Xung quanh tin đồn gây xôn xao ở xã Liên Hiệp, Phúc Thọ (Hà Nội):

“Đụng long mạch” hay ô nhiễm môi trường?
11/04/2009 07:34


Giếng trước đình Hạ Hiệp mới được khơi lại từ cuối năm 2007. Ảnh: Việt Dương

(HNM) - Tại xã Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), gần đây, nhiều người dân lo ngại vì số người chết gia tăng đột biến. Trong khi chính quyền chưa kịp phân tích, lý giải cho người dân thì tin đồn nguyên nhân là do khơi lại giếng trong sân đình "đụng long mạch", rồi trụ sở UBND xã xây cao hơn đình đã lan đi, gây hoang mang cho không ít người. Chúng tôi đã về Liên Hiệp tìm hiểu sự việc.



Sự bất thường không khó hiểu

Đúng là từ đầu năm đến nay số người chết ở xã Liên Hiệp tăng đột biến, đặc biệt là thôn Hạ Hiệp: có 27 người chết (thôn còn lại của xã là Hiếu Hiệp chỉ có 2 người chết), gần bằng số người chết cả năm của nhiều năm trước đây.



Sự bất bình thường này vốn dĩ đã khiến người dân lo lắng, lại thêm có những cái chết bất ngờ càng tạo điều kiện cho những tin đồn thất thiệt lan nhanh, khiến người dân hoang mang hơn. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vương Tá Thích, tin đồn rộ lên khi ông Nguyễn Khắc Kế (60 tuổi), làm nghề sửa xe, tự nhiên gục ngã và chết ngay trước mặt khách sau ngày mẹ ông qua đời cách đó hơn 1 tháng. Thực tế, mẹ ông Kế mất vì tuổi già, cũng là bình thường. Còn ông vốn mắc bệnh tim và đang chạy chữa.



Trong số 27 người chết ở thôn Hạ Hiệp, nhiều trường hợp tử vong do tuổi cao sức yếu như ở cụm 6, có 4 người trên 80 tuổi là cụ Bổn, cụ Phú, cụ Tể, cụ Giá; ở cụm 4 có hai cụ là cha mẹ vợ chủ tịch UBND xã cùng trên 85 tuổi. Còn lại có trên 10 trường hợp tử vong được một số người cho là bất thường, từ đó tạo nên tin đồn. Giải thích về các trường hợp này, ông Vương Tá Thích cho biết, 6 người đột tử đều mắc bệnh về huyết áp, bệnh tim mạch hoặc bệnh nặng khác; 5 người chết vì ung thư; 1 trường hợp chết liên quan đến vụ trọng án; 1 cháu bé bị chết đuối khi vớt bóng bay rơi xuống ao; còn lại là do tai nạn (1 người chết do uống rượu bị cảm, một người khác đi làm ở tận Huế bơi qua sông bị chuột rút). Đây đều là nguyên nhân bình thường, không có gì khó hiểu.



Cụ Đinh Văn Thân, 66 tuổi, cựu chiến binh, Trưởng ban quản lý di tích đình Hạ Hiệp cho biết, ban đầu có một vài người bàn tán, cho là tại giếng làng, "đụng long mạch" khiến nhiều người chết. Sau đó, các cụ giải thích rằng việc đào giếng đình thực ra là khơi lại giếng cũ, lại làm nhỏ hơn, nên "muốn đụng long mạch cũng không đụng được", tin đồn này lắng xuống. Vài người "thần hồn nát thần tính" lại cho vì trụ sở UBND xã xây cao hơn đình làng. Thực tế, trụ sở UBND xã chỉ xây 2 tầng, thấp hơn rất nhiều nhà dân xung quanh.



Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia về dân số cho biết, tỷ lệ chết tăng đột biến ở một đơn vị hành chính hoàn toàn có thể xảy ra tại một khoảng thời gian (vài tháng hoặc 1 năm). Nguyên nhân là do sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu trường hợp kéo dài lâu hơn thì phải tìm hiểu những nguyên nhân khác có thể do môi trường sống độc hại, bệnh dịch…



Báo động môi trường sống!

Qua sự việc nói trên, có thể khẳng định, những tin đồn thất thiệt gây hoang mang như "đụng long mạch", xây trụ sở UBND xã cao hơn đình là không có cơ sở. Thay vì quan tâm tới những tin đồn như vậy, người dân Liên Hiệp nên quan tâm tới ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng.



Hiện nay, ở Liên Hiệp có 1.000/1.800 hộ đang làm nghề chế biến sắn. Mỗi năm có từ 70 đến 100 ngày các hộ tập trung thu sản xuất, trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 300 tấn. Mỗi tấn sắn chế biến cần 4 đến 7m3 nước để rửa, lọc… Trong xã còn có khoảng 10 hộ làm nghề mạ kim loại, khoảng 100 hộ làm nghề mộc (phun sơn rất độc) xen kẽ trong khu dân cư, 1 hộ tái chế túi nilon… Cả xã như một tổ hợp nhà máy sản xuất khổng lồ với chất thải, nước thải vô tư xả ra cống, rãnh... Tất cả ao, hồ trong làng chỉ có bèo và bọ gậy là sống được. Nhiều người dân cho biết, nếu phơi áo trắng ở sân thì một lúc sau là có những mẩu bụi vàng lạ bám vào, nhiều mái tôn bị gỉ, ố vàng vì loại bụi này. Bản thân chúng tôi khi đến làng Hạ Hiệp đã rất khó chịu vì mùi không khí nồng nặc ở đây.



Đó là chưa kể, theo bản kết quả kiểm nghiệm nước sinh hoạt mà ông Từ Tất Cán đưa cho chúng tôi, nồng độ asen (thạch tín là chất gây ung thư) trong nước ở Liên Hiệp rất cao, hầu hết gấp 4-5 lần mức cho phép, cá biệt có nơi gấp 8 lần. Thế nhưng nhiều hộ gia đình vẫn rất coi thường. Xã vận động để có trên 60% số hộ đồng ý dùng nước máy, tỷ lệ đủ để được xây dựng trạm cấp nước tập trung, nhưng vẫn rất khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải, nước thải từ làng nghề ở đây vẫn chưa có lối thoát.



Hà Vũ