Ngày 5/3, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, vùng Bảy Núi (còn gọi Thất Sơn), An Giang có nhiều thảo dược và gỗ quý phát triển.

Ngày 5/3, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, vùng Bảy Núi (còn gọi Thất Sơn), An Giang có nhiều thảo dược và gỗ quý phát triển.

Lá và hoa chùm ngây. Ảnh: NNVN
Tại vùng Bảy Núi, thuộc huyện Tịnh Biên vừa phát hiện cây chùm ngây (còn gọi là cây cải ngựa) có tên khoa học là Moringa, là một loại thảo dược quý. Loại thảo dược này mọc ở những khu vực ít người qua lại, mật độ thưa thớt. Những cây ngải ngựa tìm thấy trên địa bàn Bảy Núi khoảng 18 năm tuổi.

Chùm ngây được biết đến và dùng hơn nghìn năm nay ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ. Do có nhiều hữu ích, nên hiện nay đang có chương trình khuyến khích trồng cây chùm ngây ở 80 quốc gia trên thế giới.

Ở Campuchia, loại thảo dược này được sử dụng phổ biến chữa trị nhiều bệnh, tật.

Theo nhà thực vật Võ Văn Chi, hầu hết các bộ phận của cây chùm ngây đều có thể dùng làm thuốc như: lá, quả, hoa, chồi non... nấu canh, nấu nước uống bồi dưỡng cơ thể suy nhược rất tốt, nhất là với phụ nữ sau khi sinh; rễ dùng làm thuốc chữa dịu vết côn trùng cắn, nhựa cây dùng chữa đau răng...

Chùm ngây được dùng chữa các bệnh như: trị u xơ tiền liệt tuyến (phối hợp với lá trinh nữ hoàng cung), trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, giúp ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, bảo vệ gan và hệ tuần hoàn, trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid, hoặc làm giảm acid uric...

Cây chùm ngây mọc rải rác ở những vùng đất cát, đất đồi có nước biển xâm nhập từ Quảng Nam vào tới Kiên Giang.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Nguyễn Đức Thắng cũng cho biết, vùng Bảy Núi còn có nhiều cây gỗ quý như cây lát hoa, trám nắng... Các loại cây này đề có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về những loại cây quý ở khu vực Bảy Núi.

Ông Nguyễn Đức Thắng hiện đang khảo sát nghiên cứu về các loại cây quý hiếm ở khu vực Bảy Núi. Đây là nghiên cứu đầu tiên của Sở KH&CN An Giang về hiện trạng này – Giám đốc Sở KH&CN An Giang Nguyễn Văn Phương cho biết.

*
V.Giang
http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/03/834363/