Tôi viết topic này vì đọc được nhiều cmt có nói về chữ Định được dẫn chứng bằng kinh sách.
Nhưng nhận ra rằng cách tiếp cận đó thường càng làm chữ Định mù mờ hơn mà thôi vì kinh sách viết về nhiều "tầng" Định mà để thực biết hành giả cần phải đạt tới tầng tương ứng.
Do vậy thiết nghĩ người tu cần hiểu chữ Định một cách rõ ràng mà không cứng nhắc để phục vụ quá trình Văn Tư Tu được hiệu quả hơn. Đây là chia sẻ hiểu biết cá nhân nên mong nó hữu ích với ai đó.


Về ngôn ngữ Định xuất phát từ gốc chữ Samadhi (Pali và Sanskrit) và dịch ra tiếng Hán Việt là Định hoặc đôi khi phiên âm thành Tam Muội. Trong cả rừng định nghĩa tôi thấy phù hợp và dễ hiểu nhất: Định là Tâm vững vàng ổn định.


Nhưng quan trọng thế nào là Vững vàng và Ổn định? Vững vàng với cái gì và Ổn định so với cái gì?


Để hiểu rõ các câu hỏi trên chúng ta cùng thống nhất một số quan điểm như sau:

  • Tu: Là thực hành đưa Tâm của ta từ trạng thái Vô Minh (Phàm phu) tới trạng thái Toàn Giác (Phật).
  • Vô Minh: là trạng thái Tâm bị che mờ bóp méo hiện thực do Nghiệp Lực được Huân tập từ vô thỉ kiếp.



Vậy Định chính là sự Vững vàng, Ổn định trước tác động của Nghiệp lực giúp chúng ta vượt qua Vô Minh để thấy "sự thực".


Ví dụ: khi bạn nổi Sân định Chửi một người, thì người nhà khuyên "hãy bình tĩnh". Bình Tĩnh đó cũng là một dạng của Định, giúp bạn nhìn sự vật sâu rộng hơn tránh để sự Nóng Giận (vô minh) dẫn dắt. Nhờ sự Định đó, giúp bạn có hành xử sáng suốt hơn.


Trong Thiền Tông có một ví dụ rất hay nữa về Tâm ta là Sóng/Biển. Sóng cũng chính Biển trong trạng thái Động ẩn dụ cho hình ảnh Tâm ta dưới tác động của Vô Minh. Sóng động mịt mù làm cho tầm nhìn xuống biển bị hạn chế. Trạng thái Định được ẩn dụ bằng hình ảnh Biển lặng gió như mặt hồ, ta có thể nhìn sâu xuống đáy biển.


Định sinh Tuệ là ý như vậy.
Và với người Tu, nhiệm vụ của chúng ta là phải rèn luyện Định từ mức "Bình tĩnh" trước mọi sự phiền não trong cuộc sống để có các hành xử đúng đắn hơn, tới mức có được sự Sáng Suốt của bậc Toàn Giác.


Bằng cách hiểu trên ta thấy để rèn luyện Định Lực đủ sức thắng được tác dụng của Nghiệp lực (tạo ra Vô Minh) bắt buộc ta cần giữ Giới để ngăn việc nạp thêm các Chủng tử Nghiệp xấu. Các Nghiệp Lực đó chống lại Định Lực và che mờ Tuệ.


Việc giữ Giới bao gồm cả sự Kham Nhẫn vì mỗi khi ta hoan hỉ đón nhận một Quả Xấu thì cũng đồng thời ta bớt một phần Vô Minh và đồng thời Định Lực của ta được tăng trưởng cũng đồng nghĩa Tuệ tăng trưởng.


Tuệ tăng trưởng giúp ta bổ sung các Giới vi tế giúp tăng trưởng Định và cứ vậy tiếp tục vòng xoáy Giới - Định - Tuệ.

Cần tránh cách hiểu sai Định là ngồi im bất động. Đó chỉ là giai một giai đoạn đang tập Định thôi.


Chúc các bạn Tinh - Tấn.