KARMA

Karma là đề tài rộng lớn có nhiều mặt. Đa số bài viết thường nói về karma của con người, tuy nhiên nhìn rộng ra thì còn nhiều loại khác như karma của trái đất, thái dương hệ. Chẳng những vậy, các giống dân, hành tinh, vũ trụ xuất hiện và tan biến theo luật chu kỳ thì karma cũng tác động theo cùng luật. Đây là hiểu biết ít khi được nói tới mà sẽ được đề cập trong bài này.

I.

Khi chưa nghe nói tới luật Karma và nhìn chung quanh thấy sự bất bình đẳng của việc sinh ra vào cảnh giầu hay nghèo, thông minh nhiều hay ít, có tài năng cao hay thấp, mà ta không thể giúp để làm giảm bớt sự khổ nàn, chỉ có sự hiểu biết về Karma mới ngăn ta không oán trách trời đất và cuộc sống.
Luật này - dù hữu thức hay vô thức - không hề định trước chuyện gì hay ai. Nó từ Vô Tận mà ra, hiện hữu trong đó và nó chính là Vô Tận; nó không tác động mà chính nó là Hành Động. Karma không sáng tạo điều chi cũng không hoạch định việc gì, mà chính con người sắp đặt và gây ra nguyên nhân còn Karma điều chỉnh các hệ quả. Sự điều chỉnh ấy không phải là hành động mà là sự hòa hợp chung khắp nơi, luôn có khuynh hướng trở lại vị trí ban đầu, tự như cành cây khi bị kéo xuống mạnh, sẽ bung ngược trở lại với sức mạnh tương ứng. Karma không hề tìm cách phá hủy sự tự do trí tuệ và tự do cá nhân, khác với vì Thượng đế mà tín đồ các tôn giáo độc thần tạo ra.
Luật không che dấu các nguyên tắc của nó trong bóng tối để làm người hoang mang, nó cũng không trừng phạt ai dám xem xét các bí ẩn của nó. Ngược lại, ai do học hỏi và tham thiền khám phá ra đường lối phức tạp của nó và soi sáng chỗ tối tăm, chỗ uốn lượn quanh co làm nhiều người vấp ngã do không biết các mê lộ của đời, là đang giúp ích cho đồng loại mình. Karma là luật tuyệt đối và vĩnh cửu trong thế giới hữu hình, là một với điều bất khả tư nghì, và là một đặc tính của điều ấy trong thế giới hiện tượng.
Có liên kết chặt chẽ với Karma, hay đúng hơn là không thể tách rời khỏi nó, là luật tái sinh, tức sự trở lại của con người tinh thần trong chuỗi dài gần như vô tận một loạt các phàm ngã. Phàm ngã tựa như y trang và nhân vật mà một kịch sĩ thủ vai. Trong vài tiếng đồng hồ kịch sĩ đồng hóa mình với vai tuồng và khán giả đồng hóa họ với vai ấy.
Con người thật bên trong, kẻ thủ diễn các vai, suốt lúc đó biết rằng trong khoảng mấy tiếng đồng hồ mình là vai Hamlet trong vài màn ngắn ngủi, tượng trưng nơi cõi huyễn ảo của con người trọn cuộc đời của Hamlet. Và anh hiểu rằng đêm trước mình là vua Lear, và đêm trước nữa mình lại là một vai khác; trọn lúc ấy mỗi vai trò phải tỏ ra không biết gì về sự kiện này.
Trong đời sống thực sự hằng ngày, không may là sự thiếu hiểu biết đó rất thực. Dầu vậy, phần cá nhân thường hằng tức chân ngã lại có ý thức trọn vẹn sự kiện trên; bởi con mắt tinh thần nơi thể xác bị thui chột, hiểu biết đó không thể gây ấn tượng lên tâm thức của phàm ngã.
Chân nhân trong căn thể (causal body - thể tàng trữ mọi căn nguyên) là phần chủ trì mỗi phàm ngã mà Karma cưỡng ép nó phải đầu thai vào. Nó phải trải qua một chu kỳ bất tận gồm bao lần tái sinh, mỗi lần như vậy nó bị cho là có trách nhiệm và phải đau khổ. Trọn những điều này nghe có vẻ trái nghịch và rối trí, nhưng có nhiều người ý thức chuyện rõ ràng vì họ hiểu tính chất của chân nhân mà luôn cả những khía cạnh của nó. Để làm việc rõ nghĩa hơn, ta cần khởi sự từ đầu và ghi ra đôi dòng về chân nhân.
