tại Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, v.v...
Giáo hội thường xuyên liên lạc thư từ với các tôn giáo bạn tại các quốc gia trên khắp thế giới như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Singapore, v.v... , đã được phúc đáp thư từ hoặc gửi biếu kinh sách như hội ở Sri Lanka (Buddhist Publication Society), hội ở Đài Loan (Bodhi Drum Publication), v.v... Nhờ vậy nên chư Tăng Việt Nam có rất nhiều cơ hội được tặng học bổng để du học tại các nước Phật giáo Nam tông trên thế giới.
Điều đáng ghi nhận ở đây là Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam là một thành viên chính trong buổi lễ bế mạc kỳ Kết tập kinh điển lần thứ VI tại Myanmar.
f. Hoạt động từ thiện xã hội
Về phương diện hoạt động từ thiện, Phật giáo Nguyên thủy có phần giới hạn so với các hệ phái khác. Chư Tăng chú trọng đến phần tu tập nhiều hơn công tác xã hội. Tuy Giáo hội Tăng già không trực tiếp hoạt động từ thiện xã hội, nhưng lúc nào cũng động viên và cố vấn Tổng hội Cư sĩ Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thực hiện mạnh mẽ phong trào phụng sự xã hội. Theo bản tường trình công tác do Giáo hội đã thực hiện từ ngày 1-1-1968 đến ngày 31-12-1969 thì về phần hoạt động xã hội, trong những ngày biến cố Tết Mậu Thân, Giáo hội tổ chức các cuộc lạc quyên nội bộ để cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến tranh tại khắp các nơi như sau:
Đợt I tại Sài Gòn: Cứu trợ nạn nhân chiến tranh tại khu chợ Bàn Cờ, Sài Gòn và Trung tâm tị nạn An Dưỡng Địa, số tiền là 42.828 đồng, tặng phẩm 43 hộp thuốc chích ngừa dịch tả, 178 lọ Péniciline, 1000 viên Nivaquine, 1kg thuốc Aspérine, 8 lít Alcool, 5 hộp Pommade, 20 chai Teinture d' Iode, và một tấn gạo.
Đợt II, tại Sài Gòn: Ủy lạo bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Tổng y viện Cộng Hòa, khu phố bị trúng đạn tại đường Bùi Viện, Sài Gòn, ấp Phú Trung II thuộc Phú Thọ Hòa, 13 chùa tại Sài Gòn và Gia Định. Tổng cộng số tiền là 230.330 đồng. Tặng phẩm gồm có đường, sữa, dầu, bánh mì, thuốc, gạo.
Đợt I tại Huế: Cứu trợ đồng bào nghèo ở Huế. Số tiền 115.778 đồng. Tặng phẩm gồm gạo, sữa, dầu hôi, muối v.v...
Đợt II tại Huế: Cứu trợ đồng bào nghèo ở Huế. Số tiền là 206.900 đồng. Tặng phẩm gồm gạo, chiếu, sữa, quần áo v.v...
Đợt III tại Huế: Cứu trợ đồng bào nghèo ở Huế. Số tiền 12.270 đồng và nhiều tặng phẩm.
Qua bản báo cáo trên, chúng ta thấy vấn đề hoạt động từ thiện của Phật giáo Nguyên thủy và Tổng hội Cư sĩ vẫn thể hiện tấm lòng "lá lành đùm lá rách" khi đất nước và người Việt gặp những khó khăn do chiến tranh hoặc bị thiên tai.
g. Hoằng pháp
Đức Phật dạy bậc xuất gia có hai bổn phận phải làm: học pháp và hành pháp. Từ hai nền tảng căn bản, chư Tăng đem giáo lý của Đức Phật giảng dạy cho hàng cư sĩ tại gia áp dụng tu tập và hành trì. Vì thế công việc hoằng pháp là một yêu cầu rất hệ trọng đối với chư Tăng Phật giáo Nam tông. Phật tử hiểu đuợc Phật pháp thì thực hành mới có kết quả và mới bảo tồn đuợc Chánh pháp. Do đó trong thời kỳ sơ khai của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, các vị Hòa thượng trong phái đoàn truyền giáo của ngài Hộ Tông phát huy cực mạnh công tác hoằng pháp độ sinh.
