kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: THƯỢNG SĨ ĐẶC CÔNG THÁCH ĐẤU 2 THIẾU TƯỚNG VÀ NGUYỄN NGỌC HOÀI CÙNG 10 “NHÀ NGOẠI CẢM

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định THƯỢNG SĨ ĐẶC CÔNG THÁCH ĐẤU 2 THIẾU TƯỚNG VÀ NGUYỄN NGỌC HOÀI CÙNG 10 “NHÀ NGOẠI CẢM

    THƯỢNG SĨ ĐẶC CÔNG THÁCH ĐẤU 2 THIẾU TƯỚNG VÀ NGUYỄN NGỌC HOÀI CÙNG 10 “NHÀ NGOẠI CẢM CHÂN CHÍNH".



    Ông Trần Đình Huân - Thượng sĩ, CBB Trung đoàn đặc công 117 và 198 Anh hùng - BTL Đặc công, đồng thời, là Trưởng ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ Mặt trận 31. Ông Huân là người dành nhiều năm trời đi tìm liệt sĩ, đồng đội, đã tiếp xúc với đủ hạng ngoại cảm, nên rõ bộ mặt của họ. Tướng Phác đã mất, nhưng xin đăng lại lời thách đấu này để mọi người hiểu thêm về ngoại cảm).


    Đây là nội dung vụ thách đấu



    THÁCH ĐẤU HAI THIẾU TƯỚNG



    1. THIẾU TƯỚNG QUÂN ĐỘI – “TIẾN SỸ” NGUYỄN CHU PHÁC.
    2. THIẾU TƯỚNG CÔNG AN NGÔ TIẾN QUÝ



    Đã hơn 20 năm, nhân dân và thân nhân liệt sỹ đã bị lôi kéo vào vòng xoáy của u mê, của những giai thoại kinh thiên động địa của cái gọi là Ngoại cảm và Áp vong tìm mộ liệt sỹ, của cái gọi là nghiên cứu khoa học tâm linh, nghiên cứu tiềm năng con người. Hơn 20 năm, bằng cách lợi dụng truyền thông, lợi dụng hình ảnh của những người có uy tín, địa vị trong xã hội. Những kẻ mang danh “ngoại cảm” và những kẻ đang lợi dụng danh nghĩa “nghiên cứu khoa học tâm linh” đang cổ suý, thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi trên xương máu của các Liệt sỹ đã hi sinh vì Tổ Quốc, khắc thêm nỗi đau cho hàng vạn gia đình liệt sỹ.



    Để rồi, với tất cả những bằng chứng trên mặt trận 31, với sự tập trung của hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sỹ trên cùng mặt trận, bộ mặt thật của những kẻ mang danh “Ngoại cảm”, những kẻ đội lốt khoa học, Nghiên cứu, Tâm linh, Tri ân, Tâm đức và nhiều thứ ngôn từ hoa mỹ khác nay đã lộ nguyên hình với bản chất mê muội, hoang tưởng, cuồng vỹ, lừa đảo, thất đức.



    Bên cạnh đó là sự ấu trĩ trong công tác quản lý khoa học, sự lỏng lẻo, mơ hồ trong hệ thống quản lý nhà nước đã thả nổi suốt hơn hai thập kỷ qua. Đồng thời, với đội ngũ tham gia “nghiên cứu khoa học tâm linh” là những người có địa vị xã hội cùng những học hàm, học vị đến tột đỉnh, thậm chí, có cả những người từng là Bộ trưởng, các sĩ quan cao cấp của Quân đội và Công an và nhiều cán bộ mang những chức danh quan trọng khác. Quá trình nghiên cứu của họ đã đi lệch hướng, mất kiểm soát, áp dụng tùy tiện và dần chuyển thành các tệ nạn xã hội. Thêm vào đó là cả hệ thống thông tin đại chúng cả chính thống và không chính thống, tập trung ra sức tung hô, cổ súy, tuyên truyền dưới đủ mọi hình thức, thậm chí cả hình thức khen thưởng của một số cơ quan quản lý nhà nước cấp vỹ mô.