Hãy thử tưởng tượng một thần linh, người trời, hoặc ta có thể gọi bằng một tên nào khác, có bản chất thiêng liêng nhưng chưa đủ thanh khiết để là một với Đại Ngã. Muốn được vậy nó phải thanh tẩy bản tính của mình hầu cuối cùng đạt tới mục đích ấy. Nó chỉ có thể làm thế bằng cách tự mình trải riêng rẽ (tức về mặt tinh thần và thể chất) qua mỗi kinh nghiệm và cảm xúc có trong vũ trụ thiên hình vạn trạng. Do đó, sau khi học qua kinh nghiệm như thế ở những loài thấp và càng ngày càng đi lên những nấc thang tiến hóa cao hơn, nó phải trải qua mỗi kinh nghiệm trong những cõi của người. Karma là con đẻ của phàm ngã, là kết quả của hành động của cái cây tức phàm ngã hiển hiện cho ai cũng thấy, và cũng là trái của mọi tư tưởng và ngay cả động cơ của cái 'tôi' tinh thần.
Karma không sao có thể điều chỉnh sự quân bằng quyền lực trong đời sống và sự tiến bộ của thế giới, trừ phi nó theo đường lối hành động rộng rãi và tổng quát. Karma có tính cá nhân là phần ai nấy trả, mà cũng có tính khác là liên kết mọi thành phần của sự sống. Về mặt đó, sự tùy thuộc lẫn nhau của nhân loại là nguyên nhân cho việc nhân quả chia sẻ. Đây là luật cho giải đáp với câu hỏi về sự đau khổ tập thể và việc giải trừ nó. Hơn nữa, nó còn là luật bí truyền nói rằng không ai có thể cải thiện khuyết điểm của mình mà không nâng cao, dù ít oi thế mấy, trọn khối nhân loại mà họ là một phần trong đó. Cũng y vậy, không ai có thể phạm tội hay chịu ảnh hưởng của tội lỗi một mình. Trong thực tế, không có điều gì là sự chia rẽ, và nếu có thì chỉ thấy qua ý tưởng hay động cơ ích kỷ.
Cá nhân không thể tách rời mình với giống dân, hay giống dân tách rời khỏi cá nhân. Luật Karma áp dụng đồng đều cho tất cả, tuy rằng không phải mọi người phát triển đồng đều như nhau. Khi giúp sự phát triển của người khác, học viên TTH tin rằng không phải anh chỉ giúp họ làm tròn Karma của họ, mà anh còn, theo nghĩa rất sát, làm tròn Karma của mình. Nó là sự phát triển của nhân loại, cái khối mà anh và người khác là một phần nằm trong đó, và anh luôn luôn biết rằng thất bại nào về phần mình trong việc đáp ứng với phần cao nhất trong tâm, sẽ gây chậm trễ không những cho chính anh mà luôn cho tất cả mọi người về sự tiến bước của họ. Do hành động của mình, anh có thể làm cho công chuyện hóa khó hay dễ hơn cho nhân loại trong việc đạt tới trình độ cao hơn.
Nói chung và trong một giới hạn nào đó, Karma không thể bị thúc đẩy hay làm trì hoãn việc thi hành luật, dầu vậy cũng có ngoại lệ như ta nghe nói là ai muốn đi mau trên đường Đạo thì khi đủ sức, họ có thể yêu cầu được cho trang trải số lượng lớn nhân quả trong một thời gian ngắn, thay vì phân bố nó ra trong nhiều kiếp và tiến bước thong thả hơn.
Đôi khi Karma của một người không trang trải hết hẳn trong một kiếp, phàm ngã kiếp ấy có thể bị hoàn cảnh ngăn cản làm cho nó không nhận được hết phần Karma mà lẽ ra phải nhận dù xấu dù tốt. Nhưng luật nhân quả không hề bị sự may rủi không suy xét làm cho sai lạc. Việc đền bù nếu không thể giải quyết cho xong trong kiếp nào thì phần còn lại sẽ được mang sang kiếp tới, điều chi chưa làm trọn bây giờ sẽ được trở lại để hoàn tất về sau, và những kiếp sống của cá nhân được ví rất sát như các trang giấy một cuốn tập kế toán, Cuốn Sổ Đời.

