Mặc dù đã nhiều năm qua sử dụng nguồn nước tại giếng, nhưng người dân ở xóm Khộp, xã Ngọc Lâu và cả 3 xã vùng cao của huyện Lạc Sơn vẫn không thể lý giải nổi tại sao giữa giếng của bản lại tồn tại một khúc gỗ. Và người ta cũng không thể giải thích được tại sao khi nhấc khúc gỗ đó lên thì giếng Khộp lại cạn trơ đáy, cho dù nước mưa trên cánh rừng đầu nguồn đổ về ầm ào, xối xả.



Giếng Khộp vẫn luôn mát lành trong cuộc sống người dân ở xã vùng cao Ngọc Lâu.




Bí ẩn mạch nước... thánh



Đến ngay cả cụ Bùi Văn Beo năm nay đã 87 tuổi, là một trong những người già nhất bản Khộp, xã Ngọc Lâu cũng không thể lý giải được bí ẩn của nguồn nước và khúc cây nằm dưới giếng ngay gần nhà. Cụ Beo bảo: “Tôi sinh ra và lớn lên đã có giếng nước và gốc cây ấy rồi. Nghe các cụ kể thì cũng chẳng biết nó có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, nếu không có khúc cây ở trong giếng thì nước sẽ cạn. Đây là nguồn nước duy nhất của cả vùng. Không có nước, cả bản Khộp sẽ khát”.


Lớp người già như cụ Bùi Văn Beo vẫn luôn nhắc nhở con cháu về lời thề giữ rừng, giữ nguồn nước quý của bản Khộp, xã Ngọc Lâu.


Kể cũng lạ, ở vùng núi cao nhất của huyện Lạc Sơn toàn núi đá. Trời mưa, nước cứ chuồi chuội chảy về vùng dưới. Mùa khô, chân ruộng đất cứ nứt nẻ, nước sinh hoạt vô cùng hiếm, vậy mà ở Ngọc Lâu lại có nước. Mà cũng chỉ có ở “giếng thần” này. Lạ hơn là nước tràn trề. Chưa biết thực hư thế nào, nhưng quả thật, nhìn bằng mắt thường thì giếng của bản Khộp có khác lạ so với các mó nước trong vùng. Chỉ rộng khoảng chục mét vuông, nhưng cả trăm hộ dân của xóm Khộp và xóm Băng xã Ngọc Lâu dùng ngày, dùng đêm, kể cả dùng để tưới rau cũng không lúc nào vơi. “Nó giữ được nước là nhờ khúc cây thần đấy. Từ xưa các cụ truyền lại, nếu nhấc gốc cây dưới đáy bỏ lên bờ thì giếng sẽ cạn trơ đáy”, ông Bùi Văn Chích năm nay 86 tuổi sinh ra và lớn lên ở bản Khộp này lý giải cho chúng tôi nghe tại sao có khúc gỗ nằm giữa giếng.



Đó không phải là sự lý giải suông. Năm 1996, cả bản Khộp đã được một phen hú vía. Năm đó, bằng nguồn vốn hỗ trợ của UNICEF thực hiện chương trình nước sạch phục vụ cộng đồng ở các xã vùng cao huyện Lạc Sơn. Giếng nước xóm Khộp được đầu tư cải tạo. Trong quá trình cải tạo, nạo vét xây thành, người ta đã nhấc khúc gỗ dưới giếng vứt lên bờ. Chỉ qua một đêm, giếng nước lúc nào cũng đầy tràn, đầy trề giờ vục cả buổi cũng chưa được một vác nước. Nước thì cứ đục ngầu. Cho dù ở phía thượng nguồn, mưa rừng cứ xối xả. Không có nước sinh hoạt, hơn trăm hộ dân ở bản Khộp và hàng trăm hộ dân ở các bản lân cận tá hỏa tìm lại khúc gỗ mà hôm trước đám thợ xây vứt lăn lóc mãi tận bìa rừng mang về để vào chỗ cũ. Lạ thay. Từ lúc để khúc gỗ vào vị trí ban đầu, giếng Khộp có nước trở lại. Chỉ qua một đêm, nước giếng lại đầy tràn như cũ. Những con cá trước đây ở trong giếng lại trở về. Mặc dù không ai cho ăn hay chăm sóc gì, nhưng vẫn cứ lớn rất nhanh. Chẳng ai dám bắt. Bởi, dân ở bản Khộp cho rằng, bất kể cái gì ở dưới giếng đều là của thần nước, thần núi.