Trong giai đoạn đầu chỉ có khoảng bốn hoặc năm trung tâm hoằng pháp, đa số đều ở ngoại ô Sài Gòn - Gia Định, chỉ có trụ sở Kỳ Viên tự là trung tâm Sài Gòn. Điều đó ít nhiều cũng hạn chế việc phổ biến giáo lý Nguyên thủy. Tuy nhiên chủ truơng của quý Hòa thượng là trong bất cứ cuộc lễ lớn hoặc nhỏ, như lễ giỗ, cầu an, cầu siêu, trai tăng, hai ngày sám hối 14 và 30 trong tháng, đều có tổ chức chương trình thuyết pháp. Các Pháp sư trong giai đoạn này gồm có: Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Huệ Nghiêm, Hòa thượng Hộ Tông, Thượng tọa Giới Nghiêm, Thượng tọa Hộ Giác, Thượng tọa Thông Kham v.v...
Tại Bửu Quang tự, Hòa thượng Thiện Luật, Bửu Chơn và Hộ Tông là những vị pháp sư đầu tiên thuyết pháp giảng đạo để gây lòng tin trong một số Phật tử nòng cốt để phát triển Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam. Những nguời Phật tử đó là các ông Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương, hội đồng Hườn, xã trưởng Bùi Văn Hứa, ông Quyên, ông Cầm, ông Mum, ông Phước, ông Minh, ông Ngưu, ông Nhân, ông Núi, ông Tâm, ông Tịnh, Tám Vĩnh, Bảy Quyền, phó huơng quản Sách, ông Hai Ta. Về tín nữ có bà Cả, bà Tích, chị Ba, cô Tư thợ may, bà Bảy Thao, bà Năm Nhiều, bà Tư Ốm, bà Ba v.v...
Tại Kỳ Viên tự, các vị Hòa thượng trong phái đoàn hoằng pháp của Hòa thượng Hộ Tông thường xuyên thuyết giảng Phật pháp vào những ngày sám hối (14 và 30 âm lịch). Cụ thể và thường xuyên nhất là Pháp sư Thông Kham. Những bài giảng của pháp sư vừa thực tế vừa chuyển tải nội dung giáo lý được diễn đạt rất mới mẻ, trích từ Tam tạng Pàli, nên lôi cuốn rất nhiều Phật tử đến quy y Tam bảo theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy.
Thêm vào đó, trong những đạo tràng của Phật giáo Bắc truyền, Thượng tọa Pháp sư Hộ Giác cũng thường được thỉnh giảng kinh điển Nguyên thủy cho Phật tử. Mỗi buổi giảng của Thượng tọa giúp cho hàng Phật tử tại gia hiểu thêm về kinh điển truyền thống Nguyên thủy của Đức Phật vốn đã bị mờ nhạt tại quê hương Việt Nam dưới nền giáo lý Đại thừa Bắc tông đã có mặt hàng ngàn năm lịch sử. Không chỉ hàng cư sĩ tại gia mà còn cả hàng xuất gia nữa đã ý thức tầm quan trọng của kinh điển Nguyên thủy.