II. Chu Kỳ và Karma

Ta xem Karma là luật tối hậu của vũ trụ, là căn do, nguồn gốc của mọi luật khác hiện hữu trong khắp thiên nhiên. Nó là luật không sai chạy, điều chỉnh hệ quả đối với nguyên nhân nơi các cõi sinh hoạt là vật chất, trí tuệ và tinh thần. Bởi không có nguyên nhân nào mà không có hệ quả tương xứng từ lớn nhất tới nhỏ nhất, từ sự xáo trộn ở mức vũ trụ tới cử động của bàn tay, và bởi nhân nào sinh quả đó, Karma là luật vô hình điều chỉnh khôn ngoan, sáng suốt, công bằng mỗi hệ quả với nguyên nhân, truy được từ cái trước đến nguồn sinh ra nó. Tuy không thể biết luật chính ra là như thế nào và bản chất của nó, ta biết được cách nó tác động, và có thể định nghĩa cùng mô tả hành động chính xác của nó.
Để hiểu cách làm việc của Karma trong sự tuần hoàn của vũ trụ, và để làm cho nó hóa rõ ràng, dễ hiểu hơn, ta cần xem xét các chu kỳ nhân quả. Câu hỏi là những chu kỳ rộng lớn như Kiếp (Yuga) và Đại Kiếp (Kalpa) dài hằng triệu năm của Ấn giáo và ý niệm tương tự của Hy lạp cổ thời, có liên hệ trực tiếp gì cho đời sống con người ? Ta được dạy rằng có những chu kỳ trong không gian và thời gian vô tận, có chu kỳ vật chất và rồi chu kỳ tiến bộ tinh thần, chu kỳ giống dân, quốc gia và cá nhân. Hiểu biết bí truyền cho ta cái nhìn sâu hơn ra sao về cách hoạt động của chúng ?
Đời sống địa chất của trái đất được ấn định trước, và tương tự vậy là sự ấn định cho giống dân và quốc gia. Điều này có liên hệ chặt chẽ với Karma và các chu kỳ. Luật tiến hóa hiện giờ đưa ta theo vòng cung đi lên trong chu kỳ của chúng ta, để rồi hệ quả lại hòa vào và trở thành nguyên nhân lần nữa, và mọi chuyện bị ảnh hưởng bởi hệ quả ấy này có được trở lại sự hòa hợp ban đầu. Nó là một chu kỳ nhỏ trong chu kỳ rộng lớn hơn, nhân dẫn đến quả rồi quả tới phiên nó thành nhân cho kiếp tới.
Giống như trái đất đi hết một vòng quanh mặt trời trong một năm, mà cùng lúc xoay quanh trục của mình một vòng mỗi 24 giờ, tức có nhiều chu kỳ nhỏ trong một chu kỳ lớn, thì những chu kỳ nhỏ loại khác cũng đi trọn rồi khởi đầu trở lại bên trong một Kiếp hay Đại Kiếp. Rồi triết lý cổ thời còn dạy rằng sự xoay vần của thế giới vật chất đi kèm với xoay vần tương tự của thế giới trí tuệ - tâm linh, cả hai diễn ra chu kỳ.
Như vậy ta thấy trong lịch sử có sự thay phiên đều đặn các lượn sóng tới lui của sự tiến bộ con người. Lịch sử cho thấy các đế quốc, vương quốc trên thế giới sau khi lên tới mức vĩ đại tột đỉnh, sẽ đi xuống trở lại theo cùng một luật được áp dụng cho nó khi đi lên, để rồi khi xuống tới điểm thấp nhất nhân loại tự chỉnh đốn và tiến lên lần nữa. Kỳ này, do luật tiến triển theo chu kỳ, đỉnh mà nó sẽ lên tới thì cao hơn đỉnh của lần đầu.
Tuy nhiên các chu kỳ ấy, là bánh xe trong hệ thống bánh xe răng cưa khác, không ảnh hưởng hết tất cả nhân loại cùng một lúc. Vì vậy, đó là khó khăn trong việc hiểu và phân biệt ảnh hưởng giữa chu kỳ này với chu kỳ khác, hay ảnh hưởng tinh thần và vật chất của từng chu kỳ, khi ta chưa thấu đáo cặn kẽ sự liên hệ của chu kỳ với quốc gia và giống dân, vận mạng và cuộc tiến hóa của chúng. Kế tiếp, có những chu kỳ nhỏ cho quốc gia, cho chi chủng trong mẫu chủng (giống dân phụ trong giống dân chính). Ta không hiểu được hệ thống này nếu phần tinh thần của chu kỳ, được Karma ấn định sẵn, bị tách rời với phần vật chất; lại nữa các chu kỳ lớn nhỏ diễn ra độc lập với nhau.
