Mao Trạch Đông và thuyết “Thiên nhân tương ứng”
Tin vào “thiên nhân cảm ứng”
Mao Trạch Đông (1893-1976) là lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã lãnh đạo nước CHND Trung Hoa từ năm 1949 đến 1976. Qua lời kể của Tiểu Mạnh, người hộ lý phụ trách chăm sóc sức khỏe, gắn bó với Mao Chủ tịch suốt 20 năm, nhà văn Trung Quốc Quách Kim Vinh đã tái hiện lại hình ảnh ông trong những ngày tháng cuối đời.
picture avatar
Mao và Tiểu Mạnh

Lại là một buổi chiều tàn nhạt nắng. Căn phòng ngủ rộng rãi vẫn lặng lẽ như bao ngày. Mao Trạch Đông nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường rộng. Không biết cuốn sách gì đã thu hút ông khiến đã hơn một tiếng đồng hồ rồi ông không động đậy.

Tiểu Mạnh ngồi trên xa lông, đang lật xem báo ngày hôm ấy. Có lẽ tiếng động nhỏ do cô lật báo đã làm kinh động Mao Chủ tịch, hoặc cũng có thể ông cảm thấy mệt mỏi. Ông xoay người trên giường, thuận tay đặt sách sang một bên. Sau đó, ông cất giọng đặc sệt ngữ âm Hồ Nam: “Báo hôm nay có tin gì mới đọc cho tôi nghe, nhưng mà tôi không muốn nghe những thắng lợi lớn trong đại phê phán gì đó, chỉ muốn nghe tin tức thôi”.

Tiểu Mạnh đọc: “Tân Hoa Xã ngày 21-4-1976: Vừa rồi, ở địa khu Cát Lâm Đông Bắc nước ta đã xảy ra một trận rơi thiên thạch rất hiếm thấy trong lịch sử thế giới. Chiều 8-3 năm nay, một hòn thiên thạch trong vũ trụ thuận theo chiều xoay của Trái đất quay quanh Mặt trời với tốc độ hơn 10 km/giây đã rơi vào tầng khí quyển địa cầu. Do lực ma sát kinh hồn với tầng khí quyển dày đặc nên khi bay đến không gian địa khu Cát Lâm, hòn thiên thạch này đã phát sáng, bốc cháy trở thành một quả cầu lửa khổng lồ và vào lúc 15 giờ 1 phút 59 giây đã phát nổ lớn trên vùng hợp tác xã Kim Châu ngoại ô Cát Lâm”.

Đang đọc, Tiểu Mạnh bỗng thấy Mao chủ tịch đột nhiên ngồi hẳn dậy, đây là chuyện chưa từng xảy ra. Rất nhiều lần đọc báo cáo, văn kiện, báo chí, Mao Chủ tịch chỉ lặng lẽ nghe mà thôi, rất ít khi phát biểu ý kiến, cũng rất ít khi thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi.

Tiểu Mạnh đọc xong bản tin, vừa muốn đọc một tin khác thì Mao Chủ tịch vội nói: “Cô đọc đến đây thôi, đừng đọc thêm nữa”. vừa nói, ông vừa xỏ chân vào giày, Tiểu Mạnh vội chạy đến đỡ ông đi ra phía trước.

Xem ra, Mao Trạch Đông đang bị vây phủ bởi một trạng thái tinh thần khác thường. Trên mặt ông xuất hiện một vẻ lo lắng, bất an, kích động. Ông bảo Tiểu Mạnh mở rèm cửa sổ ra, đây cũng lại là một yêu cầu rất hiếm khi. Mao Chủ tịch đứng bên cửa sổ nhìn ra thật xa nơi tịch dương dần lặn, ông nhìn rất lâu, như nhập thần, như hóa đá. Đến khi thấy chủ tịch xoay người lại, Tiểu Mạnh vội hỏi: “Thưa Chủ tịch, trên trời sao lại trong chốc lát rơi xuống nhiều đá như vậy? Cũng thật may, không có ai bị thương”.
Mao Trạch Đông đọc sách

Mao Chủ tịch trầm ngâm một lát rồi nói: “Việc này trong lịch sử xảy ra nhiều rồi, không phải mới, chính sử chép cũng không ít, dã sử chép càng nhiều”. Xem ra chủ tịch hứng thú với vấn đề này. Ông lại hỏi Tiểu Mạnh: “Những ghi chép về mưa thiên thạch cô có đọc qua chưa? Những người trong nhà có nói gì không?”.