Tại trung tâm hoằng pháp Tam Bảo tự (Đà Nẵng), các Hòa thượng Thiện Luật, Bửu Chơn và Giới Nghiêm thuyết giảng Phật pháp đến các giới Phật tử rất thành công. Trung tâm này đã thu hút giới Phật tử đến quy y và xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy rất đông. Từ nền tảng đó, nhiều ngôi chùa ở các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Đà Lạt được thành lập và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
II. TỪ 1975 ĐẾN NAY (2003)
Sau năm 1975, tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế, do đó Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng chung. Tất nhiên quốc gia nào cũng vậy, sau chiến tranh thì phải hàn gắn lại những gì bị đổ nát, muốn khôi phục lại phải có một thời gian tương đối nào đó. Nước ta mất hơn 15 năm để phục hưng lại những gì mà chiến tranh gây ra. Trước những thử thách to lớn đó, nước Việt Nam và con người Việt Nam vẫn kiên trì, nhẫn nại, phấn đấu, nỗ lực trong khả năng những gì mình đã có để khắc phục lại những khó khăn trên.
Khoảng 10 năm sau khi thống nhất đất nước, có thể nói các hoạt động trong nhiều lĩnh vực của cộng đồng Phật giáo rất khiêm tốn trong khuôn khổ của Nhà nước cho phép. Gần đây, Nhà nước đã có nhiều đổi mới về nhiều lĩnh vực nên Phật giáo cũng khởi sắc theo, trong đó có Phật giáo Nam tông.
a. Xuất bản kinh sách
Trong 10 năm đầu sau khi thống nhất đất nước, kinh sách Phật giáo được xuất bản rất ít, chỉ có đôi ba tác phẩm được xuất bản với giấy in có chất lượng rất xấu trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế. Các sách của những tôn giáo bạn, các sách giáo dục phổ thông, v.v... đều chịu chung ảnh hưởng đó. Thêm vào đó, kinh sách Phật giáo Nam tông lại rất hiếm, dù rằng giáo lý rất thực dụng trong quần chúng. Hiếm là vì nhiều kinh điển chưa được dịch sang tiếng Việt và chưa có nhân sự chính thức để dịch Tam tạng lẫn chú giải từ nguồn Pàli tạng.
Điều đáng mừng là tạng Kinh tạng Nikaya (Sutta Pitaka) đã được Hòa thượng Thích Minh Châu tiếp tục chuyển ngữ và được ấn hành. Dư luận trong giới Phật giáo và quần chúng Phật tử rất hoan hỷ đón nhận. Trước đây, chư Tăng Ni và Phật tử Bắc tông muốn tìm hiểu Kinh tạng Nam tông thì lại không có tư liệu đầy đủ. Cho nên tạng kinh Nam tông ra đời giúp cho bộ phái Bắc tông và Nam tông có sự hiểu biết và thông cảm cho nhau.
Đồng thời theo chiều hướng phát triển tốt của tạng kinh, Hòa thượng Siêu Việt kết hợp với các đệ tử của ngài Hòa thượng Tịnh Sự thành lập Ban Tu thư tạng Luận tại chùa Nam Tông, huyện Bình Chánh, để biên tập các dịch phẩm của Hòa thượng Tịnh Sự. Mặc dù công tác đó chưa hoàn tất trọn vẹn, trên căn bản đó đến nay Thượng tọa Giác Chánh, Đại đức Giác Giới và cư sĩ Định Tri đã sửa chữa, in ấn gần hoàn tất 7 bộ A Tỳ Đàm Pàli (Vi Diệu Pháp, Abhidhamma Pitaka), với hơn 15 cuốn.
Thêm vào đó, Thượng tọa Tăng Định và Đại đức Thiện Minh ở chùa Kỳ Viên; Thượng tọa Giác Chánh, Đại đức Giác Giới, Đại đức Giác Nguyên ở chùa Siêu Lý; Thượng tọa Viên Minh và Thượng tọa Hộ Pháp ở chùa Bửu Long; Thượng tọa Giới Đức và Thượng tọa Pháp Tông ở chùa Huyền Không; Đại đức Minh Huệ ở chùa Phước Hộ; Thượng tọa Hộ Chơn ở chùa Bửu Thắng, đã trước tác và dịch thuật hơn 50 tác phẩm, gồm nhiều thể loại khác nhau: thơ, truyện ngắn, hành thiền, giáo lý căn bản, chú giải kinh Pháp Cú, giảng giải Vi Diệu Pháp v.v... cung cấp cho giới Phật giáo và đồng bào Phật tử thêm nhiều tư liệu kinh sách tiếng Việt để tham khảo và học tập.