Ta còn có thể nói rằng cách luật tác động là do chính ta làm ra, vì chúng ta, tập thể hay cá nhân, đã chuẩn bị chúng. Karma đồng nghĩa với 'Ý Trời' mà không có tính thiện hay ác gán cho nó. Huyền bí gia hay triết gia sẽ không nói tới chuyện 'Ý Trời' lành hay dữ, mà xem đó là Karma và dạy rằng nó thưởng người lành trong kiếp tới, và trừng phạt người dữ kiếp sau hay nhiều đời sau, bao lâu mà sự xáo trộn rất đỗi nhỏ bé gây ra cho sự hòa hợp trong cõi vô cùng chót hết vẫn chưa được điều chỉnh. Karma là luật duy nhất - vĩnh cửu và bất biến - về sự hòa hợp tuyệt đối trong cõi vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy Karma không thưởng hay phạt, mà đó là chúng ta tự thưởng hay phạt mình tùy theo ta có làm việc cùng và thuận với thiên nhiên, tuân theo luật mà sự hòa hợp tùy thuộc, hay ta phá các luật ấy.
Vậy thì, với những lời phạm thánh và trách móc Thượng đế trong đạo của họ mà con người thốt ra, không lời nào tệ hơn hay không thể tha thứ hơn khi do lòng khiêm tốn gần như luôn luôn giả tạo, tín đồ được xem là 'ngoan đạo' nói rằng đó là ý Trời mỗi khi có điều bất hạnh xẩy đến cho mình.
Học viên TTH không tin vào việc có ai chết thay cho tội lỗi người khác, cũng như không có thần linh nào xá tội dù là tội thật nhỏ bé. Điều ta tin là có sự công bằng chặt chẽ, vô tư. Quan điểm của ta về Karma nói rằng ấy là một Quyền Năng không thể sai lầm, và do vậy không có sự giận dữ hay thương xót mà chỉ có lẽ Công Minh tuyệt đối, để cho mỗi nguyên nhân dù to hay nhỏ, đưa tới hệ quả không thể tránh được.
Vì thế ta khuyến khích các đức hạnh nhân từ, bố thí và tha thứ lầm lỡ của nhau, và cho rằng khuyến khích thế mấy cũng không đủ. Lời dạy 'Lấy ân báo oán' nói lên tính cách không sai sót của Karma. Bởi khi ai dành quyền làm luật thay cho luật trời thì dù sao đi nữa, đã phạm thánh về một mặt nào đó. Luật của con người có thể dùng biện pháp giới hạn mà không có tính trừng trị, nhưng ai tuy tin vào Karma mà vẫn trả thù, và không muốn quên đi thương tổn của mình để lấy ân đền oán, thì là kẻ tội phạm và chỉ làm hại mình. Bởi Karma chắc chắn sẽ trừng phạt kẻ đã làm quấy với anh, còn khi tìm cách trừng phạt kẻ thù của mình thay vì để Karma lo liệu việc quân bằng ân oán, anh đã thêm vào đó phần của mình, và do vậy sinh ra nguyên do khiến trong tương lai kẻ thù được phần thưởng và anh bị phạt. Luật điều chỉnh không sai chạy và ảnh hưởng mỗi kiếp sau theo tính chất của kiếp trước, cùng dựa theo tổng số công và tội những kiếp đã qua.
Ta có thể mô tả Karma như là luật điều chỉnh, luôn có khuynh hướng tái tạo sự quân bình bị xáo trộn trong các cõi; Karma không luôn luôn tác động theo cách này hay cách kia, mà nó luôn luôn tác động để lập trở lại sự hòa hợp, và duy trì sự quân bằng nhờ đó vũ trụ hiện hữu.
Hãy hình dung một hồ nước, viên sỏi rơi vào đó sinh ra nhiều lượn sóng làm xáo động mặt hồ. Những lượn sóng này lan tới lui cho đến khi năng lực tiêu tan và chúng ở trong trạng thái nghỉ, nước trở lại tình trạng an tĩnh, tĩnh lặng. Tương tự vậy, mọi hành động ở mỗi cõi đều sinh ra xáo trộn cho sự hòa hợp cân bằng của vũ trụ, các rung động từ đó sinh ra sẽ tiếp tục lan tới lui nếu đó là vùng giới hạn, cho đến khi quân bình được tái tạo. Nhưng bởi mỗi xáo trộn như thế bắt đầu từ một điểm nào đó, chuyện rõ ràng là sự quân bình và hòa hợp chỉ có thể được tái tạo bằng cách tụ về cùng điểm ấy hết mọi lực đã từ đó phát ra. Và như thế bạn có bằng chứng là hệ quả của hành động, tư tưởng v.v. của một ai phải tác động trở lại lên chính họ, với cùng sức mạnh mà họ đã phát chúng ra.
Karma cũng không phải là không chi phối được nếu ta làm việc trong sự đồng lòng và hòa hợp, thay vì phân rẽ và tranh chấp. Việc không biết cách Karma tác động - có người gọi đó là ý trời, phức tạp và bí hiểm, người khác thì cho ấy là định mệnh mù quáng, và người nữa tin nó chỉ là chuyện may rủi không có thánh thần hay quỉ ma can dự - chắc chắn sẽ mất đi nếu ta hướng chúng về nguyên nhân đúng thật. Với hiểu biết xác đáng, hay với niềm tin vững vàng là người bên cạnh sẽ không làm hại ta cũng như ta không làm hại họ, nhiều điều ác trên thế giới sẽ biến mất ngay. Nếu không ai hại ai, Karma sẽ không có duyên cớ để tác động, hay vũ khí để sử dụng.
Sự hiện diện thường trực của tranh chấp và đối kháng giữa chúng ta, và sự phân rẽ của các sắc dân, quốc gia, xã hội, cá nhân thành kẻ thù của nhau, là nguyên do chính cho 'ý Trời'. Nhưng sự thực là không một tai nạn nào trong đời ta, không một ngày xui xẻo, hay điều bất hạnh nào mà không thể truy ngược trở lại chuyện ta đã làm trong kiếp này hay kiếp xưa.
Cách làm việc của Karma là việc làm lành hay phạm luật và tội lỗi xẩy ra ở cõi vật chất nơi ta biểu lộ, thì không thể có thưởng hay bị trừng phạt ở cõi tâm linh. Học viên TTH không tin có nơi chốn nào là địa ngục hay thiên đàng, không có lửa cháy đời đời, ngạ quỉ hành hạ người hay cõi trời có đường phố dát vàng ngọc. Điều họ tin là tình trạng sau khi chết, ấy là trạng thái tâm linh giống như ta ở trong giấc mơ sống động.
Việc học hỏi MTTL hóa thú vị khi ta đối chiếu nhiều nguồn tài liệu về điểm này hay kia. Trong bài này đề cập đến tính chu kỳ của Karma, theo đó sự biểu lộ của tinh thần trong vật chất sẽ tái đi tái lại, vật chất trong lần biểu hiện này mang tính chất của lần trước và mục tiêu của lần này là làm cho vật chất thăng hoa thêm một nấc trên thang tiến hóa. Nói khác đi, vật chất của thế giới hiện giờ có sẵn mầm bất toàn và bổn phận của ta là làm cho nó trở nên toàn thiện, tức cứu chuộc chúng (việc tinh lọc vật chất này được nói tới trong sách Con Đường Lành Bệnh đã đăng trên PST).
Lại nữa, khi bàn về Karma đa số tư tưởng thường chỉ chú trọng vào con người hơn là vào tổng thể mà con người là một phần trong đó. Tính cách chu kỳ được đề cập ở trên cho ra cái nhìn mới về Karma, và cũng bởi luật nhân quả có liên hệ mật thiết không thể tách rời với luật tái sinh, một số lớn người hiện nay xưa kia ở châu Atlantis nay trở lại, và lo giải trừ nhân quả sinh ra trong kiếp làm người Atlantis. Nhân quả ấy thường có một số đặc tính giống nhau chẳng hạn nặng về tình cảm, nên biểu lộ thành hình thức bệnh cũng giống nhau, thí dụ như ung thư. Vì có đông kẻ như vậy nên vào lúc này ung thư là bệnh gây chết người hàng đầu trên thế giới. Đây là một điểm cho thấy lợi ích của việc nghiên cứu TTH, nó cho ta tầm nhìn rộng lớn hơn, thấy được vị trí sự việc trong khung cảnh và hiểu ra ý nghĩa của chúng.

Theo:
- The Secret Doctrine, HPB.