Tiểu Mạnh lắc đầu: “Tôi chưa từng đọc qua. Lúc nhỏ có nghe mẹ tôi kể rằng ở thôn gần làng tôi vào một đêm nọ bỗng nhiên rơi xuống một khối đá lớn như cái cối xay. Về sau khối đá này lại bị gió cuốn đi mất. Chà, thật là hoang đường, tôi không tin được”.

- Ồ, chuyện mẹ cô kể mà cô còn không tin ư?

- Tôi không tin, chủ tịch có tin không?

- Tôi thì tin đấy, Trung Quốc có một thuyết gọi là “Thiên-nhân cảm ứng”. Thuyết ấy nói rằng trong nhân gian sắp xảy ra một sự biến đổi lớn nào đó thì đại tự nhiên cũng sẽ biểu hiện ra, dự báo trước cho con người. Việc lành thì hiện điềm lành, việc dữ thì hiện điềm dữ”.

Mao Chủ tịch nói đến đây, dừng lại một lát rồi tiếp tục:

- Trời rung đất chuyển, trên trời rơi xuống đá lớn, đó là điềm báo chết người vậy. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, khi Gia Cát Lượng, Triệu Vân... qua đời đều có xảy ra các hiện tượng sao rụng đá rơi, gãy cột cờ. Những danh nhân, đại nhân vật đúng là không giống người thường, khi chết cũng phải chết có thanh có sắc, không như bình thường”.

Mao Chủ tịch nói những lời này đầy vẻ cảm khái, có chút kích động. Ông tựa hồ trấn áp cơn kích động, lấy lại giọng bình tĩnh:

- Nhưng nếu ai chết cũng đều rơi đá thì sợ rằng địa cầu đã nặng đến mức không thể quay nổi...

Mao Chủ tịch đi lại mấy bước trong phòng rồi ngồi trên xa lông, hỏi Tiểu Mạnh: “Tôi nói những điều này, cô có tin không?”. Tiểu Mạnh hỏi ngược lại: “Đại nhân vật lúc sắp mất, trên trời sẽ rơi xuống đá lớn, chủ tịch tin thế thật sao?”.

Mao Chủ tịch không trả lời ngay, ông trầm tư một lát mới nói: “Tại sao cổ nhân lại bịa đặt ra những chuyện này?”. Ông nói, giống như trả lời mà cũng như hỏi...

Trận mưa thiên thạch khủng khiếp kể trên khiến dư luận trong dân gian không ngớt bàn tán. Người ta cho rằng 3 viên thiên thạch lớn nhất là điềm báo trước 3 nhân vật trọng yếu nhất Trung Quốc qui thiên: đó là Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và Tổng tư lệnh Chu Đức, đều qua đời vào năm 1976. Còn những thiên thạch nhỏ tượng trưng cho những người chết trong vụ động đất kinh hoàng ở Đường Sơn xảy ra vào ngày 28-7-1976 làm 24 vạn người chết, 16 vạn người bị trọng thương...

“Thiên nhân tương ứng” hay “Thiên nhân cảm ứng”, “Thiên nhân hợp nhất” là một nhân sinh quan, vũ trụ quan phổ biến của người Trung Hoa cổ, là hạt nhân trong tư tưởng triết học của Lão giáo (Đạo giáo), Nho giáo (Khổng giáo). Nhưng đến đời Hán, triết gia Đổng Trọng Thư (179-104 trước Công nguyên), mới trình bày một cách hệ thống và ảnh hưởng xuyên suốt qua các triều đại Trung Hoa về sau. Chính Đổng Trọng Thư đã giúp Hán Vũ Đế độc tôn Nho học. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là Xuân thu phồn lộ, Thiên nhân tam sách... nói rõ quan hệ tương hỗ giữa người và trời, cho rằng những việc làm của người sẽ tác động đến trời và trời sẽ thể hiện sự ảnh hưởng của mình với người qua các điềm triệu báo trước...
Thượng Văn trích dịc