“Lời thề” giữ rừng, giữ nước



Chúng tôi cứ phân vân mãi câu hỏi, chẳng biết đó có phải là chuyện thật hay chỉ là câu chuyện hoang đường được người dân thêu dệt nên để răn dạy con cháu giữ gìn nguồn nước quý của bản. Kể cũng lạ! Cây gỗ ngâm dưới mó nước hàng bao đời qua vẫn không hề bị mục ruỗng. Theo lý giải của anh Bùi Văn Long, cán bộ Văn phòng UBND xã Ngọc Lâu thì: “Dù là gỗ Lim, gỗ Nghiến ngâm xuống nước rồi cũng sẽ bị mùn đi theo thời gian”. Nhưng, khúc gỗ dưới giếng dân bản Khộp đều biết nó đã tồn tại ở dưới mó nước này hàng trăm năm nay, nhưng khi vớt lên vẫn cứng như thép. Chặt vào mẻ cả rìu. Đến giờ, chẳng ai có thể biết giếng có trước hay gỗ có trước. Nhưng, sự thật về những điều lạ ở Ngọc Lâu vẫn diễn ra một cách tự nhiên như người dân hàng ngày vẫn đến đây tắm rửa, lấy nước về sinh hoạt. “Bí ẩn về mối liên hệ giữa nguồn nước và khúc gỗ chưa ai lý giải được cũng chẳng sao. Miễn là nước đừng bao giờ cạn. Ở những nơi khác, nước ở giếng này cạn thì còn có giếng khác. Chứ giếng này mà cạn thì hàng trăm hộ dân ở xóm Khộp và xóm Băng chỉ có khát”, anh cán bộ văn phòng xã Ngọc Lâu bảo như vậy.



Trong quá trình đi tìm lời giải về bí ẩn của “giếng thần”, chúng tôi cũng đã gặp nhiều người dân xóm Khộp. Trong đó có cả những cụ già râu tóc đã bạc trắng như mây. Tất cả đều cho rằng, nguồn nước ở giếng thần chưa bao giờ cạn và lúc nào cũng trong vắt, dù rằng nước mưa từ trên núi có xối qua. Và ai cũng kể lại một cách hoảng hốt về “sự kiện năm 1996”, khi được tổ chức UNICEF hỗ trợ cải tạo giếng. Vụ đó, cả làng được phen hoảng hồn. “Kể từ đó, già trẻ, gái trai của bản không một ai dám xâm phạm đến khúc gỗ đó. Dân làng thường nhắc nhở nhau, phải biết giữ nguồn nước thật trong sạch. Cũng từ đó, người già, người trẻ ở bản Khộp không còn lên rừng chặt cây. Ai cũng hiểu, chặt cây trên rừng chính là xâm phạm đến nguồn nước thần”, cụ Bùi Văn Chích giảng giải.



Đặc biệt, trong câu chuyện của những người có tuổi, chúng tôi được nghe kể sự tích về khúc cây nằm ở dưới giếng từ hàng trăm năm qua. Theo ông Bùi Văn Beo, người già nhất bản Khộp thì: “Khúc gỗ dưới đáy giếng là cành của cây Nhội. Tương truyền gốc của nó ở mãi trên cánh đồng Nà Cả của xóm Điện, xã Ngọc Sơn, cách bản Khộp khoảng 5km. Xa xưa, cây Nhội này có tán rộng che cả bầu trời của cả 3 xã vùng cao. Tán lá che khuất ánh nắng mặt trời làm người dân tối tăm mặt mũi không cấy hái gì được. Trước cảnh đó, 7 cha con một người nông dân ở vùng Mường Điện (Ngọc Sơn) quyết chặt cây. Ròng rã 3 tháng trời, cha con họ mới chặt đổ cây. Lối thân cây đổ là con đường từ xóm Điện về đến xóm Khộp hiện nay. Sau khi cây đổ, cành gỗ nhội gãy xuống xóm Khộp, từ đó đã tạo thành mó nước chảy quanh năm, từ đời này sang đời khác không khi nào cạn...”



Truyền thuyết về giếng thần ở Ngọc Lâu không biết thực hư ra sao. Qua nhiều năm, người dân vẫn cứ tin vào điều đó. Đời truyền đời nhắc nhau không xâm phạm chặt phá rừng để giữ gìn mó nước. Không biết, giếng thần có phải là vật thiêng của bản Khộp, minh chứng cho “lời thề” giữ nguồn nước không thì không ai lý giải được. Nhưng, sự thật ở giếng nước của bản Khộp vẫn đang diễn ra như sự tồn tại của khúc gỗ nhội ở giữa dòng nước trong vắt. Và để giữ được dòng nước ngọt lành, ở phía xa trên cánh rừng đầu nguồn của bản Khộp vẫn còn ngút ngàn xanh mát.



Mạnh Hùng