"Nhất đại tông sư" Trung Quốc bị bóc mẽ: Ảo diệu hơn cả Nam Huỳnh Đạo, "lên Thánh" bằng... võ mồm




Những cao thủ võ thuật cổ truyền Trung Quốc thời nay đã bị Từ Hiểu Đông "bóc mẽ" không ít. Song đến huyền thoại võ thuật hàng đầu lịch sử, hóa ra cũng là "chém gió" nốt.



Công phu cao thâm đến mức thần thoại

Với những gì được lưu truyền trong giới võ thuật Trung Quốc, bao quanh Tôn Lộc Đường là một màn sương khói đậm chất thần thoại, khiến cái danh xưng "Nhất đại tông sư" của võ thuật Trung Quốc thêm phần lung linh. Nhưng càng đọc, lại thấy lộ ra quá nhiều phần... bịp bợm.
Theo những gì được lưu truyền lại, Tôn Lộc Đường tên là Phúc Toàn, hiệu là Hàm Trai. Ông là người huyện Hoàn tỉnh Hà Bắc, sinh tháng 12 năm 1860, thời kỳ Hàm Phong. Từ nhỏ, ông đã là người thông minh tuyệt đỉnh, tính tình trầm tĩnh hào hiệp. Cha ông là quan thất phẩm Văn lâm lang, thích làm việc thiện nổi tiếng trong làng. Tôn Lộc Đường 7 tuổi vào học trường tư thục, theo quyền sư luyện quyền.

Tôn Lộc Đường là danh gia Hình ý quyền, Bát quái quyền, Thái cực quyền. Thái cực quyền do ông tự sáng tạo gọi là Tôn thị Thái cực quyền, ông được mọi người tôn xưng là "Hổ đầu thiếu bảo", "Thiên hạ đệ nhất thủ". Trong cả cuộc đời, ông đã có vô số lần thử sức với người khác, chưa một lần thất bại.
Tôn Lộc Đường động tác vô cùng nhanh nhẹn linh hoạt, mọi người gọi ông là "Tái hoạt hầu". Khinh công của ông tuyệt thế. Khi Tôn Lộc Đường theo Quách Vân Thâm, Quách Vân Thâm thường cưỡi ngựa phi nhanh, Tôn Lộc Đường đề khí đằng không, tay kéo đuôi ngựa chạy nhẹ nhàng tuyệt trần, ngày chạy hàng trăm dặm hoàn toàn không cảm thấy mệt mỏi.


Khi ngựa buông cương phi nhanh, Tôn Lộc Đường liền hai chân tung lên, như chim én đáp xuống mái hiên, như chuồn chuồn đạp nước đứng trên lưng ngựa, Quách Vân Thâm dọc đường đi hoàn toàn không hề hay biết.


Một lần Tôn Lộc Đường đi ra ngoài, phu xe sau khi kéo xe cho ông trở về thì không muốn lấy tiền xe, nói: "Lần này tôi đã mở rộng tầm mắt rồi, kéo tiên sinh lên dốc còn nhẹ hơn thường ngày kéo xe không. Ban đầu tôi cho rằng trong xe không có người, quay đầu lại nhìn thấy tiên sinh đang ở trong xe. Lần này tôi biết tiên sinh có công phu đằng vân giá vũ. Tôi đâu dám lấy tiền của ngày - lão Thần Tiên đây".

Báo giới và dân gian thời kỳ Dân quốc thường đưa tin và lan truyền như thần tích như Tôn Lộc Đường đi trên tuyết không có dấu chân, bay người vượt Tử Cấm Thành, thân thể lơ lửng trên không. Đương thời, khi giảng thuật công lý quyền pháp ở Thượng Hải, Tôn Lộc Đường giải thích về hiện tượng này như sau:
"Đây là tác dụng của thần khí, coi trọng tu tâm tính. Tâm tính chưa đạt đến thì chỉ uống phí tinh thần", "Người luyện kỹ thuật này không phải người muốn dùng kỹ thuật để thắng người. Người nhân nghĩa chí sỹ nuôi dưỡng khí hạo nhiên, chí đạt được như kỳ vọng thì lực đủ làm được, chỉ là như thế mà thôi".
Một người bạn du học phương Tây chuyên ngành vật lý muốn xem công phu của Tôn Lộc Đường, ông miễn cưỡng đồng ý. Trong lúc nói chuyện, tất cả mọi người trong phòng đổ mồ hôi và ngồi sụp xuống, không có sức đứng lên nổi, ai nấy đều nói trong tâm khó chịu. Một lát sau Tôn Lộc Đường hỏi: “Bây giờ đã tốt lên chưa?” Mọi người đều nói tốt lên rồi.