b. Gửi Tăng Ni đi du học
Phong trào du học của chư Tăng Nam tông rất khả quan trước 1975. Tuy nhiên sau khi đất nước giải phóng, do tình hình chung, nhiều tu sĩ không được đi du học. Thay vào đó, chư Tăng tham gia những khóa học trong nước như trường cơ bản, trường cao cấp Phật học hoặc tham dự các khóa giảng sư do Ban Hoằng pháp GHPGVN tổ chức. Tuy không được xuất dương du học nhưng nhờ học như vậy nên Tăng sĩ ở Việt Nam có một trình độ Phật học căn bản rất tốt.
Năm 1994, nhân dịp Hòa thượng Thích Minh Châu tham dự Đại hội Phật Giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP), Giáo hội Tăng già Sri Lanka tặng Hòa thượng hai suất học bổng cho Tăng sinh Nam tông được du học tại đất nước này. Trường Cao cấp Phật học Việt Nam và Phật giáo Nam tông chọn Đại đức Bửu Hiền và Đại đức Hộ Phạm lên đường sang Sri Lanka du học. Sự du học của hai Đại đức là đánh dấu đầu tiên của những Tăng sĩ Nam tông được du học sau năm 1975.
Tiếp theo chiều hướng tốt đẹp đó và tình hình đất nước mở cửa kinh tế, nhiều Tăng Ni Phật giáo Nam tông lần lượt được GHPGVN và chính phủ Việt Nam cấp phép lên đường du học ở Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar.
Nói chung phong trào du học sau năm 1975 không thua kém gì trước đó, trái lại số lượng tốt nghiệp cao học tăng nhiều hơn. Điều đáng chú ý là trong số lượng du học sau này, có thêm đội ngũ Ni giới giúp cho các hoạt động hoằng pháp của Nam tông thêm phần khởi sắc.
c. Mở Phật học viện
Đa số chư Tăng Nam tông có khả năng đều tham dự những khóa học của trường cao cấp Phật học hoặc truờng cơ bản của GHPGVN, vì đây là hệ thống giáo dục chung của Giáo hội. Hệ thống giáo dục này đào tạo cả hai hệ tư tưởng Nam truyền và Bắc truyền. Chương trình giáo dục này có điểm không phù hợp cho giới Tăng sĩ Nam tông. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Giáo hội chưa mở một phân khoa Phật học riêng cho Phật giáo Nam tông, vì số Tăng sĩ còn quá ít và cũng chưa có vị cao tăng nào đủ pháp lý, học vị để chịu trách nhiệm tổ chức phần giáo dục này.
d. Xây dựng chùa tháp
Chùa tháp kiến tạo thêm thì ít, trong lúc đó, chính quyền địa phương lại mượn một số chùa, tịnh xá làm cơ sở công ích. Lý do là Giáo hội không đủ nhân sự trực tiếp quản lý các chùa đó. Thí dụ như các chùa Huệ Quang (Bình Định), chùa Như Ý (Nha Trang), chùa Bửu Sơn (Đà Lạt), chùa Pháp Quân (Tùng Nghĩa), chùa Bồ Đề (Vũng Tàu), Thích Ca Phật đài (Vũng Tàu), Phước Hải (Tiền Giang), Tam Bảo (Phan Thiết) v.v... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ số Tăng sĩ gia tăng và chính sách Nhà nước đổi mới nên có một số chùa được trả lại cho Giáo hội để hoạt động Phật sự, như Thích Ca Phật đài, Phước Hải, Tam Bảo.