    Hàng vạn gia đình thân nhân liệt sỹ bị lừa, hàng vạn hài cốt liệt sỹ bị chúng mang ra ngụy tạo, tung hứng, nghiên cứu, thực nghiệm, kiểm nghiệm, thực hành và rồi chúng hành nghề trên xương máu của những người con dân đất Việt đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc và cho sự toàn vẹn lãnh thổ.. Vấn nạn này đã lây lan trở thành quốc nạn, hệ luỵ của vấn đề này chính là việc các gia đình bị lừa đảo đất đen, tổ mối thành hài cốt Liệt sỹ, nghiêm trọng hơn, còn cả hành vi đào bốc trộm hài cốt các Liệt sỹ ở các Nghĩa trang. Chúng đã nhạo báng những tình cảm thiêng liêng của các thế hệ thân nhân liệt sỹ, gây bao tổn thất, mất mát trên mồ hôi nước mắt của họ. Những hành động đó làm băng hoại đạo đức xã hội, hàng vạn liệt sỹ mãi không được trả về đúng tên của mình, nhân dân mất lòng tin vào công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, Quân đội.



    Sự thật đã nhãn tiền trước bàn dân thiên hạ, đã bị lột trần trước khoa học chân chính. Nhưng dường như những thủ phạm của quốc nạn này vẫn đang cố bấu víu vào mớ lý luận mù mờ, lập dị của một thứ khoa học dị bản có một không hai này. Không đủ can đảm để nhìn thẳng vào sự thật là chính những người này đã trở thành giặc, trở thành kẻ thù của thân nhân liệt sỹ, là những kẻ đã làm ô uế những chốn linh thiêng, hủy hoại lòng tin của nhân dân, làm đảo lộn xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh quốc gia và sự tồn vong chủa chế độ. Chính bản thân những người này cũng đã nhận ra những sai lầm ấy nhưng không đủ can đảm để thừa nhận và không thể dừng lại và đành nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của nhân dân!



    Vì vậy:



    Tôi –Thượng sĩ Trần Đình Huân - Cựu chiến binh thuộc Trung đoàn Đặc công 117 và 198 Anh hùng của Bộ tư lệnh Đặc Công – Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang; Đồng thời với tư cách là thân nhân liệt sỹ và là đại diện cho hàng vạn thân nhân liệt sỹ Mặt trận 31 xin quyết đấu một cách sòng phẳng với hai vị Thiếu tướng có danh tính nêu trên:



    Mục đích: Làm rõ trắng đen, đúng sai về khả năng Ngoại cảm trong việc áp vong tìm mộ liệt sỹ. Đánh giá đúng bản chất của cái gọi là nghiên cứu khoa học và những cái gọi là “thành tựu” của việc ứng dụng khoa học của hiệp hội UIA và hai vị thiếu tướng trong phạm vi này. Trả lại sự trong sáng, lành mạnh cho khoa học chân chính. Xóa bỏ khoa học trá hình và ngăn ngừa việc lợi dụng khoa học.


    Hình thức: Đấu loại trực tiếp bằng các bằng chứng kết quả thực nghiệm ngay trên hiện trường thực tế, bằng các kiểm nghiệm nghiêm khắc, dưới sự chứng kiến của các cơ quan chuyên trách và thông tin đại chúng.

    Địa điểm: Nơi an táng gần 12.000 hài cốt liệt sỹ của mặt trận 31 – Xương máu của cha anh chúng tôi. Nơi đó đang có gần 1 vạn ngôi mộ “Liệt sỹ Chưa biết tên”.



    Nhân lực tham gia:



    Phía bị thách đấu:



    1. Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác – “Tiến sỹ” – trưởng bộ môn “Cận Tâm Lý” - Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.

    2. Thiếu tướng Ngô Tiến Quý – Người đã lấy danh nghĩa Viện Khoa học hình sự - Bộ Công An để tham gia trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.

    3. Cùng những “nhà ngoại cảm” có tên trong danh sách các nhà ngoại cảm đã được Các ông cùng trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người khảo nghiệm thành công và công nhận khả năng ngoại cảm về sự “Chân chính” của những người này:



    + Nguyễn Ngọc Hoài
    + Đỗ Bá Hiệp
    + Nguyễn Văn Liên
    + Phan Thị Bích Hằng
    + Nguyễn Thị Nguyện
    + Nguyễn Văn Nhã
    + Vũ Thị Minh Nghĩa
    + Nguyễn Văn Lư
    + Phạm Văn Lập
    + Trần Văn Tìa
    + Nguyễn Thị Nghi



    Phía thách đấu:



    1. Trưởng ban liên lạc thân nhân liệt sỹ Mặt trận 31 cùng các trưởng tiểu ban từ các tỉnh thành (9 người) giám sát quá trình thực hiện.