Tôn Lộc Đường nói: "Đây là tác dụng của nhất khí, không biết vật lý học có thể giải thích được không?"
Mọi người kinh hãi quá, luôn miệng nói: "Quả là Thần nhân, Thần nhân". Không ai giải thích được đạo lý trong đó.



Tờ "Nhật báo thế giới" đương thời có đăng tải, vào khoảng năm Dân quốc thứ 8, 9, nhà võ thuật Judo trứ danh Nhật Bản là Hangaki đọ sức với Tôn Lộc Đường. Hai người nằm trên thảm, Hangaki dùng hai chân kẹp chặt hai chân Tôn Lộc Đường, hai tay ôm khóa tay trái ông và nói: "Tôi chỉ cần siết hai tay một cái là cánh tay ông sẽ gãy".

Tôn Lộc Đường cười nói: "Ý niệm của tôi có thể ngăn được ông".


Hangaki chưa kịp hiểu là ý nghĩa gì liền bắt đầu dùng lực siết. Khi vừa mới dùng lực, hai cánh tay, toàn thân như chịu đòn nặng, lăn ra xa đến tận góc phòng cách Tôn Lộc Đường 2 trượng (6 mét).


Hangaki xấu hổ quá hóa giận, sau khi bò dậy đột nhiên rút súng ngắn bên người ra nhắm vào Tôn Lộc Đường. Tôn Lộc Đường không mảy may động đậy. Hangaki nghĩ ắt sẽ bắn trúng. Nào ngờ khi tiếng súng tan, phía sau Hangaki nổi lên tiếng cười của Tôn Lộc Đường. Khán giả cười vang, Hangaki cúi đầu ủ rũ. Mấy ngày sau Hangaki nhờ người đến xin học võ nghệ Tôn Lộc Đường. Tôn Lộc Đường trước sau đều không đồng ý.


Năm 1930, Tôn Lộc Đường đã ở tuổi 70, có 5 võ sĩ Nhật Bản khiêu chiến ông. Tôn Lộc Đường nói: "Đọ chiêu thức thì dễ đả thương người. Năm người các anh đứng lên người tôi, đếm đến ba, nếu tôi không đứng dậy được thì tính là tôi thua".



Các võ sĩ Nhật Bản nghe nói Tôn Lộc Đường có nội công nên không dám coi thường. Năm người đè chặt Tôn Lộc Đường, ở bên có người đếm: "1, 2...". Số 3 chưa nói ra miệng thì bỗng nhiên năm người bật ra xa hơn một trượng (3 mét). Tôn Lộc Đường đúng dậy bước lên trước, hỏi họ ngã có sao không.


Những truyền thuyết về Tôn Lộc Đường được lưu truyền trong dân gian và giới võ thuật Trung Quốc còn nhiều, và đa phần đều lung linh huyền ảo và... vô lý đến cùng cực, bên cạnh đấy là những nhận xét tâng bốc ông lên tận mây xanh.


Danh gia Hình ý, Bát quái Trương Triệu Đông những năm cuối đời đã đánh giá Tôn Lộc Đường rằng: "Với tri thức cả đời ta, người võ công có thể xứng danh Thần minh chí Thánh, đạt đỉnh cao tột bực thì chỉ có một mình Tôn Lộc Đường mà thôi".


Danh gia võ thuật Lý Cảnh Lâm thì đánh giá: "Nhìn khắp vòm trời, người có thể tập hợp thành tựu lớn quyền thuật, một mình tạo đỉnh cao tột bậc thì duy chỉ có một mình Tôn Lộc Đường tiên sinh mà thôi".


