Câu thơ bỏ lửng

Nguyễn Du lúc còn là học trò ở với thân sinh là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm ở Hà Nội, theo học với một ông đồ họ Lê ở Gia Lâm, bên kia sông Nhị. Cậu học trò cùng các bạn ngày nào cũng phải qua sông bằng đò ngang. Người chở đò là một cô gái nhà nghèo nhưng xinh xắn và ăn nói có duyên. Cậu học trò họ Nguyễn rất để ý.

Một hôm, cậu đến chậm, lỡ chuyến đò, cậu phải đợi chờ sốt ruột, nên làm một bài thơ nhờ bạn đưa cho cô lái để tỏ lòng mình và cũng để thử lòng cô gái. Bài thơ như sau:

Ai ơi, chèo chống tôi sang.
Kẻo trời trưa trật, lỡ làng tôi ra.
Còn nhiều qua lại lại qua,
Giúp cho nhau nữa để mà?


Câu thơ cuối, tác giả bỏ lửng có ý để chờ cô gái điền vào. Nhận được, cô gái bẽn lẽn và từ chối, nhưng về sau nể lời bạn, cô cũng thêm vào hai chữ? quen nhau.

Thế rồi hai người yêu nhau. Nhà thơ thổ lộ tâm tình ra 4 câu lục bát rằng:

Quen nhau nay đã nên thương,
Cùng nhau xe mối tơ vương chữ tình.
Cảnh xinh xinh, người xinh xinh,
Trên trời, dưới nước, giữa mình với ta.


Họ yêu nhau tha thiết, quyết chí lấy nhau, nhưng rồi không lấy được nhau. Bởi lẽ đơn giản: Nguyễn Du là cậu con trai quý tộc mà cô kia thì chỉ là một cô gái bình dân. Chẳng những thế, do chuyện yêu đương ấy Nguyễn Du còn bị gọi về nhà chịu một trận đòn nên thân, rồi lại bị gửi về học một ông đồ khác ở mạn Thái Bình.

Hơn mười năm sau, khi Nguyễn Du có dịp trở lại bến cũ đò xưa thì cô gái đi lấy chồng lâu rồi, chỉ còn cây đa vẫn còn xanh tươi trước gió, dòng nước đỏ vẫn lặng lẽ trôi xuôi. Bến đò vẫn đông người qua lại nhưng vắng bóng một người. Trông cảnh cũ nhớ người xưa, nhà thơ đành bùi ngùi sẽ ngâm lên bốn câu lục bát để gửi gắm lòng mình:

Yêu nhau những muốn gần nhau.
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười.
Vì đâu xa cách đôi nơi,
Bến nay còn đó nào người năm xưa?


Câu chuyện đau lòng này, sau được Nguyễn Du tự tay ghi chép trong một bản thảo dưới nhan đề ?Mối tình hận của ta?.