Đầu năm đi lễ cầu may, cầu an, đó là quan niệm của người Việt và người Á Đông nói chung. Chính vì vậy mà vào dịp sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là vào khoảng thời gian trước tết Nguyên tiêu, lượng du khách hành hương đến các chùa chiền rất đông. Càng những ngôi chùa lớn, đồng thời là những thắng cảnh nổi tiếng thì lượng người đổ về càng đông. Cứ tưởng tại nơi đất Phật, lòng người sẽ hướng thiện hơn, nhân ái và từ bi hơn. Thế nhưng có mặt tại Chùa Hương đúng dịp lễ hội, chúng tôi có cảm giác ở nơi đất phật này, lòng tham và đồng tiền dường như đã biến không ít cư dân nơi đất phật này thực sự trở thành những … “người ma”.

Sau tết âm lịch, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người, từ khắp các địa phương đổ về Chùa Hương vãng cảnh, cầu may. Thế nhưng, khác hẳn với tâm trạng hí hửng, hồi hộp chờ đợi giây phút được tĩnh tâm hướng phật, vậy mà ngay khi đặt chân đến đất phật, du khách đã bị xoay vòng, trở thành những con mồi trong những vụ mặc cả, mua bán.


Đầu năm là dịp người dân nô nức hành hương về các chùa chiền làm lễ cầu may. Trong ảnh là cảnh chen chân trong lễ hội Chùa Hương - Ảnh Trọng Tuyến.

Theo chân những đoàn du khách thập phương về Chùa Hương lễ phật, chúng tôi cũng có mặt ở đây từ những ngày đầu khai hội. Tại điểm bán vé đầu tiên của Ban quản lý, chúng tôi đã được 5,7 “phe” tự xưng là những chủ đò đề nghị mức giá được cho là giá hời để được chở vào chùa. Không chấp nhận mức giá vô lý 100 nghìn đồng mỗi người mà chủ đò đưa ra, dù đã có vé thuyền đò mua trước đó của Ban quản lý với giá 25 nghìn. Thế nhưng đi vào Bến Đục, cứ nghĩ có thể leo được lên chiếc thuyền nào đó vào chùa, nhưng tại đây, có chủ thuyền đã hét hai người chúng tôi với giá… 1 triệu. Ngay bên cạnh đó, một chủ đò cũng đã mặc cả thành công với một đoàn du khách 5 người với giá 1 triệu để được xuống thuyền. Cho là quá đắt, nhưng đi quanh quẩn mất gần một giờ đồng hồ, chúng tôi vẫn phải đồng ý với mức giá 2 trăm nghìn cho hai người xuống đò. Tôi tin rằng, nếu chúng tôi không thỏa thuận được với mức giá mà chủ đò đưa ra thì với tấm vé đò mua của Ban quản lý, chắc đến tối chúng tôi cũng chưa thể xuống được con thuyền nào để có thể vào được bên trong chùa hành lễ.


Sau gần một giờ lênh đênh sông nước, cuối cùng, tôi cũng đặt chân xuống được Bến Trò. Từ Bến Trò vào đến sân Thiên Trù, người đông đến nỗi cả hai chiều xuôi ngược đều chật kín. Nhìn cảnh người người chen nhau ấy, những du khách mong muốn tìm đến sự tĩnh tâm ở chốn chùa chiền hẳn sẽ thấy thất vọng. Càng thất vọng hơn, khi vào đến trung tâm của đất phật, các dịch vụ kiếm tiến càng nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trong số hàng vạn người kia, thì dịch vụ nào người ta nghĩ ra mà chẳng có vô số người cần. Mà dịch vụ nào càng tế nhị và thiết yếu bao nhiêu thì người ta càng có điều kiện chặt chém và nâng mức giá bấy nhiêu.



Các dịch vụ là những cỗ máy chặt chém với những biển quảng cáo xuất hiện ở khắp nơi tại các điểm lễ hội Chùa Hương. - Ảnh Trọng Tuyến


Thế nhưng, chuyện vui nhất mà tôi ghi nhận được tại Chùa Hương ấy là những dịch vụ bán bánh kẹo, bán chè lam, bán bánh củ mài… Thôi thì đủ các loại, nào là bánh củ mài nhà Chú Béo, bánh củ mài nhà chú Thụ Béo... Cửa hàng nào cũng rao là sản phẩm duy nhất, ngon nhất, rẻ nhất, cùng những nhân viên trẻ trung, ăn mặc rất bắt mắt. Nhưng vì lượng người quá đông nên chủ cửa hàng nào cũng sử dụng micro và loa công suất cao để đọc ra rả những bài quảng cáo được phóng tác theo thể thơ con cóc rất mùi mẫn, bất chấp lệnh cấm sử dụng loa đài của ban tổ chức. Đấy là chưa kể đến hệ thống biển quảng cáo của những cửa hàng ăn, cửa hàng giải khát và bán đồ lưu niệm ven đường vẫn được chăng ngang ra giữa đường từ đầu Bến Trò cho đến giữa sân Thiên Trù, khiến lễ hội Chùa Hương giống như một lễ hội của những biển quảng cáo về ẩm thực vậy.