Hưởng ứng theo chủ trương của Nhà nước, các Thượng tọa Tâm Hỷ, Giác Chánh, Thiện Pháp và các vị Đại đức Bửu Chánh, Chánh Định, Chánh Tâm, Minh Huệ, Chơn Thiện, Trí Đức, Tuệ Quyền tham gia thực hiện chương trình khai phá vùng kinh tế mới ở Long Thành, đồng thời các vị cũng mở mang thêm chùa tháp ở các vùng trong tỉnh Đồng Nai, như các chùa Thiền Quang I, Thiền Quang II, Quảng Nghiêm, Tam Phước, Ngọc Đạt, Y Sơn, Phước Hộ, Cồ Đàm, Bửu Đức, Linh Phú, Từ Thiện, Thái Hòa, Quang Minh, Phước Huệ. Tuy những ngôi chùa này không hoạt động mạnh mẽ như những chùa Nam tông ở thành phố nhưng đó là một dấu ấn thành công lớn của các vị Tỳ kheo đã tích cực hoạt động phụng sự giáo pháp. Đồng thời Thượng tọa Viên Minh cũng mở thêm Thiền viện Viên Không ở Bà Rịa-Vũng Tàu với ý định thành lập một làng Thiền của Phật giáo Nam tông.
Trong điều kiện kinh tế thuận lợi, gần đây, một số chùa được trùng tu như chùa Bửu Long, chùa Bửu Thắng, chùa Pháp Quang, chùa Siêu Lý rất khang trang, rộng rãi, tiện lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng của Phật tử trong những ngày lễ lớn.
e. Hoạt động trong Phật giáo quốc tế
Kể từ năm 1981, khi thống nhất Giáo hội thì Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trở thành một thành viên của GHPGVN. Lại nữa sau năm 1975, trong tình hình chung của đất nước nên việc ngoại giao với Phật giáo Nam tông của các quốc gia bạn bị giới hạn.
Hòa thượng Siêu Việt, Thượng tọa Thiện Tâm, Thượng tọa Hộ Pháp và Thượng tọa Tăng Định, Thượng tọa Bửu Chánh, Thuợng tọa Minh Giác, Đại đức Thiện Minh, Đại đức Thiện Hạnh, Đại đức Pháp Chất đều có tham gia hoạt động trong Ban Phật giáo Quốc tế, nhưng việc hoạt động này mang tính chất chung trong ngôi nhà GHPGVN.
Năm 1997, Hòa thượng Siêu Việt và Thượng tọa Thiện Tâm tổ chức tiếp đón phái đoàn Phật giáo Campuchia do Hòa thượng Um Sum làm trưởng đoàn. Sự viếng thăm Việt Nam của phái đoàn Phật giáo Campuchia với chủ ý là để cám ơn Nhà nước Việt Nam và Phật giáo Nam tông Việt Nam đã giúp đỡ phục hồi Phật giáo Campuchia sau nạn diệt chủng của Khmer đỏ.
Khoảng năm 1990, do tình hình đất nước mở cửa, Thượng tọa Hộ Pháp liên lạc với các trường Phật giáo Nam tông trên thế giới để gửi Tăng sinh Nam tông du học. Kết quả là có 8 vị được sang Myanmar và 2 vị sang Thái Lan tu học. Cũng trong thập niên này Thượng tọa Thiện Tâm và phái đoàn GHPGVN sang Đài Loan và Thái Lan dự các hội nghị Phật giáo quốc tế.
Song song với chiều hướng đổi mới đó, Thượng tọa Tăng Định được gửi sang Myanmar nghiên cứu các pháp hành thiền và gặp gỡ nhiều vị Đại thiền sư để học pháp, nhằm mục đích khi về nước xiển dương pháp hành Tứ niệm xứ cho các Phật tử trong nước. Sự có mặt của Thượng tọa Tăng Định ở Myanmar đã làm cho các vị thiền sư rất hoan hỷ khi biết Phật giáo Nam tông Việt Nam đang phát huy pháp hành thiền tuệ. Các ngài hứa nếu đủ duyên sẽ sang Việt Nam hướng dẫn thêm những khóa tu đặc biệt cho các Phật tử tu theo pháp môn này.