    2. Lực lượng hữu quan của quân đội nhằm bảo về hiện trường và cùng giám sát và ghi nhận kết quả.



    Phía các cơ quan hữu quan và các đơn vị truyền thông đại chúng



    1. Có các dại diện của bộ chủ quản Bộ Lao động Thương binh và Xã hội,
    2. Đại diện bộ Quốc phòng và Cục Chính sách Bộ Quốc phòng,
    3. Đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin,
    4. Đại diên Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh sở tại,
    5. Đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh sở tại và huyện đội sở tại
    6. Đại diện UBND huyện sở tại,
    7. Đại diện Quân khu trên địa bàn
    8. Ban quản lý nghĩa trang,
    9. Các hãng thông tấn báo chí.



    Phương pháp tiến hành:



    - Tập hợp hai thiếu tướng và 11 nhà “ngoại cảm chân chính” của trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người tới hiện trường. Bố trí hậu cần đảm bảo.



    - Thời gian tiến hành trong 5 ngày. Bằng tất cả những khả năng Thấu thị, Áp vong, Nói chuyện với người cõi âm, chụp ảnh người âm và tất cả những phương pháp mà các ông đã nghiên cứu, đã áp dụng, đã công nhận như là các thành tựu mà các ông đã công bố.



    - Yêu cầu trong 5 ngày này, mỗi nhà ngoại cảm và hai ông hãy “hỏi”, “tâm sự”, “nói chuyện” hay “chỉ đạo” hay cả ép buộc các vong hồn liệt sỹ của chúng tôi tùy thích. Miễn là mỗi người công bố duy nhất 1 kết quả và chỉ cần 1 trường hợp với các thông tin chi tiết như sau:



    + Họ và tên Liệt sỹ
    + Nguyên quán
    + Đơn vị
    + Ngày tháng năm sinh
    + Ngày tháng năm nhập ngũ, Ngày hi sinh



    Lưu ý: Chúng tôi chỉ chấp nhận những thông tin như trên nhằm phục vụ cho công tác đối chiếu, khắc bia mộ liệt sỹ, không chấp nhận những nội dung phán xét khác do “nhà ngoại cảm” đưa ra. Trong thời gian 5 ngày, chúng tôi chỉ yêu cầu 11 kết quả cho 11 “nhà ngoại cảm”. Đối với hai ông Nguyễn Chu Phác và Ngô Tiến Quý thì tiếp tục quản lý, nghiên cứu hiện trạng để cùng chứng kiến kết quả.



    Những kẻ đã lộ nguyên hình như Vũ Thế Khanh và Nguyễn Phúc Giác Hải hay kẻ có tiền sự đang bị điều tra như Vũ Thị Hòa và kẻ lưỡi dài hơn tay Đông La hay Đào Viết Sử không đước phép có mặt tại hiện trường. Khu vực thực nghiệm “Đấu trường” ấy sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, những người không có trách nhiệm không được phép lai vãng.



    Nếu kết quả cho thấy trong 11 trường hợp ấy, chỉ cần dúng 1 trường hợp theo kết luận của các cơ quan hữu quan và cơ quan chuyên trách thì coi như hai ông thắng. Và như vậy, không riêng nhà nước Việt Nam mà toàn nhân loại sẽ thừa nhận những gì các ông làm là thành tựu khoa học và các ông được phép tiếp tục nghiên cứu, truyền bá, áp dụng trong mọi lĩnh vực chứ không riêng chuyện áp vong tìm mộ liệt sỹ.



    Nếu các kết quả không đúng, các ông phải thực hiện ngay lập tực các việc sau:



    1. Trả lại quân hàm thiếu tướng cho nhà nước, chấp nhận bị giáng xuống hàng tội phạm.



    2. Giải tán ngay Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, trả lại con dấu cho Bộ Công an. Chấm dứt ngay lập tức những Đề án, Dự án, Đề tài nghiên cứu của các ông. Xóa bỏ bộ môn Cân tâm lý mà ông Nguyễn Chu Phác đang là chủ nhiệm.

