Lý Như-Huyễn là một quan niệm về nhân sinh và vũ trụ độc đáo của nhà Phật. Trong thiền định sâu xa, Đức Phật thấy rõ tất cả các pháp đều là những hiện tượng không thật có, vì chúng do nhiều duyên tụ hội lại mà thành. Bản chất của chúng là không, vì chúng không có tự thể. Như vậy, nhìn trên hiện tượng (SẮC) là duyên hợp tạm có, nhưng bản thể lại là KHÔNG. Nói khác đi, SẮC là biểu tướng của KHÔNG, KHÔNG là bản chất của SẮC. Đây là tinh thần Bát-Nhã, mà chỉ những người ở trong Như-Huyễn tam-muội, tức trong chánh định quán triệt lý Như-Huyễn, mới thẩm thấu được.

Các pháp không thật có nên là huyễn, nhưng tự tánh các pháp là không, nên tuy huyễn mà vẫn thường ở trong Như tánh. Như là thể của Huyễn, Huyễn là dụng của Như. Như là thể tánh bất động, không bao giờ thay đổi; Huyễn là tùy duyên mà hình tướng đổi thay. Chúng ta từ Như đến đây, mang thân huyễn mộng này, rồi khi mất đi lại trở về Như. Nhưng không phải đợi lúc hình tướng tan hoại mới trở về Như, mà ngay khi còn thân huyễn, nó đã là Như rồi. Cũng như nước là hiện tượng, có thể thay đổi từ thể lỏng sang thể rắn, thể hơi, nhưng không bao giờ mất đi tánh ướt. Vì Huyễn không bao giờ rời Như, nên nhà Phật gọi là Như-Huyễn.
https://thuvienhoasen.org/a15801/nhu-huyen