Trong năm 2000, Đại đức Thiện Minh đã sang Trung tâm Phật giáo Amaravati, Anh quốc, nhập hạ và tu học. Đây là một trung tâm nổi tiếng ở đất nước này. Trung tâm Phật giáo Amaravati hiện nay là trụ sở của Giáo hội Tăng già Anh quốc.
f. Hoạt động từ thiện xã hội
So với các tông phái khác, hoạt động từ thiện xã hội của hệ phái Nam tông tương đối khiêm nhuờng. Tuy vậy, hệ phái Nam tông cũng đã tích cực đóng góp cứu trợ sau những trận thiên tai ở miền Trung hoặc miền Tây Nam Bộ.
Các Thượng tọa Viên Minh, Thiện Pháp, Giới Đức, Pháp Tông, Tuệ Tâm, Pháp Cao, Tăng Định, Chánh Niệm, Pháp Chất, và các Đại đức Chánh Định, Tuệ Quyền, Thiện Đạt, Thiện Minh... cùng chư Tăng và Phật tử hệ phái sẵn sàng vận động đồng bào Phật tử trong hoặc ngoài nước để kịp thời cứu trợ khi có thiên tai xảy ra. Thống kê của Phật giáo Nam tông cho biết, trong năm 1999 và năm 2000, hệ phái đã cứu trợ đồng bào ở miền Trung và sáu tỉnh miền Tây bị thiên tai gần một tỷ đồng, gồm có tiền mặt và quà biếu như đường, nước tương, gạo, quần áo. Năm 2002, chùa Kỳ Viên đi cứu trợ các tỉnh miền Tây khoảng 8 chuyến, mỗi chuyến trị giá khoảng 30.000.000 đồng. Đồng thời trong năm này, Tăng Ni Phật tử chùa Kỳ Viên và Phật tử hải ngoại tài trợ chuơng trình "Đem lại ánh sáng cho nguời mù nghèo", cụ thể là mổ cườm 100 ca, mỗi ca trị giá 500.000 đồng, v.v...
g. Hoằng pháp
Trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất (1975), nhà nước và nhân dân cùng nhau xây dựng xứ sở trong bối cảnh mới đầy khó khăn. Do đó việc hoằng pháp của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nguyên thủy nói riêng cũng bị giới hạn. Mặc dù vậy, trong những cuộc lễ lớn hoặc nhỏ chư Tăng vẫn đều duy trì thời thuyết giảng Phật pháp cho hàng tại gia. Đặc biệt nhất là những ngày lễ Dâng y, mỗi chùa tổ chức một ngày trong mùa Dâng y (16 tháng 9 âm lịch đến 15 tháng 10 âm lịch) đều có chương trình thuyết pháp.
Bên cạnh đó, những chùa nào có đủ điều kiện đều tổ chức thuyết pháp sám hối lệ hàng tháng (một tháng có hai kỳ) để tạo điều kiện cho Phật tử học tập giáo lý và gìn giữ truyền thống. Điển hình là các chùa Pháp Quang, Phổ Minh, Từ Quang, Giác Quang, Nam Tông, Siêu Lý, Trúc Lâm, Bửu Thắng, Phật Bảo, Thiền Quang 1 (Long Thành), Phước Hải (Vũng Tàu), Pháp Bảo (Mỹ Tho), Siêu Lý (Vĩnh Long), Tam Bảo, Thiền Đường (Bình Phước), Bửu Long, Huyền Không v.v...
Tóm lại, trước và sau 1975, công tác hoằng pháp của Phật giáo Nam tông đã khá thành công và đã để lại nhiều thành quả đáng kể.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Tối Thiện, Lịch sử truyền bá Phật giáo Nguyên thủy, xuất bản 1990.
- Nguyễn Văn Sáu, Lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, ấn hành 1987.
- Các công văn của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy VN.