    3. Tất cả quãng thời gian còn lại của ông và các “nhà Ngoại cảm’ này giành cho việc sám hối trước các anh linh liệt sỹ, trước những nạn nhân mà các ông cùng hệ thông đồng cốt đã lừa bịp. Các ông và những người này buộc phải sám hối trước nhân dân và chờ khởi tố hình sự về hành vi lừa đảo và xâm phạm mồ mả, lợi dụng uy tín và lợi dụng khoa học nhằm lừa đảo, trục lợi.



    4. Hai ông và toàn bộ 11 người tham gia phải quỳ trước cổng nghĩa trang nơi an táng cha anh chúng tôi 15 ngày để cho thân nhân liệt sỹ sỉ vả, phỉ nhổ vào chính cái lương tâm bị ma ám và cái liêm sỉ bị đánh cắp của các ông và đồng đảng.



    5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.



    XÓA BỎ TOÀN BỘ NẠN NGOẠI CẢM. CẤM TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC THAM GIA BẤT KỲ CÔNG VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN LIỆT SỸ VÀ HÀI CỐT LIỆT SỸ. CHẤM DỨT NGAY LẬP TỨC NHỮNG ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU TRONG PHẠM VI NÀY. CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ CÁC HÀNH VI VÀ HẬU QUẢ CỦA VẤN NẠN NÀY ĐÃ GÂY RA.



    Ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31

    Trưởng ban

    Trần Đình Huân
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Người đi tìm tên liệt sĩ mặt trận 31

    SGGP Thứ Ba, 4/2/2020 08:54



    Câu chuyện cựu chiến binh (CCB) Trần Đình Huân từ bỏ công việc ở một tổ chức phi chính phủ với mức lương mỗi tháng hàng ngàn đô la để đi tìm tên cho các liệt sĩ của mặt trận 31 (quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia quân sự giúp Lào, đã hy sinh tại mặt trận cánh đồng Chum - Xiangkhouang, Lào) được các thân nhân liệt sĩ truyền tai nhau gần 10 năm qua.


    Khi chứng kiến người CCB quên ngày tháng để làm công việc không lương ấy, tôi mới hiểu rằng, chỉ những người từng vào sinh ra tử nơi trận mạc mới thấy hết giá trị của một cái tên mà cha mẹ đã đặt cho!

    Cảm xúc từ một hành trình

    Năm năm trước, tôi vô tình đọc được 2 câu thơ trên bàn làm việc của CCB Trần Đình Huân ở Gia Lâm, Hà Nội: “Đã hết Tết Bính Thân, nhành lão mai thêm đợt nở hoa muộn/ Mong tìm được tên nhau, để viết lên phủ kín cả sơ đồ”… Kèm theo 2 câu thơ là hình ảnh sơ đồ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào với từng hàng, từng ngôi mộ đánh mã số hài cốt cùng một ô trắng tương ứng, chờ điền vào đó mã số thân nhân và họ tên liệt sĩ khi đối chiếu chính xác.


    Năm 2011, CCB Trần Đình Huân sang Xiangkhouang để tìm chú ruột và cũng là đồng đội của mình - liệt sĩ Trần Quốc Bảo, một người lính của Trung đoàn 866. Thế nhưng, khi sang đến nơi, gặp các nhân chứng thì ông mới biết, hầu hết các liệt sĩ an táng trên địa bàn Xiangkhouang đều đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.


    Mang rất nhiều hy vọng vào Nghệ An sẽ tìm được mộ chú, nhưng khi vào đến nghĩa trang, hình ảnh đập vào mắt ông là hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Đến lúc này, ông hiểu, việc trả lại tên cho liệt sĩ chỉ có thể dựa vào hồ sơ gốc mà thôi.
    Trở về nhà, ông tập hợp đơn của các thân nhân liệt sĩ mặt trận 31, mang vào Sư đoàn 31 ở Bình Định, đề nghị cung cấp hồ sơ gốc của liệt sĩ, nhưng ông bị từ chối. Bởi lúc này, hồ sơ liệt sĩ vẫn còn là bí mật quốc gia. Trước khi ra Bắc, ông vào thắp hương tại phòng khánh tiết các liệt sĩ mặt trận 31, rồi bật khóc.
    Chứng kiến hình ảnh ấy, đồng chí Đoàn Long An, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 31 và đồng chí Nguyễn Tiến Quang, Tham mưu trưởng Sư đoàn 31 đã bàn bạc và thống nhất sẽ cung cấp toàn bộ hồ sơ gốc của liệt sĩ cho ông Huân.



