Bí ẩn về đường hầm sau đền Bà Chúa Kho
Thứ Năm, 09/04/2009 --- cập nhật 02:06 GMT+7


Ít ai biết rằng, ngay sau “ngân hàng địa phủ” Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) lại có một đường hầm dài xuyên qua núi với nhiều truyền thuyết linh thiêng.
Vùi sâu trong thời gian


Hàng năm, cứ ra Tết là hàng vạn người đổ đến đền Bà Chúa Kho để đi lễ, với mong muốn được Bà phù hộ độ trì làm ăn phát đạt. Những ngày đầu tháng 3 âm lịch này, đền vẫn tập nập người đến, vừa để đi lễ vừa để hầu đồng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ngay sau đền có một đường hầm với nhiều điều bí ẩn linh thiêng.


Ông Nguyễn Ngọc Thùy ở cửa hầm


Ngay bên trái khuôn viên đốt vàng mã, mở cánh cửa sắt nhìn lên núi Kho thì sẽ thấy một vòm cửa ở ngay lưng chừng núi. Đó chính là cửa của đường hầm xuyên qua núi Kho thông ra ngay sông Cầu (xưa có tên là sông Như Nguyệt). Đường hầm này dài khoảng 300m với chiều sâu so với mặt đất 30m, chiều rộng và cao khoảng 2m.


Đường hầm này dài khoảng 300m với chiều sâu 30m


Theo lời nhiều người dân ở khu vực quanh đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) thì đường hầm này có từ rất lâu, là nơi mà những đứa trẻ ở nơi đây từng một thời đến để chơi trốn tìm, tránh mưa gió khi đi chăn trâu, cắt cỏ.


Đisâu vào bên trong


“Từ thời còn nhỏ tôi đã được bố kể về đường hầm và thường cùng bạn bè lên đây chơi", ông Nguyễn Ngọc Thùy, trưởng ban an ninh di tích đền Bà Chúa Kho, người làng Cổ Mễ cho biết.

Để xuống được đường hầm, chúng tôi phải trang bị 2 chiếc đèn pin cỡ to và nhờ sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Ngọc Thùy. Trước khi bước xuống hầm, ông cho biết: “Ngày xưa trong này có khá nhiều rắn và dơi, nhưng thời gian gần đây thì không có nữa, chỉ có điều đường đi rất khó vì đất dính và những thanh chắn bằng gỗ nằm ngang lối đi”.



Với khoảng 30 bậc được xây bằng gạch, càng đi sâu vào hầm đất càng trở nên bê bết. Cách cửa hầm khoảng 50m là một khoảng không gian rộng chừng 20 m2, theo lời ông Thùy thì đó được gọi là khu bàn giấy, tức nơi làm việc của cán bộ khi vào hầm trú ẩn.


Lối đi trong đường hầm


Sau hơn nửa thế kỷ, trong đường hầm không còn lại cơ sở vật chất gì, trên các vách hầm cũng không có dấu khắc ghi. Ông Thùy cũng cho biết: “Mấy năm gần đây, có khá nhiều doanh nhân đến tham quan và bày tỏ mong muốn tu bổ và khai thác đường hầm này thành một địa điểm du lịch. Tuy nhiên các cụ trong làng và ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho không đồng ý vì muốn giữ lại vẻ bình yên và linh thiêng nơi đây”.


Độ dày của trần và những tảng đá lộ ra ở những mảng trần bị vỡ


Những bí ẩn về đường hầm

Xung quanh về nguồn gốc của đường hầm sau đền Bà chúa Kho có khá nhiều giả thuyết. Theo ông Nguyễn Ngọc Thùy, từ xưa người dân quanh vùng đã truyền với nhau rằng vào đầu thế kỷ XI, vùng núi Kho này là nơi bà Chúa xây nhà kho để chứa quân lương, để thuận đường vận chuyển và giữ bí mật, bà đã cho người đào một đường hầm nối từ kho đến sông Như Nguyệt.


Cồng hầm nằm cách gian thờ chính của Bà Chúa Kho khoảng 3m


Tuy nhiên, cũng có giả thuyết kể lại đường hầm là nơi khai thác và chứa vàng trong giai đoạn nhà Hán đô hộ Việt Nam. Đến những năm 40 của thế kỷ trước, trong thời kỳ người Pháp đô hộ nước ta, để chống lại phát xít Nhật, giám đốc Sở nhà máy Giấy Đáp Cầu bấy giờ đã cho xây dựng lại thành đường thành nơi trú ẩn cho công nhân và quản lý. Từ đó, đường hầm được đổ bê tông quấn vòm rất chắc chắn.

Theo ông Nguyễn Văn Mão, trưởng ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho thì không biết đích xác được đường hầm này có phải là được xây dựng từ thời kỳ Bà Chúa Kho còn sống hay không. Tuy nhiên, từ những ngày còn bé, ông đã thấy và thường lên đây chơi. Hiện, ông đã 68 tuổi, tức vào những năm 1940 thì đường hầm đã có từ trước đấy rất lâu.

Trong đường hầm hiện nay, không còn lại những dấu tích gì để chứng minh rằng nó đã tồn tại suốt gần một nghìn năm. Tuy nhiên, ngay trên cửa hầm, vẫn còn rất nhiều dấu tích của những nhà kho được xây dựng từ thời bà chúa. Đó là những đường thành được xây bằng đá cát bi và vôi, nằm rải khác quanh đồi Kho.


Những bức tường được xây bằng đá cát bi vẫn còn sót lại ở xung quanh đường hầm


Cũng xung quanh những điều bí ẩn về đường hầm nằm sâu sau đền Bà Chúa Kho, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đường hầm cũng là nơi đóng quân của quân đội Việt Nam. Theo lời kể của những người già của làng thì chưa bao giờ máy bay địch ném bom trúng vào đội pháo binh khi đóng quân trên núi, trong khi đó, nếu chuyển đi sang núi khác thì lại bị ném trúng. Cũng tại đây, vào ngày 17/10/1967 nhân dân Cổ Mễ và sư đoàn 365 chỉ trong 3 phút đã bán rơi 5 máy bay Mỹ (trong đó có 4 chiếc rơi ngay tại chỗ). Đây là trận đánh đình đám, nức lòng quân dân cả nước trong thời kỳ bấy giờ và khắc ghi thêm lòng tự hào, sự thiêng liêng của người dân nơi đây.


Rác rưởi, gạch đá ngổn ngang nơi cửa hầm



Những năm trước hai cửa hầm đều được xây kín lại để tránh sự xâm nhập gây tổn hại đến di tích này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thời gian gần đây, cửa hầm đã bị đập vỡ, những kẻ nghiện ma túy thường lên đây để hút chích khiến lối đi vào có khá nhiều rác và mùi hôi thối, đối lập với vẻ tôn nghiêm của một vùng đất thiêng.

Theo Zing