Lợi dụng lượng du khách quá đông nên những ông chủ hàng ăn cũng coi đây là một cơ hội chặt chém. Một bát phở toàn những nước và 3,4 miếng thịt bò được bán với giá 20 nghìn đồng. Một xuất cơm đĩa bình dân giống như xuất cơm đĩa 15 nghìn đồng bán ở trung tâm Hà Nội thì ở đây có giá 50 nghìn đồng. Một chai nước khoáng giá bán của nhà sản xuất là 4 nghìn đồng thì ở đây có giá 20 nghìn đồng… Có lẽ vì giá quá đắt như thế nên rất nhiều du khách đi hành lễ đã mang cả xôi gấc, bánh trưng xanh, giò chả, nước uống, hoa quả từ nhà đi theo. Vì thế mà vào lúc giữa trưa, sân Thiên Trù bỗng dưng biến thành một buổi “dạ tiệc” của hàng chục nhóm người, với đủ mọi tư thế nằm, ngồi ngổn ngang. Ai trong số họ cũng mang một khuôn mặt bơ phờ vì mệt mỏi và thất vọng.



Những nhân viên bảo vệ cửa vào cáp treo Chùa Hương giống như những con khỉ leo trèo, la hét và sẵn sàng cầm gậy đánh vào bất kỳ ai quá khích giữa đám đông. Dù vậy, họ vẫn không ngăn cản được dòng người tiến về phía cáp treo. - Ảnh Trọng Tuyến.


Tuy nhiên, tất cả những thử thách đó vẫn chưa ăn thua gì với việc mua được tấm vé và cuộc hành trình leo lên chiếc cáp treo. Những khổ ải này vẫn xảy ra với du khách ở tất cả các ngày từ ngày khai hội cho đến những ngày tiếp sau Tết Nguyên tiêu hàng năm.


Có mặt tại lối vào cầu thang lên cáp treo đúng vào ngày khai hội, chúng tôi đã phải chứng kiến cảnh hỗn độn, chen lấn chẳng khác một cảnh chạy loạn. Hàng trăm người xếp hàng để đến lượt mình leo lên cầu thang, nhưng do lượng du khách mỗi lúc một đông nên cảnh chen lấn, cảnh du khách không tuân theo chỉ dẫn của nhân viên bảo vệ liên tục diễn ra. Theo quy định của BQL thắng cảnh Chùa Hương, nếu lượng khách đã quá đông thì Công ty cổ phần vận tải cáp treo Hương Sơn phải tạm dừng ngay việc bán vé. Song có lẽ vì lợi nhuận nên công ty này vẫn tiếp tục bán vé dù du khách có vé đã phải xếp hàng xuống dưới bậc tam cấp rất nguy hiểm. Và, cũng vì lượng khách quá đông nên Công ty cổ phần vận tải cáp treo Hương Sơn có huy động cả chục nhân viên bảo vệ, họ cũng không thể ngăn được dòng người chen lấn bất chấp chỉ dẫn của nhân viên. Chính vì thế nên những vệ sỹ bảo vệ của Công ty Đại Nam được Công ty cổ phần vận tải cáp treo Hương Sơn thuê về làm nhiệm vụ an ninh ban đầu còn nhã nhặn. Họ leo lên những hàng rào sắt như những con khỉ đang làm xiếc, miệng liên tục thổi còi còn tay thì liên tục chỉ trỏ hướng dẫn. Thế nhưng, do có quá nhiều nhiều du khách đùn đẩy nên sau đó, nhân viên bảo vệ nào cũng được trang bị gậy chuyên dụng. Có người còn dùng cả một thanh tre dài, mắt đằng đằng sát khí, sẵn sàng vụt vào bất kỳ du khách nào định vượt qua hàng rào vào phía trong hoặc những du khách quá khích trong đám đông xếp hàng. Rất nhiều cụ già muốn có được một xuất đi cáp treo đã phải bật khóc vì bị chen lấn. Thậm chí có em bé còn bị ngất vì ngột ngạt giữa dòng người đông kín. Chưa hết, vì lượng người quá đông khiến “đầu ra” cáp treo bị tắc, nhiều chủ cửa hàng nhân cơ hội này cũng kiếm bộn tiền khi tự tiện ngăn du khách đòi thu “tiền phí” những ai đi qua phần đất gian hàng của mình.

Theo thống kê của Ban quản lý di tích Chùa Hương, trong 10 ngày đầu năm mới có khoảng 30 vạn du khách đến Chùa Hương. Riêng trong ngày khai mạc, lượng du khách tăng lên đến 5 vạn khách. Trước đó, ngày 30/1/2009 tức ngày mồng 5 tết Kỷ sửu có 3,2 vạn du khách. Đến ngày 1 tháng 2, tức ngày 7 tháng giêng Kỷ sửu, có tới 3,7 vạn du khách. Ngày 8 tháng giêng Kỷ sửu, có gần 3 vạn du khách. Và, vào ngày nào tình trạng du khách bị chặt chém, tình trạng chen lấn lên cáp treo, chen lấn vào động Hương Tích và tình trạng nhếch nhác ở khắp các diểm thẳng cảnh vẫn cứ diễn ra. Vậy mà trò chuyện với ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khu di tích thắng cảnh Chùa Hương, ông Thanh lại tỏ ra rất “đồng cảm” với tình trạng trên. Rằng, tình trạng ấy là tất yếu diễn ra trong những ngày lễ hội…


Đầu năm đi lễ chùa cầu may đúng là một việc tốt, một việc nên làm. Nó càng tốt hơn khi lễ chùa lại kèm với một dịp hành xác, vì như thế càng thể hiện sự thành tâm của chúng sinh với Phật. Thế nhưng, cuộc hành xác đầu năm của du khách về nơi đất phật Chùa Hương có vẻ quá gian nan. Thay vì nhận được lòng nhân ái, từ bi, sự sẻ chia, họ đã gặp sự ích kỷ, lòng tham và gặp quá nhiều “người ma” trên cuộc hành trình tìm đến Phật trên chính mảnh đất Phật Chùa Hương của mình.



Trọng Tuyến (Vietimes)