Tuyệt kỹ truyền thông huyền ảo đến không ngờ

Mới đây, kênh "Đi tìm sự thật võ thuật Trung Quốc" đã có một video clip "bóc trần" màn sương khói lung linh để "vẽ lại" chân dung thật của Tôn Lộc Đường. Hóa ra, đằng sau những huyền tích được thêu dệt đầy lung linh cổ tích ấy, là tuyệt chiêu "thập phần lợi hại" giúp Tôn Lộc Đường lên hàng "võ thánh": Võ mồm.


Theo đó, Tôn Lộc Đường có đồ đệ chính tông là con gái ruột của mình. Chính miệng người này đã từng kể lại về cuộc đời của cha mình, rằng Tôn Lộc Đường hồi bé bố mất sớm, mẹ bệnh nặng, gia đình cực khổ, từng định tự vẫn thì được người khác cứu giúp, cho tiền sống qua ngày.


Năm hơn 10 tuổi, Tôn Lộc Đường bái một ông thầy dạy võ không danh tiếng, học võ 3 năm thì dừng. Năm 18 tuổi, Tôn Lộc Đường vào làm học đồ ở một cửa tiệm làm bút lông, học nghề rồi làm nhân viên, luyện võ lúc rảnh rỗi chứ không có chuyên môn hay thành tựu gì.


Đến năm 28 tuổi (Trung Quốc thời đó tính là 30 tuổi) thì được một quý nhân yêu quí mà gả con gái cho. Ở tầm tuổi đấy mà chưa lấy vợ, ắt hẳn là do Tôn Lộc Đường nghèo rớt mồng tơi.


Đến tận sau khi lấy vợ, nhờ nhà vợ của của nả mới bái được một danh sư nổi tiếng. Song 30 tuổi học võ là quá trễ. Sau đó đến năm 40 tuổi mới bái được Trình Đình Hoa - tên tuổi nổi tiếng ở Bắc Kinh, học vài năm.


Đến năm 50 tuổi, Tôn Lộc Đường mới bắt đầu học Thái cực quyền. Tính cho đến trước năm Tôn Lộc Đường 50 tuổi, không có bất kỳ ghi chép nào về việc ông thu nhận bất kỳ đồ đệ nào. "Quyền thánh" mà không có bất kỳ đồ đệ nào, thì chỉ có thể là bốc phét.


Sau năm 50 tuổi, Tôn Lộc Đường bắt đầu luyện một "tuyệt chiêu" mới, đó là... viết sách. Ông bắt đầu viết ra đủ loại lý thuyết võ học của các môn, Thái cực quyền mới học vài năm cũng viết như chuyên gia. Nhờ vào đó mà Tôn Lộc Đường nhanh chóng nổi tiếng, lòe thiên hạ bằng quá khứ được "viết lại" của mình.




Cũng từ đấy, lấy cớ tuổi già, Tôn Lộc Đường chưa từng tỉ thí võ nghệ với bất kỳ ai. Những cái tên võ sĩ Nhật Bản hay Nga được truyền miệng là bại tướng dưới tay Tôn Lộc Đường, tất cả những ghi chép thời đấy chưa từng nhắc đến, còn những trận đấu "kinh thiên động địa" ấy, chỉ được biết đến qua lời kể của đệ tử Tôn Lộc Đường.


Duy nhất chỉ có một lần với danh nghĩa chưởng môn Võ Đang, Tôn Lộc Đường kéo đồ đệ đi tỉ võ với một đồ đệ Thiếu Lâm Tự, nhưng đến nơi rốt cuộc cũng không dám đấu, "giở văn" rồi đi về.


Về sau này, Tôn Lộc Đường chuyên đến xem các cuộc đấu võ, thấy võ sĩ nào thắng thì gạ gẫm nhận làm đồ đệ. Tất cả các câu chuyện huyền ảo về Tôn Lộc Đường, đa phần đều được ông "rỉ tai" với các học trò, để họ đem đi kể lại cho người khác.


Ngoài viết sách, Tôn Lộc Đường còn cực kỳ chịu khó "quan hệ" với báo chí, qua đó lan truyền các huyền sử về mình. Đồng thời ông cũng chịu khó chụp rất nhiều ảnh, dù thời kỳ này chụp ảnh cực kỳ đắt đỏ, khiến người đời sau luôn mặc định ông cực kỳ nổi tiếng, giỏi giang vì chỉ như thế mới... có nhiều ảnh đến như thế.