    Cựu chiến binh Trần Đình Huân kiểm tra hồ sơ và đối chiếu thông tin liệt sĩ


    CCB Trần Đình Huân bảo: “Vào thời điểm ấy, các đơn vị liệt sĩ vẫn chưa được giải mã (năm 2013, Cục Quân lực mới giải mã phiên hiệu ký hiệu các đơn vị trong chiến tranh), việc cung cấp thông tin được coi là bí mật quốc gia như hồ sơ liệt sĩ là một quyết định vượt tầm, nhưng đồng chí Đoàn Long An vẫn sẵn sàng chịu trách nhiệm, kể cả bị kỷ luật”.



    Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến Đại tá Đoàn Long An, CCB Trần Đình Huân lại rưng rưng xúc động.

    Bán hết nhà cửa, xe cộ để lo tìm tên cho liệt sĩ


    Sau khi sao lục toàn bộ hồ sơ gốc của liệt sĩ mặt trận 31, CCB Trần Đình Huân mang ra Bắc và gửi trong két bảo hiểm của một ngân hàng. Ông bảo, chỉ khi toàn bộ hồ sơ được lưu giữ cẩn thận, ông mới thở phào nhẹ nhõm, vì đó là sinh mệnh của ông và sự nghiệp chính trị của rất nhiều người. Do tính bảo mật của hồ sơ nên CCB Trần Đình Huân phải tự tay số hóa, đối chiếu thông tin của liệt sĩ và thân nhân.

    Thời gian đầu, ông vẫn đi làm ở tổ chức phi chính phủ, tối về mới tranh thủ tổng hợp thông tin liệt sĩ, nhập vào máy tính. Hôm nào công việc cũng kéo dài đến nửa đêm. Sau nửa năm, sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng, nếu cứ tiếp tục làm song song 2 việc thì tim không chịu nổi (ông đã phải đặt 2 stent động mạch vành).


    Cuối cùng, ông quyết định xin nghỉ việc ở tổ chức phi chính phủ. Ông tâm sự: “Đó là một quyết định rất khó khăn, nhưng nếu cứ bị phân tâm giữa kiếm tiền và tìm liệt sĩ, tôi sẽ không làm được gì cả”.


    Sau khi nghỉ việc, ông dành hết thời gian cho các liệt sĩ, ngoài nhập hồ sơ, liên hệ với các tình nguyện viên tìm thông tin thân nhân trên cả nước, ông cũng chuẩn bị văn bản gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An kèm đơn đề nghị “Tìm giải pháp khắc phục hậu quả của việc thất lạc danh tính liệt sĩ”.
    Ngoài ra, ông cũng yêu cầu khai quật mộ để tìm tên cho các liệt sĩ, nếu không đủ điều kiện xác định tên bằng hồ sơ thì lấy mẫu giám định ADN đối chiếu với thân nhân. Do yêu cầu làm nhanh, khối lượng công việc đồ sộ, những cuộc đàm thoại kéo dài hàng tiếng đồng hồ và nhiều lúc xúc động quá, căn bệnh tim tái phát, ông nhập viện liên tục, có thời điểm tưởng như không qua khỏi. Thế nhưng, chỉ cần xuất viện, ông lại lao vào kiểm tra hồ sơ và đối chiếu thông tin liệt sĩ với thân nhân.


    Do vượt ngoài tầm xử lý của tỉnh Nghệ An nên những đề xuất của ông Huân sau đó được gửi tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền.


    10 ngày sau, ông nhận được giấy mời tham dự cuộc họp liên bộ (Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB-XH) cùng Cục Chính sách, Cục Người có công và đại diện Ban liên lạc Thân nhân liệt sĩ mặt trận 31 tại Hà Nội.


    Ngay sau cuộc họp, thủ trưởng 2 bộ đã giao nhiệm vụ cho Cục Chính sách và Cục Người có công lập kế hoạch phối hợp thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm của các liệt sĩ mặt trận 31 ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào đối chiếu với mẫu phẩm thân nhân liệt sĩ theo hồ sơ mà CCB Trần Đình Huân sao lục từ Sư đoàn 31.


    Việc lấy mẫu thân nhân không đơn giản là có hồ sơ thì tiến hành được, bởi sau gần nửa thế kỷ, ở các địa phương có nhiều thay đổi. Nhiều tỉnh tách ra, nhiều tỉnh nhập vào, nhiều gia đình đã chuyển đến nơi khác sinh sống…
    Ông Huân bảo, trong hơn 3 năm tiến hành tìm kiếm nguồn gien phù hợp với các liệt sĩ, hàng ngàn cuộc di chuyển, hàng trăm ngàn cuộc điện thoại được gọi đến và gọi đi, hàng trăm bộ hồ sơ thân nhân nặng hàng chục ký được chuyển đến rất nhiều địa phương để chứng minh việc mình đang làm hoàn toàn khoa học.


    Tất cả chi phí ấy ông bỏ tiền túi để làm. Nhiều thân nhân thấy ông bán hết nhà cửa, xe cộ để lo tìm tên cho liệt sĩ, đề nghị được đóng góp cùng, nhưng ông từ chối.
    Trong thời gian đi tìm liệt sĩ, có những thời điểm, đến vài ngàn mua vé xe buýt để mang hồ sơ đi gửi cho các tiểu ban liên lạc ông cũng chẳng có. Những điều đó, chỉ những ai bên ông mới hiểu, ông đã cố gắng thế nào. Vậy nhưng cũng bằng ấy thời gian, ông không một lần chia sẻ khó khăn của mình, bởi ông không muốn mọi người lo lắng.


    Những cố gắng của ông cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 150 (sau này nhập vào Đề án 1237 và trở thành Đề án 515) mở ra một hướng đi mới trong việc xác minh danh tính cho liệt sĩ.
    Mỗi lần tới nhà CCB Trần Đình Huân, nhìn lên tấm sơ đồ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào treo trên tường, tôi lại nghẹn ngào. Chẳng có từ nào diễn tả hết việc làm ý nghĩa mà CCB Trần Đình Huân dành cho các liệt sĩ, ông cứ lặng lẽ làm, mong “tái sinh” các liệt sĩ của mặt trận 31.


    Cho đến nay, bằng phương pháp giám định gien, Cục Người có công đã lấy gần 9.000 mẫu hài cốt và hơn 2.200 mẫu phẩm thân nhân liệt sĩ chuyển cho các đơn vị giám định để phân tích, đối chiếu theo nguyện vọng của các thân nhân. Sau 5 năm thực hiện, đã có rất nhiều liệt sĩ được trả lại tên, trong đó phần lớn là liệt sĩ của mặt trận 31. Vì vậy mà trên tấm sơ đồ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, những ô trắng đã không còn nhiều như trước bởi có nhiều mã số thân nhân và mã số liệt sĩ đã được viết vào.

    TIỂU THÚY
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. THƯỢNG SĨ ĐẶC CÔNG THÁCH ĐẤU 2 THIẾU TƯỚNG VÀ NGUYỄN NGỌC HOÀI CÙNG 10 “NHÀ NGOẠI CẢM
    By Bin571 in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 08-04-2021, 09:04 AM
  2. Hình phạt nào cho “nhà ngoại cảm“ “nhầm“ mộ liệt sĩ?
    By Bin571 in forum Ngoại cảm - Khả năng đặc biệt
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 03-08-2012, 10:44 AM
  3. Sự thật bàng hoàng về các “nhà ngoại cảm”
    By Bin571 in forum Ngoại cảm - Khả năng đặc biệt
    Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 12-06-2012, 09:57 AM
  4. Chân tướng một “nhà ngoại cảm” ở Cà Mau
    By Bin571 in forum Chuyện các Thầy, Bà…
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 18-12-2011, 05:04 PM
  5. Màn lừa đảo bí hiểm của “nhà ngoại cảm”
    By dragonle in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 11-07-2011, 03:20 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •